Bản tin thời sự sáng 17/3

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Hà Nội sẽ triển khai dịch vụ xe đạp công cộng ở 5 quận nội thành; hàng không tăng chuyến sau khi du lịch mở cửa; giảm 15% tần suất xe buýt Hà Nội từ ngày 16/3; thêm 2 chuyến bay đưa gần 500 người Việt sơ tán khỏi Ukraine về nước trong những ngày tới; cần 159 tỷ đồng nâng cấp hệ thống thu phí cho Metro Số 1…

Hà Nội sẽ triển khai dịch vụ xe đạp công cộng ở 5 quận nội thành

Sau TP.HCM, dịch vụ xe đạp công cộng sẽ được triển khai ở 5 quận nội thành Hà Nội nhằm tạo thêm sự lựa chọn về phương thức giao thông cho người dân đi lại và du khách tham quan.

Sau TP.HCM, dịch vụ xe đạp công cộng sẽ được triển khai ở 5 quận nội thành Hà Nội

Sau TP.HCM, dịch vụ xe đạp công cộng sẽ được triển khai ở 5 quận nội thành Hà Nội

Sở Giao thông vận tải Hà Nội đang xây dựng Dự án phát triển xe đạp công cộng (bao gồm xe đạp truyền thống, xe điện 2 bánh) để thực hiện tại 5 quận nội thành, trong đó đối tượng phục vụ được Dự án đặt ra là người dân sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng, học sinh sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Thành phố và khách du lịch…

Dự án sẽ triển khai theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 sẽ đầu tư 1.000 xe đạp, trong đó có 500 xe đạp truyền thống và 500 xe đạp điện. Số xe này sẽ được bố trí tại từ 70 - 80 vị trí tại các quận Ba Đình, Tây Hồ, Đống Đa, Thanh Xuân và các điểm cạnh lối lên xuống của tuyến tàu điện đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Thời gian dự kiến thực hiện năm 2022 - 2023.

Giai đoạn 2, dự kiến từ năm 2023 - 2024, tập trung phát triển mở rộng vùng dịch vụ ra các quận trung tâm và lân cận trung tâm. Quy mô đầu tư khoảng 3.000 xe đạp, bố trí tại 350 địa điểm, chi tiết các địa điểm này sẽ được đơn vị thực hiện và các cơ quan có liên quan khảo sát và lựa chọn cụ thể.

Theo tính toán của Công ty Trí Nam (đơn vị xây dựng Dự án), tổng chi phí của Dự án là khoảng 26 tỷ đồng và nhà đầu tư tự bỏ vốn, khai thác. Dự án dự kiến thực hiện thí điểm trong vòng 18 tháng, mức phí được đưa ra để người dân có thể sử dụng xe đạp điện là khoảng 20.000 đồng/giờ hoặc 200.000 đồng/ngày.

Để hỗ trợ Dự án, nhà đầu tư đề xuất UBND TP. Hà Nội hỗ trợ đặt trạm sạc tại các địa điểm đặt xe phục vụ người dân.

Được biết, Công ty Trí Nam cũng là đơn vị đang triển khai xe đạp công cộng tại TP.HCM từ ngày 16/12/2021.

Hàng không tăng chuyến sau khi du lịch mở cửa

Vietnam Airlines dự kiến đến tháng 7 khai thác 160 chuyến bay quốc tế mỗi tuần, gấp 1,6 lần hiện nay; Bamboo Airways khai thác 40 đường bay quốc tế trong năm.

Máy bay cất cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất

Máy bay cất cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất

Từ ngày 15/3, Việt Nam mở cửa đón du khách quốc tế như thời điểm chưa có Covid-19. Đón đợi cơ hội này, Vietnam Airlines đã có kế hoạch mở rộng và tăng tần suất khai thác toàn bộ mạng bay thường lệ quốc tế. Từ cuối tháng 3, hãng tăng lên 97 chuyến bay mỗi tuần, mở rộng khai thác thêm các đường bay du lịch đến Singapore từ Đà Nẵng với tần suất 3 chuyến/tuần, từ Phú Quốc, Nha Trang đến Singapore với một chuyến mỗi tuần từ 15/4.

Đến tháng 7, Vietnam Airlines sẽ tiếp tục khôi phục khai thác thị trường Trung Quốc với tần suất 6 chuyến/tuần, Indonesia 3 chuyến/tuần và các đường bay du lịch đến Đà Nẵng, Nha Trang từ các thị trường lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, nâng tổng số chuyến bay quốc tế lên hơn 160 chuyến mỗi tuần.

Đánh giá thị trường hàng không khôi phục trong năm 2022, Bamboo Airways đã lên kế hoạch mở rộng quy mô lên 40 đường bay quốc tế trong năm nay. Với khu vực châu Âu, Australia, Bamboo Airways đã đưa vào khai thác các đường bay TP.HCM/Hà Nội - Melbourne, Hà Nội - Frankfurt. Hãng dự kiến triển khai thêm các đường bay thường lệ mới như Hà Nội - London từ ngày 22/3, TP.HCM - Sydney từ ngày 29/3 với tần suất dự kiến 2 chuyến khứ hồi/tuần.

Với khu vực Đông Bắc Á, Bamboo Airways tăng tần suất khai thác các đường bay thường lệ Hà Nội - Tokyo, Hà Nội - Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc) và Hà Nội - Incheon (Hàn Quốc) lên 2 chuyến khứ hồi/tuần trên mỗi chặng. Với khu vực Đông Nam Á, Bamboo Airways đã mở bán vé các đường bay tới Thái Lan, Singapore trong tháng 3. Trong đó, đường bay TP.HCM - Bangkok dự kiến khai thác từ 28/4 với tần suất 3 chuyến/tuần, đường TP.HCM - Singapore từ 29/4 với tần suất 2 chuyến/tuần.

Vietjet sẽ tăng tần suất đường bay quốc tế thường lệ kết nối Việt Nam với Hàn Quốc, Đài Bắc, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan... Đồng thời hãng cũng lên kế hoạch khai thác trở lại các đường bay đến những quốc gia khác trong khu vực cũng như xa hơn đến Ấn Độ, Nga.

Giảm 15% tần suất xe buýt Hà Nội từ ngày 16/3

Bắt đầu từ sáng 16/3, tất cả các tuyến buýt có trợ giá trên địa bàn thành phố Hà Nội thực hiện điều chỉnh lượt chuyến theo hướng giảm 15% tần suất.

Từ sáng 16/3, tất cả các tuyến buýt có trợ giá trên địa bàn Hà Nội giảm 15% tần suất hoạt động

Từ sáng 16/3, tất cả các tuyến buýt có trợ giá trên địa bàn Hà Nội giảm 15% tần suất hoạt động

Cụ thể, trong văn bản thông báo về việc trên, Sở GTVT Hà Nội cho biết, kể từ ngày 16/3/2022, tất cả các tuyến buýt có trợ giá vận hành theo hướng giảm 15% tần suất lượt chuyến.

Nguyên nhân của việc này được Sở GTVT Hà Nội cho biết là để phù hợp với diễn biến dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố hiện nay.

Hiện thành phố Hà Nội đang có trên 120 tuyến buýt có trợ giá, chạy đến tất cả các quận huyện trên địa bàn thành phố.

Sau nhiều tháng chỉ hoạt động 50% công suất, từ ngày 8/2 vừa qua, Hà Nội đã cho phép xe buýt có trợ giá được hoạt động 100% trở lại. Tuy nhiên trước tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, Sở GTVT Hà Nội tiếp tục đưa ra phương án điều chỉnh tần suất hoạt động của xe buýt từ ngày 16/3.

Thêm 2 chuyến bay đưa gần 500 người Việt sơ tán khỏi Ukraine về nước trong những ngày tới

Chuyến bay đưa khoảng 240 người Việt sơ tán khỏi Ukraine từ Bucharest (Romania) về nước dự kiến sẽ hạ cánh tại sân bay Nội Bài vào sáng 17/3/2022 và chuyến bay đưa khoảng 240 người từ Warsaw (Ba Lan) về nước sẽ hạ cánh tại sân bay Nội Bài sáng 19/3/2022.

Một chuyến bay đưa người Việt về nước. Ảnh minh họa.

Một chuyến bay đưa người Việt về nước. Ảnh minh họa.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan đại diện Việt Nam tại Romania và Ba Lan cùng hãng hàng không Vietnam Airlines tiếp tục phối hợp tổ chức 2 chuyến bay do Tập đoàn Sun Group tài trợ, đưa công dân Việt Nam và gia đình sơ tán từ Ukraine về nước.

Theo đó, chuyến bay số hiệu VN88 đưa khoảng 240 người từ Bucharest (Romania) về nước dự kiến sẽ hạ cánh tại sân bay Nội Bài vào sáng 17/3/2022 và chuyến bay VN58 đưa khoảng 240 người từ Warsaw (Ba Lan) về nước sẽ hạ cánh tại sân bay Nội Bài sáng 19/3/2022.

Tính đến 12 giờ ngày 16/3/2022, các cơ quan đại diện Việt Nam đã đón hơn 4.600 người sơ tán từ Ukraine sang các nước lân cận, trong đó gần 1.200 người đã về nước an toàn trên 4 chuyến bay được tổ chức vào các ngày 7/3, 9/3 và 13/3. Hầu hết bà con có nguyện vọng tại Romania và Ba Lan đã được các Cơ quan đại diện hỗ trợ hoàn thành các thủ tục cần thiết để chuẩn bị về nước. Bên cạnh đó, nhiều người đủ điều kiện cũng đã tự di chuyển sang nước thứ ba hoặc về nước trên các chuyến bay thương mại quốc tế.

Cần 159 tỷ đồng nâng cấp hệ thống thu phí cho Metro Số 1

Chủ đầu tư Metro Số 1 đề xuất nâng cấp hệ thống thu phí tự động (AFC), giúp khách mua vé qua thẻ tín dụng, ví điện tử, mã QR; liên thông với xe buýt, BRT.

Chủ đầu tư đề xuất nâng cấp hệ thống thu phí tự động (AFC) cho Metro Số 1

Chủ đầu tư đề xuất nâng cấp hệ thống thu phí tự động (AFC) cho Metro Số 1

Nội dung được Ban Qản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR - chủ đầu tư) gửi Sở Giao thông vận tải chiều 16/3, để tham mưu UBND Thành phố. Việc đầu tư bổ sung hệ thống AFC cho Metro Số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) giúp Dự án được khai thác hiệu quả khi hoạt động từ năm sau.

Hệ thống AFC của tuyến metro được thiết kế cách đây 12 năm và đang tồn tại nhiều hạn chế. Hệ thống hiện chỉ hỗ trợ ba loại vé, gồm: vé lượt, vé ngày và vé tích tiền. Các loại vé này không định danh, nên chưa thể áp dụng được chính sách giảm giá cho học sinh, sinh viên, người già, khuyết tật...

Việc mua vé, nạp tiền của hệ thống hiện hữu cũng hạn chế, không thể chuyển khoản, ví điện tử, thẻ tín dụng... Hệ thống cũng không liên thông với các loại hình giao thông công cộng khác như xe buýt, BRT...

Chủ đầu tư đưa ra 4 phương án nâng cấp, bổ sung các tính năng cho hệ thống trên, song đề xuất thực hiện theo một dự án riêng, kinh phí 159 tỷ đồng. MAUR đánh giá phương án này khả thi, bởi đây là dự án độc lập, không ảnh hưởng tiến độ tuyến metro.

Theo phương án này, hệ thống AFC được đầu tư sẽ hoạt động độc lập với hệ thống hiện hữu, gồm bổ sung nhiều thiết bị phần cứng, hạ tầng công nghệ thông tin (máy chủ, hạ tầng mạng...) cùng xây dựng các phần mềm liên quan... Tại mỗi nhà ga của tuyến metro cũng sẽ lắp đặt thêm ít nhất hai cổng soát vé; thiết bị phục vụ bán vé... Việc thực hiện dự án được MAUR dự kiến trong 24 tháng.

Dùng sà lan chở nước ngọt cho dân vùng hạn mặn

Ngành cấp nước Bến Tre dự kiến dùng sà lan chở gần 200.000 m3 nước ngọt trong 3 tháng cho hàng chục nghìn hộ dân vùng hạn mặn ở huyện Giồng Trôm.

Sà lan chở nước ngọt từ thượng nguồn sông Tiền về cấp cho nhà máy nước tại Giồng Trôm hồi năm ngoái

Sà lan chở nước ngọt từ thượng nguồn sông Tiền về cấp cho nhà máy nước tại Giồng Trôm hồi năm ngoái

Tổng giám đốc Công ty CP Cấp thoát nước Bến Tre Trần Hùng cho biết, hiện khu vực huyện Giồng Trôm nước trên sông bị nhiễm mặn 2 - 4 phần nghìn, ảnh hưởng nguồn nước cấp cho Nhà máy Lương Quới.

Do đó nguồn nước ngọt cấp cho nhà máy này sẽ được Công ty lấy từ thượng nguồn sông Tiền, chở bằng sà lan. Mỗi tháng, Nhà máy được cấp 2 đợt vào giữa và cuối tháng với khoảng 60.000 m3 cung cấp cho người dân. Thời gian bổ sung nguồn nước nước ngọt dự kiến kéo dài từ nay đến tháng 6.

Theo ông Hùng, việc dùng sà lan chở nước ngọt từ xa sẽ phát sinh chi phí trên 2 tỷ đồng mỗi tháng. Công ty sẽ cân đối các nguồn khác để bù vào nên giá nước không tăng, bình quân 10.000 đồng một m3.

Mùa hạn mặn năm ngoái, người dân tại khu vực Giồng Trôm phải xài nước máy của Công ty CP Cấp thoát nước Bến Tre với giá 50.000 đồng một m3, cao gấp 5 lần ngày thường. Tuy nhiên, việc tăng giá nước sau đó phải dừng do bị Bộ Tài chính "tuýt còi".

Tổng cục Thủy lợi dự báo, tháng 3 là lúc cao điểm xâm nhập mặn ở mùa khô năm nay.

Doanh nghiệp vận tải ồ ạt tăng giá cước 10 - 20%

Cả xe khách và taxi tại Hà Nội đều đã tăng giá cước từ 11% lên 22% sau khi giá xăng liên tục tăng trong thời gian gần đây.

Có 5 doanh nghiệp taxi giữ giá, trong khi 6 doanh nghiệp khác tăng 5 - 12% do giá xăng dầu tăng cao

Có 5 doanh nghiệp taxi giữ giá, trong khi 6 doanh nghiệp khác tăng 5 - 12% do giá xăng dầu tăng cao

Theo Sở GTVT Hà Nội, đã có 12/15 doanh nghiệp taxi trên địa bàn đăng ký lại giá. Đáng chú ý, có 5 doanh nghiệp không tăng giá, 1 doanh nghiệp đăng ký giảm giá cho 2 loại xe là Hyundai i10 và Kia Morning khi gọi xe ứng dụng công nghệ (giảm 10 - 15%). Ngoài ra, 6 doanh nghiệp taxi khác tăng giá từ 5 - 12%.

Với xe khách, nhiều nhà xe đã đăng ký tăng giá cước. Trong đó, Công ty CP Xe khách Hà Nội tăng thêm 5.000 đồng/chuyến với nhiều chuyến xe từ Hà Nội về Hưng Yên hay Mỹ Đình về Quế Võ (Bắc Ninh).

Công ty Liên doanh vận chuyển quốc tế Hải Vân cũng tăng đồng loạt giá cước trên các chặng từ Hà Nội lên các tỉnh phía Bắc với mức tăng 60.000 - 70.000 đồng/chặng. Cụ thể như chặng Hà Nội - Điện Biên (xe giường nằm 34 - 36 chỗ) tăng 70.000 đồng, từ 415.000 đồng lên 485.000 đồng; hay chặng Mỹ Đình - Mường Chà (xe giường nằm) tăng từ 380.000 đồng và 430.000 đồng lên lần lượt là 450.000 đồng và 500.000 đồng.

Xe buýt chất lượng cao số 68 (Hà Đông - sân bay Nội Bài) cũng tăng từ 40.000 đồng/lượt lên 45.000 đồng; buýt chất lượng cao 86 (trung tâm Hà Nội - sân bay Nội Bài) tăng từ 35.000 đồng lên 40.000 đồng.

Chuyên đề