Bản tin thời sự sáng 12/1

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Việt Nam yêu cầu Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc đính chính thông tin; TP.HCM không có tồn kho bất động sản năm 2023; Đồng Nai chi tiền bồi thường, đẩy nhanh hai dự án trọng điểm; Hà Nội lấy ý kiến quy hoạch trường đua ngựa ở Sóc Sơn…

Việt Nam yêu cầu Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc đính chính thông tin

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng khẳng định thông tin về cam kết nhân quyền của Việt Nam cho đến năm 2099 đăng trên website của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc là không chính xác.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng chủ trì Họp báo thường kỳ tháng 1 năm 2024

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng chủ trì Họp báo thường kỳ tháng 1 năm 2024

Chiều 11/1, tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi đề nghị cung cấp thông tin về cam kết nhân quyền của Việt Nam cho đến năm 2099 đăng trên website của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết, những thông tin này là không chính xác.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao nêu rõ: "Chúng tôi đã yêu cầu Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc đính chính thông tin này".

Người phát ngôn cho biết, tại sự kiện cấp cao kỷ niệm 75 năm thông qua Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền vừa được tổ chức tại Geneva, Thụy Sỹ ngày 12/12/2023, Việt Nam cùng các nước khẳng định chủ trương thúc đẩy thực hiện Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền thông qua cam kết cụ thể.

Trong đó, những nội dung cam kết của Việt Nam là cam kết thường xuyên, liên tục, thể hiện nỗ lực không ngừng của Việt Nam trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, phù hợp với chính sách nhất quán của Việt Nam trong lĩnh vực này.

Bà Phạm Thu Hằng khẳng định, đây cũng là cách thể hiện của nhiều nước và nhiều tổ chức quốc tế.

TP.HCM không có tồn kho bất động sản năm 2023

Nguồn cung bất động sản năm 2023 vượt năm trước đó nhưng đã được giao dịch hết và không có nguồn hàng tồn kho.

Bất động sản khu Đông TP.HCM, với các căn hộ chung cư, dự án đất nền, nhà phố

Bất động sản khu Đông TP.HCM, với các căn hộ chung cư, dự án đất nền, nhà phố

Theo Báo cáo về thị trường bất động sản quý IV và cả năm 2023 được Sở Xây dựng TP.HCM công bố mới đây, hoạt động kinh doanh địa ốc vẫn còn nhiều khó khăn nhưng đã dần hồi phục, quý sau tăng trưởng ít âm hơn quý trước. Cụ thể, 6 tháng đầu năm tăng trưởng âm 11,58%, 9 tháng tăng trưởng âm 8,71% và cả năm chỉ còn âm 6,38%.

Quý IV/2023, TP.HCM có 4 dự án nhà ở thương mại với hơn 3.700 căn đủ điều kiện đưa ra thị trường, 100% nguồn cung đều thuộc phân khúc căn hộ cao cấp. Xét cả năm ngoái, có 19 dự án nhà ở thương mại được thông báo đủ điều kiện bán, cho thuê mua sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai với hơn 17.700 căn (gồm 16.500 căn hộ chung cư và hơn 1.200 căn nhà thấp tầng).

Nguồn cung 2023 tăng 20,6% so với cùng kỳ năm 2022 và toàn bộ số nhà này đã được giao dịch hết, không có hàng tồn kho.

Theo yêu cầu của Bộ Xây dựng, sản phẩm tồn kho được tính từ thời điểm sau một năm kể từ ngày bất động sản đó đủ điều kiện đưa vào kinh doanh, nhưng không bán hoặc chưa bán được.

Tỷ trọng đóng góp của hoạt động kinh doanh bất động sản cho GRDP của Thành phố năm ngoái duy trì 3,6% (năm 2022 là 3,7%, năm 2021 là 3,6%). Tương tự, doanh thu hoạt động kinh doanh bất động sản quý IV/2023 cũng hồi phục, cả năm ngoái đạt hơn 230.100 tỷ đồng, chỉ giảm 2,1% so với năm 2022 (6 tháng đầu năm giảm 8,3% và 4 tháng giảm đến 14,6%).

Năm ngoái, vốn đầu tư nước ngoài cho lĩnh vực kinh doanh bất động sản của Thành phố là hơn 873 triệu USD (xếp thứ 3 các ngành, lĩnh vực). Trong đó, vốn đăng ký cấp mới hơn 230 triệu USD; vốn đăng ký điều chỉnh 104 triệu USD; góp vốn, mua cổ phần 538 triệu USD.

Đồng Nai chi tiền bồi thường, đẩy nhanh hai dự án trọng điểm

Cơ quan chức năng Đồng Nai phê duyệt chi trả 220 tỷ đồng bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ Vành đai 3 và cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Vành đai 3 qua địa bàn huyện Nhơn Trạch

Vành đai 3 qua địa bàn huyện Nhơn Trạch

Sáng 11/1, 28 hộ đầu tiên trong diện giải phóng mặt bằng thuộc Dự án thành phần 4 - Vành đai 3 TP.HCM, qua địa bàn Đồng Nai đã được nhận tiền bồi thường, hỗ trợ. Đây là những hộ xin nhận tiền trước thời gian quy định do không có thắc mắc về đơn giá.

Theo UBND huyện Nhơn Trạch, từ tuần sau, cơ quan chức năng sẽ đồng loạt chi trả cho người dân vùng Dự án.

Liên quan đến Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, UBND huyện Long Thành cũng vừa phê duyệt giá bồi thường, hỗ trợ 160 tỷ đồng cho 80 hộ và một tổ chức có đất ở xã Phước Bình, Long Phước (Dự án thành phần 2) thuộc cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu với 17,8 ha. Đây là những hộ đầu tiên ở Đồng Nai nhận được tiền bồi thường, hỗ trợ của dự án này.

Việc Đồng Nai đẩy nhanh việc chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ ở hai dự án này sẽ giúp nhà thầu sớm có mặt bằng thi công đường Vành đai 3 TP.HCM và cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Trước đó, Bộ Giao thông vận tải đánh giá tiến độ bàn giao mặt bằng ở Đồng Nai đang rất chậm, nguy cơ gây ảnh hưởng tiến độ chung của các dự án giao thông trọng điểm liên tỉnh, liên vùng.

Cụ thể, đoạn Vành đai 3 đi qua tỉnh này dài hơn 11 km, nhu cầu sử dụng đất khoảng 65 ha. Tuy nhiên, đến nay tỉnh mới giao 4,6 ha, chiếm 6,2%. Trong khi đó, Bình Dương, TP.HCM, Long An, tỷ lệ bàn giao mặt bằng lần lượt 82%, 97% và 98%. Đối với Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Đồng Nai cũng đang bàn giao mặt bằng chậm so với phía Bà Rịa - Vũng Tàu.

Hà Nội lấy ý kiến quy hoạch trường đua ngựa ở Sóc Sơn

Đồ án quy hoạch chi tiết tổ hợp vui chơi giải trí đa năng - trường đua ngựa Sóc Sơn rộng 125 ha, tổng mức đầu tư dự kiến 500 triệu USD, được lấy ý kiến nhân dân.

Vị trí quy hoạch xây dựng dự án tổ hợp giải trí thương mại - trường đua ngựa tại Sóc Sơn, Hà Nội

Vị trí quy hoạch xây dựng dự án tổ hợp giải trí thương mại - trường đua ngựa tại Sóc Sơn, Hà Nội

UBND huyện Sóc Sơn tổ chức lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư về đồ án Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 tổ hợp vui chơi giải trí đa năng - trường đua ngựa Sóc Sơn tại xã Tân Minh, Phù Linh và thị trấn Sóc Sơn.

Trên cơ sở góp ý, đơn vị tổ chức lập quy hoạch sẽ tổng hợp, phân tích để bổ sung hoặc điều chỉnh đồ án Quy hoạch đảm bảo phù hợp với thực tiễn của địa phương, đáp ứng nhu cầu phát triển của khu vực và Thủ đô. Quy hoạch chi tiết đồ án cũng phải phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và Quy hoạch phân khu đô thị Sóc Sơn tỷ lệ 1/2.000 đang được triển khai.

Dự án trường đua ngựa tại Hà Nội được nghiên cứu lần đầu năm 1999 với địa điểm dự kiến tại phường Đại Kim (Hoàng Mai) và Thanh Liệt (Thanh Trì), nhưng do hành lang pháp lý về cá cược và đua ngựa chưa hoàn thiện nên đối tác nước ngoài rút lui.

Năm 2020, Hà Nội bổ sung dự án tổ hợp vui chơi giải trí đa năng - trường đua ngựa Sóc Sơn vào đề cương điều chỉnh cục bộ Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô đến năm 2020, định hướng 2030.

Dự án tổ hợp vui chơi giải trí đa năng - trường đua ngựa Sóc Sơn dự kiến mức đầu tư 500 triệu USD, thu hút khoảng 5.000 lao động trực tiếp và 20.000 - 25.000 lao động gián tiếp. Trường đua dự kiến hoạt động sau năm 2021 nhưng gặp một số khó khăn nên chưa thể triển khai. Giữa năm 2022, Hà Nội kiến nghị Thủ tướng gỡ khó việc thu hồi 125 ha đất để thực hiện Dự án.

Khánh Hòa khởi công khu nhà ở xã hội 3.800 tỷ đồng

Dự án nhà ở xã hội Happy Home tại TP. Cam Ranh, gồm hơn 4.000 căn hộ dạng thấp tầng và căn liền kề, góp phần nâng cao chỉ số an sinh xã hội tại địa phương.

Các phương tiện thi công tham gia lễ khởi công dự án nhà ở xã hội tại TP Cam Ranh

Các phương tiện thi công tham gia lễ khởi công dự án nhà ở xã hội tại TP Cam Ranh

Công trình nhà ở xã hội tổng vốn đầu tư gần 3.800 tỷ đồng được UBND tỉnh Khánh Hòa và Công ty CP Vinhomes khởi công, sáng 11/1. Đây là dự án có quy mô lớn nhất tỉnh Khánh Hòa hiện nay, dự kiến hoàn thành sau 3 năm.

Được xây dựng trên diện tích gần 88 ha, khi hoàn thành, Dự án cung cấp gần 3.600 căn nhà ở xã hội dạng thấp tầng; khu nhà ở thương mại có gần 540 căn liền kề và sân vườn.

Dự án cũng bao gồm hệ thống hạ tầng kỹ thuật và cảnh quan, như: trung tâm vui chơi giải trí; câu lạc bộ - khu tập luyện thể thao ngoài trời; sân chơi trẻ em, vườn hoa cây xanh; công trình thương mại - dịch vụ; trạm y tế, trường học.

Khu nhà ở xã hội nằm cạnh Quốc lộ 1A và trong phân khu 3 đô thị ven vịnh Cam Ranh, kết nối với cảng hàng không quốc tế, khu du lịch dịch vụ trọng tâm của TP. Cam Ranh.

Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, giai đoạn 2021 - 2030, Khánh Hòa dự báo nhu cầu nhà ở xã hội đến năm 2025 tăng hơn 44.400 căn và tăng thêm hơn 46.000 căn đến năm 2030. Hưởng ứng đề án của Chính phủ, Tỉnh được phân bổ hoàn thành 3.400 căn giai đoạn 2022 - 2025; 4.400 căn giai đoạn 2026 - 2030.

Chỉ trong ngày 11/1, CSGT xử phạt gần 2.400 trường hợp vi phạm nồng độ cồn

Trong ngày 11/1, lực lượng CSGT toàn quốc xử lý 10.322 trường hợp vi phạm; phạt tiền 23 tỷ 383 triệu đồng; tạm giữ 97 xe ô tô, 3.278 xe mô tô, 124 phương tiện khác; tước 2.219 GPLX các loại. Trong đó vi phạm về nồng độ cồn 2.393 trường hợp.

Lực lượng CSGT kiểm tra xử lý vi phạm nồng độ cồn

Lực lượng CSGT kiểm tra xử lý vi phạm nồng độ cồn

Theo thông tin từ Cục CSGT (C08 - Bộ Công an), sau quá trình tuần tra xử lý vi phạm trong đợt cao điểm Tết, trong ngày 11/1, toàn quốc xử lý 10.322 trường hợp vi phạm; phạt tiền 23 tỷ 383 triệu đồng; tạm giữ 97 xe ô tô, 3.278 xe mô tô, 124 phương tiện khác; tước 2.219 GPLX các loại.

Trong đó, vi phạm về nồng độ cồn 2.393 trường hợp; tốc độ 2.185 trường hợp; quá tải 194 trường hợp; quá khổ 52 trường hợp; tự ý cải tạo phương tiện 2 trường hợp; ma túy 22 trường hợp.

So với ngày 10/1/2023, xử phạt tăng 1.082 trường hợp, tăng 1.019 triệu đồng, xử lý nồng độ cồn tăng 168 trường hợp, tốc độ tăng 276 trường hợp, quá tải tăng 24 trường hợp, ma túy tăng 11 trường hợp.

Trích xuất trên ứng dụng VNeCSGT, trong buổi sáng 11/1, CSGT các địa phương đã kiểm soát 1.284 phương tiện trên Quốc lộ 1A, lập biên bản vi phạm 308 trường hợp, trong đó có 12 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, ma túy…

Số vụ tai nạn giao thông ngày 11/1 xảy ra 39 vụ, làm chết 12 người, bị thương 27 người; so với ngày 10/1 giảm 16 vụ (29%), giảm 8 người chết (40%), giảm 19 người bị thương (41,3%).

TP.HCM thưởng Tết cao nhất hơn 2 tỷ đồng

Mức thưởng Tết Nguyên đán 2024 tại TP.HCM cao nhất là 2 tỷ đồng, thấp nhất 400.000 đồng.

TP.HCM thưởng Tết cao nhất hơn 2 tỷ đồng, thấp nhất 400.000 đồng. Ảnh minh họa

TP.HCM thưởng Tết cao nhất hơn 2 tỷ đồng, thấp nhất 400.000 đồng. Ảnh minh họa

Chia sẻ tại buổi họp báo định kỳ kinh tế - xã hội TP.HCM chiều 11/1, ông Phùng Thái Quang, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM cho biết, tính đến nay, đã có 2.075 doanh nghiệp (có tổ chức Công đoàn) thông tin tình hình lương thưởng Tết năm 2024.

Trong đó, thưởng Tết cao nhất thuộc về các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Cụ thể, một công ty trong khu công nghệ cao dự kiến thưởng Tết Nguyên đán 2024 cao nhất cho lao động lên đến 2,078 tỷ đồng.

Trong khi đó, mức thưởng Tết thấp nhất là 400.000 đồng thuộc về Công ty TNHH Saigon Ve Wong (A-one), Công ty TNHH MTV Giải pháp và K. Hệ thống (quận 12). Trung bình, người lao động tại khối doanh nghiệp FDI được thưởng Tết 6,5 - 12 triệu đồng.

Đối với doanh nghiệp trong nước, mức thưởng trung bình khoảng 7,2 - 10 triệu đồng, cao nhất là 250 triệu đồng và thấp nhất là 500.000 đồng. Trong khi đó, mức thưởng trung bình của doanh nghiệp nhà nước là 5,6 triệu đồng, cao nhất là 67 triệu đồng và thấp nhất là 2 triệu đồng.

Giám đốc doanh nghiệp tại Hải Dương bị bắt vì trốn thuế hơn 10 tỷ đồng

Liên tiếp trong năm 2019 và 2020, Vũ Hồng Giang đã sử dụng 80 hóa đơn GTGT không có dịch vụ, hàng hóa kèm theo, được xác định là có hành vi trốn thuế, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 10 tỷ đồng.

Thi hành lệnh bắt tạm giam đối với Vũ Hồng Giang

Thi hành lệnh bắt tạm giam đối với Vũ Hồng Giang

Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Hải Dương vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam một Giám đốc doanh nghiệp có hành vi sử dụng hóa đơn khống và trốn thuế lên đến cả chục tỷ đồng.

Đối tượng bị khởi tố, bắt tạm giam là Vũ Hồng Giang, Giám đốc Công ty TNHH Hanwo 2 (địa chỉ tại số 16, ngõ 57 Tam Giang, phường Trần Hưng Đạo, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương).

Quá trình điều tra, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Hải Dương xác định, trong các năm 2019 và 2020, Vũ Hồng Giang với vai trò là người đại diện theo pháp luật và giữ chức Giám đốc Công ty TNHH Hanwo 2 đã sử dụng 80 tờ hoá đơn khống (không có hàng hóa, dịch vụ kèm theo) với tổng số tiền hơn 111 tỷ đồng (thuế GTGT hơn 11 tỷ đồng) của một doanh nghiệp tại thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh để hạch toán hàng hoá đầu vào.

Sau đó, đối tượng tiếp tục kê khai và đề nghị Cục Thuế tỉnh Hải Dương cho hoàn thuế GTGT trên số hoá đơn này, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 10 tỷ đồng.

Vụ án đang được Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Hải Dương tiếp tục điều tra, mở rộng.

Chuyên đề