Bản tin thời sự sáng 11/12

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều vi phạm gây thất thoát ở các dự án tại Quảng Nam; Hà Nội dự kiến thu tiền dịch vụ thoát nước tại 12 quận; đầu tư hơn 178 tỷ đồng “xóa” nhà kính không đạt chuẩn ở Lâm Đồng; Thanh Hóa rà soát bất động sản liên quan cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao…

Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều vi phạm gây thất thoát ở các dự án tại Quảng Nam

Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều vi phạm gây thất thoát ngân sách lớn tại các dự án ở tỉnh Quảng Nam, yêu cầu tỉnh này kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các cá nhân, tập thể liên quan và truy thu số tiền gần 42 tỷ đồng.

Thanh tra Chính phủ yêu cầu tỉnh Quảng Nam kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các cá nhân, tập thể liên quan các vi phạm và truy thu số tiền gần 42 tỷ đồng

Thanh tra Chính phủ yêu cầu tỉnh Quảng Nam kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các cá nhân, tập thể liên quan các vi phạm và truy thu số tiền gần 42 tỷ đồng

Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Kết luận thanh tra công tác quản lý nhà nước về du lịch của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cùng 9 tỉnh, thành phố.

Đối với Dự án Công viên văn hóa chủ đề Ấn tượng Hội An, do Công ty CP Gamia Hội An làm chủ đầu tư, thời điểm phê duyệt chủ trương đầu tư chưa có trong danh mục cần thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất, chưa đảm bảo theo quy định tại Luật Đất đai năm 2013.

UBND tỉnh Quảng Nam quyết định chủ trương đầu tư và cấp phép xây dựng Dự án Công viên văn hóa chủ đề Ấn tượng Hội An chưa phù hợp với quy định tại Luật Xây dựng 2014.

Sau khi xử phạt vi phạm hành chính do Dự án tổ chức thi công khi chưa có giấy phép xây dựng, thi công vượt chiều cao so với quy hoạch được duyệt, Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam đã có báo cáo vào năm 2018, kiến nghị UBND tỉnh Quảng Nam thống nhất điều chỉnh chiều cao công trình khán đài ngoài trời là 16,3 m và được đồng ý.

Về Dự án Sân golf Indochina Hội An do Công ty CP Sân golf Indochina Hội An làm chủ đầu tư, theo Thanh tra Chính phủ, các cơ quan chức năng của Quảng Nam đã xác định không đúng số lượng lao động thường xuyên giai đoạn 2008 - 2013 của nhà đầu tư, dẫn đến tính sai số tiền thuê đất phải nộp, làm thất thu ngân sách nhà nước gần 42 tỷ đồng.

Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, giai đoạn từ năm 2008 - 2013, nhà đầu tư sử dụng dưới 500 lao động nên không được hưởng ưu đãi về tỷ lệ phần trăm thuê đất theo quy định. Từ tháng 4/2013 đến hết tháng 12/2018, Công ty CP Sân golf Indochina Hội An phải nộp tiền thuê đất theo quy định nhưng chưa được cơ quan thuế thông báo nộp và chưa nộp gần 42 tỷ đồng.

Hà Nội dự kiến thu tiền dịch vụ thoát nước tại 12 quận

Mức thu được đề xuất tăng theo lộ trình 5 năm, bằng 10 - 35% giá nước sạch, tương ứng từ 6.000 đến 16.000 đồng/hộ/tháng nếu sử dụng nước sinh hoạt dưới 10 m3.

Cống thoát nước chảy thẳng ra sông Tô Lịch tại TP. Hà Nội

Cống thoát nước chảy thẳng ra sông Tô Lịch tại TP. Hà Nội

HĐND TP. Hà Nội vừa thông qua nghị quyết phiên chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 10, trong đó có việc ban hành giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải. Tuy nhiên, lộ trình triển khai chưa được nêu cụ thể.

Giá dịch vụ thoát nước đề xuất tăng dần theo lộ trình 5 năm và thu thông qua giá nước sạch. Cụ thể, năm thứ nhất thu bằng 10% giá nước, năm thứ 5 thu khoảng 35%. Mức giá Thành phố đưa ra thấp hơn các tỉnh, thành đang thực hiện, cụ thể Đà Nẵng 15%; Nha Trang 30 - 40%; Bắc Ninh 25 - 38% và Hải Phòng 20%.

Với giá nước sinh hoạt của Hà Nội hiện là 5.973 đồng/m3, hộ gia đình sử dụng nước sinh hoạt dưới 10 m3 (chiếm 50% tổng số hộ gia đình) phải trả theo phương án đề xuất gần 6.000 đồng/tháng (10%) đến hơn 21.000 đồng/tháng (35%). Tuy nhiên, Thành phố đang rà soát tăng giá nước sạch do nhiều doanh nghiệp cung cấp nước cho rằng mức giá áp dụng từ 1/10/2015 đến nay quá thấp.

Những trường hợp phải nộp tiền dịch vụ thoát nước gồm hộ gia đình, hộ kinh doanh, doanh nghiệp, cơ quan hành chính... tại 12 quận gồm: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Tây Hồ, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Long Biên, Hà Đông và 9 phường của thị xã Sơn Tây. Hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ một phần hoặc miễn nộp giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải.

Hiện Thành phố thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt (10% giá bán 1 m3 nước sạch chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Khi thu giá dịch vụ thoát nước, 12 quận và 9 phường của thị xã Sơn Tây sẽ không phải nộp loại phí trên, địa bàn còn lại tiếp tục nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt.

Đầu tư hơn 178 tỷ đồng “xóa” nhà kính không đạt chuẩn ở Lâm Đồng

Lâm Đồng lên kế hoạch "xóa" nhà kính không đạt chuẩn, chuyển sang sản xuất nông nghiệp sinh thái nhằm bảo vệ môi trường, mỹ quan đô thị với kinh phí 178 tỷ đồng.

Từ nay đến năm 2030 sẽ giảm dần, tiến tới không còn nhà kính tại khu vực nội ô, khu dân cư trên địa bàn TP. Đà Lạt

Từ nay đến năm 2030 sẽ giảm dần, tiến tới không còn nhà kính tại khu vực nội ô, khu dân cư trên địa bàn TP. Đà Lạt

Nội dung này được đề cập trong Đề án quản lý và phát triển nhà kính sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Lâm Đồng đến năm 2025, định hướng đến 2030 vừa được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình UBND tỉnh Lâm Đồng.

Tổng kinh phí thực hiện Đề án hơn 178,8 tỷ đồng, gồm kinh phí từ ngân sách nhà nước hơn 3,5 tỷ đồng (chiếm 2%), kinh phí của tổ chức, cá nhân hơn 172,6 tỷ đồng (chiếm 96,5%) và vốn lồng ghép hơn 2,6 tỷ đồng (chiếm 1,5%). Người dân, doanh nghiệp chuyển đổi nhà kính sẽ được Nhà nước phối hợp với các ngân hàng cho vay thế chấp.

Công nghệ nhà kính được các doanh nghiệp, nhà vườn sử dụng tại Lâm Đồng khoảng 20 năm nay với gần 4.500 ha. Trong đó, TP. Đà Lạt chiếm 57% với 2.500 ha. Ngoài ra, huyện Lạc Dương có 942 ha nhà kính (21,7%), Đơn Dương 340 ha (7,8%), Đức Trọng 193 ha (4,5%), Lâm Hà 280 ha (6,5%)... Phần lớn nhà kính trên địa bàn là loại nhà kính đơn giản do người dân tự lắp ráp bằng tầm vông, sắt; loại hiện đại nhập khẩu chỉ chiếm 3,8%.

Theo ngành nông nghiệp Tỉnh, bên cạnh lợi ích kinh tế do công nghệ nhà kính mang lại trong sản xuất nông nghiệp, việc phát triển quá nhanh, thiếu kiểm soát đã ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, môi trường; nhiều loài thiên địch trong nhà kính giảm, ảnh hưởng đến hệ vi sinh vật sống trong tự nhiên; sử dụng nhiều nhà kính không đạt chuẩn sẽ tạo dòng chảy lớn, gây lũ quét...

Đề án đưa ra lộ trình từ nay đến năm 2030 sẽ giảm dần, tiến tới không còn nhà kính tại khu vực nội ô, khu dân cư trên địa bàn TP. Đà Lạt; đồng thời chuyển sang sản xuất nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao.

Thanh Hóa rà soát bất động sản liên quan cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Thanh Hóa có văn bản đề nghị các huyện, thị xã, thành phố rà soát, cung cấp thông tin, tài liệu về bất động sản liên quan đến cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng.

Cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng

Cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng

Sau khi nhận được Công văn của Bộ TN&MT, Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa vừa có văn bản gửi các huyện, thị xã, thành phố và Văn phòng Đăng ký đất đai Thanh Hóa về việc cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ công tác điều tra vụ án hình sự "Đưa hối lộ, nhận hối lộ" xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, theo đề nghị của Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an.

Theo nội dung văn bản, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai các huyện, thị xã, thành phố đã nhận hồ sơ, tài liệu liên quan bất động sản của ông Tô Anh Dũng nhưng chưa hoàn chỉnh.

Sở TN&MT đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố, Văn phòng Đăng ký đất đai và các chi nhánh trực thuộc khẩn trương rà soát và cung cấp thông tin liên quan đến việc đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền trên đất đứng tên ông Tô Anh Dũng.

Ngoài ông Tô Anh Dũng, còn hai bị can bị kiểm tra, rà soát bất động sản gồm: Vũ Anh Tuấn (trú tại Lạc Long Quân, phường Xuân La, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội), nguyên cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an; Phạm Trung Kiên (trú tại phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội), chuyên viên Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, Bộ Y tế.

Bà Rịa - Vũng Tàu chi 1.250 tỷ đồng giải phóng mặt bằng làm cao tốc

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thống nhất bố trí 1.250 tỷ đồng để bồi thường, giải phóng mặt bằng đường Vành đai 4 TP.HCM, đoạn qua địa phương (750 tỷ) và cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (500 tỷ đồng).

Hướng tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

Hướng tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

Nội dung trên được nêu trong Nghị quyết duyệt kế hoạch đầu tư công năm 2023 do HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khóa VII thông qua tại Kỳ họp thứ 11.

Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1) dài 53,7 km, quy mô 4 - 6 làn xe, tổng mức đầu tư hơn 17.800 tỷ đồng, dự kiến khởi công năm tới và hoàn thành năm 2025. Đoạn qua Bà Rịa - Vũng Tàu dài 19,5 km, kinh phí đầu tư hơn 5.190 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 1.333 tỷ đồng, địa phương cam kết bố trí 50% vốn (khoảng 670 tỷ đồng).

Dự án Vành đai 4 TP.HCM dài gần 200 km, đi qua 5 địa phương gồm TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, thiết kế 6 - 8 làn xe. Điểm đầu giao Bà Rịa - Vũng Tàu, điểm cuối tại cảng Hiệp Phước (TP.HCM). Giai đoạn một, Dự án giải phóng toàn bộ mặt bằng theo thiết kế nhưng làm trước 4 làn xe. Tổng vốn đầu tư Dự án khoảng 100.000 tỷ đồng, dự kiến khởi công năm 2024, khai thác sau 4 năm tạo trục liên kết Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Đoạn qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dài khoảng 18,3 km, vốn đầu tư dự kiến hơn 6.600 tỷ đồng. Điểm đầu giao với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu ở thị xã Phú Mỹ, điểm cuối nối vào Vành đai 4 qua địa phận Đồng Nai ở khu vực Bàu Cạn (huyện Long Thành).

TP.HCM sẽ trùng tu 31 di tích

Giồng Cá Vồ, đình Chí Hòa, Bảo tàng Lịch sử, chùa Giác Viên cùng nhiều di tích khác sẽ được TP.HCM trùng tu bằng nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025.

Đình Tân Túc, huyện Bình Chánh bị xuống cấp nghiêm trọng

Đình Tân Túc, huyện Bình Chánh bị xuống cấp nghiêm trọng

Thông tin trên được nêu trong công văn giải trình của UBND TP.HCM với đại biểu HĐND Thành phố về đầu tư công, trong đó có bố trí vốn cho công trình trùng tu di tích lịch sử, văn hóa, nghệ thuật.

Theo đó, có 8 dự án trùng tu di tích chuẩn bị triển khai là Giồng Cá Vồ, đình Chí Hòa, Bảo tàng Lịch sử, chùa Giác Viên, đình Xuân Hiệp, đình Linh Đông... 12 dự án đang hoàn chỉnh hồ sơ để thẩm định, gồm các đình Tân Túc, Phú Lạc, Bình Trường, Trường Thọ, Linh Tây, Bình Thọ, Trại giam Bệnh viện Chợ Quán, Khách sạn Continental, công trình số 14 Cách Mạng Tháng Tám, chùa Giác Lâm, hội quán Hà Chương, hội quán Lệ Châu.

11 công trình đang được khảo sát để lập phương án đầu tư gồm: Di tích khảo cổ quốc gia lò gốm Hưng Lợi, các đình Nam Tiến, Tân Quy Đông, Vĩnh Hội, Tân Hòa Tây, Hòa Thạnh, Tân Hội, Xuân Hòa, miếu Sa Tân, kho bom Phú Thọ, khu di tích Dân công hỏa tuyến.

Theo Sở Văn hoá Thể thao TP.HCM, do số lượng di tích xuống cấp lớn nhưng nguồn vốn ngân sách có hạn nên Thành phố sẽ ưu tiên cho các dự án: Bảo tàng Mỹ thuật, đình Tân Quy Đông, Lò Gốm, Hưng Lợi... để Sở Kế hoạch và Đầu tư cân đối vốn khẩn cấp. Cơ quan này cũng đề xuất UBND Thành phố cho chủ trương tu sửa cấp thiết các di tích có khả năng sập bằng kinh phí sự nghiệp hàng năm của Sở.

Bình Phước không xây cầu qua Khu dự trữ sinh quyển thế giới

Do chưa thống nhất được với tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Phước điều chỉnh Dự án Nâng cấp Đường tỉnh 753, không xây cầu Mã Đà đi qua Khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai

Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai

Nội dung này vừa được HĐND tỉnh Bình Phước thông qua khi chính quyền Tỉnh trình nghị quyết điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Nâng cấp Đường tỉnh 753 và xây cầu Mã Đà kết nối Đồng Nai.

Trước đó, từ năm 2013, tỉnh Bình Phước nhiều lần đề xuất mở rộng tuyến Đường tỉnh 735 và xây cầu Mã Đà rộng 11 m, dài 90 m bắc qua sông cùng tên, giúp rút ngắn 60 km so với đường hiện tại, thuận lợi kết nối sân bay quốc tế Long Thành, cảng Cái Mép - Thị Vải. Tuy nhiên, Dự án không nhận sự đồng thuận của tỉnh bạn do lo ngại việc xây cầu Mã Đà làm ảnh hưởng đến Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai.

Với phương án mới, tỉnh Bình Phước quyết định rút ngắn tuyến Đường tỉnh 753 từ 29 km xuống còn 13 km và không xây cầu Mã Đà. Nguồn vốn Dự án được điều chỉnh từ 655 tỷ đồng còn 480 tỷ đồng (ngân sách trung ương khoảng 233 tỷ đồng, địa phương hơn 247 tỷ đồng).

Tuyến đường mới có điểm đầu tại Đường tỉnh 741 ở TP. Đồng Xoài đi theo Đường tỉnh 753, kết nối đường Đồng Phú - Bình Dương và đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng, kết thúc tại đường Vành đai 4. Hướng tuyến này trùng phương án Bộ Giao thông vận tải đề nghị trước đó sau khi được Thủ tướng giao chủ trì lấy ý kiến bộ, ngành và địa phương. Bộ Giao thông vận tải cho rằng, phương án này ảnh hưởng thấp nhất đến Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai.

Khánh Hòa có hơn 100 dự án bất động sản chậm tiến độ

Khánh Hòa hiện có 111 dự án có nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách triển khai chậm tiến độ từ 2 đến 10 năm.

Dự án Nha Trang Sao có hàng loạt sai phạm và đã bị chính quyền tỉnh Khánh Hòa chấm dứt hoạt động, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư

Dự án Nha Trang Sao có hàng loạt sai phạm và đã bị chính quyền tỉnh Khánh Hòa chấm dứt hoạt động, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư

Nội dung trên được Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Hòa Nam giải trình trong phiên chất vấn Kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa 7. Sở KH&ĐT đang tham mưu Tỉnh kiên quyết xử lý những dự án chậm tiến độ này.

Ông Trần Hòa Nam cho biết, các dự án trên được chia thành ba nhóm. Nhóm thứ nhất là dự án chậm tiến độ. Thứ hai là nhóm có vướng mắc liên quan đến quy hoạch, mật độ xây dựng, các thủ tục đầu tư với 28 dự án (15 dự án ở TP. Nha Trang). Cuối cùng là nhóm gồm 71 dự án (20 dự án ở TP. Nha Trang) đang tiếp tục được rà soát, kiểm tra về quy hoạch, tình hình triển khai, nguyên nhân chậm tiến độ, lỗi vi phạm của nhà đầu tư, thẩm định năng lực tài chính và kinh nghiệm của nhà đầu tư...

Hiện Sở KH&ĐT đã kiểm tra và xử phạt 8 dự án trong nhóm chậm tiến độ. Ngoài ra, 3 dự án đang xem xét chấm dứt hoạt động và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư nếu đủ điều kiện. 4 dự án sẽ thu hồi giấy chứng nhận đầu tư sau khi có quyết định thu hồi đất.

Chuyên đề