Bản tin thời sự sáng 16/5

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Phó Thủ tướng yêu cầu sớm công khai giá sách giáo khoa; Quảng Ninh sẽ là thành phố trực thuộc Trung ương theo mô hình riêng; Bình Định chấm dứt Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Thiên Khánh; 12/12 hồ thủy điện lớn miền Bắc có tần suất nước về 'kém nhất 100 năm qua'…

Phó Thủ tướng yêu cầu sớm công khai giá sách giáo khoa

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các bộ rà soát, sớm công bố kết quả kê khai giá và tiến độ phát hành sách giáo khoa lớp 4, 8 và 11.

Quầy sách giáo khoa, sách tham khảo tại một hiệu sách ở TP. Thủ Đức

Quầy sách giáo khoa, sách tham khảo tại một hiệu sách ở TP. Thủ Đức

Nội dung này được đề cập trong thông báo ngày 15/5 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp về học phí và sách giáo khoa.

Phó Thủ tướng nhận định, sách giáo khoa là vấn đề được phụ huynh, học sinh, các trường và xã hội quan tâm, đặc biệt vào thời điểm trước năm học mới. Do đó, ông yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo không để xảy ra tình trạng thiếu sách giáo khoa cho năm học mới, kịp thời thông tin về tiến độ in, phát hành sách.

Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ rà soát, công bố kết quả kê khai giá sách giáo khoa lớp 4, 8, 11 - những khối lớp bắt đầu áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới (còn gọi là chương trình giáo dục phổ thông năm 2018) từ năm học tới.

Tính đến ngày 10/5, 37 tỉnh, thành phố đã chọn xong sách giáo khoa lớp 4, 8 và 11. Còn lại 26 địa phương đang đợi thẩm định giá từ Bộ Tài chính để quyết định.

Cả nước bắt đầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm học 2020 - 2021 với lớp 1. Các năm sau, lần lượt lớp 2, 3, 6, 7, 10 học theo chương trình mới. Lộ trình thay sách cuốn chiếu cũng được thực hiện song song, với chủ trương "một chương trình, nhiều sách giáo khoa", bỏ độc quyền xuất bản.

Tuy nhiên, giá sách giáo khoa cao gấp 2 - 3 lần sách cũ gây tranh cãi. Nhiều phụ huynh cho rằng, giá sách tăng đến "chóng mặt". Chẳng hạn, bộ sách lớp 3 có giá 177.000 - 183.000 đồng trong khi bộ cũ giá 58.000 đồng. Tương tự, sách lớp 7 giá gần 210.000 đồng, cao hơn 80.000 đồng. Sách lớp 10 giá 246.000 - 301.000 đồng một bộ tùy tổ hợp môn học, cao hơn bộ cũ 80.000 - 140.000 đồng.

Quảng Ninh sẽ là thành phố trực thuộc Trung ương theo mô hình riêng

Ngày 15/5, theo thông tin từ UBND tỉnh Quảng Ninh, địa phương vừa phê duyệt chương trình phát triển đô thị tỉnh đến năm 2030 theo mô hình riêng, chưa được quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật hiện hành.

TP. Hạ Long đang là đô thị loại 1, trung tâm giao thông, kinh tế, xã hội của tỉnh Quảng Ninh

TP. Hạ Long đang là đô thị loại 1, trung tâm giao thông, kinh tế, xã hội của tỉnh Quảng Ninh

Cụ thể, Quảng Ninh sẽ không hình thành các quận mà sẽ hình thành vùng nội thị bao gồm các thành phố trong thành phố. Các vùng được liên kết với nhau bằng hệ thống hạ tầng kỹ thuật tiên tiến như hệ thống giao thông công cộng đô thị, hạ tầng kỹ thuật thông tin truyền thông…

Theo kế hoạch, đến năm 2030, địa phương có khả năng đạt được các tiêu chí của một thành phố trực thuộc Trung ương theo mô hình đô thị nêu trên và phấn đấu đạt được cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội theo tiêu chí, đồng thời phát triển đô thị đạt được các tiêu chí của đô thị loại I.

Các đô thị vùng nội thị này gồm 7 thành phố: Hạ Long, Quảng Yên, Uông Bí, Đông Triều, Cẩm Phả, Vân Đồn, Móng Cái (Hải Hà hợp nhất với Móng Cái).

Hạ tầng kỹ thuật theo tiêu chí đô thị loại I đến năm 2030 với 152 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 77 phường (chiếm 51% số phường); tổng diện tích tự nhiên 4.025,48 km2; dân số thường trú 978.348 người, dân số đô thị đạt 848.228 người (chiếm 86,7%).

Hiện tại, Quảng Ninh có 13 đô thị, trong đó một đô thị loại I trực thuộc tỉnh, 3 đô thị loại 2, 2 đô thị loại 3, 2 đô thị và 1 thị trấn được công nhận đô thị loại 4 và 4 thị trấn được công nhận đô thị loại 5…

Đến năm 2030, tỉnh Quảng Ninh có có 12 đơn vị hành chính với 12 đô thị, trong đó 4 đô thị loại 1 gồm Hạ Long, Móng Cái - Hải Hà, Uông Bí, Cẩm Phả; 3 đô thị loại 3, chất lượng hạ tầng kinh tế - xã hội, kỹ thuật đạt đô thị loại 1 gồm Quảng Yên, Đông Triều, Cái Rồng; 1 đô thị loại 3 là Tiên Yên; 3 đô thị loại 4 gồm Đầm Hà, Bình Liêu - Hoành Mô - Đồng Văn, Cô Tô; 1 đô thị loại 5 là thị trấn Ba Chẽ, tỷ lệ đô thị hóa trên 75%.

Bình Định chấm dứt Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Thiên Khánh

Công ty Thiên Khánh xin tự chấm dứt hoạt động Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Thiên Khánh. Tuy nhiên, Dự án từng gặp vướng mắc về chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.

Mặt bằng quy hoạch chung Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Thiên Khánh

Mặt bằng quy hoạch chung Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Thiên Khánh

UBND tỉnh Bình Định vừa có quyết định đồng ý chủ trương chấm dứt hoạt động Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Thiên Khánh tại tuyến Quy Nhơn - Sông Cầu, khu vực 1, phường Ghềnh Ráng, TP. Quy Nhơn.

Dự án này do Công ty TNHH Dịch vụ và Tổng hợp Thiên Khánh (gọi tắt là Công ty Thiên Khánh) làm chủ đầu tư, được UBND tỉnh Bình Định chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 3731, ngày 15/10/2019.

Sở Kế hoạch và Đầu tư được giao thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư theo quy định; đồng thời, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND TP. Quy Nhơn triển khai các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư theo quy định và đảm bảo phù hợp với quy hoạch được duyệt.

Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Thiên Khánh có diện tích khoảng 2,014 ha; tổng vốn đầu tư hơn 21 tỷ đồng. Về tiến độ thực hiện Dự án, quý II/2020 khởi công xây dựng công trình; quý IV/2021 hoàn thành và đi vào hoạt động.

Dự án có quy mô xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng gồm các bungalow, biệt thự nghỉ dưỡng, nhà hàng, khách sạn..., đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng cho du khách trong và ngoài nước.

Bộ Tài chính nêu quan điểm về bố trí vốn hoàn thành cao tốc Bến Lức - Long Thành

Đơn vị chủ đầu tư đang đề xuất sử dụng nguồn vốn thu phí nhàn rỗi để hoàn thành các hạng mục còn lại của Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Thi công Dự án xây dựng cao tốc Bến Lức - Long Thành

Thi công Dự án xây dựng cao tốc Bến Lức - Long Thành

Bộ Tài chính vừa có công văn gửi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp liên quan đến phương án bố trí nguồn vốn để hoàn thành các hạng mục còn lại của Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư.

Theo Bộ Tài chính, tại văn bản của VEC về việc làm rõ nội dung nguồn vốn đầu tư Dự án, tính đến ngày 31/12/2022, VEC đang có khoảng 10.700 tỷ đồng.

Trường hợp cơ quan có thẩm quyền xác định khoản thu sử dụng các đường cao tốc do VEC quản lý là thu giá dịch vụ và VEC đã hạch toán doanh thu sản xuất kinh doanh, đảm bảo đầy đủ nghĩa vụ trả nợ đã cam kết, thực hiện nghĩa vụ thuế đối với nhà nước, nộp lợi nhuận về ngân sách nhà nước, trích lập các quỹ theo đúng quy định pháp luật.., thì khoản dư tiền tại ngày 31/12/2022 hình thành từ kết quả sản xuất kinh doanh và là các nguồn vốn hợp pháp của doanh nghiệp. Do đó, Bộ Tài chính đề nghị VEC căn cứ quy định về nghiệp vụ quản lý nợ công để thực hiện.

Về thẩm quyền quyết định mức vốn đầu tư, theo báo cáo của VEC, dự kiến bố trí cho Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành khoảng 5.116 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu của VEC tại ngày 30/6/2022 là 1.174,8 tỷ đồng (gồm vốn góp của chủ sở hữu, vốn khác của chủ sở hữu và quỹ đầu tư phát triển).

Bộ Tài chính cho rằng, căn cứ quy định trường hợp mức vốn của Dự án lớn hơn 50% vốn chủ sở hữu được ghi trên báo cáo tài chính nhưng không quá mức vốn của dự án theo quy định của Luật Đầu tư công thì HĐTV VEC báo cáo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp xem xét, phê duyệt theo thẩm quyền.

12/12 hồ thủy điện lớn miền Bắc có tần suất nước về 'kém nhất 100 năm qua'

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa gửi cảnh báo về "mức nước chết" tại 11/47 hồ thủy điện lớn trên cả nước. Đồng thời cho biết, 12/12 hồ thủy điện lớn miền Bắc có tần suất nước về "kém nhất trong 100 năm qua".

Theo EVN, 12/12 hồ thủy điện lớn ở miền Bắc có lưu lượng nước về rất kém, thấp nhất trong 1 thế kỷ

Theo EVN, 12/12 hồ thủy điện lớn ở miền Bắc có lưu lượng nước về rất kém, thấp nhất trong 1 thế kỷ

Ngày 15/5, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Trần Đình Nhân đã gửi thư đến Chủ tịch UBND các tỉnh thành phố trên cả nước, yêu cầu đẩy mạnh tiết kiệm điện mùa khô và năm 2023.

Theo EVN, năm 2023, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, tình trạng nắng nóng, hạn hán, thiếu nước đã làm cho các hồ thủy điện ảnh hưởng nghiêm trọng.

Về mực nước các hồ thủy điện, đến ngày 11/5, đã có 11/47 hồ thủy điện lớn có mực nước đã về "mực nước chết hoặc gần mức nước chết". Bao gồm thủy điện Lai Châu, Trung Sơn, Đồng Nai 2, Buôn Tua Srah, Hương Sơn, Trị An, Ialy, Sông Ba Hạ, Xekaman 1, Đakr Tih, Sê San 4; có 21/47 hồ thủy điện lớn có dung tích còn lại dưới 20% như Sơn La (2 ngày đầy tải), Tuyên Quang (2 ngày), Thác Bà (2 ngày)… và 16 hồ có mực nước thấp hơn mực nước tối thiểu của quy trình vận hành liên hồ chứa.

Đặc biệt các hồ thủy điện khu vực miền Bắc, cả 12/12 hồ thủy điện lớn có lưu lượng nước về hồ rất kém, tần suất nước về nhiều hồ kém nhất trong 100 năm qua, tính đến ngày 11/5.

Riêng tháng 4 và đầu tháng 5, nước về các hồ chỉ đạt dưới 50% mức trung bình nhiều năm, một số hồ chỉ đạt 20% so với mức trung bình nhiều năm, gây thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng cho các hồ thủy điện.

Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định, hiện tượng El Nino khiến nguy cơ thiếu hụt nguồn nước sẽ tiếp diễn đến cuối mùa cạn năm 2023. Tổng lượng dòng chảy đến các hồ chứa lớn khu vực Bắc Trung Bộ được dự báo thấp hơn từ 15 - 35%, khu vực Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ thấp hơn từ 15 - 40%, khu vực Tây nguyên thấp hơn từ 10 - 25% so với trung bình nhiều năm.

"Nguy cơ thiếu nước trong thời gian còn lại của mùa cạn sẽ diễn ra nghiêm trọng", EVN nhấn mạnh.

Cựu Cục phó Trần Hùng sắp ra tòa trong vụ 27.000 sách giáo khoa giả

Ngày 31/5, ông Trần Hùng, cựu Cục phó Quản lý thị trường Hà Nội, dự kiến bị xét xử với cáo buộc nhận 300 triệu đồng bao che sản xuất sách giáo khoa giả.

Ông Trần Hùng khi bị bắt

Ông Trần Hùng khi bị bắt

Trải qua 4 lần điều tra, cựu Cục phó Trần Hùng vẫn bị VKS Tối cao truy tố về tội Nhận hối lộ. Ông Hùng trước khi bị bắt là Cục phó Quản lý thị trường Hà Nội, Tổ trưởng 304 thuộc Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương.

Cùng vụ án, Nguyễn Duy Hải, lao động tự do, bị truy tố về tội Môi giới hối lộ. Bị can Lê Việt Phương, cựu đội phó Quản lý thị trường số 17 Hà Nội, cùng hai cấp dưới Phạm Ngọc Hải và Thành Thị Đông Phương bị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Bà Cao Thị Minh Thuận, Giám đốc Công ty Phú Hưng Phát, cùng 30 người bị truy tố về các tội Sản xuất, buôn bán hàng giả.

Năm 2020, Công ty Phú Hưng Phát bị Đội Quản lý thị trường số 17 kiểm tra, thu hơn 27.300 quyển sách giáo khoa do không có hóa đơn, giấy tờ chứng minh nguồn gốc. Giám đốc Công ty Phú Hưng Phát Cao Thị Minh Thuận biết ông Hùng là người trực tiếp chỉ đạo việc kiểm tra nên liên hệ đề nghị giúp đỡ để chỉ xử lý nhẹ. Ông Hùng "đồng ý tha" nhưng yêu cầu bà Thuận phải chỉ ra một số cơ sở in lậu, cáo trạng nêu.

Cơ quan tố tụng cáo buộc, sau cuộc trao đổi với Hải, ông Hùng đã "hướng dẫn thay đổi lời khai về nguồn gốc", chuyển thành sách do người khác mang đến ký gửi. Tiếp nhận ý kiến của ông Hùng, Hải thông qua một người khác trao đổi lại với bà Thuận.

Nhận 300 triệu đồng của Thuận thông qua trung gian, sáng 14/7/2020, Hải cầm 300 triệu đồng đựng trong túi nilon màu đen đến phòng làm việc ông Hùng. Tại đây, Hải gọi điện thoại cho Thuận để nói chuyện trực tiếp với ông Hùng, nghe cụ thể hướng dẫn.

VKS cáo buộc, trong quá trình điều tra, ông Hùng không thừa nhận hành vi. Tuy nhiên, VKS xác định căn cứ kết quả thực nghiệm, nội dung dữ liệu trích xuất từ điện thoại đã "đủ cơ sở chứng minh ông Hùng đã nhận 300 triệu đồng" của bà Thuận, thông qua Hải.

Người dân Hà Nội được khám sức khỏe miễn phí

Hơn 400 y bác sĩ từ 15 bệnh viện sẽ khám và lập hồ sơ sức khỏe miễn phí cho 180.000 người dân huyện Mê Linh từ nay đến cuối tháng 5, sau đó triển khai toàn bộ dân Hà Nội.

Khoảng 500 người dân Mê Linh được khám sức khỏe miễn phí

Khoảng 500 người dân Mê Linh được khám sức khỏe miễn phí

Ngày 15/5, Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà cho biết, chương trình do Sở tổ chức toàn Thành phố, Mê Linh là huyện khám sức khỏe miễn phí đầu tiên.

5 nhóm người dân được khám, lập hồ sơ quản lý sức khỏe, gồm: Trẻ em dưới 5 tuổi; học sinh tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông; người cao tuổi, hưu trí; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước và lao động tự do.

Theo Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Mê Linh Trần Quang Trịnh, mỗi gói khám sức khỏe tổng thể khoảng 145.000 đồng, không bao gồm xét nghiệm máu. Người dân được đo huyết áp, nhịp thở, thị lực; khám nội tổng quát: Tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, tiết niệu, cơ xương khớp, thần kinh, tâm thần; khám cận lâm sàng đối với các trường hợp có chỉ định; siêu âm ổ bụng tổng quát. Sau khám, bác sĩ kết luận tình trạng sức khỏe từng người và nhập dữ liệu vào phần mềm; hướng dẫn người dân tải app theo dõi sức khỏe trên điện thoại thông minh.

Dự kiến đến ngày 31/5, Huyện sẽ hoàn thành khám và thiết lập hồ sơ sức khỏe cho hơn 180.000 người dân, chiếm khoảng 75% dân số toàn Huyện. Kinh phí hơn 20 tỷ đồng được Huyện xã hội hóa.

Thành phố Hội An khai trương thêm tuyến phố đi bộ Phan Châu Trinh

Nhằm mở rộng không gian “Phố dành cho người đi bộ và xe không động cơ” (phố đi bộ), tạo thêm sản phẩm mới phục vụ nhu cầu tham quan, thưởng ngoạn của du khách, ngày 15/5, thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) tổ chức khai trương thêm tuyến phố đi bộ Phan Châu Trinh.

Tuyến phố đi bộ Phan Châu Trinh

Tuyến phố đi bộ Phan Châu Trinh

Tuyến phố đi bộ Phan Châu Trinh sẽ hoạt động 7 ngày/tuần, theo từng khung giờ cụ thể: từ 17 giờ 30 phút đến 21 giờ 30 phút đối với mùa hè và đến 21 giờ đối với mùa đông, từ Ngã tư đường Nguyễn Huệ - Phan Châu Trinh đến ngã ba đường Cao Hồng Lãnh - Phan Châu Trinh.

Để tạo các sản phẩm du lịch cho du khách khi đến tham quan, vui chơi trên tuyến phố đi bộ Phan Châu Trinh, thành phố Hội An cũng sẽ tổ chức các hoạt động như: “Hát bội”, Nhóm nhạc “Cung đàn xưa”, Nhóm nhạc “Giai điệu thời gian”, Không gian trà đạo, dập tranh giấy dó, vẽ đầu lân-mặt nạ ông Địa; Trò chơi dân gian; Giao lưu bóng rổ và dạy tiếng Hoa… Các hoạt động trên được kỳ vọng mang đến nhiều trải nghiệm hấp dẫn cho nhân dân và du khách.

Việc mở rộng không gian “Phố dành cho người đi bộ và xe không động cơ” trên tuyến đường Phan Châu Trinh hứa hẹn sẽ tạo thêm không gian trong lành, yên tĩnh cùng nhiều hoạt động văn hóa - du lịch hấp dẫn phục vụ nhu cầu tham quan, thưởng ngoạn của du khách tại đô thị cổ Hội An.

Chuyên đề