Bản tin thời sự sáng 12/10

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là thông xe đường Vành đai 3 trên cao Mai Dịch - Nam Thăng Long; thông qua nghị quyết xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm; vận hành Cống âu thuyền lớn nhất Việt Nam tại Bạc Liêu; nhiều chuyến bay bị hoãn, huỷ do ảnh hưởng của bão số 6…

Hà Nội: Thông xe đường Vành đai 3 trên cao Mai Dịch - Nam Thăng Long

Ngày 11/10, hơn 5 km đường Vành đai 3 trên cao Mai Dịch - Nam Thăng Long đã được thông xe nối liền mạch giao thông cửa ngõ thủ đô.

Thông xe đường Vành đai 3 trên cao Mai Dịch - Nam Thăng Long

Thông xe đường Vành đai 3 trên cao Mai Dịch - Nam Thăng Long

Dự án cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long có tổng mức đầu tư 5.343 tỷ đồng, thi công hơn 2 năm. Tuyến đường dài 5,3 km, trong đó chiều dài cầu cạn là 4,8 km, gồm phần kết cấu nhịp dầm Super-T 4.426 m và phần kết cấu nhịp dầm thép 404 m.

Dự án được xây dựng với quy mô bốn làn xe theo tiêu chuẩn cao tốc, mỗi làn rộng 3,75 m; hai làn dừng khẩn cấp, hai dải an toàn bên trong, dải phân cách giữa... Đây là đoạn đường trên cao duy nhất tại Hà Nội được thiết kế vận tốc 100 km/h.

Giữa tuyến đường thiết kế dải phân cách mềm cho tình huống khẩn cấp, giúp phương tiện có thể quay đầu đoạn đối diện cổng Công viên Hòa Bình. Theo đơn vị thi công, cầu được xây dựng vĩnh cửu, có thể chịu tác động của động đất cấp 7. Bên dưới cầu là đường Phạm Văn Đồng được mở rộng mỗi bên 6 làn xe, với cảnh quan xanh cho cửa ngõ thủ đô. Đường này đã được thông xe hơn một năm trước.

Dự án mở rộng đường Phạm Văn Đồng có tổng mức đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng. Hơn 800 hộ dân đã phải di dời, nhường đường cho Dự án.

Sau khi phần cầu chính được thông xe từ tháng 10/2020, các nhà thầu sẽ tiếp tục triển khai thi công 6 nhánh lên xuống.

Thông qua nghị quyết xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm

Nghị quyết đầu tiên liên quan đến đầu tư, xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm được thông qua tại phiên họp cuối cùng của Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Toàn cảnh bán đảo Thủ Thiêm

Toàn cảnh bán đảo Thủ Thiêm

Ngày 11/10, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân chủ trì Hội nghị lần thứ 51, Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM nhiệm kỳ 2015 - 2020. Đây là hội nghị cuối cùng của Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM nhiệm kỳ này.

Hội nghị lần này cũng sẽ bàn lần thứ hai về dự thảo Nghị quyết tiếp tục tập trung đầu tư Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Nếu Ban Chấp hành Đảng bộ thông qua được thì đây là bước chuẩn bị tốt cho đại hội sắp tới bởi từ năm 1996 đến nay, đây là lần đầu tiên Ban Chấp hành Đảng bộ có Nghị quyết về Thủ Thiêm.

“Đây là Nghị quyết đầu tiên của 23 năm qua. Trong đó chúng ta có đánh giá khái quát tình hình vừa qua, vấn đề nổi lên và những định hướng sắp tới trong tầm 5 - 10 năm tới. Như vậy bước vào Đại hội và sau Đại hội vấn đề Thủ Thiêm cơ bản có giải pháp rõ ràng”, ông Nguyễn Thiện Nhân nói.

Vận hành cống âu thuyền lớn nhất Việt Nam tại Bạc Liêu

Công trình cống âu thuyền Ninh Quới ứng dụng công nghệ vận hành tiên tiến có tổng mức đầu tư hơn 300 tỷ đồng.

Cống âu thuyền Ninh Quới phía Bạc Liêu vận hành mở để tàu, thuyền lưu thông

Cống âu thuyền Ninh Quới phía Bạc Liêu vận hành mở để tàu, thuyền lưu thông

Công trình cống âu thuyền Ninh Quới được đưa vào vận hành là công trình âu thuyền lớn nhất Việt Nam, ứng dụng công nghệ vận hành tiên tiến. Công trình được xây dựng trên tuyến kênh xáng Quản Lộ - Phụng Hiệp, thuộc huyện Hồng Dân có tổng mức đầu tư hơn 300 tỷ đồng, kết cấu chính của công trình gồm có 2 cống hở ở 2 đầu và buồng âu dài 150m, đáy rộng 31,5m và cửa van, đóng mở bằng xi-lanh thủy lực.

Cầu giao thông trên cống gồm 1 nhịp giữa và 8 nhịp biên, chiều rộng phần lưu thông xe bằng 5,5m. Ngoài ra, gói thầu xây dựng công trình này còn bao gồm các hạng mục như: Nhà quản lý, hệ thống cấp điện vận hành…

Theo kế hoạch, thời gian thi công Công trình dự kiến 29 tháng. Tuy nhiên, vào đầu năm nay, khi hạn mặn diễn ra gay gắt, Công trình đã được chủ đầu tư hợp phần xây dựng là Ban Quản lý đầu tư và xây dựng Thủy lợi 10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa vào vận hành sớm hơn 13 tháng so với dự kiến.

Cống âu thuyền Ninh Quới vận hành đã góp phần cùng với những công trình khác xây dựng trong vùng chủ động điều tiết nước, kiểm soát mặn, giữ ngọt cho vùng trồng lúa, màu ổn định của các tỉnh: Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang...

Thủy điện ở Thừa Thiên Huế tiếp tục xả lũ

Thủy điện Hương Điền, Bình Điền và hồ Tả Trạch ở Thừa Thiên Huế sẽ tăng lưu lượng xả lũ về hạ du để đón đợt mưa mới do hoàn lưu bão Linfa.

Nước lũ từ thượng nguồn đổ về sông Hương

Nước lũ từ thượng nguồn đổ về sông Hương

Ngày 11/10, hồ Tả Trạch ở thượng nguồn sông Hương bắt đầu điều tiết lũ qua tràn và tuabin với lưu lượng tăng dần từ 1.500 lên 2.500 m3/s. Hồ thủy điện Bình Điền ở thượng nguồn sông Hữu Trạch cũng xả lũ về hạ du sông Hương.

Trong khi đó, mưa lớn cộng với nước lũ từ thượng nguồn đổ về khiến hạ lưu sông Bồ, sông Hương ở các huyện Phong Điền, Quảng Điền, thị xã Hương Trà, Phú Vang, TP. Huế bị ngập sâu, hàng chục nghìn nhà dân chìm trong lũ.

Tại TP. Huế, các tuyến đường ở bờ nam sông Hương như Tố Hữu, Phan Chu Trinh, Hải Triều, Bà Triệu ngập 0,5 - 1,2 m. Nằm giữa dòng sông Hương, khu vực Cồn Hến, phường Vỹ Dạ, bị ngập hơn 1,2 m.

Mưa lớn, nước lũ từ sông Hương, sông Bạch Yến tràn vào khiến hàng nghìn nhà dân ở Kinh thành Huế ngập 0,5 - 1,2m.

Ông Phan Thanh Hùng, Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết mực nước sông Hương, sông Bồ trên báo động 3, mức cao nhất. Dự kiến lũ sẽ còn lên khi hồ thủy điện, hồ thủy lợi ở thượng nguồn điều tiết nước về hạ du và chịu ảnh hưởng của hoàn lưu bão Linfa.

Nhiều chuyến bay bị hoãn, huỷ do ảnh hưởng của bão số 6

Ngày 11/10, các hãng hàng không thông báo hủy các chuyến bay do ảnh hưởng của bão số 6.

Máy bay của các hãng hàng không Việt Nam tại sân bay Nội Bài

Máy bay của các hãng hàng không Việt Nam tại sân bay Nội Bài

Do ảnh hưởng của bão số 6 (tên quốc tế Linfa), trong ngày 11/10, Vietnam Airlines thông báo hủy các chuyến bay giữa Hà Nội và Chu Lai bao gồm: VN7640, VN7641 và giữa Tp. Hồ Chí Minh và Chu Lai bao gồm: VN1460, VN1461, VN7462, VN7463, VN7464, VN7465, VN7466, VN7467.

Ngày 12/10, Vietnam Airlines sẽ triển khai các chuyến bay bù trên các đường bay đi, đến Chu Lai. Bên cạnh các chuyến bay trên, các chuyến bay nội địa khác của Vietnam Airlines và Pacific Airlines cũng có thể bị ảnh hưởng dây chuyền do cơn bão.

Phía Vietjet Air cũng ra thông báo điều chỉnh lịch khai thác các chuyến bay đến và đi tại các sân bay bị ảnh hưởng.

Cụ thể, Vietjet Air ngừng khai thác các chuyến bay đến và đi Chu Lai bao gồm: VJ370/371, VJ378/373, VJ374/379 chặng TP. Hồ Chí Minh - Chu Lai - TP. Hồ Chí Minh.

Đồng thời, hãng cũng ngừng khai thác các chuyến bay đến và đi Huế bao gồm: VJ569/568 chặng Hà Nội - Huế; VJ314/309, VJ310/307 chặng TP. Hồ Chí Minh - Huế; VJ303 chặng Huế - TP. Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, Vietjet Air sẽ thay đổi giờ khởi hành các chuyến bay đến và đi Đà Nẵng bao gồm: VJ507/506 chặng Hà Nội - Đà Nẵng; VJ622/625 chặng TP. Hồ Chí Minh - Đà Nẵng; VJ722/723 chặng Đà Nẵng - Hải Phòng.

Trong khi đó, Bamboo Airways thông báo điều chỉnh lịch khai thác của các chuyến bay đến/từ sân bay Đà Nẵng.

Quảng Bình: Kè biển 35 tỷ đồng hư hỏng trong lũ

Mưa lớn khiến 270 m kè biển bãi tắm Nhật Lệ 2 ở thành phố Đồng Hới bị sóng đánh vỡ, đổ ngổn ngang.

270 m bờ kè bê tông đổ sập sau lũ

270 m bờ kè bê tông đổ sập sau lũ

Hệ thống kè bê tông dài 860 m, kinh phí 35 tỷ đồng từ ngân sách trung ương, UBND thành phố Đồng Hới làm chủ đầu tư, Liên danh Công ty Tiến Thành và Hải Thành thi công hơn một tháng nay, dự kiến hoàn thành cuối năm 2020. Nhà chức trách kỳ vọng Dự án sẽ giúp chống xói lở, đảm bảo an toàn cho các khu dân cư ven biển ở phường Hải Thành và Quang Phú.

Tuy nhiên, từ ngày 6/10 đến nay, Quảng Bình xảy ra mưa lớn gây ngập lụt diện rộng. Tại biển Nhật Lệ ở thành phố Đồng Hới, sóng lớn đánh từng đợt vào bờ xô đổ 270 m kè bê tông đang thi công đoạn qua phường Hải Thành và Quang Phú. Nhiều điểm cát lở ăn sâu vào khu vực gần nhà dân và một số cửa hàng bán đồ ăn.

Những tấm bê tông bị vỡ dài 3 m, cao hơn 1m, nhiều khối lòi lõi sắt bên trong. Ở phía trên bờ, hệ thống đường ống nhựa thoát nước, ống cống bê tông cùng nhiều khối trụ được nhà thầu đặt sẵn để chờ thi công bị ngấm nước.

Chuyên đề