Bản tin thời sự sáng 14/3

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là TP.HCM sắp thu hồi đất của gần 3.000 hộ dân, cải tạo 2 tuyến kênh rạch; tách đôi thành phố Huế trong đề án lập thành phố trực thuộc trung ương; sân bay Long Thành cần 14.000 lao động khi vận hành; hơn 15,5 triệu m3 cát được An Giang cấp cho các cao tốc miền Tây…

TP.HCM sắp thu hồi đất của gần 3.000 hộ dân, cải tạo 2 tuyến kênh rạch

Dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm (quận Gò Vấp và Bình Thạnh) cần thu hồi gần 54 ha của hơn 1.900 hộ dân và Dự án cải tạo bờ Bắc kênh Đôi (Quận 8) cần thu hồi hơn 5,5 ha của hơn 1.000 hộ dân.

Dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm cần di dời hơn 1.900 hộ dân

Dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm cần di dời hơn 1.900 hộ dân

Hai dự án cải tạo kênh rạch trên nằm trong những dự án thuộc danh mục thu hồi đất năm 2024 để phát triển kinh tế, xã hội, vừa được UBND TP.HCM gửi HĐND Thành phố thông qua.

Rạch Xuyên Tâm dài gần 9 km, chảy qua 2 quận Bình Thạnh và Gò Vấp, là một trong những tuyến rạch ô nhiễm bậc nhất TP.HCM. Dự án nạo vét, cải tạo và xây dựng hạ tầng cho tuyến rạch hiện được TP.HCM phê duyệt với tổng mức đầu tư hơn 9.600 tỷ đồng từ vốn ngân sách.

Dự án gồm tuyến rạch chính dài gần 6,7 km từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật và 3 nhánh dài hơn 2,2 km (nhánh cầu Sơn, Bình Triệu và Bình Lợi). Lòng rạch Xuyên Tâm sẽ được nạo vét sâu 3,5 m, rộng 20 - 30 m cùng hệ thống thu gom nước thải, nước mưa đồng bộ.

Hai bên bờ sẽ được xây dựng đường, mỗi bên hai làn xe rộng 6 m, vỉa hè 3 - 4 m, cùng công viên, mảng xanh; hệ thống chiếu sáng...

Để cải tạo rạch Xuyên Tâm, dự kiến cần thu hồi gần 54 ha đất của hơn 1.900 hộ dân, trong đó quận Bình Thạnh có khoảng 1.796 trường hợp và quận Gò Vấp có khoảng 135 trường hợp.

Theo kế hoạch, tuyến rạch phần đi qua quận Gò Vấp sẽ khởi công trước, vào tháng 8/2024 và hoàn thành vào tháng 4/2025.

Còn quận Bình Thạnh sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng vào tháng 4/2025 để chủ đầu tư khởi công các gói thầu xây lắp đoạn qua địa phương này.

Việc cải tạo rạch Xuyên Tâm sẽ hoàn thành toàn bộ vào năm 2028 giúp giảm ô nhiễm, tạo diện mạo mới cho khu vực.

Còn Dự án nạo vét, xây dựng hạ tầng, cải tạo môi trường bờ Bắc kênh Đôi có tổng mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng, được HĐND TP.HCM thông qua chủ trương cuối năm 2023.

Dự án gồm các hạng mục: xây dựng khoảng 4,3 km kè, kết hợp nạo vét một phần lòng sông kênh Đôi phía bờ Bắc; mở rộng đường Hoài Thanh, Nguyễn Duy dọc bên lên 20 m; xây mới đường Nguyễn Duy nối dài (từ hẻm 157 Hưng Phú đến cầu chữ Y) rộng 16 m và cầu Hiệp Ân 2.

Để cải tạo bờ Bắc kênh Đôi cần thu hồi hơn 5,5 ha đất của hơn 1.000 hộ dân các phường 8, 9, 10, 11, 12, 14 trên địa bàn Quận 8.

Tách đôi thành phố Huế trong đề án lập thành phố trực thuộc trung ương

Trong đề án đề nghị công nhận khu vực tỉnh Thừa Thiên Huế dự kiến thành lập thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố Huế hiện nay sẽ được tách thành 2 quận Bắc và Nam sông Hương.

Thành phố Huế hiện hữu dự kiến sẽ tách thành 2 quận phía Bắc và Nam sông Hương

Thành phố Huế hiện hữu dự kiến sẽ tách thành 2 quận phía Bắc và Nam sông Hương

Sáng 13/3, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế khóa VIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 họp phiên chuyên đề lần thứ 16, thông qua đề án đề nghị công nhận khu vực tỉnh Thừa Thiên Huế dự kiến thành lập thành phố trực thuộc Trung ương đạt tiêu chí đô thị loại I.

Lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, phạm vi nghiên cứu lập đề án bao gồm toàn bộ địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế. Đô thị loại I trực thuộc trung ương được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trình HĐND Tỉnh thông qua có 2 quận nội thị là Bắc và Nam sông Hương, tách ra từ thành phố Huế hiện nay.

Các đô thị trực thuộc Tỉnh gồm: thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà và khu vực dự kiến thành lập thị xã Phong Điền.

Các huyện ngoại thành như: Quảng Điền, A Lưới, Phú Vang và khu vực dự kiến sáp nhập huyện Phú Lộc với huyện Nam Đông.

Trong tổng số 63 tiêu chuẩn đạt đô thị loại I, Thừa Thiên Huế có 28 tiêu chuẩn đạt điểm tối đa, 28 tiêu chuẩn đạt điểm theo quy định; trong đó, có 8 tiêu chuẩn áp dụng đô thị có yếu tố đặc thù.

Thừa Thiên Huế là tỉnh duy nhất ở Việt Nam có 7 di sản đã được UNESCO vinh danh gồm: Quần thể di tích cố đô Huế, Nhã nhạc - Âm nhạc cung đình Việt Nam, Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn, Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế; 2 di sản chung với các địa phương khác là Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ và Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ.

Qua rà soát, đánh giá các tiêu chí phân loại đối với đô thị Thừa Thiên Huế, tổng số điểm đạt 84,92 điểm/100 điểm, bảo đảm điều kiện để trình Trung ương xem xét, thẩm định.

Sân bay Long Thành cần 14.000 lao động khi vận hành

Khi khai thác giai đoạn 1 với công suất 25 triệu hành khách vào năm 2026, sân bay Long Thành cần gần 14.000 lao động từ phổ thông đến trên đại học.

Thiết kế khu vực thương mại, dịch vụ trong nhà ga sân bay Long Thành

Thiết kế khu vực thương mại, dịch vụ trong nhà ga sân bay Long Thành

Thông tin được lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai nêu tại Hội nghị Đào tạo nguồn nhân lực vận hành sân bay Long Thành, sáng 13/3, với sự tham dự của lãnh đạo Cục Hàng không, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (ACV) và 25 cơ sở đào tạo nguồn nhân lực vận hành sân bay.

Sân bay Long Thành công suất 100 triệu hành khách, 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Toàn bộ vốn đầu tư Dự án khoảng 336.630 tỷ đồng (khoảng 16 tỷ USD). Trong đó, giai đoạn 1 xây đường cất hạ cánh, nhà ga cùng các hạng mục phụ trợ với công suất 25 triệu khách/năm, dự kiến về đích năm 2026.

Trong tổng nhu cầu 14.000 lao động, có hơn 5.000 người trình độ đại học và trên đại học, 2.000 lao động phổ thông; còn lại là lao động sơ cấp, trung cấp, cao đẳng nghề. Nguồn lao động chủ yếu là cán bộ lãnh đạo, quản lý chuyên môn nghiệp vụ, trực tiếp sản xuất kinh doanh dịch vụ, vận hành bay...

Đại diện ACV cho rằng, khi sân bay Long Thành vận hành, các chuyến bay trên 1.000 km đa số sẽ ở Long Thành nên việc đào tạo nguồn lực cần tập trung ngành nghề bảo dưỡng, chăm sóc, sữa chữa máy bay. Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo cần quan tâm đến lao động chất lượng cao như: công nghệ thông tin, trung tâm dữ liệu, sinh trắc học, tự động hóa xử lý hành khách, hành lý, điện...

Trong khi đó, đại diện Cục Hàng không Việt Nam lưu ý địa phương và các nhà trường ngoài lực lượng lao động sản xuất, phải có nhân sự quản lý cơ quan nhà nước, viên chức vận hành sân bay.

Hơn 15,5 triệu m3 cát được An Giang cấp cho các cao tốc miền Tây

Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh An Giang cho biết, UBND Tỉnh vừa cấp quyền khai thác 10 khu mỏ, với hơn 15,5 triệu m3 cát sông phục vụ các công trình cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và Cần Thơ - Cà Mau.

An Giang cấp cho các cao tốc miền Tây hơn 15,5 triệu m3 cát

An Giang cấp cho các cao tốc miền Tây hơn 15,5 triệu m3 cát

Cụ thể, UBND tỉnh An Giang cung cấp cho cao tốc Cần Thơ - Cà Mau gần 5,2 triệu m3 cát. Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đoạn qua tỉnh An Giang sẽ được nhận hơn 4,11 triệu m3; đoạn qua thành phố Cần Thơ gần 3,29 triệu m3 và đoạn qua tỉnh Hậu Giang gần 2,63 triệu m3.

Các khu mỏ có trữ lượng cát sông lớn được cấp cho cao tốc lần này gồm mỏ trên sông Hậu thuộc xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú và xã Hòa Lạc, huyện Phú Tân được cấp quyền khai thác cho Công ty CP Hải Đăng hơn 1,1 triệu m3 và Công ty CP Xây dựng Tân Nam hơn 816.000 m3.

Mỏ trên sông Tiền thuộc xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới cấp cho Công ty TNHH Tập đoàn Định An khai thác hơn 3,2 triệu m3. Mỏ sông Tiền đoạn thuộc Phú An, huyện Phú Tân cấp cho Tổng công ty 36 - CTCP khai thác hơn 724.000 m3.

Hai mỏ sông Hậu đoạn thuộc xã Mỹ Phú, huyện Châu Phú và xã Phú Bình, huyện Phú Tân; mỏ sông Hậu đoạn thuộc xã Bình Thủy, huyện Châu Phú và xã Bình Thạnh Đông, xã Tân Hòa, huyện Phú Tân được cấp cho Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn khai thác với trữ lượng hơn 3 triệu m3.

UBND tỉnh An Giang giao Sở TN&MT chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về hoạt động thẩm định, đánh giá tác động môi trường và các hoạt động khai thác cát sông tại các khu mỏ.

Phối hợp với Công an tỉnh An Giang và các đơn vị, địa phương liên quan theo dõi, giám sát, kiểm tra chặt chẽ việc khai thác cát đúng vị trí, đúng độ sâu cho phép. Việc khai thác vận chuyển cát phải đến tận công trình, nghiêm cấm việc lợi dụng bán ra ngoài để trục lợi…

Tiếp tục đấu giá 'đất vàng' ở Nha Trang sau nhiều lần ế

Sở Tài chính tỉnh Khánh Hòa yêu cầu đẩy nhanh đấu giá 6 lô đất ở trung tâm TP. Nha Trang sau nhiều lần tổ chức nhưng chưa có người mua.

Tiếp tục đấu giá 'đất vàng' ở Nha Trang

Tiếp tục đấu giá 'đất vàng' ở Nha Trang

Thông tin trên được Sở Tài chính tỉnh Khánh Hòa nêu trong báo cáo kết quả thực hiện kết luận của UBND Tỉnh tại cuộc họp thường kỳ tháng 1. Sở cho biết, trong danh sách đã được Tỉnh ban hành quyết định bán tài sản, có nhiều nhà đất dù đấu giá 2 - 3 lần nhưng vẫn chưa có người mua. Sở Tài chính tỉnh Khánh Hòa đã yêu cầu đẩy nhanh tiến độ đấu giá để bổ sung nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Trong đó, 4 cơ sở gồm nhà đất tại số 176 đường Thống Nhất mặt đường Thống Nhất; số 176 Thống Nhất mặt đường Tô Vĩnh Diện; số mới 9C Tô Vĩnh Diện; số 189 Thống Nhất và số 73 đường 02/4 TP Nha Trang được đấu giá lần một nhưng hết ngày 25/12/2023 không có người đăng ký tham gia. Ngày 10/1/2024, 4 tài sản này tiếp tục được bán đấu giá lần hai nhưng cũng không có tổ chức, cá nhân nào tham gia. Lần ba dự kiến được tổ chức trước ngày 23/4.

Tương tự, 2 cơ sở nhà, đất gồm 191 Thống Nhất và 21 Trần Quý Cáp đã lên kế hoạch đấu giá vào ngày 10/1. Tuy nhiên, đến hạn thông báo đăng ký, do không có tổ chức, cá nhân tham gia nên buổi đấu giá không thành. Lần hai dự kiến hoàn thành trước ngày 23/4.

Sở Tài chính cũng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ đấu giá 5 nhà đất tại số 89 Thống Nhất, số 7 Nguyễn Gia Thiều, 1A Hai Bà Trưng và 76 Hoàng Văn Thụ. Hiện Quỹ Đầu tư phát triển của Tỉnh đã đề nghị đơn vị tư vấn hoàn thiện hồ sơ trước ngày 6/3. Với 2 cơ sở nhà đất tại số 136 Thống Nhất và 155 Thống Nhất, Tỉnh đã gia hạn cho Công ty TNHH MTV Yến Sào Khánh Hòa tiếp tục thuê đến hết quý I. Sau đó, Quỹ Đầu tư phát triển sẽ thu hồi và triển khai bán đấu giá.

UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu các đơn vị, địa phương có liên quan rà soát sự đồng bộ của quy hoạch với mục đích sử dụng đất khi chuyển nhượng, hoàn thành hồ sơ bán đấu giá tài sản trước ngày 29/3.

Tháng 12 bàn giao 100% mặt bằng nâng cấp sân bay Cà Mau

Tỉnh Cà Mau quyết tâm đến ngày 31/12/2024 bàn giao 100% mặt bằng cho chủ đầu tư thực hiện Dự án mở rộng, nâng cấp Cảng hàng không Cà Mau.

Cảng Hàng không Cà Mau

Cảng Hàng không Cà Mau

Ngày 13/3, theo thông tin từ UBND tỉnh Cà Mau, Chủ tịch UBND Tỉnh đã ký ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Dự án mở rộng, nâng cấp Cảng hàng không Cà Mau (gọi tắt là dự án).

Kế hoạch này làm cơ sở để các đơn vị liên quan phối hợp và triển khai thực hiện đồng bộ; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Đồng thời, chủ động trong việc phân công, phối hợp đảm bảo chặt chẽ, thực hiện song song nhiều nhiệm vụ, nhằm rút ngắn tối đa thời gian thực hiện.

Tỉnh Cà Mau quyết tâm đến ngày 31/12/2024 bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thực hiện Dự án đạt 100% diện tích.

Nội dung kế hoạch quy định rõ thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư như: điều tra, khảo sát, xác định nhu cầu tái định cư của dự án; xác định khu tái định cư; cho chủ trương bố trí tái định cư (hoặc đề xuất đối với trường hợp vượt thẩm quyền); ban hành kế hoạch điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm và ban hành thông báo thu hồi đất.

Cùng với đó là tiến hành đo đạc, kiểm đếm; lập, phê duyệt và thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; bàn giao mặt bằng; xử lý các yêu cầu, khiếu nại, các tồn đọng phát sinh và kết quả thực công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

UBND tỉnh Cà Mau giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND thành phố Cà Mau, chủ đầu tư và các đơn vị liên quan tổ chức triển khai và thực hiện hoàn thành đúng nội dung thời gian kế hoạch.

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đề nghị UBND thành phố Cà Mau bố trí nguồn lực để tập trung thực hiện việc thẩm định, ban hành thông báo thu hồi đất, giá đất cụ thể, quyết định thu hồi đất, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư bảo đảm thời gian theo kế hoạch.

Thành lập Tổ công tác đấu giá đất tại Đồng Nai

Tổ công tác do Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi làm tổ trưởng, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường làm tổ phó và ủy viên là các sở, ban, ngành liên quan.

Tổ công tác đấu giá đất tại Đồng Nai do Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi làm tổ trưởng.

Tổ công tác đấu giá đất tại Đồng Nai do Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi làm tổ trưởng.

Mới đây, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức đã ký ban hành Quyết định số 571/QĐ-UBND về việc thành lập Tổ công tác đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn Tỉnh.

Tổ công tác do Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi làm tổ trưởng. Theo quyết định, tổ công tác có nhiệm vụ lập danh mục thu hồi đất, kế hoạch sử dụng đất hàng năm đối với các khu đất, thửa đất dự kiến tổ chức đấu giá quyền sử dụng.

Đồng thời, thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các khu đất, thửa đất theo kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất từng năm, từng giai đoạn và các khu đất thuộc các Đề án khai thác quỹ đất vùng phụ cận các dự án giao thông trên địa bàn Tỉnh để tạo vốn phát triển tài sản, kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

UBND tỉnh Đồng Nai cũng giao tổ công tác lập, trình thẩm định và phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 hoặc quy hoạch chi tiết rút gọn, chủ trương đầu tư trước khi đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định.

Cùng với đó, rà soát, trình cập nhật điều chỉnh bổ sung các khu đất vào Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2030, kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2025 và giai đoạn 2026 - 2030 trên địa bàn Tỉnh.

Ngoài ra, xây dựng và trình ban hành Quy chế phối hợp trong công tác đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn Tỉnh, cũng như tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ khác do UBND tỉnh Đồng Nai giao.

Nhà thầu Dự án Trung tâm triển lãm TP.HCM 800 tỷ đồng bị dừng hợp đồng

Công ty CP Tam Đại Kim, đơn vị thực hiện hạng mục bao che bên ngoài ở Dự án Trung tâm triển lãm quy hoạch TP.HCM bị dừng thi công do vi phạm hợp đồng.

Trung tâm triển lãm TP.HCM xây dựng dang dở trong khu đô thị Thủ Thiêm

Trung tâm triển lãm TP.HCM xây dựng dang dở trong khu đô thị Thủ Thiêm

Quyết định chấm dứt hợp đồng với Công ty CP Tam Đại Kim vừa được Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TP.HCM (Chủ đầu tư) đưa ra sau 9 năm gói thầu được ký kết.

Đây là gói xây lắp số 6, trị giá 107 tỷ đồng bao gồm các hạng mục: sản xuất và lắp dựng vách kính, khung đỡ, vách ngăn, lan can, trần, tấm trang trí, thuộc Dự án Trung tâm triển lãm quy hoạch, xây dựng trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP. Thủ Đức.

Theo Chủ đầu tư, lý do dừng hợp đồng là doanh nghiệp trên thiếu hợp tác trong quá trình triển khai. Nhà thầu không có lý do chính đáng nhưng 56 ngày liên tục không thực hiện công việc theo hợp đồng, vi phạm thỏa thuận, ảnh hưởng nghiêm trọng tiến độ và hiệu quả đầu tư dự án. Sau khi dừng hợp đồng, Chủ đầu tư sẽ đấu thầu rộng rãi trong nước qua mạng để tìm đơn vị thay thế.

Dự án Trung tâm triển lãm quy hoạch TP.HCM được khởi công từ năm 2013 với tổng mức đầu tư hơn 800 tỷ đồng. Công trình rộng 18.000 m2, nằm giữa tuyến đường ven sông Sài Gòn và đại lộ Vòng Cung - địa điểm được xem là "mặt tiền" trung tâm Thành phố.

Tòa nhà quy mô 5 tầng, chức năng phục vụ trưng bày, triển lãm quy hoạch kiến trúc của Thành phố và cũng là nơi tổ chức các sự kiện, nơi giao lưu của giới chuyên môn, người dân, du khách... Tuy nhiên, sau 11 năm, công trình vẫn đang dang dở.

Dự án này trước đây do Ban Quản lý xây dựng Trung tâm triển lãm (Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM) làm Chủ đầu tư. Đến năm 2022, công trình chuyển sang Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp, song nhiều vướng mắc liên quan gói thầu xây lắp số 6 chưa được giải quyết. Nguyên nhân là chủ đầu tư cũ và nhà thầu không thống nhất vật liệu xây dựng. Đây là gói thầu thi công các hạng mục bao che bên ngoài nên khi dừng, các hạng mục khác cũng không thể triển khai. Nhiều năm qua, công trình như khối bêtông khổng lồ, nằm trơ trọi ven sông.

Chuyên đề