Đề nghị Bộ Tài chính hỗ trợ thông quan nhập khẩu vàng
Để phục vụ đấu thầu vàng miếng, Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ Tài chính hỗ trợ thủ tục thông quan vàng nhập khẩu.
Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ Tài chính hỗ trợ thủ tục thông quan vàng nhập khẩu |
Ngân hàng Nhà nước vừa đề nghị các bộ, ngành phối hợp triển khai chỉ đạo về quản lý thị trường vàng của Thủ tướng. Trong đó, cơ quan được giao quản lý thị trường vàng đề nghị, Bộ Tài chính hỗ trợ các thủ tục thông quan nhập khẩu vàng. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước đề nghị, Bộ Công An phối hợp để tổ chức đấu thầu vàng miếng SJC an toàn, hiệu quả.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, tuần này sẽ tăng cung vàng miếng ra thị trường qua đấu thầu. Hiện, 26 đơn vị, gồm ngân hàng thương mại và doanh nghiệp kinh doanh vàng có giao dịch với Ngân hàng Nhà nước. Đến nay, 15 đơn vị đủ điều kiện tham gia.
Đấu thầu vàng miếng là hình thức chào bán vàng cạnh tranh. Bước vào phiên thầu, sau khi Ngân hàng Nhà nước công bố giá sàn, các đơn vị sẽ có 30 phút để quyết định khối lượng và giá mua. Kết quả trúng sẽ được công bố một tiếng sau khi kết thúc phiên.
Ngoài hỗ trợ nhập khẩu vàng, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương cũng được đề nghị tăng cường quản lý thị trường vàng; yêu cầu các tổ chức kinh doanh vàng, nhất là vàng miếng, áp dụng hóa đơn điện tử. Việc này nhằm nâng cao tính minh bạch, cải thiện hiệu quả giám sát, bảo đảm thị trường an toàn, minh bạch. Cơ quan này cũng đề nghị xử lý nghiêm các doanh nghiệp không thực hiện đúng quy định này.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng đề nghị cung cấp thông tin về các sự vụ, sự việc buôn lậu, vận chuyển trái phép vàng qua biên giới để đưa ra phương án quản lý thị trường vàng hiệu quả.
Với các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh mua, bán vàng, cơ quan quản lý đề nghị thực hiện đúng chế độ hóa đơn, chứng từ; áp dụng hóa đơn điện tử; tuân thủ pháp luật về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố.
Khánh thành tượng Lê Nin tại TP. Vinh
Tượng Lê Nin cao 3,6 m, nặng 4,5 tấn được đặt trong khuôn viên rộng hơn 1.000 m2 tại vòng xuyến ở phường Hưng Dũng, TP. Vinh (tỉnh Nghệ An), sáng 16/4.
Tượng Lê Nin làm bằng đồng, cao 3,6 m, nặng 4,5 tấn |
Bức tượng bằng đồng được đặt trên bệ thép cao 3 m tại vòng xuyến giao giữa đại lộ Lê Nin với đường Nguyễn Phong Sắc, phường Hưng Dũng. Mặt trước bệ tượng khắc dòng chữ bằng tiếng Nga và tiếng Việt "V.I.LÊ-NIN, 1870-1924", mặt sau khắc chữ "Biểu tượng của tình hữu nghị Việt - Nga" bằng hai thứ tiếng.
Tượng do chính quyền tỉnh Ulyanovsk (quê hương Lê Nin) đúc tặng và vận chuyển từ Nga về TP. Vinh vào cuối năm 2023.
Phát biểu tại lễ khánh thành, Phó Chủ tịch tỉnh Nghệ An Bùi Đình Long cho biết, tượng Lê Nin là biểu tượng văn hóa, nghệ thuật, thể hiện sự gắn bó của nhân dân hai tỉnh Nghệ An và Ulyanovsk. Dự án giúp tạo thêm không gian đẹp, là điểm nhấn cho diện mạo đô thị, khu vực trung tâm TP. Vinh.
Nghệ An và Ulyanovsk thiết lập quan hệ hữu nghị hợp tác từ những năm 1990, tổ chức nhiều hoạt động hợp tác về văn hóa, giáo dục. Thông qua những hoạt động ngoại giao văn hóa, chính quyền hai tỉnh mong muốn sẽ gắn kết hơn trong hợp tác song phương trên các lĩnh vực đầu tư, thương mại, y tế, giáo dục và đào tạo.
Phú Yên rà soát các dự án, gói thầu liên quan Tập đoàn Thuận An
Chiều 16/4, UBND tỉnh Phú Yên có công văn giao các cơ quan chức năng, đơn vị liên quan, chính quyền các địa phương rà soát báo cáo các dự án, gói thầu do Công ty CP Tập đoàn Thuận An và các đơn vị thành viên thực hiện tại tỉnh Phú Yên.
Cầu vượt Nam thành phố Tuy Hòa do Công ty CP Tập đoàn Thuận An trúng thầu thi công |
UBND tỉnh Phú Yên yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý khu kinh tế Tỉnh, Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng Tỉnh, Ban Quản lý khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Phú Yên và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong Tỉnh rà soát, báo cáo các dự án, gói thầu do Công ty CP Tập đoàn Thuận An và các đơn vị thành viên thực hiện tại Tỉnh.
Tại tỉnh Phú Yên, tháng 3/2019, Công ty CP Tập đoàn Thuận An trúng gói thầu 01EC khảo sát, lập thiết kế bản vẽ thi công - dự toán và thi công xây lắp tại tỉnh Phú Yên. Gói thầu này thuộc Dự án Nút giao thông khác mức đường số 2 Khu đô thị Nam thành phố Tuy Hòa, đường Nguyễn Văn Linh, tỉnh Phú Yên có mức đầu tư 496 tỷ đồng.
Dự án Nút giao thông khác mức đường số 2 Khu đô thị Nam thành phố Tuy Hòa do Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Phú Yên làm chủ đầu tư, được khởi công xây dựng từ tháng 6/2019. Dự án gồm nhiều hạng mục: cầu vượt đường sắt có điểm đầu giao đường số 2 thuộc Khu đô thị Nam thành phố Tuy Hòa; điểm cuối tại đường Nguyễn Văn Linh và hai nhánh rẽ khác kết nối với đường Nguyễn Tất Thành. Đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Phú Yên cho biết, Tập đoàn Thuận An đã hoàn thành gói thầu và bàn giao cho đơn vị.
Hầm đường sắt Bãi Gió dự kiến thông tàu ngày 22/4
Các nhà thầu đang khẩn trương khoan địa chất, gia cố hầm Bãi Gió, dọn đất đá, kế hoạch hoàn thành ngày 22/4 để thông tàu Bắc - Nam.
Trong ngày 15/4, nhà thầu khoan hai mũi trên núi, một mũi sâu 23 m (chạm đến nóc hầm), mũi còn lại khoảng 18 m, sau đó sẽ dùng máy bơm bêtông vào |
Sáng 16/4, Thứ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy họp trực tuyến với tổ công tác hiện trường, bàn phương án khắc phục sự cố sạt lở hầm đường sắt Bãi Gió tại tỉnh Khánh Hòa.
Đại diện tổ công tác hiện trường cho biết, khảo sát cho thấy vật liệu sụt lở có lẫn đá nhiều kích cỡ và đá phong hóa mạnh dạng cát kết, sỏi sạn. Hiện các viên đá to đã chèn kín vòm hầm với khối lượng khoảng 150 m3. Địa chất đỉnh hầm có dạng các tảng đá xếp chồng, đan xen nhau, tạo lỗ rỗng lớn.
Với nguyên tắc giữ ổn định phía trên và trong hầm, ngày 15/4 nhà thầu đã gia cố khối đất đá sụt trong hầm bằng cách cắm neo tạo ô để phun vữa xi măng cho đông kết phần đất đá rời rạc và tạo khung xương cứng. Phía đỉnh núi, tại vị trí sụt hầm, nhà thầu khoan thăm dò địa chất để bơm vữa xi măng, lấp đầy khoảng trống đã bị sụt, nhằm giữ ổn định khối đất đá.
Ngày 16/4, đơn vị thi công chuẩn bị thiết bị khoan neo, máy phun vữa áp lực cao, trạm trộn, neo... để khoan cắm neo vào miệng hố sụt và bơm vữa áp lực cao để tạo sự kết dính ổn định. Sau đó công nhân sẽ đào hót dần khối đất đá sụt trong hầm, đào đến đâu lắp khung chống đến đó.
Sau khi lắp hết khung chống vào vị trí, nhà thầu sẽ phun vữa và làm bêtông vỏ hầm. Dự kiến ngày 22/4, các đơn vị sẽ hoàn thành xử lý để thông tàu Bắc - Nam.
Nhằm khắc phục sự cố, Nhà thầu Sông Đà 10 huy động 20 cán bộ, công nhân và một dây chuyền thiết bị, máy móc thi công. Công ty CP Đầu tư và Xây dựng công trình 3 có khoảng 80 lao động. Công ty CP Đường sắt Phú Khánh - đơn vị quản lý đoạn đường sắt qua Khánh Hòa, đưa khoảng 250 người vào công trường.
Đường sắt đô thị sẽ thay thế tuyến buýt nhanh Kim Mã - Yên Nghĩa
Do hạn chế về hạ tầng, buýt nhanh thành "buýt chậm" nên BRT Kim Mã - Yên Nghĩa sẽ được thay thế bằng tuyến đường sắt đô thị số 11, theo Phó Chủ tịch TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn.
Từ khi đi vào hoạt động năm 2016 tuyến BRT Kim Mã - Yên Nghĩa luôn gặp phải nhiều ý kiến trái chiều |
Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa làm việc với UBND TP. Hà Nội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, Hà Nội đã nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch giao thông vận tải tích hợp trong quy hoạch hạ tầng kỹ thuật của Quy hoạch chung Thủ đô. 4 tuyến được bổ sung nâng tổng số tuyến đường sắt đô thị của Thành phố lên 14, tổng chiều dài 550 km. "Hệ thống đường sắt đô thị này sẽ là xương sống của giao thông đô thị, kết nối đường bộ, đường không và tương lai cả đường thủy", ông nói.
Hà Nội đã ban hành Nghị quyết 04 năm 2017 với mục tiêu hạn chế xe máy ở các quận vào năm 2030. Tuy nhiên, sau 7 năm, việc thực thi nghị quyết đang gặp khó do tỷ lệ sử dụng phương tiện giao thông công cộng còn thấp. Các nghiên cứu cho thấy chỉ khi tỷ lệ vận tải phương tiện công cộng đạt 30 - 50% mới có thể tính đến việc hạn chế xe máy. Trong khi đó, tỷ lệ này ở Hà Nội hiện mới đạt 19,5%.
"Hà Nội hoàn thành đúng kế hoạch xây dựng 400 km đường sắt đến 2035 thì việc hạn chế xe máy mới khả thi", ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, BRT là tiền đề để chuẩn bị cho đường sắt đô thị. Quy hoạch chung Thủ đô năm 2011 và quy hoạch giao thông vận tải năm 2016 thành phố có 8 tuyến BRT nhưng hiện nay mới làm được 1. Nhưng tuyến BRT này tỏ ra rất hạn chế vì lấy 1/3 mặt cắt của trục xuyên tâm Giảng Võ - Láng Hạ - Lê Văn Lương làm đường ưu tiên.
"Buýt nhanh trở thành buýt thường, buýt chậm. Điều chỉnh quy hoạch chung có lĩnh vực giao thông, thành phố sẽ thay thế BRT Kim Mã - Yên Nghĩa bằng tuyến đường sắt đô thị số 11", ông Tuấn nói.
Hoàn Cầu Đà Lạt bị yêu cầu nộp lại sổ đỏ dự án Dinh I
Sở Tài nguyên và Môi trường Lâm Đồng vừa yêu cầu, Hoàn Cầu Đà Lạt nộp lại sổ đỏ Dự án Dinh I (King Place).
Dinh I nằm tại số 1 Trần Quang Diệu, phường 10, TP Đà Lạt |
Theo đó, Công ty CP Hoàn Cầu Đà Lạt phải nộp lại bản chính Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BU366330 trước ngày 28/4 để Sở Tài nguyên và Môi trường lập thủ tục thu hồi, hủy bỏ theo quy định.
Sở cũng thông tin thêm, từ thời điểm UBND Tỉnh ban hành quyết định thu hồi đất (7/6/2022), giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Dự án King Place cấp cho Hoàn Cầu Đà Lạt không còn giá trị pháp lý và hợp đồng thuê đất đã chấm dứt.
Nếu Công ty không chấp hành, cơ quan này sẽ ban hành quyết định hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. "Mọi giao dịch liên quan đến giấy chứng nhận này, Công ty Hoàn Cầu Đà Lạt hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật", Sở Tài Nguyên và Môi trường Lâm Đồng nêu trong thông báo.
Mới đây, Lâm Đồng cũng chỉ đạo kiên quyết dừng Dự án du lịch King Place. Tỉnh đề nghị các sở, ngành làm việc Hoàn Cầu Đà Lạt để xác định thời gian chấm dứt Dự án sau khi đã có quyết định thu hồi.
Trước đó, năm 2015, Hoàn Cầu Đà Lạt được tỉnh Lâm Đồng giao khu đồi thông rộng 18 ha gồm một số biệt thự cùng Dinh I để thực hiện Dự án du lịch King Place ở số 1 Trần Quang Diệu, Phường 10, TP. Đà Lạt. Thời gian hoạt động của Dự án là 50 năm.
Đến năm 2020, theo Thanh tra Chính phủ, việc Lâm Đồng đã cho thuê, nhà đất Dinh I là vi phạm pháp luật đất đai và đầu tư, nên đề nghị chấm dứt Dự án. Trường hợp doanh nghiệp muốn sử dụng phải xác định lại giá, cho thuê tài sản theo quy định, tránh làm thất thu ngân sách.
Một năm sau, Lâm Đồng đã có văn bản chấm dứt hoạt động dự án này và thống nhất với Sở Tài chính phương án hoàn trả cho chủ đầu tư hơn 58,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, Hoàn Cầu Đà Lạt muốn số tiền lớn hơn khi cho rằng thực tế đã đầu tư vào Dự án hơn 141 tỷ đồng.
TP.HCM sẽ cưỡng chế thu hồi hơn 30.000m2 ‘đất vàng’ của Vinataba
Sau khi thu hồi và huỷ bỏ giấy chứng nhận khu đất vàng số 152, Trần Phú, Quận 5, cơ quan chức năng TP.HCM đang tiến hành thủ tục cưỡng chế thu hồi đất.
Khu đất 152 Trần Phú, Q.5 nằm ở vị trí đắc địa khi có 3 mặt tiền đường |
Theo thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP.HCM, đơn vị này vừa chủ trì cuộc họp với các sở, ngành liên quan và UBND Quận 5 về việc thực hiện quyết định thu hồi 30.972,7 m2 đất tại địa chỉ số 152 Trần Phú, Phường 4, Quận 5.
Khu đất này được xem là một trong những khu “đất vàng” tại Quận 5, TP.HCM khi có ba mặt tiền đường Trần Phú - Lê Hồng Phong - Trần Nhân Tôn.
Với mục đích xây dựng khu phức hợp cao ốc văn phòng và căn hộ cao cấp, khu đất này thuộc quyền sử dụng của Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba).
Sau khi được cấp giấy chứng nhận vào tháng 8/2005, Vinataba đã mang quyền sử dụng khu đất này góp vốn vào Công ty TNHH Vina Alliance.
Tại cuộc họp mới đây, đại diện Sở TN-MT TP.HCM thông tin, Vinataba cho rằng họ không còn quản lý, sử dụng khu đất 152 Trần Phú nên không thể bàn giao. Trong khi đó, Công ty TNHH Vina Alliance lại không hợp tác bàn giao khu đất.
Do vậy, theo đại diện Sở TN-MT TP.HCM, cần thiết phải thực hiện thủ tục cưỡng chế thu hồi đất và thẩm quyền thuộc về UBND Quận 5. Các đơn vị của địa phương này đang rà soát trình tự, thủ tục để cưỡng chế theo quy định.
Trước đó, cuối tháng 2/2024, Sở TN-MT TP.HCM ra thông báo thu hồi và huỷ bỏ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của khu đất 152 Trần Phú, Quận 5 đã cấp cho Vinataba.
Lâm Đồng chỉ đạo kiểm tra dự án vui chơi giải trí tự ý chuyển thành khách sạn
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Lâm Đồng đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát quá trình đầu tư và hoạt động kinh doanh không đúng mục tiêu của Dự án Khu vui chơi giải trí chất lượng cao Đà Lạt.
Dự án khu vui chơi giải trí chất lượng cao Đà Lạt tự ý chuyển mục tiêu hoạt động là một khách sạn |
Dự án Khu vui chơi giải trí chất lượng cao Đà Lạt được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận đầu tư vào năm 2012, tại số 23, đường Quang Trung, Phường 9, TP. Đà Lạt. Theo thiết kế được duyệt, đây là công trình gồm một tòa nhà có 5 tầng nổi và 1 tầng hầm. Bên trong bố trí các dịch vụ vui chơi giải trí, như: chiếu phim kỹ thuật số, tập nhạc, thu âm, phòng game và một số dịch vụ vui chơi giải trí khác cho trẻ em. Dự án do Công ty TNHH Dịch vụ vui chơi giải trí NTH Đà Lạt làm Chủ đầu tư.
Tuy nhiên, đến cuối năm 2023, dự án này được xây dựng hoàn thành nhưng đưa vào hoạt động với chức năng là một khách sạn 4 sao, có công suất lên đến 50 phòng nghỉ. Điều đáng nói, mặc dù Dự án đã hoạt động không đúng mục tiêu nhưng đã được cấp có thẩm quyền cấp phép đủ điều kiện kinh doanh lưu trú.
Ngay khi thông tin được phản ánh, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ngành liên quan và UBND TP. Đà Lạt tiến hành kiểm tra, rà soát quá trình đầu tư, hoạt động của Dự án để tham mưu hướng xử lý.
Theo bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Lâm Đồng, đến thời điểm này, đơn vị đã yêu cầu UBND TP. Đà Lạt chỉ đạo cơ quan chức năng rút giấy phép hoạt động lưu trú đối với dự án này.
“Sau khi có ý kiến chỉ đạo của UBND Tỉnh, ngành VHTT&DL đã làm việc với UBND TP. Đà Lạt và đại diện chủ đầu tư. Hiện nay, đã có văn bản yêu cầu UBND TP. Đà Lạt chỉ đạo Phòng Văn hóa - Thông tin thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. Và chúng tôi đang tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng để tham mưu UBND tỉnh hướng xử lý tiếp theo”, bà Ngọc nói.
Tái lập quyền cho Khu công nghệ cao TP.HCM
Khu công nghệ cao TP.HCM được giao thẩm quyền cấp phép môi trường, phê duyệt xây dựng các dự án, cùng với các thủ tục khác đang đề xuất phân cấp.
Cổng chính Khu công nghệ cao TP.HCM tại TP. Thủ Đức |
Thông tin được bà Huỳnh Thị Ngọc Đào, Chánh văn phòng Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP) cho biết tại hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp tổ chức sáng 16/4.
Theo bà Đào, khi thực hiện Nghị quyết 98 về cơ chế đặc thù phát triển TP.HCM, SHTP được tái lập thẩm quyền, trực tiếp xử lý cấp phép, thẩm định, phê duyệt báo cáo tác động môi trường. Cơ quan này cũng được giao thẩm định, phê duyệt điều kiện xây dựng theo quy hoạch 1/500 các dự án đầu tư.
Các thẩm quyền này theo bà Đào đã tái lập cơ chế một cửa tại chỗ về thủ tục hành chính trong quá trình đầu tư xây dựng dự án. Trước đây, SHTP trực tiếp thực hiện các nội dung trên nhưng do sự thay đổi các bộ luật chuyên ngành, các thẩm quyền này chuyển cho cơ quan chuyên môn thực hiện.
Cụ thể thủ tục đất đai thuộc thẩm quyền Sở Tài nguyên và Môi trường, thủ tục quy hoạch thuộc thẩm quyền của Sở Quy hoạch - Kiến trúc... Điều này khiến thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư kéo dài, ảnh hưởng tiến độ các dự án đầu tư vào Khu công nghệ cao TP.HCM.
Trước đây, doanh nghiệp chỉ mất khoảng 6 tháng cho các thủ tục, nhưng khi chuyển về cơ quan liên ngành họ phải mất 2 năm mới hoàn thành và triển khai xây dựng dự án. Lãnh đạo SHTP đánh giá, bản chất các ngành công nghệ cao là phát triển sản phẩm và ra thị trường nhanh. Thủ tục hành chính lâu sẽ khiến công nghệ mất đi tính đột phá, giảm hiệu quả đầu tư.
Khi thực hiện cơ chế mới, đến hết tháng 3, khu công nghệ cao TP.HCM đã giải quyết 18 hồ sơ cấp phép môi trường, 6 hồ sơ về thẩm định điều kiện xây dựng với các dự án.
Đại diện SHTP cho biết, đơn vị đang kiến nghị phân cấp cho Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM được giao thực hiện thủ tục về kiểm tra, xử phạt các đơn vị có dấu hiệu vi phạm pháp luật về môi trường; giám định, giải quyết sự cố với các công trình xây dựng trong SHTP...