Bản tin thời sự sáng 15/7

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là thiết kế nhà ga T3 Tân Sơn Nhất lấy ý tưởng áo dài; giá USD tự do vượt 24.300 đồng; phê duyệt báo cáo khả thi 12 dự án cao tốc Bắc - Nam; hơn 27.000 tỷ đồng khôi phục đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt…

Thiết kế nhà ga T3 Tân Sơn Nhất lấy ý tưởng áo dài

Hội đồng thẩm định đã lựa chọn kiến trúc nhà ga T3 Tân Sơn Nhất từ ý tưởng áo dài truyền thống - một trong những biểu tượng văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Thiết kế phần mái nhà ga T3

Thiết kế phần mái nhà ga T3

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV, chủ đầu tư) vừa hoàn thiện, phê duyệt thiết kế nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất, TP.HCM và đấu thầu lựa chọn nhà thầu xây lắp, chuẩn bị khởi công dự án trong quý III.

Theo chủ đầu tư, nhà ga T3 có lớp mái cong mềm mại trải dài từ ga đến vườn trung tâm của công trình phức hợp thương mại - văn phòng, gợi nhớ đến đường nét mềm mại của tà áo dài Việt Nam, biểu trưng cho sự duyên dáng, thanh lịch.

Các lớp mái lên xuống, đan xen tạo sự đa dạng trong các góc nhìn, đồng thời mang ánh sáng tự nhiên vào trong nhà ga. Điểm nhấn của ga T3 là khu phức hợp thương mại - văn phòng được thiết kế hướng đến mục tiêu kiến trúc xanh, tích hợp các yếu tố tự nhiên và cảnh quan, tạo nên môi trường thân thiện…

Theo ACV, kiến trúc nhà ga T3 đáp ứng các tiêu chuẩn sân bay theo quy định quốc tế về an toàn, tính linh hoạt, an ninh và chất lượng dịch vụ; đảm bảo di chuyển thuận tiện cho hành khách, khách tiếp cận với nhiều tiện nghi và khu mua sắm.

Nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư với tổng vốn khoảng 10.990 tỷ đồng, bằng nguồn vốn của ACV, dự kiến hoàn thành trong 37 tháng từ khi khởi công.

Công trình được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế, công suất 20 triệu hành khách một năm và các công trình phụ trợ đồng bộ, phục vụ khai thác nội địa để giảm tải cho nhà ga T1 Tân Sơn Nhất. Nhà ga T3 cũng phải phù hợp với quy hoạch và phân chia sản lượng khai thác giữa sân bay Long Thành và Tân Sơn Nhất.

Giá USD tự do vượt 24.300 đồng

Giá USD trên thị trường tự do sáng 14/7 tăng vài chục đồng, lên 24.310 đồng trong khi tỷ giá ngân hàng biến động nhẹ.

Giao dịch USD tại ngân hàng thương mại

Giao dịch USD tại ngân hàng thương mại

Sáng 14/7, các điểm thu đổi ngoại tệ trên thị trường tự do đồng loạt nâng giá mua bán đôla Mỹ. Mỗi USD hiện giao dịch quanh 24.280 - 24.310 đồng, tăng 130 đồng chiều mua và 60 đồng chiều bán so với hôm qua. Như vậy, chỉ trong vài ngày, mỗi USD trên thị trường tự do đã tăng giá khoảng 250 đồng.

Tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước sáng 14/7 công bố ở mức 23.201 đồng, tăng 3 đồng so với hôm 13/7. Với biên độ 3%, các ngân hàng thương mại được phép giao dịch USD trong vùng 22.505 - 23.897 đồng.

Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá USD/VND biến động nhẹ. Giá đôla Mỹ tại Vietcombank đi ngang so với hôm 13/7, mua vào 23.220 đồng và bán ra 23.530 đồng. Trong khi đó, giá USD tại Eximbank tăng nhẹ lên 23.270 - 23.490 đồng, Techcombank là 23.249 - 23.534 đồng. Còn Sacombank giữ nguyên chiều mua 23.271 đồng nhưng bán ra tăng mạnh 100 đồng, lên 23.826 đồng.

Phê duyệt báo cáo khả thi 12 dự án cao tốc Bắc Nam

Bộ Giao thông vận tải đã hoàn thành phê duyệt 12 dự án cao tốc Bắc - Nam sau 6 tháng nghiên cứu, chuyển sang giai đoạn thực hiện.

Công trường thi công cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt

Công trường thi công cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt

Theo đại diện Bộ Giao thông vận tải, thời gian chuẩn bị đầu tư lần này đã rút ngắn một nửa so với các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020. Để có kết quả này, ngay sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, Bộ đã nhanh chóng chọn nhà thầu tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm tra và khảo sát thiết kế, lập báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án.

Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư ngày 11/1, gồm các đoạn Hà Tĩnh - Quảng Trị (267 km), Quảng Ngãi - Nha Trang (353 km) và Cần Thơ - Cà Mau (109 km). Dự án đi qua địa phận 12 tỉnh, thành, chia làm 12 dự án độc lập với tổng vốn 146.990 tỷ đồng.

Hiện nay, Ban quản lý dự án đã bàn giao cho các tỉnh hồ sơ, cắm cọc toàn bộ để địa phương có cơ sở ra quyết định thu hồi đất. Hồ sơ mỏ vật liệu xây dựng, bãi đổ thải đã được thống nhất; Ban Chỉ đạo, Hội đồng giải phóng mặt bằng cũng được thành lập.

Bộ Giao thông vận tải đã trình Chính phủ phê duyệt khung chính sách đền bù, hỗ trợ tái định cư với 6 dự án. 12 dự án được đánh giá tác động môi trường; 4 dự án được thẩm duyệt phương án phòng cháy chữa cháy cho công trình hầm.

Theo kế hoạch, 12 dự án sẽ được lập thiết kế kỹ thuật các gói thầu xây lắp và triển khai các công việc liên quan, khởi công trước 31/12. Các địa phương đang thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, phấn đấu bàn giao 70% diện tích các gói thầu được chọn khởi công trước 20/11.

Hơn 27.000 tỷ đồng khôi phục đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt

Tuyến đường sắt dài gần 84 km nối Phan Rang - Đà Lạt sẽ được khôi phục với tổng vốn gần 28.000 tỷ đồng, góp phần phát triển kinh tế, du lịch vùng.

Nhà ga Đà Lạt hoàn thành năm 1938, điểm cuối cùng của tuyến đường sắt răng cưa, đã được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia

Nhà ga Đà Lạt hoàn thành năm 1938, điểm cuối cùng của tuyến đường sắt răng cưa, đã được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông vừa cùng đoàn công tác đã làm việc với UBND tỉnh Ninh Thuận về Dự án khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt theo hình thức đối tác công - tư (PPP).

Trước đó, Bộ Giao thông vận tải chấp thuận Công ty CP Thương mại - Dịch vụ khách sạn Bạch Đằng lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án khôi phục tuyến đường đặc biệt này.

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 27.000 tỷ đồng; chiều dài khôi phục toàn tuyến khoảng 83,5 km. Trong đó, có 17 nhà ga và trạm khách, 64 cầu, 5 hầm chui và 16 km đường sắt răng cưa.

Dự kiến, chủ đầu tư sẽ thực hiện xong tiến độ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, nghiên cứu tiền khả thi, chấp thuận chủ trương vào năm 2024; triển khai thi công, đưa vào vận hành, thương mại năm 2030.

Tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm - Đà Lạt được Pháp xây dựng năm 1908, đến năm 1932 hoàn thành. Toàn tuyến có 12 nhà ga, 5 hầm chui, tổng chiều dài 1.090 m; đặc biệt có hai đoạn răng cưa dài gần 14 km để vượt đèo.

Đây là tuyến đường sắt răng cưa dài và độc đáo, không chỉ ở Việt Nam mà của cả thế giới. Từ năm 1968, chiến tranh khốc liệt, tuyến đường sắt bị dừng khai thác do không đảm bảo an toàn.

Đà Nẵng miễn học phí cho trẻ mầm non, phổ thông năm học 2022-2023

Trẻ mầm non, học sinh các trường phổ thông năm học 2022 - 2023 được miễn 100% học phí.

Học sinh Trường mầm non Bình Minh Đà Nẵng trong tiết học ngoại khóa tập làm chiến sĩ

Học sinh Trường mầm non Bình Minh Đà Nẵng trong tiết học ngoại khóa tập làm chiến sĩ

Nghị quyết về việc hỗ trợ học phí 9 tháng năm học 2022 - 2023, áp dụng với trẻ em mầm non, học sinh các trường phổ thông công lập và ngoài công lập đã được HĐND TP. Đà Nẵng thông qua tại Kỳ họp thứ 7, chiều 14/7.

Đây là năm học thứ hai (trước đó là năm học 2021 - 2022), Đà Nẵng miễn 100% học phí cho trẻ mầm non và học sinh phổ thông (không áp dụng với trẻ mầm non và học sinh phổ thông của các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài), do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Những học sinh được giảm học phí theo các chính sách của Trung ương và Thành phố được cấp bù phần hỗ trợ cho bằng 100% mức thu học phí công lập năm học 2022 - 2023 (không áp dụng hỗ trợ cho trẻ mầm non, học sinh các trường phổ thông được miễn học phí theo chính sách của Trung ương).

Theo ông Lương Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng, nếu tính theo mức học phí cũ với trẻ mầm non và học sinh phổ thông, thì bình quân mỗi năm Thành phố hỗ trợ khoảng 92 tỷ đồng. Nhưng nếu theo mức mới của Nghị định 81, số tiền hỗ trợ bình quân là 450 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần.

Mở rộng Quốc lộ 31 qua Bắc Giang

Quốc lộ 31 đoạn qua vùng vải Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, dài 39 km được khởi công nâng cấp, mở rộng với hơn 860 tỷ đồng vốn ngân sách, vào sáng ngày 14/7.

Công trường thi công mở rộng Quốc lộ 31

Công trường thi công mở rộng Quốc lộ 31

Đoạn đường cải tạo kéo dài từ TP. Bắc Giang đến thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn; từ quy mô đường cấp 4 thành cấp 3 đồng bằng, nền đường rộng 12 m. Đường có quy mô hai làn xe cơ giới, tốc độ thiết kế 80 km/h. Trên tuyến sẽ xây mới 10 cầu và mở rộng hai cầu. Các hạng mục thoát nước, công trình phòng hộ, hệ thống an toàn giao thông được đầu tư đồng bộ.

Theo Thứ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Duy Lâm, tuyến đường sau cải tạo sẽ giúp phương tiện lưu thông thuận tiện, kết nối các huyện phía Đông với trung tâm TP. Bắc Giang, tháo gỡ khó khăn khi vận chuyển tiêu thụ quả vải và nông sản, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của Tỉnh. Ông Lâm yêu cầu, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, nhà thầu huy động đủ máy móc, rút ngắn thời gian triển khai Dự án, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực.

Quốc lộ 31 dài 154 km, nối Bắc Giang với Lạng Sơn, đoạn qua Bắc Giang dài 100 km. Đây là tuyến huyết mạch thúc đẩy giao thương, phát triển kinh tế các huyện Lạng Giang, Lục Nam, Lục Ngạn.

Chuyên đề