Bản tin thời sự sáng 1/7

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là có hiện tượng các doanh nghiệp thuê người xếp hàng mua vàng "bình ổn"; trước khi lên thành phố, 5 huyện ở TP.HCM cần 242.000 tỷ đồng vốn đầu tư; Sóc Trăng khởi công khai thác mỏ cát sông phục vụ cao tốc; bà Nguyễn Thị Như Loan vắng mặt, QCG họp cổ đông bất thành…

Có hiện tượng các doanh nghiệp thuê người xếp hàng mua vàng "bình ổn"

Một số cửa hàng vàng có biểu hiện thuê người xếp hàng mua vàng bình ổn tại các chi nhánh ngân hàng rồi bán lại hưởng chênh lệch, theo Bộ Công an.

Các đơn vị chức năng kiểm tra một cơ sở kinh doanh vàng bạc phát hiện có sai phạm

Các đơn vị chức năng kiểm tra một cơ sở kinh doanh vàng bạc phát hiện có sai phạm

Chiều 30/6, Bộ Công an cho biết, Phòng An ninh kinh tế Công an Hà Nội xác định có 4 - 5 nhóm riêng biệt thuê người xếp hàng mua vàng "bình ổn" tại một số chi nhánh ngân hàng Vietcombank, Agribank và BIDV tại Hà Nội. Sau khi lấy được số xếp hàng, mua được vàng sẽ tập trung lại giao cho người đứng ra thu gom. Một số người tiếp tục đến chi nhánh ngân hàng khác để xếp hàng mua vàng.

Theo dõi đường di chuyển của các nhóm này, trinh sát xác định điểm đến của họ là các cơ sở kinh doanh vàng bạc.

Như tại một cửa hàng ở phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, có 4 người đi xếp hàng mua vàng ở các chi nhánh ngân hàng thương mại nhà nước. Ba trong số bốn người này đã mua được 4 lượng vàng mang về cửa hàng này. Tổng cộng, cửa hàng này đã mua được 14 lượng vàng SJC.

Hôm 17/6, Phòng An ninh kinh tế phối hợp với Cục Quản lý thị trường Hà Nội lập 3 tổ công tác kiểm tra cửa hàng trên, phát hiện chồng của chủ tiệm đang mua một lượng vàng SJC của một cá nhân với giá 81 triệu đồng, thanh toán bằng hình thức chuyển khoản, không hóa đơn chứng từ. Trong khi đó, cửa hàng vàng này không được cấp phép mua bán vàng miếng SJC.

Tại thời điểm nhà chức trách kiểm tra, chủ cửa hàng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ với một số mặt hàng trang sức mỹ nghệ bày bán. Tổ kiểm tra đã lập biên bản, tạm giữ tang vật vi phạm là một lượng vàng SJC và 232 nhẫn trang sức vàng, 48 nhẫn trang sức trắng.

Tương tự, khi kiểm tra cửa hàng vàng khác trên phố Hà Trung, cảnh sát phát hiện doanh nghiệp đang mua một lượng vàng SJC từ một cá nhân.

Trung tá Nguyễn Đắc Tài, Đội trưởng An ninh tiền tệ, Phòng An ninh kinh tế Hà Nội, cho biết: "Việc mua vàng với giá cao hơn ngân hàng bán ra cho thấy có hiện tượng người kinh doanh cửa hàng vàng bạc sẵn sàng chi tiền chênh lệch để mua được vàng miếng SJC, đi ngược quan điểm bình ổn thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước".

Theo ông Tài, hầu hết các cơ sở được kiểm tra đều không được cấp giấy phép kinh doanh vàng miếng SJC, ngoại tệ nhưng vẫn mua với giá cao để tích trữ, sau đó bán ra với giá cao hơn, "gây bất ổn thị trường vàng".

Trước khi lên thành phố, 5 huyện ở TP.HCM cần 242.000 tỷ đồng vốn đầu tư

Theo ước tính ban đầu, nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2021 - 2030 cho 5 huyện ven TP.HCM là 242.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách là 132.000 tỷ đồng, vốn huy động tư nhân 110.000 tỷ đồng.

Một góc huyện Củ Chi nhìn từ trên cao

Một góc huyện Củ Chi nhìn từ trên cao

Theo Đề án đầu tư - xây dựng các huyện thành quận hoặc thành phố thuộc TP.HCM giai đoạn 2021 - 2030 (do Sở Nội vụ và Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM thực hiện), ước tính nhu cầu vốn hạ tầng và phát triển kinh tế - xã hội cho 5 huyện ngoại thành lên tới 242.000 tỷ đồng.

Con số này do nhóm nghiên cứu và tư vấn Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) cùng với Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) đưa ra từ các nghiên cứu thực tiễn và dự báo.

Tổng lượng vốn được phân bổ cho giai đoạn 2021-2030 của 5 huyện dự kiến là 91.000 tỷ đồng và đem lại cơ hội thu hút đầu tư tư nhân là 110.000 tỷ đồng. Như vậy, tổng vốn khoảng 200.000 tỷ đồng (8 tỷ USD).

Trong đó, nhóm nghiên cứu cho rằng, việc thu hút vốn tư nhân tập trung vào phát triển khu đô thị mới, còn vốn nhà nước đầu tư vào hạ tầng khung và cải tạo các khu vực hạ tầng cũ chưa hoàn chỉnh.

Tuy nhiên, khi dân số tăng thêm 1,4 triệu người và cải thiện hạ tầng hiện hữu cho 2,1 triệu người thì nhu cầu vốn đầu tư phát triển tại chỗ (chưa tính hạ tầng kết nối nhanh) cho phát triển huyện ngoại thành trong giai đoạn 2021 - 2030 dự kiến lên tới 10 tỷ USD.

Và, khi các huyện được đầu tư cơ bản sẽ tạo sự đột phá với khả năng chuyển đổi quỹ đất vùng ven ở mức 30% cho đến năm 2030. Khi đó, cơ hội thu lại giá trị gia tăng từ đất có thể đạt 528.000 tỷ đồng (21 tỷ USD).

Bên cạnh đó, theo số liệu Sở KH-ĐT tính toán, tổng vốn đầu tư công giai đoạn 2021 - 2030 (qua danh mục dự án đăng ký) của 5 huyện ngoại thành lên đến 131.369,8 tỷ đồng, cao hơn mức ước tính của Sở QH-KT (chủ yếu ước tính vốn ngân sách cho phần hạ tầng) là 91.000 tỷ đồng.

Điều này là hợp lý, bởi riêng giai đoạn 2026 - 2030, nhu cầu vốn đầu tư công của 5 huyện có thể sẽ còn tăng cao hơn do thời điểm hiện nay vẫn chưa dự trù được hết danh mục dự án.

“Tóm lại, theo ước tính sơ khởi, nhu cầu vốn ngân sách đầu tư 2021-2030 cho 5 huyện sẽ cần tối thiểu gần 132.000 tỷ đồng. Nếu tính thêm nhu cầu vốn huy động tư nhân, con số này có khả năng lên đến 242.000 tỷ đồng”, báo cáo nêu rõ.

Sóc Trăng khởi công khai thác mỏ cát sông phục vụ cao tốc

Ngày 30/6, UBND tỉnh Sóc Trăng phối hợp với Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn tổ chức khởi công khai thác cát sông tại mỏ cát MS05 trên sông Hậu để phục vụ thi công Dự án thành phần 4 thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, giai đoạn 1.

Bắt đầu khai thác mỏ cát sông phục vụ cho thi công dự án thành phần 4

Bắt đầu khai thác mỏ cát sông phục vụ cho thi công dự án thành phần 4

Mỏ cát MS05 nằm trên địa bàn xã An Thạnh 1 và xã An Thạnh Đông (huyện Cù Lao Dung) có diện tích 100ha. Tổng trữ lượng cát được phép khai thác là 1.141.691 m3 với thời gian khai thác đến hết tháng 5/2026.

Đây là một trong 5 mỏ cát (tổng diện tích hơn 450ha, trữ lượng hơn 11 triệu m3) trên sông Hậu thuộc tỉnh Sóc Trăng được UBND tỉnh này lập hồ sơ, thủ tục bàn giao cho các nhà thầu khai thác theo cơ chế đặc thù để thi công Dự án thành phần 4.

Dự án thành phần 4 thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 qua địa bàn tỉnh Sóc Trăng có tổng chiều dài hơn 58 km nằm trong các huyện Mỹ Tú, Mỹ Xuyên và Trần Đề. Dự án có nhu cầu sử dụng khoảng 6,6 triệu m3 cát đắp nền đường.

Bà Nguyễn Thị Như Loan vắng mặt, QCG họp cổ đông bất thành

Với lý do cá nhân, Tổng giám đốc Quốc Cường Gia Lai Nguyễn Thị Như Loan vắng mặt khiến cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra bất thành.

Bà Nguyễn Thị Như Loan vắng mặt, QCG họp cổ đông bất thành

Bà Nguyễn Thị Như Loan vắng mặt, QCG họp cổ đông bất thành

Ngày 30/6, Công ty CP Quốc Cường Gia Lai (HoSE: QCG) đã tổ chức phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024. Tuy nhiên, cuộc họp chỉ có 44 cổ đông tham dự trực tiếp và ủy quyền tham dự, đại diện cho 18,3% cổ phiếu có quyền biểu quyết. Do đó, đại hội không đủ điều kiện tiến hành.

Đáng chú ý, tại phiên họp, bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng giám đốc Quốc Cường Gia Lai cũng thông báo vắng mặt. Theo thông tin doanh nghiệp này công bố, bà Loan vắng mặt với lý do cá nhân.

Tính đến cuối năm 2023, bà Loan sở hữu gần 102 triệu cổ phiếu QCG, tương đương tỷ lệ 37,05% vốn Quốc Cường Gia Lai.

Ngoài ra, con gái bà Loan là bà Nguyễn Ngọc Huyền My, cổ đông đang nắm 14,32% vốn điều lệ Công ty cũng không thể tham dự cuộc họp cùng với lý do cá nhân.

Theo kế hoạch, tại phiên họp cổ đông thường niên 2024, ban lãnh đạo Quốc Cường Gia Lai sẽ trình cổ đông kế hoạch kinh doanh năm nay với doanh thu 1.300 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 100 tỷ đồng, lần lượt gấp 3 lần và 20 lần so với các chỉ tiêu kinh doanh năm liền trước.

Trong đó, doanh nghiệp phố núi này đặt mục tiêu tiếp tục hoàn thành điều chỉnh quy hoạch 1/500 Dự án Marina Đà Nẵng và triển khai thủ tục, kịp bán hàng trong quý IV năm nay. Đồng thời, sẽ đưa vào khai thác 6 tầng thương mại của Dự án Giai Việt (TP.HCM) vào quý III, tiếp tục khai thác mặt bằng khu thương mại tại các dự án.

Ngoài bất động sản, Quốc Cường Gia Lai cũng lên kế hoạch kinh doanh ở các mảng cao su, chuyển nhượng 3 nhà máy thủy điện, hoàn tất thoái vốn tại công ty liên kết là Công ty CP Quốc Cường Liên Á.

Trong quý I năm nay, Quốc Cường Gia Lai mới chỉ ghi nhận gần 39 tỷ đồng doanh thu, giảm gần 77% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, phần lớn doanh thu đến từ hoạt động bán điện với gần 23 tỷ đồng, trong khi doanh thu bất động sản chỉ đóng góp chưa tới 7 tỷ.

Sau khi trừ chi phí, QCG chỉ lãi gần 900 triệu đồng trước thuế, cũng giảm hơn 70% so với cùng kỳ năm 2023 và cách rất xa mục tiêu trăm tỷ đồng lợi nhuận cả năm.

Tháng 11/2024, sẽ khởi công dự án mở rộng cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn

Dự kiến, trong tháng 11/2024, Dự án Đầu tư mở rộng tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn Cao Bồ - Mai Sơn từ 4 làn xe hạn chế lên 6 làn xe hoàn chỉnh sẽ được khởi công.

Tuyến cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn đang được khai thác quy mô 4 làn xe hạn chế

Tuyến cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn đang được khai thác quy mô 4 làn xe hạn chế

Liên quan đến tiến độ chuẩn bị đầu tư mở rộng tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cao Bồ - Mai Sơn, đại diện Sở GTVT Ninh Bình cho biết, sau khi Bộ GTVT phê duyệt dự án đầu tư, tính đến nay, công tác phát hành hồ sơ mời thầu lựa chọn tư vấn lập thiết kế kỹ thuật đang được triển khai.

Dự kiến, trong tháng 9/2024, thiết kế kỹ thuật sẽ được phê duyệt, tiến tới lựa chọn nhà thầu xây lắp trong tháng 10 và khởi công Dự án trong tháng 11 năm nay.

"Thủ tục chuẩn bị đầu tư mở rộng tuyến cao tốc đang được tiến hành rất thuận lợi, không có vướng mắc gì phát sinh", đại diện Sở GTVT Ninh Bình thông tin.

Theo phương án đầu tư được Bộ GTVT phê duyệt, Dự án mở rộng cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn có tổng chiều dài hơn 15 km. Điểm đầu kết nối với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình thuộc địa phận xã Yên Bằng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.

Điểm cuối Dự án kết nối với dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 thuộc địa phận xã Mai Sơn, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình.

Dự án được đầu tư theo quy mô đường cao tốc cấp 100 - 120, vận tốc thiết kế 100 - 120 km/h, mở rộng 2 làn xe bên trái đường hiện hữu, bề rộng nền đường mở rộng 15,25 m (đảm bảo quy mô hoàn thiện 6 làn xe, bề rộng nền đường 32,25 m). Hướng tuyến được giữ nguyên theo hướng tuyến giai đoạn phân kỳ đã đầu tư xây dựng…

Với phương án trên, tổng mức đầu tư Dự án mở rộng cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn là gần 1.900 tỷ đồng từ ngân sách trung ương.

Long An dự kiến bố trí gần 7.500 tỷ đồng đầu tư công năm 2025

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Út, việc dự kiến kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 được xây dựng trên cơ sở kế hoạch vốn trung hạn 2021 - 2025 đã được phê duyệt.

Long An dự kiến bố trí gần 7.500 tỷ đồng đầu tư công năm 2025

Long An dự kiến bố trí gần 7.500 tỷ đồng đầu tư công năm 2025

Theo UBND tỉnh Long An, địa phương dự kiến nguồn vốn thực hiện các dự án đầu tư công năm 2025 gần 7.500 tỷ đồng, gồm nguồn vốn đầu tư phát triển trong cân đối ngân sách địa phương quản lý hơn 5.700 tỷ đồng, nguồn ngân sách trung ương quản lý hơn 1.700 tỷ đồng.

Ngoài ra, tỉnh Long An sẽ tiếp tục tích cực huy động mọi thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng trên địa bàn tỉnh theo các hình thức đầu tư PPP, kêu gọi xã hội hóa đầu tư, huy động theo hình thức nhà nước và nhân dân cùng làm,… để có đủ nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Út, việc dự kiến kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 được xây dựng trên cơ sở kế hoạch vốn trung hạn 2021 - 2025 đã được phê duyệt.

Kế hoạch đầu tư công năm 2025 phải được xây dựng trên cơ sở tiếp tục cơ cấu lại đầu tư nguồn ngân sách nhà nước theo hướng tập trung, khắc phục dàn trải, nâng cao hiệu quả đầu tư.

Việc phân bổ vốn thực hiện đúng theo các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025; phải phù hợp với khả năng thực hiện và giải ngân trong năm 2025, đảm bảo đủ vốn thanh toán trong năm 2025 để thực hiện hoàn thành đúng tiến độ đã được phê duyệt, không kéo dài thời gian giải ngân sang năm sau.

Trong từng ngành, lĩnh vực, chương trình thực hiện việc phân bổ vốn phải bảo đảm theo thứ tự ưu tiên gồm: ưu tiên bố trí vốn để thu hồi vốn ứng trước, thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản (nếu có); dự án đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng nhưng trong năm 2024 chưa bố trí đủ vốn, vốn đối ứng cho dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài; dự án hoàn thành trong năm 2025 theo thời gian bố trí vốn được quy định tại Luật Đầu tư công; dự án chuyển tiếp thực hiện theo tiến độ được phê duyệt; dự án khởi công mới có đầy đủ thủ tục đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công và các Nghị định hướng dẫn có liên quan.

Xác minh tài sản 11 cá nhân liên quan vụ án tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam

Cơ quan điều tra đề nghị tỉnh Lâm Đồng cung cấp thông tin về các bất động sản, nhà máy, tài sản.... và tạm dừng giao dịch tài sản đối với 11 người liên quan đến vụ án xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.

6 trong số 11 cá nhân mà Cục Cảnh sát kinh tế đề nghị làm rõ tài sản (từ trái qua, trên xuống): Lê Quang Thung, Huỳnh Trung Trực, Phạm Văn Thành Nguyễn Thị Gái, Nguyễn Công Tài, Nguyễn Trọng Cảnh

6 trong số 11 cá nhân mà Cục Cảnh sát kinh tế đề nghị làm rõ tài sản (từ trái qua, trên xuống): Lê Quang Thung, Huỳnh Trung Trực, Phạm Văn Thành Nguyễn Thị Gái, Nguyễn Công Tài, Nguyễn Trọng Cảnh

Ngày 30/6, các sở, ngành và địa phương của tỉnh Lâm Đồng đang xác minh để cung cấp thông tin liên quan đến 11 cá nhân theo đề nghị của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Cục Cảnh sát Kinh tế) thuộc Bộ Công an.

Việc này là để phục vụ điều tra vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí; nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty Cao su Bà Ria - Vũng Tàu, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan.

Vụ án này đã được khởi tố theo quyết định ngày 23/5 và quyết định bổ sung ngày 28/5 của Cục Cảnh sát Kinh tế.

11 cá nhân nêu trên gồm: Lê Quang Thung (nguyên Tổng Giám đốc, cựu Quyền Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam); Huỳnh Trung Trực (cựu Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn); Phạm Văn Thành (cựu Trưởng Ban Kế hoạch đầu tư Tập đoàn); Nguyễn Trọng Cảnh (cựu Phó Tổng Giám đốc Công ty Cao su Bà Rịa - Vũng Tàu); Nguyễn Công Tài (cựu Chủ tịch HĐTV Công ty Cao su Bà Rịa - Vũng Tàu), Nguyễn Thị Gái (cựu Tổng Giám đốc Công ty Cao su Đồng Nai); Nguyễn Thành Châu (cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Cao su Đồng Nai); Lê Y Linh (cựu Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Tổng hợp Việt Tín), Đặng Phước Dừa (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Thương mại Việt Tín); Đoàn Ngọc Phương và Khương Thanh Tùng.

Cơ quan điều tra đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng phối hợp cung cấp thông tin, tài liệu về bất động sản, dự án, nhà máy, cơ sở sản xuất… đứng tên 11 cá nhân này; đồng thời tạm dừng giao dịch đối với các tài sản, bất động sản nêu trên.

Thanh tra đề nghị xử phạt chủ khu đô thị An Huy- Bắc Giang

Thanh tra tỉnh Bắc Giang đã có kết luận thanh tra thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, việc chấp hành các quy định về đầu tư xây dựng đối với Công ty CP Địa ốc An Huy Chi nhánh Bắc Giang, giai đoạn 2019 - 2022.

Thanh tra đề nghị xử phạt Công ty Cổ phần Địa ốc An Huy Chi nhánh Bắc Giang

Thanh tra đề nghị xử phạt Công ty Cổ phần Địa ốc An Huy Chi nhánh Bắc Giang

Theo Thanh tra tỉnh Bắc Giang, Công ty CP Địa ốc An Huy có trụ sở chính tại số 232/5, đường Cộng Hòa, Phường 12, quận Tân Bình, TP.HCM. Công ty CP Địa ốc An Huy được giao làm chủ đầu tư đối với Dự án Khu đô thị An Huy (thị trấn Cao Thượng, huyện Tân Yên). Quy mô dự án sau điều chỉnh hơn 55 ha.

Kết luận thanh tra chỉ ra, về thuế TNDN và thuế GTGT, năm 2022, Công ty CP Địa ốc An Huy Chi nhánh Bắc Giang đã ký chuyển nhượng 1 lô đất có đơn giá chuyển nhượng theo hợp đồng chuyển nhượng thấp hơn đơn giá được phê duyệt, dẫn đến việc kê khai, quyết toán không đầy đủ doanh thu là hơn 270 triệu đồng, vi phạm quy định của Bộ Tài chính. Đồng thời, việc kê khai không đầy đủ doanh thu đã dẫn đến việc kê khai thiếu số thuế GTGT đầu ra phải nộp với số thuế được xác định là 27 triệu đồng.

Về thuế TNCN, trong năm 2021 - 2022, Công ty CP Địa ốc An Huy Chi nhánh Bắc Giang có phát sinh việc vay tiền từ ông Nguyễn Thế Bạch - Tổng Giám đốc Công ty CP Địa ốc An Huy để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh với tổng số tiền là 213,55 tỷ đồng; tổng số tiền lãi vay phát sinh đã trả người cho vay là hơn 5,2 tỷ đồng…

Theo kết luận thanh tra, chủ đầu tư và các nhà thầu trong quá trình thi công, nghiệm thu, thanh toán các hạng mục công trình đã có một số vi phạm trong lĩnh vực xây dựng với giá trị xây lắp được xác định là hơn 668 triệu đồng…

Thanh tra tỉnh Bắc Giang đề nghị Giám đốc Sở Xây dựng theo thẩm quyền chỉ đạo bộ phận chuyên môn xem xét, lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng liên quan đến các hành vi vi phạm khi triển khai, thực hiện dự án.

Công ty CP Địa ốc An Huy Chi nhánh Bắc Giang nghiêm túc thực hiện yêu cầu của Cục Thuế tỉnh Bắc Giang liên quan đến tổng số thuế phải nộp bổ sung phát hiện qua thanh tra nhưng chưa nộp ngân sách nhà nước là hơn 7,8 tỷ đồng và tiền sử dụng đất chưa nộp của đợt 6 với số tiền hơn 8,8 tỷ đồng.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư