Bản tin thời sự sáng 17/1

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là tăng tần suất cho nhiều chuyến bay quốc tế; Bộ GTVT thống nhất mở rộng cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; Lào Cai tạm dừng nhận xe chở trái cây qua cửa khẩu Kim Thành từ 18/1; Khánh Hoà đình chỉ hoạt động cao ốc hơn 40 tầng Oceanus; “siêu doanh nghiệp” vốn 500.000 tỷ đồng bất ngờ tuyên bố giải thể…

Tăng tần suất cho nhiều chuyến bay quốc tế

Cục Hàng không Việt Nam vừa quyết định tăng tần suất cho các chuyến bay quốc tế đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Bắc (Trung Quốc) và Singapore.

Cục Hàng không Việt Nam vừa quyết định tăng tần suất cho nhiều chuyến bay quốc tế

Cục Hàng không Việt Nam vừa quyết định tăng tần suất cho nhiều chuyến bay quốc tế

Các hãng tăng chuyến bay đến các thị trường trên lên 14 chuyến mỗi tuần, chia cho 4 hãng khai thác, áp dụng sau ngày 20/1. Các đường bay đến Australia, Thái Lan, Campuchia, Lào sẽ khai thác 10 chuyến/tuần; riêng đường bay Đài Bắc và Mỹ sẽ khai thác 4 chuyến/tuần.

Hiện nay, các thị trường trên chỉ có tần suất tối đa là 4 chuyến, Hàn Quốc là 6 chuyến mỗi tuần.

Với đường bay Nhật Bản, mỗi tuần Vietnam Airlines sẽ bay 7 chuyến, Vietjet Air 4 chuyến, Bamboo 2 chuyến, Pacific Airlines 1 chuyến. Với đường bay Hàn Quốc, Vietnam Airlines có 7 chuyến, Vietjet 5 chuyến, 2 hãng còn lại một chuyến.

Đến Australia, Vietnam Airlines có 6 chuyến, Vietjet và Bamboo 2 chuyến mỗi tuần.

Với đường bay đến Pháp, Đức, Anh và Nga, sau khi có ý kiến của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Cục Hàng không Việt Nam sẽ thông báo kế hoạch tổ chức chuyến bay đến các thị trường này.

Theo Cục Hàng không, hiện khoảng 140.000 người Việt ở nước ngoài có nhu cầu về nước đón Tết. Dự báo lượng khách về Việt Nam sẽ vượt 30.000 người mỗi tuần, bao gồm cả công dân Việt Nam, Việt kiều và khách ngoại giao, công vụ, chuyên gia, nhà đầu tư...

Bộ GTVT thống nhất mở rộng cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình

Bộ GTVT thống nhất chủ trương mở rộng quy mô mặt cắt ngang cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đoạn qua tỉnh Hà Nam.

Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đoạn nối cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đã được mở rộng 8 làn xe

Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đoạn nối cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đã được mở rộng 8 làn xe

Bộ GTVT vừa có công văn gửi UBND tỉnh Hà Nam về việc đầu tư mở rộng đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đoạn Đại Xuyên - Liêm Tuyền và bổ sung quy hoạch nút giao khác mức liên thông thuộc địa phận tỉnh Hà Nam.

Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình có quy mô quy hoạch là 8 làn xe đối với đoạn Cầu Giẽ - Phú Thứ và 6 làn xe đối với đoạn Phú Thứ - Ninh Bình.

Hiện nay, tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đang khai thác với quy mô 4 làn xe.

Theo báo cáo của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), nhu cầu vận tải đoạn Đại Xuyên - Liêm Tuyền đạt 55.022 - 61.320 xe con quy đổi/ngày đêm (giai đoạn 2018 - 2020) đã vượt quá năng lực thiết kế của quy mô hiện hữu…

Bộ GTVT thống nhất với UBND tỉnh Hà Nam về sự cần thiết nghiên cứu mở rộng quy mô mặt cắt ngang đoạn Đại Xuyên - Liêm Tuyền để đáp ứng nhu cầu vận tải, quy hoạch được duyệt.

Nhằm tạo thuận lợi cho việc kết nối các tuyến giao thông liên vùng, hỗ trợ phát triển công nghiệp, dịch vụ trong khu vực, Bộ GTVT thống nhất với đề nghị của UBND tỉnh Hà Nam về việc bổ sung quy hoạch nút giao tại Liêm Sơn (khoảng cách tới 2 nút giao hiện hữu liền kề khoảng 11 km và 18 km).

Kinh phí xây dựng nút giao và các kinh phí khác có liên quan do tỉnh Hà Nam chịu trách nhiệm. Thời điểm xây dựng được xác định sau khi có thỏa thuận với VEC và bảo đảm không tác động tiêu cực đến hiệu quả tài chính của dự án.

Trước đó, theo tính toán của VEC, cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đoạn Đại Xuyên - Liêm Tuyền dài 19,7 km, nếu mở rộng từ 4 làn lên 6 làn xe, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng hơn 350 tỷ đồng.

Lào Cai tạm dừng nhận xe chở trái cây qua cửa khẩu Kim Thành từ 18/1

Lượng phương tiện vận chuyển mặt hàng trái cây tươi xuất khẩu đang tồn tại cửa khẩu Lào Cai đã lên đến gần 1.000 xe và vẫn đang tiếp tục được đưa lên với số lượng trên dưới 100 xe/ngày.

Từ 00h ngày 18/1/2022, Lào Cai tạm thời dừng tiếp nhận phương tiện chở hàng hóa trái cây tươi lên cửa khẩu quốc tế đường bộ số 2 Kim Thành

Từ 00h ngày 18/1/2022, Lào Cai tạm thời dừng tiếp nhận phương tiện chở hàng hóa trái cây tươi lên cửa khẩu quốc tế đường bộ số 2 Kim Thành

Từ 00h ngày 18/1/2022, Lào Cai tạm thời dừng tiếp nhận phương tiện chở hàng hóa trái cây tươi lên cửa khẩu quốc tế đường bộ số 2 Kim Thành (Lào Cai) - Bắc Sơn (Trung Quốc) để xuất khẩu sang Trung Quốc cho đến khi có thông báo mới.

Theo UBND tỉnh Lào Cai, lý do tạm dừng là để thực hiện quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid -19 của phía Trung Quốc.

Ngoài ra, hiện lượng phương tiện vận chuyển trái cây tươi (thanh long, xoài, dưa hấu, mít) đang tồn ở cửa khẩu Lào Cai lên đến gần 1.000 xe và vẫn đang tiếp tục được đưa lên từ các tỉnh với số lượng trên dưới 100 xe/ngày.

Với tình hình hiện tại, năng lực đáp ứng của các kho, bãi tập kết hàng hóa của Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành đã quá tải và không thể tiếp nhận được thêm phương tiện đến tập kết, chờ xuất khẩu.

Trước đó, ngày 12/1, phía tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đã khôi phục lại hoạt động nhập khẩu đối với các mặt hàng trái cây tươi từ Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành. Tuy vậy, năng lực thông quan hàng hóa qua cửa khẩu này đối với các mặt hàng trái cây tươi rất hạn chế. Từ ngày 12/1 đến hết 15/1, khoảng 60 xe chở mặt hàng trái cây tươi được thông quan, trung bình từ 15 - 20 xe/ngày.

Khánh Hoà đình chỉ hoạt động cao ốc hơn 40 tầng Oceanus

Toà nhà OC3 cao hơn 40 tầng thuộc Tổ hợp khách sạn và căn hộ cao cấp Oceanus tại khu Bãi Dương, phường Vĩnh Phước, TP. Nha Trang (tỉnh Khánh Hoà) đã bị đình chỉ hoạt động vì có nguy cơ cháy, nổ gây hậu quả nghiêm trọng.

Dự án khách sạn và căn hộ cao cấp Oceanus

Dự án khách sạn và căn hộ cao cấp Oceanus

Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH, Công an tỉnh Khánh Hoà vừa ra quyết định đình chỉ hoạt động đối với toà nhà OC3 cao hơn 40 tầng nổi và 2 tầng hầm thuộc Tổ hợp khách sạn và căn hộ cao cấp Oceanus vì có nguy cơ cháy, nổ gây hậu quả nghiêm trọng.

Trước đó, ngày 10/11/2021, Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH, Công an tỉnh Khánh Hoà đã ra quyết định yêu cầu chủ đầu tư toà nhà OC3 khắc phục những vi phạm về PCCC. Tuy nhiên, đến nay chủ đầu tư toà nhà này vẫn chưa khắc phục vi phạm nói trên và có nguy cơ cháy nổ, gây hậu quả nghiêm trọng.

Liên quan đến Dự án tổ hợp khách sạn và căn hộ cao cấp Oceanus, Công an tỉnh Khánh Hoà cũng vừa ra quyết định khởi tố vụ án hình sự Vi phạm các quy định về quản lý đất đai, quy định tại khoản 3 Điều 229 Bộ luật Hình sự.

Công an tỉnh Khánh Hoà xác định, chịu trách nhiệm về các sai phạm trong dự án này có liên quan đến một số lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa và lãnh đạo các sở, ngành trực tiếp tham mưu cho lãnh đạo UBND Tỉnh ban hành các quyết định nêu trên.

“Siêu doanh nghiệp” vốn 500.000 tỷ đồng bất ngờ tuyên bố giải thể

"Siêu doanh nghiệp" có vốn điều lệ đăng ký tới 500.000 tỷ đồng tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM vừa chính thức giải thể.

Nơi làm việc của ông chủ "siêu doanh nghiệp" vốn đăng ký 500.000 tỉ đồng ở TP.Thủ Đức, TP.HCM.

Nơi làm việc của ông chủ "siêu doanh nghiệp" vốn đăng ký 500.000 tỉ đồng ở TP.Thủ Đức, TP.HCM.

Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Công nghệ Tự động Toàn cầu (Auto Investment Group) với vốn điều lệ đăng ký ban đầu 500.000 tỷ đồng, do ông Nguyễn Vũ Quốc Anh sáng lập, vừa thông báo giải thể doanh nghiệp.

Quyết định giải thể doanh nghiệp được ký ngày 31/12/2021 bởi ông Nguyễn Vũ Quốc Anh, người đại diện theo pháp luật đồng thời là Giám đốc Công ty. Một tuần sau, Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cập nhật thông tin này.

Một công ty khác cũng do ông Nguyễn Vũ Quốc Anh sáng lập là Công ty CP Tập đoàn kinh doanh tự động toàn cầu (GAB Group), cũng chính thức giải thể vào cuối năm 2021.

Theo thông báo, lý do giải thể công ty do các cổ đông không thanh toán số cổ phần đã đăng ký mua như nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký lần đầu.

Cuối tháng 5/2021, hai công ty đăng ký thành lập gồm Auto Investment Group vốn điều lệ 500.000 tỷ đồng và GAB Group vốn điều lệ 25.000 tỷ đồng gây xôn xao dư luận với số vốn đăng ký "khủng". Bởi vốn điều lệ đăng ký ban đầu 500.000 tỷ đồng (tương đương 21,7 tỉ USD) vượt xa vốn điều lệ Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Viettel và hầu hết tập đoàn lớn ở Việt Nam…

Hai doanh nghiệp này đều có chung một người đại diện theo pháp luật, chung 3 cổ đông sáng lập và đều kinh doanh trong lĩnh vực thông tin và truyền thông. Người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Vũ Quốc Anh, sinh năm 1986, địa chỉ thường trú tại thành phố Thủ Đức (TP.HCM).

Bộ GTVT yêu cầu hoàn thành điều kiện thu phí dự án BOT Cai Lậy

Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo doanh nghiệp dự án BOT Cai Lậy khẩn trương hoàn thành trách nhiệm đã cam kết trong hợp đồng.

BOT Cai Lậy

BOT Cai Lậy

Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các đơn vị liên quan yêu cầu sớm hoàn thành các điều kiện thực hiện việc thu phí tại dự án BOT tuyến tránh thị xã Cai Lậy (Tiền Giang) và đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến.

Tổng cục Đường bộ với trách nhiệm là cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức thực hiện những nhiệm vụ quy định trong Thông tư 50/2018 của Bộ GTVT và hợp đồng Dự án đầu tư xây dựng công trình tuyến tránh Quốc lộ 1 qua thị trấn Cai Lậy và tăng cường mặt đường đoạn Km1987+500 - Km2014 tỉnh Tiền Giang theo hình thức BOT.

Chỉ đạo doanh nghiệp dự án khẩn trương hoàn thành trách nhiệm đã cam kết trong hợp đồng. Trường hợp doanh nghiệp dự án không thực hiện những nội dung thuộc trách nhiệm của mình, Tổng cục Đường bộ có trách nhiệm đôn đốc, xử lý theo thẩm quyền.

Trước mắt, Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục Đường bộ khẩn trương thống nhất phương án tổ chức giao thông với UBND tỉnh Tiền Giang để đảm bảo an toàn giao thông trong thời gian hoàn thiện xây dựng trạm thu phí và sửa chữa mặt đường khu vực trạm thu phí mới, đảm bảo êm thuận, an toàn cho người dân và các phương tiện lưu thông.

Bộ GTVT cũng giao Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc Ban Quản lý dự án 8, doanh nghiệp dự án và nhà đầu tư dự án BOT khẩn trương hoàn thành xây dựng trạm thu phí mới theo tiến độ hợp đồng đã ký.

Khắc phục, sửa chữa ngay các hư hỏng mặt đường thuộc phạm vi dự án; chịu trách nhiệm thực hiện công tác đảm bảo an toàn giao thông trong quá trình thi công, đảm bảo chất lượng công trình xây dựng.

TP.HCM có gần 400 biệt thự cũ đã phân loại

TP.HCM đã phân loại hơn 384 biệt thự cũ. Lần phân loại thứ 8 này có 27 biệt thự cũ thuộc nhóm 2 và 3, không có công trình nào được xếp vào nhóm 1.

Biệt thự số 110 - 112 Võ Văn Tần, Quận 3, TP.HCM

Biệt thự số 110 - 112 Võ Văn Tần, Quận 3, TP.HCM

UBND TP.HCM vừa ban hành quyết định phân loại danh mục biệt thự cũ trên địa bàn. Đây là đợt phân loại thứ 8, với 27 biệt thự cũ thuộc nhóm 2 và 3.

Trong đó, 8 biệt thự cũ nhóm 2 đều tọa lạc tại phường Võ Thị Sáu (Quận 3). Trong 19 biệt thự cũ nhóm 3, có 16 công trình nằm ở Quận 3, 3 công trình ở Quận 1.

Theo quy định, chủ sở hữu các biệt thự thuộc nhóm 1 và nhóm 2 phải giữ nguyên kiến trúc bên ngoài; không được thay đổi nguyên trạng ban đầu của biệt thự; không được phá dỡ nếu chưa hư hỏng nặng, nguy cơ sụp đổ theo giám định của Sở Xây dựng TP.HCM.

Trường hợp phải phá dỡ để xây dựng lại phải theo đúng kiến trúc ban đầu, sử dụng đúng loại vật liệu, mật độ xây dựng, số tầng và chiều cao của công trình cũ. Đồng thời, công trình không được tạo thêm kết cấu làm tăng diện tích hoặc cơi nới, chiếm dụng không gian bên ngoài biệt thự cũ.

UBND TP.HCM giao Sở Xây dựng phối hợp chính quyền các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát lĩnh vực quản lý trật tự xây dựng đối với các biệt thự cũ, nhất là những biệt thự thuộc nhóm 1 và 2. Các đơn vị có trách nhiệm tuân thủ nguyên tắc quản lý, sử dụng và bảo trì, cải tạo biệt thự cũ theo đúng quy định.

TP.HCM đã phân loại hơn 384 biệt thự cũ, chủ yếu nằm ở Quận 1, Quận 3 và rải rác ở TP. Thủ Đức, quận 5, Phú Nhuận, Bình Thạnh. Riêng Quận 3 tập trung nhiều biệt thự cũ nhất, với hơn 250 công trình, trong đó nhóm 1 có hơn 40 biệt thự.

Chuyên đề