Bản tin thời sự sáng 15/11

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Chủ tịch LDG bị giải chấp gần 8,5 triệu cổ phiếu; đàm phán thành công hồi hương ấn vàng của vua Minh Mạng; TP.HCM yêu cầu giao ngay 4,5 ha đất trống xây ga T3 Tân Sơn Nhất; phạt nặng 2 công ty dược sai phạm, sản xuất thuốc kém chất lượng; DIC Corp mua lại 1.600 tỷ đồng trái phiếu trước hạn…

Chủ tịch LDG bị giải chấp gần 8,5 triệu cổ phiếu

Ông Nguyễn Khánh Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư LDG (mã chứng khoán: LDG) vừa bị bán giải chấp thêm 3,92 triệu cổ phiếu LDG trong thời gian 9 - 11/11. Động thái trên dẫn đến sở hữu của vị lãnh đạo giảm mạnh về dưới 18,7 triệu đơn vị, tương đương còn 7,77% cổ phần.

Ông Nguyễn Khánh Hưng, Chủ tịch LDG bị giải chấp lên gần 8,5 triệu cổ phiếu. Ảnh minh họa

Ông Nguyễn Khánh Hưng, Chủ tịch LDG bị giải chấp lên gần 8,5 triệu cổ phiếu. Ảnh minh họa

Đây là đợt bán giải chấp tiếp theo sau chuỗi ngày bị công ty chứng khoán ép bán. Cá nhân này bị bán 713.000 cổ phiếu vào ngày 28/10 và đến 8/11 bị bán thêm hơn 3,8 triệu đơn vị khác. Như vậy, tổng khối lượng bị giải chấp lên gần 8,5 triệu cổ phiếu, tương đương hơn 3,5% vốn điều lệ.

Áp lực giải chấp đến trong bối cảnh thị giá cổ phiếu LDG liên tục dò đáy mới. Cổ phiếu đang tiếp tục bị bán sàn trong phiên 14/11 về 3.460 đồng/CP, mất 35% giá trị kể từ đầu tháng 11 đến nay và đã phá đáy trong đợt lao dốc vì Covid-19 hồi tháng 4/2020.

Tình trạng của ông Hưng tương đồng với nhiều lãnh đạo tập đoàn bất động sản khác khi bị phía công ty chứng khoán ép bán do vi phạm tỷ lệ ký quỹ (margin), việc bán giải chấp sẽ dừng lại nếu nhà đầu tư bổ sung thêm tài sản đảm bảo để đưa tỷ lệ margin về mức an toàn.

Lũy kế từ đầu năm, LDG ghi nhận doanh thu giảm 42% về mức 146 tỷ đồng. Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế ghi nhận gần 20 tỷ đồng, giảm 55% so với cùng kỳ năm trước và còn cách rất xa kế hoạch có lãi 310 tỷ đồng của năm nay.

Các hoạt động cốt lõi đang sa sút dẫn đến dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh tiếp tục âm 140 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 479 tỷ đồng. Dòng tiền ổn định hơn ở hoạt động đầu tư với con số dương 30 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 48 tỷ đồng.

Đàm phán thành công hồi hương ấn vàng của vua Minh Mạng

Tối 14/11 (theo giờ Hà Nội), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT &DL) thông báo đàm phán về việc hồi hương ấn vàng Hoàng đế chi bảo đã thành công. Bộ VH-TT &DL sau đó sẽ phối hợp với Millon, các cơ quan liên quan để đưa ấn vàng về nước trong thời gian sớm nhất, đảm bảo quy định pháp luật của hai nước.

Ấn của vua Minh Mạng. Ảnh: Millon

Ấn của vua Minh Mạng. Ảnh: Millon

Theo đại diện Bộ VH-TT &DL, hồi hương ấn vàng về Việt Nam không chỉ để bổ sung, hoàn thiện các sưu tập cổ vật, bảo vật, di sản văn hóa bị thất lạc, 'chảy máu' ra nước ngoài, mà còn khẳng định vị thế, tầm ảnh hưởng của dân tộc...

Trước đó, Millon hai lần thông báo thay đổi lịch đấu giá ấn. Hiện tại, phiên đấu giá "Duy nhất: Con dấu vàng quý hiếm của vua Minh Mạng" dự kiến diễn ra vào 18/11 vẫn được đăng tải trên website. Đại diện Cục Di sản Văn hóa cho biết, Millon đổi lịch nhằm tạo điều kiện cho phía Việt Nam có thêm thời gian thương lượng để mua trực tiếp.

Nhà đấu giá Millon chào bán ấn vàng của vua Minh Mạng với giá 2 - 3 triệu euro (48 - 72 tỷ đồng). Hiện vật được đặt tên Con dấu vàng quý hiếm Kim bảo tỷ của Hoàng đế Minh Mạng (1791 - 1841), cao 10,4 cm, nặng 10,78 kg, mặt hình vuông, kích thước 13,8x13,7 cm.

Mặt trên của ấn khắc hai dòng chữ: "Minh Mạng tứ niên nhị nguyệt sơ tứ nhật cát thời chú tạo" (Được làm vào ngày 4/2, năm thứ 4 đời vua Minh Mạng, tức ngày 4/2/1823) và "Thập thành hoàng kim trọng nhị bách bát thập lạng cửu tiền nhị phân" (Làm bằng vàng, nặng 280 lạng, 9 chỉ, 2 phân, khoảng 10,7 kg). Đế ấn in dòng chữ "Hoàng đế chi bảo" (Báu vật của hoàng đế).

TP.HCM yêu cầu giao ngay 4,5 ha đất trống xây ga T3 Tân Sơn Nhất

Lãnh đạo TP.HCM giao các cơ quan, đơn vị tiếp nhận, bàn giao ngay 4,5 ha đất trống cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam để triển khai Dự án nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất.

Phối cảnh nhà ga T3 Tân Sơn Nhất

Phối cảnh nhà ga T3 Tân Sơn Nhất

Văn phòng UBND TP.HCM vừa truyền đạt kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường tại cuộc họp báo cáo tiến độ giải phóng mặt bằng và bàn giao đất quốc phòng để thực hiện nhà ga T3, đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa và triển khai các dự án kết nối sân bay Tân Sơn Nhất.

Đối với Dự án nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) chủ trì, phối hợp với Quân chủng Phòng không - Không quân và các cơ quan liên quan tiếp nhận, bàn giao ngay 4,5 ha đất trống cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam để triển khai Dự án. Kết quả thực hiện báo về UBND TP.HCM trước 15/11.

UBND quận Tân Bình được giao hoàn chỉnh hồ sơ ban hành quyết định thu hồi đất và phương án bồi thường, hỗ trợ của Dự án gửi Sở TNMT trước 15/11. Sau đó, Sở TNMT thẩm định và trình UBND TP.HCM trước 20/11.

Đối với Dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, kết nối giao thông với nhà ga T3, lãnh đạo TP.HCM giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc tham mưu, dự thảo văn bản để UBND Thành phố báo cáo, xin ý kiến Thủ tướng và Bộ Xây dựng về chủ trương điều chỉnh quy hoạch tại khu đất dự kiến bố trí tái định cư. Thời gian thực hiện trước 15/11.

Sở TNMT làm việc với các đơn vị của Bộ Quốc phòng về nội dung hoán đổi đất đối với phần diện tích bị ảnh hưởng bởi Dự án theo đúng thẩm quyền; báo cáo kết quả thực hiện về UBND TP.HCM trước 15/11.

Phạt nặng 2 công ty dược sai phạm, sản xuất thuốc kém chất lượng

Ngoài phạt tiền 230 triệu đồng, Cục Quản lý dược buộc hai công ty dược tiêu hủy toàn bộ lô thuốc viên nén Neometin kém chất lượng và 75 lọ chất đánh dấu từ nguyên liệu đã hết hạn sử dụng.

Cục Quản lý Dược vừa xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Genome Pharmaceutical (Pvt) Ltd (Pakistan) và Công ty cổ phần y học Rạng Đông – Chi nhánh tại TP.HCM. Ảnh minh họa

Cục Quản lý Dược vừa xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Genome Pharmaceutical (Pvt) Ltd (Pakistan) và Công ty cổ phần y học Rạng Đông – Chi nhánh tại TP.HCM. Ảnh minh họa

Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) Tạ Mạnh Hùng vừa ký 2 văn bản xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Genome Pharmaceutical (Pvt) Ltd (Pakistan) và Công ty CP Y học Rạng Đông - Chi nhánh tại TP.HCM.

Hai công ty này bị phạt số tiền là 230 triệu đồng kèm theo một số hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả.

Cụ thể, Công ty Genome Pharmaceutical (Pvt) Ltd (Pakistan) là đơn vị sản xuất thuốc Viên nén Neometin, số giấy đăng ký lưu hành VN-17936- 14, số lô 074; ngày sản xuất 07/2020, hạn dùng 07/2022, vi phạm chất lượng mức độ 2.

Đại diện chấp hành quyết định xử phạt này của Bộ Y tế là Công ty TNHH MTV Dược phẩm PV Healthcare (có địa chỉ tại TP.HCM). Bộ Y tế quyết định xử phạt số tiền 70 triệu đồng và buộc Công ty tiêu hủy toàn bộ lô thuốc Viên nén Neometin vi phạm chất lượng.

Thuốc viên nén Neometin được chỉ định điều trị viêm, nấm vùng kín. Liên quan lô thuốc Viên nén Neometin này, trước đó, ngày 30/6, Cục Quản lý dược đã có công văn yêu cầu thu hồi toàn quốc lô thuốc do không đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Với Công ty CP Y học Rạng Đông - Chi nhánh tại TP.HCM, Cục Quản lý dược cho rằng, đơn vị này vi phạm khi sản xuất 75 lọ (lọ 10ml) chất đánh dấu từ nguyên liệu 18O Water, số lô 190408004-3 đã hết hạn sử dụng.

Vì thế, Cục xử phạt số tiền 160 triệu đồng; tước quyền sử dụng trong 6 tháng với Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược do Bộ Y tế cấp. Công ty cũng bị buộc tiêu hủy 75 lọ (lọ 10ml) chất đánh dấu đã hết hạn sử dụng.

DIC Corp mua lại 1.600 tỷ đồng trái phiếu trước hạn

DIC Corp vừa công bố mua lại 1.600 trái phiếu mã DIGH2124002 và DIGH2124003 do chính công ty phát hành. Tổng mệnh giá lô trái phiếu này là 1.600 tỷ đồng.

DIC Corp thông báo mua lại 1.600 tỷ đồng trái phiếu trước hạn

DIC Corp thông báo mua lại 1.600 tỷ đồng trái phiếu trước hạn

Mới đây, Tổng công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp) thông báo về việc mua lại trái phiếu mã DIGH2124002 và DIGH2124003. Đây là trái phiếu doanh nghiệp phát hành, được mua lại theo hình thức thoả thuận trực tiếp với người sở hữu trái phiếu.

Cụ thể, khối lượng trái phiếu dự kiến mua lại là 16.000 trái phiếu với tổng mệnh giá 1.600 tỷ đồng. Nguồn mua lại từ hoạt động sản xuất kinh doanh và nguồn thu khác, thời gian dự kiến là ngày 10/11/2022.

Ngoài ra, DIC Corp cũng thông báo việc hoán đổi tài sản bảo đảm cho các gói trái phiếu của doanh nghiệp này, cũng như hoàn tất việc hoán đổi tài sản bảo đảm 55 triệu cổ phiếu DIG bằng các bất động sản của Công ty tại tỉnh Đồng Nai.

Sau khi hoán đổi, doanh nghiệp đã hoàn tất chuyển trả 55 triệu cổ phiếu này cho các cổ đông lớn đã hỗ trợ trong công tác tài chính thời gian qua.

Trước đó, ngày 8/11, doanh nghiệp này đã công bố thay đổi tài sản đảm bảo cho 2 lô trái phiếu nói trên cùng với lô DIGH2124001 phát hành năm 2021.

Trước thay đổi, tài sản đảm bảo của ba lô trái phiếu nói trên gồm 110 triệu cổ phiếu DIG và toàn bộ lợi tức, cổ tức phát sinh từ số lượng cổ phiếu thế chấp tại ngân hàng.

Bên cạnh đó, tài sản đảm bảo còn gồm toàn bộ tài sản, quyền tài sản và các quyền, lợi ích hiện hữu và phát sinh trong tương lai từ việc đầu tư, phát triển, khai thác, tiêu thụ sản phẩm tại dự án Khu đô thị du lịch Long Tân quy mô 331,9 ha ở Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai của DIC Corp.

Do bị bán giải chấp 55 triệu cổ phiếu DIG đồng thời doanh nghiệp thế chấp bổ sung 24,2 triệu cổ phiếu DIG từ chia cổ tức, cổ phiếu thưởng nên số lượng cổ phiếu làm tài sản đảm bảo chỉ còn 79,2 triệu đơn vị. Vì vậy, DIC Corp phải bổ sung thêm 80 bất động sản tại xã Đại Phước, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai để hoán đổi số cổ phiếu đã bị giải chấp nói trên.

Đề xuất cải tạo 4 mỏ đá bỏ hoang thành khu đô thị nghỉ dưỡng, dân cư

Bốn mỏ đá bỏ hoang nhiều năm ở TP. Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) được đề xuất cải tạo thành khu du lịch nghỉ dưỡng, dân cư với kinh phí 9.000 tỷ đồng.

Một mỏ đá ở phường Bửu Hòa, TP. Biên Hòa dự kiến làm khu biệt thự cao cấp ven hồ

Một mỏ đá ở phường Bửu Hòa, TP. Biên Hòa dự kiến làm khu biệt thự cao cấp ven hồ

Đề xuất do Tập đoàn Amaccao (TP. Hà Nội) đưa ra trong buổi làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai mới đây. Dự án dự kiến thực hiện trong 8 năm.

Theo đó, 4 mỏ đá tại các phường Tân Hạnh, Hóa An, Bửu Hòa, Tân Vạn với tổng diện tích 285 ha sẽ được cải tạo thành khu đô thị, dịch vụ, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng. Mỗi khu thiết kế theo chủ đề riêng và liên kết các khu còn lại.

Trong đó, khu A rộng 145 ha làm công viên giải trí; khu B rộng 54 ha sẽ là phố biệt thự cao cấp ven hồ; 46 ha của khu C có chức năng chăm sóc sức khoẻ, trị liệu, nghỉ dưỡng; khu D thuộc khối tổ chức hội nghị, trung tâm thương mại rộng 39 ha. Khi hoàn thành, dự án đáp ứng nhà ở cho khoảng 12.000 người, tạo ra khu dịch vụ du lịch hiện đại ở TP. Biên Hoà.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi cho biết, địa phương thống nhất đề xuất của Tập đoàn Amaccao; đồng thời đã yêu cầu TP. Biên Hòa và các sở, ngành liên quan hoàn thiện hồ sơ theo quy định để triển khai Dự án.

Trên địa bàn Đồng Nai hiện có hơn 10 mỏ đá đã ngưng khai thác nhưng chưa được phục hồi cảnh quan, môi trường. Riêng tại TP. Biên Hoà, các mỏ đá hầu hết bỏ không, thành nơi đổ rác thải, một số khu vực rào chắn sơ sài...

Không chuyển trạm thu phí Bắc Thăng Long về Vĩnh Phúc

Dù đặt sai vị trí, trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài (Hà Nội) không thể chuyển về tuyến tránh Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), theo Cục Đường bộ Việt Nam.

Vị trí trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài cách xa quốc lộ 2 (2A) tuyến tránh TP. Vĩnh Yên.

Vị trí trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài cách xa quốc lộ 2 (2A) tuyến tránh TP. Vĩnh Yên.

Cục Đường bộ Việt Nam vừa báo cáo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về vướng mắc tại một số trạm thu phí trên địa bàn Hà Nội. Trong đó có trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài nằm trên đường Võ Văn Kiệt (Hà Nội) để thu phí hoàn vốn cho Dự án Quốc lộ 2 tuyến tránh TP. Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc).

Cục Đường bộ Việt Nam đã cùng các Sở GTVT, doanh nghiệp dự án kiểm tra hiện trạng tuyến Quốc lộ 2. Hiện có 10 nút giao kết nối với tuyến đường trong khu vực, chủ phương tiện sẽ lựa chọn đường không đi qua trạm thu phí trên tuyến tránh Vĩnh Yên để tránh trả phí.

Lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam đánh giá, phương án di chuyển trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài về phạm vi Dự án BOT Quốc lộ 2 đoạn tránh TP. Vĩnh Yên là không khả thi.

Năm 2006, Chính phủ cho phép triển khai Dự án BOT Đầu tư xây dựng Quốc lộ 2 đoạn tránh TP. Vĩnh Yên với nguồn vốn từ thu phí trên tuyến đường Bắc Thăng Long - Nội Bài. Tuyến đường do Công ty CP BOT Vietracimex 8 đầu tư theo hình thức BOT, giá trị quyết toán 505 tỷ đồng, thu phí từ 1/1/2011.

Trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài đã gây bức xúc cho chủ phương tiện vì không đi tuyến tránh TP. Vĩnh Yên vẫn phải trả tiền.

Giữa năm 2018, UBND TP. Hà Nội kiến nghị Bộ GTVT xóa bỏ trạm thu phí này. Tháng 6/2022, Cục Đường bộ Việt Nam đề xuất hai hướng xử lý là di dời về đúng tuyến tránh Vĩnh Yên hoặc dùng ngân sách nhà nước mua lại.

Đường gần 4.000 tỷ đồng phía tây Cần Thơ sắp khởi công

Tuyến đường dài 19,3 km, đi qua 5 quận, huyện, kết nối Quốc lộ 91 và 61C, với tổng mức đầu tư gần 4.000 tỷ đồng giúp giải toả áp lực giao thông cho TP. Cần Thơ.

Phối cảnh đường vành đai phía tây Cần Thơ

Phối cảnh đường vành đai phía tây Cần Thơ

Công trình dự kiến khởi công ngày 17/11, hoàn thành sau 4 năm. Theo thiết kế, tuyến đường có điểm đầu nối Quốc lộ 91 tại quận Ô Môn, đi qua các quận, huyện: Bình Thủy, Phong Điền, Ninh Kiều, Cái Răng rồi nối vào Quốc lộ 61C.

Tuyến đường dài 19,3 km, rộng 16,5 m (mỗi bên), vận tốc thiết kế 50 - 60 km/h... Toàn tuyến có 25 cầu, trong đó, lớn nhất là cầu Ba Láng vượt sông Cần Thơ dài 518 m, 14 cống mỗi bên cùng 9 nút giao và 9 điểm quay đầu xe.

Theo UBND TP. Cần Thơ, công trình khi về đích sẽ hình thành trục vành đai của địa phương, kết nối ba quốc lộ quan trọng ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, gồm: Quốc lộ 91, 61C và 1A; tạo động lực phát triển kinh tế xã hội, kéo giảm ùn tắc.

Đề xuất thí điểm thêm 17 tuyến buýt từ Tân Sơn Nhất

Một doanh nghiệp vừa đề xuất thí điểm thêm 17 tuyến buýt từ sân bay Tân Sơn Nhất đến các khu đô thị, bến xe, làng đại học và 7 quận trên địa bàn.

Xe buýt 109 đón khách tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Xe buýt 109 đón khách tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Công ty CP Xe khách Phương Trang vừa đề xuất Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam và các đơn vị TP.HCM về việc thí điểm thêm 17 tuyến buýt từ sân bay Tân Sơn Nhất đến các khu đô thị, bến xe, làng đại học và 7 quận tại TP.HCM.

Doanh nghiệp này cho hay, sau thời gian khai thác tuyến buýt 109 (sân bay Tân Sơn Nhất - Bến xe buýt Sài Gòn - Quận 1), đơn vị nhận thấy tuyến buýt đã góp phần giải tỏa đáng kể lượng khách từ sân bay đến khu trung tâm.

Để giải quyết tình trạng thiếu phương tiện giao thông công cộng tại sân bay, đảm bảo thuận lợi cho người dân đi lại, Phương Trang đề xuất thí điểm thêm 17 tuyến buýt, có điểm đầu từ sân bay Tân Sơn Nhất đi Bến xe miền Tây; Bến xe miền Đông; Bến xe miền Đông mới; Khu đô thị Phú Mỹ Hưng (Quận 7); Làng đại học (TP. Thủ Đức); Khu đô thị Sala (TP. Thủ Đức); Thảo Điền (TP. Thủ Đức).

Bên cạnh đó, tuyến buýt cũng kết nối từ sân bay đi 7 quận gồm: Quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, 12 và 3 tuyến đến huyện Bình Chánh. Theo đó, doanh nghiệp đề xuất khai thác 10 - 15 xe mỗi tuyến, xe 16 - 45 chỗ.

Hiện, sân bay Tân Sơn Nhất khai thác 3 tuyến buýt là 152,109 và 721. Tuyến 109 do Công ty Phương Trang quản lý, đưa vào khai thác trở lại hồi giữa tháng 9 vừa qua, lộ trình tuyến tương tự buýt 152, từ sân bay vào trung tâm TP.HCM và ngược lại.

Chuyên đề