Bản tin thời sự sáng 1/7

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Chính phủ bổ sung 7.650 tỷ đồng mua vaccine Covid-19; Hà Nội bắt đầu thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị từ ngày 1/7; Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, thí điểm tiền ảo; ngày 1/7, tàu Nhổn - ga Hà Nội chạy thử toàn tuyến trên cao…

Chính phủ bổ sung 7.650 tỷ đồng mua vaccine Covid-19

7.650 tỷ đồng vừa được Thủ tướng quyết định bổ sung cho Bộ Y tế để mua và sử dụng 61 triệu liều vaccine phòng Covid-19, trong đó 30 triệu liều AstraZeneca và 31 triệu liều Pfizer.

Thủ tướng vừa quyết định bổ sung 7.650 tỷ đồng để mua 61 triệu liều vaccine Covid-19

Thủ tướng vừa quyết định bổ sung 7.650 tỷ đồng để mua 61 triệu liều vaccine Covid-19

Theo thông báo của Văn phòng Chính phủ, Bộ Y tế sẽ mua 30 triệu liều vaccine AstraZeneca của Công ty CP Vaccine Việt Nam và 31 triệu liều của hãng Pfizer.

Về kinh phí, 5.100 tỷ đồng được trích từ nguồn kinh phí 12.100 tỷ đồng tiết kiệm chi năm 2020, chuyển sang năm 2021, đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định hồi tháng 5; 2.550 tỷ đồng chi từ nguồn Quỹ Vaccine.

Thủ tướng cũng đồng ý dùng 37 tỷ đồng để Bộ Y tế chi cho việc tiếp nhận, vận chuyển, phân phối, thuê kho bảo quản, vật liệu tiêm chủng cho các lô vaccine do Covax tài trợ và các nguồn vaccine viện trợ, tài trợ của nước ngoài.

Bộ Y tế sẽ tổ chức mua, sử dụng vaccine theo quy định về đấu thầu, tài sản công; phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng kết quả sử dụng kinh phí nêu trên.

Trước đó ngày 19/6, Chính phủ quyết định mua lại 30 triệu liều vaccine AstraZeneca mà VNVC đã nhập, gồm cả số liều Bộ Y tế đã nhận từ doanh nghiệp này, theo nguyên tắc phi lợi nhuận.

Các chi phí vận chuyển vaccine sẽ được thanh toán cho VNVC theo thực tế hóa đơn chứng từ AstraZeneca cung cấp cho VNVC. Phí bảo lãnh tạm ứng, bảo đảm hợp đồng sẽ được hạch toán theo số tiền VNVC phải thanh toán thực tế.

Hồi giữa tháng 5, ông Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Y tế, cho biết Bộ Y tế đã ký hợp đồng với Công ty Pfizer mua 31 triệu liều vaccine. Hãng này cam kết bán vaccine cho Việt Nam với giá thấp nhất, dành cho các nước có thu nhập thấp.

Công ty Pfizer sẽ cung cấp 31 triệu liều vaccine cho Việt Nam trong quý III - IV năm 2021, đảm bảo đúng lộ trình hai bên đã thống nhất.

Hà Nội bắt đầu thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị từ ngày 1/7

Từ ngày 1/7, thành phố Hà Nội bắt đầu thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại 12 quận và thị xã Sơn Tây.

Hà Nội thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị từ 1/7/2021

Hà Nội thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị từ 1/7/2021

Để triển khai hiệu quả việc này, Thành ủy Hà Nội đã ban hành kế hoạch về thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội.

Liên quan tới việc tổ chức chính quyền đô thị tại Hà Nội, có nhiều quy định mới, phân định rõ cách quản lý của chính quyền đô thị khác với chính quyền ở khu vực nông thôn; tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phù hợp với đặc thù đô thị...

Đó là, biên chế công chức làm việc tại UBND phường thuộc biên chế công chức của UBND quận, thị xã và do UBND quận, thị xã quản lý, sử dụng.

Cơ cấu tổ chức của UBND phường gồm: Chủ tịch phường; Phó Chủ tịch phường; Trưởng Công an phường; Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự phường;… UBND phường làm việc theo chế độ thủ trưởng.

Chủ tịch phường là người đứng đầu, có trách nhiệm lãnh đạo, quản lý, điều hành công việc của UBND phường theo quy chế làm việc của UBND phường, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ và tuân thủ các quy định của pháp luật. Biên chế công chức bình quân làm việc tại UBND phường là 15 người.

Đáng chú ý, 12 quận và thị xã Sơn Tây cũng không tổ chức HĐND cấp phường.

Trước đó, tại Kỳ họp thứ VIII, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27/11/2019 về “Thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội”.

Cuối tháng 3/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 32/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết của Quốc hội về “Thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội”.

Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, thí điểm tiền ảo

Ngân hàng Nhà nước là cơ quan chủ trì nghiên cứu, xây dựng và thí điểm tiền ảo dựa trên công nghệ Blockchain từ năm 2021 - 2023.

Bitcoin là tiền ảo có giá trị nhất hiện nay. Ảnh: Reuters

Bitcoin là tiền ảo có giá trị nhất hiện nay. Ảnh: Reuters

Theo Quyết định 942 mới ban hành của Thủ tướng về chiến lược phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, việc nghiên cứu, xây dựng và thí điểm tiền ảo dựa trên công nghệ Blockchain là một trong các nhiệm vụ để phát triển, làm chủ các công nghệ lõi.

Quyết định ghi rõ, cơ quan chủ trì nghiên cứu, thí điểm tiền ảo là Ngân hàng Nhà nước, thời gian thực hiện từ năm 2021 đến 2023.

Hiện nay, Việt Nam chưa có định nghĩa cụ thể về tiền ảo và tài sản ảo. Các quy định hiện nay chỉ mới đề cập khái niệm tiền điện tử neo theo tiền pháp định, tồn tại dưới dạng thẻ trả trước ngân hàng, ví điện tử hay Mobile Money.

Tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước từng nhiều lần khẳng định, Bitcoin và các loại tiền ảo khác hoàn toàn không phải là tiền điện tử, không được thực hiện chức năng của đồng tiền pháp lệnh ở Việt Nam. Do chưa có bất kỳ quy định chính thức nào, tiền ảo là một loại tài sản ảo và không phải phương tiện thanh toán hợp pháp. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính đang làm rõ cơ sở pháp lý để quản lý việc kinh doanh tiền ảo, tài sản ảo. Bộ Tài chính đã lập một tổ nghiên cứu về tài sản ảo, tiền ảo.

Ngày 1/7, tàu Nhổn - ga Hà Nội chạy thử toàn tuyến trên cao

Đoàn tàu sẽ chạy thử 8,5 km trên cao, từ depot Nhổn đến ga S8 (trước cổng Đại học Giao thông vận tải) và di chuyển ngược lại, vào ngày 1/7.

Ngày 1/7, tàu Nhổn - ga Hà Nội chạy thử toàn tuyến trên cao

Ngày 1/7, tàu Nhổn - ga Hà Nội chạy thử toàn tuyến trên cao

Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cho biết, hiện đã có 6/10 đoàn tàu Dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội được vận chuyển về khu depot Nhổn, quận Bắc Từ Liêm. Tại đây, các đoàn tàu được ghép nối, hiệu chỉnh và thử nghiệm tĩnh, động. Việc chạy thử đoàn tàu từ depot Nhổn đến ga S8 là một trong các công việc chuẩn bị trước khi vận hành chính thức vào cuối năm 2021.

Nhà thầu đã cơ bản hoàn thành thử nghiệm độc lập và đang thử nghiệm tích hợp liên động hệ thống cho từng phân nhóm (bao gồm cả việc thử nghiệm đoàn tàu, thuộc phân nhóm đầu máy toa xe) với sự chứng kiến của Tư vấn PIC, MRB và các nhà thầu liên quan.

Phó Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội Lê Trung Hiếu cho biết, việc thử nghiệm liên động sẽ do các chuyên gia quốc tế của nhà thầu đảm nhiệm, tuân thủ đúng yêu cầu kỹ thuật và quy trình của Dự án. Trong giai đoạn thử nghiệm liên động, các đoàn tàu sẽ được vận hành dọc tuyến, theo từng chế độ. Hoàn thành công tác này, nhà thầu sẽ chuyển sang giai đoạn tiếp theo là kiểm tra chạy thử.

Trước đó ngày 22/1, đoàn tàu đầu tiên tuyến Nhổn - ga Hà Nội đã chạy thử 5 km từ depot Nhổn đến ga S5 (khu vực Nhà hát quân đội), sau đó quay về đỗ ở ga S1 (trước cổng Đại học Công nghiệp Hà Nội).

Dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội dài 12,5 km, gồm 8,5 km trên cao và 4 km đi ngầm, đi qua quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm. Được khởi công từ tháng 9/2010, công trình dự kiến hoàn thành, khai thác đoạn trên cao cuối năm 2021, đoạn ga ngầm vào cuối năm 2022.

105 tỷ đồng sửa cao tốc TP.HCM - Trung Lương

Cao tốc TP.HCM - Trung Lương đi qua TP.HCM, Long An, Tiền Giang tiếp tục được khắc phục hư hỏng với tổng chiều dài 62 km, kinh phí 105 tỷ đồng.

Cao tốc TP.HCM - Trung Lương đoạn qua huyện Châu Thành, Tiền Giang

Cao tốc TP.HCM - Trung Lương đoạn qua huyện Châu Thành, Tiền Giang

Ông Nguyễn Văn Thành, Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ 4 (Tổng cục Đường bộ, Bộ Giao thông vận tải) cho biết, đây là giai đoạn hai sửa chữa sau khi tuyến cao tốc dừng thu phí từ đầu năm 2019. Hiện các nhà thầu đã tập kết máy móc, thiết bị, vật tư... chuẩn bị thi công. Việc sửa chữa dự kiến hoàn thành vào tháng 10 năm nay.

Những đoạn mặt đường bị hằn lún, bong tróc sẽ được dặm vá, trải nhựa, tạo nhám bề mặt... Riêng khu vực trạm thu phí cùng hành lang bảo vệ dọc tuyến được sơn sửa, khắc phục vị trí xuống cấp, đóng các đoạn rào bị phá dỡ... Công tác thi công chủ yếu thực hiện ban đêm do lượng xe vắng, nhằm hạn chế ảnh hưởng giao thông trên tuyến. Nhà thầu sẽ ngăn các phần đường trong khu vực sửa chữa, bố trí người điều tiết để đảm bảo xe qua lại an toàn.

Trước đó cuối tháng 7/2020, cao tốc TP.HCM - Trung Lương bắt đầu được khắc phục những vị trí hư hỏng nghiêm trọng với kinh phí 22 tỷ đồng, hiện đã hoàn thành. Khối lượng cần sửa chữa lớn và kinh phí giới hạn nên đến nay việc thi công mới tiếp tục triển khai giai đoạn 2.

Ngoài khắc phục hư hỏng trên tuyến, Cục Quản lý đường bộ 4 đã hoàn thành sửa hệ thống điều hành giao thông thông minh (ITS) cao tốc với kinh phí 2,3 tỷ đồng. Cao tốc TP.HCM - Trung Lương có 4 làn xe, là cao tốc đầu tiên ở miền Nam. Từ khi hoàn thành năm 2011 đến cuối năm 2018, cao tốc được thu phí và bán quyền thu phí. Ngày 1/1/2019, Thủ tướng chỉ đạo dừng thu phí. Tổng cục Đường bộ sau đó giao lại Cục Quản lý đường bộ 4 quản lý.

Cán bộ CDC Hải Dương làm giả giấy xét nghiệm Covid-19

Nguyễn Tùng Lâm, cán bộ CDC Hải Dương làm giả chữ ký của lãnh đạo rồi đóng dấu cấp giấy xét nghiệm Covid-19 để thu lợi 200.000 - 700.000 đồng mỗi trường hợp.

Nguyễn Tùng Lâm tại cơ quan điều tra

Nguyễn Tùng Lâm tại cơ quan điều tra

Ngày 30/6, Công an thị xã Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh) đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Tùng Lâm, trú tại TP. Hải Dương, tỉnh Hải Dương, là cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) Hải Dương để điều tra về hành vi Làm giả giấy tờ cơ quan tổ chức.

Lúc 21h30 ngày 26/6, Công an thị xã Quảng Yên phát hiện xe cứu thương chở 5 người qua chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 tại cầu Bạch Đằng để vào Quảng Ninh, nhưng không khai báo y tế theo quy định.

Năm người trên xe khai nhận được Lâm, cán bộ CDC Hải Dương, xét nghiệm và cấp giấy chứng nhận để sử dụng đi qua chốt kiểm dịch.

Tại cơ quan điều tra, Nguyễn Tùng Lâm đã khai, từ cuối tháng 5 đã đến nhà hoặc ở một địa điểm hẹn trước để lấy mẫu xét nghiệm cho những ai có nhu cầu, sau đó làm giả chữ ký của lãnh đạo, đóng dấu cấp giấy xét nghiệm Covid-19 nhằm thu lời bất chính.

Trung bình mỗi trường hợp, Nguyễn Tùng Lâm thu từ 200.000 - 700.000 đồng. Đến nay, Nguyễn Tùng Lâm đã lấy mẫu và cấp giấy cho gần 40 trường hợp, thu lời bất chính gần 10 triệu đồng.

Công an thị xã Quảng Yên cho biết, một tháng qua đã phát hiện, xử lý năm vụ với các hành vi làm giả con dấu, trốn trên thùng xe tải, xe cứu thương và sử dụng giấy xét nghiệm giả nhằm qua chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 tại cầu Bạch Đằng.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư