Bản tin thời sự sáng 16/10

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Ngân hàng Nhà nước đưa SCB vào diện kiểm soát đặc biệt; Giám đốc CDC Đắk Nông bị cảnh cáo; đề xuất 6 nhóm vấn đề chất vấn thành viên Chính phủ; tàu Bắc - Nam bị gián đoạn, hơn 1.200 khách phải chuyển tải do mưa lũ; đường bay Hà Nội - TP.HCM lọt top 4 đông khách nhất thế giới…

Ngân hàng Nhà nước đưa SCB vào diện kiểm soát đặc biệt

Để ổn định hoạt động của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Ngân hàng Nhà nước vừa ra quyết định kiểm soát đặc biệt nhà băng này.

Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện đồng bộ giải pháp cần thiết để SCB hoạt động an toàn, lành mạnh. Ảnh minh họa

Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện đồng bộ giải pháp cần thiết để SCB hoạt động an toàn, lành mạnh. Ảnh minh họa

Trong thông cáo phát đi, Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc kiểm soát đặc biệt một tổ chức tín dụng, là biện pháp nghiệp vụ nhằm kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tác động tiêu cực đến ngân hàng đó và hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung.

Đặt SCB vào diện "kiểm soát đặc biệt", Ngân hàng Nhà nước sẽ lựa chọn, chỉ định những nhân sự có kinh nghiệm, năng lực, trình độ chuyên môn từ các ngân hàng thương mại nhà nước (Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank) tham gia quản trị, điều hành nhà băng này.

Đồng thời, cơ quan này sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện đồng bộ giải pháp cần thiết để SCB hoạt động an toàn, lành mạnh.

Trong lịch sử ngành ngân hàng, đã có nhiều nhà băng từng bị rơi vào trường hợp kiểm soát đặc biệt nhưng sau đó đã phục hồi và phát triển mạnh.

Trước đó, ngày 7/10, nhiều chi nhánh, phòng giao dịch của SCB ghi nhận tình trạng đông khách hàng tới giao dịch. Một số người đến rút tiền, số khác đến thăm dò thông tin do lo ngại về sự an toàn của khoản tiền gửi.

Ngân hàng Nhà nước sau đó phát đi thông tin khẳng định những khoản tiền gửi của người dân tại ngân hàng, trong đó có SCB đều được Nhà nước đảm bảo trong mọi trường hợp.

Giám đốc CDC Đắk Nông bị cảnh cáo

Ông Đặng Thành, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đắk Nông bị kỷ luật cảnh cáo vì vi phạm trong mua sắm kit test của Công ty CP Công nghệ Việt Á.

Trụ sở Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đắk Nông

Trụ sở Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đắk Nông

Theo quyết định kỷ luật của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Nông, ông Thành bị xác định thực hiện không đúng quy định đấu thầu các gói mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm, kit xét nghiệm, thuốc phòng Covid-19 năm 2020 - 2021.

Theo kết luận thanh tra, trong năm 2020 - 2021, CDC Đắk Nông mua sắm 22 gói thầu hóa chất, sinh phẩm. Trong đó, có 4 gói thầu của Công ty CP Công nghệ Việt Á, với 1.502 kit test giá hơn 743 triệu đồng. Trình tự, thủ tục mua sắm 4 gói thầu này có một số vi phạm như: chưa công khai kết quả chỉ định thầu, chỉ định thầu những công ty chưa có kinh nghiệm tư vấn, thẩm định...

Liên quan đến vi phạm mua sắm kit test, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Nông cũng kỷ luật khiển trách ông Võ Quang Hợp, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở Y tế và Đảng ủy Sở Y tế nhiệm kỳ 2015 - 2020, 2020 - 2025.

Đề xuất 6 nhóm vấn đề chất vấn thành viên Chính phủ

Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đề xuất 6 nhóm vấn đề chất vấn để các cơ quan lựa chọn 4 nhóm, trong đó có công chức nghỉ việc, thu hồi tài sản tham nhũng.

Phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh minh họa

Phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh minh họa

Báo cáo về việc tổ chức chất vấn tại Kỳ họp thứ tư được Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường gửi Thường trực Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo các ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Nhóm vấn đề thứ nhất ông Cường đề xuất chất vấn thuộc lĩnh vực nội vụ, gồm sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện cải cách chính sách tiền lương...

Nhóm vấn đề thứ 2 thuộc lĩnh vực xây dựng, gồm thực trạng, giải pháp nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý phát triển đô thị; xây nhà ở xã hội; việc di dời trụ sở bộ, ngành khỏi nội đô TP. Hà Nội; quản lý thị trường bất động sản, xử lý vi phạm trong giao dịch, huy động vốn kinh doanh bất động sản...

Nhóm vấn đề thứ 3 thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông, gồm ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý nhà nước, xây dựng chính phủ số, chính quyền số; việc quản lý các thuê bao đầu số của nhà mạng, kiểm tra quản lý trang thông tin điện tử và nền tảng trực tuyến…

Nhóm vấn đề thứ 4 thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ. Nội dung chất vấn gồm chiến lược phát triển khoa học công nghệ quốc gia, giải pháp đẩy mạnh ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến vào cuộc sống…

Nhóm vấn đề thứ 5 thuộc lĩnh vực thanh tra, gồm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động thanh tra, phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật, biện pháp xử lý, thu hồi tài sản sau thanh tra...

Nhóm vấn đề 6 thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp, gồm việc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; giải pháp đảm bảo tiến độ, chất lượng và hồ sơ thủ tục đề án, dự án Chính phủ trình Quốc hội...

Từ 6 đề xuất này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến để chọn 5 nhóm vấn đề chất vấn và người trả lời chất vấn. Sau đó, đại biểu Quốc hội sẽ cho ý kiến để quyết định 4 nhóm vấn đề chất vấn và người trả lời chất vấn tương ứng.

Tàu Bắc - Nam bị gián đoạn, hơn 1.200 khách phải chuyển tải do mưa lũ

Ngành đường sắt sẽ chuyển tải hơn 1.200 hành khách trên 8 đoàn tàu SE1/2, SE3/4, SE5/6, SE7/8 giữa các ga trong khu vực Đà Nẵng - Huế để tiếp tục hành trình.

Ngành đường sắt đã chuyển tải hơn 180 hành khách tàu SE7 từ ga Cầu Hai (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) đến ga Đà Nẵng và 200 hành khách tàu SE8 từ ga Đà Nẵng đến ga Cầu Hai.

Ngành đường sắt đã chuyển tải hơn 180 hành khách tàu SE7 từ ga Cầu Hai (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) đến ga Đà Nẵng và 200 hành khách tàu SE8 từ ga Đà Nẵng đến ga Cầu Hai.

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão số 5 (Sơn ca), từ đêm 14 đến rạng sáng ngày 15/10, đường sắt trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đã bị chia cắt và gián đoạn do một số vị trí kết cấu hạ tầng đường sắt bị hư hỏng; một số điểm sụt, sạt ta luy nền đường, nước chảy xiết làm trôi nền đá, phải phong tỏa khu gian dừng tàu để tổ chức cứu chữa, khắc phục hậu quả...

Cụ thể, ngành đường sắt tạm dừng chạy các đôi tàu SE7/8, SE1/2, SE5/6 ngày 15/10/2022 xuất phát tại ga Hà Nội và Sài Gòn.

Tàu SE7 xuất phát Hà Nội ngày 16/10 tạm dừng chạy đoạn từ Hà Nội đến Đà Nẵng; Đoạn từ Đà Nẵng đến Sài Gòn mác tàu này hoạt động bình thường. Tàu SE8 xuất phát Sài Gòn ngày 16/10 đến Đà Nẵng là ga cuối, không chạy đoạn từ Đà Nẵng đến Hà Nội.

Tàu SE3 xuất phát Hà Nội ngày 15/10 tạm dừng chạy đoạn từ Hà Nội đến Đà Nẵng; Đoạn từ Đà Nẵng đến Sài Gòn mác tàu SE3 chạy bình thường. Tàu SE4 xuất phát Sài Gòn ngày 15/10 đến Đà Nẵng là ga cuối, tạm dừng chạy mác tàu này đoạn từ Đà Nẵng đến Hà Nội.

Đối với các đoàn tàu đang chạy khi xảy ra mưa ngập, đường sắt đã cho dừng tại các ga: Đông Hà, Huế, Đà Nẵng để tránh trú, chờ đường. Hành khách trên các đoàn tàu tránh trú được phục vụ thức ăn, nước uống miễn phí.

Bên cạnh đó, ngành đường sắt sẽ chuyển tải hơn 1.200 hành khách trên 8 đoàn tàu SE1/2, SE3/4, SE5/6, SE7/8 giữa các ga trong khu vực Đà Nẵng - Huế để tiếp tục hành trình. Hiện đã chuyển tải hơn 180 hành khách tàu SE7 từ ga Cầu Hai (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) đến ga Đà Nẵng và 200 hành khách tàu SE8 từ ga Đà Nẵng đến ga Cầu Hai.

Bắt tạm giam Chủ tịch UBND thị trấn Ba Sao

Công an tỉnh Hà Nam vừa khởi tố, bắt tạm giam Chủ tịch UBND thị trấn Ba Sao (huyện Kim Bảng) Lại Tuấn Anh và người tiền nhiệm để làm rõ việc cho thuê đất nông nghiệp trái quy định.

Cơ quan tố tụng đọc lệnh khởi tố bắt tạm giam bị can Nguyễn Trung Văn

Cơ quan tố tụng đọc lệnh khởi tố bắt tạm giam bị can Nguyễn Trung Văn

Công an tỉnh Hà Nam cho biết, vừa ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam và lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với ông Lại Tuấn Anh, Chủ tịch UBND thị trấn Ba Sao (huyện Kim Bảng, Hà Nam); người tiền nhiệm là Nguyễn Trung Văn, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Kim Bảng, cựu Chủ tịch UBND thị trấn Ba Sao và bà Phan Thị Ngọc Thương, cán bộ địa chính UBND thị trấn Ba Sao.

Cả 3 bị can này đều bị khởi tố về tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai’ theo quy định tại Điều 229 Bộ luật Hình sự. Các quyết định và lệnh trên đã được Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp phê chuẩn.

Trong quá trình khám xét, Công an và Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Nam đã thu giữ một số tài liệu liên quan đến vụ án. Bước đầu, Cơ quan Công an xác định 3 bị can trên đã lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để lập, ký hợp đồng cho thuê đất nông nghiệp trái quy định của pháp luật.

Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Nam mở rộng điều tra vụ án để làm rõ hành vi của các bị can cũng như những cá nhân, tổ chức có liên quan.

Bộ Công Thương đề nghị làm tiếp hơn 2.360 MW điện mặt trời

Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ cho làm tiếp các dự án điện mặt trời đã có nhà đầu tư đến năm 2030 để tránh rủi ro pháp lý và lãng phí tài sản xã hội.

Công nhân lắp đặt, vệ sinh các tấm pin mặt trời tại một dự án ở Ninh Thuận

ng nhân lắp đặt, vệ sinh các tấm pin mặt trời tại một dự án ở Ninh Thuận

Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính Dự thảo Quy hoạch phát triển điện quốc gia tới năm 2030, tầm nhìn 2045 (Quy hoạch điện VIII). Đây là lần thứ năm cơ quan này trình Dự thảo Quy hoạch điện VIII lên Chính phủ, kể từ tháng 3/2021.

Hiện còn khoảng 6.565 MW điện mặt trời có trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh nhưng chưa vận hành. Một số dự án có trong quy hoạch đã được chấp thuận nhà đầu tư, triển khai thực tế, công suất 2.428 MW. Hồi tháng 8, Bộ Công Thương đã đề nghị Chính phủ cho phép thực hiện tiếp số dự án này tới năm 2030. Số còn lại, trên 4.136 MW, chưa có nhà đầu tư thì chưa triển khai.

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 20/8, Tổng Thanh tra Chính phủ nêu ý kiến chỉ xem xét đưa vào Quy hoạch điện VIII những dự án đã hoàn thành nhưng chưa xác định giá bán điện, đã ký hợp đồng mua sắm thiết bị và đang thi công... với tổng công suất 636 MW.

Tuy nhiên, tại tờ trình Chính phủ, Bộ Công Thương nêu quan điểm vẫn nên tiếp tục cho phép thực hiện các dự án trong quy hoạch, đã có nhà đầu tư làm tới năm 2030, tổng công suất 2.360,42 MW.

Trong số này có 5 dự án, phần dự án đã xây lắp xong nhưng chưa xác định giá bán, tổng công suất 452,6 MW, gồm: Nhà máy Điện mặt trời Phù Mỹ 1, 3; phần công suất của Dự án Điện mặt trời 450 MW, Điện mặt trời Thiên Tân 1.2; phần dự án Thiên Tân 1.3 và Thiên Tân 1.4.

11 dự án đã ký hợp đồng mua sắm thiết bị, công suất 426,6 MW, gồm: Dự án Nhà máy điện mặt trời Ngọc Lặc, Trong Pa 2, Chư Ngọc giai đoạn 2, Phú Thiện, Đức An, Phước Thái 2, Phước Thái 3, MT1, MT2, Đức Huệ và Sơn Quang.

6 dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, chưa ký hợp đồng mua sắm thiết bị, công suất 1.481,2 MW, gồm: Thanh Hoá 1, KN Ialy Gia Lai, Trang Đức, KN Srêpôk, KN Ialy, Kon Tum, Dầu Tiếng 5.

Đường bay Hà Nội - TP.HCM lọt top 4 đông khách nhất thế giới

Cục Hàng không Việt Nam cho biết, đường bay Hà Nội - TP.HCM vừa lọt Top 4 đường bay nội địa nhộn nhịp nhất thế giới.

Hành khách làm thủ tục tại Sân bay Tân Sơn Nhất

Hành khách làm thủ tục tại Sân bay Tân Sơn Nhất

Kết quả này dựa theo số liệu thống kê của OAG - công ty cung cấp thông tin chuyên sâu và dữ liệu du lịch hàng đầu thế giới, có trụ sở chính tại Vương quốc Anh. Theo đó, từ tháng 10/2021 đến hết tháng 9/2022, đường bay Hà Nội - TP.HCM bán số ghế lên tới hơn 8,5 triệu, chỉ xếp sau 3 chặng bay khác là Jeju - Seoul (Hàn Quốc) với hơn 16 triệu ghế; Sapporo New Chitose Apt - Tokyo là hơn 10 triệu và Fukuoka - Tokyo (Nhật Bản) hơn 9,8 triệu.

Điều này cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường hàng không nội địa Việt Nam sau dịch. Năm 2019, đường bay Hà Nội - TP.HCM cũng từng lọt top 6 thế giới.

Đứng thứ 5 đến 10 trong danh sách lần lượt là các đường bay: Jeddahi - Riyadh King Khalid (Saudi Arabia), Melbourne - Sydney (Australia), Mumbai - Delhi (Ấn Độ), Tokyo - Okinawa Naha (Nhật Bản), Jakarta Soekamo - Hatta Apt - Denpasar (Indonesia), Bắc Kinh - Thượng Hải (Trung Quốc).

Theo Cục Hàng không Việt Nam, 9 tháng đầu năm, lượng khách đi qua 22 cảng hàng không đạt 75 triệu, tăng 162% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó khách quốc tế đạt 6,7 triệu khách, tăng gần 1.800%, khách nội địa hơn 68 triệu khách, tăng 141% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các hãng hàng không nội địa vận chuyển 37 triệu khách, tăng 157% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó có 2,9 triệu khách quốc tế, 34 triệu khách nội địa.

Phạt Chứng khoán KIS Việt Nam 335 triệu đồng do sai phạm liên quan trái phiếu Tân Hoàng Minh

Công ty CP Chứng khoán KIS Việt Nam vừa bị phạt hành chính 335 triệu đồng do có vi phạm liên quan tới đợt chào bán trái phiếu của Tập đoàn Tân Hoàng Minh.

Công ty CP Chứng khoán KIS Việt Nam cung cấp dịch vụ tư vấn hồ sơ cho ba đợt chào bán trái phiếu của Công ty CP Cung điện Mùa đông - thành viên Tập đoàn Tân Hoàng Minh, với tổng quy mô phát hành là 2.350 tỷ đồng

Công ty CP Chứng khoán KIS Việt Nam cung cấp dịch vụ tư vấn hồ sơ cho ba đợt chào bán trái phiếu của Công ty CP Cung điện Mùa đông - thành viên Tập đoàn Tân Hoàng Minh, với tổng quy mô phát hành là 2.350 tỷ đồng

Trong đó, Chứng khoán KIS Việt Nam bị phạt 250 triệu đồng do không đảm bảo các thông tin trong hồ sơ chào bán phát hành trái phiếu riêng lẻ.

Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, KIS Việt Nam là đơn vị cung cấp dịch vụ tư vấn hồ sơ cho ba đợt chào bán trái phiếu của Công ty CP Cung điện Mùa đông - đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh, với tổng quy mô phát hành là 2.350 tỷ đồng. Tuy nhiên, công ty này chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong việc rà soát hồ sơ chào bán trái phiếu. Các tài liệu còn thiếu như nghị quyết hội đồng quản trị thông qua phương án phát hành chi tiết, kế hoạch bố trí nguồn và phương thức thanh toán lãi, gốc trái phiếu...

Ngoài ra, KIS Việt Nam cũng bị phạt thêm 85 triệu đồng do không báo cáo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) về tình hình tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu doanh nghiệp quý IV/2021, năm 2021 và quý I/2022, tình hình đăng ký, lưu ký trái phiếu năm 2021, tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu năm 2021... Đây đều là những thông tin cần phải báo cáo.

Trước KIS Việt Nam, Ủy ban Chứng khoán cũng xử phạt hai đơn vị khác liên quan tới đợt phát hành trái phiếu của Tân Hoàng Minh là Công ty CP Chứng khoán Everest và Công ty CP Chứng khoán An Bình (ABS).

Chuyên đề

Kết nối đầu tư