Bản tin thời sự sáng 14/10

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là giải phóng mặt bằng 40.000 hộ dân để xây cao tốc Bắc - Nam; Hà Nội nghiên cứu tuyến đường sắt đô thị số 6; bốn nhà thầu cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ bị cảnh cáo; kiến nghị kéo dài thí điểm cho người Việt vào chơi casino thêm hai năm; tiền vào chứng khoán thấp nhất hai năm…

Giải phóng mặt bằng 40.000 hộ dân để xây cao tốc Bắc Nam

Các địa phương kiểm đếm có 40.100 hộ dân trong diện giải phóng mặt bằng cho Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025, theo Bộ Giao thông vận tải.

Thi công cao tốc Bắc Nam, đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 (Thanh Hóa).

Thi công cao tốc Bắc Nam, đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 (Thanh Hóa).

Ngày 13/10, tại cuộc họp với Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về tiến độ khởi công xây dựng cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn hai, ông Bùi Quang Thái - Cục trưởng Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông cho biết, ngoài số hộ bị ảnh hưởng, còn 6.600 hộ phải tái định cư do bị lấy gần hết đất. Tuy nhiên, mới có Cần Thơ, Bạc Liêu, Cà Mau có sẵn khu tái định cư cho Dự án. Còn 9 địa phương cần xây dựng 166 khu tái định cư, với tổng diện tích 480 ha.

So với tính toán sơ bộ đầu năm thì số hộ dân bị ảnh hưởng tăng lên khoảng 25.000, song số hộ tái định cư đã giảm 5.000.

Theo ông Thái, các địa phương đã hoàn thành đo đạc thực địa với tổng diện tích thu hồi 6.300 ha. Tuy nhiên, quá trình giải phóng mặt bằng còn gặp nhiều khó khăn; công tác kiểm kê tài sản trên đất và lập phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng còn chậm. Một số nơi kiểm đếm còn thấp như tỉnh Quảng Trị đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ, tỉnh Bình Định đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh, tỉnh Phú Yên đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh. 7 tỉnh chưa phê duyệt phương án bồi thường.

Các địa phương đã giải ngân được 400 tỷ đồng, trong đó Hà Tĩnh dẫn đầu với hơn 220 tỷ đồng; Bình Định 118 tỷ đồng; Cà Mau 54 tỷ đồng; Quảng Bình 15 tỷ đồng.

Ông Thái cũng lo ngại, thủ tục, công việc xây khu tái định cư thường kéo dài, nếu không đẩy nhanh tiến độ sẽ ảnh hưởng đến công tác giải phóng mặt bằng.

Nhắc lại bài học triển khai giai đoạn một mất 3 năm để chuẩn bị Dự án, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu toàn bộ giai đoạn hai, với chiều dài 720 km, phải hoàn thành đúng tiến độ. Ngoài ra, Phó Thủ tướng lưu ý chuẩn bị mỏ vật liệu cho Dự án, tránh mua đi bán lại qua các khâu trung gian khiến giá bị đội lên.

Hà Nội nghiên cứu tuyến đường sắt đô thị số 6

Tuyến đường sắt đô thị số 6 được quy hoạch dài 43 km, từ Nội Bài đến khu đô thị mới phía Tây Ngọc Hồi, kết nối tuyến số 4 tại Cổ Nhuế và tuyến số 7 tại Dương Nội.

Hà Nội nghiên cứu tuyến đường sắt đô thị số 6 dài 43 km. Ảnh minh họa

Hà Nội nghiên cứu tuyến đường sắt đô thị số 6 dài 43 km. Ảnh minh họa

UBND thành phố Hà Nội vừa giao các đơn vị liên quan nghiên cứu Dự án Tuyến đường sắt đô thị số 6, đoạn Nội Bài - Ngọc Hồi, sử dụng vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Australia thông qua Ngân hàng Thế giới (WB).

Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) là đơn vị đầu mối tiếp nhận tài trợ để nghiên cứu. MRB có trách nhiệm làm việc với các chuyên gia của WB xác định lại nội dung của Dự án Hỗ trợ kỹ thuật, lựa chọn công việc phù hợp bảo đảm hiệu quả, tuân thủ các quy định của Việt Nam và kết quả nghiên cứu có thể được sử dụng lâu dài.

Hà Nội yêu cầu MRB nghiên cứu, đề xuất các hình thức đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 6 để có thể huy động được các nguồn vốn tham gia đầu tư. Trong đó, nghiên cứu áp dụng mô hình TOD (phát triển định hướng giao thông) khai thác không gian ngầm tại các ga đường sắt đô thị, khu đất lân cận của tuyến đường, đặc biệt là điểm đầu và điểm cuối. Việc này có thể thu hồi một phần vốn đầu tư cho các dự án đường sắt đô thị, nâng cao hiệu quả đầu tư và giảm áp lực cho ngân sách nhà nước.

Theo quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị Hà Nội đến năm 2030, Thủ đô sẽ có 10 tuyến với tổng chiều dài 417 km, trong đó đi trên cao 342 km, đi ngầm 75 km. Hiện chỉ có tuyến Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành và vận hành thương mại sau 10 năm xây dựng.

Bốn nhà thầu cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ bị cảnh cáo

Bốn nhà thầu chính và phụ tại Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ đã bị chủ đầu tư cảnh cáo do không hoàn thành tiến độ theo cam kết.

Sơ đồ toàn tuyến cao tốc TP.HCM - Cần Thơ

Sơ đồ toàn tuyến cao tốc TP.HCM - Cần Thơ

Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (đại diện chủ đầu tư) vừa cảnh cáo Công ty CP Đầu tư xây dựng ĐMA - nhà thầu phụ thi công Gói thầu XL02, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, giai đoạn 1.

Theo chủ đầu tư, đầu tháng 9/2022, nhà thầu trên cam kết trước ngày 20/9 sẽ hoàn thành đắp gia tải giai đoạn 1 đường đầu cầu vượt An Khánh với khối lượng 5.000 m3 đất. Ngày 15/10, hoàn thành đắp gia tải giai đoạn 2 với khối lượng khoảng 11.000 m3 và trước ngày 30/9 sẽ hoàn thành bê tông bản mặt cầu Đìa Rúng. Tuy nhiên, đến nay tiến độ thi công của nhà thầu vẫn không chuyển biến đáng kể.

Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận khẳng định, việc liên tiếp chậm tiến độ thi công thuộc trách nhiệm chủ quan của nhà thầu, ảnh hưởng đến kế hoạch giải ngân, thời gian dỡ tải để thi công kết cấu mặt đường.

Ngoài ra, còn ba nhà thầu khác cũng bị chủ đầu tư cảnh cáo trong tháng qua do liên tiếp chậm tiến độ thi công, làm ảnh hưởng đến kế hoạch giải ngân và thời gian hoàn thành công trình.

Cụ thể, Công ty CP Tập đoàn Thành Huy - đơn vị thầu phụ tại Gói thầu XL-02, bị cảnh cáo do chưa thực hiện kế hoạch do chính họ đề ra, đặc biệt là chưa có kế hoạch thi công bản mặt cầu cầu kênh 19/5.

Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn là nhà thầu chính tại Gói thầu XL-02 bị cảnh cáo. Tổng công ty cam kết hoàn thành đắp gia tải giai đoạn 2 (khối lượng khoảng 48.500 m3) trước ngày 15/10, cầu Xẻo Lò hoàn thành bê tông xà mũ 9/10, bắt đầu lao dầm ngày 18/10. Song từ 10/9 đến nay, tiến độ thi công của nhà thầu vẫn không chuyển biến đáng kể...

Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cũng cảnh cáo nhà thầu Công ty CP Xây dựng Tân Nam vì liên tiếp chậm tiến độ thi công cầu Ông Bầy thuộc Gói thầu XL-03. Đơn vị này đã nhiều lần bị đôn đốc, yêu cầu hoàn thành toàn bộ cầu Ông Bầy trước ngày 30/9, nhưng liên tiếp chậm tiến độ và phải lùi mốc thời gian hoàn thành công trình.

Kiến nghị kéo dài thí điểm cho người Việt vào chơi casino thêm 2 năm

Bộ Tài chính kiến nghị kéo dài thí điểm cho người Việt vào chơi tại casino Phú Quốc (Kiên Giang) thêm 2 năm, tức tới hết năm 2024.

Bộ Tài chính kiến nghị kéo dài thí điểm cho người Việt vào chơi tại casino Phú Quốc (Kiên Giang) thêm hai năm. Ảnh minh họa

Bộ Tài chính kiến nghị kéo dài thí điểm cho người Việt vào chơi tại casino Phú Quốc (Kiên Giang) thêm hai năm. Ảnh minh họa

Đề nghị này được cơ quan quản lý gửi Chính phủ, xin chủ trương báo cáo Bộ Chính trị về quản lý hoạt động casino ở Việt Nam.

Năm 2016, Bộ Chính trị cho phép hai dự án casino tại Phú Quốc (Kiên Giang) và Vân Đồn (Quảng Ninh) được thí điểm cho người Việt vào chơi trong 3 năm. Tuy nhiên, đến nay mới có casino Phú Quốc hoạt động, còn casino Vân Đồn do nhiều lý do vẫn chưa được chấp thuận đầu tư, triển khai.

Sau 3 năm thí điểm, theo Bộ Tài chính, casino là mô hình phát triển gắn với khu dịch vụ, du lịch thương mại và vui chơi giải trí tổng hợp quy mô lớn. Việc Bộ Chính trị cho phép thí điểm người Việt vào chơi casino tại Phú Quốc (Kiên Giang) là chủ trương đúng. Việc này không ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, đáp ứng nhu cầu giải trí của một bộ phận người dân, góp phần tăng thu cho ngân sách nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tạo việc làm cho lao động. Chẳng hạn, casino Phú Quốc thu hút khoảng 2.000 việc làm...

Tuy nhiên, dịch Covid-19 bùng phát đã tác động, ảnh hưởng tới kinh doanh casino, nên thời gian thí điểm ngắn, kết quả đem lại chưa như mong muốn. Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ, trình Bộ Chính trị cho phép kéo dài thêm 2 năm thí điểm cho người Việt Nam vào chơi tại casino Phú Quốc (Kiên Giang) đến năm 2024. Trong thời gian thí điểm, ngoài dự án casino tại Phú Quốc và Vân Đồn sẽ không mở rộng thí điểm tại nơi khác.

Tiền vào chứng khoán thấp nhất hai năm

VN-Index tăng mạnh nhưng nhà đầu tư vẫn dè dặt, đứng ngoài quan sát nên giá trị giao dịch phiên ngày 13/10 chưa đến 9.000 tỷ đồng, thấp nhất hai năm.

Nhà đầu tư vẫn dè dặt, đứng ngoài quan sát nên giá trị giao dịch phiên ngày 13/10 chưa đến 9.000 tỷ đồng. Ảnh minh họa

Nhà đầu tư vẫn dè dặt, đứng ngoài quan sát nên giá trị giao dịch phiên ngày 13/10 chưa đến 9.000 tỷ đồng. Ảnh minh họa

So với hôm 12/10, tiền vào thị trường giảm 2.500 tỷ đồng và nối dài chuỗi đi xuống bốn phiên liên tiếp. Đây là phiên có giá trị thấp nhất kể từ tháng 11/2020 đến nay và chưa bằng 1/4 phiên giao dịch cao nhất trong năm nay.

Nhà đầu tư chủ yếu giải ngân vào nhóm tài chính - ngân hàng với gần 2.400 tỷ đồng. Ba trong số năm cổ phiếu đứng đầu về thanh khoản trên sàn HoSE thuộc nhóm này gồm STB, TCB, SSI với mức khớp lệnh dao động 220 - 280 tỷ đồng. Các nhóm khác như bất động sản, công nghiệp, nguyên vật liệu, tiêu dùng thiết yếu không hút mạnh dòng tiền dù nhiều cổ phiếu trụ hồi phục mạnh.

Phần đông nhà đầu tư lựa chọn đứng ngoài thị trường nhưng VN-Index vẫn tăng mạnh nhờ lực cầu của khối ngoại. Nhà đầu tư nước ngoài ngày 13/10 mua gần 1.300 tỷ đồng và chỉ bán khoảng 800 tỷ đồng, qua đó kéo dài mạch gom hàng năm phiên liên tiếp. VNM, MBB, HPG và DGC là những cổ phiếu được khối ngoại giải ngân nhiều nhất.

VN-Index chốt phiên giao dịch ngày 13/10 tại 1.050 điểm, tăng 16 điểm dù nhiều thời điểm bị lực bán ấn xuống dưới tham chiếu. Thị trường đóng cửa với sắc xanh áp đảo khi 265 cổ phiếu tăng điểm, trong đó có 23 mã vốn hoá lớn. Nhiều cổ phiếu ngân hàng như ACB, BID, CTG, STB, VCB đảo chiều từ giá giảm thành tăng hơn 4% lúc đóng cửa.

Bộ GTVT "chốt" tiến độ chỉ định thầu xây lắp cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có văn bản báo cáo gửi Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành về tình hình triển khai công tác giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu xây dựng và tiến độ khởi công 12 dự án thành phần xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 (2021 - 2025).

Thi công cao tốc Bắc - Nam

Thi công cao tốc Bắc - Nam

Theo thông tin từ Bộ GTVT, sau khi phê duyệt xong 12/12 dự án thành phần, hiện nay, các chủ đầu tư đã trình hồ sơ thiết kế kỹ thuật được 208 km/721,2 km thuộc Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 (đạt 29%). Dự kiến đến ngày 5/11/2022, Bộ GTVT sẽ phê duyệt thiết kế kỹ thuật và dự toán toàn bộ 12 dự án thành phần.

Liên quan tới công tác lựa chọn nhà thầu xây lắp và chuẩn bị khởi công, Bộ GTVT cho biết đã chỉ đạo các Ban quản lý dự án (chủ đầu tư) rà soát phạm vi, quy mô gói thầu xây lắp và trình Bộ phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

Tính đến giữa tháng 10/2022, Bộ GTVT đang tổ chức thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo với các mốc tiến độ như sau: phê duyệt thiết kế, dự toán gói thầu đầu tiên cho toàn bộ 12 dự án thành phần trước ngày 31/10/2022; Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán các gói thầu khởi công xong trước ngày 20/11/2022; hoàn thành việc lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ yêu cầu trước ngày 20/11/2022; lựa chọn nhà thầu xây lắp, tư vấn giám sát xong trước ngày 16/12/2022.

Trên cơ sở các bước tiến độ nêu trên, các chủ đầu tư sẽ tiến hành ký hợp đồng xây lắp trước ngày 20/12/2022; chuẩn bị công tác khởi công các gói thầu đầu tiên từ ngày 21/12/2022 đến ngày 24/12/2022. Các gói thầu còn lại hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu và tổ chức thi công trong quý I/2023 theo đúng yêu cầu Nghị quyết số 18/NQ-CP của Chính phủ.

Thủy điện miền Trung xả nước phòng lũ

Quảng Ngãi, Quảng Nam và Thừa Thiên Huế yêu cầu các thủy điện hạ mực nước trong lòng hồ, chuẩn bị cho đợt mưa lớn nhằm giảm lũ cho hạ du.

Thủy điện Hương Điền xả lũ

Thủy điện Hương Điền xả lũ

Dự báo đêm 13/10 hoàn lưu áp thấp nhiệt đới kết hợp không khí lạnh và gió đông hoạt động mạnh có thể gây mưa lớn ở các tỉnh Quảng Bình đến Khánh Hòa, khu vực Tây Nguyên. Lượng mưa phổ biến 200 - 500 mm, có nơi trên 600 mm.

Ông Phan Thanh Hùng, Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thừa Thiên Huế cho biết, trước nguy cơ xảy ra ngập lụt khu vực ven sông, suối và ngập úng vùng trũng thấp, khu đô thị, các hồ thủy điện Hương Điền, Bình Điền, hồ Tả Trạch ở thượng nguồn sông Hương, sông Bồ đang điều tiết lũ về hạ du.

Cụ thể, hồ chứa thủy điện Bình Điền điều tiết nước về hạ du qua tràn và tuabin với lưu lượng tăng dần, tránh đột biến với khoảng 250 - 500 m3/s. Hồ Tả Trạch ở thượng nguồn sông Hương điều tiết với lưu lượng 400 m3/s. Hồ thủy điện Hương Điền điều tiết qua tràn và tuabin với lưu lượng 500 - 1.000 m3/s, tùy thuộc lưu lượng về đến hồ.

Trước nguy cơ xuất hiện mưa lớn, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Quảng Nam yêu cầu thủy điện Đak Mi 4, Sông Bung 4, A Vương nằm trên lưu vực sông Vu Gia điều tiết nước ở các hồ về mức đón lũ thấp nhất trước 10h ngày 14/10; riêng thủy điện Sông Tranh lưu vực sông Thu Bồn trước 17h ngày 13/10.

Lúc 10h ngày 13/10, ba thủy điện Đak Mi 4, Sông Bung 4 và A Vương đã xả nước qua tràn xuống hạ lưu sông Vu Gia hơn 1.600 m3/s. Trên sông Thu Bồn, thủy điện Sông Tranh 2 điều tiết nước qua tràn gần 350 m3/s.

Ngoài thủy điện, hồ thủy lợi Phú Ninh được yêu cầu giảm mực nước hồ xuống để đón lũ từ chiều 12/10, với lưu lượng 50 - 500 m3/s.

Ở Quảng Ngãi, Phó Chủ tịch Tỉnh Trần Phước Hiền trưa 12/10 đã yêu cầu hai chủ hồ chứa thủy điện Đăkđrinh và Nước Trong vận hành xả nước về hạ du.

Chuyên đề