Bản tin thời sự sáng 16/9

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là thông tàu đường sắt Hà Nội - Lào Cai; Chính phủ giao Bộ Công Thương nghiên cứu phát triển điện hạt nhân; tàu SE6 chạy tuyến TP.HCM - Hà Nội bị trật bánh khỏi đường ray ở khu vực thị trấn Lăng Cô; bão Yagi khiến nước sông Mekong dâng cao, miền Tây nguy cơ ngập…

Thông tàu đường sắt Hà Nội - Lào Cai

Sáng 15/9, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã khắc phục xong điểm bùn ngập kéo dài, thông toàn tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai.

Tuyến đường bị ngập bù đã được khơi thông, vận tốc chạy tàu qua đoạn này là 5 km/h

Tuyến đường bị ngập bù đã được khơi thông, vận tốc chạy tàu qua đoạn này là 5 km/h

Do ảnh hưởng của bão số 3, tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai hư hỏng nặng nề; 15 vị trí bị cây, cột thông tin đổ vào đường sắt; nhiều điểm nước ngập sâu, chảy xiết gây xói lở nền đá, nền đường, sạt lở taluy nền đường, đất đá trôi lấp nền đường, rãnh đường sắt (có khoảng 20 điểm ngập nước và trên 45 điểm sạt lở nền đường).

Ngoài ra, còn khoảng 15 điểm cây xanh, vật kiến trúc gãy đổ vào tuyến đường dây thông tin tín hiệu đường sắt. Ngập 12 tủ đường ngang có người gác, hư hỏng thiết bị giám sát, khoảng 24 bình ắc quy đã phóng kiệt dung lượng. Thiết bị tín hiệu tại ga Yên Bái bị ngập nước, do nước dâng nhanh nên một số thiết bị như đài khống chế, máy phát điện và một số thiết bị ngoài trời không kịp tháo dỡ, di dời.

Đến ngày 14/9, tuyến đường sắt vẫn tê liệt, 18 chuyến tàu phải hủy bỏ do ảnh hưởng bão số 3.

Lãnh đạo Công ty CP Đường sắt Yên Lào cho biết, toàn địa bàn Công ty quản lý từ Yên Bái lên đến Lào Cai có 47 điểm bị ngập, sạt. Các điểm đều được khắc phục với tinh thần sự cố ở đâu, khắc phục ngay tại đó để nhanh chóng thông đường.

Duy điểm cuối cùng là tại Km162 (xã Nga Quán, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái) bị mưa ngập trên 2 m. Sau khi nước rút, lớp bùn ngập cao 60 cm che toàn bộ đường sắt, dài hơn 1 km. Công ty CP Đường sắt Yên Lào đã huy động nhân lực tập trung khắc phục để khắc phục nhanh, thông đường toàn tuyến.

Đến gần 10h40 sáng 15/9, khắc phục xong điểm nặng nhất Km162, trả đường, thông toàn tuyến cho tàu chạy qua 5 km/h. Ngay sau khi thông tuyến, đoàn tàu chở hàng cứu trợ từ các tỉnh phía Nam đi ra đã khởi hành.

Chính phủ giao Bộ Công Thương nghiên cứu phát triển điện hạt nhân

Chính phủ giao Bộ Công Thương nghiên cứu điện hạt nhân của các nước, để đề xuất phát triển loại năng lượng này tại Việt Nam.

Bộ Công Thương được giao nghiên cứu kinh nghiệm của thế giới để đề xuất phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam. Ảnh minh hoạ

Bộ Công Thương được giao nghiên cứu kinh nghiệm của thế giới để đề xuất phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam. Ảnh minh hoạ

Tại thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho các dự án điện khí, gió ngoài khơi, Bộ Công Thương được giao rà soát tổng thể các nguồn điện trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đến 2030 (Quy hoạch điện VIII).

Theo Thường trực Chính phủ, Việt Nam định hướng chuyển nguồn năng lượng nền từ điện than sang điện khí, ưu tiên sản xuất trong nước để tăng trưởng đạt 12 - 15% mỗi năm, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Vì thế, ngoài các nguồn năng lượng hiện nay, Bộ Công Thương được giao nghiên cứu kinh nghiệm phát triển điện hạt nhân của các nước trên thế giới để đề xuất phát triển loại năng lượng này tại Việt Nam trong thời gian tới. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ báo cáo Bộ Chính trị xem xét, quyết định.

Việc nghiên cứu phát triển điện hạt nhân có thể giúp bổ sung nguồn điện nền, giảm thiểu rủi ro về môi trường, theo kết luận của Chính phủ.

Phát triển điện hạt nhân hiện không được đề cập trong Quy hoạch điện VIII. Song, trong báo cáo gửi các bộ ngành đề nghị góp ý cho dự thảo sửa quy hoạch này, Bộ Công Thương có nhắc đến phát triển các nhà máy điện hạt nhân cỡ nhỏ (SMR).

Theo bộ này, các lò phản ứng module nhỏ có công suất khoảng 300 MW mỗi tổ máy, bằng một phần ba công suất phát của các lò truyền thống. Các nhà máy này sản xuất lượng điện có hàm lượng carbon thấp, thời gian xây dựng ngắn (khoảng 24 - 36 tháng). Việc này sẽ giúp tăng hiệu quả của các nguồn điện tái tạo, góp phần chuyển đổi năng lượng sạch, giúp các quốc gia giải quyết mục tiêu phát triển bền vững.

32 quốc gia trên thế giới đang dùng nguồn năng lượng hạt nhân để phát điện. Mức này bằng 9,1% lượng điện năng của thế giới trong năm ngoái. Do đó, cơ quan này cho rằng, "có thể xem xét" nghiên cứu phát triển năng lượng hạt nhân lò phản ứng cỡ nhỏ, gồm nhà máy điện hạt nhân nổi trong tương lai, tại Việt Nam.

Tàu SE6 chạy tuyến TP.HCM - Hà Nội bị trật bánh khỏi đường ray ở khu vực thị trấn Lăng Cô

Khoảng 12 giờ 30 phút ngày 15/9, đoàn tàu khách SE6 gồm 14 toa chạy tuyến TP.HCM - Hà Nội khi vừa rời ga Lăng Cô khoảng 3 km đã xảy ra sự cố trật bánh khỏi đường ray tại toa xe thứ 6.

Tàu SE6 bị trật bánh tại toa số 6 ở khu vực thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Tàu SE6 bị trật bánh tại toa số 6 ở khu vực thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Trưa 15/9, tại khu vực Hói Mít thuộc thị trấn Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên - Huế, tàu SE6 (tàu chậm chạy tuyến Bắc Nam) bị sự cố trật bánh tại toa số 6, ngành đường sắt đã nhanh chóng huy động nhân lực và phương tiện đến hiện trường.

Giám đốc Công ty CP Đường sắt Bình Trị Thiên Lê Hồng Hải thông tin, khoảng 14 giờ 40 phút, bánh tàu SE6 ở toa số 6 đã được kích vào đường ray.

Đến khoảng 16 giờ, tàu SE6 chạy về ga Thừa Lưu để kiểm tra lại, trước khi có lệnh tiếp tục hành trình.

Theo thông tin ban đầu, khoảng 12 giờ 30 phút cùng ngày, đoàn tàu khách SE6 gồm 14 toa chạy tuyến TP.HCM - Hà Nội, khi tàu vừa rời ga Lăng Cô khoảng 3 km đã xảy ra sự cố trật bánh khỏi đường ray tại toa xe thứ 6.

Sự cố không gây thiệt hại về người nhưng một số má hãm của toa xe bị vỡ, rơi xuống đường ray khiến tuyến đường sắt Bắc - Nam bị gián đoạn tạm thời. Đây là vụ tàu hỏa chở khách bị trật bánh thứ 4 xảy ra trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế và là vụ thứ 3 tại khu vực ga Lăng Cô chỉ trong vài tháng qua.

Trước đó, chiều 31/8, tàu SE2 khi đang di chuyển từ TP.HCM ra Hà Nội đến đoạn di chuyển vào trong ga Lăng Cô ở huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã bị trật đường ray.

Chiều 28/7, tàu SE11 trên hành trình từ Bắc vào Nam khi đến ga Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế, để tránh tàu SE4; khi có đường, tàu SE11 tiếp tục hành trình nhưng khi chạy đến ghi N10 thì bị trật bánh hai toa số 10 và 11.

Sau các sự cố xảy ra khu vực Lăng cô, huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên - Huế), Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã tổ chức kiểm tra, tiến hành phân tích, đánh giá nguyên nhân và đã có kết luận chính thức.

Bão Yagi khiến nước sông Mekong dâng cao, miền Tây nguy cơ ngập

Ảnh hưởng bão Yagi, nước thượng nguồn sông Mekong ở Lào, Thái Lan lên nhanh, tuần tới một số địa bàn ở miền Tây nguy cơ ngập úng do lũ kết hợp triều cường.

Cánh đồng ngập nước xã Nhơn Hội, huyện An Phú, An Giang

Cánh đồng ngập nước xã Nhơn Hội, huyện An Phú, An Giang

Trong thông báo mới đây của Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, bão Yagi gây mưa lớn, lũ trên sông Mekong khu vực thượng Lào và Bắc Thái Lan tăng rất nhanh. Mực nước đo tại Luang Prabang (Lào), Chiang Khan (Thái Lan) ngày 12/9 vượt mức cảnh báo lũ. Lũ trên khu vực Campuchia đang ở mức thấp, song có thể tăng cao ở tuần tới do nước thượng nguồn đổ về.

Tại Việt Nam, mực nước đo tại Tân Châu và Châu Đốc đang thấp nhưng tuần tới dự báo lượng mưa tại các tỉnh miền Tây tăng cao, phổ biến 20 - 60 mm, một số nơi trên 60 mm. Ngoài ra, triều cường ở miền Tây xu thế tăng, đạt mức cao nhất đợt này từ ngày 19 - 21/9. Mực nước đo tại trạm Tân Châu là 3 - 3,2 m, cao hơn năm 2023 từ 0,07 - 0,27 m; trạm Châu Đốc ở mức 2,8 - 3 m, xấp xỉ mức báo động 1...

Với những yếu tố trên cùng với diễn biến lũ ở thượng nguồn đổ về, Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam cảnh báo tuần tới (từ ngày 18 - 22/9) xảy ra nguy cơ ngập úng ở những khu vực địa hình thấp trũng, ven biển như Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang, Đồng Tháp, An Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau.

Đơn vị này cũng đề nghị các địa phương nói trên rà soát tuyến bờ bao xung yếu, tuyến mới đắp và xây dựng các giải pháp ứng phó kịp thời. Các địa bàn có bờ đê bao thấp cần theo dõi chặt chẽ dự báo mưa, diễn biến thủy triều để có phương án vận hành tiêu thoát nước kịp thời.

Nghiên cứu nâng gói tín dụng ưu đãi thủy sản lên 60.000 tỷ đồng

Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu nâng quy mô gói tín dụng với lâm, thủy sản lên khoảng 50.000 - 60.000 tỷ đồng, để hỗ trợ khắc phục thiệt hại sau bão.

Gia đình ở Vân Đồn đang vớt những con cá chết bỏ đi và gom lại cá sống

Gia đình ở Vân Đồn đang vớt những con cá chết bỏ đi và gom lại cá sống

Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các nhà băng tiếp tục giảm chi phí, hạ lãi suất cho vay. Dòng tín dụng tới đây ngoài hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, cần ưu tiên khắc phục thiệt hại vì bão lũ.

Ngành ngân hàng được giao nghiên cứu nâng quy mô gói tín dụng ưu đãi với lâm, thủy sản lên khoảng 50.000 - 60.000 tỷ đồng, tức gấp đôi hiện nay (30.000 tỷ đồng). Cùng đó, cơ quan này phải có giải pháp gỡ vướng cho gói tín dụng 140.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội.

Bão Yagi là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm, đổ bộ vào vịnh Bắc Bộ sáng 7/9, khiến gần 13.000 hộ dân tại Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình phải sơ tán khẩn cấp. Cơn bão đã gây thiệt hại nặng nề cho cho ngành nông nghiệp, đặc biệt là nuôi trồng thủy hải sản.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khoảng 1.500 lồng bè nuôi trồng thủy sản tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương và các tỉnh thành bị hư hỏng, cuốn trôi, gây thiệt hại nặng cho bà con ngư dân.

Riêng tại Vân Đồn, Quảng Ninh, theo ước tính của chính quyền địa phương, khoảng 318 nhà bè, gần 90 tàu thuyền các loại bị đắm, vỡ..., thiệt hại lên tới 2.200 tỷ đồng. Từ nay đến cuối năm là thời điểm thu hoạch hàu và cá của ngư dân, nhưng cơn bão quét sạch thành quả lao động bao năm, đẩy nhiều gia đình vào cảnh trắng tay, nợ nần.

Tại họp báo hôm 7/9, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, gói tín dụng cho vay với lĩnh vực xuất khẩu thủy hải sản hiện giải ngân được 36.000 tỷ đồng, vượt mục tiêu so với quy mô là 30.000 tỷ đồng. Ngoài tăng quy mô nguồn vốn, trước đó, cơ quan này cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại khoanh, giãn nợ, giảm lãi cho các khoản vay, gồm lĩnh vực nuôi trồng thủy, hải sản.

Bắc Ninh rút báo động số 3 trên sông Cầu

8 giờ sáng 15/9, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bắc Ninh đã ra Công điện số 17/CĐ thông báo rút lệnh báo động số 3 trên triền sông Cầu và rút lệnh báo động số 2 trên triền sông Thái Bình.

Người dân và các lực lượng chức năng chung tay gia cố đê bối Đầu Hàn, khu vực phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh, khi nước sông Cầu dâng cao

Người dân và các lực lượng chức năng chung tay gia cố đê bối Đầu Hàn, khu vực phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh, khi nước sông Cầu dâng cao

Theo bản tin của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Bắc Ninh, hiện nay mực nước lũ sông Cầu đã xuống dưới mức báo động số 3, sông Thái Bình đã xuống dưới mức báo động số 2.

Vì vậy, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bắc Ninh rút lệnh báo động số 3 trên triền sông Cầu và rút lệnh báo động số 2 trên triền sông Thái Bình.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bắc Ninh yêu cầu, các ngành liên quan, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã, thành phố: Yên Phong, Quế Võ, Bắc Ninh, Gia Bình, Lương Tài, các hạt quản lý đê, Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Nam Đuống, Bắc Đuống tổ chức thực hiện nghiêm công tác tuần tra, canh gác đê theo cấp báo động trên các triền sông theo đúng quy định.

Theo báo cáo mới nhất của UBND tỉnh Bắc Ninh, bão số 3 và hoàn lưu sau bão gây mưa lũ đã gây thiệt hại nặng nề cho Tỉnh. Tổng giá trị thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp, cơ sở hạ tầng và đầu tư tu sửa hệ thống đê điều, công trình thủy lợi khoảng 1.000 tỷ đồng. Trong đó, sản xuất nông nghiệp 220 tỷ đồng; cơ sở hạ tầng 600 tỷ đồng, về đê điều, thủy lợi 180 tỷ đồng.

Đà Nẵng giải ngân đầu tư công đạt 42,5%

Tính đến cuối tháng 8/2024, thành phố Đà Nẵng giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công theo dự toán giao năm 2024 đạt 3.100 tỷ đồng, bằng 42,5% kế hoạch vốn được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ năm 2023.

Dự án Đường ven biển nối cảng Liên Chiểu là một trong những dự án đảm bảo tiến độ giải ngân đầu tư công đạt cao

Dự án Đường ven biển nối cảng Liên Chiểu là một trong những dự án đảm bảo tiến độ giải ngân đầu tư công đạt cao

8 tháng qua, đối với các dự án động lực trọng điểm, thành phố Đà Nẵng đã giải ngân đạt 470 tỷ đồng. Một số dự án giải ngân đạt khá như: bến cảng Liên Chiểu - Phần cơ sở hạ tầng dùng chung; Dự án Đường ven biển nối cảng Liên Chiểu; tuyến đường Trục 1 Tây Bắc… Công trình cầu Quảng Đà và đường dẫn đầu cầu; Dự án Đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng cảng cá Thọ Quang (giai đoạn 2); Dự án Đầu tư xây dựng nâng cấp Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng cũng là những công trình có tiến độ giải ngân đạt khá.

Tuy nhiên, tình hình thực hiện vốn đầu tư công trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trong 8 tháng năm 2024 vẫn còn nhiều khó khăn bởi công tác giải phóng mặt bằng, thủ tục hành chính còn phức tạp, năng lực của một số chủ đầu tư còn hạn chế.

Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đang chỉ đạo quyết liệt đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm. Một số giải pháp cụ thể được đưa ra là tăng cường kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn cho các dự án; đơn giản hóa thủ tục hành chính; tăng cường năng lực cho các chủ đầu tư.

Được biết, thành phố Đà Nẵng đang khẩn trương hoàn thành thủ tục chuẩn bị đầu tư, khởi công và giải ngân các dự án được Trung ương hỗ trợ cũng như chủ động rà soát và tháo gỡ khó khăn để thi công hoàn thành, đưa vào sử dụng 40 công trình, khởi công 38 công trình, dự án theo kế hoạch đề ra trong năm 2024.

Bán gỗ vụn thu 2 tỷ USD, cành cây rừng gãy đổ do bão gom bán ra tiền

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo với diện tích rừng gãy đổ do bão Yagi không thể phục hồi thì phải gom về, cây nhỏ và cành gỗ băm làm dăm gỗ hoặc viên nén để bán.

Xuất khẩu dăm gỗ và viên nén gỗ đạt gần 2 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm. Ảnh minh họa

Xuất khẩu dăm gỗ và viên nén gỗ đạt gần 2 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm. Ảnh minh họa

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 8 năm nay, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ của nước ta đạt kim ngạch 10,4 tỷ USD, tăng mạnh 22,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý, ngoài các mặt hàng chính như đồ nội thất bằng gỗ, ghế khung gỗ..., các doanh nghiệp xuất khẩu dăm gỗ và viên nén gỗ cũng thu về gần 2 tỷ USD chỉ trong 7 tháng.

Cụ thể, xuất khẩu dăm gỗ đạt trên 1,5 tỷ USD, tăng mạnh 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, dăm gỗ là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao thứ 3 trong ngành lâm sản, chỉ đứng sau mặt hàng đồ gỗ nội thất và ghế khung gỗ.

Gỗ viên nén có kim ngạch xuất khẩu đạt 422,5 triệu USD, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại cuộc họp thông tin nhanh của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về một số giải pháp khắc phục sản xuất nông nghiệp sau cơn bão số 3 mới đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, bão càn quét khiến nhiều diện tích rừng ở một số tỉnh miền Bắc bị gãy đổ, gây thiệt hại đáng kể.

Thống kê sơ bộ, Lạng Sơn có khoảng 2.000 ha rừng trồng bị gãy đổ do bão số 3 gây ra, Bắc Giang cũng có 5.100 ha bị thiệt hại. Ngoài ra, rừng ở các tỉnh Hải Phòng, Ninh Bình... cũng bị thiệt hại nhưng ở mức độ nhẹ hơn.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, mặt hàng dăm gỗ và viên nén gỗ đang được các thị trường ưa chuộng. Thế nên, ngành lâm nghiệp cần hướng dẫn các địa phương, chủ rừng có rừng bị ảnh hưởng do bão xem xét hiện trạng để xử lý.

Với diện tích cây rừng gãy đổ không thể khôi phục thì khai thác ngay rồi trồng thay thế. Những cây gỗ nhỏ, cành gỗ cần gom lại đem về băm làm dăm gỗ và viên nén gỗ bán, giúp bà con giảm thiểu thiệt hại, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Cầu Trà Khúc 2 (Quảng Ngãi) thông xe trở lại sau hơn 2 tháng sửa chữa

Sau hơn 2 tháng sửa chữa, cầu Trà Khúc 2 (TP. Quảng Ngãi) chính thức thông xe trở lại, các phương tiện lưu thông theo hai hướng Bắc - Nam đi qua cầu bình thường.

Cầu Trà Khúc 2 chính thức thông xe trở lại sau hơn 2 tháng sửa chữa

Cầu Trà Khúc 2 chính thức thông xe trở lại sau hơn 2 tháng sửa chữa

Vào lúc 5h sáng 15/9, cầu Trà Khúc 2 chính thức thông xe trở lại sau hơn 2 tháng sửa chữa do công trình xuất hiện nhiều vết nứt. Kết thúc kỳ sửa chữa từ nhịp 19 - nhịp 23 với việc đúc thêm nhiều ụ neo, kéo căng cáp giữa các dầm đã giúp công trình cầu huyết mạch trên Quốc lộ 1 qua tỉnh Quảng Ngãi trở nên an toàn.

Cầu Trà Khúc 2 là cây cầu huyết mạch trên Quốc lộ 1, bắc qua sông Trà Khúc tại TP. Quảng Ngãi với chiều dài 1.200 m, gồm 17 nhịp với 4 làn xe. Cầu được khởi công xây dựng tháng 2/2002 và đưa vào sử dụng trong năm 2004.

Sau 20 năm sử dụng, cầu xuất hiện nhiều vết nứt lớn, kéo dài, tập trung ở các khu vực chịu lực. Công trình không đảm bảo an toàn, cơ quan chức năng đã lắp biển cảnh báo từ năm 2023.

Đến ngày 15/7/2024, Khu quản lý đường bộ III ra thông báo, chính thức đóng cầu Trà Khúc 2, cấm tất cả các loại xe qua cầu để sửa chữa. Trong thời gian này, xe lưu thông trên Quốc lộ 1 qua Quảng Ngãi phải rẽ đi hướng khác.

Tổng vốn sửa cầu hơn 12,7 tỷ đồng, Khu quản lý đường bộ III là chủ đầu tư, đơn vị thi công là Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và dịch vụ thương mại Hòa Hoàng. Công tác sửa chữa tập trung tại năm nhịp chính từ N19 đến N23. Năm nhịp này được thiết kế dạng dầm hộp đúc hẫng (48m+3*78m+48m), các dây cáp dự ứng lực trong lòng hộp được thiết kế để tăng khả năng chịu tải của cầu.

Đơn vị thi công phải bổ sung thêm ụ neo vách ngăn để đảm bảo cáp dự ứng lực chuyển hướng êm thuận. Ở mỗi ụ neo sẽ bố trí 4 ống thép cường độ cao để luồn cáp dự ứng lực để kéo căng cáp ở hai nhịp đối xứng 19 và 23 xuyên qua các nhịp giữa, tăng tính chịu lực của cầu.

Chuyên đề