Bản tin thời sự sáng 14/8

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận làViệt Nam nhận thêm 1,1 triệu liều vaccine AstraZeneca; thêm bệnh viện ICU gần 500 giường ở Bình Dương; đề xuất 7.600 tỷ đồng đầu tư giai đoạn 1 cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng; Đà Nẵng miễn 100% học phí các cấp vì Covid-19; Bà Rịa - Vũng Tàu giãn cách xã hội thêm 10 ngày bắt đầu từ ngày 16/8…

Việt Nam nhận thêm 1,1 triệu liều vaccine AstraZeneca

Đây là lô thứ 8 thuộc hợp đồng cung ứng 30 triệu liều vaccine của AstraZeneca do Việt Nam đặt mua thông qua Công ty VNVC.

Lô vaccine AstraZeneca hơn 1,1 triệu liều đã về tới Sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM sáng 13/8

Lô vaccine AstraZeneca hơn 1,1 triệu liều đã về tới Sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM sáng 13/8

Sáng 13/8, lô vaccine AstraZeneca hơn 1,1 triệu liều đã về tới Sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM, nâng tổng số vaccine hiện có lên trên 20,5 triệu liều.

Số vaccine Việt Nam đã tiếp nhận được cung ứng từ 3 nguồn là hợp đồng của VNVC, Cơ chế Covax và viện trợ giữa chính phủ các nước.

Bộ Y tế cho biết trong tháng 8 - 9, sẽ có thêm khoảng 12 triệu liều từ các nguồn về Việt Nam. Đặc biệt, trong quý IV, lượng vaccine sẽ về dồn dập, trong đó riêng Pfizer khoảng 4,7 triệu liều.

Tính đến ngày 12/8, cả nước đã tiêm chủng hơn 12 triệu liều vaccine phòng Covid-19 các loại, trong đó tiêm một mũi là 11.006.121 người, tiêm mũi hai là 1.092.700 người.

Thêm bệnh viện ICU gần 500 giường ở Bình Dương

Bệnh viện dã chiến hồi sức cấp cứu với 437 giường ICU, cùng trang thiết bị hiện đại được tỉnh Bình Dương thiết lập tại 3 tầng của Bệnh viện Đa khoa quốc tế Becamex (TP. Thuận An).

Một giường bệnh được lắp đặt nhiều máy móc hiện đại phục vụ công tác điều trị

Một giường bệnh được lắp đặt nhiều máy móc hiện đại phục vụ công tác điều trị

Bệnh viện thu dung, điều trị, cấp cứu bệnh nhân Covid-19 từ mức độ vừa (tầng 2) đến nặng, nguy kịch (tầng 3), bao gồm cả bệnh nhân trong và ngoài nước. Bình Dương áp dụng theo mô hình tháp 3 tầng điều trị Covid-19 của Bộ Y tế.

Bệnh viện có 300 giường điều trị bệnh nhân nặng và 37 giường bệnh nhân nguy kịch. Nơi đây được đấu nối đầy đủ hệ thống khí trung tâm gồm: oxy, khí nén, khí hút. Ngoài ra, sẽ có 100 giường cho bệnh nhân mức độ trung bình.

Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, được Bộ Y tế chỉ định làm Giám đốc Y khoa Bệnh viện dã chiến ICU Bình Dương, cùng với sự hỗ trợ của nhiều y bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Becamex...

Bệnh viện Đa khoa quốc tế Becamex hoạt động theo mô hình "bệnh viện tách đôi", bên cạnh nhiệm vụ điều trị bệnh nhân Covid-19, những tầng dưới vẫn tiếp nhận cấp cứu và điều trị bệnh nhân mắc các bệnh khác.

Ngành y tế Bình Dương đang thu dung điều trị 18.023 bệnh nhân Covid-19, trong đó 1.783 ca có triệu chứng, 525 bệnh nhân kèm bệnh nền và 604 trường hợp nặng. Toàn tỉnh có 16 khu điều trị và 4 bệnh viện dã chiến với gần 20.000 giường, trong đó có khoảng 400 giường hồi sức cấp cứu.

Đề xuất 7.600 tỷ đồng đầu tư giai đoạn 1 cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng

Tỉnh Lạng Sơn đề xuất xây dựng cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng dài 43 km theo phương thức đối tác công tư (PPP). Trong đó, phân kỳ giai đoạn một đầu tư 17 km từ cửa khẩu Hữu Nghị đến TP. Lạng Sơn. Đoạn còn lại dài 27 km từ TP. Lạng Sơn đến huyện Chi Lăng.

Cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng chưa được triển khai, trong khi đoạn cao tốc Bắc Giang - Chi Lăng đã hoàn thành

Cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng chưa được triển khai, trong khi đoạn cao tốc Bắc Giang - Chi Lăng đã hoàn thành

Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến các bộ, ngành, tuyến cao tốc phân kỳ giai đoạn một đầu tư 17 km từ cửa khẩu Hữu Nghị đến TP. Lạng Sơn, quy mô 2 làn xe, nền đường rộng 22 m, mặt đường rộng 12,5 m.

Đoạn còn lại dài 27 km từ TP. Lạng Sơn đến huyện Chi Lăng, quy mô 4 làn xe, nền đường rộng 22 m, mặt đường rộng 16 m.

Tổng mức đầu tư giai đoạn một dự kiến là 7.609 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước tham gia 3.500 tỷ đồng (ngân sách trung ương 2.500 tỷ đồng, ngân sách địa phương 1.000 tỷ đồng), vốn nhà đầu tư và vốn tín dụng là 4.109 tỷ đồng.

Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 đã được Hội đồng thẩm định quy hoạch thông qua, đang trình Thủ tướng Chính phủ ban hành, cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng có quy mô 6 làn xe, dự kiến triển khai giai đoạn 2020 - 2030.

Đà Nẵng miễn 100% học phí các cấp vì Covid-19

Năm học 2021 - 2022, TP. Đà Nẵng hỗ trợ 100% học phí cho trẻ mầm non, học sinh THCS, THPT trường công lập và ngoài công lập vì Covid-19.

Dự kiến Đà Nẵng dùng hơn 87 tỷ đồng từ ngân sách để hỗ trợ học phí năm học 2021 - 2022
Dự kiến Đà Nẵng dùng hơn 87 tỷ đồng từ ngân sách để hỗ trợ học phí năm học 2021 - 2022

Nội dung này được HĐND TP. Đà Nẵng khóa X thông qua bằng nghị quyết. Học phí được hỗ trợ trong 9 tháng của năm học 2021 - 2022, dự kiến hơn 87 tỷ đồng từ ngân sách.

Học sinh tiểu học công lập đã được miễn học phí theo Luật Giáo dục nên Nghị quyết không đề cập, tiếp tục áp dụng.

Học sinh được giảm học phí theo các chính sách của Trung ương và Thành phố sẽ được cấp bù phần hỗ trợ cho bằng 100% mức thu học phí công lập. Đà Nẵng không áp dụng hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học và phổ thông thuộc các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài.

TP.HCM đề xuất chia nhỏ dự án thành phần Vành đai 3 để đầu tư

TP.HCM đề xuất tách giải phóng mặt bằng, làm đường song hành và tuyến nối của Vành đai 3 dài hơn 90 km thành các tiểu dự án, thay vì một dự án thành phần để thuận lợi đầu tư.

Sơ đồ tuyến Vành đai 3 TP.HCM

Sơ đồ tuyến Vành đai 3 TP.HCM

Nội dung này được UBND TP.HCM đề cập trong văn bản khẩn gửi Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (đại diện Bộ Giao thông vận tải lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án) và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An (nơi tuyến Vành đai 3 đi qua), nhằm sớm thống nhất hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án. Đề xuất chia thành các tiểu dự án của Thành phố nhằm giúp các địa phương chủ động thực hiện, dưới sự điều phối của Bộ Giao thông vận tải.

Trước đó, việc giải phóng mặt bằng, làm đường song hành (gồm các tuyến nối) cùng hạ tầng kỹ thuật được tính toán là một dự án thành phần, thuộc giai đoạn một xây dựng Vành đai 3, tổng mức đầu tư khái toán hơn 51.700 tỷ đồng. Hiện nay, ngoài việc muốn chia dự án thành phần này thành các tiểu dự án, TP.HCM cũng đề xuất các địa phương chịu trách nhiệm làm đường song hành, bao gồm cả giải phóng mặt bằng theo quy mô hoàn chỉnh ở những đoạn đi qua địa bàn.

Theo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, Vành đai 3 đi qua địa bàn TP.HCM dài hơn 47 km. Trong giai đoạn một, việc làm đường song hành (gồm giải phóng mặt bằng) đoạn này dự kiến tổng vốn gần 28.800 tỷ đồng. Phần qua Đồng Nai dài 11,3 km, kinh phí xây dựng tuyến song hành, giải phóng mặt bằng hơn 1.600 tỷ đồng. Hai đoạn còn lại đi qua Bình Dương và Long An, tổng chiều dài gần 33 km, ước tính vốn đầu tư hơn 21.300 tỷ đồng trong giai đoạn đầu tiên.

Bà Rịa - Vũng Tàu giãn cách xã hội thêm 10 ngày bắt đầu từ ngày 16/8

Sau 28 ngày thực hiện Chỉ thị 16, Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục giãn cách xã hội thêm 10 ngày bắt đầu từ ngày 16/8, riêng Côn Đảo áp dụng theo Chỉ thị 15.

Bà Rịa - Vũng Tàu đang thực hiện kế hoạch chống dịch với hai giai đoạn

Bà Rịa - Vũng Tàu đang thực hiện kế hoạch chống dịch với hai giai đoạn

Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu Phạm Viết Thanh cho biết, TP. Vũng Tàu, TP. Bà Rịa, thị xã Phú Mỹ và 4 huyện sẽ tiếp tục giãn cách theo Chỉ thị 16 đến hết ngày 25/8.

Sau một tháng rưỡi bùng phát Covid-19, Bà Rịa - Vũng Tàu đã ghi nhận 2.462 ca nhiễm (21 người tử vong) ở 7 trên 8 địa phương trong tỉnh. Huyện Côn Đảo, cách đất liền gần 200 km, chưa ghi nhận ca nhiễm.

Theo nhận định của ngành y tế Tỉnh, từ khi giãn cách xã hội đợt 2 (ngày 2/8 đến nay), số lượng các ca F0 tại địa phương có xu hướng giảm dần. Tuy nhiên, một số ngày ghi nhận ca nhiễm tăng đột biến.

Bà Rịa - Vũng Tàu đang thực hiện kế hoạch chống dịch với hai giai đoạn: ngày 10 - 15/8 và ngày 15 - 25/8. Khởi đầu, địa phương đặt mục tiêu giữ vùng an toàn đối với 23 trên 82 xã, phường, thị trấn. Khi kết thúc giai đoạn 2, toàn tỉnh nâng lên 81 xã, phường, thị trấn là vùng an toàn.

Bà Rịa - Vũng Tàu rộng 1.987 km2, giáp Đồng Nai, TP.HCM và Bình Thuận. Đây là một trong 19 tỉnh, thành đang giãn cách ở phía Nam - khu vực dịch bệnh đang phức tạp.

Thu giữ hơn 13.000 máy tạo oxy nhập lậu tại TP.HCM

Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết, lực lượng QLTT TP.HCM vừa tiến hành kiểm tra, phát hiện 2 vụ vi phạm, thu giữ lượng lớn các trang thiết bị y tế phòng, chống dịch bệnh Covid-19, trong đó có máy tạo oxy, kit test nhanh... trên địa bàn quận Bình Tân và Tân Phú.

Các sản phẩm nhập lậu được lực lượng QLTT thu giữ

Các sản phẩm nhập lậu được lực lượng QLTT thu giữ

Cụ thể, Đội QLTT số 1 (Cục QLTT TP.HCM) tiến hành khám phương tiện vận tải, đồ vật theo thủ tục hành chính đối với container chứa hàng hóa đặt trên rơ-mooc có đầu kéo mang số hiệu CAIU8577984 (rơ-moóc số 51R-092.85 và đầu kéo số 51D-044.47) dừng đậu trong khuôn viên Kho 601 (địa chỉ số 601 - 603 - 605 Quốc lộ 1A, phường An Lạc, quận Bình Tân). Toàn bộ hàng hóa thuộc sở hữu của bà BNTT.

Qua kiểm đếm hàng hóa thực tế, Cục QLTT TP.HCM phát hiện nhiều kiện hàng hóa bên ngoài không có thông tin đầy đủ, tổng cộng 13.828 đơn vị sản phẩm gồm mặt hàng máy tạo oxy, dụng cụ đo nồng độ oxy trong máu, vỏ chai đựng oxy, thực phẩm bao gói sẵn, quần áo may sẵn, phụ tùng xe gắn máy, phụ kiện điện thoại… các loại mang các thương hiệu, do Trung Quốc và Mỹ sản xuất.

Toàn bộ số hàng hóa đều có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, không có tài liệu liên quan đến chất lượng hàng hóa. Chủ cơ sở cũng không xuất trình được các hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa. Trong số đó có nhiều nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam.

Cục QLTT TP.HCM tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để thẩm tra, xác minh và xử lý theo đúng quy định pháp luật.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư