Bản tin thời sự sáng 13/9

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Cần Giờ dự kiến mở tour du lịch vào ngày 30/9; Quảng Ninh đón 2 chuyến bay chở khách từ Mỹ có "hộ chiếu vắc xin"; đường sắt Cát Linh - Hà Đông tăng 7,8 triệu USD chi phí tư vấn giám sát; 1,5 triệu học sinh không có máy tính để học trực tuyến; cao tốc Hà Nội - Hải Phòng dừng giảm 30% giá vé từ 0h ngày 12/09; đề xuất bỏ ưu đãi mua nhà xã hội khi vay tại ngân hàng thương mại…

Cần Giờ dự kiến mở tour du lịch vào ngày 30/9

Huyện Cần Giờ dự kiến thí điểm mở tour du lịch khép kín vào ngày 30/9 để góp phần khôi phục dịch vụ theo kế hoạch phục hồi kinh tế.

Cần Giờ dự kiến mở tour du lịch vào ngày 30/9

Cần Giờ dự kiến mở tour du lịch vào ngày 30/9

Bí thư huyện Cần Giờ Lê Minh Dũng cho biết, Cần Giờ là một trong 3 địa phương cùng với Củ Chi và Quận 7 đã công bố kiểm soát được dịch và đang chuẩn bị kế hoạch cho việc phục hồi kinh tế sau ngày 15/9. Đây cũng là địa phương ghi nhận ít ca nhiễm nhất trong 22 quận, huyện tại TP.HCM trong đợt bùng phát dịch thứ tư.

Theo ông Dũng, giai đoạn 1 (từ 16/9 đến 31/10), bên cạnh các loại hình được mở cửa theo hướng dẫn của Thành phố, huyện cũng đề xuất thí điểm mở một số hoạt động như: đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, chợ truyền thống, xây dựng nhà ở riêng lẻ trong dân... Đồng thời, huyện cũng dự kiến hoạt động một tour hoặc điểm du lịch để góp phần khôi phục dịch vụ, xem xét mở lại hoạt động vui chơi giải trí ngoài trời, ăn uống tại chỗ với quy mô nhỏ (dưới 20 người)...

Về khôi phục du lịch, ông Dũng cho biết huyện có kế hoạch xây dựng tour du lịch khép kín, cung đường khép kín, du khách chỉ ở trong khu vực nhất định. Dự kiến đến 30/9, huyện Cần Giờ có thể mở tour thí điểm.

Liên quan kế hoạch này, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết, hiện Cần Giờ đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh và cần tiếp tục cố gắng giữ vững trong sạch địa bàn để phát triển dịch vụ, du lịch. Huyện Cần Giờ có thể khoanh gọn từng vùng để làm ngay chương trình du lịch nội địa trong thời kỳ Covid-19.

Cách trung tâm Thành phố chừng 50 km, Cần Giờ là huyện duy nhất của TP.HCM giáp biển với chiều dài 23 km. Huyện rộng hơn 71.300 ha, trong đó 70% là rừng ngập mặn và sông rạch, sở hữu nhiều làng nghề truyền thống, lễ hội đặc sắc, thuận lợi phát triển du lịch sinh thái, văn hoá - tín ngưỡng.

Quảng Ninh đón 2 chuyến bay chở khách từ Mỹ có "hộ chiếu vắc xin"

Hai chuyến bay đưa 345 công dân có "hộ chiếu vắc xin" từ Mỹ về Việt Nam đã hạ cánh xuống sân bay quốc tế Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh) vào trưa ngày 12/9.

345 hành khách từ Mỹ có "hộ chiếu vắc xin" đã nhập cảnh Việt Nam

345 hành khách từ Mỹ có "hộ chiếu vắc xin" đã nhập cảnh Việt Nam

Theo đó, chuyến bay mang số hiệu VN5413 hạ cánh lúc 11h18 với 161 khách và chuyến bay VN5415 hạ cánh lúc 12h21 với 184 khách. Hành khách trên chuyến bay đều đủ điều kiện nhập cảnh và cách ly theo chương trình thí điểm "hộ chiếu vắc xin" của Bộ Y tế.

Theo đại diện sân bay quốc tế Vân Đồn, các hành khách trước khi lên máy bay phải đảm bảo sức khỏe tốt, đã tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19, có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (bằng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP) trong vòng 72 giờ trước khi xuất cảnh, thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng hộ đảm bảo an toàn suốt hành trình.

Sau khi nhập cảnh tại sân bay Vân Đồn, hành khách được di chuyển đi cách ly y tế tập trung theo quy định dành riêng cho người có "hộ chiếu vắc xin".

Hành khách trên các chuyến bay này là đối tượng có nguy cơ lây nhiễm thấp, nhưng sân bay vẫn thực hiện phục vụ theo quy trình chặt chẽ giống như các chuyến giải cứu…

Có thêm 200.000 liều vắc xin Covid-19 AstraZeneca về Việt Nam

Bộ Y tế vừa tiếp nhận thêm 200.000 liều vắc xin Covid-19 AstraZeneca, nguồn từ Chính phủ Bỉ và Chính phủ Slovakia trao tặng.

Có thêm 200.000 liều vaccine COVID-19 AstraZeneca về Việt Nam

Có thêm 200.000 liều vaccine COVID-19 AstraZeneca về Việt Nam

100.000 liều vắc xin Covid-19 AstraZeneca do Chính phủ Bỉ tặng và 100.000 liều còn lại do Chính phủ Slovakia trao tặng đã được tiếp nhận tại Lễ bàn giao hàng viện trợ ở Sân bay Nội Bài (Hà Nội) trưa 12/9.

Trước đó, từ ngày 6 đến 11/9, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 tại Áo, kết hợp làm việc tại Bỉ, Liên minh Châu Âu và thăm chính thức Phần Lan.

Một trong những điểm nhấn của chuyến công tác là những kết quả cụ thể của ngoại giao vắc xin, và hợp tác phòng chống đại dịch Covid-19.

Đến nay, trong khuôn khổ chuyến công tác, Bỉ và Slovakia đã hỗ trợ 200.000 liều vắc xin và cam kết hỗ trợ, nhượng lại nhiều triệu liều vắc xin.

Nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đã hỗ trợ các trang thiết bị và vật tư y tế, nhất là các bộ kit xét nghiệm Covid-19, tổng trị giá đạt trên 1.028 tỷ đồng (không bao gồm 200.000 liều vắc xin do Bỉ và Slovakia tài trợ và một số vật tư y tế khác).

Bộ Y tế cho biết, đến thời điểm này, Việt Nam đã tiếp nhận khoảng 35 triệu liều vắc xin Covid-19 từ các nguồn khác nhau, trong đó nhiều nhất là AstraZeneca. Đây là vắc xin đầu tiên được Việt Nam phê duyệt sử dụng và tiêm chủng.

Hiện Việt Nam có 7 loại vắc xin đã được cấp phép sử dụng gồm: AstraZeneca (do AstraZeneca sản xuất) , Sputnik V (Viện nghiên cứu Gamaleya), Covid-19 Vaccine Janssen (Johnson & Johnson), Spikevax (Covid-19 Vaccine Moderna), Comirnaty (Pfizer – BioNTech), Vero Cell (China National Biotec Group (CNBG)/ Sinopharm) và vắc xin Hayat-Vax.

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông tăng 7,8 triệu USD chi phí tư vấn giám sát

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) tăng khoảng 7,8 triệu USD chi phí hợp đồng tư vấn giám sát do chậm tiến độ.

Đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông chạy thử qua hồ Hoàng Cầu

Đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông chạy thử qua hồ Hoàng Cầu

Trong văn bản gửi Bộ Tài chính đầu tháng 9, Bộ Giao thông vận tải cho biết, do hợp đồng EPC Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông không thể hoàn thành đúng tiến độ, nên phải kéo dài thời gian thực hiện, đã làm tăng chi phí hợp đồng tư vấn giám sát khoảng 7,8 triệu USD.

Mặc dù vậy, nguồn vốn đối ứng của Dự án từ phía Việt Nam còn lại rất ít, trong khi hiệp định vay bổ sung từ phía Trung Quốc còn dư khoảng 26,4 triệu USD. Do đó, trong tháng 4, Bộ Giao thông vận tải đã đề nghị Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc xem xét, chấp thuận bổ sung Hợp đồng tư vấn giám sát vào phạm vi tài trợ của Hiệp định vay bổ sung.

Tuy nhiên, cuối tháng 8, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc trả lời đề nghị của Bộ Giao thông vận tải với nội dung "Phụ lục hợp đồng EPC đã được hai bên xác nhận, không cần thiết phải sửa đổi điều 1.7 của Hiệp định vay", và "Hợp đồng tư vấn giám sát không thể được tài trợ bởi khoản vay". Điều này có nghĩa phía Trung Quốc không đưa phần chi phí tư vấn giám sát tăng thêm vào khoản vay.

Tuyến Cát Linh - Hà Đông dài 13 km gồm 12 ga và 1 khu Depot. Tổng mức đầu tư ban đầu 8.770 tỷ đồng (gần 553 triệu USD), sau đó điều chỉnh lên 18.002 tỷ đồng (hơn 868 triệu USD). Trong số này, vốn vay ODA Trung Quốc là 13.867 tỷ đồng, vốn đối ứng của Việt Nam là 4.134 tỷ đồng. Tổng thầu EPC là Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc và tư vấn giám sát thi công là Viện nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh.

1,5 triệu học sinh không có máy tính để học trực tuyến

Tổng số học sinh chưa có máy tính để học trực tuyến tại 26 tỉnh/thành phố đang triển khai học trực tuyến và cần được hỗ trợ, ước khoảng 1.500.000 (1,5 triệu học sinh).

Hiện còn 1,5 triệu học sinh không có máy tính để học trực tuyến

Hiện còn 1,5 triệu học sinh không có máy tính để học trực tuyến

Theo thống kê từ Bộ GD-ĐT, tính đến thời điểm ngày 12/9, trên cả nước có 26/63 tỉnh/thành phố đang học trực tuyến (có một số tỉnh chỉ học trực tuyến ở một số vùng, có tỉnh không giãn cách nhưng nguy cơ cao vẫn cho học trực tuyến).

Tổng số học sinh đang học trực tuyến ước khoảng 7.350.000 (7,35 triệu học sinh các cấp). Tổng số học sinh chưa có máy tính để học trực tuyến tại 26 tỉnh/thành phố đang học trực tuyến và cần được hỗ trợ, ước khoảng 1.500.000 (1,5 triệu học sinh).

Sau một tuần học trực tuyến, theo khảo sát nhanh của Bộ GD-ĐT, việc tổ chức dạy học trong những ngày đầu tiên của năm học mới gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội.

Nhiều tỉnh, thành phố phải tổ chức dạy học trực tuyến, song do hệ thống đường truyền internet hạn chế dung lượng, phần mềm dạy học miễn phí chất lượng không tốt, nhiều học sinh thiếu trang thiết bị học tập như: TP. Hồ Chính Minh thống kê sơ bộ còn thiếu 77.000 máy tính để học trực tuyến; An Giang có khoảng 50% học sinh tiểu học, 20 - 30% học sinh THCS, THPT thiếu thiết bị học trực tuyến; Sơn La có gần 70% học sinh chưa có thiết bị học trực tuyến, 1.635 thôn/bản/khu vực nơi ở của học sinh không có mạng Internet; Ninh Thuận có trên 70% học sinh tiểu học, trên 30% học sinh THCS, THPT chưa có thiết bị học trực tuyến… sự hỗ trợ của gia đình còn gặp nhiều khó khăn nên việc dạy và học ở nhiều nơi chưa hiệu quả.

Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng dừng giảm 30% giá vé từ 0h ngày 12/09

Sau 1 tháng giảm 30% phí hỗ trợ phương tiện phòng chống dịch Covid-19, từ 0h ngày 12/08, tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng quay về mức giá vé cũ.

Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng dừng giảm 30% giá vé từ 0h ngày 12/09

Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng dừng giảm 30% giá vé từ 0h ngày 12/09

Theo đại diện Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI), kể từ 0h ngày 12/9, đơn vị đã triển khai thu phí trở lại theo mức như trước khi giảm giá đối với các phương tiện loại 2, 3, 4 và 5.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã đề nghị VIDIFI thực hiện giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng từ ngày 11/8/2021. Theo đó, VIDIFI đã thực hiện giảm 30% giá dịch vụ sử dụng đường bộ trên đường ôtô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng trong thời gian 1 tháng (từ 12/8 - 11/9/2021) đối với các phương tiện loại 2, 3, 4 và 5.

Cụ thể, xe loại 2 là xe từ 12 chỗ ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn đến dưới 4 tấn; loại 3 là xe từ 31 chỗ ngồi trở lên, xe có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn; loại 4 là xe có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn, xe chở hàng container 20 feet; loại 5 là xe có tải trọng từ 18 tấn trở lên, xe chở hàng container 40 feet.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, doanh thu thu phí thực tế sau khi giảm giá sẽ được cập nhật trong phương án tài chính của dự án. Việc giảm giá này nhằm chia sẻ chi phí đối với các đơn vị vận tải và thu hút các phương tiện chuyển hướng lưu thông từ Quốc lộ 5 sang đường ôtô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, giảm ùn tắc giao thông trên Quốc lộ 5; đồng thời đẩy nhanh tốc độ lưu thông hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu, bình ổn thị trường, thúc đẩy sản xuất kinh doanh…

Đề xuất bỏ ưu đãi mua nhà xã hội khi vay tại ngân hàng thương mại

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang đề xuất, khi vay tại ngân hàng thương mại để mua, thuê mua nhà xã hội, người dân sẽ không được hưởng lãi suất ưu đãi như hiện nay.

Đề xuất bỏ ưu đãi mua nhà xã hội khi vay tại ngân hàng thương mại

Đề xuất bỏ ưu đãi mua nhà xã hội khi vay tại ngân hàng thương mại

Đề xuất trên được nêu trong Dự thảo sửa đổi Thông tư 25 đang lấy ý kiến. Theo đó, khách hàng vay vốn để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội không nằm trong nhóm được hưởng chính sách ưu đãi tại các ngân hàng thương mại. Chỉ người vay vốn để đầu tư, xây dựng mới, hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở xã hội mới nhận được hỗ trợ.

NHNN giải thích, việc thay đổi nhằm áp dụng đúng quy định về vấn đề này. Thực tế, chính sách hỗ trợ vay vốn cho nhà ở xã hội được quy định tại 3 văn bản pháp luật gồm: Luật Nhà ở, Nghị định 100 và Nghị định 49 về phát triển, quản lý nhà ở xã hội nhưng không có sự thống nhất.

Trong đó, Luật Nhà ở quy định các chính sách hỗ trợ tại Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) để mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở; còn các ngân hàng thương mại được chỉ định - chỉ hỗ trợ khách vay để xây mới, cải tạo, sửa nhà để ở, không có chính sách hỗ trợ để mua, thuê mua nhà ở xã hội.

Nghị định 100 và Nghị định 49 về phát triển, quản lý nhà ở xã hội lại quy định ngân hàng thương mại được chỉ định cho vay ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội.

NHNN cho biết, nếu các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề, văn bản nào có tính pháp lý cao hơn sẽ được áp dụng. Do vậy, với tình huống này phải áp dụng Luật Nhà ở, tức là các ngân hàng thương mại chỉ hỗ trợ vay xây mới, cải tạo, sửa nhà để ở. Còn nếu muốn vay ưu đãi để mua, thuê nhà ở xã hội, người vay cần tìm đến Ngân hàng CSXH.

Mỗi năm, Nhà nước cấp 50% vốn cho Ngân hàng CSXH và huy động thêm 50% từ các kênh khác nhau để hỗ trợ cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội, theo quy định của Luật Nhà ở. Các ngân hàng thương mại tự huy động 100% vốn để cho vay và được cấp bù một phần lãi suất.

Khánh Hòa lên kế hoạch đón khách du lịch quốc tế có 'hộ chiếu vắc xin'

Theo đề án của Sở Du lịch Khánh Hòa, việc triển khai đón khách “hộ chiếu vắc xin” sẽ có 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 3 là thực hiện đón du khách quốc tế có "hộ chiếu vắc xin" bằng các chuyến bay charter.

Khu vực Bãi Dài được lựa chọn để đón khách có "thẻ xanh" vaccine

Khu vực Bãi Dài được lựa chọn để đón khách có "thẻ xanh" vaccine

Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa đã đồng ý chủ trương đón khách quốc tế có "hộ chiếu vắc xin" đến địa phương và giao UBND Tỉnh sớm chỉ đạo các sở, ngành hoàn chỉnh hồ sơ, đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Theo lãnh đạo Sở Du lịch Khánh Hòa, đơn vị đã hoàn thiện dự thảo kế hoạch đón khách trở lại trong tình hình mới và trình UBND Tỉnh xem xét, sau đó sẽ trình các bộ, ngành cho ý kiến trước khi trình Thủ tướng.

Hiện, UBND tỉnh Khánh Hòa đã cho phép các hoạt động du lịch nội tỉnh đối với khách du lịch có giấy chứng nhận đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin hoặc đã tiêm một mũi nhưng có giấy chứng nhận kết quả âm tính trong vòng 72 giờ.

Theo đề án của Sở Du lịch Khánh Hòa, việc triển khai đón khách “hộ chiếu vắc xin” sẽ có 3 giai đoạn.

Trong đó, giai đoạn đầu người Khánh Hòa du lịch Khánh Hòa, ưu tiên thúc đẩy các công ty du lịch làm các tour ở những địa bàn “vùng xanh” dịch đã được kiểm soát. Giai đoạn 2 là thúc đẩy, quảng bá du lịch nôi địa, ưu tiên khách từ các địa phương, vùng không có dịch đến tỉnh Khánh Hòa. Giai đoạn 3 là thực hiện đón du khách quốc tế có "hộ chiếu vắc xin" bằng các chuyến bay charter.

Theo Sở Du lịch Khánh Hòa, ở giai đoạn 2 và 3 sẽ ưu tiên nhóm khách nghỉ dưỡng biển, sử dụng dịch vụ du lịch khép kín tại các khu du lịch, chơi golf, ít di chuyển... như ở khu vực Bãi Dài, TP. Cam Ranh.

Phó giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa Nguyễn Thị Lệ Thanh cho biết, đối với các du khách trong nước bắt buộc phải tiêm 2 mũi vắc xin và có giấy âm tính với SARS-Cov-2 trong vòng 72 giờ. Đối với khách quốc tế, du khách phải có giấy chứng nhận tiêm đủ 2 liều vắc xin phòng Covid-19 do cơ quan có thẩm quyền tại các nước cấp và liều cuối cùng được tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày, không quá 12 tháng tính đến lúc nhập cảnh.

TP. Vinh chuyển sang thực hiện Chỉ thị 15 từ 0h ngày 13/9

Từ 0h ngày 13/9, TP. Vinh sẽ chuyển xuống thực hiện Chỉ thị 15 sau 21 ngày cách ly xã hội theo Chỉ thị 16.

Từ 0h ngày 13/9, TP Vinh sẽ chuyển xuống thực hiện Chỉ thị 15

Từ 0h ngày 13/9, TP Vinh sẽ chuyển xuống thực hiện Chỉ thị 15

Tỉnh Nghệ An vừa có văn bản cho phép chuyển sang áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ từ 0h ngày 13/9 đối với toàn bộ địa bàn TP. Vinh, thị xã Cửa Lò, huyện Nghi Lộc và các xã ở các huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn và Diễn Châu.

Sau khi liên tục tổ chức 5 đợt xét nghiệm diện rộng truy vết F0 và yêu cầu người dân chỉ ở trong nhà trong 14 ngày, tình hình dịch Covid-19 ở Vinh đã được kiểm soát, số F0 giảm dần về 0, không phát hiện ca bệnh mới trong cộng đồng.

Được biết, TP. Vinh sẽ hướng dẫn các phường xã, người dân phòng, chống dịch trong điều kiện mới, đảm bảo an toàn phòng dịch.

Trong đó, TP. Vinh đề xuất mở lại các chợ, tiểu thương phải xét nghiệm 3 ngày/lần; Thành lập tổ phòng chống Covid-19 tại các chợ, duy trì các gian hàng cung ứng tại các phường, xã. Ưu tiên tiêm vắc xin cho các doanh nghiệp.

TP. Vinh cũng đã đề xuất Tỉnh cho chuyển chợ đầu mối Vinh - nơi xuất hiện, bùng phát hai đợt dịch Covid-19 - ra khỏi nội thành.

Hơn 30 sàn và 80 môi giới tại Quảng Ninh hoạt động chui

Theo cơ quan chức năng hiện tượng sốt ảo đất thời gian quan cũng từ những sai phạm của các sàn kinh doanh bất động sản trên địa bàn.

Hơn 30 sàn và 80 môi giới tại Quảng Ninh hoạt động chui

Hơn 30 sàn và 80 môi giới tại Quảng Ninh hoạt động chui

Theo báo cáo của Công an tỉnh Quảng Ninh, trên địa bàn thành phố Hạ Long có khoảng 150 đơn vị, cá nhân hoạt động kinh doanh tư vấn, môi giới bất động sản, hoạt động sàn giao dịch.

Tuy nhiên, trong danh sách này chỉ có 34 sàn giao dịch nằm trong danh sách được Sở Xây dựng Quảng Ninh quản lý. Còn lại 30 sàn giao dịch và khoảng hơn 80 doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh dịch vụ này không đăng ký, báo cáo hoạt động với cơ quan quản lý.

Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết đã phát hiện nhiều doanh nghiệp, sàn giao dịch bất động sản sai phạm như đăng ký kinh doanh ngành nghề có điều kiện khi không đủ điều kiện hoạt động, kinh doanh dịch vụ bất động sản khi không đủ chứng chỉ hành nghề môi giới, đưa các sản phẩm lên sàn giao dịch không đạt yêu cầu.... Một số sàn bị nhắc đến trong các sai phạm này như Legend Land, GD Land, Nhật Minh Land, sàn Long Quân...

Cơ quan chức năng đánh giá, tuy Sở Xây dựng đã có các biện pháp quản lý đối với thị trường bất động sản địa phương để ngăn chặn sốt đất ảo nhưng công tác kiểm tra, xử lý đối với các sàn chưa quyết liệt nên còn nhiều sai phạm. Điều này cũng là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng cấu kết với nhau làm giá, gây sốt ảo, làm nhiễu loạn thị trường.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư