Bản tin thời sự sáng 13/11

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Chính phủ phê duyệt Dự án sân bay Long Thành; tư vấn quốc tế sẽ thẩm tra Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam; Thanh tra chỉ nhiều sai phạm đầu thầu y tế ở Đắk Nông; hoàn thành nạo vét kênh Nhiêu Lộc trong tháng 11…

Chính phủ phê duyệt Dự án sân bay Long Thành

Sân bay Long Thành có công suất 25 triệu hành khách mỗi năm, tổng đầu tư giai đoạn một là hơn 4,6 tỷ USD (hơn 109.000 tỷ đồng).

Phối cảnh thiết kế sân bay nhìn từ trên cao

Phối cảnh thiết kế sân bay nhìn từ trên cao

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký quyết định phê duyệt Dự án Đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn một. Đây sẽ là cảng hàng không quốc tế quan trọng của quốc gia và là một trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực.

Sân bay Long Thành giai đoạn một có một đường cất hạ cánh, một nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách, 1,2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Công trình dự kiến hoàn thành năm 2025.

Dự án được chia thành 4 dự án thành phần gồm: các công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước; công trình phục vụ quản lý bay; công trình thiết yếu trong cảng hàng không và các công trình khác. Trong đó, các công trình thiết yếu như công trình khu bay, sân đỗ máy bay, nhà ga hành khách, nhà ga hàng hóa... được giao cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư bằng nguồn vốn của doanh nghiệp.

Các hạng mục xây dựng chính của sân bay gồm: đường cất hạ cánh có chiều dài 4.000 m, chiều rộng 75 m và hệ thống đường lăn, sân đỗ; nhà ga hành khách có công suất thiết kế 25 triệu khách/năm, tổng diện tích sàn 373.000 m2.

Tư vấn quốc tế sẽ thẩm tra Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam

Gói thầu Thẩm tra báo cáo tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam trị giá hơn 41 tỷ đồng sẽ được đấu thầu rộng rãi quốc tế.

Bộ Giao thông vận tải đề xuất tàu tốc độ cao Bắc Nam sử dụng công nghệ động lực phân tán giống tàu Shinkanshen ở Nhật Bản

Bộ Giao thông vận tải đề xuất tàu tốc độ cao Bắc Nam sử dụng công nghệ động lực phân tán giống tàu Shinkanshen ở Nhật Bản

Ngày 12/11, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hội đồng thẩm định Nhà nước báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đường sắt tốc độ cao Bắc Nam vừa phê duyệt kế hoạch chọn nhà thầu tư vấn thẩm tra dự án này.

Gói thầu trị giá 41,2 tỷ đồng trích từ ngân sách nhà nước, thời gian chọn nhà thầu vào quý 4 năm nay và thực hiện hợp đồng trong 90 ngày.

Tư vấn sẽ thẩm định 8 nội dung, đáng chú ý là sự cần thiết để thực hiện đầu tư; tác động của việc thực hiện Dự án theo hình thức PPP (đối tác công tư); phân tích, lựa chọn sơ bộ về công nghệ và các điều kiện cung cấp vật tư, thiết bị, xác định sơ bộ tổng mức đầu tư, phương án huy động vốn...

Đầu năm 2019, Bộ Giao thông vân tải đã trình Chính phủ báo cáo tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam. Theo đề xuất, Dự án dài 1.559 km nối Hà Nội và TP.HCM; tốc độ thiết kế đoàn tàu 350 km/h, tốc độ khai thác 320 km/h; được xây dựng để khai thác riêng tàu chở khách.

Thời gian chạy tàu từ Hà Nội - TP.HCM là 5 giờ 20 phút (nếu không dừng ở một số ga) và 6 giờ 55 phút nếu dừng ở tất cả ga. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 58,7 tỷ USD.

Thanh tra chỉ nhiều sai phạm đầu thầu y tế ở Đắk Nông

Việc đấu thầu thiết bị y tế các gói thầu trị giá 128 tỷ đồng do Sở Y tế Đắk Nông làm chủ đầu tư bị cho có nhiều sai phạm, thất thoát hàng chục tỷ đồng.

Sở Y tế tỉnh Đăk Nông

Sở Y tế tỉnh Đăk Nông

Đây là nội dung trong kết luận thanh tra vừa được Thanh tra tỉnh Đắk Nông công bố liên quan mua sắm vật tư, thiết bị y tế, đấu thầu thuốc chữa bệnh tại Sở Y tế tỉnh này, từ năm 2014 đến 2019.

Kết luận thanh tra nêu 14/28 gói thầu có sai phạm. Cụ thể, ở gói thầu hệ thống phẫu thuật nội soi, doanh nghiệp mua thiết bị với giá hơn 3,4 tỷ đồng, cung cấp cho Sở Y tế giá trúng thầu 6,7 tỷ đồng, cao hơn 3,3 tỷ đồng.

Gói thầu mua sắm 10 máy chạy thận nhân tạo, doanh nghiệp mua thiết bị với giá 2,3 tỷ đồng, cung cấp cho Sở Y tế giá 5,9 tỷ đồng, cao hơn 3,6 tỷ đồng.

Gói thiết bị chăm sóc sức khoẻ sinh sản, doanh nghiệp mua máy tốn hơn 8 tỷ đồng nhưng cung cấp cho Sở Y tế với giá 10,6 tỷ đồng, chênh 2,6 tỷ đồng...

Ngoài ra theo kết luận thanh tra, những chứng thư thẩm định giá thiết bị y tế không sát giá thị trường, song được Sở Y tế căn cứ làm dự toán, lập kế hoạch đấu thầu mua sắm. Điều này khiến các thiết bị y tế trúng thầu cao hơn từ 2,4 - 3,6 tỷ đồng so với giá thị trường.

Ngoài sai phạm trong đấu thấu thiết bị y tế, Sở Y tế và các đơn vị liên quan còn bị cho để xảy ra sai sót trong bàn giao, sử dụng thiết bị y tế; đấu thầu, mua sắm vật tư y tế, hóa chất; đấu thầu, quản lý và sử dụng thuốc chữa bệnh...

Theo Thanh tra Tỉnh, để xảy ra những sai phạm, trách nhiệm thuộc về Giám đốc, Phó giám đốc phụ trách lĩnh vực, Phòng Kế hoạch tài chính của Sở Y tế Đắk Nông (từ năm 2014 - 2019) và các đơn vị thầu, thẩm định giá.

Trước những sai phạm nói trên, cơ quan thanh tra kiến nghị UBND tỉnh chuyển vi phạm của lãnh đạo Sở Y tế (thời kỳ 2014 - 2019) sang Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy xem xét kiểm điểm, xử lý; chuyển hồ sơ sự việc cho Công an tỉnh để điều tra.

Hoàn thành nạo vét kênh Nhiêu Lộc trong tháng 11

Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, đoạn từ cầu Lê Văn Sỹ đến sông Sài Gòn, sẽ được nạo vét xong 33.000 m3 bùn trong tháng 11, giúp kênh khơi thông dòng chảy, giảm ô nhiễm.

Sà lan nạo vét bùn trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, đoạn gần cầu Bông, Quận 1

Sà lan nạo vét bùn trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, đoạn gần cầu Bông, Quận 1

Theo ông Phạm Ngọc Dũng, Giám đốc Trung tâm Quản lý đường thủy (Sở Giao thông vận tải TP.HCM) cho biết, sau hơn một tháng thi công đoạn cuối (dài 6 km, qua Quận 1, 3, Bình Thạnh và Phú Nhuận), để hoàn thành toàn bộ Dự án nạo vét kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, dài gần 9 km.

Hiện, đơn vị thi công dùng sà lan và máy múc nạo vét dọc đoạn này với bề ngang khoảng 25 m, sâu chừng một mét dưới đáy. Nhà thầu dùng chế phẩm sinh học EM (Effective Microorganisms) có tác dụng phân hủy chất thải hữu cơ, xử lý mùi hôi... nhằm hạn chế ảnh hưởng các hộ dân xung quanh khi thi công.

Khởi công hồi tháng 2, Dự án nạo vét kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè tổng kinh phí hơn 36 tỷ đồng, chia làm ba đoạn, nạo vét khoảng 122.000 m3 bùn, chất thải. Trước đó hai đoạn: từ cầu Lê Văn Sỹ đến cầu số 6 và từ cầu số 6 đến đường Út Tịch, tổng chiều dài khoảng 3 km, đã nạo vét xong sau hơn 6 tháng thi công, góp phần khơi thông dòng chảy và cải thiện môi trường.

Khởi động cầu dây văng qua sông Hậu sau 5 năm đình trệ

Cầu Đại Ngãi bắc qua sông Hậu nối Trà Vinh và Sóc Trăng được xúc tiến khởi công lại sau 5 năm đình trệ, với vốn đầu tư hơn 8.000 tỷ đồng.

Phối cảnh cầu dây văng Đại Ngãi bắc qua sông Hậu

Phối cảnh cầu dây văng Đại Ngãi bắc qua sông Hậu

Theo ông Đinh Công Minh, Phó Ban Quản lý Dự án 7 cho biết, đơn vị đã được Bộ Giao thông vận tải giao lập báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án xây cầu Đại Ngãi. Ban đang phối hợp với nhà tài trợ là Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) thực hiện. Phía JICA sẽ cung cấp gói hỗ trợ kỹ thuật viện trợ không hoàn lại để làm nghiên cứu khả thi.

5 năm trước, cầu Đại Ngãi từng được khởi công với kinh phí 5.800 tỷ đồng bằng vốn BOT và ngân sách Nhà nước, dự kiến hoàn thành cuối năm 2018. Song do khó khăn về nguồn vốn, nhà đầu tư... nên công trình bị đình trệ.

Cuối năm 2019, Dự án được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư mới theo nguồn vốn ODA của Nhật Bản. Dự kiến mức đầu tư giai đoạn một của Dự án hơn 8.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay ODA trên 7.000 tỷ, còn lại là đối ứng của Chính phủ.

Công trình dài hơn 15 km, trong đó phần cầu dài gần 3,5 km bao gồm cầu Đại Ngãi 1 (dây văng) dài 2,56 km, vượt qua luồng Định An đến cù lao Dung; cầu Đại Ngãi 2 (bêtông đúc hẫng dài 0,86 km) vượt luồng Trần Đề. Điểm đầu Dự án tại nút giao Quốc lộ 60 với Quốc lộ 54, cách bến phà Đại Ngãi gần 8 km, thuộc huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh. Điểm cuối công trình giao Quốc lộ Nam Sông Hậu, huyện Long Phú, Sóc Trăng.

Tạm giữ một hành khách la hét có bom trên máy bay

Một hành khách nước ngoài có biểu hiện tâm lý bất thường, la hét và nói có bom trên chuyến bay của Pacific Airlines trưa 12/11.

Tạm giữ một hành khách la hét có bom trên máy bay BL6011. Ảnh minh họa

Tạm giữ một hành khách la hét có bom trên máy bay BL6011. Ảnh minh họa

Theo đại diện Pacific Airlines, chuyến bay BL6011 dự định cất cánh lúc 11h25 hôm 12/11 tại sân bay Nội Bài. Sau khi hành khách vào chỗ ngồi, tổ bay chuẩn bị đóng cửa để khởi hành thì một nam hành khách quốc tịch Philippines có biểu hiện tâm lý bất thường, liên tục la hét và nói có bom.

Tổ tiếp viên đã triển khai quy trình ứng phó, tạm ngừng chuyến bay và phối hợp với lực lượng chức năng tại sân bay để xử lý sự việc. Nam hành khách được an ninh sân bay đưa vào nhà ga để thẩm vấn.

Trong khi chờ đợi kiểm tra máy bay, Pacific Airlines đã điều một máy bay khác và tổ bay dự phòng để đưa hành khách từ Hà Nội đi TP.HCM theo lịch trình. Chuyến bay thay thế khởi hành dự kiến lúc 17h cùng ngày, chậm 5 giờ 35 phút so với dự kiến ban đầu.

Theo quy trình với một chuyến bay nghi có bom, lực lượng chức năng kiểm tra lại an ninh, an toàn cho toàn chuyến bay. Hành khách, hành lý được đưa vào nhà ga để soi chiếu lại, máy bay cũng được kiểm tra toàn bộ. Hiện đơn vị chức năng chưa phát hiện vấn đề gì bất thường với chuyến bay BL6011 nêu trên.

TP.HCM: 54 tỷ đồng mở tuyến song hành đường Võ Văn Kiệt

Tuyến song hành đường Võ Văn Kiệt, đoạn từ nút giao Nguyễn Thái Học đến Pasteur, Quận 1, được xây mới, tổng vốn 54 tỷ đồng giúp xe đi thuận tiện, an toàn.

Phối cảnh đường song hành Võ Văn Kiệt khi hoàn thành

Phối cảnh đường song hành Võ Văn Kiệt khi hoàn thành

Ông Đoàn Văn Tấn - Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị TP.HCM cho biết, tuyến đường này xây bên phải đường Võ Văn Kiệt (phía kênh Tàu Hủ), dài 615 m, rộng 7 m cho xe chạy tốc độ 40 km/h. Ngoài ra, Dự án sẽ cải tạo, xây mới hệ thống thoát nước, trồng cây xanh, đèn chiếu sáng...

Công trình dự kiến khởi công đầu năm 2021, hoàn thành trong năm. Dự án từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông ở khu vực, giúp xe chạy an toàn, nhất là đoạn đầu đường hầm sông Sài Gòn tại nút giao Võ Văn Kiệt - Ký Con (Quận 1).

Hiện, xe theo hướng từ quận 5 theo đường Võ Văn Kiệt vào trung tâm thành phố tập trung tại đoạn giao với đường Ký Con để chờ rẽ trái. Lượng xe đông nên ngoài việc gây ùn ứ, nhiều thời điểm chờ đèn đỏ xe phải lấn qua làn đường khác dễ xảy ra tai nạn. Đường song hành xây xong giúp dòng xe giảm giao cắt tại giao lộ nói trên và di chuyển thuận lợi hơn.

Đường Võ Văn Kiệt rộng 60 m, dài khoảng 13 km tính từ cầu Calmette (Quận 1) đến nút giao Quốc lộ 1, nằm trong trục đại lộ Đông - Tây của TP.HCM. Đường thông xe năm 2009 và là tuyến huyết mạch, liên kết TP.HCM với các địa phương vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Chuyên đề