Bản tin thời sự sáng 14/11

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là PC-Covid được thống nhất sử dụng trên cả nước; đề xuất tất cả quán tại TP.HCM được bán bia, rượu; hoàn thành tuyến đường gần 1.000 tỷ đồng nối cụm cảng Cái Mép – Thị Vải; phân bổ thêm gần 1,9 triệu liều vaccine Pfizer; xác minh thông tin tố CDC Huế khuất tất về đấu thầu sắm trang phục bảo hộ chống dịch…

PC-Covid được thống nhất sử dụng trên cả nước

Các địa phương được yêu cầu không phát triển thêm phần mềm chống dịch mới và thống nhất dùng PC-Covid trên toàn quốc.

PC-Covid là ứng dụng phòng chống dịch Covid-19 trên toàn quốc

PC-Covid là ứng dụng phòng chống dịch Covid-19 trên toàn quốc

Ngày 13/11, Cục Tin học hóa - Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ra thông báo: "Các địa phương không phát triển thêm phần mềm, ứng dụng phòng chống dịch khác, thống nhất dùng chung ứng dụng để tránh gây rắc rối cho người dân". Một số địa phương tích hợp chức năng phòng chống dịch vào ứng dụng đô thị thông minh đã có từ trước sẽ phải áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật theo hướng dẫn của Bộ TT&TT để liên thông dữ liệu.

Bộ Y tế, Bộ TT&TT và Bộ Công an đã thống nhất PC-Covid là ứng dụng duy nhất phục vụ phòng, chống dịch Covid-19.

Trong khi đó, ứng dụng VN-eID của Bộ Công an có vai trò định danh, xác thực người dân. Còn Sổ sức khỏe điện tử, do Bộ Y tế quản lý, là ứng dụng quản lý thông tin sức khỏe của cá nhân. Cả hai sẽ vẫn tồn tại lâu dài, kể cả khi đại dịch kết thúc, để phục vụ xã hội.

Ngoài ra, mã QR cũng thống nhất cách hiển thị trên các ứng dụng. Đại diện Bộ TT&TT cho biết, hiện QR code trên PC-Covid đã liên thông với dữ liệu của Bộ Y tế và Bộ Công an. "Sự tương thích giữa các mã QR nhằm tạo thuận tiện cho người dân khi chưa có thói quen thống nhất trong việc bật ứng dụng nào. Còn PC-Covid đã đáp ứng được các yêu cầu về ứng dụng chống dịch", vị này nói.

Trong trường hợp không có điện thoại, người dân có thể dùng QR code trên Căn cước công dân (CCCD). Việc quét QR tại các địa điểm công cộng hiện là yêu cầu bắt buộc theo nghị quyết về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Đề xuất tất cả quán tại TP.HCM được bán bia, rượu

Lãnh đạo Sở Công thương kiến nghị cho tất cả đơn vị kinh doanh dịch vụ ăn uống ở thành phố bán rượu, bia sau khi đã thí điểm ở một số khu vực.

Một quán ăn trên đường Phạm Văn Đồng, quận Gò Vấp

Một quán ăn trên đường Phạm Văn Đồng, quận Gò Vấp

Giám đốc Sở Công thương TP.HCM Bùi Tá Hoàng Vũ vừa đề xuất trên đến Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 thành phố.

Trước đó, sau hơn 5 tháng tạm dừng, từ ngày 28/10, UBND TP.HCM cho tất cả quán ăn, uống trên địa bàn phục vụ tại chỗ. Chỉ có Quận 7 và TP. Thủ Đức được thí điểm hàng quán kinh doanh bia rượu ở một số địa bàn.

Ông Vũ cho biết, TP. Thủ Đức và Quận 7 đã triển khai tốt công tác kiểm tra, giám sát và không để phát sinh các vấn đề tiêu cực sau 2 tuần thí điểm sử dụng thức uống có cồn tại các quán ăn. Đồng thời, 2 địa phương này cũng đề xuất cho phép mở rộng và kéo dài thời gian thực hiện hoạt động trên.

Sau khi tham khảo ý kiến các chuyên gia, Sở Công Thương kiến nghị UBND thành phố xem xét, cho các đơn vị kinh doanh dịch vụ ăn uống sử dụng thức uống có cồn ở TP.HCM được hoạt động trở lại trong điều kiện kiểm soát cụ thể, đáp ứng Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng chống dịch.

Cụ thể, khách phải tiêm đủ 2 mũi vaccine; cơ sở kinh doanh hoạt động tối đa 50% công suất, đóng cửa trước 21h... UBND các quận, huyện phải xem xét, đánh giá, quyết định và chịu trách nhiệm về việc cho phép các quán phục vụ bia rượu.

Hoàn thành tuyến đường gần 1.000 tỷ đồng nối cụm cảng Cái Mép – Thị Vải

Tuyến đường Phước Hòa – Cái Mép (thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) hoàn thành, kết nối quốc lộ 51 với cụm cảng Cái Mép – Thị Vải và khu công nghiệp.

Dự án có cầu Mỏ Nhát bắc qua con sông cùng tên dài 696 m, mặt cắt ngang cầu 20 m, gồm bốn làn xe
Dự án có cầu Mỏ Nhát bắc qua con sông cùng tên dài 696 m, mặt cắt ngang cầu 20 m, gồm bốn làn xe

Dự án đường Phước Hòa - Cái Mép được khởi công năm 2016, do Ban quản lý dự án giao thông khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải làm chủ đầu tư. Tổng kinh phí dự án 954 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng là 788 tỷ đồng bằng ngân sách địa phương.

Điểm đầu của tuyến đường giao với quốc lộ 51 ở phường Phước Hòa (thị xã Phú Mỹ). Quốc lộ 51 là tuyến giao huyết mạch nối TP.HCM, Đồng Nai với Bà Rịa - Vũng Tàu. Dài hơn 4,4 km, với 4 làn xe, đường Phước Hòa - Cái Mép đến nay đã hoàn thành và thông xe.

Đường Phước Hòa - Cái Mép là một trong 6 dự án giao thông nhằm hoàn thiện hạ tầng, tạo sự kết nối thông suốt, thuận lợi giữa đường liên cảng với quốc lộ 51, phục vụ khai thác hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải và các khu công nghiệp. Dự án hoàn thành giúp hàng hóa từ các tỉnh Đông Nam Bộ đến cảng và ngược lại được thuận lợi.

Phân bổ thêm gần 1,9 triệu liều vaccine Pfizer

Cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế vừa phân bổ gần 2,1 triệu liều vaccine phòng Covid-19 phục vụ công tác tiêm chủng.

Vaccine Comirnaty do hai hãng dược Pfizer và BioNTech sản xuất, dựa trên công nghệ mRNA

Vaccine Comirnaty do hai hãng dược Pfizer và BioNTech sản xuất, dựa trên công nghệ mRNA

Đợt lần phân bổ mới nhất gồm có 1.888.380 liều vaccine Pfizer và 200.000 liều vaccine Sinopharm. Như vậy, đến nay, Bộ Y tế đã có 82 đợt phân bổ vaccine phòng Covid-19 với tổng số gần 113 triệu liều.

Cập nhật đến 13h ngày 13/11, cả nước đã tiêm được gần 98 triệu liều vaccine phòng Covid-19, trong đó, ngày 12/11 tiêm được 1.273.051 liều, cao hơn khoảng 200.000 liều so với ngày 11/11.

Đến hết ngày 12/11, trên cả nước có tỷ lệ tiêm ít nhất một liều vaccine là 86,3% và tỷ lệ tiêm đủ 2 liều là 45,5% dân số từ 18 tuổi trở lên.

Bộ Y tế cho biết, về tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi, Bộ Y tế cho biết có 16 tỉnh, thành phố đang triển khai tiêm là Ninh Bình, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Điện Biên, Đà Nẵng, TP.HCM, Đồng Nai, Tây Ninh, Sóc Trăng, An Giang, Vĩnh Long, Bình Dương, Kiên Giang, Cà Mau, Hậu Giang. Đến nay, số trẻ em tiêm được 1.389.266 liều vaccine.

Trong công văn khẩn vừa gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Y tế cho biết dự kiến trong tháng 11 và 12, Việt Nam tiếp tục nhận số lượng lớn vaccine ngừa Covid-19. Cơ quan chuyên môn sẽ phân bổ để tiêm đủ 2 liều cho toàn bộ người từ 12 tuổi trở lên.

Xác minh thông tin tố CDC Huế khuất tất về đấu thầu sắm trang phục bảo hộ chống dịch

Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên-Huế đã lập tổ công tác tiến hành xác minh thông tin “tố” khuất tất trong đấu thầu mua sắm trang phục bảo hộ chống dịch tại CDC tỉnh.

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh (CDC) Thừa Thiên Huế

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh (CDC) Thừa Thiên Huế

Chánh Thanh tra Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế Trần Đình Oanh cho biết, Sở Y tế đã chỉ đạo thành lập tổ công tác để xác minh, làm rõ quy trình đấu thầu, ngay sau khi có thông tin một công ty dược “tố” dấu hiệu khuất tất trong đấu thầu tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Thừa Thiên Huế làm chủ đầu tư.

Theo đó, Công ty dược cho biết, trước đây đã trúng gói thầu mua sắm trang phục phòng chống dịch thuộc dự án mua sắm vật tư, hóa chất, trang phục phòng chống dịch Covid-19 năm 2021 của Sở Y tế Thừa Thiên Huế theo hình thức đấu thầu rộng rãi qua mạng.

Gói thầu này bao gồm bộ trang phục phòng chống dịch cấp độ 2, thương hiệu Danameco - Việt Nam và bộ trang phục chống dịch cấp độ 4 thương hiệu Lakeland - Mỹ. Công ty này đã thực hiện cung ứng đầy đủ hàng hóa, đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của chủ đầu tư.

Ngày 13/9/2021, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành quyết định về việc phê duyệt danh mục, KHLCNT gói thầu mua sắm vật tư, hóa chất, trang phục phòng chống dịch Covid-19 trong trường hợp khẩn cấp đợt 3.

Việc mua sắm đợt này gồm 8 gói thầu, hình thức lựa chọn nhà thầu là chỉ định thầu rút gọn. Chủ đầu tư thực hiện việc mua sắm là CDC tỉnh Thừa Thiên Huế, tổng mức đầu tư là hơn 18,8 tỉ đồng bằng nguồn vốn sự nghiệp y tế năm 2021.

Cũng theo phản ánh của công ty dược nói trên, một số vật tư, phòng chống dịch do CDC Thừa Thiên Huế làm chủ đầu tư đã có sự thay đổi về cấu hình và giá cả thấp bất thường, không phù hợp với gói thầu đã đấu thầu công khai trước đó, nhưng không rõ lý do.

Điển hình, bộ trang phục bảo hộ chống dịch cấp độ 4 bị thay đổi các thành phần như: Khẩu trang N95:3M - Mỹ đổi thành N95 - Pháp; bao giày Danameco - Việt Nam đổi thành Thời Thanh Bình - Việt Nam…

85 tuyến xe buýt ở TP.HCM được khôi phục

TP.HCM tiếp tục cho 30 tuyến xe buýt hoạt động trở lại từ 15/11, nâng tổng số tuyến được khôi phục lên 85, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.

Buýt số 150 đón khách trên xa lộ Hà Nội, TP. Thủ Đức

Buýt số 150 đón khách trên xa lộ Hà Nội, TP. Thủ Đức

Phó giám đốc Trung tâm quản lý giao thông công cộng (thuộc Sở Giao thông Vận tải TP HCM) Lê Hoàn cho biết, trong 30 tuyến xe nêu trên có 29 tuyến buýt trợ giá và một tuyến không trợ giá (số 94 - Bến xe Chợ Lớn - Bến xe Củ Chi).

Trong 29 tuyến buýt trợ giá sắp chạy lại, Hợp tác xã Vận tải 19/5 là đơn vị đảm nhận nhiều nhất, gồm 9 tuyến: 150, 19, 33, 41, 48, 78, 85, 107 và 145. Trong đó, các tuyến như 150 (Bến xe Chợ Lớn - Ngã ba Tân Vạn), số 19 (Bến Thành - Khu chế xuất Linh Trung - Đại học Quốc gia)... hoạt động trên các trục chính, đông khách đi.

Kế đến, các tuyến buýt trợ giá khác như số 6, 8, 10, 53, 44, 99, 146... chạy trên các trục đường xuyên tâm, vành đai... cũng có lượng khách đi lại cao. Xe chạy trên các tuyến là loại 40-80 chỗ, thời gian hoạt động từ sáng đến tối.

TP.HCM hiện có 126 tuyến xe buýt, gồm 90 tuyến trợ giá và 36 tuyến không trợ giá. Trước đó từ 5/10, bốn tuyến trợ giá đầu tiên được thành phố cho hoạt động trở lại ở huyện Cần Giờ, sau hơn 3 tháng ngưng do Covid-19.

Điều tra vụ vận chuyển 6,5 tấn đường cát lậu tại Tây Ninh

6,5 tấn đường cát lậu được vận chuyển bằng xe tải vừa bị lực lượng Đồn Biên phòng Vàm Trảng Trâu phát hiện, bắt giữ tại khu vực biên giới.

Tài xế Nguyễn Trường Giang bị tạm giữ cùng 6,5 tấn đường được vận chuyển trên xe ô tô tải

Tài xế Nguyễn Trường Giang bị tạm giữ cùng 6,5 tấn đường được vận chuyển trên xe ô tô tải

Ngày 13/11, Đồn Biên phòng Vàm Trảng Trâu (Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh) cho biết, đơn vị này đang phối hợp với Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh điều tra làm rõ vụ vận chuyển trái phép 6,5 tấn đường cát lậu.

Thông tin bước đầu xác định, lúc 0 giờ 10 phút ngày 13/11, Đội đặc nhiệm Phòng chống ma túy và tội phạm phối hợp với lực lượng Đồn Biên phòng Vàm Trảng Trâu tuần tra khu vực ngã 3 ấp Tân Long, xã Biên Giới (H.Châu Thành) đã phát hiện xe ô tô tải biển số 70C-154.75 có biểu hiện nghi vấn nên tiến hành kiểm tra.

Qua kiểm tra, tổ công tác phát hiện trên xe tải có chứa tổng cộng 130 bao tải chứa đường cát (trọng lượng 50kg/bao). Vào thời điểm kiểm tra, tài xế Nguyễn Trường Giang (ngụ xã An Thạnh, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh) không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ toàn bộ 6,5 tấn đường cát này. Toàn bộ tang vật cùng tài xế được tổ công tác đưa về đồn lấy lời khai.

Qua khai thác, tài xế Giang khai nhận là tài xế chở thuê cho chủ xe với tiền công 1,5 triệu đồng.

Ngay trong đêm, Đồn Biên phòng Vàm Trảng Trâu đã lập biên bản vụ việc vận chuyển trái phép 6,5 tấn đường cát nhập lậu. Đồng thời, tạm giữ toàn bộ tang vật, phương tiện để điều tra, làm rõ.

Chuyên đề