Bản tin thời sự sáng 18/1

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Phú Quốc lọt top 23 điểm đáng đến năm 2023 do tạp chí Mỹ bình chọn; FLC Stone bị phạt 170 triệu đồng do lỗi công bố thông tin; gần 52.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp bất động sản được phát hành năm 2022; Bộ Công an bắt 3 cán bộ liên quan đến Thuduc House; gần 4.000 người xuất nhập cảnh qua cửa khẩu Móng Cái sau thông quan…

Phú Quốc lọt top 23 điểm đáng đến năm 2023 do tạp chí Mỹ bình chọn

Tạp chí Travel+Leisure vừa công bố danh sách 23 điểm đến đáng đi du lịch nhất trong năm 2023, trong đó ngợi ca Phú Quốc là ngôi sao mới của du lịch Việt Nam.

Phú Quốc lọt top 23 điểm đáng đến năm 2023 do tạp chí Mỹ bình chọn.

Phú Quốc lọt top 23 điểm đáng đến năm 2023 do tạp chí Mỹ bình chọn.

Theo Travel+Leisure, danh sách 23 điểm đến tốt nhất được chọn lọc kỹ càng, bao gồm những điểm đến cũ được yêu thích và các địa danh mang đến trải nghiệm mới thú vị.

Phú Quốc xếp thứ 3 trong danh sách và được xem là một trong những ngôi sao mới của du lịch Việt Nam. Việc kết nối hàng không tốt hơn từ Việt Nam đã mang đến cho du khách quốc tế cơ hội khám phá điểm đến mới của đất nước Đông Nam Á, bên cạnh TP.HCM, Hà Nội hay Vịnh Hạ Long.

Tạp chí du lịch của Mỹ nhận định, một nơi đẹp mê hồn với những bãi biển cát trắng, những cánh rừng xanh với thác nước, hồ đá và hang động. Được mệnh danh là “Đảo Ngọc”, hơn một nửa diện tích Phú Quốc được bảo vệ như một Khu Dự trữ Sinh quyển của UNESCO.

Cùng với các đặc sản địa phương như hải sản, nước mắm, Travel+Leisure cũng đánh giá cao những khu nghỉ dưỡng sang trọng tại Phú Quốc. Theo đó, các khu nghỉ dưỡng đều hướng tới sự bền vững, khiến nơi đây trở thành thiên đường cho những du khách yêu du lịch có trách nhiệm.

Phú Quốc là hòn đảo lớn nhất nước ta (567 km2) và cũng là hòn đảo đầu tiên trên cả nước chính thức trở thành thành phố biển đảo vào năm 2021. Hòn đảo này sở hữu điều kiện tự nhiên vô giá để phát triển du lịch như khí hậu ôn hòa, nắng ấm áp quanh năm, núi đồi trùng điệp và biển đảo rộng lớn với 28 hòn đảo lớn nhỏ, 150 km đường bờ biển, 14 bãi biển đa dạng cát vàng, cát trắng mịn như kem… Trong đó, Vườn quốc gia Phú Quốc, Khu bảo tồn biển Phú Quốc chiếm hơn 2/3 diện tích tự nhiên là vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang.

FLC Stone bị phạt 170 triệu đồng do lỗi công bố thông tin

Cả hai khoản xử phạt hành chính với tổng giá trị 170 triệu đồng của FLC Stone đều liên quan đến lỗi công bố thông tin.

FLC Stone bị phạt 170 triệu đồng do lỗi công bố thông tin

FLC Stone bị phạt 170 triệu đồng do lỗi công bố thông tin

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone (AMD) trước hàng loạt sai phạm liên quan đến công bố thông tin. Doanh nghiệp có địa chỉ đăng ký tại tầng 5 tòa nhà FLC Landmark Tower (đường Lê Đức Thọ, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).

Theo đó, FLC Stone bị phạt 100 triệu đồng do có hành vi không công bố đối với thông tin phải công bố theo quy định pháp luật.

Cụ thể, doanh nghiệp không công bố thông tin trên hệ thống của UBCKNN, trên trang thông tin điện tử của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM và của công ty các văn bản gồm: Nghị quyết HĐQT số 24/09/2021/NQ-HĐQT về việc sử dụng tài sản bên thứ 3 (liên quan đến ông Lã Quý Hiển - Thành viên HĐQT) làm tài sản đảm bảo khoản vay tại ngân hàng; Báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm 2022.

Ngoài ra, FLC Stone không công bố thông tin Báo cáo thường niên năm 2021 đúng thời hạn trên hệ thống của UBCKNN, trên trang thông tin điện tử của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM và của Công ty.

Doanh nghiệp bị phạt thêm 70 triệu đồng vì công bố thông tin không đầy đủ nội dung theo quy định pháp luật.

Cụ thể, tại Báo cáo tài chính riêng năm 2020, năm 2021 đã kiểm toán, Công ty không thuyết minh về các bên liên quan với Công ty, giao dịch với các bên liên quan của người nội bộ Công ty, giao dịch với công ty con của Công ty; Báo cáo quản trị công ty năm 2020, năm 2021 có nội dung không đầy đủ theo mẫu quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư số 96/2020/TT-BTC ngày 16/11/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.

Gần 52.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp bất động sản được phát hành năm 2022

Nếu so với cùng kỳ năm 2021, số lượng phát hành trái phiếu của nhóm doanh nghiệp bất động sản đã sụt giảm gần 76%. Năm 2023, sẽ có khoảng 289.819 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, trong đó lượng trái phiếu bất động sản là hơn 119.000 tỷ đồng...

Gần 52.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp bất động sản được phát hành năm 2022

Gần 52.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp bất động sản được phát hành năm 2022

Số liệu tổng hợp từ Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho thấy, trong năm 2022, giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng là 10.599 tỷ đồng, giảm 65% so với năm trước, chiếm khoảng 4% tổng giá trị phát hành. Giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ là 247.976 tỷ đồng, giảm 65%, chiếm khoảng 96% tổng giá trị phát hành.

Như vậy, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong năm qua đạt 258.575 tỷ đồng.

Nhóm ngân hàng hiện vẫn dẫn đầu về giá trị phát hành với tổng giá trị đạt 136.772 tỷ đồng, tương đương 53,6% tổng giá trị phát hành. Kỳ hạn phát hành bình quân của nhóm này là 5,47 năm, lãi suất phát hành trung bình là 5,48%/năm.

Trong khi đó, nhóm bất động sản đứng ở vị trí thứ hai với 51.979 tỷ đồng, chiếm khoảng 20,4%. So với cùng kỳ năm 2021 ghi nhận hơn 214.000 tỷ đồng, lượng trái phiếu do nhóm doanh nghiệp địa ốc phát hành sụt giảm gần 76%.

Trong năm 2022, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại đạt hơn 210.573 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ năm 2021. Riêng trong tháng 12, tính đến thời điểm 30/12/2022, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn trong tháng là 39.542 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ tháng 12/2021.

Đáng chú ý, theo VBMA, trong năm 2023, sẽ có khoảng 289.819 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn. Trong đó, số lượng trái phiếu bất động sản đáo hạn rơi vào khoảng hơn 119.000 tỷ đồng. Tính riêng tháng 1/2023, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn là gần 17.458 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở nhóm bất động sản và xây dựng.

Dự kiến có sắc thuế riêng với chứng khoán phái sinh

Dự thảo xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 đề xuất thu thuế riêng với chứng khoán phái sinh.

Dự thảo xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 đề xuất thu thuế riêng với chứng khoán phái sinh

Dự thảo xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 đề xuất thu thuế riêng với chứng khoán phái sinh

Những đề xuất này được đề cập trong dự thảo xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 đang được Bộ Tư pháp hoàn thiện để trình lên Chính phủ.

Với hoạt động chuyển nhượng chứng khoán, thu nhập chịu thuế hiện nay được xác định là giá chuyển nhượng từng lần với thuế suất 0,1%. Luật Chứng khoán 2019 quy định, chứng khoán bao gồm cổ phiếu, trái phiếu, chứng khoán phái sinh và các loại chứng khoán khác. Tuy nhiên, có sự khác biệt về bản chất giữa chứng khoán cơ sở và chứng khoán phái sinh.

Giá trị của chứng khoán phái sinh phụ thuộc vào giá trị của một hoặc nhiều loại tài sản cơ sở, do đó, chứng khoán phái sinh không có đầy đủ giá trị nội tại như chứng khoán cơ sở. Nhà đầu tư nắm giữ chứng khoán phái sinh không được hưởng các quyền cổ đông nắm giữ chứng khoán cơ sở, ví dụ, không có quyền tham dự đại hội đồng cổ đông; không có quyền nhận cổ tức.

Thị trường phái sinh cũng không diễn ra các giao dịch chuyển nhượng toàn bộ giá trị giao dịch và chuyển giao tài sản từ bên bán cho bên mua như thị trường cơ sở (trừ hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ chuyển giao vật chất giữ đến ngày đáo hạn). Giá trị của chứng khoán phái sinh được khuếch đại lên nhiều lần do hệ số nhân hợp đồng khi thiết kế các sản phẩm. Việc thanh toán chuyển giao giữa các nhà đầu tư chỉ là giá trị chênh lệch giá (lãi hoặc lỗ).

Dự thảo đề xuất cần thiết có quy định riêng về thuế đối với chứng khoán phái sinh để phù hợp với bản chất hoạt động kinh doanh, phân biệt với chứng khoán cơ sở, qua đó góp phần tăng thu ngân sách nhà nước.

Bộ Công an bắt 3 cán bộ liên quan đến Thuduc House

Liên quan đến những sai phạm xảy ra tại Thuduc House, Bộ Công an đã khởi tố 4 cán bộ, trong đó 3 người bị bắt giam.

Bộ Công an bắt 3 cán bộ thuộc Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn Khu vực I, Cục Hải quan TP.HCM liên quan đến Thuduc House

Bộ Công an bắt 3 cán bộ thuộc Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn Khu vực I, Cục Hải quan TP.HCM liên quan đến Thuduc House

Liên quan đến những sai phạm tại Công ty CP Phát triển nhà Thủ Đức (Thuduc House) và các đơn vị liên quan, ngày 17/1, Bộ Công an đã thi hành lệnh bắt để tạm giam Phạm Duy Bình, Nguyễn Duy Linh và Hoàng Trung Kiên (cùng là công chức thuộc Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn Khu vực I, Cục Hải quan TP.HCM).

Liên quan đến vụ án, Bộ Công an cũng khởi tố Hồ Hoàng Hải (cũng là công chức thuộc Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn Khu vực I, Cục Hải quan TP.HCM), bị can Hải được tại ngoại.

Cả 4 bị can nói trên cùng bị khởi tố tội danh "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" quy định tại Khoản 3 Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Trước đó, Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang VKSND Tối cao đề nghị truy tố 34 bị can trong vụ án liên quan đến Thuduc House.

Kết luận điều tra cho thấy, các bị can đã lừa đảo, chiếm đoạt của nhà nước hơn 538 tỷ đồng tiền thuế GTGT; vận chuyển trái phép 51.675.638,9 USD (tương đương 1.205 tỷ đồng) từ Việt Nam ra nước ngoài và 22.731.686,6 USD (tương đương 528 tỷ đồng) từ nước ngoài về Việt Nam; buôn lậu hàng hóa trị giá 2,8 tỷ đồng; nhận hối lộ 7,4 tỷ đồng; sản xuất, buôn bán hàng giả trị giá 986 tỷ đồng...

Truy tố Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn dược phẩm Vimedimex

Bà Nguyễn Thị Loan bị cáo buộc có nhiều sai phạm trong quá trình đấu giá quyền sử dụng khu đất phía Đông Nam huyện Đông Anh, Hà Nội, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 135 tỷ đồng.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn dược phẩm Vimedimex Nguyễn Thị Loan.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn dược phẩm Vimedimex Nguyễn Thị Loan.

VKSND TP. Hà Nội vừa ban hành cáo trạng truy tố bà Nguyễn Thị Loan (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn dược phẩm Vimedimex) và 8 người khác về tội "Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản", theo Điều 218 Bộ luật Hình sự.

Các bị can trên liên quan đến vụ án sai phạm trong quá trình đấu giá quyền sử dụng khu đất phía Đông Nam, thôn Cổ Dương, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, Hà Nội, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 135 tỷ đồng.

Theo cơ quan tố tụng, ngày 27/2/2020, UBND TP. Hà Nội phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2020, giao UBND huyện Đông Anh công khai và tổ chức thực hiện, trong đó có Dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đấu giá quyền sử dụng đất phía Đông Nam Đông Anh.

Dự án này sau đó được UBND huyện Đông Anh phê duyệt và giao cho Ban Quản lý dự án và đầu tư xây dựng huyện Đông Anh tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư các ô đất thuộc Dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đấu giá quyền sử dụng khu đất phía Đông Nam thôn Cổ Dương.

VKS xác định, quá trình định giá khu đất, 3 bị can là Nguyễn Thị Diệu Linh (Tổng Giám đốc Công ty CP Thẩm định giá và đầu tư Hà Nội), Nguyễn Ngọc Thắng (Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thẩm định giá và đầu tư Hà Nội) và Nguyễn Đức Phương (thẩm định viên Công ty CP Thẩm định giá và đầu tư Hà Nội) đã không khách quan trong định giá mà đã làm theo đề nghị của Trần Công Tuyên (Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng và giải phóng mặt bằng thuộc Ban Quản lý dự án Đông Anh, Hà Nội) và Vương Thị Thu Thủy (cán bộ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Đông Anh), hạ giá trị khu đất để ban hành Chứng thư định giá đất.

Hành vi này đã làm sai lệch giá khởi điểm đưa vào đấu giá khu đất, tạo điều kiện cho các công ty của Nguyễn Thị Loan tham gia thông thầu và trúng đấu giá, gây thiệt hại cho Nhà nước.

Gần 4.000 người xuất nhập cảnh qua cửa khẩu Móng Cái sau thông quan

Các trường hợp xuất cảnh qua Cửa khẩu quốc tế Móng Cái đến thời điểm này chủ yếu là người Trung Quốc hồi hương sau 3 năm "mắc kẹt" vì dịch Covid-19.

Gần 4.000 người xuất nhập cảnh qua Cửa khẩu Móng Cái sau thông quan

Gần 4.000 người xuất nhập cảnh qua Cửa khẩu Móng Cái sau thông quan

Ngày 17/1, Ban Quản lý Cửa khẩu quốc tế Móng Cái Quảng Ninh thông tin, sau gần 10 ngày thông quan trở lại đã có gần 4.000 lượt người được làm thủ tục xuất nhập cảnh. Trong số đó, chủ yếu là người Trung Quốc xuất cảnh từ Việt Nam để về nước với 3.530 lượt người, 335 lượt người nhập cảnh.

Lũy kế từ ngày 1 - 16/1/2023 đã có trên 4.200 lượt người làm thủ tục thông quan. Trong số đó, nhập cảnh là 417 lượt người; xuất cảnh là 3.793 lượt người; tiếp nhận 24 người Việt Nam do Trung Quốc trao trả.

Để đảm bảo thông quan hàng hóa và các cư dân, trong thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão, các ngành chức năng tại cửa khẩu đều có kế hoạch bố trí đầy đủ quân số trực, đáp ứng nhu cầu của nhân dân và doanh nghiệp.

Từ ngày 8 - 16/1/2023, xuất nhập khẩu đạt 36.628 tấn hàng hóa. Trong số đó, tại cửa khẩu cầu Bắc Luân II: hàng hóa xuất nhập khẩu đạt 15.090 tấn (nhập khẩu đạt 13.257 tấn, xuất khẩu đạt 1.833 tấn), bình quân đạt 2.155 tấn hàng hóa xuất nhập khẩu/ngày, tương ứng với 938 phương tiện (388 phương tiện Việt Nam xuất cảnh; 550 phương tiện Trung Quốc nhập cảnh) trung bình đạt 134 phương tiện/ngày.

Chuyên đề