Bản tin thời sự sáng 14/10

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là dự kiến nợ công năm 2024 hơn 4 triệu tỷ đồng; đề nghị công nhận ấn vàng Hoàng đế chi bảo là bảo vật quốc gia; Daewoo sắp làm Khu đô thị Kiến Giang gần 10.000 tỷ đồng ở Thái Bình; Hà Nội sắp có thêm tuyến đường 6 làn xe tại huyện Đông Anh; doanh thu bảo hiểm nhân thọ tiếp tục giảm…

Dự kiến nợ công năm 2024 hơn 4 triệu tỷ đồng

Nợ công đến cuối năm 2024 dự kiến khoảng 36 - 37% GDP (tương đương 4 - 4,1 triệu tỷ đồng), thấp hơn nhiều so với mức trần 60% Quốc hội đề ra.

Nợ công đến cuối năm 2024 dự kiến khoảng 36-37% GDP (tương đương 4-4,1 triệu tỷ đồng)

Nợ công đến cuối năm 2024 dự kiến khoảng 36-37% GDP (tương đương 4-4,1 triệu tỷ đồng)

Chính phủ vừa có báo cáo Quốc hội về tình hình nợ công năm 2024. Theo đó, nhà điều hành cho biết, các chỉ tiêu nợ đến cuối năm nay nằm trong giới hạn trần, ngưỡng cảnh báo an toàn được Quốc hội quyết định.

Cụ thể, nợ công ước khoảng 36 - 37% GDP, tương đương năm 2023. Với kịch bản tăng trưởng 7% theo mục tiêu đặt ra của Chính phủ năm nay, GDP 2024 khoảng 460 tỷ USD. Như vậy, nợ công khoảng 165 - 170 tỷ USD, tức 4 - 4,1 triệu tỷ đồng. Mức này tăng khoảng 100.000 - 200.000 tỷ đồng về giá trị tuyệt đối so với năm ngoái.

Ngoài ra, nợ Chính phủ 33 - 34% GDP; nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 32 - 33% GDP, thấp hơn nhiều so với mức trần 50%. Các khoản trả nợ nước ngoài năm nay chiếm khoảng 8 - 9% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ. Số này cũng nằm trong giới hạn được Quốc hội cho phép (25%).

Theo báo cáo, các khoản nợ Chính phủ có 76% từ nguồn vay trong nước, trong đó chủ yếu là trái phiếu. Hiện khối công ty bảo hiểm, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và các quỹ đầu tư, công ty tài chính nắm 62,5% tổng dư nợ trái phiếu chính phủ. Phần còn lại do các ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư và các nhà đầu tư khác nắm giữ...

Năm nay, Thủ tướng giao chỉ tiêu huy động 670.679 tỷ đồng vốn vay. Số này chủ yếu vay để cân đối ngân sách trung ương (659.934 tỷ đồng). Cơ cấu vay chủ yếu từ trong nước, chiếm 95% kế hoạch, tương đương 639.399 tỷ đồng. Khoản vay ODA, ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài khoảng 31.280 tỷ đồng.

Chính phủ đánh giá, quản lý nợ công bám sát nghị quyết của Quốc hội, đảm bảo an toàn nợ. Cùng với đó, cơ cấu nợ Chính phủ đến cuối năm nay cải thiện tích cực. Nợ được Chính phủ bảo lãnh được quản lý chặt chẽ, tỷ trọng giảm từ mức 3,8% GDP năm 2021 xuống còn 2-3% GDP năm nay.

Việc trả nợ được thực hiện đầy đủ theo cam kết, trong dự toán đã duyệt. Chỉ tiêu nghĩa vụ nợ trực tiếp của Chính phủ trên thu ngân sách khoảng 21 - 22%.

Năm 2025, Chính phủ dự báo dư nợ công ở mức 36 - 37% GDP, nợ Chính phủ 34 - 35%, nợ nước ngoài 33 - 34%, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách khoảng 24%.

Đề nghị công nhận ấn vàng Hoàng đế chi bảo là bảo vật quốc gia

Trong báo cáo gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Bắc Ninh đề nghị xem xét, thẩm định hồ sơ hiện vật kim bảo Hoàng đế chi bảo tại Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng (TP. Từ Sơn), trình Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia đợt 13, năm 2024.

Ấn vàng Hoàng đế chi bảo được chuyển giao từ Pháp về Việt Nam năm 2023

Ấn vàng Hoàng đế chi bảo được chuyển giao từ Pháp về Việt Nam năm 2023

UBND tỉnh Bắc Ninh vừa có báo cáo về thực trạng công tác bảo vệ, bảo quản, phát huy giá trị bảo vật quốc gia của Tỉnh. Lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Ninh đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) xem xét, báo cáo Hội đồng thẩm định hiện vật và hồ sơ hiện vật, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận ấn vàng Hoàng đế chi bảo là bảo vật quốc gia.

"Thực hiện văn bản hướng dẫn của Bộ VHTTDL, UBND tỉnh Bắc Ninh giao Sở VHTTDL chủ trì, phối hợp với Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng xây dựng hồ sơ hiện vật kim bảo Hoàng đế chi bảo đề nghị Bộ VHTTDL thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia đợt 13, năm 2024", báo cáo nêu.

Ấn vàng Hoàng đế chi bảo triều Nguyễn cao 10,4 cm, nặng 10,78 kg, mặt hình vuông. Đây là vật báu được truyền từ đời vua Minh Mạng đến vua Bảo Đại. Trước khi qua đời, ông Bảo Đại đã để lại tài sản, trong đó có kim ấn này cho vợ người Pháp là bà Monique Baudot. Năm 2021, bà qua đời, những người được thừa kế đã ủy quyền cho hãng Millon đưa ra bán đấu giá vào cuối năm 2022.

Chiều 16/11/2023 (theo giờ Pháp), sau nhiều tháng đàm phán và tiến hành các thủ tục cần thiết, ấn vàng Hoàng đế chi bảo được chuyển giao từ Pháp về Việt Nam.

Công ty TNHH Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng (Bắc Ninh) được chọn là đại diện thực hiện các thủ tục tài chính về quyền lợi các bên liên quan đến ấn vàng theo pháp luật của Cộng hòa Pháp.

Đơn vị này cũng thực hiện việc lưu giữ, trưng bày, phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia bảo vệ, phát huy giá trị của ấn vàng tại Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng theo quy định của Luật Di sản văn hóa.

Daewoo sắp làm Khu đô thị Kiến Giang gần 10.000 tỷ đồng ở Thái Bình

Khu đô thị mới Kiến Giang được xây dựng trên khu đất 96 ha tại TP. Thái Bình, chi phí đầu tư hơn 9.686 tỷ đồng.

Thái Bình sắp có Khu đô mới Kiến Giang gần 10.000 tỷ đồng

Thái Bình sắp có Khu đô mới Kiến Giang gần 10.000 tỷ đồng

UBND tỉnh Thái Bình vừa trao Quyết định chấp thuận nhà đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với Dự án phát triển nhà ở Khu đô thị mới Kiến Giang.

Chủ đầu tư thực hiện Dự án là Liên danh DECV - THT - GIP LAND - ZUP (gồm Công ty TNHH Daewoo Engineering & Construction Việt Nam, Công ty TNHH Phát triển THT - Hà Nội, Công ty TNHH GIP Land và Công ty TNHH ZUP Invest - Thái Bình).

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 9.686 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khoảng 417 tỷ đồng.

Diện tích sử dụng đất ước tính khoảng 96 ha, thuộc các phường Kỳ Bá, Quang Trung, Trần Lãm và xã Vũ Phúc, Vũ Chính, TP. Thái Bình. Quy mô dân số khoảng 18.600 người.

Tính tới thời điểm hiện tại, Khu đô thị mới Kiến Giang có tổng mức đầu tư lớn nhất và có diện tích lớn thứ hai tại Thái Bình.

Thời gian xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, nhà ở là 96 tháng kể từ ngày UBND Tỉnh có quyết định giao đất.

Sau khi hoàn thành, Dự án cung cấp hơn 1.400 sản phẩm nhà ở riêng lẻ gồm 858 căn liền kề, 544 biệt thự; 5 khu chung cư cao 25 tầng; khu nhà ở xã hội 15 tầng cùng các công trình thương mại, dịch vụ, hạ tầng kỹ thuật.

Hà Nội sắp có thêm tuyến đường 6 làn xe tại huyện Đông Anh

Phó Chủ tịch UBND TP. Dương Đức Tuấn vừa phê duyệt phương án, vị trí tuyến đường từ đường gom Quốc lộ 3 mới qua UBND xã Vân Hà đến hết địa phận huyện Đông Anh, tỷ lệ 1/500.

Huyện Đông Anh sắp có thêm tuyến đường rộng gần 2km. Ảnh minh hoạ

Huyện Đông Anh sắp có thêm tuyến đường rộng gần 2km. Ảnh minh hoạ

Theo Quyết định, phương án, vị trí tuyến đường từ đường gom Quốc lộ 3 mới qua UBND xã Vân Hà đến hết địa phận huyện Đông Anh, tỷ lệ 1/500 do Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội lập, được Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội thẩm định.

Điểm đầu của tuyến đường giao với đường gom Quốc lộ 3 mới, điểm cuối tại ranh giới giữa huyện Đông Anh, TP. Hà Nội với TP. Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, chiều dài khoảng 1,84 km.

Lòng đường 22,5 m (6 làn xe), dải phân cách giữa 3 m, vỉa hè hai bên 14,5 m. Tại đoạn đầu tuyến giao với Quốc lộ 3 mới, mặt cắt ngang đường gồm 3 thành phần chính: cầu vượt qua Quốc lộ 3 mới bề rộng 19,5 m (4 làn xe), nhánh phía Bắc rộng 21,5 m (3 làn xe), nhánh phía Nam rộng 13 m (2 làn xe).

Các nút giao được xác định trên cơ sở mạng lưới đường theo quy hoạch được duyệt. Cụ thể sẽ được nghiên cứu bổ sung, xác định chính xác trong quá trình lập quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường hoặc dự án đầu tư tuyến đường ngang được cấp thẩm quyền phê duyệt.

UBND TP. Hà Nội giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc kiểm tra, xác nhận bản vẽ phương án, vị trí tuyến đường theo Quyết định phê duyệt của UBND Thành phố.

UBND huyện Đông Anh tổ chức công bố công khai hồ sơ phương án tuyến, vị trí tuyến đường được duyệt để các tổ chức, cá nhân có liên quan được biết, thực hiện; quản lý chặt chẽ đất đai, trật tự xây dựng hai bên tuyến đường theo quy hoạch và phương án, vị trí tuyến đường được duyệt; triển khai công tác cắm mốc giới tuyến đường đồng thời với việc thực hiện thu hồi đất, giải phóng mặt bằng trong quá trình thực hiện dự án đầu tư.

Doanh thu bảo hiểm nhân thọ tiếp tục giảm

9 tháng năm 2024, doanh thu từ bảo hiểm nhân thọ đạt 106.980 tỷ đồng, giảm 6,4% so với cùng kỳ năm trước, theo Bộ Tài chính.

9 tháng năm 2024, doanh thu từ bảo hiểm nhân thọ đạt 106.980 tỷ đồng, giảm 6,4% so với cùng kỳ năm trước

9 tháng năm 2024, doanh thu từ bảo hiểm nhân thọ đạt 106.980 tỷ đồng, giảm 6,4% so với cùng kỳ năm trước

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng doanh thu phí bảo hiểm (gồm nhân thọ và phi nhân thọ) 9 tháng đạt 165.500 tỷ đồng, giảm 0,41% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 58.540 tỷ đồng, tăng gần 12,8%. Còn doanh số bảo hiểm nhân thọ vẫn đi lùi sau cuộc khủng hoảng vào năm ngoái, khi giảm 6,4% sau 9 tháng, đạt 106.980 tỷ đồng.

Thị trường bảo hiểm nhân thọ chưa hết khó khăn, cũng được thể hiện trong báo cáo mới nhất của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính). Theo đó, 7 tháng đầu năm, doanh thu phí khai thác mới của khối này giảm tới 18,7% so với cùng kỳ, chỉ đạt 13.960 tỷ đồng. Mức này thấp hơn một nửa so với cùng kỳ 2022 - thời điểm trước khi xảy ra những biến cố trên thị trường gây sụt giảm niềm tin khách hàng.

Hiện bảo hiểm liên kết đầu tư (sản phẩm bảo hiểm bán qua kênh ngân hàng) vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất, đóng góp hơn 68% doanh thu phí khai thác mới của ngành bảo hiểm nhân thọ. Song, so với cùng kỳ năm trước, doanh thu mới từ kênh này hụt trên 32%.

Trong bối cảnh doanh số giảm, đặc biệt là sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư không còn dễ bán như trước, các hãng đều siết lại khoản chi hoa hồng cho các địa lý. Mức hoa hồng trả cho đại lý trong năm đầu tiên với sản phẩm liên kết đầu tư còn 30%, giảm 10% so với trước.

Cũng theo báo cáo của Bộ Tài chính, 9 tháng đầu năm các doanh nghiệp bảo hiểm chi trả quyền lợi khoảng 64.070 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 821.240 tỷ đồng, tăng gần 10%. Tổng tài sản thị trường bảo hiểm ước đạt 978.900 tỷ đồng, tăng 9,8%.

Dự kiến khai thác cao tốc Bến Lức - Long Thành trong tháng 11/2024

Cao tốc Bến Lức - Long Thành, đoạn qua Đồng Nai sắp khai thác tạm, dự kiến trong tháng 11/2024, giúp giảm kẹt Quốc lộ 51, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Nút giao cao tốc Bến Lức - Long Thành và đường vào cảng Phước An

Nút giao cao tốc Bến Lức - Long Thành và đường vào cảng Phước An

Ngày 13/10, Ban Quản lý các đường cao tốc phía Nam cho biết, đang đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công để khai thác tạm cao tốc Bến Lức - Long Thành, đoạn qua Đồng Nai, dự kiến trong tháng 11/2024.

Cao tốc Bến Lức - Long Thành, đoạn qua tỉnh Đồng Nai gồm 3 gói thầu A5, A6, A7. Đến nay, gói A5 đã cơ bản xong, các nhà thầu đang chờ nghiệm thu để bàn giao cho chủ đầu tư; gói A7 cơ bản đã hoàn thành.

Còn gói A6 được chia ra làm 5 gói thầu nhỏ (gồm A6.1, A6.2, A6.3, A6.4 và A6.5). Trong đó gói A6.4, đoạn từ nút giao đường vào cảng Phước An đến giáp cầu Thị Vải - thuộc gói thầu A7, đã đạt khoảng 75%. Gói thầu này đang được đẩy nhanh tiến độ để kịp hoàn thành trong tháng 11/2024, kết nối với Quốc lộ 51, giúp giảm tải cho một đoạn cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và Quốc lộ 51.

Theo đó, xe lưu thông từ TP.HCM về Bà Rịa - Vũng Tàu qua phà Cát Lái vào các tuyến đường nội tỉnh Đồng Nai để đến nút giao đường vào cảng Phước An rồi lên cao tốc Bến Lức - Long Thành hướng ra Quốc lộ 51.

Ngoài ra, các xe lưu thông trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, muốn né điểm ùn tắc thường xuyên ở nút giao Quốc lộ 51 thì rẽ vào đường 319 rồi lên cao tốc Bến Lức - Long Thành, để ra lại nút giao Quốc lộ 51, đoạn gần giáp ranh tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Cao tốc Bến Lức - Long Thành có chiều dài 58 km qua Đồng Nai, TP.HCM và Long An. Dự án có tổng mức đầu tư 31.320 tỷ đồng với 11 gói thầu xây lắp. Bao gồm đoạn 1 phía Tây gói thầu từ A1-A4, đoạn 2 gói thầu từ J1-J3 và đoạn 3 phía Đông qua tỉnh Đồng Nai gồm các gói thầu từ A5-A7.

Tuyến này được khởi công từ năm 2014 và phải tạm dừng vào năm 2019 do thay đổi về chính sách, đến giữa năm 2023 thì tái khởi động và dự kiến hoàn thành toàn tuyến trong quý 3/2025. Riêng một số đoạn dự kiến về đích trong tháng 11/2024 đưa vào khai thác tạm.

Becamex IDC phát hành 5 lô trái phiếu trong 4 tháng

Becamex IDC vừa phát hành thành công mã trái phiếu BCMH2427005 có giá trị 320 tỷ đồng. Đây là lô trái phiếu thứ 5 được BCM huy động kể từ ngày 17/6.

Becamex IDC phát hành hơn 2.000 tỷ đồng trái phiếu trong chưa đầy 4 tháng

Becamex IDC phát hành hơn 2.000 tỷ đồng trái phiếu trong chưa đầy 4 tháng

Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - Becamex IDC (HoSE:BCM) vừa công bố kết quả phát hành mã trái phiếu BCMH2427005 có giá trị 320 tỷ đồng vào ngày 9/10. Lô trái phiếu này kỳ hạn 3 năm, đáo hạn ngày 9/10/2027.

Đây cũng là lô trái phiếu thứ 5 được Becamex IDC huy động thành công trong 4 tháng qua với tổng giá trị của 5 lô là 2.120 tỷ đồng.

Cụ thể, ngày 17/6, doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu mã BCMH2427001 với mệnh giá 800 tỷ đồng, kỳ hạn 3 năm, lãi suất 10,5%/năm. Tiếp theo, ngày 8/8, BCM tiếp tục phát hành 200 tỷ đồng trái phiếu cũng với kỳ hạn 3 năm, lãi suất 10,5%/năm.

Riêng ngày 14/8, BCM cùng lúc phát hành hai lô trái phiếu đều cùng kỳ hạn là 3 năm. Trong đó, mã BCMH2427003 trị giá 500 tỷ đồng, lãi suất 10,2%/năm và mã BCMH2427004 trị giá 300 tỷ đồng với lãi suất 10,5%/năm.

Cũng liên quan tới trái phiếu, doanh nghiệp mới đây thông qua nghị quyết về việc rút bớt tài sản bảo đảm của mã trái phiếu BCMH2427001 là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất số hiệu CY 3756299, thửa đất số 245, tờ bản đồ 44 tại phường Hoà Phú, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.

Để thực hiện việc này, Becamex IDC sẽ lấy ý kiến trái chủ và triển khai trong tháng 10 nếu được thông qua.

Đáng chú ý, vào đầu tháng 10, Becamex IDC đã bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt tổng số tiền 130 triệu đồng vì vi phạm công bố thông tin.

Trong đó, Becamex IDC bị phạt tiền 65 triệu đồng do công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định của pháp luật trên Chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội.

Những thông tin chậm công bố bao gồm các tài liệu báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu năm 2021, bán niên 2022, năm 2022; báo cáo tài chính bán niên 2022, báo cáo tình hình thực hiện các cam kết của doanh nghiệp phát hành đối với người sở hữu trái phiếu năm 2022, báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu được kiểm toán năm 2023.

Dự kiến từ 1/12 sẽ tái thu phí đường BOT 768 Đồng Nai

Theo kế hoạch, dự kiến từ đầu tháng 12 sẽ thu phí BOT 768 trở lại. Hiện các đơn vị chức năng đang triển khai các thủ tục liên quan.

Sắp tái thu phí BOT đường tỉnh 768

Sắp tái thu phí BOT đường tỉnh 768

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, dự kiến từ ngày 1/12 tới sẽ tái thu phí để hoàn vốn cho Dự án BOT đường tỉnh 768.

Hiện cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai đang phối hợp với chủ đầu tư Dự án là Công ty CP Sonadezi Châu Đức để triển khai các thủ điều chỉnh Dự án BOT đường tỉnh 768.

Trong đó bao gồm điều chỉnh bỏ hạng mục đường nhà máy nước Thiện Tân và đường song hành của tuyến đường này ra khỏi Dự án.

Sau khi hoàn thành điều chỉnh Dự án, đường Nhà máy Nước Thiện Tân sẽ được bàn giao cho Sở GTVT Đồng Nai quản lý và triển khai nâng cấp, mở rộng.

Theo kế hoạch, đường Nhà máy Nước Thiện Tân sẽ có quy mô tối thiểu 4 làn xe, bổ sung hệ thống thoát nước, chiếu sáng, vỉa hè bằng nguồn vốn ngân sách Tỉnh. Được biết, Dự án BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) đường tỉnh 768 bao gồm tổ hợp 6 tuyến đường với tổng chiều dài hơn 48 km.

Dự án do Công ty CP Sonadezi Châu Đức làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 534 tỷ đồng (không bao gồm chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng và di dời hệ thống hạ tầng kỹ thuật).

Thời gian hoàn vốn là 30 năm dự kiến từ năm 2010 - 2039 và thời gian thu phí tạo lợi nhuận là 5 năm dự kiến từ năm 2040 - 2044.

Dự án bắt đầu thu phí hoàn vốn từ tháng 11/2010. Tuy nhiên đến 1/1/2021, BOT đường tỉnh 768 tạm dừng thu phí để chủ đầu tư lắp đặt hệ thống thu phí không dừng ETC theo yêu cầu của Chính phủ.

Theo dự kiến, sau khi chủ đầu tư hoàn thành lắp đặt hệ thống thu phí không dừng ETC và được các sở, ngành liên quan kiểm tra đảm bảo đủ điều kiện theo quy định thì sẽ tiến hành thu phí trở lại. Nhưng do nhiều nguyên nhân, đến nay, Dự án vẫn chưa thực hiện thu phí hoàn vốn trở lại.

Theo tính toán sơ bộ của các cơ quan chức năng, sau khi thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư, tách hạng mục đường Hoàng Văn Bổn ra khỏi Dự án thì nguồn vốn cần thu phí để hoàn vốn với các hạng mục còn lại khoảng 425 tỷ đồng. Với số vốn này, thời gian thu phí dự kiến của dự án sẽ thực hiện trong hơn 9 năm.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư