Bản tin thời sự sáng 14/12

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là bàn giao tòa nhà 8B Lê Trực cho chủ đầu tư; khởi tố 14 đối tượng liên quan dự án của Công ty Gang thép Thái Nguyên; cảnh báo dự án “ma” giá rẻ tại quận vùng ven TP.HCM; 3 doanh nghiệp lớn muốn tài trợ lập quy hoạch sân bay Tuy Hòa…

Hà Nội: Bàn giao tòa nhà 8B Lê Trực cho chủ đầu tư

UBND quận Ba Đình đã bàn giao tòa nhà 8B Lê Trực cho Công ty CP May Lê Trực, sau hơn 5 năm đình chỉ xây dựng và phong tỏa.

Hiện trạng tầng 18 sau cưỡng chế. Khu vực này sẽ được chỉnh trang thành giàn hoa, bồn cây

Hiện trạng tầng 18 sau cưỡng chế. Khu vực này sẽ được chỉnh trang thành giàn hoa, bồn cây

Theo Tổng giám đốc Công ty CP May Lê Trực Lê Văn Hùng, việc bàn giao được thực hiện từ ngày 10/12. Hiện toàn bộ chốt bảo vệ của chính quyền tại công trình đã rút, vận thăng và cẩu tháp phục vụ cưỡng chế cũng được tháo dỡ.

Chủ đầu tư đã chuẩn bị nhân lực, vật lực và các phương án để có thể thi công phần còn lại. Một số hạng mục văn phòng, chỉnh trang cảnh quan có thể hoàn thành sau, còn khối căn hộ sẽ hoàn thiện, bàn giao cho người mua nhà trước Tết Nguyên đán 2021.

Về phương án bố trí nhà cho những người mua căn hộ ở hai tầng 18 - 19 đã bị phá dỡ, ông Hùng cho biết, tầng 19 hoàn thành việc cưỡng chế hơn 4 năm trước nên việc thỏa thuận với người mua nhà đã xong. Với trường hợp mua căn hộ ở tầng 18, Chủ đầu tư đưa ra ba phương án: người mua có thể chọn một căn hộ khác trong quỹ căn hộ chưa bán tại tòa nhà 8B Lê Trực; người mua cũng có thể nhận căn hộ ở dự án khác của Chủ đầu tư và Chủ đầu tư hoàn tiền mua nhà cho khách hàng. Chủ đầu tư cho hay, về cơ bản khách hàng lựa chọn phương án 1 và 2.

Trước đó, khi tổ chức cưỡng chế tầng 18, Hà Nội cho phép giữ lại kết cấu cột, dầm, kết cấu lõi thang và dầm treo với lý do "bảo đảm an toàn cho tòa nhà, do hệ dầm treo, cột giữ lại chịu một phần lực nâng cho các tầng dưới". Các hạng mục này được hoàn thiện thành giàn hoa, bồn cây và không sử dụng cho mục đích khác.

Khởi tố 14 đối tượng liên quan dự án của Công ty Gang thép Thái Nguyên

Bị cáo buộc sai phạm tại Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên, 14 đối tượng bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố.

Các đối tượng bị khởi tố về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí"

Các đối tượng bị khởi tố về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí"

Ngày 13/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đang tiến hành điều tra vụ án Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng và Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO).

Theo đó, căn cứ tài liệu điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh khám xét và áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với 14 đối tượng về các tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Trong đó, có 9 đối tượng bị khởi tố về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" gồm: Đặng Văn Tập, nguyên Phó giám đốc thường trực Ban Quản lý dự án TISCO; Đồng Quang Dương, nguyên Phó giám đốc, kiêm thư ký dự án TISCO; Nguyễn Trọng Khôi, nguyên Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam (VNS); Trịnh Khôi Nguyên; Đỗ Xuân Hòa; Lê Thị Tuyết Lan; Uông Sỹ Bính; Nguyễn Văn Tráng; Đặng Thúc Kháng, nguyên ủy viên Hội đồng quản trị, kiêm Trưởng Ban kiểm soát VNS. Riêng bị can Đặng Thúc Kháng áp dụng biện pháp ngăn chặn, bắt tạm giam.

Bên cạnh đó, có 5 đối tượng bị khởi tố về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" gồm: Lê Phú Hưng, nguyên ủy viên Hội đồng quản trị VNS; Nguyễn Minh Xuân, nguyên ủy viên Hội đồng quản trị VNS; Nguyễn Chí Dũng, nguyên ủy viên Hội đồng quản trị TISCO; Hoàng Ngọc Diệp, nguyên ủy viên Hội đồng quản trị TISCO; Đoàn Thu Trang, nguyên ủy viên Hội đồng quản trị TISCO.

Cảnh báo dự án “ma” giá rẻ tại quận vùng ven TP.HCM

Một dự án 1.500 căn hộ tại Quận 12 chào bán ra thị trường giá 20 - 26 triệu đồng mỗi m2 nhưng bị cảnh báo có dấu hiệu lừa đảo.

Ảnh chụp màn hình dự án nhà ở xã hội được giới thiệu tại quận 12 nhưng bị cảnh báo dự án "ma"

Ảnh chụp màn hình dự án nhà ở xã hội được giới thiệu tại quận 12 nhưng bị cảnh báo dự án "ma"

Cảnh báo do UBND phường Tân Thới Nhất, Quận 12 đưa ra, sau khi nhận thông tin một sàn giao dịch bất động sản tổ chức giới thiệu Dự án nhà ở xã hội Lê Minh trên đường Phan Văn Hớn.

Nhiều website quảng cáo dự án này do Công ty Lê Minh kết hợp với Bộ Công an làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, UBND phường Tân Thới Nhất cho hay, qua kiểm tra, toàn địa bàn hiện không có dự án nhà ở xã hội nào của Công ty Lê Minh được triển khai. Nhận thấy sự việc có dấu hiệu lừa đảo, Ủy ban phường Tân Thới Nhất thông báo về dự án này để người dân cảnh giác đồng thời đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Để tránh những sự cố đáng tiếc, UBND phường Tân Thới Nhất cũng đề nghị các cơ quan quản lý đẩy mạnh cảnh báo trên trang thông tin điện tử của phường, kêu gọi các cán bộ, viên chức, ban ngành đoàn thể góp phần tuyên truyền về dự án "ma" này để người dân cảnh giác.

Tổng diện tích Dự án được chào bán và quảng cáo này là 25.787 m2, gồm 4 block căn hộ cao 15 tầng với một tầng hầm, một tầng thương mại và 14 tầng căn hộ. Dự án cung cấp cho thị trường 1.540 căn hộ, trong đó, 1.372 căn nhà ở xã hội và 168 căn hộ thương mại.

Các căn hộ được giới thiệu có diện tích 49 - 95 m2, giá bán dự kiến khoảng 20 triệu đồng mỗi m2 đối với nhà ở xã hội và 26,5 triệu đồng mỗi m2 đối với nhà ở thương mại. Đây là mức giá khá mềm so với những dự án lân cận hoặc trên địa bàn Quận 12.

3 doanh nghiệp lớn muốn tài trợ lập quy hoạch sân bay Tuy Hòa

Lãnh đạo tỉnh Phú Yên cho biết, hiện có 3 doanh nghiệp đề xuất tài trợ lập điều chỉnh Quy hoạch chi tiết Cảng hàng không Tuy Hòa.

3 doanh nghiệp lớn muốn tài trợ lập quy hoạch sân bay Tuy Hòa

3 doanh nghiệp lớn muốn tài trợ lập quy hoạch sân bay Tuy Hòa

Tuy Hòa được quy hoạch là Cảng hàng không cấp 4C, sân bay quân sự cấp I, lượng hành khách tiếp nhận 100.000 lượt hành khách/năm và hàng hóa thông qua cảng là 1.000 tấn/năm

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đề nghị cho phép triển khai lập điều chỉnh Quy hoạch chi tiết Cảng hàng không Tuy Hòa từ nguồn vốn xã hội hóa.

Ông Thế cho biết, hiện UBND tỉnh Phú Yên đã tiếp xúc và nhận được đề xuất tài trợ lập điều chỉnh Quy hoạch chi tiết Cảng hàng không Tuy Hòa của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương, Công ty CP Hàng không Vietjet và Công ty CP Hàng không lưỡng dụng Ngôi Sao Việt.

Theo đó, các đơn vị sẽ tự nguyện tài trợ kinh phí lập điều chỉnh Quy hoạch chi tiết Cảng hàng không Tuy Hòa. Sản phẩm quy hoạch sau khi được phê duyệt sẽ bàn giao cho các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan tiếp nhận quản lý, sử dụng.

Hiện nay, Bộ GTVT đang thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống Cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, dự kiến công suất Cảng hàng không Tuy Hòa đạt 3 triệu hành khách/năm vào năm 2030 và 5 triệu hành khách/năm vào năm 2050.

Nghệ An: Dự án đại lộ ách tắc do vướng mặt bằng

Dự án đại lộ Vinh - Cửa Lò dài 10,8 km, được khởi công năm 2011, đến nay chưa xong do còn 31 nhà dân chưa bàn giao mặt bằng.

Một phần nền đường rộng 9 m của dự án đoạn qua xã Nghi Đức, TP Vinh, thi công dở dang nhiều năm qua

Một phần nền đường rộng 9 m của dự án đoạn qua xã Nghi Đức, TP Vinh, thi công dở dang nhiều năm qua

Dự án đại lộ Vinh - Cửa Lò được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt năm 2010 với mức đầu tư 4.157 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước. Quy mô dự án dài 10,8 km, mặt đường rộng 160 m; điểm đầu giao với đường Trương Văn Lĩnh (xã Nghi Phú, TP. Vinh), điểm cuối giao với đường Bình Mình (thị xã Cửa Lò).

Khởi công từ năm 2011, đến 2015 sau khi giải phóng mặt bằng được hơn 6 km (chủ yếu đất nông nghiệp), gói thầu đầu tiên dài hơn 3 km ở thị xã Cửa Lò đạt gần 50% khối lượng công việc thì tạm dừng do thiếu vốn.

Năm 2017, tỉnh Nghệ An điều chỉnh quy mô nền đường đại lộ Vinh - Cửa Lò từ 160 m xuống 95 m. Giai đoạn 1 của Dự án có mức đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng, trong đó, vốn trái phiếu Chính phủ 1.100 tỷ đồng, còn lại là ngân sách địa phương.

Tới nay, hơn 8 km trên toàn tuyến đã thảm nhựa, trong đó, hơn 7 km mỗi bên 9 m, một km cuối của đại lộ đã hoàn chỉnh mỗi bên rộng 16 m.

Kinh phí được cấp đủ, song công trình không đạt tiến độ đề ra do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, dù chính quyền đã nhiều lần tuyên truyền, đối thoại với người dân.

Để xử lý dứt điểm vấn đề này, tỉnh Nghệ An đã yêu cầu UBND TP. Vinh cam kết bàn giao mặt bằng trước ngày 15/1/2021.

Phát hiện xe khách vận chuyển 500kg lòng lợn sấy khô không rõ nguồn gốc

Đội CSGT số 2 (Công an tỉnh Quảng Ninh) vừa phát hiện một xe ô tô khách vận chuyển 500kg lòng lợn sấy khô không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Số lòng lợn sấy khô không rõ nguồn gốc bị lực lượng chức năng phát hiện

Số lòng lợn sấy khô không rõ nguồn gốc bị lực lượng chức năng phát hiện

Sáng 13/12, tại Quốc lộ 18A, đoạn qua địa phận xã Cẩm Hải, TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh, Đội CSGT số 2 (Công an tỉnh Quảng Ninh) kiểm tra xe ô tô khách BKS 14B – 010.52 chạy tuyến Móng Cái - Hạ Long - Hà Nội - Mỹ Đình, phát hiện dưới khoang xe có 20 bao tải dứa, bên trong là các thùng bìa cát tông có chứa tổng cộng 500 kg lòng lợn sấy khô.

Tại thời điểm kiểm tra, lái xe là Nguyễn Công Bình (địa chỉ tại thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương) không xuất trình được giấy tờ liên quan đến số lòng lợn sấy khô nói trên.

Đội CSGT số 2 (Công an tỉnh Quảng Ninh) đã bàn giao cho Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh xử lý số hàng trên theo quy định của pháp luật./.

Chuyên đề