Bản tin thời sự sáng 1/12

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Quốc hội chốt đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc Nam; khởi động lại Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; lùi thời hạn hoàn thành sân bay Long Thành đến cuối năm 2026; đất nông nghiệp được thí điểm chuyển nhượng làm dự án nhà ở thương mại…

Quốc hội chốt đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc Nam

Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, sơ bộ tổng vốn đầu tư 1,7 triệu tỷ đồng, tương đương 67 tỷ USD, hoàn thành năm 2035.

Tuyến tàu cao tốc Nishi-Kyūshū Shinkansen kết nối tỉnh Saga với Nagasaki, Nhật Bản. Ảnh: Nippon

Tuyến tàu cao tốc Nishi-Kyūshū Shinkansen kết nối tỉnh Saga với Nagasaki, Nhật Bản. Ảnh: Nippon

Nghị quyết được thông qua chiều 30/11 với 443/454 đại biểu có mặt tán thành; 7 người không tán thành; 4 người không biểu quyết.

Dự án có tổng chiều dài 1.541 km, điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP.HCM), đi qua 20 tỉnh, thành gồm: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, TP.HCM.

Toàn tuyến được đầu tư mới khổ đôi 1.435 mm, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa; vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết. Dự án được áp dụng hình thức đầu tư công, sơ bộ tổng mức đầu tư 1,713 triệu tỷ đồng (67 tỷ USD) từ nguồn ngân sách trong các kỳ đầu tư công trung hạn và vốn hợp pháp khác.

Quốc hội yêu cầu lập báo cáo nghiên cứu khả thi từ 2025, phấn đấu cơ bản hoàn thành Dự án năm 2035. Sơ bộ tổng nhu cầu sử dụng đất của Dự án khoảng 10.800 ha; dự kiến 120.836 người cần tái định cư.

Khởi động lại Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

Quốc hội quyết nghị tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư điện hạt nhân Ninh Thuận, sau 8 năm dừng dự án này.

Hai vị trí được quy hoạch làm Nhà máy điện hạt nhân 1 và 2 ở Ninh Thuận

Hai vị trí được quy hoạch làm Nhà máy điện hạt nhân 1 và 2 ở Ninh Thuận

Nội dung trên được nêu tại Nghị quyết Kỳ họp thứ 8, được Quốc hội thông qua chiều 30/11.

Theo đó, Chính phủ được giao bố trí nguồn lực thực hiện việc khởi động lại Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận theo kết luận của cấp có thẩm quyền. Chính phủ cũng cần giao các bộ, ngành liên quan nghiên cứu sửa, bổ sung luật liên quan, trong đó có Luật Năng lượng nguyên tử.

Điện hạt nhân là nguồn điện nền, xanh và bền vững. Do đó, phát triển nguồn điện này giúp đa dạng nguồn cung, bảo đảm an ninh năng lượng và chuyển dịch năng lượng xanh, đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050 theo cam kết tại COP26.

Chưa kể, phát triển điện hạt nhân giúp Việt Nam có cơ hội tranh thủ thu hút nguồn lực tài chính, khoa học công nghệ, nhân lực chất lượng cao qua các chương trình hợp tác và tạo cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng công nghiệp lĩnh vực này.

Địa điểm chọn đầu tư Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 đã được các đơn vị tư vấn trong và ngoài nước khảo sát, đánh giá kỹ. Đây là hai địa điểm tốt nhất, đáp ứng các tiêu chí khắt khe của quốc tế, phù hợp để xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam.

Chính phủ cho biết, sau khi được duyệt chủ trương khởi động lại Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, sẽ giao các cơ quan, bộ, ngành rà soát, cập nhật định hướng phát triển điện hạt nhân trong các chiến lược phát triển có liên quan như chiến lược phát triển năng lượng, ngành điện... Nhà chức trách sẽ lập Quy hoạch phát triển điện hạt nhân, trong đó làm rõ tiềm năng phát triển các loại hình, gồm quy mô lớn, nhỏ hay siêu nhỏ.

Theo Chính phủ, phát triển điện hạt nhân sẽ sử dụng công nghệ hiện đại, bảo đảm an toàn ở mức cao nhất, giảm thiểu rủi ro cho con người, môi trường và hiệu quả đầu tư.

Lùi thời hạn hoàn thành sân bay Long Thành đến cuối năm 2026

Quốc hội đồng ý bổ sung 1 đường băng và lùi thời hạn hoàn thành giai đoạn 1 Cảng hàng không quốc tế Long Thành đến cuối năm 2026.

Diện mạo nhà ga sân bay Long Thành sau 1 năm thi công

Diện mạo nhà ga sân bay Long Thành sau 1 năm thi công

Nội dung điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (tỉnh Đồng Nai) được đề cập tại Nghị quyết Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, thông qua chiều 30/11 với 100% đại biểu tán thành.

Theo Nghị quyết, Quốc hội đồng ý giai đoạn 1 đầu tư xây dựng 2 đường cất hạ cánh ở phía Bắc và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.

Thời gian thực hiện Dự án được kéo dài chậm nhất đến 31/12/2026 hoàn thành và đưa vào khai thác. Chính phủ được tổ chức phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh giai đoạn 1 Dự án theo thẩm quyền mà không phải báo cáo Quốc hội thông qua.

Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành rộng 5.000 ha, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 336.630 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), đến tháng 9/2024, các dự án thành phần đạt tiến độ "rất tốt". Tháp không lưu đã cất nóc, đang hoàn thiện. Gói thầu thi công nhà ga hành khách đạt trên 8.300 tỷ đồng, tương ứng 25% giá trị hợp đồng, dự kiến hoàn thành trước tháng 12/2025. Công trình đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ đạt khoảng 2.015 tỷ đồng, tương ứng 27%, vượt 3 tháng so với kế hoạch.

Theo tờ trình của Chính phủ đầu tháng 11, thời điểm trình duyệt chủ trương đầu tư Dự án sân bay năm 2015, việc xác định vốn đầu tư giai đoạn 1 còn khó khăn nên Quốc hội quyết định chỉ xây một đường băng ở phía Bắc sân bay. Giai đoạn 2 gồm đường băng số 2 ở phía Nam và giai đoạn 3 gồm đường băng số 3 ở phía Bắc và đường băng số 4 ở phía Nam.

Quá trình triển khai, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam nhận thấy việc xây dựng đường băng số 3 cách đường băng số 1 đang xây dựng 400 m về phía Bắc sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn. Việc này giúp sân bay có thể khai thác 2 đường băng ngay trong giai đoạn 1, tránh phải nhờ sân bay Tân Sơn Nhất hỗ trợ khi đường băng duy nhất gặp sự cố hoặc phải sửa chữa.

Chính phủ cho rằng, việc thi công 2 đường băng sẽ không làm gián đoạn khai thác đường băng số 1 khi phải đấu nối hạ tầng kỹ thuật. Nền đường băng số 3 đã san gạt để đảm bảo tĩnh không khai thác đường băng số 1 nên chi phí đầu tư khoảng 3.300 tỷ đồng, không vượt quá tổng mức đầu tư Dự án.

Bên cạnh bổ sung 1 đường băng cho giai đoạn 1, Chính phủ đồng thời kiến nghị Quốc hội điều chỉnh thời gian hoàn thành, đưa vào khai thác sân bay Long Thành giai đoạn 1, chậm nhất là cuối năm 2026 thay vì 2025.

Đất nông nghiệp được thí điểm chuyển nhượng làm dự án nhà ở thương mại

Quốc hội đồng ý cho phép thí điểm nhà đầu tư thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp, phi nông nghiệp làm dự án nhà ở thương mại.

Điều kiện để dự án được thí điểm chính sách này là khu, thửa đất phải ở khu vực đô thị, phù hợp quy hoạch sử dụng đất cấp huyện

Điều kiện để dự án được thí điểm chính sách này là khu, thửa đất phải ở khu vực đô thị, phù hợp quy hoạch sử dụng đất cấp huyện

Chiều 30/11, với trên 86,6% đại biểu tán thành, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết thí điểm thưc hiện dự án nhà ở thương mại qua thỏa thuận nhận quyền hoặc đang có quyền sử dụng đất.

Hiện nhà đầu tư chỉ được làm dự án nhà ở thương mại khi có quyền sử dụng với đất ở, theo Luật Nhà ở 2014. Tuy nhiên, từ ngày 1/4/2025, nhà đầu tư được thỏa thuận nhận quyền sử dụng với đất nông nghiệp, phi nông nghiệp (đất thương mại dịch vụ) không phải đất ở, đất khác trong cùng thửa để làm dự án nhà ở thương mại. Chính sách này được thí điểm trong 5 năm.

Trường hợp trong khu, thửa đất có phần do cơ quan, tổ chức Nhà nước quản lý nhưng không tách được thành dự án độc lập thì được đưa vào diện tích đất chung để lập dự án và Nhà nước thu hồi, giao cho nhà đầu tư không qua đấu giá, đấu thầu.

Điều kiện để dự án được thí điểm chính sách này là khu, thửa đất phải ở khu vực đô thị, phù hợp quy hoạch sử dụng đất cấp huyện. Dự án thí điểm cần có tối đa 30% diện tích đất ở tăng thêm trong kỳ quy hoạch (so với hiện trạng sử dụng đất) theo phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai của quy hoạch tỉnh đến 2030.

UBND cấp tỉnh sẽ xem xét, cấp phép cho tổ chức kinh doanh bất động sản nhận chuyển quyền sử dụng đất. Cùng với đó, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phải đáp ứng các điều kiện về đất đai, pháp luật về nhà ở, kinh doanh bất động sản, đầu tư.

Trường hợp nhà đầu tư nhận chuyển quyền sử dụng với đất có nguồn gốc là đất quốc phòng, an ninh, cần có văn bản chấp thuận của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.

Bình Thuận đề xuất đầu tư hơn 4.200 tỷ đồng làm đường vào trung tâm Phan Thiết

Sở Giao thông vận tải Bình Thuận vừa đề xuất phương án làm đường kết nối cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết với trung tâm TP. Phan Thiết với tổng chiều dài khoảng 11,2 km, đi qua TP. Phan Thiết và huyện Hàm Thuận Bắc.

Nút giao Ba Bàu, Bình Thuận. Ảnh minh họa

Nút giao Ba Bàu, Bình Thuận. Ảnh minh họa

Theo đó, với tổng vốn đầu tư hơn 4.200 tỷ đồng, tuyến đường có điểm đầu (Km0+000) tại ngã tư giao đường Lê Duẩn với đường Trường Chinh thuộc phường Phú Tài, TP. Phan Thiết; điểm cuối (Km11+200) giao với đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết tại Km225+160 thuộc xã Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc.

Các vị trí giao chính: tại Km0+000 - giao với Quốc lộ 1A (đường Trường Chinh); tại Km3+680 - giao với đường sắt Mương Mán, TP. Phan Thiết; tại Km8+700 - giao với đường sắt tốc độ cao; tại Km9+179 - giao với đường sắt Bắc - Nam hiện hữu; kết thúc tại Km11+200 - giao với đường bộ cao tốc.

Đại diện Sở Giao thông vận tải Bình Thuận cho biết, hiện nay, các phương tiện lưu thông từ các tỉnh phía Nam hướng vào trung tâm TP. Phan Thiết phải thông qua Quốc lộ 1A - Mỹ Thạnh (khoảng 2,6 km), sau đó tiếp tục lưu thông theo Quốc lộ 1A (khoảng 13 km). Tại khu vực nút giao Ba Bàu và nút giao Quốc lộ 1A thường xuyên xảy tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng, đặc biệt vào các ngày cuối tuần và dịp lễ, tết gây bức xúc cho người dân và du khách

Sở Giao thông vận tải Bình Thuận cho rằng, việc đầu tư đường kết nối từ đường bộ cao tốc vào đường Lê Duẩn, TP. Phan Thiết là cần thiết. Tuyến đường khi đi vào hoạt động sẽ hình thành trục chính theo hướng Đông - Tây kết nối liên thông từ đường bộ cao tốc vào trung tâm Thành phố với các đầu mối giao thông quan trọng.

Mega Textile đầu tư 590 triệu USD vào Khu kinh tế Đông Nam (Nghệ An)

Tỉnh Nghệ An vừa thông qua chủ trương đầu tư Dự án Mega Textile - Vietnam quy mô 51 ha, tổng mức đầu tư 590 triệu USD tại Khu kinh tế Đông Nam.

Khu công nghiệp Thọ Lộc, nơi thực hiện Dự án Mega Textile - Vietnam

Khu công nghiệp Thọ Lộc, nơi thực hiện Dự án Mega Textile - Vietnam

Tỉnh ủy Nghệ An vừa thông qua chủ trương đầu tư Dự án Mega Textile - Vietnam tại xã Diễn Thọ, huyện Diễn Châu, thuộc Khu công nghiệp Thọ Lộc giai đoạn 1 (Khu kinh tế Đông Nam) do nhà đầu tư Mega Textile Singapore Private Limited (Singapore) đầu tư.

Dự án được triển khai trên khu đất có tổng diện tích hơn 51 ha tại Khu kinh tế Đông Nam, với tổng mức đầu tư 590 triệu USD, tương đương 14.775,9 tỷ đồng.

Mục tiêu của Dự án là sản xuất vải các loại, đan các loại, sợi màu, bán thành phẩm cắt, trang phục, đai vòng... với công suất vải các loại khoảng 67.200 tấn/năm; đan các loại khoảng 10.300 tấn/năm; sợi màu khoảng 7.200 tấn/năm; đai vòng khoảng 100 triệu sản phẩm/năm; trang phục khoảng 130 triệu sản phẩm/năm; bán thành phẩm cắt khoảng 2,2 triệu sản phẩm/năm.

Theo tiến độ, đến quý II/2025, Dự án sẽ hoàn thành công tác chuẩn bị thủ tục đầu tư; đến quý II năm 2028 sẽ vận hành chính thức giai đoạn 1; đến quý II năm 2030 sẽ vận hành chính thức giai đoạn 2 và đến quý II/2034 sẽ vận hành chính thức giai đoạn 3.

Sau khi đi vào hoạt động, Dự án sẽ đóng góp vào ngân sách nhà nước và tạo việc làm cho hơn 15.000 lao động địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển ngành hàng may mặc tại địa phương cũng như trên toàn quốc.

Được biết, sau khi chấp thuận Dự án Mega Textile - Vietnam, Nghệ An thu hút hơn 1,56 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và dự kiến hết năm 2024 sẽ đạt gần 1,7 tỷ USD.

Đề xuất nuôi thủy sản ở vùng đệm vịnh Hạ Long

Quảng Ninh vừa trình Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch kế hoạch nuôi trồng thủy sản tại vùng đệm vịnh Hạ Long nhằm kết hợp phát triển du lịch, tạo sản phẩm trải nghiệm mới cho du khách.

Hầu hết các phường tại TP. Hạ Long đều nằm trong vùng đệm vịnh Hạ Long

Hầu hết các phường tại TP. Hạ Long đều nằm trong vùng đệm vịnh Hạ Long

Đề xuất được xây dựng nhằm cụ thể hóa mục tiêu phát triển nuôi biển bền vững theo chỉ đạo của Thủ tướng, đồng thời mang lại sinh kế ổn định cho người dân địa phương. UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, dự án sẽ kết hợp các khu vực nuôi trồng thủy sản với khu trình diễn phục vụ du lịch, qua đó tạo điểm nhấn mới, tăng sức hấp dẫn cho du lịch Hạ Long.

Dự án dự kiến triển khai trên diện tích 260 ha, chia thành 2 khu vực. Khu vực 1 (210 ha) nằm ở phía Đông giáp luồng Tuần Châu - Cát Bà, phía Tây giáp xã Hoàng Tân, phía Nam giáp luồng Ba Mom, phía Bắc giáp đảo Tuần Châu. Khu vực 2 (50 ha), phía Đông giáp hòn Vụng Ba Cửa, phía Tây giáp Hòn Bồ Hung, phía Nam giáp Hòn Trà Hương, phía Bắc giáp luồng Ba Mom.

Tỉnh mong muốn sẽ nuôi các loại nhuyễn thể, cá biển và một số loài rong biển. Các khu nuôi được thiết kế hiện đại, đảm bảo an toàn, với diện tích tối thiểu mỗi bè 300 m2, gồm nhà điều hành, kho lưu trữ, khu vệ sinh và các lồng nuôi. Lồng nuôi được bố trí thành từng cụm, cách nhau 20 - 30 m, phục vụ cả nuôi thương phẩm và trình diễn cho du khách.

Theo tỉnh Quảng Ninh, mô hình kết hợp này sẽ tạo cơ hội để du khách trải nghiệm hoạt động nuôi trồng thủy sản, tham quan quy trình sản xuất và thưởng thức hải sản tươi sống ngay tại chỗ. Vị trí vùng nuôi nằm ngoài ranh giới vùng lõi của vịnh Hạ Long, thuận tiện kết nối với các khu du lịch lân cận, hứa hẹn mở ra một loại hình du lịch sinh thái biển mới, hấp dẫn.

Tỉnh khẳng định sẽ thực hiện nghiêm các biện pháp bảo vệ môi trường. Toàn bộ chất thải và nước thải từ hoạt động nuôi trồng sẽ được thu gom, xử lý sơ bộ tại chỗ trước khi chuyển lên đất liền, "không để hoạt động nuôi trồng ảnh hưởng đến chất lượng nước và hệ sinh thái của Vịnh Hạ Long". Nếu được thông qua, dự án sẽ triển khai từ năm 2025 đến 2030.

Sân bay Đà Nẵng - sân bay Việt Nam đầu tiên thu phí dịch vụ ưu tiên kiểm tra an ninh

Đầu năm 2025, sân bay Đà Nẵng sẽ có dịch vụ lối đi ưu tiên tại Nhà ga T1 ở điểm kiểm tra an ninh soi chiếu với giá 100.000 đồng/lượt.

Sân bay Đà Nẵng triển khai dịch vụ ưu tiên kiểm tra an ninh soi chiếu

Sân bay Đà Nẵng triển khai dịch vụ ưu tiên kiểm tra an ninh soi chiếu

Từ ngày 1/1/2025, sân bay Đà Nẵng sẽ triển khai thực hiện thu tiền cung cấp dịch vụ hành khách sử dụng lối đi ưu tiên tại điểm kiểm tra an ninh soi chiếu Nhà ga T1. Sân bay Đà Nẵng là sân bay đầu tiên tại Việt Nam triển khai dịch vụ này.

Theo đó, đối tượng áp dụng thu tiền là hành khách CIP (dịch vụ đón tiễn khách thương gia) của các hãng hàng không Việt Nam, hành khách hạng thương gia hoặc tương đương của các hãng hàng không, hành khách là hội viên chương trình khách hàng thân thiết của các hãng được vào lối đi ưu tiên tại điểm kiểm tra soi chiếu.

Dịch vụ này giúp hành khách không phải xếp hàng chờ đợi, đồng thời giúp lối vào cửa kiểm soát an ninh giải tỏa nhanh, tránh ùn tắc cục bộ lượng hành khách làm thủ tục an ninh soi chiếu tại một vài thời điểm cao điểm. Mức phí sử dụng dịch vụ là 100.000 đồng/khách.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư