Bản tin thời sự sáng 1/12

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là giá xăng dầu ngày 1/12 có thể giảm; 69 mã chứng khoán trên HoSE bị cắt margin; chuẩn bị khởi công nhiều dự án giao thông lớn trong tháng 12; cao tốc TP.HCM - Mộc Bài dự kiến thu phí 18 năm mới hoàn vốn; giá gas tăng lần thứ hai liên tiếp; cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn nguy cơ vỡ phương án tài chính…

Giá xăng dầu ngày 1/12 có thể giảm

Giá xăng ngày 1/12 được dự báo giảm theo xu hướng thế giới. Nếu cơ quan quản lý không tác động đến Quỹ bình ổn, giá xăng E5 RON 92 có thể giảm 660 đồng/lít, xăng RON 95 giảm 880 đồng/lít.

Giá xăng ngày 1/12 được dự báo giảm theo xu hướng thế giới.

Giá xăng ngày 1/12 được dự báo giảm theo xu hướng thế giới.

Dữ liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 28/11 giảm so với kỳ trước. Bình quân mỗi thùng xăng RON 92 (loại dùng để pha chế xăng E5 RON 92) có giá là 90,1 USD; xăng RON 95 là 95,1 USD/thùng. Các loại dầu cũng cùng xu hướng giảm.

Lãnh đạo một doanh nghiệp xăng dầu dự báo, giá xăng dầu trong kỳ điều chỉnh ngày 1/12 có thể giảm khá mạnh theo xu hướng giá thế giới. Cụ thể, xăng E5 RON 92 có thể giảm 660 đồng/lít, xăng RON 95 có thể giảm 880 đồng/lít. Trong khi đó, giá dầu hỏa được dự báo giảm tới 1.170 đồng/lít, dầu diesel giảm 1.490 đồng/lít, dầu mazut giảm 790 đồng/kg.

Nếu cơ quan điều hành không trích lập đồng thời chi Quỹ bình ổn, giá xăng có thể giảm nhẹ hơn. Trường hợp dự báo trên chính xác, giá xăng sẽ có lần giảm thứ hai liên tiếp.

Tại kỳ điều chỉnh gần nhất ngày 21/11, giá xăng E5 RON 92 giảm 40 đồng/lít, xuống 22.670 đồng/lít; xăng RON 95 giảm 80 đồng/lít, còn 23.780 đồng/lít.

69 mã chứng khoán trên HoSE bị cắt margin

Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE) vừa công bố danh sách 69 mã chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ đến ngày 28/11.

HoSE vừa công bố danh sách 69 mã chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ

HoSE vừa công bố danh sách 69 mã chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ

Theo quy định, việc bị xếp vào danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ này, nhà đầu tư sẽ không được sử dụng hạn mức tín dụng (đòn bẩy tài chính - margin) do công ty chứng khoán môi giới cấp để mua 69 mã cổ phiếu này.

Cụ thể, có 18 mã chứng khoán thuộc diện cảnh báo gồm: CIG, DLG, DXV, GAB, HNG, ITA, NVT, OGC, PIT, PTL, RDP, SCD, SGT, SMA, TCR, TNI, TTF, VOS.

Có 18 mã chứng khoán thuộc diện cảnh kiểm soát gồm: AMD, AST, HAG, HOT, HU1, HU3, HVN, JVC, LHG, MCG, PMG, QBS, SII, SJD, THD, TGG, UDC, VFG

Có 2 mã chứng khoán thuộc diện bị đình chỉ giao dịch: FLC, HAI,

Có 2 mã chứng khoán mà công ty nhận được kết luận của cơ quan thuế về việc công ty vi phạm pháp luật thuế: SCS, TDW

Có 1 mã chứng khoán mà công ty chậm công bố thông tin báo cáo tài chính năm 2021 đã kiểm toán quá 5 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn công bố thông tin: VMD.

Có 4 mã chứng khoán mà quỹ đầu tư đại chúng có tối thiểu một tháng có giá trị tài sản ròng (NAV) tính trên một đơn vị chứng chỉ quỹ nhỏ hơn mệnh giá căn cứ trên báo cáo thay đổi giá trị tài sản ròng hàng tháng xét trong 3 tháng liên tiếp: FUCTVGF3, FUCTREIT. FUEIP100, FUEKIV30.

Có 7 mã chứng khoán mà thời gian niêm yết dưới 6 tháng gồm: ACG, FIR, FUEDCMID, FUEKIVFS, NO1, VAF, VNS.

Có 15 mã chứng khoán mà lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên báo cáo tài chính hợp nhất soát xét 6 tháng năm 2022 là số âm gồm: AGM, ASP, BCE, HAS, HID, LEC, MHC, POM, PSH, PTC, PVD, SBV, SJF, VDS, VIP.

Chuẩn bị khởi công nhiều dự án giao thông lớn trong tháng 12

Trong tháng 12/2022, sẽ khởi công đồng loạt các dự án lớn, gồm: 12 gói thầu của 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025, Dự án nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất...

Trong tháng 12/2022, sẽ khởi công đồng loạt các dự án lớn. Ảnh minh họa

Trong tháng 12/2022, sẽ khởi công đồng loạt các dự án lớn. Ảnh minh họa

Ông Nguyễn Trí Đức, Chánh Văn phòng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, thời gian qua, lãnh đạo Bộ GTVT tiếp tục đẩy mạnh kiểm tra hiện trường, làm việc với các địa phương, các bộ, ngành liên quan để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiến độ giải ngân một số dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành và một số dự án trọng điểm khác.

Đối với Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, đến ngày 15/11/2022 đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu với tổng số 25 gói thầu xây lắp; đã hoàn thành thẩm định, phê duyệt xong hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự toán, đang thực hiện các thủ tục lựa chọn nhà thầu đối với 12 gói thầu khởi công trong năm 2022.

Trong tháng 12/2022, mục tiêu đặt ra là tập trung hoàn thành hồ sơ, thủ tục theo quy định để khởi công đồng loạt các dự án lớn, gồm: 12 gói thầu của 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025; Dự án nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất và khởi công nhà ga hành khách, đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ máy bay, Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Đặc biệt, trong đợt kiểm tra vào đầu tháng 11/2022, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã chỉ đạo các ban quản lý dự án và các nhà thầu phải quyết tâm hoàn thành, thông xe kỹ thuật 4 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam (Mai Sơn - Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây) trong năm 2022 theo đúng kế hoạch.

Đầu tư 170 tỷ đồng bảo tồn hai di tích quốc gia ở Quảng Trị

HĐND Quảng Trị phê duyệt 170 tỷ đồng tu bổ, bảo tồn hai di tích quốc gia đặc biệt đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải và thành cổ.

Di tích đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải

Di tích đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải

HĐND Quảng Trị vừa thông qua nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án công viên Thống nhất tại di tích quốc gia đặc biệt đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải; Dự án khu di tích quốc gia đặc biệt thành cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu, bảo vệ thành cổ. Hai dự án có tổng kinh phí đầu tư 170 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách Trung ương, thực hiện năm 2023 - 2025.

Công viên Thống Nhất được đầu tư 80 tỷ đồng, nhằm tu bổ, tôn tạo các hạng mục gồm: Kỳ đài, cầu Hiền Lương, nhà liên hợp, chỉnh trang cảnh quan và các mục phụ trợ. Nơi đây sẽ trở thành công viên chuyên đề lịch sử, là điểm nhấn về văn hóa, du lịch, mang tính biểu tượng về truyền thống, bản sắc văn hóa, lịch sử tại địa phương.

Dự án khu di tích quốc gia đặc biệt thành cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu, bảo vệ thành cổ được đầu tư 90 tỷ đồng, gồm tu bổ, bảo tồn, tôn tạo một số hạng mục khu di tích, chống xuống cấp các di tích lưu niệm. Dự án hướng đến tạo ra điểm đến du lịch, liên kết với các điểm đến khác trong vùng để phát triển du lịch bền vững, đa dạng.

Sau khi hai nghị quyết được phê duyệt, UBND tỉnh Quảng Trị sẽ trình dự án này lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Chính phủ để trình Quốc hội phân bổ nguồn vốn.

Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài dự kiến thu phí 18 năm mới hoàn vốn

Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 Dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài khoảng 16.729 tỷ đồng. Ngoài vốn ngân sách để giải phóng mặt bằng, dự kiến cao tốc phải thu phí 18 năm mới hoàn vốn.

Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 dự án Cao tốc TP.HCM – Mộc Bài khoảng 16.729 tỷ đồng.

Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 dự án Cao tốc TP.HCM – Mộc Bài khoảng 16.729 tỷ đồng.

Liên quan đến Dự án xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, UBND TP.HCM vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện, tiến độ dự kiến và chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư giai đoạn 1 Dự án.

Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài có chiều dài khoảng 50 km, trong đó đoạn thuộc địa phận TP.HCM khoảng 23,7 km và địa phận tỉnh Tây Ninh khoảng 26,3 km.

Dự án được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 đầu tư đoạn TP.HCM đến huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh và đoạn từ huyện Trảng Bàng đến cuối tuyến thuộc huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh. Hai đoạn đường này đều có 4 làn xe cao tốc hạn chế.

Giai đoạn 2 là giai đoạn hoàn thiện, mở rộng đoạn qua TP.HCM lên 8 làn xe cao tốc hoàn chỉnh và mở rộng đoạn qua tỉnh Tây Ninh lên 6 làn xe cao tốc hoàn chỉnh.

Cần khoảng 7.433 tỷ đồng để bồi thường, giải phóng mặt bằng giai đoạn 1 Dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài.

UBND TP.HCM cho biết, thời gian thực hiện dự kiến từ năm 2022 đến năm 2027. Giai đoạn 1 sẽ đầu tư theo phương thức đối tác công tư (hợp đồng BT).

Trong đó, Nhà nước hỗ trợ chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng từ vốn ngân sách của UBND TP.HCM và tỉnh Tây Ninh. Phần chi phí còn lại từ vốn tự có và vốn huy động của nhà đầu tư. Chi phí này nhà đầu tư thu phí hoàn vốn theo hợp đồng BOT và dự kiến thời gian hoàn vốn là 18 năm 1 tháng.

Tổng mức đầu tư sơ bộ giai đoạn 1 Dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài là 16.729 tỷ đồng. Trong đó, 6.355 tỷ đồng là chi phí xây dựng; 2.941 tỷ đồng là chi phí quản lý dự án, tư vấn đầu tư, dự phòng phí và lãi vay trong quá trình xây dựng.

Giá gas tăng lần thứ hai liên tiếp

Giá gas đồng loạt tăng lần thứ hai liên tiếp kể từ ngày 1/12. Mức tăng phổ biến là 13.000 - 14.000 đồng/bình 12 kg.

Giá gas đồng loạt tăng lần thứ hai liên tiếp kể từ ngày 1/12.

Giá gas đồng loạt tăng lần thứ hai liên tiếp kể từ ngày 1/12.

Ngày 30/11, nhiều doanh nghiệp kinh doanh gas thông báo điều chỉnh tăng giá mặt hàng này từ ngày 1/12. Theo đó, mỗi bình gas loại 12 kg đến tay người tiêu dùng tăng trung bình 13.000 - 14.000 đồng, loại 45 kg tăng 52.000 - 53.000 đồng/bình, tùy thương hiệu.

Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro) thông báo, từ ngày 1/12, giá bán gas Saigon Petro tăng 13.000 đồng/bình 12 kg. Với mức giảm này, giá bán lẻ gas thương hiệu này đến tay người tiêu dùng sẽ ở mức 438.000 đồng/bình 12 kg.

Tương tự, Công ty CP Kinh doanh LPG Việt Nam chi nhánh miền Nam cũng cho biết, từ tháng 12, giá gas tăng 14.000 đồng/bình 12 kg lên hơn 442.000 đồng/bình 12 kg và tăng hơn 52.500 đồng/bình 45 kg lên hơn 1.660.000 đồng/bình. Thương hiệu gas City Petro cũng thông báo mức tăng tương tự, theo đó giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng ở mức 461.500 đồng/bình 12 kg; 1.730.000 đồng/bình 45 kg...

Như vậy, đây là tháng thứ hai giá gas ghi nhận tăng sau sáu lần giảm liên tiếp. Tính từ đầu năm đến nay, giá gas bán lẻ trong nước đã có 5 lần tăng và 7 lần giảm. Hiện, giá loại nhiên liệu này lên mức tương đương thời điểm đầu năm.

Nguyên nhân giảm do giá gas thế giới bình quân tháng 12 chốt hợp đồng ở mức 650 USD/tấn, tăng 40 USD/tấn. Hiện, nguồn gas trong nước đang nhập khẩu khoảng 60% nên giá gas bị chi phối và ảnh hưởng bởi giá gas thế giới.

Đầu tư 50 tỷ đồng trùng tu di tích nhà tù Phú Quốc

Kiên Giang quyết định đầu tư 50 tỷ đồng trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử quốc gia nhà tù Phú Quốc tại phường An Thới, TP. Phú Quốc.

Một phân khu ở di tích nhà tù Phú Quốc

Một phân khu ở di tích nhà tù Phú Quốc

Quyết định này được HĐND Kiên Giang thông qua trong kỳ họp nhằm nhằm tu bổ, giữ gìn chứng tích lịch sử, nơi trưng bày hiện vật được công nhận di tích lịch sử quốc gia đặc biệt năm 2014.

Việc trùng tu thực hiện tại phân khu giam B2, khu tượng đài Đồi Sim, nghĩa trang tù binh và nhà thờ Kiến Văn. Trước đó, di tích được tu bổ, tôn tạo hai lần kinh phí hơn 43 tỷ đồng.

Nhà tù Phú Quốc được mệnh danh là "địa ngục trần gian", hoạt động từ tháng 6/1967 đến tháng 3/1973, giam giữ khoảng 40.000 tù binh. Di tích còn có tên gọi khác là nhà lao Cây Dừa gồm 12 khu trại giam với gần 500 ngôi nhà, tổng diện tích 400 ha. Xung quanh các khu đều có vọng gác canh giữ xuyên ngày đêm, bên cạnh các vọng gác lưu động, chiếu đèn sáng toàn khu trại…

Nơi đây còn bảo tồn một số di tích gốc như nghĩa trang tù binh, nhà thờ Kiến Văn, cổng tiểu đoàn 7 và 8 quân cảnh, khu B2, khu nhà Bộ chỉ huy trại giam và điểm di tích tôn tạo tượng đài Đồi Sim. Những điểm di tích này đã được khoanh vùng bảo vệ rộng 8,5 ha.

Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn nguy cơ vỡ phương án tài chính

Sau hơn 2 năm khai thác, doanh thu Dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn mới đạt 31% so với phương án tài chính.

Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn

Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn

Dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn có tổng mức đầu tư hơn 12.180 tỷ đồng gồm 2 hợp phần: Nâng cấp quốc lộ 1 dài 110 km và xây dựng mới cao tốc dài 64 km, thu phí từ tháng 2/2020. Toàn bộ vốn do nhà đầu tư tự huy động.

Đến nay, doanh thu của Dự án mới đạt 1.200 tỷ đồng, tương ứng 31% so với phương án tài chính ban đầu và đạt 63% phương án đã điều chỉnh.

Theo ông Nguyễn Quang Vĩnh, Tổng giám đốc Công ty BOT Bắc Giang - Lạng Sơn, Dự án bị sụt giảm doanh thu do phải giảm một trạm thu phí trên Quốc lộ 1 theo đề nghị của tỉnh Lạng Sơn. Doanh nghiệp dự án đã miễn giảm phí cho hơn 4.200 phương tiện của người dân địa phương khiến giảm khoảng 84 tỷ đồng mỗi năm. Cùng với đó là dịch bệnh Covid khiến phương tiện đi lại giảm mạnh.

Ông Vĩnh cho biết, khi bỏ một trạm thu phí trên Quốc lộ 1, tỉnh Lạng Sơn đã cam kết hỗ trợ Dự án khoảng 2.000 tỷ đồng. Song đến nay nhà đầu tư chưa nhận được vốn này, thiệt thòi hơn so với các đoạn cao tốc Bắc Nam khác có trên 50% vốn nhà nước tham gia. Doanh nghiệp đã kiến nghị Nhà nước hỗ trợ vốn để bù đắp doanh thu thiếu hụt và ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất cho vay.

Trước những vướng mắc trên, tỉnh Lạng Sơn đã điều chỉnh phương án tài chính, nhưng lại khiến kéo dài thời gian thu phí, dư nợ ngân hàng ngày càng lớn. Ngân hàng đã tạm dừng giải ngân vốn vay tín dụng.

Có 7/9 cửa hàng của chuỗi thời trang Da Màu sai phạm phải chuyển Cơ quan điều tra

Cục Quản lý thị trường TP.HCM vừa phối hợp với Cục nghiệp vụ Quản lý thị trường (Tổng Cục quản lý thị trường) đồng loạt kiểm tra 9 cửa hàng thuộc hệ thống chuỗi cửa hàng thời trang Da Màu.

Qua kiểm tra phát hiện 7/9 cửa hàng sai phạm tới mức phải chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra. Ảnh minh họa

Qua kiểm tra phát hiện 7/9 cửa hàng sai phạm tới mức phải chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra. Ảnh minh họa

Qua đó, phát hiện 7/9 cửa hàng sai phạm tới mức phải chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP.HCM tiếp tục điều tra làm rõ.

Cụ thể, kiểm tra 9 cửa hàng của hệ thống này, Cục Quản lý thị trường TP.HCM phát hiện có gần 6.500 đơn vị sản phẩm gồm: túi, ví, giày dép, thắt lưng, nón, mắt kính, quần áo… có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu thời trang nổi tiếng thế giới như Chanel, Gucci, Dior, Hermes, Louis Vuitton, Burberry, Nike, Adidas… Số hàng hóa theo trị giá niêm yết có giá trị cao.

Điển hình như kiểm tra cửa hàng tại địa chỉ 356C Cách Mạng Tháng Tám, Phường 10, Quận 3, các kiểm soát viên thị trường phát hiện có 1.167 đơn vị sản phẩm có trị giá hàng hóa theo giá niêm yết là hơn 730 triệu đồng.

Tại cửa hàng ở địa chỉ 248 Nguyễn Thị Thập, phường Tân Quy, Quận 7 bị phát hiện 927 sản phẩm trị giá hơn 620 triệu đồng. Tại cửa hàng ở địa chỉ 909 - 911 Quang Trung, Phường 14, quận Gò Vấp bị phát hiện 1.060 sản phẩm trị giá hơn 550 triệu đồng,…

Xét mức độ sai phạm của các cửa hàng thuộc hệ thống chuỗi cửa hàng thời trang Da Màu, Cục Quản lý thị trường TP.HCM đã chuyển hồ sơ 7/9 cửa hàng cho Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an Thành phố thụ lý theo thẩm quyền.

Đối với sai phạm của 2 cửa hàng còn lại, Cục Quản lý thị trường Thành phố đã chuyển hồ sơ sang UBND TP.HCM để ban hành Quyết định xử phạt.

Chuyên đề