Cầu Cửa Hội, cây cầu dài nhất miền Trung sẽ được thông xe vào ngày 14/3
Bộ Giao thông Vận tải cho biết, cầu Cửa Hội bắc qua sông Lam sẽ được thông xe vào ngày 14/3.
Cầu Cửa Hội sẽ thông xe vào ngày 14/3 |
Theo đó, cầu Cửa Hội bắc qua sông Lam nối hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh có tổng chiều dài tuyến là 5,271 km; phần cầu dài 1,728 km; chiều rộng cầu nhịp chính 18,5m; cầu dẫn 16m. Dự án được khởi công xây dựng từ 15/2/2019.
Công trình cầu Cửa Hội cấp đặc biệt có nhịp Extradosed 153m dài nhất trong nước. Tổng mức đầu tư của dự án là 950 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương là 450 tỷ đồng, ngân sách địa phương 500 tỷ đồng (Nghệ An và Hà Tĩnh, mỗi tỉnh 250 tỷ đồng).
Điểm nhấn của cầu Cửa Hội là ở nhịp chính sử dụng kết cấu dây văng đúc hẫng cân bằng Extradosed - một công nghệ thi công cầu hiện đại bậc nhất Việt Nam hiện nay.
Cầu Cửa Hội được hoàn thành góp phần hoàn thiện tuyến đường ven biển qua tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, cải thiện hệ thống giao thông khu vực Bắc Trung Bộ, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng khu vực, kết nối với Quốc lộ 8B, Quốc lộ 1 và giảm tải giao thông trên Quốc lộ 1.
ACV sẽ khởi công nhà ga T3 Tân Sơn Nhất trong tháng 10/2021
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, Dự án Xây dựng nhà ga hành khách T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất để có thể khởi công vào tháng 10/2021.
Sân bay Tân Sơn Nhất |
Dự kiến, công trình này sẽ hoàn thành sau 24 tháng khởi công, góp phần nâng cao năng lực khai thác của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất có công suất 20 triệu hành khách/năm, tổng vốn đầu tư khoảng 10.990 tỷ đồng bằng nguồn vốn hợp pháp của ACV.
Quy mô nhà ga và các công trình phụ trợ đồng bộ, phục vụ khai thác nội địa tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đáp ứng yêu cầu khai thác, phù hợp với quy hoạch và phân chia sản lượng khai thác giữa sân bay quốc tế Long Thành và sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, giảm tải cho nhà ga T1 hiện đang quá tải và nâng cao chất lượng phục vụ hành khách.
Pacific Airlines được gia hạn chứng nhận an toàn khai thác quốc tế
Sau khi đổi tên và nhận diện thương hiệu mới, dù phải tạm dừng khai thác các đường bay quốc tế từ đầu năm 2020 tới nay, nhưng Pacific Airlines tiếp tục đạt chứng nhận an toàn khai thác quốc tế IOSA của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA).
Pacific Airlines được gia hạn chứng nhận an toàn khai thác quốc tế |
Theo Hãng hàng không Pacific Airlines, hãng vừa được IATA cấp Chứng nhận an toàn khai thác quốc tế IOSA, sau khi hoàn thành đánh giá gia hạn lần thứ 3 cho hãng này.
Việc đánh giá gia hạn chứng nhận IOSA lần này cho Pacific Airlines được thực hiện theo phương thức từ xa, thay vì đánh giá trực tiếp, do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Chứng nhận IOSA được cấp cho hãng hàng không khi đạt các quy trình theo chuẩn quốc tế, như: hệ thống tổ chức và quả lý, khai thác bay, kiểm soát và điều hành bay, kỹ thuật và bảo dưỡng máy bay, khai thác khoang khách, khai thác mặt đất... Chứng nhận được đánh giá gia hạn 2 năm/lần.
Pacific Airlines có tiền thân là hãng hàng không Jetstar Pacific Airlines, với 30% cổ phần do Tập đoàn Qantas (Úc) nắm giữ. Tuy nhiên, năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các hãng hàng không toàn rơi vào khó khăn, Qantas đã tặng lại Vietnam Airlines toàn bộ số cổ phần này. Hiện Vietnam Airlines nắm giữ 98% cổ phần tại Pacific Airlines.
Điều chỉnh quy hoạch xây dựng công trình Cụm di tích tháp Bánh Ít
Cụm di tích tháp Bánh Ít là một quần thể gồm 4 tháp, nằm trên một ngọn đồi tại xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, là một trong những cụm tháp có niên đại sớm (cuối thế kỷ XI, đầu thế kỷ XII).
Cụm di tích tháp Bánh Ít |
Sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT) tỉnh Bình Định vừa phối hợp với các đơn vị liên quan thống nhất điều chỉnh cục bộ Đồ án Quy hoạch chi tiết xây dựng công trình Cụm di tích tháp Bánh Ít.
Theo đó, các nội dung được điều chỉnh gồm: hoàn thiện đường nội bộ (phía tây nam) bằng bê tông, lát đá chẻ có chít mạch hồ kéo dài liên tục qua đoạn cổng chính; bố trí lại các khu chức năng (nhà dịch vụ, đón tiếp, trưng bày, chiếu phim, thường trực, bảo vệ, vệ sinh); làm hạ tầng cảnh quan, sân vườn, bãi đậu xe…
Hiện nay, Sở VH&TT tỉnh Bình Định đã hoàn thiện các thủ tục để báo cáo UBND Tỉnh chỉ đạo Sở Xây dựng thẩm định, trình UBND Tỉnh phê duyệt nhằm tiến hành công tác đầu tư xây dựng.
Cụm di tích tháp Bánh Ít là một trong những cụm tháp có niên đại sớm và cũng là di tích còn nhiều tháp nhất (4 tháp) trong các di tích kiến trúc Chăm trên mảnh đất Bình Định.
Đây là quần thể kiến trúc độc đáo với dáng vẻ kiến trúc đa dạng, trang trí đẹp, có giá trị nghệ thuật cao. Cụm tháp Bánh Ít được xếp hạng Di tích cấp Quốc gia năm 1982; gần đây được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xếp hạng Top Việt Nam về quần thể tháp Chăm.
Nữ giám đốc bị truy tìm vì nghi lừa 10 tỷ đồng khi giao dịch mua bán khẩu trang
Công an TP.HCM truy tìm Huỳnh Thị Cẩm Tiên, Giám đốc Công ty TNHH Unigroup Holdings, bị tố cáo lừa 10 tỷ đồng khi giao dịch mua bán khẩu trang.
Nữ giám đốc bị truy tìm |
Ngày 13/3, trong thông báo truy tìm Cẩm Tiên, quê Sóc Trăng, Công an TP.HCM cho biết cô đứng tên Giám đốc Công ty TNHH SXDVTM Unicare ở quận Phú Nhuận và Công ty TNHH Unigroup Holdings ở Cần Giuộc, tỉnh Long An.
Trước đó, một giám đốc công ty có trụ sở ở Quận 1 tố cáo Tiên cho biết, tháng 5/2020 đã ký hợp đồng cung cấp hàng hóa và đầu tư máy sản xuất khẩu trang N95 với Công ty Unigroup Holdings. Theo hợp đồng, bà đã tạm ứng 10 tỷ đồng cho Tiên.
Tuy nhiên, sau khi nhận tiền, Tiên bị cho là không thực hiện các nội dung như cam kết, không đầu tư máy sản xuất khẩu trang, mà làm hợp đồng khống giữa hai công ty của mình đưa cho đối tác làm tin. Khi phát hiện sự việc thì không thể liên lạc với Tiên.
Vào cuộc điều tra, Công an TP.HCM xác định Tiên không còn cư trú tại địa phương ở xã Phú Hữu, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng. Công ty Unigroup Holdings cũng không hoạt động tại địa chỉ đăng ký tại huyện Cần Giuộc, Long An.
Chuyển cơ quan điều tra vụ việc cơ sở đang làm thuốc đông y "rởm", rầm rộ quảng cáo bán online
Chủ một cơ sở ở Hà Nam khai nhận đã mua nguyên liệu được bào chế sẵn không rõ nguồn gốc, thuê người in bao bì, nhãn mác, đóng gói các sản phẩm và tổ chức quảng cáo, bán hàng qua mạng xã hội.
Cơ quan chức năng thực hiện kiểm đếm số tang vật |
Theo Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Quản lý thị trường tỉnh Hà Nam phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Hà Nam tiến hành kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh tại địa chỉ đường Ngô Quyền, TP. Phủ Lý, tỉnh Hà Nam do bà N.T.K.L làm chủ và M.T.D là quản lý bán hàng.
Theo cơ quan chức năng, đây là cơ sở kinh doanh có dấu hiệu hoạt động bán hàng online các sản phẩm thuốc chữa bệnh gia truyền và thực phẩm chức năng đông y các loại.
Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở đang gia công, đóng gói các sản phẩm là thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng đông y các loại.
Cơ sở này không xuất trình được hồ sơ thủ tục hoạt động, hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của nguyên liệu, có dấu hiệu sản xuất hàng giả là thuốc và thực phẩm chức năng đông y.
Đoàn kiểm tra đã tạm giữ hơn 4.000 lọ thuốc đông y trị viêm xoang, chữa phụ khoa; hơn 2.000 hộp thuốc đông y trị viêm họng, mất ngủ; hơn 1.500 gói đông y thảo dược trị bệnh trĩ, xương khớp; các loại thuốc trị viêm mũi, giảm cân, tiểu đường và gần 500 kg bột nguyên liệu, viên nén các loại đã bào chế sẵn không rõ nguồn gốc hoặc trên bao bì có in tiếng nước ngoài; nhiều vỏ hộp in sẵn, ghi nhãn bằng tiếng Việt Nam cùng nhiều tang vật liên quan khác.
Quá trình làm việc, đại diện cơ sở khai nhận đã mua nguyên liệu được bào chế sẵn không rõ nguồn gốc, thuê người in bao bì, nhãn mác, đóng gói các sản phẩm và tổ chức quảng cáo, bán hàng qua mạng xã hội.
Căn cứ tính chất, mức độ của vụ việc, cơ quan quản lý thị trường đã chuyển giao toàn bộ hồ sơ vụ việc và tang vật đến Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Nam để tiếp tục điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.