Bản tin thời sự sáng 15/11

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là 2 đoạn Vành đai 3 (TP.HCM) hơn 9.000 tỷ đồng sẽ khởi công năm 2021; Bộ Công Thương hỏa tốc yêu cầu thuỷ điện Thượng Nhật dừng tích nước; cảnh báo lừa đảo bán vé máy bay quốc tế; giám đốc chi nhánh Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam tại Ninh Bình bị bắt…

TP.HCM: Hai đoạn Vành đai 3 hơn 9.000 tỷ đồng sẽ khởi công năm 2021

Hai dự án 1A và 1B, dài hơn 17 km đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch thuộc Vành đai 3 TP.HCM, tổng vốn đầu tư 9.300 tỷ đồng dự kiến khởi công năm 2021, tăng nối kết vùng.

Hai dự án 1A và 1B thuộc Vành đai 3 TPHCM

Hai dự án 1A và 1B thuộc Vành đai 3 TPHCM

Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (Tổng công ty Cửu Long), cho biết đã trình Bộ Giao thông Vận tải báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Vành đai 3 (dài 90 km), chia làm 4 đoạn. Trong đó, ở đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch có 2 dự án thành phần là 1A và 1B đã xác định được nguồn vốn, phương thức đầu tư để sớm khởi công.

Dự án 1A dài 8,7 km, kết nối từ tỉnh lộ 25B (Đồng Nai) đến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (TP.HCM), tổng mức đầu tư 5.329 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay ODA thông qua Quỹ hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF) gần 4.200 tỷ đồng, còn lại vốn đối ứng của Chính phủ. Chi phí giải phóng mặt bằng cho dự án này khoảng 625 tỷ đồng, gồm 476 tỷ đồng ở phía Đồng Nai và 149 tỷ đồng tại Quận 9, TP.HCM.

Dự án 1B dài gần 9 km, nằm trên địa bàn TP.HCM, điểm đầu từ cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và điểm cuối tại nút giao trạm 2 (xa lộ Hà Nội), tổng vốn đầu tư gần 4.000 tỷ đồng. Riêng phần giải phóng mặt bằng tại dự án này tốn hơn 1.053 tỷ đồng.

Tuyến đường đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), đã sơ tuyển hai nhà đầu tư và phía Tổng công ty Cửu Long đang lập hồ sơ mời thầu để lựa chọn, dự kiến khởi công năm 2021. Giai đoạn một dự án xây hai nhánh đường song hành hai bên tuyến chính, mỗi nhánh 3 làn xe. Đến giai đoạn hai mới làm tuyến chính (dài hơn 3 km, rộng 54,5 m cho 8 làn xe) và đường nối (dài gần 6 km, rộng từ 41 m đến 52,5 m cho 6 làn xe).

Bộ Công Thương hỏa tốc yêu cầu thuỷ điện Thượng Nhật dừng tích nước

Bộ Công Thương vừa yêu cầu Tổng Công ty Điện lực Miền Trung không mua điện của Nhà máy Thủy điện Thượng Nhật khi chưa đủ điều kiện theo quy định.

Thủy điện Thượng Nhật tự ý tích nước, chỉ mở 1 cửa van nhỏ cho nước chảy

Thủy điện Thượng Nhật tự ý tích nước, chỉ mở 1 cửa van nhỏ cho nước chảy

Liên quan đến việc vận hành phát điện tích nước của Dự án Thủy điện Thượng Nhật, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo - Bộ Công Thương chiều ngày 14/11 đã có văn bản hỏa tốc gửi Công ty CP Đầu tư thủy điện Miền Trung Việt Nam (chủ đầu tư Thủy điện Thượng Nhật) và Tổng công ty Điện lực Miền Trung.

Theo đó, Bộ Công Thương yêu cầu dừng ngay việc tích nước, đồng thời vận hành mở hoàn toàn 5 cửa van đập tràn Dự án Thủy điện Thượng Nhật theo quy trình vận hành hồ chứa đã được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phê duyệt.

Bộ Công Thương khẳng định việc tích nước hồ chứa chỉ được thực hiện khi có văn bản đồng ý của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Ngoài ra, chủ đầu tư Thủy điện Thượng Nhật cần khẩn trương báo cáo chi tiết, đầy đủ về Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo các nội dung: công tác quản lý chất lượng công trình; công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng, nghiệm thu tích nước hồ chứa và các điều kiện đảm bảo công trình được đưa vào vận hành phát điện, bán điện; kết quả thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư, trồng rừng thay thế…; tiến độ thực hiện Dự án cho đến thời điểm hiện tại.

Đối với Tổng Công ty Điện lực Miền Trung, Bộ Công Thương yêu cầu đơn vị này không mua điện của Nhà máy Thủy điện Thượng Nhật khi chưa đủ điều kiện theo quy định.

Trước đó, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có văn bản yêu cầu chủ đầu tư Thủy điện Thượng Nhật vận hành mở 5 cửa van của nhà máy thủy điện này về trạng thái mở hoàn toàn, đồng thời Nhà máy phải có phương án đảm bảo an toàn tính mạng con người, tài sản của Nhà máy.

Cảnh báo lừa đảo bán vé máy bay quốc tế

Cục Hàng không Việt Nam khẳng định không cấp phép cho hãng hàng không nước ngoài để thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước và đã đề nghị Cục An ninh Kinh tế, Bộ Công an vào cuộc điều tra.

Cục Hàng không cảnh báo lừa đảo bán vé máy bay quốc tế

Cục Hàng không cảnh báo lừa đảo bán vé máy bay quốc tế

Theo Cục Hàng không Việt Nam, cơ quan này vừa nhận phản ánh của hành khách về việc một số hãng hàng không nước ngoài quảng cáo bán vé thực hiện các chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước.

Sau khi nhận được thông tin phản ánh, Cục Hàng không Việt Nam đã liên lạc ngay với hãng hàng không nước ngoài để làm rõ.

Hãng hàng không nước ngoài đã xác nhận với Cục Hàng không Việt Nam về việc không hề thực hiện các chuyến bay như quảng cáo nêu trên. Cục Hàng không Việt Nam cũng không cấp phép cho hãng hàng không này để thực hiện chuyến bay như vậy.

Cục Hàng không Việt Nam đánh giá vụ việc này có các dấu hiệu lừa đảo để trục lợi từ hành khách đi tàu bay trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Cục Hàng không Việt Nam đã đề nghị Cục An ninh kinh tế (A04), Bộ Công an vào cuộc xác minh, làm rõ thông tin nêu trên và có biện pháp để ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật có thể gây tổn thất cho những hành khách có nhu cầu về nước cũng như hình ảnh của hãng hàng không.

Cơ quan quản lý cao nhất về hàng không cũng khuyến cáo công dân Việt Nam thường xuyên theo dõi, truy cập vào website chính thức của Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng không Việt Nam và website chính thống của các hãng hàng không để cập nhật thông tin chính xác về việc hỗ trợ các chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước trong đại dịch Covid-19.

Quảng Nam: Bồn chứa khí gas trôi vào bờ biển Cù Lao Chàm

Bồn chứa gas, đường kính 2,4 m, dài hơn 6 m, dạt vào bờ biển đảo Cù Lao Chàm (TP Hội An), sáng ngày 14/11.

Bồn chứa khí gas dạt vào biển Cù Lào Chàm

Bồn chứa khí gas dạt vào biển Cù Lào Chàm

Đồn Biên phòng Cù Lao Chàm trong lúc kiểm tra công tác phòng, chống bão Vamco phát hiện một bồn kim loại hình trụ, màu xám đang trôi nổi trên biển, cách bãi Bấc khoảng 70 m.

Qua quan sát, lực lượng biên phòng ghi nhận phía ngoài bồn in chữ Trung Quốc và được bảo vệ bởi khung sắt khá chắc chắn. Lực lượng chức năng vẫn chưa thể tiếp cận để đưa bồn kim loại này vào bờ, vì vùng biển đang có sóng to, gió lớn.

Theo Đại tá Hoàng Văn Mẫn, Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam cho biết, bồn này giống với bồn phát hiện dạt vào bờ biển phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn và tỉnh Quảng Ngãi trước đó.

Trước đó sáng 7/11, một bồn chứa gas, đường kính 2,4 m, dài hơn 6 m, dạt vào bờ biển phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn.

Năm ngày sau, cách phường Điện Dương về phía Nam khoảng 100 km, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi phát hiện hai bồn chứa khí gas trôi dạt vào bờ biển huyện Bình Sơn và thị xã Đức Phổ. Hiện cơ quan chức năng chưa xác định được nguồn gốc bồn.

Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam tại Ninh Bình bị bắt

Cơ quan điều tra khởi tố ông Đặng Văn Quang và nhiều thuộc cấp với cáo buộc Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Bị can Đặng Văn Quang (áo trắng)

Bị can Đặng Văn Quang (áo trắng)

Ngày 14/11, Công an tỉnh Ninh Bình đã khởi tố, bắt tạm giam ông Đặng Văn Quang (Giám đốc Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam chi nhánh Ninh Bình) về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Cảnh sát cũng khởi tố 5 cựu cán bộ, lãnh đạo khác của ngân hàng này về cùng tội danh nêu trên. Trong đó, Đinh Minh Tiến và Trần Xuân Thành là Trưởng phòng Tín dụng thành viên.

Cơ quan chức năng cáo buộc giai đoạn 2017 - 2019, Quỹ tín dụng Nhân dân thị trấn Me, huyện Gia Viễn (Ninh Bình) ký 26 hợp đồng tín dụng với Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam.

Giai đoạn này, ông Quang là giám đốc chi nhánh, đã cùng các bị can nêu trên thiếu trách nhiệm khi giám sát việc sử dụng vốn vay của 26 hợp đồng trên.

Cảnh sát cho rằng hành vi của 6 bị can đã khiến lãnh đạo Quỹ tín dụng Nhân dân thị trấn Me lập khống hồ sơ vay vốn, chiếm đoạt hơn 37 tỷ đồng.

Việc khởi tố ông Quang và các bị can nằm trong giai đoạn mở rộng điều tra vụ tham ô tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại quỹ tín dụng trên.

Bình Thuận: Trường nghề 60 tỷ đồng bị bỏ hoang

Trường trung cấp nghề Kinh tế - Kỹ thuật Công đoàn Bình Thuận có vốn đầu tư 60 tỷ đồng, quy mô 2.000 học viên, xây gần hoàn thiện, bị bỏ hoang hơn 2 năm nay.

Một dãy nhà của trường nghề phía trước sân cỏ mọc đầy

Một dãy nhà của trường nghề phía trước sân cỏ mọc đầy

Trường được lập năm 2010, trực thuộc Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam. Ban đầu cơ sở của Trường đặt tại Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Thuận. Bốn năm sau, Trường được cấp vốn xây cơ sở mới, ở xã Tiến Lợi, TP. Phan Thiết. Trong đó, vốn của Tổng liên đoàn Lao động 42 tỷ đồng, UBND tỉnh Bình Thuận 15 tỷ đồng, các nguồn khác 3 tỷ đồng.

Dự án khởi công ngày 4/11/2014, xây theo chuẩn trường nghề quốc gia với nhiều hạng mục: phòng học, thực hành, hội trường, căn tin, ký túc xá... Công trình dự kiến hoạt động cuối năm 2017, sẽ là nơi đào tạo nghề cho học sinh tốt nghiệp THCS, THPT, con em vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, người lao động nghèo trong Tỉnh.

Thế nhưng, đến nay dù phần lớn công trình đã hoàn thiện nhưng Dự án chưa đi vào hoạt động, bị bỏ hoang hơn 2 năm qua.

TP.HCM: Nghi phạm dùng xăng cướp ngân hàng khai nợ 200 triệu đồng tiền đánh đề

Nợ 200 triệu đồng vì đánh đề, nghi can Lê Tấn Tài bị chủ nợ hối trả. Tài sau đó đi xe máy từ Long An lên TP.HCM để cướp ngân hàng.

Cảnh sát phong toả bên ngoài chi nhánh TPBank để điều tra, sáng 14/11

Cảnh sát phong toả bên ngoài chi nhánh TPBank để điều tra, sáng 14/11

Ngày 14/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Bình Tân (TP.HCM) đang tạm giữ Lê Tấn Tài (sinh năm 1984, quê An Giang, tạm trú tỉnh Long An) để điều tra, làm rõ về hành vi cướp tài sản.

Lê Tấn Tài là nghi can gây ra vụ cướp Chi nhánh Ngân hàng Cổ phần Thương mại Tiên Phong (TPBank) trên đường Trần Văn Giàu, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân vào sáng cùng ngày.

Tại cơ quan công an, Tài khai nhận do nghiền đánh đề nên nợ số tiền 200 triệu đồng từ nhiều đối tượng bên ngoài xã hội. Những ngày gần đây, Tài bị các chủ nợ hối thúc trả tiền nên nảy sinh ý định đi cướp tài sản.

Sáng 14/11, Tài tháo rời biển số xe máy đi từ Long An lên tới TP.HCM và mua xăng để thực hiện hành vi phạm tội.

Đi ngang qua ngân hàng TPBank đường Trần Văn Giàu (phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân), Tài thấy vắng người nên chọn để cướp.

Đến quầy giao dịch, Tài lấy can xăng 5 lít trong ba lô tưới lên người, yêu cầu nhân viên ngân hàng bỏ tiền vào ba lô nếu không sẽ tự châm lửa đốt.

Nghe chuông báo động và thấy nhân viên bảo vệ chạy vào bên trong, Tài chạy ra ngoài để thoát thân. Trên đường bỏ chạy, Tài tự châm lửa đốt và bị công an cùng người dân vây bắt.

Do bị bỏng, Tài được lực lượng chức năng đưa vào Bệnh viện quận Bình Tân để sơ cứu vết thương.

Vụ việc đang được công an điều tra, làm rõ.

Chuyên đề