Bản tin thời sự sáng 17/1

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Chính phủ đề xuất dành gần 58.000 tỷ đồng cho 32 dự án giao thông; đề xuất gom Vành đai 4 TP.HCM thành một dự án lớn; Lâm Đồng yêu cầu rà soát Dự án sân Golf Đồi Cù; TP.HCM có thêm phố đêm ở Thảo Điền; Bình Dương thưởng Tết cao nhất hơn nửa tỷ đồng…

Chính phủ đề xuất dành gần 58.000 tỷ đồng cho 32 dự án giao thông

Chính phủ đề xuất phân bổ 57.735 tỷ đồng vốn đầu tư công từ ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 cho 32 dự án giao thông. Hướng đến mục tiêu có trên 3.000 km đường bộ cao tốc vào năm 2025.

Chính phủ đề xuất phân bổ 57.735 tỷ đồng vốn đầu tư công từ ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 cho 32 dự án giao thông

Chính phủ đề xuất phân bổ 57.735 tỷ đồng vốn đầu tư công từ ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 cho 32 dự án giao thông

Trình bày tờ trình về việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 ngày 16/1, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, dự kiến phân bổ cho 5 ngành, lĩnh vực bao gồm quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước, khoa học công nghệ, giao thông...

Tổng vốn đề nghị phân bổ cho các dự án đầu tư công là hơn 63.720 tỷ đồng. Trong đó, khoảng 57.735 tỷ đồng dự kiến phân bổ cho 32 dự án giao thông, nhất là các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, hệ thống đường cao tốc, đường ven biển. Mục tiêu là có trên 3.000 km đường bộ cao tốc vào năm 2025.

Theo Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, trong 50 nhiệm vụ, dự án, có 33 nhiệm vụ, dự án đã đủ thủ tục đầu tư, đủ điều kiện giao, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn với số vốn hơn 33.156 tỷ đồng. 17 dự án còn lại đang hoàn thiện thủ tục đầu tư, hồ sơ đề nghị phân cấp làm cơ quan chủ quản theo Nghị quyết của Quốc hội.

Đề xuất gom Vành đai 4 TP.HCM thành một dự án lớn

Vành đai 4 dài 200 km đi qua 5 tỉnh, thành được đề xuất gộp thành 1 - 2 dự án lớn theo hợp đồng BOT, nhằm đồng bộ, dễ kêu gọi đầu tư thay vì chia làm nhiều dự án nhỏ.

Hướng tuyến của Vành đai 4

Hướng tuyến của Vành đai 4

Phương án trên vừa được UBND TP.HCM đề xuất với Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và những địa phương liên quan tại buổi làm việc về các dự án trọng điểm ở phía Nam mới đây.

Vành đai 4 được quy hoạch từ năm 2011, với tổng mức đầu tư hơn 105.000 tỷ đồng. Hiện, Chính phủ giao các địa phương là cơ quan có thẩm quyền triển khai đoạn đi qua địa bàn theo phương thức đối tác công tư (PPP). Trong đó, phần qua Long An dài hơn 78 km, Bình Dương 47,5 km, Đồng Nai 45,6 km, Bà Rịa - Vũng Tàu 18,1 km, TP.HCM khoảng 17,3 km.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường, tuyến chính Vành đai 4 dự kiến đầu tư theo hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), nếu tách thành nhiều dự án sẽ khó thực hiện đồng bộ. Do vậy, có thể gom thành 1 - 2 dự án và giao một địa phương điều phối chung.

Việc này cũng được cho giúp dễ kêu gọi đầu tư, thuận lợi vận hành, thu phí hoàn vốn khi công trình hoàn thành. Theo đó, chi phí xây dựng tuyến chính ước tính hơn 47.000 tỷ đồng, khi triển khai ngân sách nhà nước tham gia khoảng 50% (hoặc có thể cao hơn), phần kêu gọi đầu tư khoảng 25.000 tỷ đồng. Phần bồi thường, giải phóng mặt bằng có thể chia theo các tỉnh, thành thực hiện.

Theo lãnh đạo TP.HCM, cách làm trên tương tự như Dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô. Đây là trục đường dài hơn 112 km, đi qua Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh. Trong đó, tuyến chính là một dự án chung triển khai theo hình thức BOT. Phần giải phóng mặt bằng và xây đường song hành chia làm các dự án thành phần do địa phương triển khai.

Theo kế hoạch, quý I năm nay báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Vành đai 4 TP.HCM sẽ được hoàn tất làm cơ sở trình Chính phủ và Quốc hội xem xét, thông qua chủ trương. Sau khi lựa chọn nhà đầu tư, công trình dự kiến khởi công năm 2025, hoàn thành sau 3 năm.

Lâm Đồng yêu cầu rà soát Dự án sân Golf Đồi Cù

Ngày 16/1, UBND tỉnh Lâm Đồng ra văn bản hỏa tốc, yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát về hồ sơ, thủ tục và việc đầu tư xây dựng hạng mục tòa nhà câu lạc bộ Golf thuộc Dự án Khu nghỉ mát Đà Lạt.

Đại công trường Dự án Tòa nhà câu lạc bộ Golf Đồi Cù Đà Lạt

Đại công trường Dự án Tòa nhà câu lạc bộ Golf Đồi Cù Đà Lạt

Ngày 16/1, UBND tỉnh Lâm Đồng ra văn bản hỏa tốc, yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát, báo cáo về hồ sơ, thủ tục và việc đầu tư xây dựng hạng mục tòa nhà câu lạc bộ Golf thuộc Dự án Khu nghỉ mát Đà Lạt.

Đây là dự án nằm bên cạnh thắng cảnh hồ Xuân Hương, đang gây xôn xao dư luận do những thông tin trái chiều trong nhiều tháng qua.

Văn bản nêu rõ, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy về việc tổng hợp, báo cáo nội dung liên quan đến tòa nhà câu lạc bộ Golf, UBND Tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Sở Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, UBND thành phố Đà Lạt và cơ quan liên quan rà soát trình tự, thủ tục, việc đầu tư xây dựng hạng mục tòa nhà câu lạc bộ Golf tại sân Golf Đà Lạt Palace thuộc Dự án “Khu nghỉ mát Đà Lạt" của Công ty CP Hoàng Gia DL; tham mưu UBND Tỉnh báo cáo Thường trực Tỉnh ủy (trước 11 giờ 30 phút ngày 17/1/2024).

Trước đó ngày 11/1, ông Võ Ngọc Hiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo UBND thành phố Đà Lạt khẩn trương lập hồ sơ xử lý nghiêm các sai phạm trong đầu tư xây dựng công trình vi phạm trật tự xây dựng tại Dự án Tòa nhà câu lạc bộ Golf thuộc sân Golf Đà Lạt theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.

Tại Văn bản số 334/UBND-XD ngày 11/1/2024, lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo UBND thành phố Đà Lạt phải yêu cầu chủ đầu tư chấp hành việc tự giác tháo dỡ các hạng mục công trình tự ý xây dựng không phép, sai phép, hoàn thành tháo dỡ trước ngày 25/1/2024.

Quá thời hạn trên, nếu chủ đầu không chấp hành thì lực lượng chức năng tổ chức huy động lực lượng, máy móc để thực hiện cưỡng chế, tháo dỡ các công trình sai phạm (sai phép, không phép) theo quy định; hoàn thành trước ngày 15/2/2024.

TP.HCM có thêm phố đêm ở Thảo Điền

Phố đêm Thảo Điền ở TP. Thủ Đức khai trương từ ngày 19/1, hoạt động 19h - 2h thứ 6 và 7 hàng tuần, với các chương trình biểu diễn nghệ thuật đường phố, ẩm thực...

Phối cảnh chợ hoa xuân 2024 trong Phố đêm Thảo Điền, khai mạc ngày 19/1

Phối cảnh chợ hoa xuân 2024 trong Phố đêm Thảo Điền, khai mạc ngày 19/1

Thông tin được Phó Chủ tịch UBND TP. Thủ Đức Nguyễn Kỳ Phùng cho biết ngày 16/1. Đây là phố đêm đầu tiên trên địa bàn đi vào hoạt động, do phường trực tiếp quản lý, thực hiện.

Phố đêm Thảo Điền được tổ chức tại một phần đường Xuân Thủy tiếp giáp với Quốc Hương, Nguyễn Văn Hưởng. Trong phố đêm có chợ Thảo Điền, công viên bờ sông chân cầu Sài Gòn. Sắp tới, dự kiến nơi đây mở tuyến buýt đường sông. Khu vực này cũng là nơi địa phương sẽ đẩy mạnh phát triển kinh tế đêm.

Xuyên suốt thời gian thí điểm trong 6 tháng, phố đêm sẽ tổ chức các động văn hóa, nghệ thuật như ca nhạc Chào xuân 2024, đờn ca tài tử, biểu diễn nhạc Jazz, Rock theo nhiều chủ đề. Cùng với chương trình nghệ thuật là các hoạt động ẩm thực, mua sắm...

Ban Quản lý Phố đêm Thảo Điền cũng sẽ bố trí xe điện miễn phí phục vụ nhu cầu di chuyển của du khách, người dân đến tham quan, vui chơi tại đây. Sau thời gian này, địa phương sẽ đánh giá nhu cầu của du khách, người dân, các yếu tố cần điều chỉnh để tăng hiệu quả hoạt động.

TP.HCM đang có 8 phố đêm gồm: hai phố đi bộ Bùi Viện và Nguyễn Huệ (đều ở Quận 1); 5 phố ẩm thực là Hồ Thị Kỷ và kỳ đài Quang Trung cùng ở Quận 10, Vĩnh Khánh (Quận 4); Hậu Giang (Quận 6); Nguyễn Thượng Hiền (Quận 3); Phan Xích Long (quận Phú Nhuận). Mới đây, huyện Bình Chánh kiến nghị mở phố đêm Trung Sơn, hoạt động 18 - 24h mỗi ngày, với 252 gian hàng, đầu tư theo hình thức xã hội hóa.

Bình Dương thưởng Tết cao nhất hơn nửa tỷ đồng

Trong 1.841 doanh nghiệp ở Bình Dương, mức thưởng Tết Nguyên đán 2024 bình quân 7,08 triệu đồng, doanh nghiệp FDI có mức thưởng cao nhất là 574 triệu đồng.

Mức thưởng Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 bình quân tại Bình Dương là 7,08 triệu đồng

Mức thưởng Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 bình quân tại Bình Dương là 7,08 triệu đồng

Ông Phạm Văn Tuyên, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bình Dương cho biết, đơn vị đã có báo cáo lần 2 gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về tình tình tiền lương và tiền thưởng Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.

Theo đó, qua công tác rà soát tổng hợp, đã có 1.861 doanh nghiệp báo cáo. Trong đó đã có 1.841 doanh nghiệp đã có kế hoạch thưởng Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 và 20 doanh nghiệp chưa có dự kiến mức thưởng Tết.

Cụ thể, mức thưởng Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 bình quân là 7,08 triệu đồng, mức thưởng Tết thấp nhất là 4,68 triệu đồng (đối với người lao động làm từ đủ 12 tháng).

Có 561 doanh nghiệp trong nước với khoảng 58.000 lao động dự kiến thưởng Tết bình quân là 6,7 triệu đồng, thấp nhất là 4,68 triệu đồng.

Trong 1.276 doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài - FDI với khoảng 383.000 lao động dự kiến thưởng Tết Nguyên đán, mức thưởng bình quân là 7,1 triệu đồng/người, mức thưởng thấp nhất là 4,68 triệu đồng/người.

Năm nay, tại Bình Dương, doanh nghiệp có mức thưởng Tết Nguyên đán cao nhất là 574 triệu đồng. Đây là một doanh nghiệp FDI tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore I (TP. Thuận An).

Như vậy, so với năm ngoái, mức thưởng Tết Nguyên đán của Tỉnh đã có sự sụt giảm ở khối doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI. Năm 2023, mức thưởng bình quân của các doanh nghiệp dân doanh là 7,7 triệu đồng/người, doanh nghiệp FDI là 9,2 triệu đồng/người.

Bình Thuận kiến nghị mở tuyến nối cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết vào nội thành

UBND tỉnh Bình Thuận vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đề nghị điều chỉnh vị trí ga Mương Mán thuộc Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, đoạn đi qua địa phương và kiến nghị bổ sung xây dựng tuyến đường kết nối cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết vào trung tâm TP. Phan Thiết.

Cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài hơn 100km đi qua 4 huyện của tỉnh Bình Thuận

Cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài hơn 100km đi qua 4 huyện của tỉnh Bình Thuận

Theo UBND tỉnh Bình Thuận, vị trí ga Mương Mán (xã Mương Mán, huyện Hàm Thuận Nam) tại Km 1397+000 (lý trình đường sắt tốc độ cao), cách ga Bình Thuận của đường sắt hiện hữu khoảng 0,4 km, cách trung tâm TP. Phan Thiết khoảng 13,2 km.

Như vậy, hành khách xuống ga đường sắt tốc độ cao di chuyển về trung tâm TP. Phan Thiết thông qua đường Mương Mán - Quốc lộ 1A hoặc theo đường ĐT.718. Tuy nhiên, hiện trạng mặt đường 2 tuyến này hiện khá nhỏ hẹp (5,5 - 7 m), nhà dân sinh sống hai bên tuyến rất đông đúc.

Trong khi đó, việc đầu tư nâng cấp, mở rộng 2 tuyến đường này với quy mô là trục giao thông kết nối hệ thống giao thông quốc gia đến trung tâm thành phố sẽ rất khó khăn, chi phí đầu tư lớn do phải thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, di dời nhà cửa và bố trí tái định cư cho nhiều hộ dân.

UBND tỉnh Bình Thuận đưa ra phương án khả thi là xây dựng tuyến kết nối từ đường bộ cao tốc vào trung tâm TP. Phan Thiết có chiều dài khoảng 10,6 km, với điểm đầu giao cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết tại Km 225+120 thuộc xã Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc và điểm cuối nối vào đường Lê Duẩn (trước ga đường sắt Phan Thiết, xã Phong Nẫm, TP Phan Thiết).

Tuyến kết nối đường bộ cao tốc nêu trên dự kiến giao cắt với đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đoạn qua địa bàn Bình Thuận tại Km 1393+000 và cách vị trí ga Mương Mán đường sắt tốc độ cao theo phương án đã thỏa thuận khoảng 4 km.

Do đó, để thuận lợi cho việc kết nối từ ga Mương Mán vào trung tâm TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận đề nghị Bộ GTVT xem xét, chỉ đạo đơn vị tư vấn nghiên cứu điều chỉnh vị trí ga Mương Mán đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam từ lý trình Km 1397+000 về khoảng Km 1393+000. Điều chỉnh vị trí trạm bảo dưỡng theo ga Mương Mán cho phù hợp theo kế hoạch.

Nhiều cao tốc thiếu đường gom

Các dự án cao tốc Long Thành - Dầu Giây, Dầu Giây - Phan Thiết, Nghi Sơn - Diễn Châu đều chưa có đủ đường gom, cần bổ sung theo kiến nghị của địa phương.

Cao tốc TP.HCM - Long Thành bị ùn tắc dịp cao điểm

Cao tốc TP.HCM - Long Thành bị ùn tắc dịp cao điểm

Dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết (tỉnh Đồng Nai) được thi công từ năm 2020, hoàn thành khai thác tuyến chính ngày 30/4/2023. Người dân tỉnh Đồng Nai có nhiều phản ánh dự án chậm tiến độ so với phê duyệt ban đầu và chậm xây đường gom, hệ thống chiếu sáng qua các cầu vượt khiến người dân đi lại khó khăn.

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, Dự án gặp nhiều khó khăn như chậm giải phóng mặt bằng, thiếu hụt nguồn đất đắp. Chính phủ đã ban hành nghị quyết để tháo gỡ, nhưng thủ tục cấp phép và gia hạn thời gian khai thác mỏ đất còn kéo dài nên không thể hoàn thành toàn bộ hạng mục theo kế hoạch.

Đến nay, nhà thầu đã hoàn thành đường gom theo hợp đồng, hệ thống chiếu sáng, và đang hoàn thiện thủ tục đấu nối điện. Với những đoạn đường gom mới, chủ đầu tư đang hoàn thiện hồ sơ thiết kế để sớm bàn giao cọc mốc giải phóng mặt bằng cho địa phương.

Tương tự, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây được khai thác từ năm 2015 song vẫn thiếu đường gom ở huyện Cẩm Mỹ (tỉnh Đồng Nai).

Theo Bộ GTVT, các hạng mục đường dân sinh, mương thoát lũ ở huyện Cẩm Mỹ không thể bổ sung vào dự án do Hiệp định vay vốn của dự án cao tốc đã hết hạn. Bộ đã yêu cầu chủ đầu tư làm việc với địa phương để có phương án xây dựng đường gom từ vốn địa phương.

Người dân huyện Diễn Châu và thị xã Hoàng Mai (tỉnh Nghệ An) cũng kiến nghị Bộ GTVT xử lý vướng mắc, bất cập về hệ thống mương thoát nước, đường gom dân sinh trên cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu.

Theo Bộ GTVT, trong quá trình khảo sát, lập, thẩm định thiết kế Dự án, Ban Quản lý dự án 6 và các đơn vị tư vấn đã phối hợp địa phương để thống nhất thiết kế hệ thống đường gom, hầm chui dân sinh, hệ thống thoát nước.

Cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu hoàn thành và khai thác tuyến chính từ ngày 1/9/2023. Các hạng mục còn lại của dự án này như đường gom, cống, rãnh thoát nước đã được thi công.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư