Bản tin thời sự sáng 16/3

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Nhà máy Lọc dầu Dung Quất dừng vận hành 48 ngày để bảo dưỡng; đề xuất hạn chế mua bán vàng miếng bằng tiền mặt; từ 1/5, Hà Nội áp dụng thanh toán dịch vụ trông giữ xe không dùng tiền mặt; nhà mạng kiểm tra các khách hàng đăng ký từ 4 - 9 sim…

Nhà máy Lọc dầu Dung Quất dừng vận hành 48 ngày để bảo dưỡng

Ngày 15/3, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất thuộc Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn nằm trong Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) chính thức dừng vận hành để tiến hành bảo dưỡng tổng thể lần 5.

Nhà máy Lọc dầu Dung Quất được vận hành thương mại từ năm 2010

Nhà máy Lọc dầu Dung Quất được vận hành thương mại từ năm 2010

Thời gian dừng Nhà máy thực hiện bảo dưỡng dự kiến trong 48 ngày. Quy trình dừng Nhà máy bắt đầu từ phân xưởng Cracking xúc tác tầng sôi (RFCC) và phân xưởng Chưng cất dầu thô (CDU).

Các bước bao gồm giảm công suất đến giới hạn công suất tối thiểu; dừng nguyên liệu, tuần hoàn làm nguội hệ thống, xả lưu chất bên trong hệ thống, làm sạch bằng hơi nước và bàn giao cho nhà thầu thực hiện bảo dưỡng.

Các nhân viên vận hành tại phòng điều khiển phối hợp với nhân viên vận hành tại hiện trường chuyển tất cả lượng dầu xả từ hệ thống về bể chứa dầu tái chế và bể chứa dầu thô để chế biến sau khi Nhà máy hoạt động trở lại.

Sau khi dừng Nhà máy, lãnh đạo Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn đã đi kiểm tra, thị sát bảo dưỡng phao rót dầu không bến một điểm neo (SPM). Đây là công việc được triển khai đầu tiên (ngày 11/3) và hoàn thành đầu tiên trong đợt bảo dưỡng tổng thể lần này (dự kiến ngày 30/3). Dự kiến phao SPM sẽ nhập chuyến dầu đầu tiên sau bảo dưỡng từ ngày 30/3 - 31/3/2024.

Đề xuất hạn chế mua bán vàng miếng bằng tiền mặt

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh TP.HCM kiến nghị hạn chế mua bán vàng miếng bằng tiền mặt, khi tham mưu sửa quy định quản lý thị trường này.

Giao dịch vàng miếng tại cửa hàng SJC

Giao dịch vàng miếng tại cửa hàng SJC

Nghị định số 24/2012/NĐ-CP được ban hành với chủ trương "chống vàng hóa" nền kinh tế và đã phát huy hiệu quả trong thời gian qua. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TP.HCM cho rằng, nghị định này cũng bộc lộ hạn chế như chênh lệch ngày càng cao giữa giá thế giới và trong nước, nên cần được sửa đổi. Điều này gây yếu tố tâm lý nhất định đến thị trường, đặc biệt mỗi khi giá kim loại quý biến động mạnh.

Một trong các nội dung được đơn vị này kiến nghị Ngân hàng Nhà nước là có chính sách hạn chế thanh toán, mua bán vàng miếng bằng tiền mặt. Điều này nhằm phòng rủi ro phát sinh trong kinh doanh của các nhà vàng và chống rửa tiền.

Chi nhánh này cũng đề xuất có cơ chế quản lý phù hợp, tránh độc quyền, lợi ích nhóm với các doanh nghiệp kinh doanh vàng tự niêm yết giá.

Thực tế, có nhiều quan điểm và đề xuất khác nhau để quản lý thị trường kim loại quý, song Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TP.HCM lưu ý, vàng vẫn là loại hàng hóa đặc biệt có quan hệ trực tiếp đến ngoại tệ và tiền đồng.

"Việc chỉnh sửa Nghị định 24 vẫn phải đảm bảo mục tiêu chống đô la hóa, vàng hóa nền kinh tế", Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TP.HCM nêu quan điểm.

Bên cạnh đó, đơn vị này cho rằng, cần quy định trách nhiệm của các bên liên quan đến quản lý thị trường vàng, tăng thanh tra, kiểm soát nguyên liệu đầu vào, chất lượng sản phẩm.

Từ 1/5, Hà Nội áp dụng thanh toán dịch vụ trông giữ xe không dùng tiền mặt

Để việc thu phí trông giữ phương tiện được thuận lợi, tăng nguồn thu ngân sách, Hà Nội dự kiến từ ngày 1/5 sẽ áp dụng thanh toán phí dịch vụ trông giữ xe không dùng tiền mặt.

Một điểm trông giữ xe ở Hà Nội

Một điểm trông giữ xe ở Hà Nội

Trên địa bàn TP. Hà Nội hiện có 57 bãi đỗ xe (trong trung tâm thương mại, chung cư, bệnh viện, trường học…) và 639 điểm đỗ xe dưới lòng đường với tổng diện tích khoảng 135.000 m2.

Để việc thu phí trông giữ phương tiện được thuận lợi, tăng nguồn thu ngân sách, các sở, ngành của Thành phố đang hoàn thiện ứng dụng thanh toán phí dịch vụ trông giữ xe không dùng tiền mặt. Dự kiến từ ngày 1/5/2024 sẽ áp dụng tại các điểm trông xe do Công TNHH MTV Khai thác điểm đỗ Thành phố quản lý, sau đó sẽ tổng kết, rút kinh nghiệm, nhân rộng toàn Thành phố.

Việc ứng dụng công nghệ triển khai thu phí trông giữ xe không dùng tiền mặt đã được thực hiện tại phủ Tây Hồ thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ (Hà Nội) từ ngày 9/2. Kết quả bước đầu ghi nhận 50% người gửi xe máy, 70% người gửi ô tô thanh toán không dùng tiền mặt.

Trước đây, các đơn vị được cấp phép trông giữ xe trên địa bàn Hà Nội tổ chức thu phí dịch vụ trông giữ xe chủ yếu bằng tiền mặt. Đến giữa năm 2017, Thành phố triển khai thí điểm mô hình thu phí trông giữ xe qua ứng dụng iParking tại 17 điểm trên tuyến phố Lý Thường Kiệt và Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm), sau đó mô hình này phải tạm dừng vào tháng 9/2020 do còn một số hạn chế, bất cập.

Theo số liệu của ngành chức năng, từ năm 2021 - 2023, 101 điểm trông giữ xe trên địa bàn Hà Nội đã thu được 248 tỷ đồng.

UBND TP. Hà Nội đã giao Sở Giao thông vận tải phối hợp Sở Tài chính, Cục Thuế xây dựng cơ chế, chính sách về thu phí, lệ phí, thuế khai thác điểm đỗ xe, bãi đỗ. Từ ngày 1/5, UBND TP. Hà Nội sẽ thí điểm thu phí không dùng tiền mặt tại các điểm trông xe do Công TNHH MTV Khai thác điểm đỗ Thành phố quản lý, sau đó sẽ tổng kết, rút kinh nghiệm, nhân rộng toàn Thành phố.

Nhà mạng kiểm tra các khách hàng đăng ký từ 4 - 9 sim

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) yêu cầu đến trước 15/4, các nhà mạng phải tiến hành kiểm tra tệp khách hàng cá nhân và tổ chức có giấy tờ đăng ký từ 4 - 9 sim.

Việc đăng ký sử dụng sim phải bảo đảm thông tin thuê bao đầy đủ, chính xác, trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Ảnh minh họa

Việc đăng ký sử dụng sim phải bảo đảm thông tin thuê bao đầy đủ, chính xác, trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Ảnh minh họa

Bộ TT&TT vừa có văn bản về việc quán triệt trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp trong thực hiện nghiêm công tác quản lý, đăng ký thông tin thuê bao.

Bộ TT&TT yêu cầu người đứng đầu doanh nghiệp trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm nghiêm túc triển khai các biện pháp để xử lý triệt để vấn đề sim rác.

Theo đó, trước ngày 15/4/2024, doanh nghiệp viễn thông phải hoàn thành xử lý toàn bộ các sim có dấu hiệu tồn kênh, bảo đảm tất cả các sim được bán tại các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông không nhập sẵn thông tin thuê bao trước khi kích hoạt và chỉ có thể được kích hoạt, phát triển mới bởi chính doanh nghiệp viễn thông sau khi đã triển khai các giải pháp bảo đảm thông tin thuê bao đầy đủ, chính xác theo quy định, đồng thời trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Đến trước ngày 15/4, các nhà mạng phải tiến hành kiểm tra tệp khách hàng cá nhân và tổ chức có giấy tờ đăng ký từ 4 đến 9 sim nhằm bảo đảm thông tin đầy đủ, chính xác theo quy định và xác thực họ có đang sử dụng thuê bao đã đăng ký không. Người dùng sẽ phải chịu trách nhiệm trong trường hợp số thuê bao mình đứng tên được sử dụng cho hành vi vi phạm pháp luật.

Từ ngày 15/4, các doanh nghiệp viễn thông di động chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu trên thị trường còn xuất hiện sim của doanh nghiệp mình được kích hoạt sẵn, mua, bán, lưu thông.

Trong trường hợp phát hiện vi phạm, Bộ sẽ thanh tra và xử lý vi phạm với mức phạt cao nhất là đình chỉ phát triển thuê bao mới…

Loạt doanh nghiệp khai thác khoáng sản ở Ninh Bình nợ phí bảo vệ môi trường

Tính đến ngày 29/2/2024, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có gần 30 đơn vị, doanh nghiệp khai thác các mỏ đá đang nợ thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường với tổng số tiền lớn và kéo dài trong nhiều năm.

Trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có gần 30 đơn vị, doanh nghiệp khai thác khoáng sản đang nợ thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường

Trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có gần 30 đơn vị, doanh nghiệp khai thác khoáng sản đang nợ thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường

Trong đó, huyện Yên Mô có 5 doanh nghiệp, công ty khai thác mỏ đá đang nợ thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường, gồm: Công ty CP Xây dựng và Sản xuất vật liệu xây dựng Yên Từ nợ 13,788 triệu đồng; Tổ hợp khai thác đá Thanh Bình nợ thuế tài nguyên 129,276 triệu đồng, nợ phí bảo vệ môi trường 165,276 triệu đồng; Công ty TNHH Đầu tư phát triển Xuân Hiếu nợ thuế tài nguyên 493,03 triệu đồng, nợ thuế bảo vệ môi trường 719,371 triệu đồng; Công ty CP Đầu tư Xây dựng Thương mại nợ thuế tài nguyên 160 triệu đồng, nợ phí bảo vệ môi trường 159 triệu đồng; Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng PAPT nợ thuế tài nguyên 398,620 triệu đồng, nợ phí bảo vệ môi trường 599,622 triệu đồng.

Ngoài ra, tại địa bàn TP. Tam Điệp, huyện Nho Quan, huyện Gia Viễn cũng có hàng loạt đơn vị, doanh nghiệp khai thác đá đang nợ thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường.

Ông Đinh Nam Thắng - Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Ninh Bình cho biết, Cục đã chỉ đạo các chi cục và các phòng ban chức năng áp dụng biện pháp đôn đốc, cưỡng chế nợ thuế đối với các doanh nghiệp nêu trên như: gọi điện thoại, nhắn tin số nợ thuế, thông báo nợ thuế, mời làm việc tại trụ sở cơ quan thuế; ban hành thông báo nợ, quyết định cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản, ngừng sử dụng hoá đơn, thông báo tạm hoãn xuất cảnh đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

Quảng Ninh nghiên cứu đề xuất sử dụng cát nước mặn phục vụ san lấp

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh vừa yêu cầu nghiên cứu đề xuất Bộ Giao thông vận tải để Tỉnh thí điểm sử dụng cát nước mặn phục vụ san lấp thay thế cát sông tại một số dự án.

Quảng Ninh nghiên cứu đề xuất sử dụng cát nước mặn phục vụ san lấp. Ảnh minh họa

Quảng Ninh nghiên cứu đề xuất sử dụng cát nước mặn phục vụ san lấp. Ảnh minh họa

Trước khó khăn về thiếu nguồn vật liệu thi công các dự án hạ tầng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy vừa có chỉ đạo, yêu cầu các sở, ngành và địa phương liên quan nghiên cứu đề xuất Bộ Giao thông vận tải để tỉnh Quảng Ninh thí điểm sử dụng cát nước mặn phục vụ san lấp thay thế cát sông tại một số dự án.

Quảng Ninh tập trung rà soát, phối hợp đẩy nhanh giải quyết các hồ sơ pháp lý để cấp phép sớm cho các mỏ đất trong quy hoạch trên cơ sở tuân thủ tuyệt đối các quy định của pháp luật. Đồng thời truyền đi thông điệp Tỉnh sẽ thu hồi đối với các mỏ đất được cấp quyền khai thác, khoanh định phục vụ các dự án đầu tư công nếu chủ đầu tư các mỏ không làm được hoặc cản trở, gây ách tắc trong quá trình vận chuyển thi công các dự án.

Năm 2024, tổng vốn đầu tư công của tỉnh Quảng Ninh là hơn 14.280 tỷ đồng; trong đó từ ngân sách địa phương 13.849,9 tỷ đồng, ngân sách trung ương phân bổ 430,7 tỷ đồng. Theo báo cáo của các ban quản lý dự án chuyên ngành trực thuộc Tỉnh, tiến độ thi công và giải ngân nguồn vốn đầu tư công nhiều dự án hạ tầng giao thông đang bị chậm so với kế hoạch. Nguyên nhân lớn nhất là thiếu nguồn vật liệu san lấp (cát và đất), đặc biệt tại các dự án: Đường ven sông đoạn từ cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến Đường tỉnh 338; đường ven sông đoạn từ Đường tỉnh 338 đến cổng Tỉnh và Dự án đường nối cầu Bến Rừng.

Hiện đang có mỏ đất Trới tại TP. Hạ Long và mỏ Bắc Sơn tại TP. Uông Bí hoàn thành thủ tục để khai thác, tuy nhiên công suất khai thác khó đáp ứng nhu cầu nhiều dự án cùng một lúc.

Đối với nguồn đất đắp loại K95, K98 mới đáp ứng được 3,7 triệu m3 so với nhu cầu trên 6,6 triệu m3, tương đương 55,6% nhu cầu của các dự án.

Nhu cầu sử dụng đất đá để san lấp mặt bằng các dự án trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hàng năm rất lớn, khoảng 130 triệu m3/năm. Trong khi đó, các mỏ đất đồi tại địa phương chỉ đáp ứng khoảng 25% tổng nhu cầu.

Cưỡng chế loạt tài sản của công ty đại gia 'Huy máy nổ'

Chi cục Thi hành án dân sự, Viện Kiểm sát nhân dân quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) và cơ quan chức năng liên quan vừa cưỡng chế, kê biên tài sản của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ lắp máy Miền Nam do ông Lê Bá Huy, biệt danh "Huy máy nổ" làm Giám đốc.

Tài sản thế chấp tại Ngân hàng Agribank của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ lắp máy Miền Nam là nhà xưởng và nhiều thiết bị máy móc

Tài sản thế chấp tại Ngân hàng Agribank của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ lắp máy Miền Nam là nhà xưởng và nhiều thiết bị máy móc

Việc cưỡng chế, kê biên tài sản được thực hiện theo Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự ngày 15/12/2020 của Tòa án Nhân dân quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng.

Theo đó, công ty này phải trả cho Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) số tiền tạm tính đến ngày 31/12/2019 là hơn 385 tỷ đồng và lãi phát sinh tính từ ngày 1/1/2020 đến khi thanh toán xong toàn bộ nợ gốc.

Nếu Công ty không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ trả nợ, Agribank có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án xử lý toàn bộ tài sản thế chấp. Theo cơ quan chức năng, hiện trụ sở Công ty ở Khu công nghiệp Hòa Khánh không còn hoạt động. Công ty cũng tự nguyện giao tài sản để thi hành án.

Tài sản bị kê biên bao gồm nhà làm việc, kho thành phẩm, nhà sơn xe, nhà để xe, tổng mặt bằng và hạ tầng kỹ thuật, kho nguyên liệu... và các công trình phụ trợ khác gắn liền với đất tại đường số 3 Khu công nghiệp Hòa Khánh. Diện tích thuê đất 19.950 m2, thời gian thuê đất 40 năm kể từ ngày 9/7/2007 đến ngày 12/12/2046.

Tài sản thế chấp là nhiều dây chuyền lắp ráp động cơ diesel và động cơ máy kéo tay, dây chuyền lắp ráp máy phát điện, hệ thống dây chuyền thiết bị đúc.

Liên quan đến công ty này, trước đó, Agribank Chi nhánh Nam Đà Nẵng đã nhiều lần thông báo đấu giá khoản nợ là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất rộng hơn 2.293 m2 tại số 404 Điện Biên Phủ, quận Thanh Khê.

Tài sản này nằm trong khu nhà cổ có tên Không Gian Xưa trên diện tích khoảng 5.000 m2. Khu nhà cổ này đang mở cửa kinh doanh theo mô hình nhà hàng - quán cà phê.

Ngoài ra, tài sản đảm bảo còn 2 hạng mục tài sản thế chấp khác của Công ty Lắp máy Miền Nam tại Khu công nghiệp Hòa Khánh, trong đó có nhà làm việc, nhà kho, xưởng thiết bị, phòng lab, phòng máy phát điện, dây chuyền lắp ráp động cơ, dây chuyền thiết bị đúc... tại hai khu đất thuê diện tích hơn 32.000 m2.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư