Bản tin thời sự sáng 15/12

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là giá USD xuống thấp nhất ba tháng; nhà, đất của Phan Văn Anh Vũ được đấu giá khởi điểm hơn 17 tỷ đồng; rà soát tính pháp lý loạt dự án điện mặt trời nghìn tỷ ở Ninh Thuận; lượng kiều hối về TP.HCM dự báo đạt 6,8 tỷ USD; động đất có độ lớn 3.9 tại Đà Bắc, Hoà Bình…

Giá USD xuống thấp nhất ba tháng

USD trong ngân hàng sáng 14/12 giảm mạnh 100 đồng về vùng thấp nhất ba tháng qua, giá chợ đen cũng lùi về vùng 24.000 đồng.

USD trong ngân hàng sáng 14/12 giảm mạnh về vùng thấp nhất ba tháng qua

USD trong ngân hàng sáng 14/12 giảm mạnh về vùng thấp nhất ba tháng qua

Sáng 14/12, các ngân hàng đồng loạt điều chỉnh mạnh giá mua bán USD. Tại Vietcombank, giá USD giảm mạnh 100 đồng cả hai chiều xuống 23.340 - 23.650 đồng. Eximbank yết tỷ giá là 23.360 - 23.680 đồng, cũng giảm khoảng 100 đồng cả hai chiều. Tại ACB, giá USD cũng giảm tương tự về 23.300 - 23,640 đồng.

Như vậy trong vòng một tháng, mỗi USD trong ngân hàng đã giảm 1.200 - 1.300 đồng, tương đương mức giảm 5 - 5,5% về vùng thấp nhất ba tháng. Đồng USD hạ nhiệt trong tháng qua giúp tỷ giá USD/VND chỉ còn tăng khoảng 3,2% so với đầu năm.

Đà giảm của USD trên thị trường tự do cũng tương đồng với tỷ giá ngân hàng, khi đã hạ 5% trong tháng. Sáng 14/12, giá USD chợ đen giao dịch ở mức 24.000 - 24.150 đồng, thấp hơn 150 đồng chiều mua và 80 đồng chiều bán so với ngày 13/12.

Sau những tín hiệu cho thấy lạm phát của Mỹ hạ nhiệt và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm tốc nâng lãi suất, chỉ số USD Index - thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh hiện lùi về vùng 104 điểm, mức thấp nhất ba tháng qua.

Đồng USD hạ nhiệt khiến Ngân hàng Nhà nước trong hơn một tháng qua đã 4 lần hạ giá bán đồng tiền này cho các ngân hàng thương mại (với bước giá 10 đồng mỗi lần) về mức 24.830 đồng.

Nhà, đất của Phan Văn Anh Vũ được đấu giá khởi điểm hơn 17 tỷ đồng

Sau khi thẩm định lại, Cục Thi hành án dân sự Đà Nẵng đã quyết định đấu giá tài sản nhà, đất từng thuộc sở hữu của Vũ "Nhôm" với giá khởi điểm hơn 17,3 tỷ đồng.

Nhà và đất tại 49 và 51 Nguyễn Thái Học từng thuộc sở hữu của Vũ "Nhôm" vẫn chưa ai mua

Nhà và đất tại 49 và 51 Nguyễn Thái Học từng thuộc sở hữu của Vũ "Nhôm" vẫn chưa ai mua

Cục Thi hành án dân sự Đà Nẵng vừa thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản đối với nhà và đất tại thửa đất 105, tờ bản đồ 20, tại địa chỉ 31 Phạm Hồng Thái (quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng). Người đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là ông Phan Văn Anh Vũ - tức Vũ "Nhôm".

Thửa đất đấu giá có diện tích 129,3 m2 là đất ở đô thị có thời gian sử dụng lâu dài. Tài sản trên đất là nhà 3 tầng cùng 1 tầng lửng với tổng diện tích sử dụng hơn 463,56 m2. Giá khởi điểm đối với tài sản nhà, đất tại số 31 Phạm Hồng Thái là hơn 17,3 tỷ đồng.

Trước đó, cuối tháng 10, cơ quan này cũng đã thông báo đấu giá tài sản trên với giá khởi điểm 16,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra, xem xét lại hồ sơ vụ việc, nhận thấy chứng thư thẩm định giá chưa đảm bảo, cần xem xét thẩm định lại nên Cục Thi hành án dân sự Đà Nẵng đã thu hồi thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản.

Tài sản, nhà đất tại 31 Phạm Hồng Thái nằm trong số 28 bất động sản liên quan đến vụ án Vũ "Nhôm" và cựu quan chức Đà Nẵng đã được TAND các cấp tuyên và có bản án.

Nhà và đất tại 49 và 51 Nguyễn Thái Học (quận Hải Châu) của Vũ "Nhôm" cũng đã được nhà chức trách thông báo bán đấu giá với giá khởi điểm lần lượt 29 tỷ đồng và 35 tỷ đồng. Tuy nhiên, qua 5 lần thông báo đấu giá, điều chỉnh giá bán 2 tài sản nhà, đất này vẫn chưa có cá nhân, tổ chức mua lại.

Rà soát tính pháp lý loạt dự án điện mặt trời nghìn tỷ ở Ninh Thuận

Kiểm toán Nhà nước vừa công bố các vi phạm trong việc việc giao đất, quy hoạch sử dụng đất tại một số dự án điện mặt trời ngàn tỷ. Đến nay, địa phương đang rà soát toàn bộ quy trình cấp hồ sơ pháp lý đối với các dự án này.

Dự án nhà máy điện mặt trời Thuận Nam 19 bị Kiểm toán Nhà nước "tuýt còi".

Dự án nhà máy điện mặt trời Thuận Nam 19 bị Kiểm toán Nhà nước "tuýt còi".

Ngày 14/12, Sở Công thương tỉnh Ninh Thuận cho biết đang rà soát thủ tục pháp lý các dự án năng lượng mặt trời trên địa bàn sau khi Kiểm toán Nhà nước công bố các vi phạm trong việc việc giao đất, quy hoạch sử dụng đất…

Qua kiểm tra, Kiểm toán Nhà nước phát hiện vào năm 2017, Bộ Công Thương phê duyệt quy mô công suất của Dự án nhà máy điện mặt trời (ĐMT) Thuận Nam 19 vào Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2011 - 2015 là 49 MW (thay vì 49 MWp). Việc này làm tăng quy mô công suất của Dự án lên 25% so với đề xuất tại Văn bản số 3759 năm 2017 của UBND tỉnh Ninh Thuận.

Chưa hết, Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung quy hoạch, theo đó xác định diện tích đất thực hiện Dự án nhà ĐMT trời Phước Ninh có diện tích đất là 68,5 ha, công suất 45 MWp, vượt 14,5 ha theo quy định.

Có một số dự án được Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch có ranh giới trùng với một số quy hoạch khác trên địa bàn Tỉnh. Cụ thể, ranh giới quy hoạch của Dự án nhà máy ĐMT Phước Hữu - Điện lực 1 được Bộ Công Thương phê duyệt trùng với ranh giới mỏ vật liệu san lấp có số hiệu 79A tại xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận.

Dự án nhà máy ĐMT Adani Phước Minh có một phần ranh giới của dự án theo đề xuất của nhà đầu tư trùng với ranh giới Dự án ĐMT BIM2; nhà máy ĐMT Thuận Nam Đức Long có một phần diện tích khoảng 16,5 ha nằm trong khu quy hoạch vùng tưới của hồ Đá Đen.

Lượng kiều hối về TP.HCM dự báo đạt 6,8 tỷ USD

Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, lượng kiều hối đổ về Thành phố năm 2022 dự báo đạt khoảng 6,8 tỷ USD - thấp hơn năm ngoái nhưng vẫn là mức tốt.

Lượng kiều hối về TP.HCM năm 2022 dự báo đạt 6,8 tỷ USD

Lượng kiều hối về TP.HCM năm 2022 dự báo đạt 6,8 tỷ USD

Trong bối cảnh nhiều nền kinh tế trên thế giới, cùng với diễn biến phức tạp về địa chính trị tại một số khu vực, lượng kiều hối chảy về TP.HCM vẫn tiếp tục tăng trưởng khá tích cực.

Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, lượng kiều hối đổ về Thành phố năm nay dự báo đạt khoảng 6,8 tỷ USD.

Lượng kiều hối dự kiến sẽ tăng mạnh trong tháng cuối năm và trong dịp Tết Nguyên đán. Dù chưa có thống kê cụ thể, tuy nhiên có thể thấy rõ một phần lớn kiều hối của bà con Việt kiều gửi về để hỗ trợ người thân; đồng thời một phần cũng chảy vào các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trong nước.

Đây được xem là nguồn lực vàng trong bối cảnh thanh khoản thị trường kém sôi động. Lượng kiều hối không chỉ góp phần hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế Thành phố, mà còn là nguồn cung giúp ổn định nguồn ngoại tệ trên địa bàn nói riêng và cả nước nói chung.

Trong những năm qua, TP.HCM luôn là địa phương dẫn đầu cả nước về lượng kiều hối nhận được. Năm 2021, lượng kiều hối chảy về Thành phố đạt khoảng 6,5-6,6 tỷ USD, tăng 9% so với năm trước đó, bất chấp đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Trong khi đó, tính chung cả nước, lượng kiều hối về đạt khoảng 12,5 tỷ USD.

Khởi công đường gần 1.500 tỷ đồng dọc biển Kiên Giang

Tuyến đường ven biển Tây từ huyện Hòn Đất nối Kiên Lương dài 40 km, kinh phí 1.480 tỷ đồng, khởi công sáng ngày 14/12.

Hướng tuyến đường ven biển Kiên Giang

Hướng tuyến đường ven biển Kiên Giang

Theo Sở Giao thông vận tải Kiên Giang, đường rộng 12 m, vận tốc thiết kế 80 km/h; trên tuyến xây mới 34 cầu bêtông cùng hệ thống chiếu sáng, thoát nước... Công trình sử dụng ngân sách Trung ương, thời gian thi công dự kiến 800 ngày.

Dự án nằm trong 231 km tuyến đường ven biển Tây của tỉnh Kiên Giang từ huyện An Minh đến cửa khẩu quốc tế Hà Tiên. Hiện, Kiên Giang đã hoàn thành đoạn từ cửa khẩu quốc tế Hà Tiên đến Hòn Trẹm (huyện Kiên Lương); đang thực hiện ba đoạn: Châu Thành - Rạch Giá, Rạch Giá - Hòn Đất và Hòn Đất - Kiên Lương. Toàn tuyến biển Tây sẽ được khép kín sau khi đoạn An Biên - An Minh triển khai. Kiên Giang đang xúc tiến vay vốn ODA để thực hiện đoạn này.

Theo UBND Kiên Giang, đường ven biển Tây có vai trò quan trọng nhằm kết nối giao thông hành lang ven biển, hình thành không gian phát triển mới nối TP. Rạch Giá với TP. Hà Tiên, giảm áp lực giao thông cho Quốc lộ 80 đang quá tải, xuống cấp.

Động đất có độ lớn 3.9 tại Đà Bắc, Hoà Bình

Vào lúc 15h08 ngày 14/12, một trận động đất có độ lớn 3.9 xảy ra tại khu vực huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình.

Động đất xảy ra tại khu vực huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình.

Động đất xảy ra tại khu vực huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình.

Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu, Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam vừa phát đi cảnh báo, vào lúc 15h08 ngày 14/12, một trận động đất có độ lớn 3.9 đã được hệ thống của Trung tâm ghi nhận tại vị trí có tọa độ (20.861 độ vĩ Bắc, 105.112 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 12 km.

Động đất xảy ra tại khu vực huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0.

Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu cũng cho biết vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.

Chủ đầu tư dự án nhà ở tại TP.HCM tự ý phân lô 14 nền đất

Tự phân lô thêm 14 nền đất, tăng diện tích đất ở, bán đất nền không đúng đối tượng… là các sai phạm của Sở Văn hoá và Thể thao tại Dự án Khu nhà ở cán bộ, công nhân viên.

Dự án Khu nhà ở cán bộ, công nhân viên của Sở Văn hoá và Thể thao TP.HCM có nhiều sai phạm.

Dự án Khu nhà ở cán bộ, công nhân viên của Sở Văn hoá và Thể thao TP.HCM có nhiều sai phạm.

Thanh tra TP.HCM vừa có kết luận thanh tra toàn diện Dự án Khu nhà ở cán bộ, công nhân viên của Sở Văn hoá và Thể thao Thành phố tại phường Phú Hữu, Quận 9 (nay là TP.Thủ Đức).

Thời kỳ thanh tra từ lúc Sở Văn hoá và Thể thao được giao đất để thực hiện Dự án cho đến nay. Dự án này được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2001, diện tích 20 ha và phân lô bán nền cho 793 hộ là cán bộ, công nhân viên của Sở Văn hoá và Thể thao.

Hiện Dự án đang có 27 công trình nhà ở (chiếm khoảng 0,03% diện tích đất ở), còn lại là đất trống chưa xây dựng.

Theo Thanh tra TP.HCM, việc thực hiện dự án nói trên có hàng loạt vi phạm, như: Pháp lý triển khai dự án; việc giao đất; quy hoạch; quản lý điều hành dự án; công tác bồi thường hỗ trợ, tái định cư; phân phối, bàn giao nền và cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ); tự ý phân thêm 14 nền đất khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép; xác định phần diện tích đất công có sự chênh lệch lớn với cơ quan chức năng; tăng thêm diện tích đất ở tại dự án khi chưa có ý kiến của cơ quan chuyên môn, dẫn đến chưa xác định được nghĩa vụ tài chính bổ sung.

Thanh tra TP.HCM xác định, Sở Văn hoá và Thể thao cùng các sở, ngành liên quan có nhiều sai phạm về công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất tại Dự án.

Theo Thanh tra TP.HCM, trách nhiệm khi để xảy ra các sai phạm, thiếu sót tại dự án nói trên thuộc Sở Văn hoá và Thể thao, UBND TP.Thủ Đức (Quận 9 cũ), Sở TN&MT, Sở GTVT và đơn vị, cá nhân có liên quan thời kỳ phát sinh vụ việc.

Đề xuất bán sung công tàu sắt dạt vào Quảng Trị

Biên phòng Quảng Trị đề xuất bán sung công quỹ tàu sắt dạt vào biển Triệu Phong nếu không có chủ sở hữu, ước tính giá trị tàu 3 tỷ đồng.

Con tàu sắt dạt vào bờ biển Quảng Trị

Con tàu sắt dạt vào bờ biển Quảng Trị

Ngày 14/12, Biên phòng Quảng Trị gửi UBND Tỉnh đề xuất phương án xử lý tàu sắt không người dạt vào bờ biển xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong.

Hiện, tàu mắc cạn ở bờ biển thôn 7 xã Triệu Vân, cách bờ khoảng 50 m, do Đồn Biên phòng, công an và dân quân xã Triệu Vân trông giữ. Hàng đêm, 8 người được cắt cử trông coi, chia làm 4 ca. Do không có nhà nghỉ nên lực lượng trông giữ ở tạm trong lán nuôi tôm sát bờ biển của người dân.

Do tàu trọng tải lớn, trong khi trời gió mùa, sóng lớn khiến việc bảo vệ, bảo quản tài sản gặp nhiều khó khăn. Do đó, Biên phòng Quảng Trị đề nghị tỉnh sớm chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền phối hợp ra thông báo tìm chủ sở hữu. Trường hợp không tìm được chủ sở hữu, tàu sẽ được bán đấu giá để sung công quỹ.

Biên phòng Quảng Trị cũng đề nghị lai dắt con tàu ra khỏi vị trí mắc cạn về neo đậu tại cảng Hải đội 2 Bộ đội biên phòng tỉnh, cách vị trí mắc cạn hơn 10 km để dễ bảo quản. Chi phí lai dắt khoảng 700 triệu đồng, do chủ sở hữu chi trả hoặc trừ vào tiền bán sung công quỹ.

Trước đó 14h30 ngày 9/12, Đồn biên phòng Triệu Vân phát hiện tàu vỏ sắt dạt vào bờ biển. Tàu dài 50 m, rộng 10 m, cao 12 m, có ba tầng gồm tầng hầm chứa máy, tầng hai là bếp và nhà ăn, tầng ba là buồng lái và phòng ngủ.

Tàu không có người, không có thông tin về nguồn gốc, xuất xứ và chủ sở hữu. Trên tàu có đầy đủ máy móc, một số ngư lưới cũ đã hỏng, một cần cẩu dài 5 m.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư