Bản tin thời sự sáng 11/5

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là  TP.HCM chi 9.600 tỷ đồng nạo vét, cải tạo rạch Xuyên Tâm; Quảng Ngãi đổi hướng đường ven biển để tránh di tích Sa Huỳnh; thi công trở lại nhiều gói thầu cao tốc Bến Lức - Long Thành sau 3 năm tạm ngưng; đề xuất lấy đất rừng làm cao tốc Vân Phong - Nha Trang; Hà Nội đặt chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân 28 m2 một người…

TP.HCM chi 9.600 tỷ đồng nạo vét, cải tạo rạch Xuyên Tâm

UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch chi tiết triển khai Dự án Nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật) qua quận Bình Thạnh và quận Gò Vấp.

TP.HCM sẽ khởi công dự án nạo vét cải tạo rạch Xuyên Tâm vào năm 2024.

TP.HCM sẽ khởi công dự án nạo vét cải tạo rạch Xuyên Tâm vào năm 2024.

Theo kế hoạch, quận Gò Vấp sẽ bàn giao mặt bằng để khởi công Dự án vào tháng 8/2024 (đoạn từ Lương Ngọc Quyến đến sông Vàm Thuật) và đoạn rạch nằm trên địa bàn quận Bình Thạnh khởi công vào tháng 4/2025.

Trước mắt, TP.HCM sẽ bố trí vốn trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và kế hoạch vốn năm 2023 vào tháng 5/2023. Đến tháng 6 sẽ phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch các đồ án phân khu tỷ lệ 1/2.000 có liên quan, thông qua báo cáo tác động môi trường và phê duyệt dự án đầu tư vào tháng 9/2023.

Được biết, Dự án Nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật) quận Bình Thạnh và Gò Vấp đã được HĐND TP.HCM thông qua chủ trương đầu tư tại Kỳ họp thứ 8 HĐND Thành phố khóa X vào cuối năm 2022.

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 9.600 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Thành phố, trong đó chi phí xây dựng hơn 2.400 tỷ đồng, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng khoảng hơn 6.500 tỷ đồng và các chi phí khác.

Dự án cải tạo toàn bộ tuyến rạch chính (từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến cửa sông Vàm Thuật) với chiều dài hơn 6,6 km và 3 tuyến rạch nhánh (rạch Cầu Sơn, Bình Lợi, Bình Triệu) có chiều dài hơn 2,2 km. Đường giao thông ven rạch được xây dựng có quy mô 2 làn xe mỗi bên bờ.

Quảng Ngãi đổi hướng đường ven biển để tránh di tích Sa Huỳnh

Ngày 10/5, Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi (chủ đầu tư) cho biết, UBND tỉnh Quảng Ngãi có quyết định điều chỉnh cục bộ hướng tuyến đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh đoạn qua đầm An Khê, thị xã Đức Phổ.

Đầm An Khê, vùng lõi của di tích Văn hóa Sa Huỳnh

Đầm An Khê, vùng lõi của di tích Văn hóa Sa Huỳnh

Theo quy hoạch cũ năm 2019, tuyến đường nói trên có khoảng 7 km qua đầm An Khê và sát gò Long Thạnh - những vùng lõi của di tích văn hóa Sa Huỳnh. Tháng 9/2022, sau khi khảo sát di tích, Chủ tịch UBND Quảng Ngãi Đặng Văn Minh cho rằng, quy hoạch tuyến như vậy không phù hợp, bởi đường sẽ tác động đến bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Sau đó ông chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp nghiên cứu đổi hướng tuyến.

Với phương án mới, tuyến đường khi đến phía bắc đầm An Khê thay vì đi thẳng sẽ rẽ sang hướng Tây, đi qua khu dân cư, ruộng lúa và nhập vào đường quy hoạch thị xã Đức Phổ, sau đó nối Quốc lộ 1. Đoạn cần đầu tư mới (khoảng 2 km) sẽ ít hơn 5 km so với phương án cũ (7 km). Đường sẽ trùng với Quốc lộ 1 khoảng 11 km, thay vì 6 km như trước. Đến nay Chủ đầu tư chưa đưa ra tính toán lộ trình tuyến mới tăng hay giảm chi phí đầu tư so với tuyến cũ.

Đường Dung Quất - Sa Huỳnh là tuyến ven biển nằm trong quy hoạch quốc gia được Thủ tướng phê duyệt, với chiều dài 109 km, tổng vốn 5.600 tỷ đồng.

Thi công trở lại nhiều gói thầu cao tốc Bến Lức - Long Thành sau 3 năm tạm ngưng

Sau ba năm tạm ngưng, đoạn phía Đông cao tốc Bến Lức - Long Thành thi công trở lại nhiều hạng mục, dự kiến hoàn thành vào quý II năm sau.

Một đoạn cao tốc Bến Lức - Long Thành đi qua Đồng Nai

Một đoạn cao tốc Bến Lức - Long Thành đi qua Đồng Nai

Thông tin được ông Đặng Hữu Vị, Giám đốc Ban Quản lý các đường cao tốc phía Nam cho biết, sau khi chủ đầu tư hoàn tất chọn nhà thầu thi công mới thay thế đơn vị cũ đã dừng hợp đồng. Gói thầu A6 đi qua Đồng Nai, dài hơn 16 km, chia làm 5 gói nhỏ, trong đó 4 gói đã có nhà thầu mới được đồng loạt thi công trở lại. Hạng mục còn lại đang được đẩy nhanh công tác lựa chọn nhà thầu mới.

Theo ông Vị, Gói thầu A6 trước đó đã hoàn thành gần 34% khối lượng nhưng tạm ngưng từ năm 2019 do nhà thầu cũ đã dừng hợp đồng vì vướng mắc nguồn vốn. Sau khi tái khởi động, các hạng mục còn lại thuộc gói thầu này dự kiến hoàn thành toàn bộ vào đầu quý hai năm 2024.

Ngoài ra, hai gói thầu lớn khác thuộc đoạn phía Đông của tuyến cao tốc gồm Gói thầu A5 hiện đã cơ bản hoàn thành và Gói thầu A7 có khối lượng đạt hơn 68%.

Cao tốc Bến Lức - Long Thành dài gần 58 km, đi qua Long An, TP.HCM và Đồng Nai, khởi công năm 2014. Giai đoạn một, tuyến được thiết kế 4 làn xe, hai làn dừng khẩn cấp, vận tốc 120 km/h.

Dự án có tổng mức đầu tư 31.320 tỷ đồng, gồm 3 nguồn vốn của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản và phần đối ứng trong nước. Tuyến chia thành 3 đoạn, gồm 11 gói thầu xây lắp chính.

Năm 2019, Dự án đạt 80% khối lượng thì vướng thủ tục và không được bố trí vốn, dẫn đến nhiều nhà thầu dừng thi công. Để tháo gỡ vướng mắc và khởi động lại toàn bộ công trình, Bộ Giao thông vận tải đã trình Chính phủ duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, bao gồm lùi thời gian hoàn thành đến tháng 9/2025, điều chỉnh cơ chế tài chính đối với từng nguồn vốn ở Dự án. Trong đó, VEC được sử dụng tiền tích lũy vốn cùng nguồn hợp pháp của đơn vị để hoàn thành công trình.

Đề xuất lấy đất rừng làm cao tốc Vân Phong - Nha Trang

Sau 4 tháng cao tốc Vân Phong - Nha Trang thi công cầm chừng do thiếu vật liệu, chủ đầu tư đề xuất khai thác 1.000 ha đất rừng hoang hóa đắp nền dự án.

Công nhân thi công tại dự án cao tốc Vân Phong - Nha Trang

Công nhân thi công tại dự án cao tốc Vân Phong - Nha Trang

Thông tin được Ban Quản lý dự án 7 (chủ đầu tư, thuộc Bộ Giao thông vận tải) nêu trong báo cáo vừa gửi UBND tỉnh Khánh Hòa liên quan Dự án cao tốc Vân Phong - Nha Trang dài 83 km, tổng vốn gần 13.000 tỷ đồng. Công trình có điểm đầu ở phía nam hầm Cổ Mã, thuộc xã Vạn Thọ (huyện Vạn Ninh), điểm cuối tại xã Diên Thọ (huyện Diên Khánh), sau khi hoàn thành kết nối cao tốc Nha Trang - Cam Lâm.

Theo Ban Quản lý dự án 7, tuyến có hai gói thầu xây lắp đã triển khai thi công nhưng tiến độ chậm so với kế hoạch. Nguyên nhân là mặt bằng thi công và mỏ vật liệu đất đắp chưa được tỉnh Khánh Hòa chấp thuận cho khai thác, đặc biệt là tại Gói thầu XL01 chưa có đất để đắp.

Kế hoạch toàn Dự án cần 18 mỏ vật liệu, song đến nay Chủ đầu tư mới thỏa thuận được 5 mỏ. Một số mỏ còn lại, chủ dự án không tìm được chủ đất hoặc không thỏa thuận được giá thuê. Trong khi việc tìm kiếm nguồn đất đắp nền rất quan trọng, nhất là 50 km từ hầm Cổ Mã về đến nút giao Quốc lộ 27.

Từ đó, Ban Quản lý dự án 7 đề xuất UBND tỉnh Khánh Hòa cho chủ trương khảo sát, bổ sung mỏ khác trong thời gian tới để không làm ảnh hưởng tiến độ Dự án.

Trước kiến nghị trên, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân cho biết, nếu Chủ đầu tư không thể thỏa thuận được với các mỏ đất đắp, Tỉnh đồng ý chủ trương để doanh nghiệp tìm thêm các mỏ đất đắp khác bù vào. Tỉnh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường khảo sát, rà soát việc đưa các mỏ đất để phục vụ nguyên vật liệu cho Dự án.

Hà Nội đặt chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân 28 m2 một người

Chính quyền TP. Hà Nội đặt chỉ tiêu trong năm nay đạt diện tích nhà ở bình quân 28,2 m2 một người và hoàn thành gần 7 triệu m2 sàn nhà ở.

Khu chung cư HH Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai

Khu chung cư HH Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai

Theo Kế hoạch phát triển nhà ở năm 2023 vừa ban hành, Hà Nội đặt chỉ tiêu nhà ở riêng lẻ 4,5 triệu m2; nhà ở theo dự án khoảng 2,5 triệu m2, trong đó khoảng 2,3 triệu m2 sàn nhà ở thương mại, khoảng 0,032 triệu m2 sàn nhà ở xã hội và 0,094 triệu m2 sàn nhà ở tái định cư.

Diện tích nhà ở bình quân toàn Thành phố năm 2023 là 28,2 m2 được xác định trên cơ sở trung bình chỉ tiêu đạt được năm 2022 (27,6 m2 một người) và khả năng hoàn thành các dự án đầu tư xây dựng nhà ở trong các tháng cuối năm nay. Trong khi đó, Bộ Xây dựng đặt mục tiêu diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt 26 m2 một người năm 2023, tăng 0,5 m2 so với năm trước.

Để đạt chỉ tiêu trên, Thành phố cho biết sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn cho dự án khu đô thị chậm triển khai; có chính sách khuyến khích, hỗ trợ dự án đầu tư xây dựng nhà ở trên địa bàn; làm rõ trách nhiệm của nhà đầu tư, tổ chức thực hiện dự án không đúng tiến độ, không đồng bộ hạ tầng và thu hồi dự án chậm triển khai.

Kế hoạch phát triển nhà ở thành phố năm 2023 được xây dựng trên cơ sở Chương trình phát triển nhà ở thành phố giai đoạn 2021 - 2030 do HĐND Thành phố thông qua giữa năm 2022. Chương trình đặt mục tiêu đến năm 2025, diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn Thành phố đạt 29,5 m2, trong đó khu vực đô thị đạt 31 m2 và khu vực nông thôn đạt 28 m2; năm 2030 đạt 32 m2, trong đó khu vực đô thị 33 m2 và khu vực nông thôn đạt 28 m2 một người.

Phú Yên muốn nắn đường ven biển theo đề xuất của doanh nghiệp

Chính quyền Phú Yên dự định nắn đoạn 4,2 km đường Hùng Vương cách xa vị trí cũ hơn 220 m theo đề xuất doanh nghiệp để làm dự án đô thị ven biển.

Đường Hùng Vương khu vực ven thị xã Đông Hoà

Đường Hùng Vương khu vực ven thị xã Đông Hoà

Thông tin được nêu trong Báo cáo điều chỉnh quy hoạch chung khu kinh tế Nam Phú Yên đến năm 2040. Theo đó, đoạn đường Hùng Vương bị nắn từ TP.Tuy Hoà đến thị xã Đông Hoà, rộng 26 m, có 6 làn xe. Kiến nghị nắn đường đang được địa phương gửi các bộ, ngành thẩm định trước khi trình Thủ tướng xem xét quyết định.

Năm 2018, một doanh nghiệp phát triển đô thị có trụ sở ở Hưng Yên được UBND Tỉnh cho phép nghiên cứu, khảo sát lập đồ án quy hoạch một số vị trí tại Khu kinh tế Nam Phú Yên. Doanh nghiệp đã đề xuất điều chỉnh nắn một đoạn đường Hùng Vương về phía Tây, cách tim đường hiện hữu hơn 220 m, nhằm tạo khu đất đủ rộng sát bờ biển phát triển khu đô thị và du lịch. Kinh phí đầu tư đoạn đường mới do các nhà đầu tư chi trả.

Tháng 11/2018, UBND Tỉnh đồng ý với kiến nghị nói trên và tổ chức lập quy hoạch khu đô thị dịch vụ ven biển thuộc thị xã Đông Hòa. Đáng chú ý doanh nghiệp đề nghị nắn đường lại là đơn vị tài trợ cho đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 ở địa bàn. Đơn vị này tính làm Dự án Khu đô thị ven biển Nam Phú Yên, rộng 284 ha (thuộc phường Hòa Hiệp Bắc, Hòa Hiệp Trung của thị xã Đông Hòa) - gần khu vực đường được kiến nghị nắn.

Đường Hùng Vương chạy dọc biển Phú Yên, được Thủ tướng phê duyệt năm 2010, vốn đầu tư từ ngân sách (chia thành nhiều gói thầu), đưa vào sử dụng từ cuối năm 2016.

Hội An áp quy định mới với khách tham quan từ ngày 15/5

Từ ngày 15/5, Hội An sẽ mở rộng không gian phố đi bộ và xe không động cơ tại tuyến đường Phan Châu Trinh. Cùng với đó Thành phố cũng tung loạt sản phẩm du lịch mới nhằm hút khách.

Du khách tham quan phố cổ Hội An

Du khách tham quan phố cổ Hội An

Sáng 10/5, Trung tâm Văn hóa Thể thao và Truyền thanh Truyền hình thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) thông tin về việc mở rộng không gian phố đi bộ và xe không động cơ tại tuyến đường Phan Châu Trinh, Hội An.

Đề án “Phố dành cho người đi bộ và xe không động cơ” được tổ chức tại Khu phố cổ Hội An từ năm 2004 đến nay, là một sản phẩm văn hóa du lịch độc đáo của Hội An, được du khách quan tâm hưởng ứng .

Nhằm mở rộng không gian hoạt động và làm đa dạng các sản phẩm văn hóa, du lịch để mang đến nhiều trải nghiệm hơn nữa dành cho du khách, sau nhiều lần khảo sát và lấy ý kiến của nhân dân trong khu vực, thành phố Hội An triển khai thực hiện mở rộng không gian đề án “Phố dành cho người đi bộ và xe không động cơ” tại tuyến đường Phan Châu Trinh.

Theo lộ trình, giai đoạn 1 sẽ áp dụng từ ngày 15/5. Thời gian hoạt động từ 17h30 đến 21h30 mùa hè và đến 21h mùa đông, vào tất cả các ngày trong tuần. Không gian hoạt động: Từ ngã tư đường Nguyễn Huệ - Phan Châu Trinh đến ngã ba đường Cao Hồng Lãnh - Phan Châu Trinh.

Giai đoạn 2 dự kiến thực hiện từ ngày 1/1/2024. Thời gian hoạt động: từ 15h đến 21h30 mùa hè và đến 21h mùa đông, vào tất cả các ngày trong tuần. Không gian hoạt động là từ ngã ba đường Hoàng Diệu - Phan Châu Trinh đến ngã ba đường Cao Hồng Lãnh - Phan Châu Trinh.

Chuyên đề