Quốc hội sẽ bầu lãnh đạo cấp cao tại kỳ họp thứ nhất vào tháng 7
Kỳ họp thứ 1, Quốc hội khóa XV dự kiến họp phiên trù bị vào chiều 19/7; khai mạc vào ngày 20/7, bế mạc vào sáng 3/8/2021 và làm việc trong 11,5 ngày, trong đó dành 5 ngày cho công tác nhân sự.
Quốc hội sẽ bầu lãnh đạo cấp cao tại kỳ họp thứ nhất vào tháng 7 |
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Kỳ họp thứ 1, Quốc hội khóa XV sẽ bầu, phê chuẩn nhân sự cấp cao, gồm Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng; các Phó chủ tịch Quốc hội, Phó chủ tịch nước, Phó thủ tướng, thành viên Chính phủ, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm các Ủy ban...
Theo Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, ngoài công tác nhân sự, Quốc hội sẽ xem xét một số nội dung khác trong 6 ngày, dành nửa ngày dự phòng. Với đặc thù của nội dung kỳ họp, Quốc hội cần họp tập trung tại Nhà Quốc hội.
Trước đó, tháng 4/2021, tại kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIV, các đại biểu đã kiện toàn 25 chức danh lãnh đạo Nhà nước, với lý do sau Đại hội XIII một số cán bộ không tham gia Trung ương khóa mới hoặc có tham gia song được cơ cấu giữ cương vị khác.
Đề xuất TP.HCM giãn cách xã hội thêm 14 ngày từ ngày 15/6
TP.HCM kể cả quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (Quận 12) tiếp tục giãn cách xã hội 14 ngày theo Chỉ thị 15 từ ngày 15/6, theo đề xuất Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh.
Khu vực trước Nhà hát lớn TP.HCM vắng vẻ thời điểm giãn cách xã hội |
Đề xuất này được Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh đưa ra trong bối cảnh Thành phố đã ghi nhận 819 ca nhiễm - xếp thứ ba cả nước và trải qua 15 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15.
Theo Sở Y tế, việc áp dụng biện pháp này là do mầm bệnh vẫn âm thầm trong cộng đồng, gỡ bỏ giãn cách sẽ tạo điều kiện cho mầm bệnh tiếp tục có cơ hội để phát tán và lây lan. Thời gian 2 tuần bằng với thời kỳ ủ bệnh, sẽ hạn chế khả năng lây nhiễm SARS-CoV-2.
Chỉ thị 15 yêu cầu "không tụ tập 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách tối thiểu 2m trong giao tiếp; dừng các dịch vụ không cần thiết; chỉ các dịch vụ hàng hoá, thiết yếu được mở cửa...".
Hiện, các chuỗi lây nhiễm liên quan ổ dịch tại điểm sinh hoạt của Hội thánh truyền giáo Phục hưng đã được kiểm soát. Tuy nhiên, Thành phố xuất hiện một số chuỗi lây nhiễm mới sau khi phát hiện nhiều ca dương tính qua khám sàng lọc ở các bệnh viện.
Trong đó, có chuỗi lây nhiễm tại bệnh viện điều trị Covid-19 - Bệnh viện Bệnh nhiệt đới vừa được phát hiện hôm 11/6 và đến nay đã ghi nhận 53 ca nhiễm. Ngoài ra, một số ổ dịch khác chưa rõ nguồn lây ở: Củ Chi - xưởng cơ khí Hóc Môn; chung cư Ehome, đường Hồ Học Lãm, quận Bình Tân; đường số 11, phường Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức; ấp Tân Thới 2, huyện Hóc Môn.
Hệ thống giao dịch HoSE mới sẵn sàng vận hành từ 28/6
Chủ tịch Công ty Hệ thống thông tin FPT (FPT IS) Dương Dũng Triều cho biết, hệ thống khớp lệnh được nhà đầu tư chờ đợi đã hoàn thành 80%, cuối tháng này có thể HoSE vận hành hệ thống mới trơn tru.
Hệ thống giao dịch HoSE mới sẵn sàng vận hành từ 28/6 |
Theo ông Dương Dũng Triều, dự kiến việc chuyển đổi được thử nghiệm trong ba cuối tuần của tháng này để ngày 28/6 hệ thống mới sẵn sàng chờ lệnh vận hành từ Bộ Tài chính và Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước. Hệ thống có công suất xử lý 3 - 5 triệu lệnh một ngày, tức gấp ít nhất 3 lần hiện tại và bỏ cơ chế phân bổ cho các công ty chứng khoán để tránh nghẽn cục bộ.
FPT xây dựng hệ thống với kế hoạch 100 ngày, chia làm 5 giai đoạn gồm khảo sát, phát triển hệ thống, HoSE kiểm tra tính đúng đắn, kiểm thử diện hẹp tại 24 công ty chứng khoán hàng đầu và mở ra kiểm thử diện rộng tại 73 thành viên toàn thị trường.
Công việc còn lại là xử lý thêm những yêu cầu đặc biệt hơn về hiệu năng hệ thống, an toàn bảo mật, lên kịch bản đóng hệ thống cũ để chuyển sang hệ thống mới thông suốt. Việc xây dựng cơ chế vận hành cũng đang được thực hiện song song để có quy trình tiếp nhận, phân loại và xử lý trong trường hợp gặp sự cố.
FPT IS được giao vận hành hệ thống này một năm trong thời gian chờ Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc (KRX) hoàn thiện hệ thống mới. Sau thời gian này, FPT IS vẫn tiếp tục tư vấn để HoSE vận hành hệ thống mới trơn tru, không bị lệ thuộc vào công nghệ nước ngoài và sẵn sàng mở rộng năng lực xử lý lên đến 10 triệu lệnh một ngày.
Hơn 500 tàu du lịch Hạ Long “kêu cứu” Thủ tướng vì nguy cơ phá sản
Đại diện các doanh nghiệp sở hữu hơn 500 tàu du lịch vịnh Hạ Long đã gửi văn bản tới Thủ tướng xin hỗ trợ về thuế, bảo hiểm xã hội, lãi vay... để vượt qua khó khăn vì dịch bệnh.
Dù được mở cửa hoạt động trở lại, tàu tham quan vịnh Hạ Long trong 2 ngày cuối tuần vẫn trong tình trạng vắng vẻ không bóng khách |
Theo đại diện Chi hội tàu du lịch Hạ Long (Quảng Ninh), các doanh nghiệp sở hữu hơn 500 tàu du lịch của tỉnh này đã gửi đơn tới Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Trong văn bản, đại diện các đơn vị này trình bày khó khăn do nhiều lần đóng cửa từ năm ngoái đến nay, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã làm cho việc kinh doanh của các doanh nghiệp trở nên khó khăn, dẫn đến nguy cơ phá sản.
Chi hội tàu du lịch Hạ Long cho biết, hơn một năm qua, phần lớn 500 tàu du lịch trên vịnh Hạ Long phải nằm bờ vì "đói" khách, ảnh hưởng đến thu nhập của hàng nghìn người lao động. Không những vậy, hàng tháng các chủ tàu vẫn phải trả các chi phí khác như tiền lương, bảo hiểm xã hội, đặc biệt là tiền vay ngân hàng. Hiện vốn vay chiếm đến 70% vốn đầu tư cho các dự án.
Theo đó, đại diện các doanh nghiệp đưa ra nhiều phương án xin hỗ trợ tài chính, như giãn tiến độ trả nợ gốc và lãi vay đối với các dự án vay đóng tàu du lịch. Thời gian đề xuất giãn từ 10 - 15 năm kể từ ngày Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hoặc Thủ tướng công bố hết dịch.
Đồng thời, Chi hội tàu du lịch Hạ Long cũng đề xuất được hỗ trợ cho vay vốn lưu động đối với các doanh nghiệp. Một khoản vốn lưu động thực sự có ý nghĩa giúp doanh nghiệp khởi động lại hoạt động kinh doanh thuận lợi.
Ngoài ra, đại diện hơn 500 tàu du lịch cũng đề xuất với Chính phủ và các cơ quan chức năng có chính sách ân hạn nợ thuế, nợ bảo hiểm xã hội từ 1 - 5 năm sau thời gian chấm dứt dịch bệnh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có nguồn thu để đóng thuế và hồi phục, phát triển.
TP.HCM huỷ đề thi lớp 10 vì giãn cách xã hội thêm hai tuần
Theo kế hoạch ban đầu, kỳ thi vào lớp 10 sẽ tổ chức vào ngày 2/6 và 3/6, nhưng trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Sở GD&ĐT đã quyết định tạm hoãn theo chỉ đạo của UBND TP.HCM và dự kiến tổ chức trước 25/6. Tuy nhiên, kế hoạch này có thể phải thay đổi bởi TP.HCM lại tiếp tục thực hiện giãn cách thêm 2 tuần nữa.
TP.HCM chưa thể chốt lịch thi lớp 10 vì giãn cách xã hội thêm hai tuần |
Theo Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM Nguyễn Trí Dũng, hiện toàn Thành phố có hơn 7.000 cơ sở giáo dục. Các cơ sở này đã thành lập được 9.311 tổ phòng chống Covid-19 tại các đơn vị trường học để chủ động thực hiện công tác theo dõi, giám sát về công tác phòng chống dich theo chỉ đạo chung.
Ngoài ra, theo ông Dũng, hiện nay, TP.HCM có 702 học sinh trong các khu phong toả, cách ly. Trong đó, có 6 em diện F0, 48 em F1 và 218 em F2. Giáo viên có 7 F0, 133 F1, 594 F2 và có 387 giáo viên trong các điểm phong toả, cách ly. Trong đó, riêng ở khối lớp 9 có đến 108 em trong khu phong tỏa, cách ly.
Lãnh đạo ngành giáo dục Thành phố cho biết, theo kế hoạch ban đầu, kỳ thi vào lớp 10 sẽ tổ chức vào hai ngày 2/6 và 3/6, nhưng trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Sở GD&ĐT đã quyết định đã tạm hoãn theo chỉ đạo của UBND TP.HCM và dự kiến tổ chức trước 25/6 vì để không trùng với thời gian của kỳ thi THPT (diễn ra ngày 7, 8, 9/7).
Ông Dũng cho biết thêm, kế hoạch dự kiến là kỳ thi lớp 10 sẽ tổ chức vào hai ngày 21/6 và 22/6. Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh hiện nay, kỳ thi dự kiến sẽ rất khó tổ chức trước 25/6. Vì vậy, Sở đã tiến hành huỷ toàn bộ nội dung đề thi và giải phóng hội đồng sao y đề thi để chuẩn bị lại.
Bộ Công an điều tra cuộc tấn công mạng nhằm vào báo điện tử VOV
Trang web và fanpage của báo điện tử VOV bị tấn công bằng từ chối dịch vụ (DDoS) khiến băng thông truy cập quá tải. Cơ quan này đã đề nghị Bộ Công an vào cuộc điều tra.
Thời điểm diễn ra tấn công mạng, độc giả không thể truy cập vào trang web của báo VOV |
Báo điện tử VOV đã gửi công văn đề nghị Bộ Công an điều tra làm rõ các cuộc tấn công mạng nhằm vào trang báo điện tử VOV và nền tảng mạng xã hội của cơ quan này.
Theo một lãnh đạo Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công an), cơ quan này đã nhận được công văn của VOV. Hiện nay, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao cùng một số đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an đã vào cuộc điều tra làm rõ.
Ngoài ra, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng (VNCERT) cùng các nhà mạng cũng tham gia hỗ trợ, giải quyết sự cố.
Đại diện bộ phận kỹ thuật của VOV cho biết, các cuộc tấn công mạng nhằm vào hệ thống tài nguyên của cơ quan này bắt đầu diễn ra từ ngày 12/6. Đến khoảng 13h ngày 13/6, hệ thống băng thông bị quá tải, nghi bị tấn công từ chối dịch vụ (DDoS).
Sáng 14/6, quản trị viên tiếp tục ghi nhận đợt tấn công mới khiến băng thông của hệ thống và website bị truy cập quá tải. Đây là lần đầu tiên tờ báo này bị tấn công bằng hình thức DDoS.
Ngoài các hình thức tấn công trên, phía VOV còn cho rằng người đứng sau các cuộc tấn công còn hạ tín nhiệm sao của báo điện tử VOV trên Google hay liên tục bình luận phản cảm, đe dọa trên fanpage của Báo.
Cầu Thủ Thiêm 2 tái khởi động sau thời gian dài "treo cẩu" giữa lòng sông
Cầu Thủ Thiêm 2 đang tăng tốc thi công về đích sau thời gian dài "treo cẩu" giữa lòng sông.
Cầu Thủ Thiêm 2 tái khởi động sau thời gian dài "treo cẩu" giữa lòng sông |
Theo Công ty CP Đầu tư địa ốc Đại Quang Minh (chủ đầu tư), Dự án cầu Thủ Thiêm 2 đã tiếp tục thi công. Trong tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp tại TP.HCM, các đơn vị thi công vừa phải đảm bảo chống dịch hiệu quả trên công trường, vừa đảm bảo tiến độ Dự án.
Hiện nay, các hoạt động trên công trường đảm bảo tuân thủ theo Chỉ thị 15 của Chính phủ cũng như các thông báo của UBND Thành phố về công tác phòng chống Covid-19 như: kiểm soát nhân sự ra vào công trường, hạn chế tối đa các nhân sự không thật sự cần thiết, tổ chức trao đổi công việc online, các công nhân ngoài công tác bảo hộ đều được trang bị khẩu trang…
Thời điểm hiện tại, công trường đã huy động khoảng hơn 20 kỹ sư và 120 công nhân để triển khai thi công các hạng mục cầu chính, cầu dẫn và đường dẫn Quận 1.
Cầu Thủ Thiêm 2 đã hoàn thành hơn 70% khối lượng, dự kiến sẽ hoàn thành hợp long cầu chính vào tháng 9 tới và hoàn thành Dự án vào Quý II/2022.