Bản tin thời sự sáng 13/3

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Giám đốc CDC Bình Phước bị kỷ luật sau vụ trả quà Việt Á; Hà Nội sắp mở tuyến buýt điện thứ 4; đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành quốc lộ nối Kon Tum với Quảng Ngãi; Bà Rịa - Vũng Tàu: Kêu gọi đầu tư Dự án Sân bay Gò Găng; hoàn thành mở rộng đường Hoàng Quốc Việt trước 30/4…

Giám đốc CDC Bình Phước bị kỷ luật sau vụ trả quà Việt Á

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bình Phước Nguyễn Văn Sáu được xác định vi phạm nghiêm trọng trong mua sắm vật tư y tế phòng, chống Covid-19.

Ông Nguyễn Văn Sáu trong lần phát biểu tại CDC Bình Phước

Ông Nguyễn Văn Sáu trong lần phát biểu tại CDC Bình Phước

Ngày 12/3, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bình Phước quyết định kỷ luật cách chức tất cả chức vụ trong Đảng đối với ông Nguyễn Văn Sáu, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC Bình Phước), đồng thời khiển trách Đảng ủy bộ phận CDC Bình Phước nhiệm kỳ 2020 - 2022.

Theo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Đảng ủy bộ phận CDC Bình Phước buông lỏng lãnh đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát, để một số cán bộ, nhân viên trung tâm vi phạm quy định của Đảng, pháp luật trong mua vật tư y tế phòng, chống Covid-19. Ông Sáu là người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về những vi phạm này.

Ngoài ra, ông Sáu còn bị cho là vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm. Những vi phạm của CDC Bình Phước và người đứng đầu cơ quan này được xác định "rất nghiêm trọng, làm mất uy tín của bản thân và tổ chức đảng".

Trước đó từ tháng 5/2021, Bình Phước ba lần hợp đồng mua kit xét nghiệm Covid-19 và bộ tách chiết của Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á với tổng kinh phí hơn 41,5 tỷ đồng, để phục vụ phòng chống dịch.

Trong đó, đợt đầu CDC Bình Phước mua khoảng 14.000 kit xét nghiệm với giá 509.250 đồng/kit, tổng kinh phí trên 7,1 tỷ đồng.

Đợt hai, CDC mua 14.000 kit xét nghiệm với giá 470.000 đồng/kit, tổng kinh phí 6,58 tỷ đồng v; đợt ba mua gần 60.000 kit xét nghiệm với giá 367.000 đồng/kit, tổng kinh phí hơn 21,8 tỷ đồng.

Ngoài ra, CDC Bình Phước mua gần 48.000 bộ tách chiết với giá 125.000 đồng/bộ, tổng kinh phí gần 6 tỷ đồng.

Chiều 31/12/2021, ông Sáu báo cáo Sở Y tế về việc nhận quà của Công ty Việt Á và xin trả lại, sau những lùm xùm về việc mua sắm trang thiết bị y tế chống dịch ở một số địa phương liên quan Công ty Việt Á.

Sau đó, ông Sáu và một số cán bộ CDC nhiều lần tới TP.HCM làm việc với Bộ Công an liên quan mua kit test của Công ty Việt Á. Hiện, kết quả điều tra chưa được cơ quan công an thông tin.

Hà Nội sắp mở tuyến buýt điện thứ 4

Ngoài 3 tuyến buýt điện đang khai thác, dự kiến ngay trong tháng 3/2022, TP. Hà Nội sẽ mở tuyến thứ 4 kết nối các khu đô thị...

Ngoài 3 tuyến buýt điện đang khai thác, dự kiến TP. Hà Nội sẽ mở tuyến thứ 4

Ngoài 3 tuyến buýt điện đang khai thác, dự kiến TP. Hà Nội sẽ mở tuyến thứ 4

Trong khi đó, ở Hà Nội, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội cho biết, hiện trên địa bàn Thủ đô đã mở 3 tuyến xe buýt điện. Dự kiến giữa tháng 3/2022 sẽ mở thêm tuyến thứ 4. Tuyến xe buýt điện thứ 4 (E02) có lộ trình từ Hào Nam - Khu đô thị Ocean Park.

Các tuyến của VinBus đều nằm trong hệ thống giao thông công cộng chung của Thành phố, kết nối các khu vực đông dân cư và các điểm thu hút như trường học, bến xe, khu đô thị, khu vui chơi giải trí và các điểm chung chuyển xe buýt lớn cũng như tuyến đường sắt đô thị 2A.

Trước đó, ông Thái Hồ Phương - Phó Giám đốc Trung tâm Giao thông công cộng Hà Nội cho biết, theo kế hoạch năm 2022 Hà Nội dự kiến mở mới thêm 6 tuyến buýt điện. Cụ thể, quý I/2022 mở mới 2 tuyến (tuyến Hào Nam - Khu đô thị Ocean Park); tuyến BX. Giáp Bát - Khu đô thị Ocean Park).

Quý II/2022, mở mới 4 tuyến (tuyến Long Biên - Cửa Nam - Khu đô thị Smart City; tuyến khu liên cơ quan Sở ngành Hà Nội - Khu đô thị Times City; tuyến khu đô thị Smart City - Công viên nước Hồ Tây; khu đô thị Smart City - Vincom Long Biên.

Đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành quốc lộ nối Kon Tum với Quảng Ngãi

Địa hình nhiều đồi núi, Dự án Cải tạo các đoạn xung yếu trên Quốc lộ 24 qua tỉnh Kon Tum dài hơn 30 km đang được đẩy nhanh tiến độ để về đích giữa năm nay.

Đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành Quốc lộ nối Kon Tum với Quảng Ngãi vào giữa năm nay

Đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành Quốc lộ nối Kon Tum với Quảng Ngãi vào giữa năm nay

Dự án thành phần 2 - Quốc lộ 24 có tổng mức đầu tư hơn 847 tỷ đồng, do Sở Giao thông Vận tải Kon Tum làm chủ đầu tư, khởi công tháng 7/2020, dự kiến hoàn thành trong một năm. Dự án bắt đầu từ xã Hiếu, huyện Kon Plông đến TP. Kon Tum.

Do Dự án thi công chậm trễ, nên Bộ Giao thông Vận tải đã điều chỉnh mốc hoàn thành đến cuối năm 2021 rồi 30/5/2022, đồng thời yêu cầu Chủ đầu tư phải có biện pháp kiểm soát chặt chẽ tiến độ thi công.

Quốc lộ 24 dài trên 168 km (qua Quảng Ngãi 68 km, Kon Tum 100 km) là tuyến giao thông đặc biệt quan trọng, huyết mạch nối các tỉnh Bắc Tây Nguyên với khu công nghiệp Dung Quất, các trung tâm kinh tế, các cảng biển lớn như Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định.

Trước đó vào tháng 8/2021, Dự án thành phần 1 dài hơn 10 km (đoạn qua Quảng Ngãi), vốn đầu tư hơn 150 tỷ đồng, đã hoàn thành.

Theo Sở Giao thông vận tải Kon Tum, đến giữa tháng 3, gói thầu số 6 dài 9 km qua xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy và TP. Kon Tum, đã hoàn thành.

Hai gói thầu còn lại (số 4, số 5) dài 22 km gồm san ủi mặt bằng; bạt núi mở đường, đào đắp, lu lèn nền đường, gia cố taluy… đạt khoảng 60 - 70% giá trị hợp đồng.

Cuối tháng 1, Kiểm toán Nhà nước đã có thông báo kết quả kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư Dự án thành phần 2, cho rằng, bên cạnh nguyên nhân khách quan còn có nguyên nhân chủ quan khiến Dự án chậm tiến độ: công tác lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư và báo cáo nghiên cứu khả thi chậm 202 ngày; công tác khảo sát, lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, tổ chức lựa chọn nhà thầu chậm 215 ngày...

Bà Rịa - Vũng Tàu: Kêu gọi đầu tư Dự án Sân bay Gò Găng

Trước đó, Ban Quản lý dự án giao thông khu vực Cảng Cái Mép - Thị Vải được giao làm chủ đầu tư Dự án Sân bay Gò Găng. Hiện tại, Dự án đang ở giai đoạn lập chủ trương đầu tư (tiền khả thi) và lập quy hoạch 1/2000; các sở ngành rà soát lại các vấn đề liên quan về đất đai.

Dự án Sân bay Gò Găng có tổng diện tích toàn sân bay khoảng 248,5 ha, dự kiến được xây dựng tại xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Dự án Sân bay Gò Găng có tổng diện tích toàn sân bay khoảng 248,5 ha, dự kiến được xây dựng tại xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Lê Ngọc Khánh, đã có văn bản giao Sở Xây dựng phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, Ban Quản lý dự án Giao thông khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải nghiên cứu ý kiến của Bộ Quốc phòng và quy định của pháp luật để tham mưu UBND Tỉnh quy trình, thủ tục triển khai Dự án Sân bay Gò Găng.

Cụ thể, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ xây sân bay Gò Găng theo hướng kêu gọi nhà đầu tư thực hiện Dự án cùng với Dự án Khu đô thị Gò Găng. Các sở ngành trên phải báo cáo UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trước ngày 15/3 để trình Ban cán sự đảng UBND Tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho chủ trương.

Theo UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Dự án Sân bay Gò Găng sẽ đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng không chung để phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng. Quy mô là sân bay trực thăng cấp III, sân bay quân sự cấp II khi có nhu cầu và sân bay dân dụng cấp 3C (ICAO) trong tương lai.

Tổng diện tích toàn sân bay khoảng 248,5 ha; trong đó diện tích khu Tổng Công ty trực thăng Việt Nam quản lý 91,25 ha, diện tích đất khu bay dùng chung 75 ha, diện tích khu hàng không chung 20 ha và diện tích khu dịch vụ phát triển hàng không 62,25 ha. Ước toán tổng mức đầu tư xây dựng hoàn chỉnh sân bay Gò Găng hơn 9.005 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng là 1.258 tỷ đồng.

Hoàn thành mở rộng đường Hoàng Quốc Việt trước 30/4

Quá trình mở rộng đường Hoàng Quốc Việt từ 6 lên 8 làn xe dự kiến hoàn tất trước 30/4.

Công nhân thi công mở rộng đường Hoàng Quốc Việt

Công nhân thi công mở rộng đường Hoàng Quốc Việt

Ông Nguyễn Văn Cương, Chỉ huy trưởng công trình, cho biết để sớm hoàn thành đúng tiến độ, trên công trường bố trí nhân công làm ba ca mỗi ngày. Gần 20 máy móc và khoảng 60 công nhân thường trực trên công trường.

Hiện tại Dự án đã được hoàn thiện khoảng 70% khối lượng công việc. Nhằm tránh ùn tắc vào các khung giờ cao điểm, đơn vị thi công chủ yếu vận chuyển đất đá vào ban đêm, ban ngày sẽ thi công những hạng mục bên trong rào chắn.

Đại diện Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông (Sở Giao thông Vận tải Hà Nội) cho hay, để xén dải phân cách giữa mở rộng đường Hoàng Quốc Việt, đơn vị phải dịch chuyển, chặt hạ 625 cây xanh. Trên 500 cây (xà cừ, bàng lá nhỏ...) được chuyển về trồng tại ô đất trống ở nút giao đại lộ Thăng Long và Tỉnh lộ 70.

Đường Hoàng Quốc Việt dài khoảng 2,4 km, từ nút giao Bưởi (Vành đai 2) đến nút giao Phạm Văn Đồng (Vành đai 3). Dải phân cách giữa đường Hoàng Quốc Việt hiện rộng từ 9 đến 12 m. Sau khi xén mở rộng dải phân cách giữa còn 4,4 m, đường được mở rộng mỗi bên thêm từ 2,3 đến 4,3 m đảm bảo từ 6 lên 8 làn xe. Tổng mức đầu tư dự án hơn 25,6 tỷ đồng.

Từ năm 2015 đến nay, Hà Nội đã nhiều lần xén dải phân cách mở rộng lòng đường kết hợp với chỉnh trang cây xanh trên nhiều tuyến phố, như Khuất Duy Tiến, Phạm Hùng, Trần Duy Hưng, Nguyễn Chí Thanh... Gần đây nhất là tuyến Văn Cao - Liễu Giai.

Đề xuất lập Quỹ bảo tồn di sản Huế

Quỹ bảo tồn di sản Huế do Chính phủ thành lập, giao UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trực tiếp quản lý, nhằm huy động nguồn lực bảo tồn, phát triển di sản nơi đây.

Đại nội Huế

Đại nội Huế

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định về việc thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế, trong đó nêu nội dung trên.

Ban soạn thảo đề xuất đây sẽ là Quỹ quốc gia nhằm đầu tư cho các công trình, hạng mục chưa được ngân sách nhà nước bố trí hoặc bố trí chưa đủ. Quỹ hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp công lập, không vì mục tiêu lợi nhuận, có tư cách pháp nhân, con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước.

Nhiệm vụ của quỹ gồm tiếp nhận, quản lý, sử dụng nguồn tài chính; tài trợ các dự án, đầu tư trùng tu, bảo tồn, phát triển giá trị di sản Huế; công khai kết quả hoạt động.

Nguồn tài chính của quỹ được huy động từ hỗ trợ bởi ngân sách nhà nước các tỉnh, thành (không bao gồm ngân sách tỉnh Thừa Thiên Huế); nguồn viện trợ của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; nguồn lãi từ tiền gửi...

Trước đó tháng 11/2021, Quốc hội đã thông qua nghị quyết cho Thừa Thiên Huế thí điểm một số chính sách ngân sách, thu phí, lệ phí đặc thù, trong đó có việc lập Quỹ bảo tồn di sản.

Chuyên đề