Bản tin thời sự sáng 14/4

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua gthu hút sự quan tâm của dư luận là TP.HCM phê bình 25 đơn vị chưa giải ngân đồng nào; đề xuất xây bãi xe ngầm 7 tầng ở sân golf trung tâm Đà Lạt; đường sắt dự kiến thoát lỗ năm nay; hơn 9.300 chỉ tiêu tại phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối 8 tỉnh, thành phố; tàu cao tốc TP.HCM - Cần Giờ - Vũng Tàu được phép hoạt động trở lại từ 14/4…

TP.HCM phê bình 25 đơn vị chưa giải ngân đồng nào

Các Quận 4, 7, 8, Tân Phú, nhiều bệnh viện lớn và ban quản lý dự án bị Chủ tịch UBND TP.HCm phê bình vì giải ngân 0% trong ba tháng đầu năm.

Cầu Long Kiểng mới ở huyện Nhà Bè dùng vốn ngân sách bị chậm tiến độ 3 năm do vướng mặt bằng

Cầu Long Kiểng mới ở huyện Nhà Bè dùng vốn ngân sách bị chậm tiến độ 3 năm do vướng mặt bằng

Nội dung được nêu trong công văn do Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vừa ban hành. Đến hết tháng 3/2023, tổng số vốn giải ngân của Thành phố là 1.608 tỷ đồng, chỉ đạt 4% so với kế hoạch vốn được giao năm 2023.

Theo bảng phân bổ vốn năm nay, có 61 đơn vị, 25 chủ đầu tư giải ngân 0%. Trong đó gồm: UBND Quận 4, 7, 8, Tân Phú, Quận ủy Quận 1, Sở Tài nguyên - Môi trường; các bệnh viện lớn như Nhân dân 115, Gia Định, Nhi đồng 1, Răng Hàm Mặt, Trưng Vương, Nguyễn Tri Phương; các ban quản lý dự án đầu tư xây dựng Khu công nghệ cao, Công ty TNHH MTV Thảo cầm viên Sài Gòn, một số đơn vị thuộc Bộ Công an và Bộ Quốc phòng...

Năm nay, UBND TP.HCM phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công hơn 43.400 tỷ đồng và đặt mục tiêu giải ngân đạt ít nhất 95%. Do đó, Chủ tịch Phan Văn Mãi yêu cầu sở, ngành phải tập trung tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án và giải ngân vốn đầu tư công.

Trong đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư được giao rà soát, đề xuất phê bình các đơn vị chưa lập kế hoạch chi tiết triển khai, kiểm tra và giám sát giải ngân vốn đầu tư công; đồng thời tổng hợp nội dung công việc thực hiện, số vốn và tỷ lệ giải ngân của các đơn vị theo từng tháng.

Theo các chuyên gia, vốn giải ngân đầu tư công thấp là một trong những nguyên nhân khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế của TP.HCM trong quý I/2023 chỉ đạt 0,7%, thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương.

Đề xuất xây bãi xe ngầm 7 tầng ở sân golf trung tâm Đà Lạt

Doanh nghiệp đề xuất làm hai khu hầm đậu xe 7 tầng kết hợp trung tâm thương mại ở sân golf Đồi Cù giữa TP. Đà Lạt để phục vụ kinh tế đêm.

Sân golf đồi Cù, TP. Đà Lạt, nơi doanh nghiệp đề xuất làm bãi đậu xe ngầm

Sân golf đồi Cù, TP. Đà Lạt, nơi doanh nghiệp đề xuất làm bãi đậu xe ngầm

Kiến nghị của Công ty CP Hoàng Gia ĐL (chủ sân golf Đồi Cù, sở hữu nhiều công trình du lịch ở Đà Lạt) vừa được UBND tỉnh Lâm Đồng ủng hộ, song yêu cầu phải nghiên cứu kỹ. Công trình không được làm thay đổi cảnh quan của khu vực sân golf hiện tại (rộng 62,4 ha) và danh thắng Hồ Xuân Hương nằm bên cạnh.

Trước đó, Công ty CP Hoàng Gia ĐL đề xuất triển khai 2 dự án ở sân golf Đồi Cù, gồm: Dự án Khu vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng phức hợp và hai khu hầm để xe 7 tầng và một hầm kết hợp trung tâm thương mại (khu vực Dự án giáp với Hồ Xuân Hương, gần đoạn giao giữa đường Trần Quốc Toản - Đinh Tiên Hoàng); Dự án Mở rộng đường Trần Quốc Toản, đoạn từ nút giao Trần Nhân Tông đến nút giao với đường Đinh Tiên Hoàng. Sau khi hoàn thành, doanh nghiệp sẽ giao lại cho chính quyền TP. Đà Lạt quản lý, phục vụ cộng đồng.

Chủ đầu tư cho rằng, khi dự án hoàn thành sẽ giải quyết chỗ đậu cho ôtô 30 - 45 chỗ, giảm ùn tắc những ngày cuối tuần, ngày lễ; đồng bộ cơ sở hạ tầng xung quanh sân golf, tạo tổ hợp dịch vụ du lịch, điểm nhấn thu hút khách...

UBND Lâm Đồng giao các sở chức năng hoàn thiện đồ án quy hoạch điều chỉnh dự án ở sân golf Đồi Cù, báo cáo Tỉnh xem xét cho ý kiến trước khi tổ chức thẩm định phê duyệt.

Đường sắt dự kiến thoát lỗ năm nay

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam dự kiến lấy lại lợi nhuận dương trong năm nay, sau 3 năm liên tiếp kinh doanh thua lỗ.

Đường sắt dự kiến thoát lỗ năm nay

Đường sắt dự kiến thoát lỗ năm nay

Theo kế hoạch sản xuất - kinh doanh được Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phê duyệt, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (công ty mẹ) đặt chỉ tiêu doanh thu hơn 6.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chỉ 3 tỷ đồng trong năm nay; dự kiến nộp ngân sách nhà nước khoảng 115 tỷ.

Nếu thành công, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ ghi nhận lợi nhuận dương sau ba năm liên tiếp kinh doanh dưới giá vốn.

Theo thống kê sơ bộ, năm 2022, hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp này bắt đầu phục hồi sau dịch và có lãi từ kinh doanh vận tải. Doanh thu của Tổng công ty đạt hơn 7.700 tỷ đồng, tăng 14% so cùng kỳ và vượt 16% kế hoạch năm. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế vẫn âm 130,5 tỷ đồng. Song kết quả trên giúp doanh nghiệp giảm lỗ hơn 400 tỷ đồng so với năm 2021.

Năm 2023, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phấn đấu không lỗ từ hoạt động sản xuất kinh doanh chính.

Quý I/2023, ngành đường sắt ghi nhận sự phục hồi tốt. Trong đó, Công ty Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, sản lượng hành khách đạt hơn 800.000 người, tăng trưởng khoảng 200% so với cùng kỳ. Doanh thu vận tải hành khách đạt khoảng 300 tỷ đồng, cùng tăng 200%. Tương tự, Công ty Vận tải đường sắt Sài Gòn ghi nhận sản lượng hành khách đạt hơn 660.000 người, tăng khoảng 136%. Doanh thu vận tải hành khách đạt hơn 360 tỷ đồng, tăng hơn 147%.

Hơn 9.300 chỉ tiêu tại phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối 8 tỉnh, thành phố

Tại phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối 8 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Hưng Yên, Thái Bình, Quảng Ninh và Hải Phòng diễn ra ngày 13/4, 126 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng hơn 9.300 chỉ tiêu việc làm, đa dạng các ngành nghề.

Hơn 9.300 chỉ tiêu việc làm tại phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối 8 tỉnh, thành phố

Hơn 9.300 chỉ tiêu việc làm tại phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối 8 tỉnh, thành phố

Đây là cơ hội để doanh nghiệp có thể tuyển được nguồn nhân lực phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh, còn người lao động tìm được việc làm phù hợp.

Phiên giao dịch việc trực tuyến kết nối 8 tỉnh, thành phố nhằm thực hiện Kế hoạch số 21 của UBND TP. Hà Nội về việc hỗ trợ, phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn Thành phố năm 2023.

Cùng với việc kết nối các tỉnh thành, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cũng tổ chức đồng bộ trên hệ thống Sàn Giao dịch việc làm Hà Nội, bao gồm sàn trung tâm tại số 215 Trung Kính và 14 sàn giao dịch việc làm vệ tinh trên địa bàn Thành phố.

Tham gia phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối 8 tỉnh, thành phố, 126 doanh nghiệp tuyển dụng hơn 9.300 chỉ tiêu việc làm, với mức thu nhập từ 5 - 15 triệu đồng/người/tháng. Trong đó, có sự tham gia của các doanh nghiệp lớn, uy tín tại các tỉnh, thành phố như: Công ty CP Mediamart Việt Nam, Công ty CP PropertyGuru Việt Nam, Công ty CP Văn phòng phẩm Hồng Hà, Bệnh viện Đa khoa Phương Đông,…

Tàu cao tốc TP.HCM - Cần Giờ - Vũng Tàu được phép hoạt động trở lại từ 14/4

Sáng 13/4, Sở Giao thông vận tải TP.HCM ra Quyết định về công bố gia hạn hoạt động bến thủy nội địa. Theo đó, bến thủy nội địa ga tàu cao tốc Bạch Đằng được phép tiếp tục hoạt động từ 14/4 - 30/12/2023.

Tàu cao tốc TP.HCM - Vũng Tàu - Côn Đảo hoạt động trở lại

Tàu cao tốc TP.HCM - Vũng Tàu - Côn Đảo hoạt động trở lại

Bến tàu cao tốc này nằm ở cầu tàu số 2 - Công viên bến Bạch Đằng, Quận 1. Đây là loại bến hành khách, phương tiện cập bến đưa rước hành khách, khách du lịch; tiếp nhận phương tiện cho sức chở đến 151 người.

Ngoài việc cho phép hoạt động trở lại, Sở Giao thông vận tải yêu cầu, Công ty TNHH Công nghệ Xanh DP (GreenlinesDP) thực hiện đầy đủ các quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa, đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn giao thông đường thủy đường bộ; phương tiện đưa vào hoạt động phải được đăng kí đăng kiểm. Ngoài ra, Công ty phải có trách nhiệm tự tháo dỡ, trả lại nguyên trạng không điều kiện bồi thường đối với các hạng mục xây dựng liên quan khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu để thực hiện quy hoạch xây dựng.

Tàu cao tốc Sài Gòn - Cần Giờ - Vũng Tàu của Công ty Greenlines DP bắt đầu khai thác từ năm 2018. Do không được gia hạn nên từ ngày 1/4/2023 đến nay, tuyến này bị tạm dừng hoạt động.

Trước đó, vào cuối tháng 3/2023, Sở Giao thông vận tải kiến nghị UBND Thành phố chấp thuận chủ trương cho Công ty TNHH Công nghệ Xanh DP được tiếp tục khai thác cầu tàu số 2, sau khi thời gian gia hạn khai thác cầu tàu này hết hiệu lực sau ngày 31/3/2023. Đến ngày 10/4, Sở Giao thông vận tải có văn bản thông báo, thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố, Sở không gia hạn hoạt động bến thủy nội địa tại cầu tàu số 2 Công viên bến Bạch Đằng. Đồng thời, yêu cầu doanh nghiệp này không neo đậu các phương tiện thủy nội địa tại cầu tàu số 2 khi chưa được cấp phép của các cơ quan có thẩm quyền.

Truy tố 13 bị can vụ sai phạm tại Dự án Khu dân cư Phước Thái ở Đồng Nai

Trong số 13 bị can bị truy tố có ông Lê Viết Hưng, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Đồng Nai; Nguyễn Tấn Long, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP. Biên Hòa.

Dự án Khu dân cư Phước Thái, phường Tam Phước, TP.Biên Hòa

Dự án Khu dân cư Phước Thái, phường Tam Phước, TP.Biên Hòa

VKSND tỉnh Đồng Nai vừa hoàn tất cáo trạng, chuyển hồ sơ sang TAND Tỉnh đề nghị truy tố 13 bị can về tội “Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất”, xảy ra tại Dự án Khu dân cư Phước Thái.

Trong số 13 bị can bị đề nghị truy tố, có 11 bị can là cán bộ lãnh đạo, chuyên viên, công chức, gồm: Lê Viết Hưng (nguyên Giám đốc TN&MT); Nguyễn Tấn Long (nguyên Phó Chủ tịch UBND TP. Biên Hòa); Nguyễn Tấn Tài (nguyên Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất Tỉnh - Chi nhánh TP. Biên Hòa); Nguyễn Tấn Vinh (nguyên Trưởng phòng TN&MT TP. Biên Hòa); Hồ Bá Minh (nguyên Phó Trưởng phòng TN&MT TP. Biên Hòa); Võ Cao Cường (nguyên Chủ tịch UBND phường Tam Phước), Nguyễn Văn Đức (nguyên Phó Chủ tịch UBND phường Tam Phước).

Ngoài ra còn có bị can Trương Quốc Tuấn (nguyên Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và kinh doanh nhà Phước Thái)...

Theo kết quả điều tra, năm 2014, Trương Quốc Tuấn thành lập Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh nhà Phước Thái. Năm 2015, Tuấn gửi công văn tới UBND tỉnh Đồng Nai đề xuất điều chỉnh quy hoạch khu đất gần 9ha tại phường Tam Phước thuộc TP. Biên Hòa.

Khu đất này là đất công, quy hoạch làm cụm công nghiệp đang được Công ty CP May - Xây dựng Huy Hoàng sử dụng, nhưng Tuấn xin làm khu dân cư thương mại và ký hợp đồng với công ty này để chuyển nhượng khu đất với số tiền hơn 35 tỷ đồng.

Do khu đất chưa được đăng ký quyền sử dụng nên Tuấn móc nối với Nguyễn Văn Đức - nguyên Phó Chủ tịch UBND phường Tam Phước, lập khống hồ sơ để em ruột của Đức là Nguyễn Hữu Thành đứng tên chủ sở hữu khu đất trên và nhận tiền bồi thường.

Dự án này hiện đã phân chia hơn 453 nền đất và xây dựng nhiều dãy nhà bán cho người dân, đồng thời xây dựng cả trung tâm thương mại. Cơ quan điều tra xác định, việc lập hồ sơ khống để xác nhận chi trả bồi thường không đúng đối tượng đã hoàn thành nên nhóm bị can trên có hành vi phạm tội vi phạm quy định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Quảng Ninh di dời, giải tỏa diện tích nuôi trồng thủy sản trái phép trước ngày 30/4

Quảng Ninh phấn đấu đến ngày 30/4 sẽ di dời toàn bộ diện tích nuôi trồng thủy sản trái phép và hỗ trợ ngư dân xử lý bè mảng, phao xốp đảm bảo vệ sinh môi trường nhằm lập lại trật tự môi trường nuôi biển.

Tỉnh Quảng Ninh phấn đấu di dời, giải tỏa toàn bộ cơ sở nuôi trồng trái phép trước 30/4/2023

Tỉnh Quảng Ninh phấn đấu di dời, giải tỏa toàn bộ cơ sở nuôi trồng trái phép trước 30/4/2023

Quảng Ninh có bờ biển dài trên 250 km với 50.000 ha eo biển và 2/3 số đảo của cả nước, một trong những thế mạnh để phát triển ngành nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, việc nuôi trồng thủy sản của các tổ chức, cá nhân tại Quảng Ninh thời gian qua còn nhiều tồn tại, gây lãng phí tài nguyên và theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả Tỉnh hiện có gần 970 ha nuôi trồng trái phép.

Để lập lại trật tự nuôi trồng thủy sản, hơn 1 tháng qua, Quảng Ninh triển khai đợt cao điểm vận động, di dời các cơ sở nuôi trồng thủy sản trái phép. Tuy nhiên, vẫn còn một số người viện nhiều lý do chưa di dời.

Tính chung, cả tỉnh Quảng Ninh mới có trên 70% tổng diện tích mặt biển có hoạt động nuôi thả thủy hải sản trái phép được di dời. Ông Đỗ Đình Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ninh cho biết, ngành chức năng kiên quyết giải tỏa toàn bộ hơn 230 cơ sở nuôi trồng thủy sản trái phép trước ngày 30/4/2023.

Chuyên đề