Bản tin thời sự sáng 17/7

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là giá USD tự do giảm mạnh; Đồng Nai kiến nghị 3 nguồn đất đắp thi công cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; Đà Nẵng lên kế hoạch xây hầm qua sông Hàn; Ninh Bình sẽ có thành phố Hoa Lư…

Giá USD tự do giảm mạnh

Với phiên giảm mạnh ngày 16/7, giá USD trên thị trường tự do đã hạ nhiệt gần 300 đồng trong hai tuần qua, lùi về dưới vùng 26.000 đồng.

Giá USD tự do giảm mạnh ngày 16/7

Giá USD tự do giảm mạnh ngày 16/7

Ngày 16/7, các điểm thu đổi ngoại tệ trên thị trường tự do tiếp tục giảm mạnh giá USD 80-90 đồng so với hôm qua. Hiện, giá USD trên thị trường chợ đen giao dịch quanh 25.620 - 25.690 đồng.

Tích luỹ qua nhiều phiên trong xu hướng đi xuống, hiện mỗi USD trên thị trường tự do giảm tới 300 đồng so với đầu tháng này.

Còn trên thị trường chính thức, giá USD hiện vẫn trong xu hướng ổn định và đi ngang. Mỗi USD được Viectombank mua bán tại 25.120 - 25.460 đồng. BIDV neo tỷ giá tại 25.237 - 25.457 đồng, Eximbank niêm yết tại 25.160 - 25.457 đồng một đôla.

Đà giảm của giá USD trong nước cũng đồng thuận với diễn biến của USD Index - chỉ số đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh trong hai tuần qua. Chỉ số đồng bạc xanh đã giảm 1,6% từ đầu tháng đến nay, hiện giao dịch quanh vùng 104,3 điểm.

Đồng Nai kiến nghị 3 nguồn đất đắp thi công cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

Ngày 16/7, UBND tỉnh Đồng Nai đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho khai thác 3 nguồn đất đắp cho dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và đường Vành đai 3 – TP.HCM.

Đồng Nai kiến nghị 3 nguồn đất đắp thi công cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Ảnh minh họa

Đồng Nai kiến nghị 3 nguồn đất đắp thi công cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Ảnh minh họa

Theo văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo xử lý khó khăn, vướng mắc đối với thủ tục đất đai để thực hiện khai thác vật liệu cung cấp thi công các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn, UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, tổng nhu cầu về đất đắp phục vụ thi công 2 dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và đường Vành đai 3 - TP.HCM đoạn qua địa bàn tỉnh là hơn 5,8 triệu m3.

Thời gian qua, các đơn vị chủ đầu tư và nhà thầu thi công Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đã khảo sát và đề xuất 3 vị trí bổ sung vào hồ sơ khảo sát vật liệu phục vụ thi công đường giao thông gồm: Khu vực xã Phước Bình, huyện Long Thành có diện tích hơn 16ha; khu vực phường Phước Tân, TP Biên Hòa có diện tích 9,3ha và khu vực phường Tam Phước, Biên Hòa có diện tích 6ha.

Để đảm bảo nguồn vật liệu phục vụ thi công các công trình giao thông trọng điểm, UBND kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho UBND tỉnh Đồng Nai khai thác, sử dụng nguồn đất đắp làm vật liệu san lấp không thuộc quy hoạch tại 3 khu vực nói trên để cung cấp cho Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, có xem xét điều phối vật liệu cung cấp cho thi công đường Vành đai 3 - TP Hồ Chí Minh.

Nhà thầu thi công dự án tự thỏa thuận với người dân có đất để thực hiện thu hồi vật liệu san lấp, khối lượng vật liệu chỉ phục vụ thi công dự án trọng điểm quốc gia, nhà thầu có trách nhiệm nộp đủ các khoản thuế, phí với nhà nước theo quy định.

Sau khi khai thác, người dân được tiếp tục sử dụng đất theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp; quy hoạch sử dụng đất tại các vị trí vẫn giữ nguyên theo quy hoạch hiện hành và việc bồi thường, giải phóng mặt bằng sẽ thực hiện khi thực hiện dự án theo quy hoạch.

Chủ đầu tư dự án phê duyệt bổ sung vào hồ sơ khảo sát vật liệu phục vụ thi công đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Đà Nẵng lên kế hoạch xây hầm qua sông Hàn

Dự án hầm qua sông Hàn ở Đà Nẵng dự kiến hoàn tất báo cáo nghiên cứu khả thi vào tháng 8/2025.

Hầm chui qua sông Hàn sẽ kết nối hai quận Hải Châu và Sơn Trà

Hầm chui qua sông Hàn sẽ kết nối hai quận Hải Châu và Sơn Trà

UBND TP.Đà Nẵng vừa có báo cáo tình hình thực hiện các dự án lớn theo nội dung Nghị quyết số 25 của HĐND TP.Đà Nẵng như: Di dời ga đường sắt, phương án và lộ trình đầu tư công trình hầm qua sông Hàn, tuyến hầm qua sân bay Đà Nẵng...

Trong đó, đối với công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng công trình vượt sông Hàn (hầm qua sông Hàn) nằm trong quy hoạch thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt tại quyết định 1287 với phân kỳ đầu tư giai đoạn 2031-2045.

Công trình này sẽ kết nối khu vực đường Đống Đa - Trần Phú, quận Hải Châu sang đường Vân Đồn - Trần Hưng Đạo, thuộc quận Sơn Trà.

Theo báo cáo, TP.Đà Nẵng đã chỉ đạo, Sở GTVT Đà Nẵng đề xuất bố trí vốn năm 2024 để thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư… Sở GTVT đã chủ động làm việc với chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu các phương án cũng như rà soát, cập nhật vào các quy hoạch phân khu liên quan để đảm bảo tính thống nhất.

Trên cơ sở đó, Sở GTVT sẽ xây dựng phương án khảo sát phục vụ công tác lựa chọn đơn vị tư vấn thiết kế để lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.

Hiện tại, Sở GTVT đang phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức thẩm định và phê duyệt dự toán nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư. Dự kiến hoàn thành công tác lựa chọn tư vấn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án sau 3 tháng kể từ ngày được bố trí vốn chuẩn bị đầu tư.

Theo UBND TP.Đà Nẵng, kế hoạch triển khai tiếp theo là hoàn thành công tác lựa chọn tư vấn báo cáo nghiên cứu tiền khả thi sau 3 tháng kể từ ngày được bố trí vốn chuẩn bị đầu tư (dự kiến trong tháng 9/2024); dự kiến hoàn thành, trình cấp có thẩm quyền thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án trong tháng 12 và hoàn tất báo cáo nghiên cứu khả thi vào tháng 8/2025.

UBND TP.Đà Nẵng đề nghị HĐND TP.Đà Nẵng thống nhất chủ trương bố trí vốn để chuẩn bị đầu tư dự án công trình vượt sông Hàn trong kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch vốn 2024 làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.

Ninh Bình sẽ có thành phố Hoa Lư

HĐND thành phố Ninh Bình đã thông qua nghị quyết sáp nhập nguyên trạng huyện Hoa Lư vào thành phố Ninh Bình và lấy tên gọi mới là thành phố Hoa Lư.

Một góc thành phố Ninh Bình hiện nay

Một góc thành phố Ninh Bình hiện nay

Ngày 16/7, HĐND thành phố Ninh Bình tổ chức kỳ họp chuyên đề để xem xét, biểu quyết thông qua chủ trương thành lập thành phố Hoa Lư, kế hoạch sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã cho thành phố mới và chương trình phát triển đô thị Hoa Lư đến năm 2040.

Tỉnh Ninh Bình đặt mục tiêu đầu năm 2025 sẽ hoàn thành kế hoạch sáp nhập huyện Hoa Lư và thành phố Ninh Bình. Sau sáp nhập, thành phố Hoa Lư sẽ có diện tích tự nhiên hơn 150 km2 và dân số 237.000; có 15 phường và 5 xã trực thuộc.

Thành phố Hoa Lư sẽ được xây dựng theo định hướng đô thị cố đô - di sản dựa trên các giá trị về tự nhiên, sinh thái, văn hóa lịch sử, sở hữu di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Tỉnh cũng đặt mục tiêu hoàn thiện các tiêu chí để đơn vị hành chính mới sau sáp nhập được công nhận là đô thị loại một trực thuộc tỉnh, có vị thế trung tâm du lịch vùng và quốc gia.

Hoa Lư là kinh đô đầu tiên của nhà nước phong kiến trung ương tập quyền ở Việt Nam, tồn tại 42 năm (968-1010), gắn với sự nghiệp của ba triều đại liên tiếp là nhà Đinh, nhà Tiền Lê và nhà Lý. Hiện huyện này có 11 xã, thị trấn, rộng gần 103 km2, dân số khoảng 72.000.

Thị xã Ninh Bình được thành lập năm 1981, chia tách từ huyện Hoa Lư, là đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh Hà Nam Ninh cũ. Năm 1992, khi tỉnh Ninh Bình được tái lập, thị xã Ninh Bình là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của tỉnh. Từ năm 1982 đến nay, thị xã Ninh Bình đã ba lần được mở rộng địa giới hành chính khi sáp nhập một số xã của huyện Hoa Lư.

Tháng 12/2001, thị xã Ninh Bình được công nhận là thành phố trực thuộc tỉnh.

Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ khởi công 4 dự án nhà ở xã hội

Theo Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, dự kiến đến cuối năm 2024, tỉnh sẽ hoàn thành thủ tục khởi công 4 dự án nhà ở xã hội, quy mô 15,6 ha, bố trí 6.903 căn.

Khu trung tâm TP Vũng Tàu

Khu trung tâm TP Vũng Tàu

Theo đó, trên địa bàn tỉnh dự kiến sẽ có 3 dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp bố trí khoảng 4.719 căn và 1 dự án nhà ở công nhân, bố trí khoảng 2.184 căn. Đó là các dự án: nhà ở xã hội tại Phường 10, thành phố Vũng Tàu quy mô 4,7ha, dự kiến bố trí khoảng 2.295 căn; nhà ở xã hội số 1 tại Phường 10, quy mô 0,4ha, dự kiến bố trí khoảng 528 căn; nhà ở xã hội 5,8ha tại Phường 12, thành phố Vũng Tàu quy mô 5,87ha, dự kiến bố trí khoảng 1.896 căn và Dự án Cơ sở lưu trú cho người lao động - Gate Towers (thị xã Phú Mỹ), diện tích 4,67ha, dự kiến bố trí khoảng 2.184 căn.

Trong 6 tháng năm 2024, tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư 5 dự án, quy mô 9,0 ha, bố trí 2.714 căn; trong đó, hiện đang có 3 dự án đang triển khai thi công, dự kiến hết năm 2024 hoàn thành 2 dự án, bố trí 313 căn nhà ở xã hội (dự án Nhà ở xã hội Lan Anh 7 và dự án Nhà ở xã hội Sonadezi Châu Đức); Riêng dự án Nhà ở xã hội huyện Côn Đảo tiếp tục thi công, dự kiến hoàn thành trong tháng 4/2025.

Theo kế hoạch của UBND tỉnh phê duyệt về phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giai đoạn 2023 – 2025 đã đề ra mục tiêu triển khai 17 dự án nhà ở xã hội, quy mô 54,3ha, bố trí dự kiến khoảng 12.798 căn; trong đó, dự án nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp có 12 dự án, bố trí 9.451 căn; dự án cho công nhân khu công nghiệp có 3 dự án, bố trí 3.034 căn; dự án nhà ở xã hội trong quỹ đất 20% của các dự án nhà ở thương mại có 2 dự án, bố trí 313 căn.

Đà Lạt cưỡng chế tháo dỡ tòa nhà sân golf Đồi Cù

Sáng 17/7, lực lượng chức năng của thành phố Đà Lạt sẽ phối hợp tổ chức cưỡng chế tháo dỡ tòa nhà câu lạc bộ golf Đà Lạt.

Cận cảnh dự án tòa nhà Câu lạc bô sân Golf tại Đồi Cù.

Cận cảnh dự án tòa nhà Câu lạc bô sân Golf tại Đồi Cù.

Thông tin này vừa được UBND TP Đà Lạt thông báo. Theo đó, mọi phương án thực hiện đã được lên kế hoạch, phê duyệt và chuẩn bị chi tiết để đảm bảo việc cưỡng chế diễn ra đúng pháp luật, an toàn và đảm bảo an ninh trật tự.

Trước đó, UBND phường 1 đã lập kế hoạch thi hành Quyết định số 1727 về việc cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với công trình xây dựng vi phạm trật tự xây dựng tại tòa nhà câu lạc bộ golf bên trong sân golf Đồi Cù (TP Đà Lạt, Lâm Đồng) do Công ty CP Hoàng Gia ĐL làm chủ đầu tư.

Sáng 17/7, lực lượng chức năng của TP Đà Lạt sẽ thi hành quyết định này nhằm xử lý dứt điểm khối công trình sai phạm này. Công tác cưỡng chế sẽ tiến hành đúng theo trình tự, đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật.

TP Đà Lạt cho biết công trình vi phạm phải tổ chức cưỡng chế tháo dỡ có khối lượng rất lớn, kết cấu công trình phức tạp, do đó, việc tháo dỡ công trình vi phạm được đơn vị thi công có chuyên môn, năng lực thực hiện.

Cụ thể, phần công trình vi phạm bị cưỡng chế tháo dỡ gồm Khối 1 (khối tiếp đón) với quy mô 2 tầng (1 hầm, 1 trệt) có kết cấu móng, trụ, dầm, khối lượng công trình hơn 3.333 m2, sàn bê tông cốt thép, chưa xây tường và Khối 2 (khối dịch vụ golf 2) có quy mô 5 tầng (2 hầm, 1 trệt, 2 lầu), khối lượng công trình là 17.073 m2, kết cấu móng, trụ, dầm, sàn bê tông cốt thép, tường gạch. Tổng diện tích vi phạm 2 khối công trình là hơn 20.400 m2.

Theo dự kiến, thời gian cưỡng chế sẽ diễn ra trong khoảng 2 tháng, từ 17/7 đến 17/9.

Công ty CP Cảng Tiên Du bị phạt 1,3 tỷ đồng vì khai thác khoáng sản sai phép

Khai thác khoáng sản vượt công suất được cấp phép, Công ty Cổ phần Cảng Tiên Du (có trụ sở ở Bắc Ninh) vừa bị UBND tỉnh Bắc Giang xử phạt 1,3 tỷ đồng.

UBND tỉnh Bắc Giang xử phạt Công ty Cổ phần Cảng Tiên Du 1,3 tỷ đồng vì Khai thác khoáng sản vượt công suất được cấp phép. Ảnh minh họa

UBND tỉnh Bắc Giang xử phạt Công ty Cổ phần Cảng Tiên Du 1,3 tỷ đồng vì Khai thác khoáng sản vượt công suất được cấp phép. Ảnh minh họa

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ô Pích vừa ký ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản đối với Công ty Cổ phần Cảng Tiên Du (địa chỉ trụ sở chính tại thôn Đông, xã Hoàn Sơn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh - người đại diện theo pháp luật là ông Lại Trọng Tâm).

Theo Quyết định xử phạt, Công ty Cổ phần Cảng Tiên Du đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính “Khai thác vượt công suất được phép khai thác hàng năm nêu trong giấy phép khai thác khoáng sản từ 100% trở lên”. Cụ thể, năm 2023, khai thác đất san lấp, sét gạch (khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường không sử dụng vật liệu nổ công nghiệp) với sản lượng 99.518 m3 /21.047 m3, vượt công suất được phép khai thác 78.471 m3, tương ứng 373%.

Công ty Cổ phần Cảng Tiên Du cũng thực hiện hành vi vi phạm hành chính “Khai thác vượt công suất được phép khai thác hàng năm nêu trong giấy phép khai thác khoáng sản từ 100% trở lên”. Cụ thể, năm 2023, khai thác cát, sỏi lòng sông với sản lượng 40.368 m3 /18.953 m3, vượt công suất được phép khai thác 21.415 m3, tương ứng 113%.

UBND tỉnh Bắc Giang quyết định xử phạt tổng số tiền 1,3 tỷ đồng đối với hành vi vi phạm của Công ty Cổ phần Cảng Tiên Du.

UBND tỉnh Bắc Giang quyết định áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động khai thác khoáng sản 6 tháng đối với mỏ được cấp phép.

Đồng thời, buộc Công ty Cổ phần Cảng Tiên Du phải thực hiện các biện pháp cải tạo các công trình bảo vệ môi trường, khắc phục ô nhiễm môi trường, hư hỏng hạ tầng kỹ thuật do hành vi khai thác vượt công suất gây ra.

Chuyên đề