Bản tin thời sự sáng 14/8

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là sạt lở quốc lộ qua Cao Bằng, Sơn La; Bộ Ngoại giao cảnh báo công dân Việt Nam không nên đến Liban, Iran và Israel; Bộ GTVT đề xuất mức phí thu 10 tuyến cao tốc, dự kiến thu 3.210 tỷ đồng/năm; vàng miếng SJC trở lại mốc 80 triệu đồng…

Sạt lở quốc lộ qua Cao Bằng, Sơn La

Do ảnh hưởng của đợt mưa lớn, taluy dương trên các Quốc lộ 34, 4C qua Cao Bằng; Quốc lộ 37, 43, 279D qua Sơn La bị sạt lở, giao thông tê liệt.

Sạt lở trên Quốc lộ 4C qua Cao Bằng

Sạt lở trên Quốc lộ 4C qua Cao Bằng

Rạng sáng 13/8, trên Quốc lộ 34 đoạn giáp huyện Nguyên Bình và Hòa An, tỉnh Cao Bằng xảy ra sạt lở taluy dương. Đơn vị bảo dưỡng đường đã huy động máy xúc, ôtô để hót dọn, phấn đấu thông đường.

Một số đoạn trên Quốc lộ 4C qua tỉnh Cao Bằng cũng bị sạt khoảng 1.000 m3 đất đá gây tắc đường. Các đơn vị đang dọn dẹp, giúp các phương tiện lưu thông.

Mưa lớn tại tỉnh Sơn La từ đêm 12/8 khiến 4 vị trí trên địa bàn bị sạt lở nghiêm trọng, gây ách tắc từ 6h sáng 13/8. Trên Quốc lộ 43 có hai đoạn bị sạt tại xã Tân Phong, huyện Phù Yên, các đơn vị bảo dưỡng đường đang dọn đất đá, dự kiến thông đường trong ngày.

Quốc lộ 37 qua xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, bị sạt taluy dương; Quốc lộ 279D có một vị trí sạt lở tại xã Mường Bú, huyện Mường La. Hiện hai đoạn này được dọn sạch và thông xe.

Mưa lớn những ngày qua khiến nhiều nơi ở Cao Bằng xảy ra lũ, ngập úng cục bộ như Pắc Bó, huyện Hà Quảng, huyện Trùng Khánh.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia nhận định từ 11/8 đến 17/8, miền Bắc mưa lớn, cao điểm mưa 60-120 mm, có nơi trên 250 mm. Lượng mưa lớn, tập trung vào chiều tối và đêm trên phạm vi hẹp (ở không gian cấp tỉnh) nên lũ quét, sạt lở đất, ngập úng có thể xảy ra tại các khu vực trũng thấp, đặc biệt ở các tỉnh vùng núi phía Bắc.

Bộ Ngoại giao cảnh báo công dân Việt Nam không nên đến Liban, Iran và Israel

Trước tình hình leo thang căng thẳng ở khu vực Trung Đông, Bộ Ngoại giao tiếp tục cảnh báo công dân Việt Nam không nên đến Liban, Iran và Israel trong thời điểm này.

Người dân sơ tán khỏi thành phố Khan Younis, miền Nam Dải Gaza ngày 8/8 vừa qua. Ảnh: THX/TTXVN

Người dân sơ tán khỏi thành phố Khan Younis, miền Nam Dải Gaza ngày 8/8 vừa qua. Ảnh: THX/TTXVN

Chiều 13/8, tại Trụ sở Bộ Ngoại giao, được sự ủy quyền của Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc, Trưởng Ban chỉ đạo công tác bảo hộ công dân của Bộ Ngoại giao, Cục Lãnh sự với vai trò Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo đã chủ trì cuộc họp với các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam tại Israel, Iran và Ai Cập kiêm nhiệm Liban, các đơn vị chức năng thuộc Bộ Ngoại giao để thảo luận các biện pháp bảo hộ công dân Việt Nam trước tình hình leo thang căng thẳng ở khu vực Trung Đông.

Tại cuộc họp, các cơ quan đại diện Việt Nam đã cập nhật những diễn biến cũng như đánh giá, dự báo diễn tiến tình hình khu vực trong thời gian sắp tới.

Liên quan đến tình hình công dân Việt Nam, các cơ quan đại diện cho biết thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng sở tại cập nhật cảnh báo công dân, liên lạc chặt chẽ với các Hội/đoàn người Việt Nam ở sở tại cập nhật thông tin liên quan đến tâm tư, nguyện vọng của bà con để sẵn sàng các phương án bảo hộ công dân trong trường hợp khẩn cấp.

Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các cơ quan đại diện, Ban Chỉ đạo công tác bảo hộ công dân sẽ hoàn thiện các phương án bảo hộ công dân, kể cả các phương án sơ tán công dân để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Bộ Ngoại giao tiếp tục cảnh báo công dân Việt Nam không nên đến Liban, Iran và Israel trong thời điểm này; tuân thủ các quy định và hướng dẫn về các biện pháp bảo vệ an ninh an toàn của chính quyền sở tại; thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo của Bộ Ngoại giao (Cục Lãnh sự hoặc Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập, Iran, Israel và các nước lân cận) để phản ứng kịp thời.

Bộ GTVT đề xuất mức phí thu 10 tuyến cao tốc, dự kiến thu 3.210 tỷ đồng/năm

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đang xin ý kiến góp ý vào dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về thu phí sử dụng đường bộ cao tốc, hướng dẫn Luật Đường bộ 2024 vừa được Quốc hội ban bành.

10 tuyến cao tốc có thể áp dụng thu phí đường bộ cao tốc

10 tuyến cao tốc có thể áp dụng thu phí đường bộ cao tốc

Theo quy định của Luật Đường bộ 2024, Nhà nước sẽ thu phí sử dụng với phương tiện lưu thông trên cao tốc do Nhà nước đầu tư, sở hữu, quản lý và khai thác.

Trên cơ sở đó, Bộ GTVT đề xuất mức phí sử dụng đường cao tốc áp dụng đối với đường cao tốc đáp ứng đầy đủ các quy định về điều kiện triển khai thu phí (mức 1), tương đương với 70% lợi ích thu được khi sử dụng đường cao tốc (khoảng 1.300 đồng/xe/km).

Mức phí sử dụng đường cao tốc áp dụng đối với các dự án đường cao tốc đã được quyết định chủ trương đầu tư trước ngày Luật Đường bộ có hiệu lực thi hành, khi đưa vào khai thác mà chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu quy định tại Luật Đường bộ (mức 2), tương đương với 50% lợi ích thu được khi sử dụng đường cao tốc (khoảng 900 đồng/xe/km).

Về mức phí này, Bộ GTVT cho biết được xác định cơ bản bù đắp chi phí quản lý, vận hành thu phí, bảo trì đường cao tốc. Đồng thời, có tính đến chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước; cũng như được xây dựng trên cơ sở tính toán lợi ích của người sử dụng đường cao tốc…

Theo Bộ GTVT, việc thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư sẽ tạo nguồn thu ngân sách Nhà nước khi huy động kịp thời, hợp lý nguồn lực từ người sử dụng đường cao tốc, góp phần tạo nguồn kinh phí để đầu tư phát triển hệ thống đường cao tốc, chi thực hiện công tác quản lý, bảo trì.

Số tiền thu được sau khi trừ các chi phí tổ chức thu phí sẽ được nộp về ngân sách Nhà nước và được sử dụng theo quy định của Luật Ngân sách.

"Với mức phí đề xuất như đã nêu trên, dự kiến sau khi triển khai thu phí đối với 10 tuyến cao tốc đang khai thác, dự kiến số phí thu được 3.210 tỷ đồng/năm; số thu nộp ngân sách nhà nước là 2.850 tỷ đồng/năm", Bộ GTVT cho biết.

Cũng theo dự kiến của Bộ GTVT, 10 tuyến cao tốc có thể áp dụng thu phí đường bộ cao tốc: Hà Nội - Thái Nguyên, TP.HCM - Trung Lương, Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Hòa Liên, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, Mỹ Thuận - Cần Thơ.

Vàng miếng SJC trở lại mốc 80 triệu đồng

Vàng miếng SJC sáng 13/8 tăng 1,5 triệu, lên 80 triệu đồng mỗi lượng khi giá thế giới tăng vọt.

Vàng miếng SJC trở lại mốc 80 triệu đồng

Vàng miếng SJC trở lại mốc 80 triệu đồng

Biểu giá vàng miếng của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) lên mức 78 - 80 triệu đồng mỗi lượng, tăng 1,5 triệu ở hai chiều mua bán. Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, Bảo Tín Minh Châu cũng điều chỉnh giá kim loại quý lên ngang mức của SJC.

Ngưỡng 80 triệu đồng cũng là mức bán ra trên thị trường cao nhất kể từ khi Ngân hàng Nhà nước bán vàng bình ổn từ đầu tháng 6. Theo quy định, 4 ngân hàng quốc doanh và SJC được phép bán chênh tối đa 1 triệu đồng so với giá họ mua từ Ngân hàng Nhà nước. Như vậy, mức bán ra từ cơ quan quản lý cho các đơn vị kinh doanh khoảng 79 triệu đồng một lượng.

Tương tự vàng miếng, giá nhẫn trơn 24K cũng bật tăng. Mỗi lượng vàng nhẫn tại SJC đắt thêm 300.000 đồng, lên 76,6 - 77,9 triệu đồng. Loại này tại một số doanh nghiệp kinh doanh khác cũng quanh 78 triệu đồng một lượng. Đà tăng của giá vàng trong nước cùng chiều với giá thế giới.

Ngừng giao dịch chứng khoán online nếu không cập nhật CCCD

Từ 1/10, các công ty chứng khoán sẽ dừng giao dịch trực tuyến với các nhà đầu tư chưa cập nhật thông tin theo căn cước công dân (CCCD).

Giao dịch trực tuyến của nhà đầu tư tại TP.HCM

Giao dịch trực tuyến của nhà đầu tư tại TP.HCM

Thông báo cập nhật thông tin CCCD được các công ty chứng khoán gửi tới các nhà đầu tư từ đầu tuần này, theo yêu cầu của Ủy ban chứng khoán.

"Từ ngày 1/10, để đảm bảo nguyên tắc giao dịch điện tử, các trường hợp không cập nhật CCCD trên tài khoản sẽ phải đến trực tiếp tại công ty chứng khoán để thực hiện giao dịch", thông báo của Công ty Chứng khoán FPT (FPTS) cho biết.

Ngoài FPTS, nhà đầu tư mở tài khoản ở các công ty chứng khoán khác cũng nhận được thông báo tương tự, áp dụng từ ngày 1/10. Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết chỉ cung cấp dịch vụ giao dịch online với các tài khoản có thông tin nhà đầu tư khớp đúng với CCCD tại Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư. Chẳng hạn, trước đây khi mở tài khoản nhà đầu tư đăng ký thông tin bằng chứng minh thư, thì tới đây họ cần cập nhật mới theo CCCD.

Công ty Chứng khoán VIX đề nghị thêm, kể cả giao dịch tại quầy, nhà đầu tư vẫn phải thực hiện chuẩn hóa thông tin.

Theo các công ty chứng khoán, nhà đầu tư có thể cập nhật thông tin CCCD trên ứng dụng, hoặc gửi thông tin qua mail, bưu điện.

Tính tới cuối tháng 7, thị trường chứng khoán Việt Nam có gần 8,33 triệu tài khoản đang giao dịch. Trong đó, nhà đầu tư cá nhân chiếm chủ yếu, với 8,31 triệu tài khoản.

Yêu cầu thu hồi gần 900 ha dự án trồng cao su trên đất rừng nghèo ở Gia Lai

Sau khi phát hiện các sai phạm tại dự án trồng cao su trên đất rừng nghèo của Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai, ở huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai, Thanh tra Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Gia Lai chấm dứt hoạt động của dự án và thu hồi dự án này theo quy định.

Yêu cầu thu hồi gần 900 ha dự án trồng cao su trên đất rừng nghèo ở Gia Lai. Ảnh minh họa

Yêu cầu thu hồi gần 900 ha dự án trồng cao su trên đất rừng nghèo ở Gia Lai. Ảnh minh họa

Dự án của Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai có tổng diện tích 895,5 ha, được phê duyệt đầu tư từ năm 2011; UBND tỉnh Gia Lai cho thuê đất từ năm 2014.

Tuy nhiên, đến thời điểm thanh tra (tháng 1/2022) tức là sau 11 năm, doanh nghiệp mới chỉ hoàn thành một số công đoạn chuẩn bị đầu tư, như: đào hào chống xâm lấn, bảo vệ rừng, xây dựng vườn ươm và lập hồ sơ khai thác tận thu. Đáng nói, doanh nghiệp chưa thực hiện việc trồng cao su và còn nợ số tiền thuế đất cùng tiền chậm nộp là trên 13,7 tỷ đồng.

Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ cũng phát hiện UBND tỉnh Gia Lai đã có văn bản ngày 11/9/2017 cho phép Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai tiếp tục triển khai dự án trên diện tích 209,5 ha đất lâm nghiệp chưa có rừng; cho thuê thêm 554,4 ha đất rừng tự nhiên nghèo kiệt để quản lý và bảo vệ…

Thanh tra Chính phủ chỉ rõ trách nhiệm chính trong việc để xảy ra những sai phạm và thiếu sót này thuộc về Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục trưởng Cục thuế tỉnh, ông Kpă Thuyên- nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai và các cá nhân liên quan khác qua các thời kỳ.

Thanh tra Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Gia Lai chấm dứt hoạt động dự án, thu hồi đất theo quy định và tuân thủ nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Việc chuyển rừng nghèo sang trồng cao su được tỉnh Gia Lai triển khai từ năm 2009; đã có 16 doanh nghiệp thực hiện dự án trồng cao su trên tổng diện tích 25.000 ha đất rừng nghèo tại các huyện Chư Prông, Chư Pưh, Ia Grai, Đức Cơ, Ia Pa. Tuy nhiên, qua rà soát, đã có hơn 16.500 ha cao su bị chết, kém phát triển.

Năm 2018, tỉnh Gia Lai đề xuất được chuyển trên 12.000 ha cao su chết, kém phát triển trên đất rừng nghèo sang trồng cây khác. Nhưng từ đó tới nay, chưa có doanh nghiệp nào chuyển đổi hiệu quả. Vì vậy, diện tích đất này tới này vẫn hầu như bị bỏ phí.

Shopee, TikTok Shop chiếm hơn 90% thị phần bán lẻ online

Chênh lệch doanh thu của top 4 sàn bán lẻ trực tuyến đa ngành ngày càng lớn, chỉ còn Shopee và TikTok Shop đua nhau chiếm phần lớn thị phần.

Tài xế giao hàng chờ khách ở Công trường Mê Linh, quận 1, TP.HCM

Tài xế giao hàng chờ khách ở Công trường Mê Linh, quận 1, TP.HCM

Báo cáo mới công bố của Công ty phân tích & tư vấn phát triển kênh thương mại điện tử YouNet ECI, cho biết người tiêu dùng chi 87.370 tỷ đồng mua sắm trên 4 sàn thương mại điện tử đa ngành lớn nhất Việt Nam quý II gồm: Shopee, TikTok Shop, Lazada và Tiki, tăng 10,4% so với quý I.

Trong đó, gần ba phần tư chi tiêu chảy vào Shopee, với tổng giao dịch (GMV) đạt 62.380 tỷ đồng, chiếm 71,4% thị phần. Xếp thứ hai tiếp tục là TikTok Shop với 19.240 tỷ đồng, tương đương 22%.

Tính chung, hai sàn này nắm đến 93,4% thị phần GMV, tăng so với mức 91,25% hồi quý I. Trong đó, chỉ Shopee mở rộng thị phần quý vừa qua, 3 sàn còn lại đều thu hẹp. Lazada và Tiki chỉ còn chiếm lần lượt 5,9% và 0,7%.

Với diễn biến này, thị trường bán lẻ trực tuyến hiện chỉ còn "cuộc đua song mã" giữa Shopee và TikTok Shop, theo YouNet ECI. Tuy nhiên, quý trước, tốc độ tăng trưởng GMV của Shopee nhanh hơn TikTok Shop, lần lượt đạt 16,1% so với 4,8%, giúp "ngôi vương" củng cố thêm 3,5 điểm thị phần.

"Ngôi sao mới nổi" TikTok Shop vẫn chưa theo kịp Shopee vì phụ thuộc lớn vào nhóm ngành thời trang và phụ kiện - chiếm 37,5% trên tổng GMV, trong khi Shopee chỉ 24%. Sau khi người tiêu dùng mua sắm nhiều mặt hàng này dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu đã giảm trong quý II khiến TikTok Shop ảnh hưởng hơn.

Với phương châm "sàn bạn có gì mình có đó", Shopee tổ chức các hoạt động shoppertainment (mua sắm kết hợp giải trí) như đối thủ. Sàn này cũng có nội dung video ngắn lẫn livestream. Đỉnh điểm vào tháng 6, TikTok Shop có các phiên livestream trăm tỷ thì Shopee cũng không kém cạnh với chuỗi sự kiện live kết hợp nhạc hội. Cuộc ganh đua này giúp GMV toàn thị trường tháng 6 đạt 33.800 tỷ đồng, tháng cao nhất từ đầu năm.

Giám đốc, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Gia Lai bị kiểm tra

Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Gia Lai đã kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với Giám đốc và Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh này.

Trụ sở Sở Nội vụ tỉnh Gia Lai.

Trụ sở Sở Nội vụ tỉnh Gia Lai.

Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Gia Lai đã quyết định kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Đảng ủy Sở Nội vụ và các ông Nguyễn Đình Tiến, Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Nội Vụ; ông Hồ Hải Tần, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, kiêm Trưởng Ban Tôn giáo tỉnh.

Trước đó, Thanh tra tỉnh Gia Lai ban hành kết luận thanh tra việc quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí tại Sở Nội vụ tỉnh Gia Lai. Thời kỳ thanh tra từ năm 2020-2023, riêng Ban Tôn giáo tỉnh từ năm 2015-2023.

Kết luận chỉ rõ, lãnh đạo và kế toán Sở Nội vụ chi thanh toán một số nhiệm vụ chi không đúng quy định, quyết toán sai kinh phí dự án gói thầu hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính và xây dựng cơ sở dữ liệu về địa giới hành chính với tổng số tiền hơn 963 triệu đồng.

Tại Ban Tôn giáo tỉnh Gia Lai, dù chưa được UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét việc sử dụng ngân sách theo quyết định của Thủ tướng nhưng Ban Tôn giáo vẫn lập dự toán để chi, Sở Tài chính vẫn thông báo dự toán chi ngân sách, dẫn để Sở Nội vụ phê duyệt quyết toán gây thất thoát hơn 1,4 tỷ đồng.

Ngoài ra, Ban Tôn giáo tỉnh dùng kinh phí không tự chủ để tự ý chi cho các nội dung chi, mức chi không có trong quy định của Nhà nước từ năm 2012-2023, gây thất thoát cho ngân sách tổng số tiền hơn 8,3 tỷ đồng.

Chuyên đề