Bản tin thời sự sáng 18/10

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là lương tối thiểu có thể không kịp điều chỉnh vào ngày 1/1/2024; cựu Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai bị đề nghị truy tố 10 đến 15 năm tù; Sở Xây dựng Hà Nội nêu phương án cấp đủ nước sạch cho khu đô thị Thanh Hà; TP.HCM kiến nghị cơ chế mua bán điện mặt trời lắp trên mái nhà…

Lương tối thiểu có thể không kịp điều chỉnh vào ngày 1/1/2024

Hội đồng Tiền lương quốc gia dự kiến khởi động lại thương lượng tăng lương tối thiểu vùng vào cuối tháng 11 nên có thể không kịp điều chỉnh vào ngày 1/1/2024.

Giờ tan ca của công nhân Pouyuen, doanh nghiệp đông lao động nhất TP.HCM

Giờ tan ca của công nhân Pouyuen, doanh nghiệp đông lao động nhất TP.HCM

Ông Tống Văn Lai, Vụ phó Quan hệ lao động và Tiền lương cho biết, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã báo cáo Chính phủ lùi thời gian trình phương án tăng lương tối thiểu tới cuối năm nay. Dự kiến hết tháng 11, Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ bàn bạc về thời điểm và mức tăng.

"Quý IV, Hội đồng mới họp bàn phương án, sau đó khuyến nghị Chính phủ thì chắc chắn không kịp điều chỉnh lương tối thiểu vào đầu năm 2024", ông Lai nói.

Theo thông lệ, mỗi kỳ họp hội đồng diễn ra 2-3 phiên. Phương án và thời điểm tăng lương thường chốt vào phiên họp thứ ba, nhanh nhất vào phiên thứ hai khi các bên tìm được tiếng nói chung.

Tại phiên họp đầu tiên vào đầu tháng 8, Hội đồng Tiền lương quốc gia thống nhất hoãn thương lượng tăng lương tối thiểu đến cuối năm nay mới bàn thảo tiếp về thời điểm và mức tăng. Nguyên nhân là kinh tế sụt giảm khiến hơn nửa triệu lao động mất việc, giảm giờ làm, CPI sáu tháng đầu năm tăng 3,29% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát tăng 4,74%.

Phía Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị tăng khoảng 6%, tức tiền lương tương ứng thấp nhất 195.000 đồng với vùng IV và 280.000 đồng với vùng I. Song Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng tìm kiếm đơn hàng, giữ được việc cho lao động cấp thiết hơn tăng lương.

Cựu Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai bị đề nghị truy tố 10 đến 15 năm tù

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lào Cai vừa hoàn tất kết luận điều tra bổ sung vụ án khai thác quặng apatit trái phép, đề nghị truy tố 16 bị can về các tội danh: Rửa tiền; Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên; Lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Ông Nguyễn Văn Vịnh, cựu Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai.

Ông Nguyễn Văn Vịnh, cựu Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai.

Trong số các bị can, cựu Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Nguyễn Văn Vịnh bị đề nghị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Về nội dung bản kết luận điều tra bổ sung nêu về hậu quả, vai trò, Nguyễn Văn Vịnh với cương vị là Phó Chủ tịch, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai là người chịu trách nhiệm chính, trực tiếp trong công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao làm trái công vụ, đã ký các văn bản, tài liệu có nội dung không đúng thẩm quyền, trái quy định của pháp luật về công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản liên quan diện tích 3,77ha, dự án khách sạn nhà hàng của Công ty TNHH XDTM Lilama (Công ty Lilama) tại thôn 2 xã Đồng Tuyển, TP Lào Cai.

Việc làm này mục đích để Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam (Công ty Apatit Việt Nam) và Công ty Lilama lợi dụng khai thác và tiêu thụ trái phép 1,5 triệu tấn quặng apatit có trị giá hơn 610 tỷ đồng.

Theo cơ quan điều tra, căn cứ kết quả giám định trữ lượng quặng apatit trong diện tích 3,77ha thuộc Khai trường 18 tại thôn 2, xã Đồng Tuyển, TP Lào Cai của Bộ TN&MT; Căn cứ các văn bản, tài liệu do bị can Nguyễn Văn Vịnh ký có nội dung trái quy định của pháp luật, Cơ quan điều tra xác định hậu quả thiệt hại do hành vi phạm tội của bị can Nguyễn Văn Vịnh gây ra, từ năm 2012 đến năm 2015, Công ty Lilama và Công ty Apatit Việt Nam đã khai thác và tiêu thụ trái phép 974 nghìn tấn quặng apatit các loại có trị giá 312,6 tỷ đồng.

Hành vi của bị can Nguyễn Văn Vịnh đã phạm vào tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại khoản 3, Điều 281 Bộ luật Hình sự.

Với tội danh và các tình tiết nêu trên, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lào Cai đề nghị truy tố bị can Nguyễn Văn Vịnh khung hình phạt từ 10 đến 15 năm tù.

Sở Xây dựng Hà Nội nêu phương án cấp đủ nước sạch cho khu đô thị Thanh Hà

Sở Xây dựng Hà Nội vừa yêu cầu các công ty nước sạch trên địa bàn thành phố phải điều tiết nguồn cấp nước ổn định cho khu đô thị Thanh Hà với sản lượng khoảng 2.000m3/ngày đêm.

Các sở, ngành của TP Hà Nội đang tìm phương án khắc phục tình trạng thiếu nước trong khu đô thị Thanh Hà

Các sở, ngành của TP Hà Nội đang tìm phương án khắc phục tình trạng thiếu nước trong khu đô thị Thanh Hà

Theo đó, Sở Xây dựng yêu cầu các công ty nước sạch ở Hà Nội thông qua hệ thống cấp nước do Công ty nước sạch Hà Đông quản lý có trách nhiệm điều tiết nước ổn định cho khu đô thị Thanh Hà.

Về lâu dài, để đảm bảo nước ổn định cho khu đô thị Thanh Hà, Sở Xây dựng Hà Nội đề nghị đơn vị liên quan cải tạo trạm cấp nước cục bộ trong khu đô thị này.

Ngoài ra, Sở Xây dựng còn đề nghị Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội tăng cường công tác kiểm tra đột xuất chất lượng nước tại khu đô thị Thanh Hà. UBND quận Hà Đông, huyện Thanh Oai cũng có trách nhiệm trong việc kiểm tra chất lượng nguồn nước khu đô thị này.

Từ đầu tháng 10 đến nay, nhiều người trong khu đô thị Thanh Hà bị mẩn ngứa khắp người. Nước nặng mùi thuốc tẩy nên người dân nghi nguồn nước do Công ty cổ phần nước sạch Thanh Hà cấp không đảm bảo chất lượng. Sau phản ánh, đối chất với đơn vị cấp nước, thì hàng nghìn người dân ở đây mất nước sinh hoạt.

Sau đó, Sở Xây dựng và huyện Thanh Oai cùng vào cuộc để đảm bảo nước sạch cho các hộ dân trong khu đô thị Thanh Hà. Tuy nhiên, những ngày này, hơn 3.000 người ở 3 tòa HH03A - HH03B - HH03C vẫn sống trong tình cảnh được cấp nước nhỏ giọt.

Đến nay, huyện Thanh Oai đang tính đến phương án cho đấu nối đường ống nước sạch từ ngã ba Xa La (Hà Đông) về khu đô thị Thanh Hà. Ngoài ra, huyện cũng sẽ cùng cơ quan chức năng đánh giá năng lực của đơn vị cung cấp nước cho khu đô thị này.

TP.HCM kiến nghị cơ chế mua bán điện mặt trời lắp trên mái nhà

TP.HCM kiến nghị Thủ tướng ban hành cơ chế mua bán sản lượng không dùng hết của điện mặt trời mái nhà, nhằm khuyến khích đầu tư loại nguồn này.

Lắp đặt điện mặt trời mái nhà tại TP.HCM

Lắp đặt điện mặt trời mái nhà tại TP.HCM

Thông tin nêu tại kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan về triển khai cơ chế đặc thù cho thành phố theo Nghị quyết 98, sử dụng mái nhà là tài sản công để lắp điện mặt trời.

Theo đó, lãnh đạo thành phố chỉ đạo Sở Công Thương, Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCM) kiến nghị EVN, Bộ Công Thương và Thủ tướng ban hành cơ chế mua bán sản lượng điện không sử dụng hết từ hệ thống điện mặt trời mái nhà. Việc trên nhằm khuyến khích phát triển loại nguồn năng lượng tái tạo này. Sở Công Thương TP.HCM được giao hoàn thành đề án, báo cáo cấp có thẩm quyền cuối tháng 11.

Thực tế, gần ba năm sau khi Quyết định 13 về khuyến khích phát triển điện mặt trời hết hiệu lực cuối năm 2020, cơ chế mới cho loại nguồn điện này vẫn chưa được cấp có thẩm quyền ban hành. Điều này đồng nghĩa từ cuối 2020 đến nay, hệ thống điện mặt trời mái nhà không được đấu nối vào lưới điện.

Báo cáo của Tổng Công ty Điện lực TP.HCM cho thấy đến cuối năm 2022, thành phố có trên 14.150 hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất hơn 355 MWp, chiếm khoảng 7% tổng công suất toàn hệ thống điện. Gần 99% trong số này được lắp đặt để tự sử dụng tại chỗ. Từ đầu 2021 đến nay, việc ký hợp đồng mua bán loại điện này tạm dừng để chờ cơ chế, chính sách mới của Chính phủ.

Ngoài đề xuất cơ chế mới cho điện mặt trời mái nhà, TP.HCM cũng lập đề án lắp loại nguồn điện này trên mái các trụ sở, cơ quan. Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan yêu cầu các sở, ngành nghiên cứu lập phương án đầu tư tổng thể. Trên cơ sở này, Sở Công Thương xây dựng tiêu chí đánh giá trụ sở đủ điều kiện lắp đặt, khái toán khối lượng, tổng mức đầu tư. Ngoài ra, Sở này cũng được giao đánh giá hiệu quả đầu tư lâu dài việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái các công trình, trụ sở công.

Những ngân hàng đầu tiên báo lãi giảm

Lợi nhuận của BacABank quý III giảm hơn 70% cùng kỳ, còn VPBank cũng ghi nhận quý thứ tư liên tiếp lợi nhuận giảm.

Giao dịch tại quầy một ngân hàng thương mại cổ phần

Giao dịch tại quầy một ngân hàng thương mại cổ phần

Bức tranh lợi nhuận của ngành ngân hàng dần lộ diện khi một số ngân hàng bắt đầu công bố báo cáo tài chính. Tuy nhiên, áp lực chi phí vốn cao, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng nhanh, cùng sự suy giảm ở một số mảng hoạt động khiến tình hình chung kém khả quan.

Là ngân hàng công bố báo cáo tài chính đầu tiên, Ngân hàng Bắc Á ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý III chỉ hơn 77 tỷ đồng, giảm hơn 70% cùng kỳ năm trước. Trừ hoạt động kinh doanh ngoại hối, các mảng khác của Bắc Á đều sụt giảm. Trong đó, "nồi cơm" chính là hoạt động tín dụng ghi nhận thu nhập lãi thuần chỉ hơn 420 tỷ đồng, giảm hơn 30% so với quý III/2022.

Sự thu hẹp về kết quả nhiều mảng kinh doanh, trong khi chi phí hoạt động chỉ giảm hơn 10% khiến nhà băng này chỉ còn hơn 100 tỷ đồng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh, bằng 1/3 so với cùng kỳ.

Đà giảm trong quý III cũng khiến kết quả kinh doanh 9 tháng của Bắc Á chậm lại. Lợi nhuận trước thuế từ đầu năm của nhà băng này ghi nhận hơn 550 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng giai đoạn năm trước.

Điểm tích cực là tốc độ tăng quy mô tổng tài sản và huy động của Bắc Á vẫn giữ ở ngưỡng hai con số. Tới cuối quý III, tổng tài sản của ngân hàng này tăng hơn 12% so với đầu năm, lên 145.000 tỷ đồng.

Tương tự Bắc Á, lợi nhuận của Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) ghi nhận quý giảm thứ tư liên tiếp. Ba tháng gần nhất, ngân hàng này có lãi trước thuế hợp nhất chỉ hơn 3.100 tỷ đồng, giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm trước.

Ảnh hưởng lớn nhất trên báo cáo hợp nhất là thu từ hoạt động tín dụng và hoạt động khác. Thu nhập lãi thuần hợp nhất của VPBank ghi nhận hơn 8.800 tỷ đồng, giảm 15%, còn lợi nhuận khác chỉ ghi nhận gần 500 tỷ, so với mức hơn 1.200 tỷ đồng trong quý III năm trước.

Lắp cửa chống ngập ba ga ngầm Metro Bến Thành - Suối Tiên

Cửa vào ga ngầm Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) được thiết kế hai bậc với các tấm ngăn nước linh hoạt có thể chống lũ 100-300 năm mới xuất hiện một lần.

Cửa ngăn nước có thể thay đổi chiều cao lắp đặt tại ga Bến Thành

Cửa ngăn nước có thể thay đổi chiều cao lắp đặt tại ga Bến Thành

Sáng 17/10, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR - chủ đầu tư) cho biết nhà thầu vừa lắp đặt các cửa ngăn nước tại ba ga ngầm thuộc tuyến Metro số 1, gồm: Bến Thành, Nhà hát thành phố và Ba Son. Đây là hạng mục đã có trong thiết kế trước khi dự án được triển khai.

Các cửa này được thiết kế dựa trên số liệu về mực nước cao nhất có thể xảy ra nhằm chống ngập cho các nhà ga, trong điều kiện TP HCM chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu.

Cụ thể, cửa cao hơn 30 cm so với mức lũ 100 năm, và có thể điều chỉnh để ngăn nước cả những trận lũ 300 năm mới xuất hiện một lần. Theo tiêu chuẩn này, cửa vào các ga ngầm có hai bậc, cùng các tấm chắn ngăn nước với chiều cao tương ứng thay đổi từ 30 cm đến 90 cm. Ngoài ra, còn có một mái che bố trí dọc chiều dài của cửa để tránh mưa.

Trường hợp nước vượt qua tấm ngăn, MAUR cho biết việc chống ngập nhà ga được tính toán bằng nhiều biện pháp như: dùng bao cát hoặc máy bơm công suất lớn hút nước từ các bể thu trong các tầng ngầm rồi đưa ra ngoài. Việc sơ tán khẩn cấp hành khách tại các tầng thấp nếu xảy ra nước tràn vào cũng đã được lên phương án cụ thể.

Dài gần 20 km, Bến Thành - Suối Tiên là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TP.HCM, tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng. Toàn tuyến có 14 ga, gồm 3 ga ngầm (đều ở quận 1) và 11 ga trên cao. Dự án hiện đã hoàn thành hơn 95%, dự kiến khai thác thương mại từ tháng 7 năm sau.

Xem xét đình chỉ 3 chủ tịch xã tại Hà Nội trong vụ chung cư mini 200 phòng xây sai phép

Huyện ủy Thạch Thất (Hà Nội) sẽ họp để xem xét tạm đình chỉ công tác với 3 chủ tịch xã, liên quan vụ chung cư mini My Home 9 tầng với 200 phòng ngủ xây sai phép.

Chung cư mini 9 tầng với 200 phòng ở huyện Thạch Thất bị phản ánh xây sai phép

Chung cư mini 9 tầng với 200 phòng ở huyện Thạch Thất bị phản ánh xây sai phép

Thông tin trên được Bí thư Huyện ủy Thạch Thất (Hà Nội) Lê Minh Đức cho biết bên lề phiên chất vấn của HĐND Hà Nội, chiều 17/10.

Theo đó, huyện Thạch Thất sẽ họp và xem xét đình chỉ công tác với 3 chủ tịch xã để khắc phục tồn tại, liên quan công trình chung cư mini tên My Home nằm trên đường Phú Hữu (thôn 1, xã Tân Xã, huyện Thạch Thất). Công trình này vừa bị phản ánh xây sai phép, quy mô 9 tầng với gần 200 căn hộ.

3 chủ tịch xã liên quan gồm xã Tân Xã, Thạch Hòa và Bình Yên.

"Riêng với chung cư mà báo chí phản ánh, sáng 17/10, lực lượng chức năng địa phương đã tiến hành cắt phần mái, từng bước xử lý. Chúng tôi sẽ rà soát những sai phạm liên quan tới công trình trên từ đất đai, cấp phép và xây dựng, sai đến đâu xử đến đó", ông Đức nói.

Dự kiến chiều 18/10, Huyện ủy Thạch Thất sẽ tổ chức phiên họp của Thường trực Huyện ủy và sau đó ra kết luận chính thức về việc đình chỉ 3 chủ tịch xã nói trên.

Trước đó ngày 13/10, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh có văn bản dẫn phản ánh của báo chí về chung cư mini tên My Home xây sai phép với quy mô không khác gì một dự án nhà ở xã hội. Chủ tịch Hà Nội giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp Văn phòng UBND TP, UBND huyện Thạch Thất kiểm tra, làm rõ, xem xét trách nhiệm của tập thể, cá nhân.

Trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, Chủ tịch Trần Sỹ Thanh yêu cầu chuyển cơ quan điều tra xử lý theo thẩm quyền.

Quảng Ninh bắn pháo hoa mừng 60 năm ngày thành lập tỉnh

Tỉnh Quảng Ninh sẽ bắn 900 quả pháo hoa tầm cao, 600 quả tầm thấp trong vòng 15 phút tại lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập tỉnh.

Quảng Ninh sẽ bắn pháo hoa mừng 60 năm ngày thành lập tỉnh

Quảng Ninh sẽ bắn pháo hoa mừng 60 năm ngày thành lập tỉnh

Lễ kỷ niệm thành lập tỉnh Quảng Ninh diễn ra tại Quảng trường 30/10, phường Hồng Hải, TP Hạ Long, lúc 19h30 ngày 28/10.

Buổi lễ kết hợp diễu binh, diễu hành và chương trình nghệ thuật đặc sắc với sự tham gia của 10.000 người, kết thúc bằng màn bắn pháo hoa 15 phút trên vịnh Hạ Long.

Tỉnh Quảng Ninh cho biết, đây là lần bắn pháo hoa quy mô lớn nhất từ trước tới nay ở địa phương, nguồn kinh phí lấy từ ngân sách và xã hội hóa.

Tỉnh Quảng Ninh được thành lập ngày 30/10/1963 khi Quốc hội quyết định hợp nhất tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng. Từ một tỉnh nghèo, Quảng Ninh vươn lên trở thành một cực tăng trưởng của phía Bắc.

Năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Quảng Ninh đạt hơn 10%, đứng thứ 13/63 tỉnh, thành phố trên cả nước; đứng thứ hai về quy mô nền kinh tế với 269.000 tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người ước đạt hơn 197 triệu đồng; đứng thứ ba về thu hút FDI với 20 dự án, tổng vốn hơn 2,1 tỷ USD (hơn 51.000 tỷ đồng).

Ba cán bộ bị khởi tố trong vụ sạt lở ở Đà Lạt

Hai cán bộ Phòng quản lý đô thị và một người ở phường 10, TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) bị cáo buộc thiếu trách nhiệm khi kiểm tra công trình taluy, trong vụ sạt lở khiến 2 người chết.

Bờ taluy trên đường Hoàng Hoa Thám, phường 10, TP Đà Lạt rạng sáng 29/6

Bờ taluy trên đường Hoàng Hoa Thám, phường 10, TP Đà Lạt rạng sáng 29/6

Ngày 17/10, Mạc Phương Hải, Trần Quốc Hà (cùng là cán bộ Phòng quản lý đô thị) và Võ Khánh Toàn (cán bộ phường 10) bị Công an TP Đà Lạt khởi tố về hành vi Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Các bị can được tại ngoại.

Theo điều tra, ngày 17/4, ông Hải và Hà cùng UBND phường 10, TP. Đà Lạt kiểm tra công trình số 36, Hoàng Hoa Thám nhưng không đối chiếu hồ sơ thiết kế, thi công thực tế lẫn giấy phép xây dựng. Việc này dẫn đến không phát hiện chủ đầu tư đã xây taluy quá cao, quá dài, nên không đình chỉ thi công công trình.

Đến rạng sáng 29/6, một đoạn bờ taluy của công trình bất ngờ đổ sập. Hàng nghìn khối đất đá đổ tràn xuống phía dưới gây hư hỏng, vùi lấp ba căn nhà 3-4 tầng, lán trại, làm hai người chết, 5 người bị thương.

Sau hơn nửa tháng điều tra, ngày 13/7, Công an TP Đà Lạt khởi tố Nguyễn Uy Vũ (Giám đốc Công ty cổ phần xây dựng Lê Nguyễn Lâm Đồng (đơn vị thiết kế, thi công bờ taluy) và Dương Viết Phong (giám sát thuộc đơn vị tư nhân) về hành vi Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 298 Bộ luật Hình sự.

Chuyên đề