Bản tin thời sự sáng 12/9

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Moody's nâng hạng tín nhiệm 12 ngân hàng Việt; Hà Nội sắp khởi công nhiều dự án giao thông vào tháng 10 và tháng 11; cổ phiếu Vietravel bị hạn chế giao dịch từ ngày 13/9; Sơn La đề xuất xây dựng thêm sân bay Mộc Châu…

Moody's nâng hạng tín nhiệm 12 ngân hàng Việt

Moody's đã nâng xếp hạng nhà phát hành và tiền gửi nội tệ, ngoại tệ dài hạn của 8 ngân hàng và nâng xếp hạng rủi ro đối tác bằng nội tệ, ngoại tệ và đánh giá rủi ro đối tác với 7 ngân hàng.

Vietcombank là 1 trong 12 ngân hàng Việt được Moody's nâng hạng tín nhiệm

Vietcombank là 1 trong 12 ngân hàng Việt được Moody's nâng hạng tín nhiệm

Theo cập nhật mới nhất được Tổ chức xếp hạng Moody's Investors Service (Moody’s), 12 ngân hàng Việt đã được tổ chức này nâng hạng tín nhiệm.

Danh sách này được công bố ngay sau khi Moody's nâng mức xếp hạng quốc gia của Việt Nam lên 1 bậc, từ mức Ba3 lên mức Ba2, triển vọng ổn định.

Cụ thể, Moody's đã nâng xếp hạng nhà phát hành và tiền gửi nội tệ, ngoại tệ dài hạn của 8 ngân hàng lên 1 bậc và nâng 1 bậc đối với xếp hạng rủi ro đối tác bằng nội tệ, ngoại tệ và đánh giá rủi ro đối tác với 7 ngân hàng.

Các ngân hàng được cập nhật xếp hạng lần này là Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank ) và Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB).

Trong đó, 8 ngân hàng được nâng xếp hạng nhà phát hành và tiền gửi nội tệ, ngoại tệ dài hạn bao gồm Vietcombank, BIDV, OCB, SeABank, TPBank, Agribank, VIB và VietinBank.

7 ngân hàng được nâng hạng về rủi ro đối tác bằng nội tệ, ngoại tệ và đánh giá rủi ro đối tác bao gồm BIDV, Agribank, VietinBank, ABBank, LienVietPostBank, SHB và MSB.

Hà Nội sắp khởi công nhiều dự án giao thông vào tháng 10 và tháng 11

Dự kiến dịp 10/10, Dự án hầm chui nút giao đường vành đai 2,5 và hỗ trợ đường sắt số 3 sẽ khởi công, còn Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 khởi công tháng 11.

Phối cảnh hầm chui nút giao vành đai 2,5

Phối cảnh hầm chui nút giao vành đai 2,5

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội (Ban Giao thông) vừa đề xuất với UBND Thành phố về tiến độ triển khai một số dự án giao thông từ nay đến cuối năm.

Theo đó, dịp 10/10, Thành phố dự kiến khởi công 2 dự án là hầm chui tại nút giao đường vành đai 2,5 với đường Giải Phóng và tăng cường giao thông đô thị bền vững cho Dự án Đường sắt đô thị số 3.

Tháng 11, Thành phố dự kiến khởi công Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6, đoạn Ba La - Xuân Mai.

Dự án hầm chui tại nút giao vành đai 2,5 với đường Giải Phóng có quy mô 4 làn xe với tổng chiều dài hầm và đường dẫn khoảng 890 m. Tổng giá trị dự toán phê duyệt gần 600 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách thành phố Hà Nội, thời gian thực hiện 2022 - 2025.

Dự án Tăng cường giao thông đô thị bền vững cho Dự án Đường sắt đô thị số 3 có tổng mức đầu tư trên 1.200 tỷ đồng, sử dụng vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và vốn đối ứng từ ngân sách thành phố Hà Nội.

Dự án sẽ xây dựng các công trình tiếp cận với tuyến đường sắt đô thị đảm bảo liên thông giao thông vận tải công cộng cho 12 nhà ga và các trạm dừng xe buýt giữa các nhà ga; áp dụng các giải pháp về giao thông công cộng. Đường sắt đô thị số 3 Nhổn - Ga Hà Nội tổng chiều dài toàn tuyến 12,5 km, trong đó 8,5 km đi trên cao (từ Depot Nhổn đến Thủ Lệ) và 4 km phần ngầm (từ Thủ Lệ đến ga Hà Nội).

Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6, đoạn Ba La - Xuân Mai sẽ khởi công tháng 11. Dự án có quy mô đầu tư với chiều dài 21,7 km...Theo quyết định phê duyệt, Dự án có tổng mức đầu tư hơn 8.100 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố Hà Nội và vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ. Dự án được thực hiện trong giai đoạn 2022 - 2027.

Cổ phiếu Vietravel bị hạn chế giao dịch từ ngày 13/9

Cổ phiếu VTR của Vietravel chỉ được giao dịch vào phiên thứ 6 hàng tuần trên sàn UPCoM, từ ngày 13/9.

Cổ phiếu VTR của Vietravel bị hạn chế giao dịch từ ngày 13/9. Ảnh minh họa

Cổ phiếu VTR của Vietravel bị hạn chế giao dịch từ ngày 13/9. Ảnh minh họa

Quyết định này vừa được Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đưa ra bởi Công ty CP Du lịch và Tiếp thị Giao thông Việt Nam (Vietravel) bị âm vốn chủ sở hữu căn cứ theo Báo cáo soát xét bán niên 2022.

Gần 17,3 triệu cổ phiếu VTR sẽ chỉ được giao dịch vào phiên thứ 6 hàng tuần từ ngày 13/9. HNX sẽ cho phép mã này giao dịch trở lại khi Vietravel khắc phục được tình trạng âm vốn chủ sở hữu.

Theo Báo cáo tài chính bán niên, đến 30/6, vốn chủ sở hữu của Vietravel âm hơn 104 tỷ đồng. Sau 2 năm ảnh hưởng trầm trọng bởi đại dịch, doanh nghiệp lữ hành hàng đầu thị trường này lỗ luỹ kế khoảng 300 tỷ đồng.

Quý gần nhất vẫn chưa thể ngắt mạch thua lỗ nhưng hoạt động kinh doanh của Vietravel đã có nhiều khởi sắc.

Luỹ kế nửa đầu năm, doanh thu của Vietravel khoảng 1.200 tỷ đồng, cao gấp hơn 2 lần kỳ này năm ngoái. Khoản lỗ bán niên của Vietravel cũng giảm hơn một nửa xuống còn 114 tỷ đồng.

Sắp tới Công ty cũng dự kiến phát hành cổ phiếu riêng lẻ và hoán đổi nợ, với tổng lượng chào bán và hoán đổi là 12 triệu cổ phiếu nhằm tăng vốn điều lệ, cũng như bổ sung nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Vietravel cho biết đã hoàn tất các thủ tục và đang chờ Uỷ ban Chứng khoán chấp thuận. Việc phát hành và tăng vốn điều lệ lên 292 tỷ đồng dự kiến hoàn tất trong quý III.

Sơn La đề xuất xây dựng thêm sân bay Mộc Châu

Ngoài sân bay Nà Sản, tỉnh Sơn La đề xuất muốn có thêm sân bay Mộc Châu nhằm phục vụ mục đích an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế trong thời gian tới.

Tỉnh Sơn La muốn xây dựng thêm sân bay Mộc Châu. Ảnh minh họa

Tỉnh Sơn La muốn xây dựng thêm sân bay Mộc Châu. Ảnh minh họa

UBND tỉnh Sơn La đề nghị Bộ GTVT bổ sung thêm Cảng hàng không Mộc Châu vào Quy hoạch tổng thể cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.

Văn bản gửi do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Lê Hồng Minh ký khẳng định, việc quy hoạch và đầu tư phát triển Cảng hàng không Mộc Châu là cần thiết, nhằm phục vụ mục đích an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế trong thời gian tới.

Theo ông Lê Hồng Minh, Sơn La là tỉnh có nhiều tiềm năng về tự nhiên như: cảnh quan đẹp, khí hậu tốt, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế du lịch phong phú, có nhiều lợi thế để phát triển du lịch…

Theo đề xuất của Sơn La, Cảng hàng không Mộc Châu được xác định là sân bay cấp 4E, phân kỳ đầu tư làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (đến năm 2030), là cảng hàng không dân dụng thực hiện khai thác các tuyến bay nội địa hàng không thường kỳ và một số tuyến quốc tế) với công suất dự kiến 1 triệu hành khách/năm.

Giai đoạn 2 (sau năm 2030), dự kiến công suất là 2 triệu hành khách/năm. Kết cấu đường băng dự kiến có chiều dài ≥ 1.800m. Về diện tích, đến năm 2030 khoảng 350 ha; đến năm 2050 khoảng 500 ha.

Dự kiến tổng mức đầu tư Cảng hàng không Mộc Châu khoảng 6.500 tỷ đồng, đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP)…

HoSE lưu ý cổ phiếu SII của Công ty CP Hạ tầng nước Sài Gòn về khả năng bị hủy niêm yết

HoSE lưu ý công ty về khả năng cổ phiếu SII bị hủy niêm yết nếu Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 tiếp tục có lợi nhuận sau thuế của cổ đông Công ty mẹ là số âm...

Công ty Cổ phần Hạ tầng nước Sài Gòn.

Công ty Cổ phần Hạ tầng nước Sài Gòn.

Sở Giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) thông báo về việc lưu ý Công ty CP Hạ tầng nước Sài Gòn (mã SII) về khả năng hủy niêm yết.

Cụ thể, ngày 14/4/2022, HoSE đã ban hành quyết định chuyển cổ phiếu từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát đối với cổ phiếu SII do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2020 là -104,59 tỷ đồng và năm 2021 là -73,49 tỷ đồng, căn cứ Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2020 và năm 2021, thuộc diện chứng khoán bị kiểm soát theo quy định.

Còn theo Báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên năm 2022, lợi nhuận sau thuế của cổ đông Công ty mẹ 6 tháng đầu năm 2022 là -46,91 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến ngày 30/6/2022 là 91,86 tỷ đồng.

HOSE cho biết, căn cứ quy định cổ phiếu của công ty đại chúng bị hủy bỏ niêm yết khi xảy ra một trong các trường hợp: Kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục hoặc trong số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét...

Do đó, HoSE lưu ý Công ty về khả năng cổ phiếu bị hủy niêm yết nếu Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 tiếp tục có lợi nhuận sau thuế của cổ đông Công ty mẹ là số âm.

Mới đây, Công ty CP Hạ tầng nước Sài Gòn đã có văn bản giải trình với Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và HoSE về nguyên nhân, biện pháp và lộ trình khắc phục chứng khoán bị kiểm soát.

Ưu tiên tối đa quỹ đất quy hoạch sân bay Phú Quốc để phục vụ hành khách

Thứ trưởng Lê Anh Tuấn đề nghị ưu tiên tối đa quỹ đất quy hoạch khu hàng không dân dụng của Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Phú Quốc để phục vụ hành khách.

Bộ GTVT đề nghị ưu tiên tối đa quỹ đất quy hoạch khu hàng không dân dụng của Cảng HKQT Phú Quốc để phục vụ hành khách. Ảnh minh họa

Bộ GTVT đề nghị ưu tiên tối đa quỹ đất quy hoạch khu hàng không dân dụng của Cảng HKQT Phú Quốc để phục vụ hành khách. Ảnh minh họa

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa thông báo kết luận của Thứ trưởng Lê Anh Tuấn về phương án quy hoạch Cảng HKQT Phú Quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam, tư vấn lập quy hoạch rà soát, bổ sung nội dung đánh giá nhu cầu và phân loại hành khách, xác định rõ vai trò của Cảng HKQT Phú Quốc trong hệ thống cảng hàng không, làm cơ sở tính toán dự báo nhu cầu vận tải và hoạch định phương án quy hoạch cho phù hợp.

Đồng thời, tiếp tục cập nhật các quy hoạch có liên quan của địa phương (du lịch, hạ tầng kỹ thuật...) để bảo đảm sự phù hợp và tính khả thi của quy hoạch.

Đối với khu bay, thống nhất quy hoạch đường cất hạ cánh số 2 tại Cảng HKQT Phú Quốc. Rà soát, nghiên cứu phương án kéo dài đường cất hạ cánh số 1 để có thể khai thác đủ tải trọng thương mại của tàu bay.

Cùng đó, rà soát, tính toán kỹ lưỡng phương án bố trí, số lượng, chủng loại đường lăn cho phù hợp với công suất, tần suất khai thác của các dòng tàu bay dự kiến; cân nhắc bổ sung đường lăn phía 2 đầu đường cất hạ cánh, cũng như rà soát, nghiên cứu phương án bố trí nhà ga hành khách để tăng tỷ lệ tàu bay có thể tiếp cận nhà ga.

Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cũng đề nghị rà soát, tính toán nhu cầu hàng hóa, nhu cầu sửa chữa tàu bay để bố trí diện tích cho phù hợp, ưu tiên tối đa quỹ đất quy hoạch khu hàng không dân dụng để phục vụ hành khách. Phạm vi, diện tích đất quy hoạch Cảng HKQT Phú Quốc bị hạn chế; do vậy, cần rà soát, tính toán kỹ lưỡng quỹ đất, thống nhất với địa phương phương án bố trí quỹ đất để bảo đảm bố trí hệ thống đèn tiếp cận.

Chuyên đề