Bản tin thời sự sáng 17/8

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là khắc phục lỗi dán chồng thẻ thu phí ETC trước ngày 20/8; đường ống thép đưa nước vượt sông Vàm Cỏ Đông tưới tiêu cho 17.000 ha ở vùng biên giới; Hà Nội xác định vị trí cầu Mễ Sở vượt sông Hồng; Ninh Thuận mời gọi tài trợ quy hoạch khu vực sân bay Thành Sơn…

Khắc phục lỗi dán chồng thẻ thu phí ETC trước ngày 20/8

Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng khắc phục các lỗi dán chồng thẻ thu phí và hoàn thành trước ngày 20/8 tới.

Nhân viên của Công ty cổ phần Giao thông số Việt Nam (VDTC) dán thẻ thu phí không dừng cho phương tiện.

Nhân viên của Công ty cổ phần Giao thông số Việt Nam (VDTC) dán thẻ thu phí không dừng cho phương tiện.

Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các nhà cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng (ETC) xử lý tồn tại, bất cập trong công tác dán thẻ định danh hệ thống thu phí ETC.

Theo đó, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Tổng cục Đường bộ chủ trì kiểm tra, làm việc với Công ty CP Giao thông số Việt Nam (VDTC), Công ty TNHH Thu phí tự động VETC (VETC) xử lý dứt điểm tình trạng phương tiện bị tự động đăng ký sử dụng dịch vụ, đấu nối, dán chồng thẻ giữa 2 nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng.

Đối với các nhà cung cấp dịch vụ, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu rà soát, phối hợp để có giải pháp khắc phục ngay tồn tại bất cập trong việc đăng ký, dán thẻ tham gia dịch vụ; hỗ trợ chủ phương tiện có nhu cầu kích hoạt hoặc chuyển đổi tài khoản thu phí giữa các nhà cung cấp dịch vụ thu phí bảo đảm khả thi, thuận tiện cho chủ xe.

Đặc biệt, với các phương tiện bị tự động đăng ký dịch vụ, dán trùng thẻ của 2 nhà cung cấp dịch vụ phải hoàn thành khắc phục trước ngày 20/8 tới.

Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải cũng nhấn mạnh các nhà cung cấp dịch vụ chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu xảy ra sự cố và tranh chấp pháp lý trong quá trình vận hành hệ thống.

Đường ống thép đưa nước vượt sông Vàm Cỏ Đông tưới tiêu cho 17.000 ha ở vùng biên giới

Để đưa nước từ hồ Dầu Tiếng cách 50 km tưới tiêu cho 17.000 ha ở vùng biên giới, Tây Ninh lắp đường ống thép khủng để đưa nước vượt sông Vàm Cỏ Đông.

Tây Ninh lắp đường ống thép đưa nước vượt sông Vàm Cỏ Đông tưới tiêu cho 17.000 ha ở vùng biên giới

Tây Ninh lắp đường ống thép đưa nước vượt sông Vàm Cỏ Đông tưới tiêu cho 17.000 ha ở vùng biên giới

Công trình đường ống vượt sông thuộc Dự án Tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông, dẫn nước từ hồ Dầu Tiếng về phục vụ tưới tiêu cho gần 17.000 ha phục vụ sản xuất công, nông nghiệp hai huyện biên giới Châu Thành, Bến Cầu.

Ngoài ống dẫn nước qua sông, Dự án gồm kênh chuyển nước dài gần 17 km, kênh tưới chính 29 km, kênh cấp một hơn 71 km. Trên các kênh còn có các công trình như cầu máng, cống qua đường, cống qua kênh, cống điều tiết, cống lấy nước, tràn cuối kênh...

Đoạn đưa nước vượt sông Vàm Cỏ Đông dài 2,3 km, kết cấu bằng ống thép đặt trên giàn thép, với các trụ đỡ bằng bêtông cốt thép. Tại vị trí vượt sông có khẩu độ thông thuyền 30 m, chiều cao tĩnh không 6 m, kết cấu là ống thép đặt trên giàn thép. Hai bên ống nước là cầu dân sinh phục vụ công tác quản lý và người dân qua lại bằng xe máy, xe đạp và người đi bộ của hai xã Hảo Đước và Hòa Hội thuộc huyện Châu Thành.

Dự án được khởi công vào năm 2018 với tổng mức đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng từ nguồn vốn Trung ương và địa phương.

Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Tây Ninh cho biết, Dự án giai đoạn một đã hoàn thành được 95%, dự kiến hoàn thành cuối năm nay. Công trình khi hoàn thành, hứa hẹn sự thay đổi mang tính đột phá cho nông nghiệp địa phương, đặc biệt là vùng đất phía Tây sông Vàm Cỏ Đông.

Giai đoạn 2 của Dự án sẽ thực hiện bêtông hóa tuyến kênh chính qua địa bàn các xã Hòa Hội, Thành Long, Ninh Điền (huyện Châu Thành) và Long Phước (huyện Bến Cầu), dự kiến đến năm 2024 hoàn thành.

Hà Nội xác định vị trí cầu Mễ Sở vượt sông Hồng

Cầu Mễ Sở sẽ bắc qua sông Hồng, thuộc Vành đai 4, kết nối huyện Văn Giang (tỉnh Hưng Yên) và huyện Thường Tín (TP. Hà Nội).

Vị trí dự kiến xây dựng cầu Mễ Sở.

Vị trí dự kiến xây dựng cầu Mễ Sở.

UBND TP. Hà Nội vừa đề xuất Bộ Giao thông vận tải xem xét vị trí xây cầu Mễ Sở trên Vành đai 4, cách trạm bơm Hồng Vân, huyện Thường Tín, khoảng 600 m về phía hạ lưu. Ở huyện Văn Giang, đường dẫn lên cầu chạy qua các xã Mễ Sở, Thắng Lợi và cạnh đường dây điện 500KV.

Điểm đầu dự án sẽ là nút giao giữa Quốc lộ 1A và Vành đai 4, điểm cuối là nút giao giữa cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với Vành đai 4. Cầu và đường dẫn dài gần 14 km.

Sau khi hình thành, cầu Mễ Sở sẽ mở ra hướng đi mới cho phương tiện từ trung tâm Hà Nội đến huyện Văn Giang và ngược lại thay vì đi hướng cầu Thanh Trì như trước đây. Hiện người dân khu vực này vẫn lưu thông qua bến phà Mễ Sở.

Cầu Mễ Sở còn tạo nên sự kết nối giữa hai cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và Hà Nội - Hải Phòng, góp phần làm giảm thiểu lượng phương tiện vào nội đô Hà Nội.

Phản hồi về đề xuất của Hà Nội, Bộ Giao thông vận tải cho biết, vị trí cầu Mễ Sở phù hợp với quy hoạch ngành, hướng tuyến Vành đai 4 và không ảnh hưởng đến khu di tích quốc gia, không phải di dời đường điện 500 KV, 200 KV. Bộ đề nghị Hà Nội tiếp tục khảo sát chi tiết, nghiên cứu cụ thể các phương án thiết kế để chuẩn xác vị trí cầu Mễ Sở, bảo đảm kinh tế - kỹ thuật, mỹ thuật.

Theo quy hoạch, 6 cầu đường bộ qua sông Hồng sẽ xây mới gồm: Hồng Hà, Mễ Sở trên Vành đai 4; Thượng Cát và Ngọc Hồi trên Vành đai 3,5; cầu Tứ Liên kết nối các tuyến đường trục chính đô thị dọc hành lang hai bên sông Hồng; cầu Trần Hưng Đạo kết nối đường Trần Hưng Đạo sang khu vực quận Long Biên.

Ninh Thuận mời gọi tài trợ quy hoạch khu vực sân bay Thành Sơn

Sở Xây dựng tỉnh Ninh Thuận vừa có thông báo gửi một số doanh nghiệp về việc mời quan tâm tài trợ ý tưởng quy lập quy hoạch phân khu xây dựng khu vực sân bay Thành Sơn.

Ninh Thuận mời gọi tài trợ quy hoạch khu vực sân bay Thành Sơn

Ninh Thuận mời gọi tài trợ quy hoạch khu vực sân bay Thành Sơn

Động thái trên được thực hiện sau khi UBND tỉnh Ninh Thuận chấp thuận kế hoạch thực hiện lựa chọn phương án ý tưởng quy hoạch phân khu xây dựng khu vực sân bay Thành Sơn.

Theo Sở Xây dựng Ninh Thuận, khu vực sân bay Thành Sơn với tính chất là khu đô thị mới và chỉnh trang đô thị có diện tích khoảng 4.466 ha nằm trên địa bàn TP. Phan Rang - Tháp Chàm, huyện Ninh Hải và huyện Bác Ái.

Trước đó, UBND tỉnh Ninh Thuận đã chấp thuận kế hoạch thực hiện lựa chọn phương án ý tưởng quy hoạch phân khu xây dựng khu vực sân bay Thành Sơn. Đồng thời giao Sở Xây dựng khẩn trương triển khai để tổ chức lựa chọn phương án ý tưởng tối ưu.

Hồi tháng 4, tại buổi làm việc với Thủ tướng, UBND tỉnh Ninh Thuận đã kiến nghị cho bổ sung quy hoạch sân bay quân sự Thành Sơn thành sân bay lưỡng dụng để tạo động lực phát triển.

Vấn đề này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng ý về chủ trương và giao Phó Thủ tướng Lê Văn Thành làm tổ trưởng tổ công tác nghiên cứu, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng trước tháng 9.

Sân bay Thành Sơn là một sân bay quân sự cấp 1, có diện tích khoảng 20 km2, đảm bảo an toàn tĩnh không và an toàn hành lang bay, có đủ hệ thống thông tin liên lạc phục vụ bay nội địa.

Hiện, sân bay này có 2 đường cất hạ cánh dài hơn 3.000 m, đón được tàu bay Fokker70, ATR72, Airbus 321 hoặc tương đương, đạt tiêu chuẩn 4C của tổ chức hàng không dân dụng quốc tế ICAO và có thể khai thác các đường bay thương mại tới Tân Sơn Nhất (TP.HCM), Nội Bài (Hà Nội), Đà Nẵng…

Quảng Nam dự kiến sáp nhập ba huyện thị để xây dựng TP. Tam Kỳ trở thành đô thị loại I

Tỉnh Quảng Nam dự kiến sáp nhập TP. Tam Kỳ, huyện Núi Thành và Phú Ninh để xây dựng TP. Tam Kỳ trở thành đô thị loại I.

Ba huyện thị dự kiến sáp nhập

Ba huyện thị dự kiến sáp nhập

Chủ trương này được thống nhất tại phiên họp giữa lãnh đạo chủ chốt tỉnh Quảng Nam, TP. Tam Kỳ, hai huyện Phú Ninh và Núi Thành cùng các thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng và phát triển đô thị loại I trực thuộc Tỉnh.

TP. Tam Kỳ có 13 phường xã, dân số hơn 120.000, diện tích 93 km2. Huyện Phú Ninh có một thị trấn và 10 xã, dân số hơn 77.000, diện tích 156 km2. Huyện Núi Thành có một thị trấn và 16 xã, diện tích 533 km2, dân số gần 150.000.

Theo phương án sau khi sáp nhập, dự kiến đô thị mới Tam Kỳ rộng hơn 900 km2, dân số gần 450.000.

Việc sáp nhập ba huyện thị nhằm đưa TP. Tam Kỳ trở thành đô thị loại I, là đô thị trung tâm, tổng hợp của Tỉnh, đóng vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng liên tỉnh, là hạt nhân, động lực cho cả miền Trung, Tây Nguyên.

Tại phiên họp, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường chỉ đạo tiếp tục đầu tư hạ tầng cho ba huyện thị nhưng phải có tính quy mô, tương thích với tiêu chí của đô thị loại I; tạm dừng đầu tư xây dựng trụ sở cấp huyện. Phấn đấu đến quý II/2023, Tỉnh trình Quốc hội xem xét thông qua đề án sáp nhập Tam Kỳ, Núi Thành, Phú Ninh và đến năm 2024 thực hiện.

Năm 1997, Quảng Nam và Đà Nẵng chia tách, thị xã Tam Kỳ là tỉnh lỵ Quảng Nam. Cuối năm 2005, thị xã được công nhận đô thị loại III và năm 2006 lên thành phố, là một trong hai thành phố của Tỉnh, cùng với Hội An. Đầu năm 2016, Tam Kỳ trở thành đô thị loại II. Đến nay, Thành phố mới đạt 56/59 tiêu chí đô thị loại II và 47/59 tiêu chí đô thị loại I.

Chuyên đề