Bản tin thời sự sáng 15/1

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là dư nợ tín dụng được dự báo tăng 14,2% trong năm 2024; ủy quyền người giải quyết công việc của Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng; nhiều gói thầu thi công nâng cấp cải tạo đường sắt Bắc - Nam vượt tiến độ; Hà Nội có hơn 2.500 công trình chưa nghiệm thu PCCC vẫn đưa vào hoạt động…

Dư nợ tín dụng được dự báo tăng 14,2% trong năm 2024

Các tổ chức tín dụng dự báo mặt bằng lãi suất huy động - cho vay tiếp tục giảm nhẹ, bình quân kỳ vọng giảm 0,3 - 0,4 điểm phần trăm trong quý I và giảm 0,2 điểm phần trăm trong cả năm 2024.

Các tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ khả quan hơn từ quý I/2024 và cả năm 2024.

Các tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ khả quan hơn từ quý I/2024 và cả năm 2024.

Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng quý I/2024 vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố, dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được dự báo tăng 4,4% trong quý I/2024 và tăng 14,2% trong năm 2024, điều chỉnh tăng 0,4 điểm phần trăm so với mức dự báo 13,8% tại kỳ điều tra trước.

Cũng theo kết quả điều tra, mặt bằng lãi suất huy động - cho vay dự báo tiếp tục giảm nhẹ, bình quân kỳ vọng giảm 0,3 - 0,4 điểm phần trăm trong quý I/2024 và giảm 0,2 điểm phần trăm trong cả năm 2024.

Các tổ chức tín dụng cũng dự báo nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng cải thiện thấp hơn so với quý IV/2024 nhưng dự báo sẽ cải thiện mạnh hơn trong năm 2024. Đáng chú ý, nhu cầu vay vốn được dự báo cải thiện nhiều hơn nhu cầu tiền gửi và thanh toán, khác với diễn biến của năm 2023.

Kết quả điều tra cũng cho thấy, thanh khoản của hệ thống ngân hàng trong quý IV/2023 tiếp tục duy trì trạng thái tốt và cải thiện tích cực hơn dự kiến. Các tổ chức tín dụng đánh giá tình hình thanh khoản trong năm 2023 dồi dào hơn so với năm 2022 và dự báo sẽ tiếp tục dồi dào trong quý I/2024 và cả năm 2024.

Huy động vốn toàn hệ thống tổ chức tín dụng được kỳ vọng tăng bình quân 2,6% trong quý I/2024 và tăng 12,1% trong năm 2024, tương đương mức kỳ vọng tại kỳ điều tra trước.

Trái ngược với kỳ vọng giảm, kết quả điều tra kỳ này cho thấy các tổ chức tín dụng nhận định tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng trong quý IV/2023 tiếp tục xu hướng “tăng nhẹ” nhưng được kỳ vọng sẽ “giảm nhẹ” trong quý I/2024.

Ủy quyền người giải quyết công việc của Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng

Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng có 3 người nhưng 1 người đã bị bắt tạm giam, 2 người còn lại đi công tác nên phải ủy quyền cho một Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy giải quyết một số công việc thuộc chức trách.

Ông Trần Đình Văn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy sẽ tham dự kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV tại Hà Nội.

Ông Trần Đình Văn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy sẽ tham dự kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV tại Hà Nội.

Từ ngày 15 - 18/1, ông Trần Đình Văn, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, tham dự Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV tại Hà Nội.

Do đó, trong thời gian trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất ủy quyền cho ông Nguyễn Trọng Ánh Đông, ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Lâm Đồng, giải quyết một số công việc thuộc chức trách của Thường trực Tỉnh ủy.

Trước đây, Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng có 3 người. Từ ngày 2/1, ông Trần Văn Hiệp, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã bị Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) bắt tạm giam về tội nhận hối lộ.

Hiện nay, Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng chỉ còn ông Trần Đức Quận - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND Tỉnh và ông Trần Đình Văn.

Trong thông báo ủy quyền, Tỉnh ủy Lâm Đồng không giải thích việc phân công ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nguyễn Trọng Ánh Đông giải quyết công việc của Thường trực Tỉnh ủy.

Trước đó, ngày 8/1, HĐND tỉnh Lâm Đồng đã ra thông báo hỏa tốc hoãn phiên họp Thường trực HĐND tỉnh lần thứ 24. Phiên họp này dự kiến diễn ra vào sáng 9/1, do ông Trần Đức Quận chủ trì để xem xét, cho ý kiến về nội dung trình các kỳ họp chuyên đề năm 2024 của HĐND Tỉnh.

Nhiều gói thầu thi công nâng cấp cải tạo đường sắt Bắc - Nam vượt tiến độ

Hàng loạt gói thầu của Dự án Cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Bắc - Nam đã hoàn thành vượt tiến độ, góp phần nâng tốc độ chạy tàu trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 sắp tới.

Đoàn tàu khách chạy trên tuyến đường sắt Bắc - Nam

Đoàn tàu khách chạy trên tuyến đường sắt Bắc - Nam

Theo thông tin từ Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông vận tải), đến nay, nhiều gói thầu xây lắp thuộc Dự án Cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt quốc gia Hà Nội - TP.HCM (gồm đoạn Hà Nội - Vinh, Vinh - Nha Trang, Nha Trang - Sài Gòn) với nguồn vốn đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng đã có khối lượng thi công vượt tiến độ, nhanh hơn dự kiến.

Cụ thể, đoạn Hà Nội - Vinh được chia thành 4 gói thầu xây lắp, có 3 gói đang thi công, trong đó gói thầu XL01 hoàn thành vượt tiến độ; hoàn thành giải ngân 100% kế hoạch vốn được giao cho dự án năm 2023, với kinh phí 250 tỷ đồng. Đáng chú ý, 121 km đường sắt thuộc phạm vi Hà Nội - Thanh Hóa (Km19+850-Km140+478) đã hoàn thành, sớm hơn khoảng một năm so với kế hoạch.

Đoạn Vinh - Nha Trang gồm 4 gói thầu xây lắp, trong đó 3 gói thầu đang triển khai thi công, có 2 gói vượt tiến độ và hoàn thành giải ngân 100% kế hoạch vốn, với giá trị 320 tỷ đồng. Dự kiến trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 sẽ hoàn thành, bàn giao, đưa vào khai thác 20/38 km đường sắt qua địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

Với đoạn Nha Trang - Sài Gòn gồm 3 gói thầu xây lắp, có 2 gói (XL01, XL02) vượt tiến độ so với hợp đồng, hoàn thành giải ngân 100% kế hoạch vốn với giá trị 386,5 tỷ đồng. Đến nay, các đơn vị liên quan đã hoàn thành nghiệm thu 65/77 km đường sắt thuộc dự án và dự kiến bàn giao cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

“Việc hoàn thành sớm các đoạn tuyến thuộc dự án gói 3.000 tỷ đồng tiếp tục tạo sự đồng bộ về tải trọng để nâng tốc độ chạy tàu”, đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt nhấn mạnh.

Hà Nội có hơn 2.500 công trình chưa nghiệm thu PCCC vẫn đưa vào hoạt động

Theo thống kê của Công an TP. Hà Nội, hiện tại, trên địa bàn Thành phố có hơn 2.500 công trình chưa nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn...

Lực lượng PCCC kiểm tra các thiết bị PCCC tại nhà ở có nhiều căn hộ cho thuê.

Lực lượng PCCC kiểm tra các thiết bị PCCC tại nhà ở có nhiều căn hộ cho thuê.

Ngày 14/1, Công an TP. Hà Nội thông tin, thực hiện Kế hoạch về khắc phục tồn tại, xử lý vi phạm các công trình chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) đã đưa vào hoạt động trên địa bàn Thành phố, qua thống kê, rà soát, tính đến nay trên địa bàn có 2.562 công trình chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Theo đó, các công trình này nằm rải rác ở các quận, huyện từ trung tâm ra ngoại thành. Trong đó, Đống Đa có 21 công trình, Phú Xuyên 103 công trình, Hoài Đức 200 công trình, Quốc Oai 186 công trình, Chương Mỹ 179 công trình... Các công trình chủ yếu là trường học, siêu thị, tòa nhà văn phòng, chung cư...

Lỗi vi phạm chủ yếu của các công trình này là không có hoặc chưa có lối thoát nạn thứ 2; cửa vào buồng thang bộ không phải cửa chống cháy; không đảm bảo ngăn cháy lan giữa các công trình; chưa trang bị hệ thống phương tiện PCCC; không lắp đặt hệ thống báo cháy tự động, hệ thống họng nước chữa cháy vách tường...

Điển hình, tại quận Đống Đa là siêu thị - số 19 Trúc Khê, phường Láng Hạ hoạt động từ năm 2014, đây là cơ sở thuê lại mặt bằng thay đổi công năng từ kho, xưởng thành siêu thị nhưng chưa trình hồ sơ thẩm duyệt bổ sung; Công ty CP Xây dựng công trình đường Thủy Vinawaco - số 159 Thái Hà hoạt động năm 2006, thay đổi công năng từ văn phòng thành siêu thị nhưng chưa trình hồ sơ thẩm duyệt bổ sung và chỉ có 1 lối thoát nạn tại các tầng.

Siêu thị điện máy Mediamart - số 181 Nguyễn Lương Bằng, hoạt động năm 2016, không có lối thoát nạn thứ 2, không có biện pháp ngăn chặn cháy lan giữa các khu vực trong công trình, hệ thống báo cháy tự động trang bị không bảo đảm yêu cầu theo quy định, hệ thống họng nước chữa cháy trang bị không bảo đảm yêu cầu theo quy định...

Xuất khẩu chè Việt Nam thấp nhất 7 năm

Năm 2023, xuất khẩu chè Việt Nam đạt 121.000 tấn, trị giá 211 triệu USD, lần lượt giảm 17% và 11% so với năm 2022.

Năm 2023, xuất khẩu chè Việt Nam đạt 121.000 tấn

Năm 2023, xuất khẩu chè Việt Nam đạt 121.000 tấn

Đây là số liệu mới nhất từ Hải quan Việt Nam. Theo đó, 2023 là năm có sản lượng xuất khẩu thấp nhất 7 năm.

Giá chè xuất khẩu bình quân năm ngoái đạt 1.737 USD một tấn, tăng hơn 7% so với năm 2022, nhưng mức giá này mới chỉ bằng 67% so giá chè xuất khẩu bình quân trên thế giới. Giá chè xuất khẩu bình quân toàn cầu năm 2023 đạt 2.600 USD một tấn.

Theo Cục Chất lượng chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), nguyên nhân khiến hoạt động xuất khẩu chè của Việt Nam giảm mạnh do nhu cầu thế giới yếu và các quy định nhập khẩu ngày càng khắt khe tại các thị trường chính. Bên cạnh đó, chủng loại chè xuất khẩu của Việt Nam đa phần ở dạng thô, hàm lượng chế biến thấp.

Trong năm 2023, xuất khẩu chè sang các thị trường chính như Pakistan, Đài Loan và Nga đều giảm. Tình trạng thiếu ngoại tệ của Pakistan khiến nhiều doanh nghiệp nhập khẩu nước này không thể mua được ngoại tệ để thanh toán cho công ty xuất khẩu.

Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu dùng chè trên thế giới đã thay đổi, chuyển từ các sản phẩm chè thông thường sang các sản phẩm chè chế biến sâu, đặc sản. Điều này khiến hàng Việt gặp khó khi chậm đầu tư vào chế biến sâu và ít nghiên cứu sản phẩm mới.

Hiện sản phẩm chè xanh vẫn chiếm tới 94% trong tổng khối lượng chè xuất khẩu của Việt Nam. Đây là sản phẩm chè cấp thấp nhất, chủ yếu sử dụng phương pháp sao sấy truyền thống, chưa qua công đoạn chế biến sâu. Trong khi đó, các sản phẩm chè cao cấp như chè đen, ướp hoa, ô long... chỉ chiếm 6% trong tổng khối lượng chè xuất khẩu.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cả nước có 120.000 ha diện tích trồng chè, 257 doanh nghiệp chế biến chè quy mô công nghiệp, tổng công suất theo thiết kế 5.200 tấn búp tươi một ngày. Một số doanh nghiệp đã đầu tư dây chuyền công nghệ chế biến hiện đại, nhưng số lượng đầu tư không nhiều.

Năm 2023, thu từ xổ số kiến thiết kỷ lục gần 46.000 tỷ đồng

Theo Bộ Tài chính, tổng số thu từ hoạt động xổ số kiến thiết năm 2023 đạt gần 46.000 tỷ đồng, mức kỷ lục và cao hơn 22% so với dự toán Quốc hội giao.

Tổng số thu từ hoạt động xổ số kiến thiết năm 2023 đạt gần 46.000 tỷ đồng

Tổng số thu từ hoạt động xổ số kiến thiết năm 2023 đạt gần 46.000 tỷ đồng

Đóng góp chủ yếu cho ngân sách từ hoạt động xổ số kiến thiết là của 21 công ty xổ số phía Nam. Trong đó, Công ty Xổ số kiến thiết TP.HCM doanh thu ước đạt hơn 11.370 tỷ đồng năm 2023, lợi nhuận trước thuế gần 1.500 tỷ đồng, thuế và nộp ngân sách nhà nước hơn 3.800 tỷ đồng.

Công ty Xổ số kiến thiết Vĩnh Long có tổng doanh thu tiêu thụ vé số năm ngoái đạt gần 6.400 tỷ đồng. Số tiền chi trả thưởng là hơn 3.100 tỷ đồng, Công ty đã nộp ngân sách 1.714 tỷ đồng.

Công ty Xổ số kiến thiết Long An có doanh số tiêu thụ vé số năm 2023 ước đạt trên 6.300 tỷ đồng. Số thu nộp ngân sách từ hoạt động kinh doanh xổ số là 2.362 tỷ đồng. Các công ty xổ số kiến thiết Bến Tre, Sóc Trăng... cũng nộp ngân sách hàng nghìn tỷ đồng.

Năm qua, rất nhiều ngành nghề gặp khó khăn khi kinh tế suy thoái, xổ số kiến thiết là một trong số ít nguồn thu ghi nhận tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Theo các doanh nghiệp, 2023 là một năm thuận lợi với ngành này khi người dân quan tâm nhiều hơn đến xổ số. Ngoài ra, từ tháng 10, ngành xổ số được tăng doanh số phát hành nên doanh thu đã có biến động.

Một hãng taxi ở Hà Nội có gần 300 xe trốn truyền dữ liệu giám sát hành trình

Theo thông tin từ Sở GTVT Hà Nội, trong vòng 1 tháng, Công ty CP Dịch vụ taxi A có tới 273 phương tiện vi phạm truyền dữ liệu 10 ngày liên tiếp.

Hàng chục nghìn ôtô ở Hà Nội không truyền dữ liệu giám sát hành trình. Ảnh minh họa

Hàng chục nghìn ôtô ở Hà Nội không truyền dữ liệu giám sát hành trình. Ảnh minh họa

Theo Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội, đơn vị vừa thực hiện rà soát, kiểm tra dữ liệu vi phạm về truyền dữ liệu giám sát hành trình từ Hệ thống xử lý và khai thác sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của Cục Đường bộ Việt Nam.

Theo đó, trong tháng 11/2023, tại Hà Nội có 58.078 phương tiện kinh doanh vận tải không truyền dữ liệu giám sát hành trình.

Trong danh sách vi phạm, có rất nhiều phương tiện không truyền dữ liệu liên tục trong 30 ngày, và có những doanh nghiệp có đến hàng trăm phương tiện vi phạm.

Công ty CP Dịch vụ taxi A có tới 273 phương tiện vi phạm truyền dữ liệu 10 ngày liên tiếp. Trong số này, có tới 268 phương tiện liên tục trốn truyền dữ liệu giám sát hành trình suốt 30 ngày.

Hợp tác xã Giao thông vận tải T.C có tới 153 phương tiện vi phạm truyền dữ liệu 10 ngày liên tiếp. Trong đó có 111 phương tiện liên tục trốn truyền dữ liệu giám sát hành trình suốt 30 ngày.

Công ty CP Phát triển thương mại và dịch vụ quốc tế N.S có 173 phương tiện vi phạm.

Để thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô, Sở GTVT Hà Nội đề nghị các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trên địa bàn Thành phố thực hiện việc rà soát, kiểm tra kết quả khai thác dữ liệu vi phạm về truyền dữ liệu giám sát hành trình của đơn vị có phương tiện vi phạm tại danh sách đã được công bố.

Bắt chủ doanh nghiệp với cáo buộc khai thác cát lậu ở Sài Gòn

Lê Thị Như Ngọc, bị cáo buộc thuê người đứng tên doanh nghiệp khai thác lậu cát ở sông Đồng Nai rồi hợp thức hóa 11.000 m3, thu lợi nhiều tỷ đồng.

Lê Thị Như Ngọc (phải) và đồng phạm

Lê Thị Như Ngọc (phải) và đồng phạm

Ngày 14/1, Ngọc và 3 người khác bị Công an TP.HCM bắt về hành vi “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên”.

Trước đó, Phòng An ninh kinh tế phát hiện nhóm người chuyên khai thác cát lậu tại khu vực sông Đồng Nai, thuộc địa phận phường Long Bình, TP. Thủ Đức - giáp ranh với tỉnh Đồng Nai. Ngọc bị xác định cầm đầu đường dây này, tổ chức hệ thống cấp dưới kín kẽ, có nhiều biện pháp đối phó với cơ quan chức năng.

Từ tháng 3/2022 - 12/2023, Ngọc thành lập Công ty TNHH DVTM XD Quang Thuận (trụ sở tại TP. Thủ Đức), nhờ người khác đứng tên, hợp thức hóa số cát khai thác lậu. Tuy nhiên, mọi hoạt động của doanh nghiệp đều do bà này điều hành.

Ngọc thuê 3 người trực tiếp chỉ đạo việc khai thác cát trái phép, với tổng trữ lượng hơn 11.000 m3, vận chuyển về bãi tập kết, sàng lọc tạp chất. Từ đây, số cát lậu được vận chuyển sang bãi khác tại cảng Láng Lùn (tỉnh Đồng Nai) để tiêu thụ, thu lợi bất chính nhiều tỷ đồng.

Sau thời gian theo dõi, mới đây, lực lượng cảnh sát kinh tế, an ninh kinh tế, cơ động, phòng cháy, an ninh mạng... ập vào bắt quả tang nhóm này đang khai thác cát lậu, ngăn chặn nhiều tấn cát đang được vận chuyển về nơi tập trung là khu phố Long Bửu, phường Long Bình, TP. Thủ Đức.

Chuyên đề