Bản tin thời sự sáng 1/12

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là xét xử kín vụ án bị cáo Nguyễn Đức Chung chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước; 27 du khách bị kẹt trên núi ở Khánh Hòa; đề xuất chuyển đầu tư công cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ; từ 1/12, nhiều chuyến bay thương mại đưa người Việt Nam về nước…

Xét xử kín vụ án bị cáo Nguyễn Đức Chung chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước

Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội vừa ra quyết định ngày 11/12 tới sẽ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án "Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” liên quan đến vụ án Công ty Nhật Cường.

Bốn bị cáo: Nguyễn Đức Chung, Nguyễn Anh Ngọc, Nguyễn Hoàng Trung, Phạm Quang Dũng.

Bốn bị cáo: Nguyễn Đức Chung, Nguyễn Anh Ngọc, Nguyễn Hoàng Trung, Phạm Quang Dũng.

Bốn bị cáo trong vụ án này gồm: Nguyễn Đức Chung (cựu Phó Bí thư Thành ủy, cựu Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội); Phạm Quang Dũng (cựu cán bộ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an); Nguyễn Hoàng Trung (cựu cán bộ Công an thành phố Hà Nội, biệt phái công tác tại Phòng Thư ký - Biên tập, Văn phòng UBND thành phố Hà Nội); Nguyễn Anh Ngọc (cựu Phó Trưởng Công an quận Cầu Giấy, Hà Nội, biệt phái công tác và giữ chức vụ Phó trưởng Phòng Thư ký - Biên tập, Văn phòng UBND thành phố Hà Nội) bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về tội “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” theo quy định tại Điều 337 - Bộ luật Hình sự năm 2015.

Theo cáo trạng, bị cáo Nguyễn Đức Chung và vợ là Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa là những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án Công ty Nhật Cường. Để nắm được thông tin, tài liệu điều tra của Vụ án, bị cáo Nguyễn Đức Chung liên hệ và đề nghị Phạm Quang Dũng cung cấp thông tin, tài liệu về Vụ án.

Trong thời gian từ 7/2019 - 6/2020, thực hiện đề nghị của bị cáo Nguyễn Đức Chung, bị cáo Phạm Quang Dũng đã 5 lần chiếm đoạt 9 tài liệu thuộc danh mục bí mật nhà nước độ “Mật”, liên quan đến vụ án Công ty Nhật Cường. Trong đó, bị cáo Dũng đã chuyển cho bị cáo Chung 2 lần, gồm 6 tài liệu thuộc danh mục bí mật nhà nước độ “Mật”.

Đối với 2 bị cáo: Nguyễn Hoàng Trung và Nguyễn Anh Ngọc, cáo trạng xác định đã một lần tham gia in, chỉnh sửa ba tài liệu “Mật” cho bị cáo Nguyễn Đức Chung.

27 du khách bị kẹt trên núi ở Khánh Hòa

Đi khám phá thảo nguyên Tà Giang ở Khánh Hòa, 27 du khách bị kẹt khi nước lũ dâng cao. Hai đoàn cứu hộ đang tìm cách tiếp cận.

Khu vực núi Tà Giang nằm giáp ranh giữa Khánh Hòa và Ninh Thuận, cách Nha Trang khoảng 100 km

Khu vực núi Tà Giang nằm giáp ranh giữa Khánh Hòa và Ninh Thuận, cách Nha Trang khoảng 100 km

Chiều 30/11, ông Nguyễn Văn Nhuận, Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) cho biết đã cử đội cứu hộ tìm cách tiếp cận đoàn 27 du khách và 7 người dân đi leo núi, khám phá núi Tà Giang (xã Thành Sơn).

Bốn hôm trước, đoàn này đi xe giường nằm từ TP.HCM đến huyện Khánh Sơn, sau đó thuê 7 người dân địa phương dẫn đường, phụ mang đồ đạc đi trekking. Đến ngày 28/11, mưa lớn khiến nước lũ dâng cao, nhóm này bắt đầu mất liên lạc với người thân, do trên núi không có sóng điện thoại.

Theo ông Nhuận, người dân địa phương đi rừng xuống trình báo là đoàn vẫn an toàn, đang núp ở trại bò của người dân và cho biết địa hình nơi các du khách bị kẹt như một bình nguyên, có trại nuôi bò của người dân nên khả năng cao du khách an toàn, chỉ lo việc thiếu lương thực.

Thảo nguyên Tà Giang cách TP. Nha Trang 100 km, gần Vườn quốc gia Phước Bình (Ninh Thuận), nổi lên như một điểm trekking, khám phá trong những năm gần đây.

Đề xuất chuyển đầu tư công cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ

Cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ không có doanh nghiệp tham gia nên Bộ Giao thông vận tải đề xuất đầu tư bằng vốn ngân sách.

Cao tốc Nội Bài - Lào Cai sẽ kết nối với cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ

Cao tốc Nội Bài - Lào Cai sẽ kết nối với cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ

Ngày 30/11, đại diện Bộ Giao thông vận tải cho hay, cơ quan này đã đề xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư điều chỉnh chủ trương đầu tư cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ bằng vốn ngân sách thay vì vốn xã hội hóa.

Cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ dài 40,2 km, dự kiến hoàn thành vào năm 2023, là tuyến đường kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 3.271 tỷ đồng theo hình thức PPP (hợp đồng BOT), gồm 500 tỷ đồng ngân sách Trung ương, 10,7 tỷ đồng ngân sách địa phương, 2.760 tỷ đồng vốn doanh nghiệp và vay tín dụng.

Dự án đã được UBND tỉnh Tuyên Quang phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi vào cuối tháng 7/2020 và tổ chức đấu thầu song không có nhà đầu tư tham gia.

Theo UBND tỉnh Tuyên Quang, dự án đã giải phóng mặt bằng đạt hơn 70%, dự kiến hết năm 2020 sẽ hoàn thành. Do vậy, nếu chuyển đổi sang sử dụng vốn đầu tư công với thủ tục rút ngắn hơn sẽ giúp Dự án triển khai ngay trong năm nay.

Từ 1/12, nhiều chuyến bay thương mại đưa người Việt Nam về nước

Cục Hàng không Việt Nam sẽ bố trí 33 chuyến bay mỗi tuần đưa công dân từ các quốc gia, vùng lãnh thổ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan về nước.

Các chuyến bay đón công dân Việt Nam sẽ do các hãng trong nước thực hiện

Các chuyến bay đón công dân Việt Nam sẽ do các hãng trong nước thực hiện

Chiều 30/11, ông Đinh Việt Thắng - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, cơ quan này đã làm việc với các hãng hàng không tổ chức chuyến bay trọn gói đưa người Việt Nam về nước theo hình thức tự chi trả toàn bộ, từ 1/12 - 15/1/2021. Dự kiến sẽ có 33 chuyến bay mỗi tuần từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan về 7 điểm tại Việt Nam.

Theo ông Thắng, danh sách công dân muốn về nước sẽ được Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao tập hợp, sau đó chuyển đến Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19. Sau khi Ban Chỉ đạo chấp thuận, Cục Hàng không Việt Nam sẽ cấp phép chính thức cho các chuyến bay này và các hãng sẽ tổ chức bán vé trọn gói.

Các chuyến bay do các hãng hàng không Việt Nam khai thác, chỉ hạ cánh tại sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh), Đà Nẵng, Cam Ranh (Khánh Hòa), Cần Thơ, Phú Quốc, Thọ Xuân (Thanh Hóa), Phù Cát (Quy Nhơn).

Theo Cục Hàng không, người về nước sẽ thanh toán cho hãng hàng không trọn gói dịch vụ (combo) gồm tiền vé máy bay, chi phí cách ly 15 ngày tại các khách sạn do các địa phương tiếp nhận chuyến bay chỉ định, chi phí phương tiện đón từ sân bay tới khách sạn cách ly, tiền ăn tiêu chuẩn 3 bữa/ngày, chi phí xét nghiệm Covid-19.

Thông tuyến Nha Trang đi Đà Lạt

Đường Nha Trang đi Đà Lạt được thông tuyến sau gần 6 giờ bị chia cắt do gần 2.000 m3 đất đá trên đèo Khánh Lê sạt lở.

Đất đá trên Quốc lộ 27C qua đèo Khánh Lê đã được thu dọn

Đất đá trên Quốc lộ 27C qua đèo Khánh Lê đã được thu dọn

Trưa 30/11, ông Tạ Thanh Tình - Trưởng Chi cục Quản lý đường bộ 3 cho biết, lượng đất đá nằm chắn trên trên Quốc lộ 27C, huyện Khánh Vĩnh được dọn dẹp, thông tuyến từ 22h30 ngày 29/11.

Hiện khu vực đèo Khánh Lê vẫn mưa, tầm nhìn bị hạn chế. Nước từ trên núi chảy xuống đường mạnh, lực lượng chức năng phải đặt cảnh báo nguy hiểm, hướng dẫn các xe qua lại. Các xe chạy qua điểm sạt lở với tốc độ 30 - 40 km/h.

Quốc lộ 27C dài hơn 120 km, nối TP.Nha Trang - Đà Lạt. Trong đó, đoạn đèo Khánh Lê dài 33 km, có nhiều đoạn cua gấp, vách đá cao, vực sâu có nơi 300 m. Tuyến đường này từng xảy ra nhiều vụ sạt lở.

Gần 3 km đường Vành đai 2 TP.HCM dang dở

Sau 3 năm khởi công, đường nối từ tuyến Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa, quận Thủ Đức gần 3 km dang dở do chưa được thanh toán chi phí, chờ điều chỉnh Dự án.

Đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa thuộc Dự án Vành đai 2 chưa thể hoàn thành sau 3 năm khởi công

Đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa thuộc Dự án Vành đai 2 chưa thể hoàn thành sau 3 năm khởi công

Đây là một trong 4 đoạn chưa khép kín thuộc Dự án Vành đai 2 TP.HCM, khởi công cuối năm 2017 với tổng đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng. Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng 1.410 tỷ đồng, tách thành dự án riêng do quận Thủ Đức triển khai. Dự án đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), do Công ty CP Văn Phú Bắc Ái làm nhà đầu tư.

Công trình dài 2,75 km, rộng 67 m, giai đoạn một làm đường song hành hai bên, mỗi bên rộng 10,5 m cho 6 làn xe. Dự án dự kiến hoàn thành cuối năm 2020, song khoảng một năm nay bị ngưng thi công khi đạt gần 44% khối lượng.

Theo ông Trần Đức Thắng - Tổng giám đốc Công ty CP Văn Phú Bắc Ái, Dự án bị ngưng trễ do phải chờ TP.HCM gỡ vướng mắc thanh toán chi phí bỏ ra từ năm 2017 đến nay. Ngoài ra, công trình đang chờ triển khai một số thủ tục pháp lý điều chỉnh Dự án do phải thực hiện theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước.

Đường từ Khánh Hoà đến Đăk Lăk ách tắc vì sạt lở

Mưa lớn làm hơn 1.000 m3 đất đá đổ sập xuống Quốc lộ 26 khiến đường độc đạo từ Khánh Hoà đi Đăk Lăk bị tê liệt, chiều 30/11.

Vị trí sạt lở trên đèo Phượng Hoàng chiều 30/11

Vị trí sạt lở trên đèo Phượng Hoàng chiều 30/11

Chiều ngày 30/11, khối đất đá khổng lồ bất ngờ sạt xuống khu vực Km 54, Quốc lộ 26 - qua xã Cư Mta (huyện M'Đrăk), vùi lấp đường đèo Phượng Hoàng một đoạn dài, 80 m hộ lan bị hư hỏng. Nhiều xe buộc phải quay đầu.

Ông Phạm Ngọc Thạch, Chủ tịch UBND huyện M'Đrăk cho biết, lực lượng chức năng đang chốt chặn ở hai đầu, không cho xe qua lại tuyến đường này. Đơn vị thi công đã điều máy móc đến hiện trường để khắc phục sạt lở, cố gắng thông tuyến trong đêm 30/11.

Quốc lộ 26 nối tỉnh Khánh Hòa và Đăk Lăk, bắt đầu từ trung tâm thị xã Ninh Hoà đến thành phố Buôn Ma Thuột, dài hơn 150 km. Đèo Phượng Hoàng dài khoảng 12 km, giáp ranh tỉnh Khánh Hoà, có độ dốc lớn và nhiều khúc cua gấp.

Chuyên đề