Bản tin thời sự sáng 17/11

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Metro Nhổn - ga Hà Nội dự kiến vận hành đoạn trên cao dịp 30/4/2024; đường sắt Bắc - Nam thông tuyến; Chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự quận Ngô Quyền bị bắt vì gây thiệt hại hơn 5 tỷ đồng trong đấu giá; 12 triệu m3 thải than được cấp phép làm vật liệu san lấp…

Metro Nhổn - ga Hà Nội dự kiến vận hành đoạn trên cao dịp 30/4/2024

Sau khi vận hành thử cuối năm nay, đoạn trên cao metro Nhổn - ga Hà Nội dự kiến đưa vào khai thác thương mại dịp 30/4 - 1/5/2024.

Tàu tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội chạy thử nghiệm trên đường ray

Tàu tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội chạy thử nghiệm trên đường ray

Phó Chủ tịch TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn đưa ra mốc thời gian trên tại Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề giao thông, quản lý lòng đường, hè trên địa bàn, do Thường trực HĐND Thành phố tổ chức ngày 16/11.

Trả lời ý kiến cử tri, ông Tuấn cho rằng, đoạn trên cao chạy thương mại sẽ góp phần nâng tỷ lệ vận tải hành khách công cộng từ 19% hiện nay lên 21,5%. Hà Nội đang nghiên cứu hai đề án hạn chế phương tiện cá nhân là cấm xe máy tại các quận năm 2030 và thu phí phương tiện vào nội đô. Tuy nhiên, chỉ khi vận tải công cộng đạt 30 - 35% mới tính đến khả năng hạn chế phương tiện cá nhân.

Để đạt chỉ tiêu vận tải hành khách công cộng, Hà Nội coi đường sắt đô thị là xương sống và đã quy hoạch 10 tuyến đến 2030 với tổng chiều dài 417 km, trong đó đi trên cao 342 km, ngầm 75 km. Tuy nhiên, đến nay mới có tuyến Cát Linh - Hà Đông hoàn thành và khai thác sau 12 năm triển khai.

Dự án đường sắt đô thị đoạn Nhổn - ga Hà Nội dài 12,5 km, đi qua 8 ga trên cao và 4 ga ngầm, trong đó đoạn trên cao Nhổn - Cầu Giấy dài 8,5 km và đoạn đi ngầm Cầu Giấy - ga Hà Nội dài 4 km. Dự án khởi công năm 2009, kế hoạch hoàn thành năm 2015, nhưng sau bốn lần lùi tiến độ, mốc hoàn thành mới của toàn tuyến dự kiến là năm 2027.

Hồi tháng 3, TP. Hà Nội đề xuất vận hành đoạn trên cao Nhổn - ga Hà Nội tháng 8/2023 thay vì cuối năm 2022 như cam kết trước đó. Tuy nhiên, đến nay mốc thời gian lại được đưa ra dịp 30/4 - 1/5/2024.

Tiến độ tổng thể chung của Dự án metro Nhổn - Ga Hà Nội hiện đạt gần 78%, trong đó đoạn trên cao đạt 99,5%; đoạn ngầm đạt 36,5%.

Đường sắt Bắc - Nam thông tuyến

10h sáng 16/11, các đoàn tàu Bắc - Nam có thể chạy qua Thừa Thiên Huế với tốc độ 5 km/h sau khi nước rút, nhiều đoạn ray đang được gia cố.

Đường sắt khu vực Thừa Thiên Huế bị ngập nước, ách tắc trong ngày 15/11

Đường sắt khu vực Thừa Thiên Huế bị ngập nước, ách tắc trong ngày 15/11

Đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, Thừa Thiên Huế sáng 16/11 giảm mưa, nước rút dần nên đoạn đường sắt bị ngập được thông tuyến. 6 đoàn tàu khách dừng chờ tại các ga dọc tuyến sẽ lưu thông trở lại.

Ga Văn Xa là điểm ngập sâu nhất, lúc 7h có đoạn đường ray dưới mức nước 40 cm. Đoạn Mỹ Chánh - Phò Trạch nước còn ngập dưới 30 cm và đang rút dần.

Dù được thông tuyến, hôm nay các tàu SE3, SE5, SE2 vẫn tạm dừng khởi hành tại ga Hà Nội và Sài Gòn. Hành khách có thể liên hệ trả vé tại nhà ga và không mất phí.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh và gió đông trên cao, từ ngày 13 - 15/11 miền Trung mưa to, tâm mưa là Thừa Thiên Huế. Đường sắt Bắc Nam qua ga Văn Xá, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế chìm trong lũ, phải phong tỏa từ 8h sáng 15/11. Mưa lớn đã làm hư hỏng một số vị trí kết cấu hạ tầng như cầu đường sắt, hầm số 8 tại cung đường Thừa Lưu - Lăng Cô.

Hai tàu SE4, SE6 phải dừng tại ga Huế; tàu SE1 dừng tại ga Đông Hà; SE3 chờ tại ga Đồng Hới; SE19 tại ga Quảng Trị; SE8 tại ga Đà Nẵng, ảnh hưởng hơn 1.000 hành khách. Do đường bộ cũng ngập, hành khách không được chuyển tải bằng đường bộ mà ăn uống miễn phí trên tàu.

Chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự quận Ngô Quyền bị bắt vì gây thiệt hại hơn 5 tỷ đồng trong đấu giá

Chấp hành viên Hoàng Thị Vân Anh thuộc Chi cục Thi hành án dân sự quận Ngô Quyền bị cáo buộc thiếu trách nhiệm trong đấu giá tài sản, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 5 tỷ đồng.

Bà Vân Anh bị bắt vào sáng 16/11

Bà Vân Anh bị bắt vào sáng 16/11

Bà Vân Anh bị Cơ quan điều tra VKSND Tối cao thi hành Lệnh bắt tạm giam về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, theo Khoản 3 Điều 360 Bộ luật Hình sự.

Đầu tháng 9/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an Hải Phòng nhận được đơn tố cáo về các sai phạm của đấu giá viên thuộc Công ty Đấu giá hợp danh tài sản Đông Đô trong quá trình tổ chức bán đấu giá tàu Hải Thắng 18 (là tài sản bị kê biên bảo đảm thi hành án của Chi cục Thi hành án dân sự quận Ngô Quyền, Hải Phòng). Thông tin tố cáo sau đó được Cơ quan điều tra VKSND Tối cao xác minh.

VKSND Tối cao xác định, Công ty Đấu giá hợp danh tài sản Đông Đô không đủ điều kiện để tổ chức bán đấu giá nhưng chấp hành viên Vân Anh vẫn ký hợp đồng cho thực hiện. Trong quá trình Công ty Đông Đô tổ chức bán hồ sơ, đấu giá tài sản, bà Vân Anh bị cáo buộc "thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát dẫn tới vi phạm pháp luật", gây thiệt hại 3,98 tỷ đồng.

Nhà chức trách cho rằng, chấp hành viên này còn ký hợp đồng với cảng không đủ điều kiện để neo đậu tàu Hải Thắng 18, không khảo sát giá thuê neo đậu, thanh toán tiền thuê cảng để neo đậu tàu vượt quá số ngày so với hợp đồng và phụ lục hợp đồng (65 ngày). Việc này gây thiệt hại 1,3 tỷ đồng.

Tàu Hải Thắng 18 là tài sản do Công ty CP Vận tải biển Hải Thắng vay tiền ngân hàng để mua. Do không có đủ khả năng trả gốc và lãi, năm 2022, tàu Hải Thắng bị phát mại.

Ngày 28/11/2022, tàu Hải Thắng 18 có người mua trúng đấu giá là Công ty TNHH Thương mại Hòa An 286 với giá hơn 24 tỷ đồng.

12 triệu m3 thải than được cấp phép làm vật liệu san lấp

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cho phép tỉnh Quảng Ninh sử dụng hơn 12 triệu m3 đất đá thải trong quá trình khai thác than làm vật liệu san lấp.

Một bãi thải than chất cao như núi ở phường Mông Dương, TP. Cẩm Phả

Một bãi thải than chất cao như núi ở phường Mông Dương, TP. Cẩm Phả

Thông tin trên được ông Ngọc Thái Hoàng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh cho biết trong Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn Việt Nam 2023, do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức sáng 16/11 ở Hà Nội.

Ông Hoàng cho biết, 4 bãi thải được phép sử dụng làm vật liệu san lấp gồm: Bãi Núi Béo trữ lượng 0,7 triệu m3, Tây Khe Sim 3,5 triệu m3, Suối Lại 3,5 triệu m3, bãi khu I của mỏ nam Tràng Bạch hơn 4,7 triệu m3.

Ngoài ra, 2 khu bãi thải khác là Nam Tràng Bạch (giai đoạn 2) và Cọc Sáu với hơn 21 triệu tấn đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét cho phép sử dụng. Tỉnh Quảng Ninh dự kiến sử dụng số thải này để san lấp Dự án Hạ Long Xanh, nơi có nhu cầu 300 triệu m3 vật liệu.

Ngoài thải than, ông Hoàng cho biết đang tiến hành thủ tục để sử dụng khoảng 35 triệu m3 tro xỉ nhiệt điện làm vật liệu san lấp. Hiện cả 7 nhà máy nhiệt điện trên địa bàn đã xây dựng đề án xử lý, tiêu thụ tro, xỉ, các chỉ số quan trắc đảm bảo không có thành phần nguy hại.

Hai nhà máy nhiệt điện Thăng Long, Mông Dương 1 đang cung cấp khoảng 3,5 triệu m3 tro xỉ làm vật liệu san lấp cho một số dự án ở Quảng Ninh.

Hàng năm, các mỏ than ở Quảng Ninh đưa ra các bãi thải khoảng 150 triệu m3 dẫn tới chiếm dụng hàng nghìn ha đất, gây ô nhiễm môi trường, nguy cơ sạt lở trong mùa mưa lũ. Trong khi đó, mỗi năm Quảng Ninh thiếu khoảng 130 triệu m3 vật liệu san lấp cho các dự án. Mỏ đất đồi chỉ đáp ứng khoảng 25% nhu cầu.

Tàu hàng 15.000 tấn bị sóng lớn đánh dạt vào bờ biển Quảng Nam

Trong lúc neo đậu tại cảng Dung Quất, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, tàu hàng có trọng tải gần 1,5 vạn tấn bị sóng lớn đánh dạt vào bờ biển Quảng Nam.

Tàu New Energy dạt vào bờ biển xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành

Tàu New Energy dạt vào bờ biển xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành

Ông Nguyễn Thanh Đạt, Chủ tịch xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam cho biết, tàu hàng New Energy với tải trọng gần 1,5 vạn tấn vừa bị sóng lớn đánh trôi dạt vào bờ biển của xã.

Theo Chủ tịch xã Tam Nghĩa, sau khi bỏ hàng ở cảng Dung Quất (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), tàu trở về điểm neo đậu nhưng không may bị sóng lớn đánh và trôi dạt vào bờ biển của xã Tam Nghĩa.

Con tàu hàng này vẫn đang mắc kẹt, thuyền trưởng và đơn vị sở hữu tàu New Energy đang tích cực phối hợp với cơ quan chức năng khắc phục sự cố.

Được biết tàu New Energy có trọng tải hơn 14,6 nghìn DWT (gần 1,5 vạn tấn), do ông Nguyễn Hữu Minh (trú tỉnh Lạng Sơn) làm thuyền trưởng, trên tàu có 19 thuyền viên.

Tàu New Energy vận chuyển hơn 13,8 nghìn tấn quặng sắt đi từ cảng Cửa Lò (Nghệ An) vào cảng Dung Quất giao hàng. Sau khi bốc dỡ hàng, tàu neo đậu ở cảng biển Dung Quất thì xảy ra sự cố do gió to sóng lớn.

Đức Long Gia Lai được hủy án phá sản

Quyết định mở thủ tục phá sản được hủy vì "đại gia phố núi" không mất khả năng thanh khoản, không lâm vào phá sản và có thiện chí trả nợ.

Đức Long Gia Lai được hủy án phá sản

Đức Long Gia Lai được hủy án phá sản

Sáng 16/11, Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (DLG) nhận quyết định của Tòa án Nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng về hủy quyết định mở thủ tục phá sản. Trước đó, Tòa án Nhân dân tỉnh Gia Lai cho đã chấp thuận yêu cầu trên của Công ty CP Lilama 45.3 (L43) do DLG chậm trả khoản nợ có giá trị gốc gần 14,8 tỷ đồng.

Theo Tòa án Nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng, Đức Long Gia Lai không mất khả năng thanh toán, không lâm vào phá sản và số tiền phải thanh toán rất nhỏ. Công ty đang đàm phán và lên kế hoạch trả nợ.

Trước đó, DLG thực hiện lệnh chuyển 500 triệu đồng vào ngày 14/6 và 400 triệu đồng vào ngày 29/6 nhưng bất thành do tài khoản L43 khi đó bị treo. Về sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản, Đức Long Gia Lai đã chuyển trả tổng cộng 4 tỷ đồng và cam kết lộ trình thanh toán theo thủ tục thi hành án dân sự. Tòa án Nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng cho rằng, đây là tình tiết mới chứng minh DLG không mất khả năng thanh khoản, chưa lâm vào tình trạng phá sản và có thiện chí trả nợ.

Trong đơn khiếu nại quyết định của Tòa án tỉnh Gia Lai hồi giữa tháng 10, DLG cho biết đã nộp báo cáo tài chính các năm 2021, 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, thể hiện doanh nghiệp có đủ khả năng thanh toán các khoản nợ. Công ty khẳng định vẫn đang hoạt động bình thường, có tài sản trên 10.000 tỷ đồng và nguồn tài chính đủ khả năng trả nợ từ hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như nợ phải thu khá lớn từ các đối tác và khách hàng. Trong khi đó, khoản nợ của Lilama 45.3 chiếm chưa đến 0,3% tổng tài sản.

Tập đoàn Đức Long Gia Lai là một trong hai doanh nghiệp lớn của khu vực Tây Nguyên, hoạt động trong mảng sản xuất, chế biến gỗ, đá granite, kinh doanh bến xe và bãi đỗ, dịch vụ khách sạn, khai thác và chế biến khoáng sản. Doanh nghiệp này có thời kỳ hoàng kim vào giai đoạn 2016 - 2018 với doanh thu khoảng 3.000 tỷ đồng mỗi năm.

Giám đốc ở Đồng Nai bị bắt vì liên quan đăng kiểm ôtô

Lê Văn Hòa, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cơ khí ôtô Thuận Khánh, và đăng kiểm viên Trung tâm 60-01S, bị cáo buộc nhận tiền của tài xế để nghiệm thu xe cải tạo chưa đạt chuẩn.

Lê Văn Hòa (giữa) nghe đọc lệnh bắt tạm giam sáng 16/11

Lê Văn Hòa (giữa) nghe đọc lệnh bắt tạm giam sáng 16/11

Ngày 16/11, ông Hòa; Bùi Trọng Tường, đăng kiểm viên Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Đồng Nai - chi nhánh Biên Hòa (60.01S) bị Công an Đồng Nai bắt tạm giam về hành vi Nhận hối lộ theo khoản 3 Điều 354 Bộ luật Hình sự.

Liên quan vụ án, Nguyễn Sơn Hải, Phó giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Đồng Nai 60-02S, và một nhân viên khác cũng bị khởi tố nhưng cho tại ngoại hầu tra.

Nhà riêng và chỗ làm của các bị can cũng bị công an khám xét, thu giữ nhiều tài liệu.

Động thái này được nhà chức trách đưa ra trong quá trình mở rộng điều tra vụ án Đưa và Nhận hối lộ xảy ra tại một số trung tâm đăng kiểm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Trước đó, sau khi bắt tạm giam ông Dương Việt Hồng, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 60-01S, cơ quan điều tra đã triệu tập nhiều nhân viên đăng kiểm lên làm việc. Từ các hồ sơ đăng kiểm, cải tạo xe... trong nhiều năm qua, cảnh sát xác định Tường có dấu hiệu vi phạm nên bắt giữ, điều tra.

Ngoài Trung tâm 60-01S, ông Hồng còn là giám đốc của 2 trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 60-02S (TP Long Khánh) và 60-03S (huyện Định Quán) thuộc Sở Giao thông vận tải quản lý.

Chuyên đề