Bản tin thời sự sáng 11/10

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Chính phủ chấn chỉnh địa phương không thực hiện đúng quy định mở cửa vận tải; ngày 11/10, giá xăng có thể tăng 1.000 đồng/lít; TP.HCM dự kiến mở lại xe khách liên tỉnh từ tháng 11; đề xuất đầu tư 2.400 tỷ đồng nâng cấp sân bay Côn Đảo; trên cả nước đã có 23 địa phương cho học sinh đến trường; Kiên Giang hỗ trợ mỗi người về quê 1,5 triệu đồng…

Chính phủ chấn chỉnh địa phương không thực hiện đúng quy định mở cửa vận tải

Một số địa phương thực hiện chưa đúng chỉ đạo của Chính phủ về mở cửa vận tải hành khách hàng không, cần kịp thời chấn chỉnh, theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Chính phủ chấn chỉnh địa phương không thực hiện đúng quy định mở cửa vận tải

Chính phủ chấn chỉnh địa phương không thực hiện đúng quy định mở cửa vận tải

Ngày 10/10, Thủ tướng gửi công điện đến các địa phương, nêu rõ việc khôi phục vận tải hành khách hiện nay có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt, đảm bảo phục hồi sản xuất kinh doanh, nhu cầu đi lại của người dân.

Việc khôi phục vận tải hành khách bằng đường hàng không đã được Chính phủ chỉ đạo tại công điện ngày 8/10. Tuy nhiên, hiện một số địa phương thực hiện chưa đúng chỉ đạo, cũng như chưa đúng quy định của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và Bộ Y tế. Thủ tướng yêu cầu các địa phương rà soát, điều chỉnh, thực hiện nghiêm.

Bộ GTVT và Bộ Y tế giám sát, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện của các địa phương; kịp thời chấn chỉnh và xử lý theo thẩm quyền trường hợp thực hiện chưa đúng quy định; báo cáo, đề xuất Thủ tướng xử lý đối với trường hợp vượt thẩm quyền.

Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu chậm nhất trong 3 ngày tới Bộ GTVT phải ban hành quy định để mở lại vận tải hành khách bằng đường sắt, đường bộ trên toàn quốc.

Trước đó, ngày 9/10, tại cuộc họp trực tuyến Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 với các địa phương, Thủ tướng nêu rõ GTVT phải thực hiện thống nhất trên toàn quốc, địa phương không ban hành giấy phép con, không cát cứ, chia cắt.

Đầu tháng 10, Cục Hàng không Việt Nam lấy ý kiến các tỉnh, thành về mở lại đường bay nội địa. Bên cạnh nhiều địa phương đồng ý, một số tỉnh, thành đề nghị tạm thời chưa mở đường bay đến cảng hàng không trên địa bàn như Hải Phòng, Hà Nội, Gia Lai...

Ngày 11/10, giá xăng có thể tăng 1.000 đồng/lít

Mỗi lít xăng từ ngày 11/10 có thể tăng thêm 800 - 1.000 đồng, nối dài kỳ tăng thứ ba liên tiếp do đà lên nhanh của giá nhiên liệu thế giới...

Ngày 11/10, giá xăng có thể tăng 1.000 đồng/lít

Ngày 11/10, giá xăng có thể tăng 1.000 đồng/lít

Dữ liệu từ Bộ Công Thương cho biết, giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 4/10 tăng mạnh so với kỳ tính giá ngày 25/9.

Cụ thể, giá xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 trung bình 86,61 USD/thùng, xăng RON 95 là 88,21 USD/thùng, cùng tăng khoảng 5% so với kỳ trước. Giá dầu cũng biến động đi lên, dầu thô có ngày chạm mức cao nhất trong vòng gần ba năm, đạt 87,78 USD/thùng.

Lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu ở TP.HCM dự đoán, giá xăng trong nước khó tránh khỏi kỳ điều chỉnh tăng mạnh bởi giá nhiên liệu thế giới leo thang nhanh. Liên Bộ Công Thương - Tài chính có thể điều chỉnh tăng 800 - 1.000 đồng mỗi lít xăng, 1.000 - 1.200 đồng mỗi lít dầu nếu không sử dụng quỹ bình ổn.

Nếu đúng như dự báo, giá các mặt hàng xăng trong nước sẽ có lần tăng thứ ba liên tiếp. Tính từ ngày 11/11/2020, giá các mặt hàng xăng trong nước đã tăng tới 15 lần, giảm 3 lần và giữ nguyên giá 3 lần, với xăng E5 RON 92 tăng tổng cộng 6.831 đồng/lít, xăng RON 95 tăng 7.244 đồng/lít.

Ở chiều ngược lại, nếu cơ quan quản lý giảm trích lập hoặc tăng chi quỹ bình ổn, giá xăng có thể sẽ tăng ít hơn. Tuy nhiên, chuyên gia không nghiêng về phương án này bởi mức chi quỹ bình ổn giá xăng dầu đang khá cao (với mặt hàng xăng E5 RON 92 là 850 đồng/lít).

Hiện tại, giá bán lẻ mặt hàng xăng trên thị trường đang ở mức cao nhất trong vòng 3 năm qua, với xăng E5 RON 92 là 20.716 đồng/lít, với xăng RON 95 là 21.945 đồng/lít.

TP.HCM dự kiến mở lại xe khách liên tỉnh từ tháng 11

Sau hơn 3 tháng tạm dừng, TP.HCM lên kế hoạch mở lại xe khách tuyến cố định từ ngày 1/11 với tần suất khai thác hạn chế, khách phải đáp ứng yêu cầu phòng dịch.

Xe khách chở người từ TP.HCM về Lâm Đồng

Xe khách chở người từ TP.HCM về Lâm Đồng

Nội dung đề cập dự thảo phương án tổ chức chở khách liên tỉnh giữa TP.HCM và các tỉnh thành, vừa được Sở GTVT Thành phố gửi các địa phương.

TP.HCM đề xuất 3 giai đoạn mở lại các tuyến xe khách liên tỉnh cố định. Trong đó, từ ngày 1 - 15/11, mỗi ngày chỉ khai thác 3 - 5 chuyến. Riêng những tuyến có tần suất hơn 100 chuyến mỗi ngày ở thời điểm chưa có dịch được khai thác 15 chuyến. Số lượng khách chở trên xe phải đảm bảo giãn cách, không quá 50% số ghế (không áp dụng với xe giường nằm).

Giai đoạn hai từ ngày 15 - 30/11, các tuyến xe được tăng tần suất khai thác mỗi ngày cao nhất 10 chuyến và 30 chuyến, tương ứng như điều kiện nêu trên. Sau ngày 30/11 đến cuối năm, Sở GTVT đề xuất các tuyến được khai thác tối đa 50% tần suất số chuyến.

Để được hoạt động, tài xế phải tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi Covid-19 trong 6 tháng tính; xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 hiệu lực 72 giờ trước khi lái xe...

Dự thảo cũng nêu các yêu cầu đối với hành khách đi từ TP.HCM phải tiêm ít nhất 1 mũi vaccine sau 14 ngày hoặc người khỏi Covid-19 sau 6 tháng; xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 trong 72 giờ. Riêng khách đến Thành phố chỉ cần giấy xác nhận âm tính. Ngoài ra, khách từ TP.HCM đi các tỉnh thành và ngược lại phải khai báo y tế trước khi lên xe, thực hiện 5K...

Trên hành trình, đơn vị vận tải chủ động đề xuất các điểm dừng nghỉ, thông báo với Sở GTVT địa phương để được hỗ trợ các biện pháp phòng, chống dịch. Lái xe, nhân viên phải kiểm soát hành khách ra ngoài phạm vi trạm dừng nghỉ; không tổ chức ăn uống tại các trạm dừng nghỉ...

Đề xuất đầu tư 2.400 tỷ đồng nâng cấp sân bay Côn Đảo

Cục Hàng không Việt Nam vừa đề xuất Bộ GTVT chủ trương đầu tư Dự án Cải tạo, nâng cấp sân bay Côn Đảo. Theo đề xuất của Cục Hàng không Việt Nam, tới đây sẽ đầu tư nâng cấp hệ thống sân đường khu bay tại cảng hàng không Côn Đảo đảm bảo khai thác hiệu quả chủng loại máy bay code C như: A321ceo, A321neo, A320neo, A319... hoặc tương đương, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng tại cảng hàng không Côn Đảo.

Đề xuất đầu tư 2.400 tỷ đồng nâng cấp sân bay Côn Đảo

Đề xuất đầu tư 2.400 tỷ đồng nâng cấp sân bay Côn Đảo

Theo đó, sẽ nâng cấp, mở rộng đường cất hạ cánh hiện hữu của sân bay này đạt 1.830x45 m, xây dựng 3 đường lăn nối và 1 đường lăn song song theo phương án quy hoạch bề rộng đường lăn 15 m, kết cấu đảm bảo khai thác chủng loại máy bay code C khai thác hiệu quả; nghiên cứu xây dựng, lắp đặt hệ thống thiết bị hạ cánh chính xác CAT I tại đầu 11 của đường cất hạ cánh, hệ thống đèn tiếp cận theo quy hoạch được duyệt.

Tại khu vực sân đỗ máy bay, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất xây dựng sân đỗ máy bay (8 vị trí) theo quy hoạch được duyệt và hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ. Tổng mức đầu tư Dự án dự kiến gần 2.400 tỷ đồng bằng vốn ngân sách nhà nước...

Theo Cục Hàng không Việt Nam, thời gian thực hiện Dự án dự kiến từ năm 2021 - 2023. Khi triển khai sẽ phải dừng khai thác cảng hàng không Côn Đảo trong khoảng thời gian dự kiến từ 8 - 10 tháng.

Trên cả nước đã có 23 địa phương cho học sinh đến trường

Tính đến nay, 23 địa phương trên cả nước cho học sinh trên địa bàn đến trường. Số còn lại kết hợp 2 hoặc 3 phương thức dạy học trực tiếp, trực tuyến, qua truyền hình.

Trên cả nước đã có 23 địa phương cho học sinh đến trường

Trên cả nước đã có 23 địa phương cho học sinh đến trường

Cụ thể, theo thống kê của Bộ GD&ĐT đã có 23 tỉnh, thành cho học sinh học trực tiếp. 9 địa phương kết hợp dạy trực tiếp, trực tuyến, qua truyền hình tùy vào tình hình thực tế theo vùng và điều kiện dạy học của nhà trường, học sinh.

Trong khi đó, 31 tỉnh, thành tạm dừng cho học sinh đến trường, dạy học theo phương thức trực tuyến kết hợp qua truyền hình.

So với hồi cuối tháng 9, số địa phương cho học sinh học trực tiếp hoàn toàn giảm từ 25 tỉnh, thành xuống còn 23. Số tỉnh, thành thực hiện dạy học trực tuyến kết hợp dạy qua truyền hình lại tăng từ 25 lên 31.

Do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, từ đầu năm học 2021 - 2022, học sinh ở nhiều tỉnh, thành như Hà Nội, TP.HCM chưa hề được đến trường.

Ở Hà Nội, Thành phố dự kiến phủ vaccine mũi hai cho người dân trong tháng 11 rồi mới xem xét việc cho học sinh đến trường. Hiện tại, học sinh phổ thông đang học trực tuyến còn trẻ mầm non nghỉ học.

Tại TP.HCM, Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Văn Hiếu dự báo đầu tháng 1/2022, học sinh có thể đồng loạt trở lại trường khi được UBND Thành phố cho phép và các trường đảm bảo bộ tiêu chí an toàn trường học.

Ngoài ra, dịch bệnh cũng khiến nhiều địa phương phải thay đổi kế hoạch cho học sinh trở lại trường. Cụ thể, ngày 1/10, Sở GD&ĐT Phú Yên đưa ra hướng dẫn dạy học ở các cơ sở giáo dục trung học, thường xuyên trong tình hình mới, cho phép học sinh một số nơi đến trường. Đến ngày 3/10, Giám đốc sở GD&ĐT Trần Khắc Lễ cho biết, chưa thể tổ chức dạy học trực tiếp từ 4/10 như hướng dẫn trước mà tiếp tục dạy học trực tuyến thêm một thời gian.

Tỉnh Kiên Giang cũng lùi thời gian học sinh các cấp đến trường vào ngày 18/10 (thay vì ngày 4/10 như kế hoạch trước đó). Trong thời gian này, học sinh các cấp tiếp tục học trực tuyến và học qua truyền hình.

Kiên Giang hỗ trợ mỗi người về quê 1,5 triệu đồng

Người về quê từ 18 tuổi trở lên sẽ được cấp 1,5 triệu đồng, theo chủ trương của Tỉnh uỷ Kiên Giang.

Người dân về Kiên Giang chờ test sàng lọc trước khi về nhà cách ly

Người dân về Kiên Giang chờ test sàng lọc trước khi về nhà cách ly

Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn cho biết, hiện sở ngành, địa phương triển khai thực hiện để cố gắng phát tiền cho người dân. Nguồn kinh phí được trích từ ngân sách tỉnh, với mong muốn giúp người về quê trang trải cuộc sống.

Từ đầu tháng 10 đến nay, gần 40.000 người Kiên Giang về quê, test nhanh sàng lọc phát hiện 77 trường hợp dương tính. Người có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 tự cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà trong 14 ngày. Những người đã tiêm đủ liều vaccine chỉ cần cách ly ở nhà 7 ngày.

Ngoài ra, người về quê còn được Tỉnh hỗ trợ chi phí xét nghiệm, hỗ trợ an sinh trong thời gian chờ xét nghiệm, cách ly tại nhà. Tỉnh cũng thống nhất ưu tiên vaccine cho người đủ 18 tuổi để tìm việc tại quê nhà, hoặc đủ điều kiện thẻ xanh Covid trở lại các tỉnh Đông Nam Bộ làm việc.

Ông Nhàn cho biết thêm, địa phương trong Tỉnh đang rà soát nhu cầu lao động tại các doanh nghiệp, nhà máy nhằm giới thiệu việc làm cho người dân trở về.

Quảng Nam thí điểm đón hành khách qua sân bay Chu Lai

Tỉnh Quảng Nam thí điểm đón hành khách qua sân bay Chu Lai từ hôm nay để phục vụ nhu cầu đi lại cấp thiết, phục hồi kinh tế nhưng yêu cầu phải cách ly tại nơi cư trú.

Nhân viên Cảng hàng không Chu Lai kiểm tra y tế hành khách ra vào sân bay

Nhân viên Cảng hàng không Chu Lai kiểm tra y tế hành khách ra vào sân bay

Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân vừa ký và ban hành văn bản về việc triển khai các đường bay nội địa chở khách thường lệ đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 để từng bước khôi phục hoạt động vận tải hành khách nội địa bằng đường hàng không, thí điểm từ hôm nay và đón qua sân bay Chu Lai.

Theo kế hoạch của UBND tỉnh Quảng Nam, việc thí điểm triển khai đường bay nội địa này phù hợp với từng cấp độ phòng, chống dịch Covid-19, đáp ứng nhu cầu cấp thiết đi lại của nhân dân, bảo đảm an toàn, góp phần thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế. Giai đoạn thí điểm thực hiện từ ngày 10/10 đến hết ngày 20/10.

Đáng chú ý, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các hãng hàng không chỉ tiếp nhận vận chuyển hành khách có nhu cầu đi lại phục vụ quá trình phục hồi kinh tế theo thứ tự ưu tiên: hoạt động công vụ, lực lượng phòng chống dịch Covid-19, các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nhân và các đối tượng khác.

Tuy nhiên, hành khách phải đảm bảo điều kiện là tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về địa phương. Có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 bằng phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên trong vòng 72 giờ.

Hành khách khi về lưu trú tại địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam phải thực hiện cách ly tại nhà/nơi lưu trú 7 ngày, sau đó tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày tiếp theo...

Từ ngày 11/10, học sinh TP.HCM sẽ bắt đầu học trên truyền hình

Sở GD- ĐT TP.HCM phối hợp với Đài Truyền hình TP.HCM tổ chức phát sóng các chuyên đề học trên truyền hình dành cho học sinh lớp 6 và lớp 9.

Từ ngày 11/10, học sinh TP.HCM sẽ bắt đầu học trên truyền hình

Từ ngày 11/10, học sinh TP.HCM sẽ bắt đầu học trên truyền hình

Sau khi tổ chức dạy học trên truyền hình dành cho học sinh tiểu học, bắt đầu từ ngày ngày 11/10, Sở GD- ĐT TP.HCM phối hợp với Đài Truyền hình TP.HCM tổ chức phát sóng các chuyên đề học trên truyền hình dành cho học sinh lớp 6 và lớp 9.

Theo đó, chương trình dạy học trên truyền hình dành cho học sinh lớp 6 sẽ phát sóng từ thứ 2 đến thứ 6 vào các khung giờ 7 giờ 30, 8 giờ 15 và 10 giờ 15.

Còn chương trình học trên truyền hình dành cho học sinh lớp 9 phát sóng vào khung giờ 13 giờ 30 và 14 giờ 15 thứ hai, thứ tư và thứ sáu.

Được biết, từ ngày 1/9, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, khoảng 1,5 triệu học sinh từ tiểu học đến THPT bước vào năm học mới bằng hình thức học trên internet, học trên truyền hình.

Giám đốc Sở GD- ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu nhìn nhận năm học 2021 - 2022 là một năm học khó khăn. Dạy học trên internet được xác định là một hình thức tổ chức dạy học phù hợp trong điều kiện Thành phố hiện nay.

Lãnh đạo Sở GD-ĐT đánh giá, đến thời điểm hiện nay, tình hình học trên internet ở các trường THCS và THPT đã ổn định. Dạy học trên internet, học trên truyền hình sẽ là một phương thức học tập được thực hiện thường xuyên và đồng thời ngay cả khi các trường học mở cửa trở lại nhằm phát huy tối đa các điều kiện dạy học giúp cho học sinh và nhà trường thích ứng trong điều kiện bình thường mới.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư