Việt Nam phản đối tàu hải cảnh Trung Quốc hoạt động gần bãi Tư Chính
Nhấn mạnh bãi ngầm Tư Chính là một phần của thềm lục địa Việt Nam và được xác lập phù hợp luật pháp quốc tế, bà Phạm Thu Hằng cho biết, Việt Nam kiên quyết phản đối mọi hành động vi phạm chủ quyền.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng trả lời tại cuộc họp báo thường kỳ |
Tại họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 29/2, báo chí đề nghị Bộ Ngoại giao bình luận về vụ việc Trung Quốc điều tàu hải cảnh vào khu vực gần bãi Tư Chính của Việt Nam.
Trả lời, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nhấn mạnh lập trường của Việt Nam đối với bãi ngầm Tư Chính là nhất quán và đã được khẳng định nhiều lần.
Theo đó, bãi ngầm Tư Chính là một phần của thềm lục địa Việt Nam và được xác lập hoàn toàn phù hợp với Công ước Luật Biển của Liên Hợp Quốc năm 1982.
"Việt Nam kiên quyết phản đối mọi hành động vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền đàm phán đối với các vùng biển của Việt Nam, được xác lập hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế", bà Phạm Thu Hằng nhấn mạnh.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cũng khẳng định, Việt Nam đang và sẽ kiên trì bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng trên biển của mình bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế.
Khởi công dự án chỉnh trang biển Bãi Sau Vũng Tàu vào tháng 7
Dự án chỉnh trang biển Bãi Sau dọc đường Thùy Vân (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) với tổng vốn đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng được khởi công cuối tháng 7, hoàn thành tháng 4/2025.
Phối cảnh trục đường Thùy Vân dọc biển Bãi Sau trong tương lai |
Thông tin được ông Mai Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, sau Kỳ họp chuyên đề thứ 18, ngày 29/2.
Theo nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư được HĐND Tỉnh thông qua, Dự án chỉnh trang đường Thùy Vân TP. Vũng Tàu có tổng đầu tư hơn 1.216 tỷ đồng từ ngân sách địa phương.
Dự án sẽ được thực hiện trên diện tích hơn 19,2 ha. Trong đó, khu vực công viên hiện hữu từ đường Phan Chu Trinh tới Trung tâm Quản lý và hỗ trợ khách du lịch với diện tích khoảng 2 ha; hơn 17 ha từ Khu du lịch San Hô Xanh đến đường Nguyễn An Ninh sẽ xây khu công viên mới cùng các không gian ẩm thực, lễ hội, trải nghiệm.
Ngoài ra, chính quyền tiến hành cải tạo bỏ dải phân cách 2 m trên đường Thùy Vân (đoạn từ đường Hoàng Hoa Thám đến Nguyễn An Ninh) và thay thế bằng mặt đường bêtông mềm, bổ sung dải phân cách cứng nhằm tổ chức giao thông hai chiều.
Lòng đường phía biển được giữ nguyên 3 làn xe (10,5 m), còn phía đối diện được mở rộng 12,5 m để tổ chức 2 làn xe 3,5 m và 1 làn hỗn hợp rộng 5,5 m phục vụ nhu cầu dừng đón trả khách ở các khu vực khách sạn, thương mại dịch vụ; đồng thời nâng cấp, cải tạo hệ thống thoát nước mưa, nước thải trên đường, trồng cây xanh...
Chạy dọc biển Bãi Sau, đường Thùy Vân giữ vai trò kết nối các điểm du lịch của TP. Vũng Tàu. Tuy nhiên, hiện nay các công trình ở đây được đầu tư chưa đồng bộ, che chắn tầm nhìn ra hướng biển.
Huyện Mê Linh (Hà Nội) tổ chức đấu giá lại 19 lô đất từng bị trả giá nhầm
UBND huyện Mê Linh (Hà Nội) thông tin, đơn vị sẽ tổ chức đấu giá đất lần 3 đối với 19 lô đất tại thôn Chu Trần. Đây cũng là khu đất mà tại phiên đấu giá trước đó, một cá nhân đã nhầm lẫn trả giá tới 4,28 tỷ đồng/m2.
UBND huyện Mê Linh (Hà Nội) sẽ tổ chức đấu giá lần 3 đối với 19 lô đất tại thôn Chu Trần. Ảnh minh họa |
UBND huyện Mê Linh cho biết, đơn vị sẽ phối hợp với Công ty Đấu giá hợp danh Đấu giá Việt Nam tiếp tục nhận hồ sơ đấu giá quyền sử dụng đất tại Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất đấu giá quyền sử dụng đất thôn Chu Trần (xã Tiến Thịnh, huyện Mê Linh).
Theo đó, các thửa đất đấu giá thuộc các dãy LK2, LK3 có diện tích từ 90 - 101 m2, với tổng 19 lô đất. Giá khởi điểm thấp nhất từ 23 triệu đồng/m2 và cao nhất là 30 triệu đồng/m2.
Theo UBND huyện Mê Linh, phiên đấu giá sẽ được tổ chức lúc 14h ngày 16/3/2024, tại Hội trường Trung tâm Văn hóa thông tin và thể thao huyện Mê Linh. Đây là lần thứ 3, đơn vị tổ chức đấu giá các lô đất tại dự án này.
Trước đó, ngày 30/1/2024, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Mê Linh đã phối hợp với Công ty Đấu giá hợp danh Đấu giá Việt Nam, tổ chức phiên đấu giá quyền sử dụng đất đối với 47 thửa đất ở thôn Chu Trần (đợt 2).
Theo đó, các thửa đất có diện tích từ 90 - 123,70 m2 với giá khởi điểm từ 20,4 triệu/m2. Hình thức đấu giá từng thửa đất là bỏ phiếu kín trực tiếp 1 vòng (1 lần đấu) theo phương thức trả giá lên, mở phiếu công khai.
Kết quả, sau gần 3 giờ đấu giá công khai, đã có 47 thửa đất được đấu giá thành công với mức giá dao động từ 20,6 - 56,1 triệu đồng/m2. Tổng số tiền trúng đấu giá thu về trên 136 tỷ đồng, chênh hơn 23 tỷ đồng so với giá khởi điểm.
Đặc biệt, tại phiên đấu giá này, ông Nguyễn Thanh Tùng do nhầm lẫn đã trả giá 4,28 tỷ đồng/m2 cho thửa đất 102 m2. Tuy nhiên, ngay sau đó, ông Tùng làm đơn xin rút lại tiền đặt cọc do nhầm lẫn khi trả giá. Sau khi họp, UBND huyện Mê Linh đã thống nhất trả lại tiền cọc cho ông Nguyễn Thanh Tùng.
Đà Nẵng tái khởi động dự án công viên phần mềm 1.000 tỷ đồng
Dự án khu công viên phần mềm số 2 tại Đà Nẵng với tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng đã được tái khởi động sau hơn 1 năm tạm dừng.
Dự án Công viên phần mềm số 2 Đà Nẵng được tái khởi động sau hơn một năm tạm dừng chờ cơ chế |
Chiều 29/2, ông Nguyễn Hữu Hinh, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TP. Đà Nẵng cho biết, công trình này được khởi công từ tháng 10/2020, bao gồm các khối nhà văn phòng cao tầng, hệ thống sân bãi, giao thông nội bộ, cảnh quan cây xanh... Dự kiến khi hoàn thành, công viên phần mềm sẽ thu hút 6.000 kỹ sư công nghệ thông tin làm việc.
Đến tháng 10/2022, Dự án cơ bản hoàn thành hạ tầng, đường nội bộ, khuôn viên và các khối nhà làm việc nhưng phải tạm dừng thi công do chưa có quy định về quản lý, sử dụng và khai thác công viên phần mềm được đầu tư bằng ngân sách nhà nước.
Ngày 1/2, Thủ tướng ban hành Nghị định 09/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 144/2016 quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với TP. Đà Nẵng. Nhờ vậy, Thành phố có thể tái khởi động Dự án.
"Ban quản lý dự án sẽ tổ chức đấu thầu và thi công các hạng mục đầu tư, lắp đặt thiết bị, hệ thống dùng chung để bàn giao đưa vào sử dụng tòa nhà ICT1 trong năm 2024. Các khối nhà còn lại sẽ được trình HĐND Thành phố quyết định đầu tư trong năm tiếp theo", ông Hinh cho hay.
Theo nghị định mới, khu công nghệ thông tin tập trung công viên phần mềm Đà Nẵng được xác định là tài sản kết cấu hạ tầng thông tin; UBND TP. Đà Nẵng là cơ quan quản lý nhà nước; được HĐND Thành phố xem xét, quyết định đầu tư, nâng cấp, mở rộng, phát triển từ nguồn ngân sách địa phương.
Công viên phần mềm số 2 là công trình trọng điểm, có tổng diện tích xây dựng gần 28.600 m2, với các khối nhà văn phòng làm việc 8 - 20 tầng, vốn đầu tư 968 tỷ đồng từ ngân sách TP. Đà Nẵng.
Giá xăng lại tăng lên sát 24.000 đồng/lít
Từ 15h ngày 29/2, giá xăng E5 RON 92 được điều chỉnh tăng 280 đồng, còn xăng RON 95 tăng 330 đồng/lít. Từ đầu năm đến nay, giá nhiên liệu đã có 6 lần tăng và 3 lần giảm.
Giá xăng quay đầu tăng trong phiên ngày 29/2 |
Theo kế hoạch, Liên bộ Công Thương - Tài chính đã tiến hành điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ vào chiều 29/2.
Cụ thể, cơ quan điều hành quyết định tăng 280 đồng trên mỗi lít xăng E5 RON 92, xăng RON 95 cũng tăng 330 đồng/lít. Sau điều chỉnh, giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 22.750 đồng/lít và xăng RON 95 là 23.920 đồng/lít.
Như vậy, giá xăng trong nước đã quay đầu tăng chỉ sau một phiên giảm trước đó. Từ đầu năm đến nay, giá nhiên liệu này đã có 6 lần tăng và 3 lần giảm.
Trong khi đó, giá dầu tiếp tục được điều chỉnh giảm trong kỳ điều hành cuối tháng 2. Cụ thể, giá dầu diesel giảm 140 đồng, về 20.770 đồng/lít. Tại kỳ điều hành này, cơ quan điều hành vẫn duy trì không sử dụng trích hay chi Quỹ bình ổn giá, trừ dầu mazut giữ mức trích 300 đồng/kg.
Hiện dư địa Quỹ bình ổn giá xăng dầu của một số doanh nghiệp đầu mối vẫn ghi nhận mức dương lớn do nhiều kỳ điều hành gần đây cơ quan điều hành ít sử dụng tới Quỹ. Trong đó, tính đến ngày 22/2, Petrolimex ghi nhận mức dương quỹ 3.063 tỷ đồng; PV Oil âm quỹ hơn 144 tỷ đồng; Saigon Petro dương 327 tỷ đồng; Petimex dương 459 tỷ đồng...
Hà Nội cho kinh doanh sân tập golf trên mặt nước Hồ Tây
UBND TP. Hà Nội vừa ban hành quy định quản lý và khai thác Hồ Tây, cho phép 10 loại hình dịch vụ được hoạt động, trong đó có kinh doanh sân tập golf trên mặt nước.
Đua thuyền là một trong các hoạt động được phép tổ chức ở Hồ Tây. Trong ảnh là lễ hội đua thuyền rồng ở Hồ Tây |
Các dịch vụ khác trong danh mục được kinh doanh gồm: vận chuyển khách du lịch bằng phương tiện thủy không lưu trú qua đêm; dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch và nghệ thuật biểu diễn; tổ chức các lễ hội truyền thống, giải đua thuyền; biểu diễn nhạc nước; khinh khí cầu; bay dù lượn.
Những hoạt động cũng được phép kinh doanh như bơi, lặn; bơi thuyền, canô, xe đạp nước, lướt ván; xe điện bánh lốp, xe đạp, xích lô du lịch trên các tuyến đường dạo xung quanh Hồ Tây...
Thành phố đưa ra các yêu cầu về quản lý môi trường (bao gồm nước thải, nước trong hồ và mực nước, vệ sinh mặt hồ); môi trường không khí và các chất thải, rác thải; hạ tầng, quy hoạch, xây dựng và kiến trúc.
UBND quận Tây Hồ là đầu mối quản lý toàn diện, phối hợp với các sở, ngành thành phố thực hiện nhiệm vụ quản lý, khai thác Hồ Tây.
Trước đây, Hồ Tây có một số dịch vụ kinh doanh như nhà nổi, du thuyền, đạp vịt... Năm 2015, Hà Nội đã dời bến thủy nội địa đầu Thụy Khuê, phía giao cắt với đường Thanh Niên về Đầm Bảy thuộc phường Nhật Tân.
Đầu năm 2017, Hà Nội yêu cầu chấm dứt kinh doanh dịch vụ, văn hóa, thể thao du lịch, vui chơi giải trí, nuôi trồng khai thác thủy sản của các doanh nghiệp trong phạm vi quản lý Hồ Tây. Chủ tàu thuyền du lịch, nhà nổi phải tự tháo dỡ phương tiện và di dời. Tuy nhiên, đến năm 2023, việc di dời toàn bộ tàu du lịch khỏi Hồ Tây mới hoàn tất.
Bắc Giang yêu cầu xem xét trách nhiệm vụ mất hàng chục ha rừng tự nhiên
Sau 1 năm, diện tích rừng tự nhiên tại tỉnh Bắc Giang giảm gần 50 ha, trong khi diện tích rừng trồng giảm tới gần 690 ha.
Do giảm gần 740ha rừng, tỉ lệ bao phủ rừng tại Bắc Giang giảm còn 37,8% |
Ngày 29/2, UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định số 178/QĐ-UBND về việc công bố hiện trạng, diện tích rừng tỉnh Bắc Giang năm 2023.
Tính đến ngày 31/12/2023, tổng diện tích rừng trên địa bàn Tỉnh (gồm diện tích có rừng và rừng trồng chưa thành rừng) là 161.177,0 ha.
Trong đó, rừng tự nhiên là 55.043,9 ha, rừng trồng là 92.109,8 ha, rừng mới trồng chưa đạt tiêu chí thành rừng là 14.023,3 ha. Tỷ lệ độ che phủ rừng toàn Tỉnh đạt 37,8%.
Sau khi công bố hiện trạng, UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu, UBND các cấp (huyện, xã) thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng theo quy định tại Điều 102 Luật Lâm nghiệp.
Sử dụng số liệu hiện trạng rừng để rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng hàng năm, làm cơ sở để cập nhật diễn biến rừng năm tiếp theo.
Đáng chú ý, khi so sánh với số liệu diện tích rừng năm 2022 được UBND tỉnh Bắc Giang công bố đầu năm 2023, có thể nhận thấy thực trạng diện tích rừng giảm mạnh tại Tỉnh, đặc biệt là với diện tích rừng trồng.
Trong đó, diện tích rừng tự nhiên giảm khoảng 50 ha, trong khi diện tích rừng trồng giảm tới 688 ha.
Diện tích rừng tự nhiên và rừng trồng giảm mạnh cũng là nguyên nhân khiến tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh Bắc Giang giảm từ 38% năm 2022 xuống còn 37,8% trong năm 2023.
Trong quyết định công bố hiện trạng, diện tích rừng tỉnh Bắc Giang năm 2023 ban hành cuối tháng 2/2024 do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang - Lê Ô Pích ký tên, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang yêu cầu đối với các địa phương có diện tích rừng tự nhiên giảm trong năm 2023, làm rõ nguyên nhân, xem xét trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan theo quy định.
Trồng 7.500 cây trúc sào bên hồ Trúc Bạch (Hà Nội)
Khoảng 7.500 cây trúc sào được trồng trên diện tích 1.000 m2 bên hồ Trúc Bạch, tại điểm giao cắt đường Thanh Niên và phố Trấn Vũ, quận Ba Đình (Hà Nội).
Một góc hồ Trúc Bạch sẽ được phủ xanh bởi trúc sào trong tương lai |
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Ba Đình cho biết, Dự án trồng trúc và cải tạo vườn hồ Trúc Bạch được triển khai từ tháng 11 năm ngoái, đến nay cơ bản hoàn thành.
Đây là lần đầu tiên một điểm công cộng trong nội thành được trồng trúc sào. Số cây này chủ yếu lấy từ Cao Bằng, hiện sinh trưởng tốt, bắt đầu xuất hiện nhánh.
Với độ cao 4 - 5 m, khi cây ra lá, khu vực này sẽ giống rừng trúc thu nhỏ. Để tạo thẩm mỹ, dưới gốc cây được trồng thêm cỏ, giữa mỗi luống là lối đi được làm bằng nhiều phiến đá lớn. Ghế ngồi được bố trí xung quanh vườn trúc giúp người dân và du khách thư giãn.
Ngoài khu vực hồ Trúc Bạch, thời gian qua, quận Ba Đình cũng chỉnh trang nhiều vườn hoa, công viên, trong đó có vườn hoa Vạn Xuân (tên gọi cũ là vườn hoa Hàng Đậu) diện tích 4.200 m2. Quận còn xây mới 6 vườn hoa tại phường Vĩnh Phúc và Kim Mã.
Ông Vũ Phi Hùng, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Ba Đình cho biết, việc cải tạo vườn hoa ở nhiều tuyến phố nhằm khắc phục sự xuống cấp của hạ tầng đô thị. Các vườn hoa sau cải tạo góp phần xây dựng cảnh quan môi trường đô thị.
Khởi tố thêm 3 bị can thu học phí sát hạch lái xe cao hơn quy định
Các đối tượng đã thu học phí sát hạch lái xe hạng B2 của học viên với mức 14 triệu đồng/học viên, không đúng với mức học phí được quy định là 10,6 triệu đồng/học viên.
Công an tỉnh Bắc Kạn đọc quyết định khởi tố bị can, ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với các bị can |
Ngày 29/2, Công an tỉnh Bắc Kạn đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với các bị can gồm Lý Ngọc Thành, Chu Văn Huỳnh (cùng trú tại thôn Nà Nàng, xã Nông Thượng, thành phố Bắc Kạn) và Nguyễn Khắc Hùng (trú tại thị trấn Phủ Thông, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn).
Các bị cáo đều liên quan đến vụ án hình sự “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra năm 2022, tại Công ty CP Vận tải, dịch vụ và xây dựng Bắc Kạn (có địa chỉ tại phường Nguyễn Thị Minh Khai, thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn).
Theo kết quả điều tra, từ năm 2022, dưới sự chỉ đạo của ông Hoàng Văn Linh - Giám đốc Công ty CP Vận tải, dịch vụ và xây dựng Bắc Kạn, Lý Ngọc Thành, Chu Văn Huỳnh và Nguyễn Khắc Hùng (giáo viên dạy lái xe thuộc công ty) đã thu tiền học phí của học viên học lái xe hạng B2 khóa K46 với mức 14 triệu đồng/học viên, không đúng với mức học phí được quy định là 10,6 triệu đồng/học viên.
Trước đó, Công an tỉnh Bắc Kạn đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Hoàng Văn Linh và Cao Sinh Sáu (nguyên Trưởng phòng Đào tạo của Công ty) về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với 2 giáo viên dạy lái xe tại công ty này để tiếp tục điều tra, làm rõ vụ việc liên quan đến hoạt động đào tạo, sát hạch lái xe ô tô trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.