Bản tin thời sự sáng 15/9

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Bộ Y tế yêu cầu điều tra, xử lý vụ ngộ độc tập thể sau khi ăn bánh mì Phượng ở Hội An; Việt Nam và Trung Quốc vận hành thí điểm Khu cảnh quan thác Bản Giốc từ ngày 15/9; nhiều dự án vừa bị chấm dứt hoạt động ở Nghệ An; bắt cựu Thiếu tá công an ở Trà Vinh từ vụ dùng giấy tờ giả đăng ký xe Lexus…

Bộ Y tế yêu cầu điều tra, xử lý vụ ngộ độc tập thể sau khi ăn bánh mì Phượng ở Hội An

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đề nghị Sở Y tế Quảng Nam điều tra, xử lý và tăng cường kiểm soát nguy cơ ngộ độc trên địa bàn.

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã yêu cầu Sở Y tế Quảng Nam chỉ đạo tạm thời đình chỉ hoạt động của cơ sở bánh mì Phượng. Ảnh minh họa

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã yêu cầu Sở Y tế Quảng Nam chỉ đạo tạm thời đình chỉ hoạt động của cơ sở bánh mì Phượng. Ảnh minh họa

Theo thông tin từ Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, đến chiều 14/9, số ca ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì Phượng ở Hội An đã lên đến 141 người.

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã yêu cầu Sở Y tế Quảng Nam chỉ đạo tạm thời đình chỉ hoạt động của cơ sở bánh mì Phượng, kiểm tra điều kiện an toàn thực phẩm của cơ sở này, truy xuất nguồn gốc, lấy mẫu thực phẩm nghi ngờ để xét nghiệm, điều tra xác định rõ căn nguyên vụ việc. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị tiếp tục cấp cứu và điều trị tích cực, đảm bảo hồi phục sức khỏe cho các bệnh nhân trong vụ ngộ độc.

Cục An toàn thực phẩm cũng đề nghị xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm và công khai kết quả trên các phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục các biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm và các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố trên địa bàn.

Trước đó, đại diện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Nam thông tin, sau khi kiểm tra, vào ngày 11/9, tiệm bánh mì Phượng đã bán 1.920 ổ bánh mì. Ngày 12/9, cơ sở này bán 1.700 ổ bánh mì. Kết quả ban đầu cho thấy, khu vực sơ chế chưa đảm bảo vệ sinh, chưa phân biệt giữa khu vực bảo quản nguyên liệu, thực phẩm, khu vực sơ chế, chế biến và khu vực khác.

Quán không lưu bánh mì, sốt trứng gà tươi trong số lượng món ăn trong 1 ngày. Cơ sở bánh mì này không có dụng cụ thu gom, chứa đựng rác thải, chất thải đảm bảo vệ sinh. Các dụng cụ sơ chế, chế biến chưa đảm bảo vệ sinh

Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Nam, thức ăn nghi ngờ ngộ độc là bánh mì gồm: pa tê, thịt xíu, xíu mại, rau răm, rau húng, hành, xà lách, sốt trứng gà tươi, dưa leo, đu đủ chua, chả heo…

Việt Nam và Trung Quốc vận hành thí điểm Khu cảnh quan thác Bản Giốc từ ngày 15/9

Việt Nam và Trung Quốc sẽ tổ chức Lễ vận hành thí điểm khu cảnh quan tại Trạm Kiểm soát khu vực mốc 834/1 vào lúc 9h Hà Nội (10h Bắc Kinh) ngày 15/9/2023.

Việt Nam và Trung Quốc vận hành thí điểm Khu cảnh quan thác Bản Giốc từ ngày 15/9

Việt Nam và Trung Quốc vận hành thí điểm Khu cảnh quan thác Bản Giốc từ ngày 15/9

Việt Nam và Trung Quốc vừa đạt được thỏa thuận về vận hành thí điểm Khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc). Thời gian vận hành thí điểm tạm xác định 1 năm, từ 9h Hà Nội (10h Bắc Kinh) ngày 15/9/2023 đến 16h Hà Nội (17h Bắc Kinh) ngày 14/9/2024.

Theo đó, tại các lối đi chính và điểm tham quan trong khu cảnh quan phía Việt Nam, phía Việt Nam lắp đặt ít nhất 4 trạm gác, khoảng 50 camera giám sát, đồng thời trong phạm vi khu cảnh quan bố trí các biển báo. Khi phát sinh vấn đề về an ninh, an toàn sẽ lập tức dừng ngay việc vận hành thí điểm Khu cảnh quan.

Thời gian mở cửa buổi sáng của Khu cảnh quan là 9h Hà Nội (10h Bắc Kinh), thời gian dừng làm thủ tục thông quan cho đoàn du khách là 14h Hà Nội (15h Bắc Kinh). Thời gian đoàn du khách về lại khu cảnh quan hai bên mình là 16h Hà Nội (17h Bắc Kinh). Thời gian dừng chân của mỗi đoàn tại phía đối phương không được vượt quá 5 giờ, nghiêm cấm du khách lưu trú trái phép.

Việt Nam và Trung Quốc sẽ tổ chức Lễ vận hành thí điểm khu cảnh quan tại Trạm Kiểm soát khu vực mốc 834/1 vào lúc 9h Hà Nội (10h Bắc Kinh) ngày 15/9/2023.

Về điều chỉnh tuyến thăm quan bên phía Việt Nam, theo thỏa thuận đạt được từ năm 2018, trong thời gian vận hành thí điểm, bỏ điểm cảnh Chùa Phật tích Trúc Lâm trong tuyến tham quan trong Khu cảnh quan của phía Việt Nam, khi vận hành chính thức sẽ tiếp tục trao đổi.

Trong thời gian vận hành thí điểm, du khách từ Khu cảnh quan phía Trung Quốc đi vào Khu cảnh quan phía Việt Nam sử dụng hộ chiếu (không cần visa), giấy thông hành xuất, nhập cảnh của nước CHND Trung Hoa. Du khách từ Khu cảnh quan phía Việt Nam đi vào Khu cảnh quan phía Trung Quốc sử dụng hộ chiếu (không cần visa), giấy thông hành xuất, nhập cảnh của nước CHXHCN Việt Nam.

Nhiều dự án vừa bị chấm dứt hoạt động ở Nghệ An

Tỉnh Nghệ An vừa quyết định chấm dứt hoạt động, hủy bỏ các văn bản pháp lý có liên quan nhiều dự án chậm tiến độ trên địa bàn.

Quặng vàng gốc. Ảnh minh họa

Quặng vàng gốc. Ảnh minh họa

Ngày 14/9, UBND tỉnh Nghệ An vừa có Quyết định số 2842/QĐ-UBND về việc phê duyệt kết quả kiểm tra của Đoàn kiểm tra liên ngành năm 2022 về việc kiểm tra các dự án đầu tư trên địa bàn Tỉnh (đợt 2).

Theo đó, UBND tỉnh Nghệ An quyết định chấm dứt hoạt động, hủy bỏ các văn bản pháp lý có liên quan đối với Dự án Trường mầm non quốc tế Kids House (tại phường Quán Bàu, TP. Vinh) do Công ty TNHH Đầu tư giáo dục và giải trí Tuổi Thơ làm chủ đầu tư; Dự án Mở rộng Nhà máy cấu kiện bê tông đúc sẵn và các sản phẩm bê tông dự ứng lực (tại xã Nam Giang, huyện Nam Đàn) do Công ty TNHH Hòa Hiệp làm chủ đầu tư.

Dự án Cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng (tại xã Diễn Phúc, huyện Diễn Châu) do Công ty CP Đầu tư dịch vụ & thương mại Hân Châu làm chủ đầu tư; Dự án Khu nhà hàng, khách sạn (tại xã Đông Hiếu, thị xã Thái Hòa) do Công ty TNHH Phú Hà An làm chủ đầu tư.

Dự án Nhà máy sản xuất và chế biến quặng vàng gốc (tại xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu) do Công ty CP Tập đoàn khoáng sản Á Cường và Công ty CP Đô Linh làm chủ đầu tư; Dự án Đầu tư thí điểm trạm xử lý rác thải sinh hoạt quy mô nhỏ (tại xã Châu Hội, huyện Quỳ Châu) do Công ty CP Tập đoàn công nghệ T-tech Việt Nam làm chủ đầu tư; Dự án Nhà máy sản xuất ngói lợp (tại Cụm công nghiệp Thượng Sơn, huyện Đô Lương) do Công ty TNHH An Trạch Sơn làm chủ đầu tư.

Tỉnh Nghệ An quyết định chấm dứt hoạt động của các dự án trên là do các dự án này chậm tiến độ, đến nay nhà đầu tư chưa thực hiện ký quỹ đảm bảo thực hiện dự án, chưa hoàn thành các thủ tục tiếp theo để triển khai thực hiện dự án.

Bắt cựu Thiếu tá công an ở Trà Vinh từ vụ dùng giấy tờ giả đăng ký xe Lexus

Với chức vụ là cán bộ công an huyện ở Trà Vinh, Phạm Hải Triều đã nhận tiền để giúp làm thủ tục đăng ký 66 phương tiện mang giấy tờ giả.

Bắt cựu Thiếu tá công an ở Trà Vinh từ vụ dùng giấy tờ giả đăng ký xe Lexus. Ảnh minh họa

Bắt cựu Thiếu tá công an ở Trà Vinh từ vụ dùng giấy tờ giả đăng ký xe Lexus. Ảnh minh họa

Ngày 14/9, Công an tỉnh Trà Vinh cho biết, cơ quan này đã bắt tạm giam Phạm Hải Triều, cựu Thiếu tá Công an huyện Trà Cú, về tội “Nhận hối lộ”.

Trước đó ngày 15/4, Đặng Công Bình (ngụ TP.HCM) đến Công an huyện Trà Cú nộp hồ sơ đăng ký mới chiếc xe ô tô đã qua sử dụng, nhãn hiệu Lexus LX570.

Công an huyện Trà Cú phát hiện giấy tờ xe Bình cung cấp là giả nên đã giữ chiếc xe, khởi tố vụ án hình sự. Vụ án sau đó được chuyển lên Công an tỉnh Trà Vinh thụ lý.

Quá trình điều tra, Bình thừa nhận đã hối lộ Thiếu tá Phạm Hải Triều 3.000.000 đồng cho mỗi lần đăng ký xe bằng giấy tờ giả. Đến thời điểm hành vi bị phát giác, Triều đã giúp Bình tìm người đứng tên đăng ký 66 chiếc xe máy.

Bình bị bắt tạm giam ngày 10/6. Ngày 11/9, Công an tỉnh Trà vinh khởi tố vụ án, khởi tố bị can vụ “Đưa, nhận hối lộ”. Ngày 13/9, Phạm Hải Triều bị bắt tạm giam.

Công an tỉnh Trà Vinh đang tiếp tục điều tra, làm rõ, xử lý vụ án.

Bắc Ninh có 16 KCN tập trung được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch phát triển

Bắc Ninh hiện có 16 khu công nghiệp (KCN) tập trung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển với tổng diện tích 6.397,68 ha. Trong đó, 12/16 KCN đã đi vào hoạt động; 15 KCN được thành lập với diện tích 5.899,22 ha; tỷ lệ lấp đầy trên diện tích đất công nghiệp cho thuê theo quy hoạch đạt gần 59%.

Bắc Ninh có 16 KCN tập trung được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch phát triển

Bắc Ninh có 16 KCN tập trung được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch phát triển

Hiện có 37 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào các KCN ở Bắc Ninh, trong đó Hàn Quốc là quốc gia có số dự án và vốn đầu tư nhiều nhất với 595 dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 13,8 tỷ USD, chiếm khoảng 64% tổng vốn đầu tư nước ngoài tại các KCN; tiếp theo là Nhật Bản với 79 dự án với số vốn 1,34 tỷ USD...

Các KCN tại Bắc Ninh hiện có 1.210 dự án đi vào hoạt động, tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp chiếm trên 80% giá trị sản xuất công nghiệp toàn Tỉnh. Giá trị kim ngạch xuất, nhập khẩu luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao, ổn định (trên 90% giá trị xuất khẩu toàn Tỉnh).

GRDP 6 tháng đầu năm 2023 của tỉnh Bắc Ninh ước tính tăng 14,7% - tăng cao nhất trong vòng 4 năm gần đây, đứng thứ 2 so với các tỉnh, thành phố trong cả nước về tốc độ tăng trưởng.

Các KCN tập trung hiện đang sử dụng gần 297.000 lao động, trong đó lao động địa phương là 84.366 người (28,4%), lao động nữ là 160.753 người (54,5%), lao động nước ngoài 7.297 người (2,64%). Thu nhập bình quân chung của người lao động là 8.300.000 đồng/người/tháng.

Lắp thêm 20 camera giám sát dọc Quốc lộ 20 và đèo Mimosa qua Lâm Đồng

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa thống nhất cho lắp thêm 20 camera trên các điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông dọc Quốc lộ 20 và đèo Mimosa theo đề xuất của Sở Giao thông vận tải (GTVT).

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa thống nhất cho lắp thêm 20 camera trên các điểm tiềm ẩn TNGT dọc Quốc lộ 20 và đèo Mimosa

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa thống nhất cho lắp thêm 20 camera trên các điểm tiềm ẩn TNGT dọc Quốc lộ 20 và đèo Mimosa

Ngày 14/9, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có công văn thống nhất theo báo cáo của Sở GTVT thực hiện công tác kiểm tra, xử lý khắc phục các vị trí điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông (TNGT) các tuyến quốc lộ, đường tỉnh.

UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các đơn vị liên quan báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án trình thẩm định, phê duyệt theo quy định của Luật Đầu tư công để đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) trên địa bàn.

Giao công an Tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở GTVT lập hồ sơ đối với dự án đầu tư lắp đặt bổ sung các camera giám sát trên Quốc lộ 20 và đèo Mimosa.

Sở GTVT chủ trì, phối hợp với UBND các huyện Đức Trọng, Di Linh lập hồ sơ đối với dự án đầu tư lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu điều khiển giao thông tại 7 nút giao trên tuyến Quốc lộ 20 đoạn qua huyện Đức Trọng và Di Linh.

Ông Trương Trung Thắng, Phó Giám đốc Sở GTVT Lâm Đồng cho biết, Sở GTVT đã chủ động tổ chức 5 đợt kiểm tra liên ngành để xử lý 2 vị trí điểm đen và 56 điểm tiềm ẩn TNGT các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai thực hiện khắc phục và xử lý ngay các trường hợp trên các tuyến đường.

Đồng thời, Sở GTVT đề nghị Khu Quản lý đường bộ IV báo cáo Cục Đường bộ Việt Nam có ý kiến về việc tổ chức điều khiển giao thông tại 6 nút giao trên Quốc lộ 20 bằng đèn tín hiệu tại các nút giao và xem xét khảo sát tổng thể để có phương án tổ chức giao thông hoàn chỉnh, lâu dài đối với cụm các điểm giao cắt tại đoạn Km56-300 - Km156+350 (khu vực nút giao Quốc lộ 28 với Quốc lộ 20),

Sở GTVT đề xuất UBND Tỉnh thống nhất chủ trương cho Công an tỉnh Lâm Đồng tiếp tục lắp đặt bổ sung hệ thống camera giám sát (20 chiếc) để xử lý vi phạm tốc độ và vi phạm làn đường trên các tuyến quốc lộ và các đoạn đường đèo dốc để phục vụ công tác đảm bảo ATGT như đề xuất của Phòng Cảnh sát giao thông.

Sở GTVT lập dự án đầu tư lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu điều khiển giao thông tại 6 nút giao trên tuyến Quốc lộ 20, và bố trí kinh phí (khoảng 30 tỷ đồng) để thực hiện.

Việt Nam triển khai tắt sóng 2G từ tháng 12/2023

Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông đã làm việc với các nhà mạng viễn thông, các nhà mạng cam kết sẽ thực hiện việc khoá các thiết bị chỉ dùng sóng 2G (thiết bị 2G only) từ tháng 12/2023.

Các nhà mạng sẽ thực hiện việc khoá các thiết bị chỉ dùng sóng 2G (thiết bị 2G only) từ tháng 12/2023

Các nhà mạng sẽ thực hiện việc khoá các thiết bị chỉ dùng sóng 2G (thiết bị 2G only) từ tháng 12/2023

Mạng truyền sóng 2G là công nghệ di động được phát triển ở Việt Nam từ năm 1993. Hiện tại, mạng 2G đã lạc hậu, tốc độ, tính năng kỹ thuật đều không đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân, đồng thời không theo kịp sự phát triển của các dịch vụ viễn thông.

Do đó, Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Viễn thông đã lên kế hoạch để tắt sóng 2G. Ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, Cục Viễn thông đã làm việc với các nhà mạng viễn thông tại Việt Nam. Các nhà mạng đã cam kết sẽ thực hiện việc khoá các thiết bị chỉ dùng sóng 2G (thiết bị 2G only) từ tháng 12/2023.

Theo Công văn số 4833/BTTTT-CVT (ngày 27/9/2022), Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai kế hoạch tắt sóng 2G trên toàn quốc. Với các phương tiện vận tải dùng thiết bị 2G cũ, việc chuyển sang thiết bị giám sát hành trình 4G là bắt buộc.

Thời gian qua, các nhà mạng viễn thông tại Việt Nam đã phát triển giải pháp kỹ thuật để có thể loại các thiết bị thuần 2G, 3G ra khỏi mạng. Mục tiêu của việc tắt hoàn toàn sóng 2G là để tận dụng tài nguyên tần số cho các công nghệ viễn thông hiện đại hơn, phù hợp với mục tiêu phát triển của nhà mạng và quốc gia.

Nhờ đó, hệ thống mạng 4G sẽ được cải thiện chất lượng, tối ưu chi phí vận hành và khai thác, phục vụ tốt hơn cho người dân.

Đầu năm 2023, theo thống kê của các nhà mạng, Việt Nam có hơn 26 triệu thuê bao di động 2G, chiếm 20% trong tổng số 126 triệu thuê bao di động trên toàn quốc. Đến tháng 8/2023, còn khoảng 23 triệu thuê bao di động 2G.

Để chuẩn bị cho việc tắt hoàn toàn sóng 2G tại Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông đã định hướng các nhà mạng xây dựng lộ trình, kế hoạch dừng công nghệ di động 2G, triển khai các giải pháp hỗ trợ chuyển đổi thuê bao sang sử dụng mạng di động 4G, 5G.

Mục tiêu đề ra là đến cuối năm 2023 chỉ còn dưới 5% thuê bao 2G (tương đương khoảng 6 triệu thuê bao), tiến tới tắt hoàn toàn mạng 2G vào năm 2024.

Viện Kiểm sát tối cao bắt cán bộ Chi cục Thi hành án TP. Yên Bái

Sáng 14/9, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao tiến hành khám xét phòng làm việc và chỗ ở của chấp hành viên Trần Thị Hoa (SN 1975) thuộc Chi cục Thi hành án dân sự TP. Yên Bái.

Cơ quan điều tra VKSND Tối cao thi hành lệnh bắt chấp hành viên Trần Thị Hoa

Cơ quan điều tra VKSND Tối cao thi hành lệnh bắt chấp hành viên Trần Thị Hoa

Đồng thời, thi hành lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với Trần Thị Hoa để điều tra về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Trước đó, ngày 4/5/2023, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao nhận được đơn tố cáo của ông Triệu Quốc Việt, trú tại phố Liễu Giai, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, TP. Hà Nội với nội dung: Trong quá trình thi hành quyết định của Chi cục Thi hành án dân sự TP. Yên Bái, chấp hành viên Trần Thị Hoa đã thiếu trách nhiệm trong việc kê biên, thẩm định, bán đấu giá tài sản và cưỡng chế giao tài sản không đúng, gây thiệt hại lớn về tiền và tài sản cho các bên đương sự.

Sau hơn 4 tháng điều tra, ngày 11/9/2023, Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt bị can Trần Thị Hoa.

Chuyên đề