Bản tin thời sự sáng 11/12

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là đấu giá 4 lô đất "vàng" Thủ Thiêm thu về 37.350 tỷ đồng; ông Nguyễn Đức Chung sẽ hầu toà trong vụ án thứ ba từ ngày 27/12; những mũi vaccine lần 3 đầu tiên được tiêm cho lực lượng tuyến đầu ở TP.HCM; nhiều dự án béo bở được giao cho Công ty CP Đầu tư phát triển nhà Đà Nẵng không qua đấu giá…

Đấu giá 4 lô đất "vàng" Thủ Thiêm thu về 37.350 tỷ đồng

Bốn lô đất "vàng" ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm vừa được bán đấu giá thành công với tổng số tiền trúng đấu giá là 37.350 tỷ đồng.

Nhiều đơn vị tham gia đấu giá đất "vàng" Thủ Thiêm

Nhiều đơn vị tham gia đấu giá đất "vàng" Thủ Thiêm

Ngày 10/12, tại Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản TP.HCM đã diễn ra cuộc đấu giá lần lượt 4 lô đất thuộc khu chức năng số 3, Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP. Thủ Đức.

Bốn lô đất nằm trong khu dân cư phía Bắc - Khu đô thị mới Thủ Thiêm, tổng diện tích trên 31.500 m2 với giá khởi điểm 5.300 tỷ đồng.

Với các lô đất "vàng" này, UBND TP.HCM đã phê duyệt chủ trương bán đấu giá từ tháng 5/2021.

Các lô đất có ký hiệu 3-5, 3-8, 3-9 và 3-12, được bán đấu giá riêng lẻ từng lô. Tất cả đều có thời gian sử dụng đất là 50 năm kể từ ngày quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá có hiệu lực.

Trong đó, lô 3-12 có diện tích hơn 10.059 m2 và 3 lô còn lại có tổng diện tích khoảng 21.500 m2. Sau nhiều lượt trả giá sôi nổi, cả 4 lô đất đã được bán đấu giá thành công với tổng số tiền là 37.350 tỷ đồng.

Lô 3-12 là lô cuối cùng đấu giá thành công trong chiều 10/12. Giá khởi điểm của lô đất này là 2.942 tỷ đồng. Công ty TNHH Bất động sản Ngôi Sao Việt trúng đấu giá ở mức 24.500 tỷ đồng, gấp 8,3 lần giá khởi điểm sau 70 lượt trả giá. Đây cũng là lô có số lượt trả giá nhiều nhất.

Ông Nguyễn Đức Chung sẽ hầu toà trong vụ án thứ ba từ ngày 27/12

Khi đang bị xét xử trong vụ mua chế phẩm làm sạch ao hồ, ông Nguyễn Đức Chung nhận quyết định hầu toà vụ án thứ ba với cáo buộc giúp Nhật Cường trúng thầu. Phiên toà dự kiến kéo dài 5 ngày, bắt đầu từ 27/12.

Ông Nguyễn Đức Chung đến toà trong vụ án thứ hai

Ông Nguyễn Đức Chung đến toà trong vụ án thứ hai

Ông Nguyễn Đức Chung bị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Cùng ra tòa trong vụ án thứ ba với ông Chung là ông Nguyễn Văn Tứ, Chánh Văn phòng Thành ủy; Phạm Thị Thu Hường, Chánh Văn phòng Sở Kế hoạch và Đầu tư; Nguyễn Tiến Học, cựu Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư; Phạm Thị Kim Tuyến, Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư; Võ Việt Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Đông Kinh; Lê Duy Tuấn, Giám đốc kinh doanh Công ty Đông Kinh. Cả 6 người bị truy tố về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo cáo trạng, từ năm 2016 đến 2018, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội làm chủ đầu tư thực hiện hai gói thầu số hóa hồ sơ đăng ký kinh doanh trên địa bàn Thành phố.

Gói thầu số hóa năm 2016 do Sở Kế hoạch và Đầu tư làm chủ đầu tư, thẩm quyền quyết định là Giám đốc Sở. Tuy nhiên, ông Chung với cương vị Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo đình chỉ, dừng thực hiện Gói thầu. Điều này là trái quy định pháp luật, cơ quan điều tra cáo buộc.

Ông Chung sau đó yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư lựa chọn công nghệ số hóa cơ sở dữ liệu doanh nghiệp đảm bảo tích hợp với hệ thống dùng chung của Thành phố. Trong khi Hà Nội chưa hình thành cơ sở hệ thống dữ liệu dùng chung, Công ty Nhật Cường được chọn làm thí điểm việc này.

Những mũi vaccine lần 3 đầu tiên được tiêm cho lực lượng tuyến đầu ở TP.HCM

Ngày 10/12, TP.HCM đã tổ chức tiêm những mũi vaccine Covid-19 đầu tiên của đợt 3 cho hàng nghìn người thuộc lực lượng tuyến đầu chống dịch của Thành phố.

TP.HCM triển khai tiêm mũi vaccine Covid-19 thứ 3 cho lực lượng tuyến đầu chống dịch trên địa bàn

TP.HCM triển khai tiêm mũi vaccine Covid-19 thứ 3 cho lực lượng tuyến đầu chống dịch trên địa bàn

Trong ngày đầu, có 2 điểm tiêm tại quận Gò Vấp được triển khai gồm Trường Đại học Công nghiệp và Khoa tham vấn hỗ trợ cộng đồng, HIV/AIDS.

Ghi nhận tại điểm tiêm ở Trường Đại học Công nghiệp (Phường 4, quận Gò Vấp), các trường hợp thuộc diện tiêm liều bổ sung và liều nhắc lại (mũi 3) được lập danh sách, đăng ký từ trước.

Vaccine AstraZeneca được chọn để tiêm mũi 3 tại điểm tiêm Đại học Công nghiệp. Loại vaccine để tiêm bổ sung hoặc nhắc lại phải tuân thủ theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Theo ông Lê Văn Hoàng, cán bộ Trung tâm Y tế quận Gò Vấp, Phó Trưởng phụ trách điểm tiêm chủng tại Đại học Công nghiệp, trong ngày đầu tiên thực hiện tiêm bổ sung và tiêm mũi 3, đơn vị sẽ cố gắng hoàn thành 2.000 mũi tiêm mỗi ngày, hoàn tất việc tiêm cho lực lượng tuyến đầu trong vòng một tuần đầu tiên. Hai tuần tiếp theo, đơn vị sẽ tiêm cho các đối tượng khác theo nhóm ưu tiên.

TP.HCM đưa ra lộ trình, trong tháng 12 sẽ tập trung tiêm mũi bổ sung cho người bệnh suy giảm miễn dịch đã tiêm đủ liều cơ bản ít nhất 28 ngày; tiêm mũi nhắc lại (mũi 3) cho người đã tiêm đủ liều cơ bản ít nhất 6 tháng.

Nhiều dự án béo bở được giao cho Công ty CP Đầu tư phát triển nhà Đà Nẵng không qua đấu giá

Thanh tra TP. Đà Nẵng vừa công bố kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất trước và sau cổ phần hóa (CPH) tại Công ty CP Đầu tư phát triển nhà (ĐTPTN) Đà Nẵng.

Dư án chung cư tại số 38 Nguyễn Chí Thanh do Công ty CP ĐTPTN Đà Nẵng làm chủ đầu tư

Dư án chung cư tại số 38 Nguyễn Chí Thanh do Công ty CP ĐTPTN Đà Nẵng làm chủ đầu tư

Theo kết luận thanh tra, UBND TP. Đà Nẵng trước đây giao Dự án Khu dân cư (KDC) Bắc Phan Bá Phiến, quận Sơn Trà; Dự án KDC Hòa Phát 3 mở rộng tại quận Cẩm Lệ; Dự án Chung cư tại số 38 Nguyễn Chí Thanh, quận Hải Châu; Dự án Bắc nút giao thông Hòa Cầm, quận Cẩm Lệ… cho Công ty CP ĐTPTN Đà Nẵng đều không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất (QSDĐ).

UBND TP. Đà Nẵng cũng quyết định giá đất các dự án này cho Công ty CP ĐTPTN Đà Nẵng thấp hơn giá đất thô do Hội đồng Thẩm định giá đất Thành phố và Sở Tài chính đề xuất. Việc xác định giá trị QSDĐ khi CPH tại các dự án này vi phạm quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về CPH doanh nghiệp nhà nước, có dấu hiệu gây thất thoát vốn nhà nước trong doanh nghiệp khi CPH… Không những vậy, Công ty ĐTPTN Đà Nẵng còn sử dụng 50 lô đất thuộc quỹ đất tái định cư (TĐC) tại Dự án KDC Bắc Phan Bá Phiến, 33 lô đất thuộc quỹ đất TĐC tại Dự án KDC Hòa Phát 3 nhưng thực tế không bố trí TĐC, không định giá lại QSDĐ tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để CPH, gây thiệt hại cho Nhà nước. Sau khi CPH, Công ty ĐTPTN Đà Nẵng đã chuyển nhượng những lô đất này để hưởng lợi.

Công ty ĐTPTN Đà Nẵng cũng không đưa 2 lô đất KDC Bắc Phan Bá Phiến và 2 lô đất tại Dự án KDC Hòa Phát 3 vào hồ sơ xác định giá trị doanh nghiệp và sau khi CPH đã chuyển nhượng để hưởng lợi.

Giá xăng dầu đồng loạt giảm mạnh, có loại giảm 1.100 đồng/lít

Từ 15h ngày 10/12, mỗi lít xăng E5 RON 92 giảm 830 đồng, RON 95 giảm 1.100 đồng, các mặt hàng dầu đồng loạt giảm 870 - 1.050 đồng.

Giá xăng dầu trong nước hạ nhiệt theo biến động giá thế giới

Giá xăng dầu trong nước hạ nhiệt theo biến động giá thế giới

Sau điều chỉnh giảm từ liên Bộ Công Thương - Tài chính, giá bán lẻ xăng E5 RON 92 là 22.080 đồng/lít, còn xăng RON 95 là 22.800 đồng/lít. Đây là lần giảm giá xăng thứ hai liên tiếp từ cuối tháng 11.

Tương tự, các loại dầu cũng giảm giá, mức giảm từ 730 đến 1.050 đồng/lít tùy loại. Cụ thể, dầu diesel giảm 1.050 đồng/lít, dầu hỏa giảm 870 đồng/lít; còn dầu mazut giảm 730 đồng/kg.

Sau điều chỉnh, xăng E5 RON 92 có mức giá bán tối đa là 22.080 đồng/lít; RON 95 là 22.800 đồng/lít; dầu diesel 17.330 đồng/lít, dầu hỏa 16.320 đồng/lít; dầu mazut 15.740 đồng/kg.

Tại kỳ này, cơ quan điều hành trích lập Quỹ bình ổn giá với xăng RON 95 là 700 đồng/lít; xăng E5 RON 92 là 250 đồng/lít, dầu diesel là 250 đồng; dầu hỏa là 500 đồng và dầu mazut là 700 đồng.

Biệt thự sai phép ở Nha Trang bị tháo dỡ

Hai trong 15 biệt thự xây sai phép trong Khu đô thị Ocean View ở phường Vĩnh Trường, TP. Nha Trang bị cưỡng chế sáng ngày 10/12. Chính quyền TP. Nha Trang, công an, cùng nhiều máy móc được huy động tới cưỡng chế biệt thự lô A17 xây sai phép trong Khu đô thị Ocean View do ông Ngô Phi Hùng làm chủ.

Lực lượng chức năng tháo dỡ phần sân thượng biệt thự xây sai phép, sáng 10/12.

Lực lượng chức năng tháo dỡ phần sân thượng biệt thự xây sai phép, sáng 10/12.

Đây là một trong 15 biệt thự xây sai phép khi khu vực được quy hoạch xây ba tầng, nhưng nhiều căn vượt 3 - 5 tầng. Trong đó, biệt thự của ông Hùng xây 7 tầng, chia thành hàng chục phòng như một khách sạn. Nhà chức trách tháo dỡ từ tầng thượng xuống, trong khoảng 30 ngày.

Một biệt thự khác tại lô E69 cũng bị cưỡng chế, với thời gian tương tự, nhưng do chủ đầu tư tự làm. 13 biệt thự còn lại đang trong kế hoạch cưỡng chế của TP. Nha Trang. Kinh phí tháo dỡ các biệt thự dự kiến khoảng 30 tỷ đồng, chủ đầu tư chịu.

Khu đô thị Ocean View được UBND tỉnh Khánh Hòa cấp phép cho Công ty TNHH Thương mại, Dịch vụ Thiên Nhân 2 làm chủ tư năm 2009. Nơi đây được quy hoạch 69 biệt thự trên diện tích hơn 7,2 ha, được xây từ một đến ba tầng.

Đến năm 2019, Dự án bị phát hiện xây sai phép. Chính quyền tỉnh Khánh Hoà đưa ra nhiều hướng xử lý như cắt ngọn công trình hay phạt rồi để tồn tại, thu ngân sách khoảng 65 tỷ đồng. Việc xử lý dây dưa, kéo dài nhiều năm.

Đà Nẵng dừng dạy học trực tiếp lớp 1

Sau một tuần đi học trực tiếp, học sinh lớp 1 lại chuyển về học online từ 13/12 theo đề xuất của Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng.

Học sinh lớp 1 ở Đà Nẵng đeo khẩu trang trong suốt thời gian ở trường

Học sinh lớp 1 ở Đà Nẵng đeo khẩu trang trong suốt thời gian ở trường

Chiều 10/12, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến đã thống nhất với đề xuất trên tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, ngoài 7 phường vùng cam, học sinh lớp 1 ở 48 xã, phường vùng vàng trên địa bàn thành phố sẽ tạm dừng đến trường từ ngày 13/12.

Duy nhất học sinh tiểu học ở xã miền núi Hoà Bắc được đi học trực tiếp. Đây là xã vùng xanh từ đầu đợt dịch đến nay, học sinh đến trường từ 20/10. Trong khi lớp 1 ở 55 xã, phường còn lại học trực tuyến từ 5/9 và mới được trở lại trường từ 6/12.

Lý giải về việc cho lớp 1 ở nhà học online sau một tuần đi học trực tiếp, Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Đà Nẵng cho biết, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn đang diễn biến hết sức phức tạp, số ca mắc ngày càng tăng, nhất là số ca cộng đồng.

Ngoài ra, Thành phố đã yêu cầu các trường tiểu học khảo sát ý kiến của phụ huynh lớp 1 về phương án tổ chức dạy học. Kết quả có hơn 77% phụ huynh đề nghị tiếp tục dạy học trực tuyến; hơn 13% đề nghị tiếp tục học trực tiếp và hơn 9% không có ý kiến.

Trong hơn 10.000 ý kiến góp ý của phụ huynh, nội dung chủ yếu là đề nghị tiếp tục tổ chức dạy trực tuyến đối với khối lớp 1; chỉ tổ chức dạy học trực tiếp khi tình hình dịch được kiểm soát hoặc chờ sang học kì II, qua Tết Nguyên đán sẽ tính phương án.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư