Bản tin thời sự sáng 14/4

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Quảng Ninh sẽ triển khai tiêm vaccine Moderna cho trẻ lớp 6; cưỡng chế hơn 9.000 m2 đất vàng tại Hải Phòng; Hà Nội sắp có thêm phố đi bộ quanh hồ Ngọc Khánh; Bà Rịa - Vũng Tàu chi 670 tỷ đồng giải phóng mặt bằng xây cao tốc…

Quảng Ninh sẽ triển khai tiêm vaccine Moderna cho trẻ lớp 6

Theo kế hoạch, chiều 13/4, sau khi được kiểm định, lô vaccine Moderna tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi sẽ được chuyển về Quảng Ninh.

Nhân viên y tế chuẩn bị mũi tiêm vaccine Moderna
Nhân viên y tế chuẩn bị mũi tiêm vaccine Moderna

Ngày 14/4, Quảng Ninh sẽ là địa phương đầu tiên trên cả nước triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Theo kế hoạch, trẻ lớp 6 sẽ được tiêm vaccine trước sau đó hạ dần độ tuổi.

PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng Quốc gia cho biết, trong ngày 13/4 có giấy phép xuất xưởng đối với lô vaccine phòng Covid-19 đầu tiên tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Đây là lô vaccine Moderna do Australia hỗ trợ, đã về Việt Nam tối 8/4.

Trong chiều ngày 13/4, lô vaccine đã kiểm định xong sẽ được chuyển đến Quảng Ninh để ngày 14/4, tiến hành tiêm cho trẻ đang học lớp 6 trên địa bàn Tỉnh. Đồng thời, vaccine sẽ được vận chuyển đến các địa phương khác để tuần tới sẽ tiến hành tiêm cho trẻ lớp 6 trên toàn quốc.

Trước đó, ngày 31/3, Bộ Y tế đã phê duyệt vaccine Moderna để tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Vaccine được tiêm bắp, với liều tiêm bằng 1/2 liều cơ bản của người lớn (tương đương 0,25 ml), giống như tiêm vaccine cho người lớn liều nhắc lại. Tiêm 2 mũi cách nhau 4 tuần.

Cưỡng chế hơn 9.000 m2 đất vàng tại Hải Phòng

Ngày 13/4, UBND quận Hải An tổ chức cưỡng chế, thu hồi 9.165 m2 đất cho doanh nghiệp thuê để xây trung tâm thương mại, nhưng 14 năm vẫn bỏ hoang.

Các lực lượng chức năng quận Hải An cưỡng chế, thu hồi 9.165 m2 đất được thành phố cho Công ty Duy Hưng thuê 14 năm trước

Các lực lượng chức năng quận Hải An cưỡng chế, thu hồi 9.165 m2 đất được thành phố cho Công ty Duy Hưng thuê 14 năm trước

Khu đất nằm ở lô số 4/10A Khu đô thị mới Ngã Năm - sân bay Cát Bi, cạnh đường Lê Hồng Phong, thuộc phường Đằng Hải, quận Hải An (TP. Hải Phòng). Vị trí này rất thuận tiện giao thông, kinh doanh thuận lợi nên được ví như đất "vàng".

Trước đó, năm 2008, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Duy Hưng (Công ty Duy Hưng) xin thuê đất lô số 4/10A để xây Trung tâm thương mại và khách sạn cao cấp. Ngày 21/1/2009, Sở Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thời hạn 50 năm. Tuy nhiên, doanh nghiệp không đầu tư dự án mà bỏ hoang, giấy tờ đất bị mang đi thế chấp ngân hàng.

Tháng 11/2018, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hải Phòng quyết định chấm dứt hoạt động đối với dự án. Lý do là sau 12 tháng Công ty Duy Hưng không thực hiện dự án theo tiến độ đăng ký và không thuộc trường hợp được giãn, hoãn tiến độ thực hiện dự án.

Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng sau đó gia hạn thời gian sử dụng đất cho Công ty Duy Hưng 24 tháng kể từ ngày dự án bị chấm dứt hoạt động. Tuy nhiên, chủ đầu tư không báo cáo, cũng không gửi hồ sơ, tài liệu về chuyển quyền sử dụng đất, bán tài sản hợp pháp gắn liền với đất đến nhà chức trách thành phố.

Hà Nội sắp có thêm phố đi bộ quanh hồ Ngọc Khánh

Toàn bộ khu vực hồ Ngọc Khánh, phố Phạm Huy Thông, 8 ngõ đi chung kết nối hồ với các tuyến phố sẽ trở thành không gian đi bộ thứ năm của Hà Nội.

Nghiên cứu tổ chức phố đi bộ quanh hồ Ngọc Khánh

Nghiên cứu tổ chức phố đi bộ quanh hồ Ngọc Khánh

Ngày 13/4, UBND quận Ba Đình báo cáo TP. Hà Nội việc triển khai Đề án Khu phố kinh doanh dịch vụ - đi bộ khu vực hồ Ngọc Khánh, phường Ngọc Khánh. Diện tích nghiên cứu khoảng 12 ha, bao gồm cả 36.000 m2 mặt nước hồ Ngọc Khánh, vườn hoa phía đường Nguyễn Chí Thanh hơn 3.800 m2...

Quận Ba Đình mong muốn hình thành khu phố kinh doanh dịch vụ quanh hồ Ngọc Khánh gồm tuyến phố Phạm Huy Thông và 8 nhánh rẽ là các ngõ đi chung kết nối hồ với các tuyến phố Kim Mã, Nguyễn Chí Thanh và La Thành.

Trong đó, đoạn phố Phạm Huy Thông là tuyến đi bộ dài khoảng 340 m từ số 10 (sau khi qua tòa nhà Handi Resco - Đại học RMIT 15 tầng) vòng quanh hồ đến ngã ba dốc Bệnh viện Nhi Trung ương đến số 92 Phạm Huy Thông. Mặt cắt ngang đường trung bình 10 - 13 m, có nơi lên 17 m.

Quận Ba Đình dự kiến chi 9 tỷ đồng cải tạo vườn hoa, cây xanh làm điểm nhấn cho khu vực, nhất là đoạn tuyến Nguyễn Chí Thanh đi ven hồ. Về lâu dài, Quận sẽ xem xét lập sân khấu nước hoặc đài phun nước tổ hợp kết hợp ánh sáng tạo điểm nhấn khu vực không gian mở hồ Ngọc Khánh. Vỉa hè, lòng đường vòng quanh hồ đoạn phố Phạm Huy Thông sẽ được lát đá.

UBND Quận đề xuất từ quý IV/2022, lập và thực hiện dự án cải tạo mở rộng các điểm giao thông tĩnh; chỉnh trang, khắc phục tồn tại về trật tự đô thị; tháo dỡ mái che mái vẩy, biển quảng cáo gây mất mỹ quan tuyến phố Phạm Huy Thông. Quý IV/2023, Quận sẽ hoàn thiện, nâng cấp phần còn lại để khai trương phố đi bộ.

Thời gian đầu, quận Ba Đình đề xuất thí điểm tổ chức đi bộ từ 9h đến 22h các ngày thứ Sáu, Bảy và Chủ nhật; sau đó xem xét tổ chức đi bộ 7 ngày trong tuần.

Cam Ranh sẽ có thêm hơn 1.600 ha đất ở

Đến năm 2030 TP. Cam Ranh (Khánh Hòa), nơi được định hướng thành đô thị du lịch - logistics, sẽ có thêm phần đất ở hơn 1.600 ha.

Một góc TP. Cam Ranh

Một góc TP. Cam Ranh

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ký quyết định phê duyệt quy hoạch sử dụng đất TP. Cam Ranh đến năm 2030.

Tổng diện tích đất tự nhiên TP. Cam Ranh hiện gần 33.000 ha, đến năm 2030 tăng lên gần 34.000 ha. Trong đó, đất nông nghiệp giảm hơn 150 ha, từ 13.917 ha xuống còn 13.766 ha; đất phi nông nghiệp tăng gần 7.300 ha từ 12.428 ha lên 19.716 ha.

Trước đó, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 09 về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030 tầm nhìn đến 2045. Theo đó, đến 2030, tỉnh Khánh Hòa sẽ trở thành thành phố trực thuộc trung ương.

Theo Nghị quyết 09, Khánh Hòa sẽ điều chỉnh không gian đô thị hợp lý, gắn với phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, miền, địa phương. Trong đó, TP. Nha Trang là đô thị hạt nhân; Cam Ranh là đô thị du lịch - logistics; huyện Cam Lâm trở thành đô thị sân bay hiện đại; huyện Vạn Ninh trở thành đô thị du lịch biển cao cấp; thị xã Ninh Hòa là đô thị công nghiệp; huyện Diên Khánh là đô thị sinh thái, văn hoá truyền thống; 2 huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh là các tiểu đô thị sinh thái núi rừng; huyện Trường Sa là trung tâm kinh tế, văn hoá, xã hội trên biển của cả nước, là pháo bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Bà Rịa - Vũng Tàu chi 670 tỷ đồng giải phóng mặt bằng xây cao tốc

Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1) có 19,5 km qua địa phận Bà Rịa - Vũng Tàu đang trong quá trình giải phóng mặt bằng.

Hướng tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

Hướng tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

Trong bối cảnh Quốc lộ 51 từ TP.HCM đi Vũng Tàu đang ngày càng bị quá tải, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa quyết định chi 670 tỷ đồng (trong tổng số 1.333 tỷ đồng) để giải phóng mặt bằng, xúc tiến Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1).

Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có tổng mức đầu tư hơn 17.800 tỷ đồng, bằng ngân sách Nhà nước. Trong đó, chi phí lớn nhất là xây dựng - thiết bị với 8.649 tỷ đồng, giải phóng mặt bằng 6.629 tỷ đồng, còn lại là chi phí lãi vay, tư vấn, dự phòng.

Công trình dài 53,7 km, điểm đầu tại tuyến tránh Quốc lộ 1 qua TP. Biên Hòa (Đồng Nai), điểm cuối giao với Quốc lộ 56 thuộc TP. Bà Rịa (Bà Rịa - Vũng Tàu). Đoạn đi qua Đồng Nai dài 34,2 km, kinh phí hơn 12.600 tỷ đồng; đoạn đi qua Bà Rịa - Vũng Tàu dài 19,5 km, kinh phí là 5.190 tỷ đồng.

Bộ Giao thông vận tải xác định, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu là tuyến kết nối 2 đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và Bến Lức - Long Thành; do đó, phần đường kết nối hai cao tốc này sẽ được đầu tư 6 làn xe, phần đường còn lại trước mắt đầu tư 4 làn xe.

Tàu Hà Nội - Lào Cai chạy lại vào cuối tuần

Từ ngày 15/4, hành khách có thể đi tàu Hà Nội - Lào Cai, sau đó di chuyển bằng xe buýt đến Sa Pa.

Hành khách đi tàu tại ga Hà Nội

Hành khách đi tàu tại ga Hà Nội

Đại diện Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, sau thời gian dài đình trệ do Covid-19, doanh nghiệp sẽ chạy lại đôi tàu khách SP3/SP4 phục vụ khách du lịch Sa Pa dịp cuối tuần, nếu khách đông sẽ cho chạy tàu hàng ngày.

Chiều Hà Nội - Lào Cai, tàu SP3 xuất phát tại ga Hà Nội lúc 22h thứ Sáu hàng tuần, đến ga Lào Cai lúc 6h05 thứ Bảy. Chiều ngược lại, tàu SP4 xuất phát tại ga Lào Cai lúc 21h40 Chủ nhật, đến ga Hà Nội lúc 5h30 thứ Hai.

Dịp giỗ Tổ vừa qua, đôi tàu SP3/SP4 đã chuyên chở trên 300 hành khách mỗi chiều.

Từ tháng 5/2021, Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội đã tạm dừng chạy tàu khách SP3/SP4 để phòng chống và hạn chế sự lây lan của dịch Covid-19.

Đề xuất cải tạo tháp biểu tượng Nha Trang

Tháp Trầm Hương - một trong những điểm nhấn của phố biển Nha Trang, bị xuống cấp sau 14 năm, được chính quyền đề xuất nâng cấp, cải tạo phục vụ du khách.

Tháp Trầm Hương

Tháp Trầm Hương

Ngày 13/4, chính quyền tỉnh Khánh Hòa đã gửi Ban cán sự Đảng UBND Tỉnh đề xuất cải tạo, sửa chữa tháp Trầm Hương nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu trưng bày, giới thiệu văn hóa địa phương.

Tháp Trầm Hương khánh thành năm 2008, có 6 tầng hầm, nằm ở quảng trường 2/4 dọc theo đường Trần Phú, là nơi trưng bày hình ảnh và sản vật địa phương. Tuy nhiên, thời gian xây dựng đã lâu lại nằm sát biển nên công trình bị xuống cấp, thấm nước; sơn bong tróc, sắt thép hoen gỉ...

Trong báo cáo đề xuất, UBND Tỉnh yêu cầu giữ nguyên màu sắc của tháp, sử dụng vật liệu cao cấp cho các hạng mục cải tạo, sửa chữa, nâng cấp cầu thang bộ, thang máy, tường, sân thượng...

Phương án sửa chữa, trưng bày được thực hiện theo ý tưởng xây dựng thành một câu chuyện xuyên suốt về hình ảnh, văn hóa, con người, sản vật tiêu biểu của Khánh Hòa.

Các tầng sẽ giới thiệu về lịch sử Khánh Hòa, đồng thời trưng bày hình ảnh tiêu biểu về con người, sản vật địa phương như yến sào, trầm hương, bia chủ quyền quần đảo Trường Sa; nơi thờ các anh hùng liệt sĩ...

Kinh phí thực hiện cải tạo, sửa chữa tháp Trầm Hương hơn 14 tỷ đồng, do một doanh nghiệp tài trợ.

Chuyên đề