Bản tin thời sự sáng 14/11

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là nhiều quốc lộ qua miền Trung bị sạt lở; Việt Nam đề nghị Myanmar tạo điều kiện cho công dân rời vùng nguy hiểm; dư nợ tín dụng bất động sản chiếm 21,56% tổng dư nợ của nền kinh tế; Vietnam Airlines tiếp tục hoãn họp đại hội cổ đông…

Nhiều quốc lộ qua miền Trung bị sạt lở

Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh qua Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế có nhiều đoạn bị sạt lở do mưa lớn kéo dài hai ngày qua.

Sạt lở tường hộ lan trên đèo Hải Vân

Sạt lở tường hộ lan trên đèo Hải Vân

Chiều 13/11, Khu Quản lý đường bộ II cho biết, mưa lớn đã làm nhiều tuyến quốc lộ bị ngập sâu và sạt lở, một số thời điểm phải đóng đường, ảnh hưởng phương tiện lưu thông.

Đường Hồ Chí Minh qua tỉnh Hà Tĩnh bị ngập sâu 0,4 m khiến phương tiện không thể qua lại trong trong 3 tiếng buổi trưa 13/11. Sau 15h, nước mới rút dần.

Quốc lộ 8 ở khu vực thuộc dự án nâng cấp mở rộng đường cũng bị sạt taluy dương gây ách tắc giao thông. Hiện nhà thầu thi công đã dọn dẹp để xe lưu thông.

Trên Quốc lộ 1 đoạn qua Đèo Hải Vân thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế, một đoạn tường hộ lan cứng bị lún nghiêng, nguy cơ sạt xuống đường sắt Bắc - Nam. Công ty CP Đầu tư Đèo Cả - đơn vị quản lý đã tạm thời tháo dỡ đoạn hộ lan cứng và dùng bao tải đất đắp bờ ngăn nước chảy vào.

Đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Hòa Liên (huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) cũng bị ảnh hưởng khi một phần đồi bị sạt khiến đất đá tràn xuống mặt đường. Đơn vị duy tu bảo dưỡng đã điều động công nhân tại hiện trường thu dọn, đảm bảo phương tiện qua lại an toàn.

Theo Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, điểm sạt lở là khu vực đang được theo dõi sụt trượt. Trong trường hợp sạt lở có nguy cơ đe dọa an toàn giao thông, cơ quan chức năng sẽ cho xe tạm dừng qua lại để xử lý.

Việt Nam đề nghị Myanmar tạo điều kiện cho công dân rời vùng nguy hiểm

Bộ Ngoại giao đề nghị Myamnar bảo đảm an ninh, tạo điều kiện cho công dân Việt Nam rời khu vực nguy hiểm do tình hình phức tạp tại một số bang.

Tên lửa phóng từ căn cứ quân sự ở thị trấn Lashio, bang Shan, miền bắc Myanmar ngày 28/10

Tên lửa phóng từ căn cứ quân sự ở thị trấn Lashio, bang Shan, miền bắc Myanmar ngày 28/10

Tình hình an ninh tại một số bang miền bắc Myanmar có nhiều diễn biến phức tạp trong những ngày qua. Đây là khu vực có đông công dân Việt Nam sinh sống và làm việc, Bộ Ngoại giao cho biết trong bản tin ngày 13/11.

Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar đã xây dựng các phương án bảo hộ công dân, tích cực trao đổi với cơ quan chức năng sở tại, đề nghị Myanmar có phương án hỗ trợ, bảo đảm an ninh, an toàn và sinh hoạt cho công dân Việt Nam, tạo điều kiện cho công dân Việt Nam rời khỏi khu vực nguy hiểm.

Bộ Ngoại giao cũng trao đổi với các cơ quan chức năng Trung Quốc và Myanmar, đề nghị hỗ trợ Việt Nam trong công tác bảo hộ công dân tại khu vực.

Bộ Ngoại giao khuyến cáo, công dân Việt Nam không nên hoặc tránh đến khu vực bang Shan, Kayin và Rakhine của Myanmar nếu không thực sự cần thiết. Công dân đang ở các bang này cần nhanh chóng có phương án chủ động sơ tán an toàn người và tài sản đến nước thứ ba hoặc về Việt Nam, thường xuyên theo dõi thông tin của chính quyền sở tại và cảnh báo của Bộ Ngoại giao.

Liên minh Huynh đệ, gồm các nhóm nổi dậy Quân đội Arakan (AA), Quân đội Liên minh Dân chủ Quốc gia Myanmar (MNDAA) và Quân đội Giải phóng Quốc gia Ta'ang (TNLA) hôm 27/10 phát động Chiến dịch 1027, tấn công loạt căn cứ của quân đội Myanmar.

Đây được coi là đợt tấn công lớn nhất của các nhóm phiến quân chống lại chính quyền quân sự Myanmar kể từ sau cuộc đảo chính năm 2021.

Dư nợ tín dụng bất động sản chiếm 21,56% tổng dư nợ của nền kinh tế

Theo Ngân hàng Nhà nước, tín dụng cho lĩnh vực bất động sản của các tổ chức tín dụng tới 30/9 đạt 2,74 triệu tỷ đồng, tăng 6,04% so với đầu năm, chiếm tỷ trọng 21,56% tổng dư nợ đối với nền kinh tế.

Dư nợ tín dụng bất động sản chiếm 21,56% tổng dư nợ của nền kinh tế

Dư nợ tín dụng bất động sản chiếm 21,56% tổng dư nợ của nền kinh tế

Số liệu Ngân hàng Nhà nước vừa công bố sáng 13/11, trước thềm Hội nghị trực tuyến về việc triển khai công điện của Thủ tướng để gỡ khó cho thị trường bất động sản.

Theo đó, tín dụng cho lĩnh vực bất động sản của các tổ chức tín dụng tới 30/9 đạt 2,74 triệu tỷ đồng, tăng 6,04% so với đầu năm, chiếm tỷ trọng 21,56% tổng dư nợ đối với nền kinh tế. Trong đó, tín dụng tập trung vào mục đích tiêu dùng sử dụng chiếm 64%, dư nợ với hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm 36%.

Tính đến ngày 31/10/2023, tín dụng đối với nền kinh tế đạt hơn 12,8 triệu tỷ đồng, tăng 7,39% so với cuối năm 2022. Theo tỷ trọng này, tín dụng cho hoạt động kinh doanh bất động sản đạt khoảng 986.400 tỷ đồng. So với năm 2022, cả tỷ trọng và tăng trưởng của phân khúc này đều tăng mạnh.

Năm trước, tỷ trọng cho vay kinh doanh bất động sản - khoản cấp tín dụng cho chủ đầu tư dự án - chiếm 31% tín dụng cho lĩnh vực bất động sản, với quy mô đến cuối năm 2022 khoảng 800.000 tỷ đồng. Theo đó, trong 9 tháng đầu năm, tín dụng cho hoạt động kinh doanh bất động sản tăng khoảng 22%.

Thông xe đường đầu tư 500 tỷ đồng nối ra hướng cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ

Sau 4 năm khởi công, tuyến đường dài 2 km có vốn đầu tư 500 tỷ đồng, nối Tam Trinh (quận Hoàng Mai, Hà Nội) với hướng ra điểm đầu cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đã được thông xe.

Tuyến đường dài 2km nối ra hướng cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ có vốn đầu tư 500 tỷ đồng đã được thông xe

Tuyến đường dài 2km nối ra hướng cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ có vốn đầu tư 500 tỷ đồng đã được thông xe

Dự án tuyến đường nối tiếp đường phía đông khu hành chính quận Hoàng Mai đến đường Tam Trinh được khởi công từ năm 2019, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hoàng Mai làm chủ đầu tư.

Trong tổng kinh phí đầu tư hơn 500 tỷ đồng, có khoảng 100 tỷ đồng dành cho xây lắp, số còn lại chủ yếu dành cho đền bù, giải phóng mặt bằng và một số hạng mục liên quan.

Đường dài 1,9 km, mặt cắt ngang 30 m với 4 làn xe, đi qua nhiều khu đô thị Ao Sào, Đồng Tàu, Thịnh Liệt, Louis City... Hồi tháng 3 năm nay, Dự án còn ngổn ngang, bị chậm tiến độ do vướng mặt bằng và nhà thầu chờ xử lý nền đất yếu, ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Dự án đường kỳ vọng giảm tải cho luồng xe từ cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, Vành đai 3 vào trung tâm Hà Nội.

Từ đầu năm, tuyến đường này nằm trong 21 danh mục dự án đầu tư công cần ưu tiên tiến độ chào mừng kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập quận Hoàng Mai.

Thu ngân sách đạt gần 1,4 triệu tỷ đồng

Mọi nguồn thu nội địa, dầu thô và xuất nhập khẩu đều giảm khiến tổng thu ngân sách 10 tháng chỉ đạt gần 1,4 triệu tỷ đồng, thấp hơn 9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mọi nguồn thu nội địa, dầu thô và xuất nhập khẩu đều giảm khiến tổng thu ngân sách 10 tháng chỉ đạt gần 1,4 triệu tỷ đồng

Mọi nguồn thu nội địa, dầu thô và xuất nhập khẩu đều giảm khiến tổng thu ngân sách 10 tháng chỉ đạt gần 1,4 triệu tỷ đồng

Bộ Tài chính cho biết, so với kế hoạch cả năm đặt ra, thu ngân sách 10 tháng vẫn đạt tiến độ trên 86%.

Trong đó, thu nội địa ước đạt gần 1,2 triệu tỷ đồng, giảm gần 6% so cùng kỳ và đạt gần 87% dự toán. Chiếm hơn một nửa thu nội địa là khoản thu trực tiếp từ 3 khu vực sản xuất - kinh doanh, cũng giảm gần 3% so với cùng kỳ 2022.

Bên cạnh đó, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tính đến 15/10 giảm gần 11% khiến kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa có thuế giảm 17% so cùng kỳ.

Với thu từ dầu thô, Bộ Tài chính ước thu 10 tháng đạt khoảng 51.400 tỷ đồng, vượt dự toán cả năm 20% và giảm gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Về số thu trên địa bàn, ước tính có 24 địa phương thực hiện thu nội địa 10 tháng đạt trên 86% dự toán; 7 địa phương có tăng trưởng thu so với cùng kỳ, trong khi có tới 56 địa phương thu thấp hơn cùng kỳ 2022.

Hà Nội đề xuất tăng lợi nhuận xây nhà xã hội lên 15 - 20%

Sở Xây dựng TP. Hà Nội đề xuất tăng lợi nhuận định mức làm nhà xã hội lên 15 - 20% thay vì 10% như cũ.

Hà Nội đề xuất tăng lợi nhuận xây nhà xã hội lên 15-20%

Hà Nội đề xuất tăng lợi nhuận xây nhà xã hội lên 15-20%

Đề xuất trên được Giám đốc Sở Xây dựng TP. Hà Nội nêu tại Hội nghị trực tuyến triển khai công điện của Thủ tướng để gỡ khó cho thị trường bất động sản sáng 13/11.

Sở Xây dựng TP. Hà Nội nhìn nhận, nguồn lực thu hút chủ đầu tư tham gia rất quan trọng để đáp ứng nhu cầu mua và phát triển nhà ở xã hội. Với Hà Nội, nhu cầu phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2021 - 2023 là 6,8 triệu m2 sàn xây dựng. Trong đề án xây một triệu căn nhà xã hội, Thủ tướng cũng giao chỉ tiêu cho Thành phố phát triển 56.200 căn.

Do đó, Sở Xây dựng đề xuất nâng lợi nhuận cho chủ đầu tư xây nhà xã hội lên 15 - 20%, thay vì mức cũ 10% vốn không thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia. Mức tăng này cũng là mong muốn của nhiều chủ đầu tư trên thị trường.

Về điều kiện phát triển nhà xã hội, Sở kiến nghị vẫn giữ quy định doanh nghiệp làm nhà xã hội được dành 20% đất ở xây nhà thương mại, thay vì cắt đi như trong dự thảo Luật Nhà ở được Chính phủ trình Quốc hội. Sở đánh giá, đây là cơ chế ưu đãi quan trọng để thu hút nhiều chủ đầu tư tham gia; cũng là cơ sở hạ giá bán sản phẩm, hỗ trợ trực tiếp cho người mua nhà.

Về tiêu chí vay phát triển nhà xã hội, nhà công nhân trong gói 120.000 tỷ đồng, Sở Xây dựng đề xuất có giải pháp ưu đãi về thời gian vay, lãi suất, thủ tục pháp lý.

Siêu tàu biển đưa 2.670 khách Âu, Mỹ cập Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long

Tàu du lịch Celebrity Solstice với 2.670 khách nước ngoài sáng 13/11 cập cảng Hạ Long, điểm cuối cùng trong hải trình dọc bờ biển Việt Nam.

Siêu du thuyền Celebrity Solstice vừa cập Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long

Siêu du thuyền Celebrity Solstice vừa cập Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long

Sau khi cập cảng, 2.670 du khách trên tàu Siêu du thuyền Celebrity Solstice sẽ chia thành 40 đoàn tham quan Hạ Long, Hà Nội và Hải Phòng

Celebrity Solstice đã đi qua hải trình Singapore - Thái Lan - Campuchia - TP.HCM - Nha Trang - Chân May - Tiên Sa trước khi đến Hạ Long. Tàu dự kiến rời đi vào 17h ngày 14/11 để trở về Hong Kong.

Tàu Celebrity Solstice được đóng bởi Meyer Werf, hãng đóng tàu hàng đầu thế giới của Đức, theo đơn đặt hàng của công ty du lịch Celebrity Cruises (Miami, Mỹ), tổng chi phí là 745 triệu USD. Siêu tàu có sức chứa 2.852 người, trọng tải lên đến 122.000 tấn, hạ thủy vào năm 2008, là một trong những tàu hiện đại, tiện nghi sang trọng lớn nhất thế giới hiện nay.

Theo lịch trình đăng ký, một tàu khách quốc tế hạng sang khác mang tên Regatta sẽ cập cảng vào ngày 14/11, mang theo 700 khách đến từ châu Âu, Mỹ. Đoàn khách này sẽ đi Hạ Long rồi tới Tiên Sa - Chân Mây - Nha Trang - TP.HCM, trước khi di chuyển sang Campuchia, Thái Lan, Singapore.

Bước vào mùa tàu biển 2023, Hạ Long đón liên tiếp các tàu khách quy mô lớn đến thăm vịnh Hạ Long và các điểm du lịch của Quảng Ninh. Tính riêng hai tháng cuối năm, có 16 tàu khách du lịch lớn đăng ký cập cảng. Khách quốc tế đi theo hải trình tàu biển sẽ bổ sung và làm phong phú thêm nguồn khách du lịch đến Quảng Ninh nói riêng, Việt Nam nói chung, khi bắt đầu vào mùa thấp điểm của du lịch nội địa.

Ngoài ra, số lượt tàu đăng ký cập Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long trong năm 2024 đã đạt gần 60 chuyến với hơn 70.000 lượt khách, trong đó có nhiều thương hiệu lớn như Mein Schiff 6 và 5, Celebrity Solstice, Noordam, MSC Splendida, Westerdam.

Vietnam Airlines tiếp tục hoãn họp đại hội cổ đông

Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) vừa cho biết tiếp tục hoãn Đại hội cổ đông thường niên do công tác chuẩn bị chưa hoàn thành.

Vietnam Airlines tiếp tục hoãn họp đại hội cổ đông sang ngày 16/12

Vietnam Airlines tiếp tục hoãn họp đại hội cổ đông sang ngày 16/12

Thông tin này được Vietnam Airlines gửi Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) ngày 13/11.

Theo đó, Đại hội đồng cổ đông của hãng sẽ được lùi từ ngày 22/11 sang ngày 16/12. Ngày đăng ký cuối cùng tham dự vẫn giữ nguyên là ngày 12/10.

Lý do được hãng này đưa ra là do "công tác chuẩn bị chưa hoàn thành". Đây là lần thứ 4 doanh nghiệp này lùi ngày họp Đại hội đồng cổ đông thường niên. Trước đó, Vietnam Airlines dự kiến tổ chức họp vào 20/6, sau đó lùi tới trước 30/8, tiếp tục dự kiến họp vào 15/11, sau đó là 22/11.

Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines ở trong diện hạn chế giao dịch, chỉ được mua bán phiên chiều theo phương thức khớp lệnh tập trung và phương thức giao dịch thỏa thuận.

Hồi tháng 2, HoSE cũng đã cảnh báo cổ phiếu HVN có thể bị hủy niêm yết nếu lãi sau thuế của Vietnam Airlines âm. Theo báo cáo tự lập, đến hết năm ngoái, lợi nhuận lũy kế của cổ đông công ty mẹ Vietnam Airlines âm xấp xỉ 32.000 tỷ đồng. Vốn chủ của Tổng công ty âm hơn 10.000 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, Tổng công ty đạt doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ hơn 68.089 tỷ đồng, tăng hơn 32% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế âm hơn 3.300 tỷ đồng, khả quan hơn nhiều so với khoản lỗ năm ngoái (âm 7.573 tỷ đồng).

Nghệ An sẽ hoàn thành xây dựng 28.500 căn nhà ở xã hội vào năm 2030

Nghệ An phấn đấu trong giai đoạn 2021 - 2030 sẽ hoàn thành xây dựng 28.500 căn nhà ở xã hội, trong đó 9.000 nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, 19.500 nhà ở xã hội cho công nhân khu công nghiệp.

Phối cảnh Dự án nhà ở xã hội cho công nhân tại Khu công nghiệp Nam Cấm (Nghi Lộc, Nghệ An)

Phối cảnh Dự án nhà ở xã hội cho công nhân tại Khu công nghiệp Nam Cấm (Nghi Lộc, Nghệ An)

Thực hiện Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Nghệ An có Kế hoạch số 778/KH-UBND về triển khai Đề án trên địa bàn Tỉnh.

Đề án được triển khai trên địa bàn Tỉnh theo 2 giai đoạn, giai đoạn 1 từ năm 2021 - 2025 và giai đoạn 2 từ năm 2026 - 2030.

Theo Đề án, việc phân bổ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp sẽ được triển khai ở 7 địa phương là: TP. Vinh, Nghi Lộc, Cửa Lò, Hưng Nguyên, thị xã Thái Hòa, thị xã Hoàng Mai và huyện Đô Lương. Nhà ở xã hội cho công nhân khu công nghiệp sẽ được triển khai tại Khu kinh tế Đông Nam.

Trong kế hoạch năm 2023 và những năm tiếp theo, Nghệ An tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng nguồn vốn cho vay, đáp ứng nhu cầu cấp thiết về nhà ở cho người có thu nhập thấp trên địa bàn. Đến đầu tháng 11/2023, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Tỉnh đã giải ngân chương trình nhà ở xã hội cho 503 khách hàng với số tiền 215 tỷ đồng.

Khảo sát của Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An cho thấy, Khu kinh tế Đông Nam có trên 29.000 công nhân, lao động làm việc. Tuy nhiên, ngoại trừ số ít nhà ở cho cán bộ chuyên gia và người lao động của Lux-share ICT tại Khu công nghiệp VSIP, nhiều lao động trong và ngoài tỉnh về các Khu công nghiệp Bắc Vinh, VSIP, Nam Cấm, Industrial Nghệ An 1… làm việc đều không có nhà ở. Số lượng nhà ở xã hội tại Nghệ An hiện nay mới chỉ đáp ứng được trên 40% nhu cầu của người lao động.

Nghệ An đã có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và nhà đầu tư cho 4 dự án xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động trong Khu kinh tế Đông Nam với 8.200 căn nhà.

Chuyên đề