Bản tin thời sự sáng 11/1

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là ngày 11/1, giá xăng có thể giảm; hàng loạt sai phạm trong mua sắm vật tư, thiết bị y tế tại Quảng Ngãi; Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia truyền tải hơn 211 tỷ kWh; xử phạt 3 công ty dược với tổng số tiền 330 triệu đồng; Vietcombank lãi gần 36.800 tỷ đồng…

Ngày 11/1, giá xăng có thể giảm

Kỳ điều hành 11/1 nếu không sử dụng Quỹ bình ổn, giá xăng có thể giảm 100 đồng, còn dầu hạ khoảng 200 - 300 đồng một lít.

Giá xăng ngày 11/1 dự kiến quay đầu giảm nhẹ.

Giá xăng ngày 11/1 dự kiến quay đầu giảm nhẹ.

Ngày 11/1, Liên bộ Tài chính - Công Thương sẽ điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ. Song, dữ liệu từ Bộ Công Thương chưa cập nhật giá xăng, dầu thành phẩm trên thị trường Singapore sau kỳ điều hành ngày 3/1.

Theo lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu tại phía Nam, giá dầu thô đang có xu hướng tăng trở lại nhưng vẫn thấp hơn mức bình quân so với kỳ trước. Tính đến ngày 9/1, giá xăng, dầu thành phẩm trên thị trường Singapore là 91,95 USD/thùng với xăng RON 95; 89,91 USD/thùng với xăng RON 92.

Theo đó, giá xăng ngày 11/1 dự báo giảm nhẹ khoảng 100 - 200 đồng/lít; dầu diesel giảm mạnh hơn, khoảng 800 đồng/lít. Song, mức giảm còn tùy thuộc vào mức sử dụng Quỹ bình ổn giá của cơ quan điều hành.

Tương tự, lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở miền Bắc cho biết, giá xăng kỳ điều hành tới có thể giảm nhẹ hoặc giữ nguyên tùy mức sử dụng quỹ bình ổn.

Hiện, dư địa quỹ bình ổn xăng dầu của một số doanh nghiệp đầu mối tiếp tục dương lớn. Trong đó, tính đến 1/1, Petrolimex dương 1.989 tỷ đồng, PVOil âm 557 tỷ đồng, Saigon Petro 293 tỷ đồng, Petimex là 373 tỷ đồng...

Trước đó, tại kỳ điều hành 3/1, xăng RON 95-III (loại phổ biến trên thị trường) có mức giá mới 22.150 đồng, tức tăng 350 đồng. Xăng E5 RON92 cũng đắt thêm 350 đồng một lít, lên 21.350 đồng. Dầu hỏa tăng 600 đồng một lít, lên 22.760 đồng; dầu mazut là 13.740 đồng một kg, tương đương tăng 110 đồng. Riêng dầu diesel giữ nguyên giá bán 22.150 đồng một lít...

Hàng loạt sai phạm trong mua sắm vật tư, thiết bị y tế tại Quảng Ngãi

Thanh tra tỉnh Quảng Ngãi đã nêu ra hàng loạt thiếu sót, hạn chế, sai phạm trong mua sắm vật tư, thiết bị y tế tại địa phương này.

Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi

Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi

Thanh tra tỉnh Quảng Ngãi xác nhận vừa có kết luận thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí để đầu tư, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit test, vắc xin, thuốc phòng, chống dịch Covid-19 và liên doanh, liên kết trang thiết bị y tế tại Sở Y tế, 5 đơn vị trực thuộc Sở và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Tỉnh.

Theo đó, dù Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các địa phương “xây dựng kế hoạch kinh phí đảm bảo cho công tác phòng chống dịch đề xuất với UBND Tỉnh”, nhưng Sở Y tế Quảng Ngãi không xây dựng kế hoạch, đến khi phát sinh nhu cầu cấp bách mới có tờ trình đề xuất kinh phí.

Trong năm 2020 và 2021, Sở đã thực hiện kiểm tra tại các cơ sở kinh doanh khẩu trang y tế, kiểm tra mua sắm trang thiết bị y tế tại Sở và một số gói thầu tại CDC Quảng Ngãi, các quầy bán thuốc và kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở y tế trên địa bàn Tỉnh. Tuy nhiên, kết quả thanh, kiểm tra chưa phát hiện sai phạm; không thực hiện thanh tra, kiểm tra công tác đấu thầu mua sắm thiết bị y tế, vật tư y tế, kít, sinh phẩm xét nghiệm để kịp thời chấn chỉnh sai sót, vi phạm.

Thanh tra Tỉnh chuyển thông tin đến Công an Tỉnh để tiến hành xem xét, đấu tranh làm rõ nội dung có biểu hiện không bình thường đối với 10 gói thầu mua sắm trang thiết bị chênh lệch giá cao tại các trung tâm y tế huyện Bình Sơn, Sơn Tây và Ba Tơ về mượn trước vật tư, sau đó lập thủ tục chỉ định thầu rút gọn cho các đơn vị cho mượn.

Thanh tra Tỉnh cũng chỉ ra nhiều bất thường trong việc liên doanh, liên kết mua sắm máy chụp MRI tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi.

Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia truyền tải hơn 211 tỷ kWh

Năm 2022, EVNNPT truyền tải gần 211,5 tỷ kWh điện, tăng 5,28% so với 2021 nhưng chỉ đạt 98% kế hoạch.

Năm 2022, EVNNPT truyền tải gần 211,5 tỷ kWh điện

Năm 2022, EVNNPT truyền tải gần 211,5 tỷ kWh điện

Theo ông Phạm Lê Phú, Tổng giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT), năm 2022, đơn vị đảm bảo vận hành an toàn các đường dây truyền tải điện và trạm biến áp, nhất là hệ thống đường dây 500 kV Bắc Nam.

Năm 2022, EVNNPT truyền tải gần 211,5 tỷ kWh điện, tăng 5,28% so với 2021 nhưng chỉ đạt 98% kế hoạch.

Bối cảnh khó khăn, Tổng giám đốc EVNNPT cho hay, doanh nghiệp này đã không đảm bảo lợi nhuận, do giảm doanh thu, chi phí lãi vay tăng và lỗ chênh lệch tỷ giá.

Ông Phú thông tin, doanh thu năm 2022 giảm khoảng 350 tỷ đồng do sản lượng điện truyền tải sụt hơn 4,5 tỷ kWh so với phương án giá truyền tải điện trong năm. Cùng đó, chi phí lãi vay tăng 377 tỷ đồng so với phương án giá, do biến động thị trường tiền tệ giới giới.

Giá USD tăng cao cũng dẫn tới EVNNPT ghi nhận khoản lỗ chênh lệch tỷ giá hơn 830 tỷ đồng, trong khi chi phí này không được tính trong giá truyền tải điện. EVNNPT đã tối ưu hóa chi phí, tiết kiệm các khoản chi theo định mức hơn 18%, tối ưu lãi vay... để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.

Tỷ lệ tổn thất điện năng trên lưới truyền tải năm qua đạt 2,54%, tăng 0,26% so với 2021. Về nguyên nhân tăng, Tổng giám đốc EVNNPT giải thích, do khai thác cao các nguồn điện giá rẻ trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào tăng cao... Việc này dẫn đến truyền tải cao trên lưới 500kV Bắc - Trung - Nam để đảm bảo cấp điện cho miền Bắc, miền Nam làm tăng tổn thất điện năng trên lưới.

Năm 2023, doanh nghiệp này đặt mục tiêu sản lượng điện truyền tải gần 218 tỷ kWh, tăng xấp xỉ 3% so với 2022; tỷ lệ tổn thất truyền tải 2,56%...

Xử phạt 3 công ty dược với tổng số tiền 330 triệu đồng

Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) Tạ Mạnh Hùng vừa ký liên tiếp 3 văn bản xử phạt vi phạm hành chính 3 tổ chức liên quan đến lĩnh vực dược. Tổng số tiền phạt là 330 triệu đồng.

Cục Quản lý Dược xử phạt 3 công ty dược với tổng số tiền 330 triệu đồng

Cục Quản lý Dược xử phạt 3 công ty dược với tổng số tiền 330 triệu đồng

Cụ thể, Cục Quản lý dược xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Unicure Remedies Pvt. Ltd. (India). Đơn vị này sản xuất thuốc Novotec-70, số giấy đăng ký lưu hành: VN-22482-19, số lô sản xuất: E11532001, ngày sản xuất: 5/3/2020, hạn dùng: 4/3/2023.

Lô thuốc này vi phạm chất lượng mức độ 2. Công ty này bị phạt 70 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ số thuốc vi phạm chất lượng nêu trên. Cơ sở nhập khẩu lô thuốc nêu trên vào Việt Nam là Công ty CP Dược liệu Trung ương 2 (Phytopharma) phải tiến hành thu hồi số thuốc vi phạm chất lượng, thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả.

Xử phạt vi phạm hành chính Công ty CP Dược phẩm Phương Đông. Công ty này không thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi, bổ sung giấy đăng ký lưu hành với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được phê duyệt trước khi lưu hành thuốc, đối với 8 thuốc: Smodir-DT; Debomin plus; Batigan; Omcetti; Mumcal; Tyrozet; Devitoc và Fudcime.

Ông Hùng cũng cho biết, công ty này có nhiều tình tiết tăng nặng khi có hành vi vi phạm nhiều lần đối với nhiều thuốc. Hơn nữa, công ty này cũng không có văn bản đề nghị bổ sung, thay đổi thông tin của thuốc đã kê khai, kê khai lại giá thuốc trong trường hợp có thay đổi so với thông tin đã công bố nhưng giá thuốc không thay đổi đối với 3 thuốc: Bakidol 650 (tên mới: Eagib); Pegianin (tên mới: Roteki) và Ormyco 120mg (tên mới: Ormyco 120). Tổng số tiền xử phạt với 3 nhóm hành vi vi phạm của Công ty CP Dược phẩm Phương Đông là 160 triệu đồng.

Xử phạt 100 triệu đồng với hành vi vi phạm hành chính của Công ty CP US Pharma USA. Công ty này không thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi, bổ sung giấy đăng ký lưu hành với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được phê duyệt trước khi lưu hành thuốc đối với các thay đổi lớn, thay đổi nhỏ cần được phê duyệt đối với 8 thuốc: Tabracef; Lotrial S; Glimepirid 2-US; Cardipredson 4; Bitrepso; Robpredni sweet; Robmedtril số lô 030522 và Cefdinir 300.

Vietcombank lãi gần 36.800 tỷ đồng

Vietcombank cho biết, trong bối cảnh năm 2022 diễn ra với nhiều biến động phức tạp của thị trường, nhà băng này vẫn hoàn thành hầu hết chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh đã đặt ra.

Ngân hàng mẹ Vietcombank tiếp tục có thêm một năm tăng trưởng lợi nhuận cao với gần 36.800 tỷ đồng trước thuế.

Ngân hàng mẹ Vietcombank tiếp tục có thêm một năm tăng trưởng lợi nhuận cao với gần 36.800 tỷ đồng trước thuế.

Tính đến cuối năm 2022, số dư huy động vốn thị trường 1 (ngân hàng với khách hàng) của Vietcombank đã đạt xấp xỉ 1,26 triệu tỷ đồng, tăng 9,1% so với năm 2021 và hoàn thành 100% kế hoạch đã đặt ra. Trong đó, tỷ trọng huy động vốn không kỳ hạn bình quân đạt 34%, tăng 1,8 điểm % so với năm 2021; huy động vốn bán buôn tăng 10,4%; huy động vốn bán lẻ tăng 8%.

Ở chiều ngược lại, số dư tín dụng của ngân hàng này cũng đã vượt mốc 1,15 triệu tỷ đồng vào cuối năm, tăng 19% so với năm 2021.

Cũng trong năm 2022, Ngân hàng đã kiểm soát tốt chất lượng tín dụng với dư nợ nhóm 2 (nợ cần chú ý) đến cuối năm ở mức 3.289 tỷ đồng, tương đương 0,29% tổng dư nợ, giảm 0,08 điểm % so với năm 2021 (0,36%). Trong khi đó, tổng số dư nợ xấu đến cuối năm 2022 của nhà băng này là 7.662 tỷ đồng, tương đương 0,67%, thấp hơn đáng kể so với kế hoạch được giao.

Với số dư nợ xấu kể trên, lãnh đạo Vietcombank cho biết đang dành tới hơn 35.600 tỷ đồng để trích lập dự phòng rủi ro, tương đương với tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu nội bảng lên tới 465%, cao nhất hệ thống ngân hàng.

Với các chỉ tiêu tài chính kể trên, lãnh đạo Vietcombank cho biết, Ngân hàng đã ghi nhận lợi nhuận trước thuế riêng lẻ tăng 39% năm nay và vượt 19% so với kế hoạch. Với mức tăng trưởng kể trên, ngân hàng mẹ Vietcombank đã thu về hơn 36.775 tỷ đồng lãi trước thuế năm qua, là mức lãi cao nhất nhà băng này từng ghi nhận được cũng như toàn hệ thống ngân hàng.

Cũng trong năm 2023, Vietcombank dự kiến tăng trưởng tín dụng đạt 12,8%, tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 1,5% tổng dư nợ và lợi nhuận trước thuế tăng tối thiểu 12%.

Thêm dự án tại Thanh Hóa trúng đấu giá không nộp đủ tiền sử dụng đất

Chi cục Thuế khu vực TP. Thanh Hoá - Đông Sơn thuộc Cục thuế tỉnh Thanh Hoá vừa có văn bản gửi cơ quan chức năng thực hiện các bước xử lý tiếp theo sau khi người trúng đấu giá Khu dân cư Bắc cầu Sâng, phường Nam Ngạn (TP. Thanh Hoá) không nộp đủ số tiền sử dụng đất.

Mặt bằng dự án Khu dân cư Bắc cầu Sâng

Mặt bằng dự án Khu dân cư Bắc cầu Sâng

Cụ thể, ngày 9/9/2022, UBND tỉnh Thanh Hoá đã có quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất Dự án Khu dân cư Bắc cầu Sâng, phường Nam Ngạn, thành phố Thanh Hoá cho Công ty CP Đầu tư địa ốc Hoàng Gia Group TH.

Căn cứ việc hạch toán số thu tiền sử dụng đất dự án, ngày 4/10/2022, Chi cục Thuế khu vực TP. Thanh Hoá - Đông Sơn đã ban hành thông báo nộp số tiền về tiền sử dụng đất. Số tiền sử dụng đất phải nộp ngân sách nhà nước là gần 68 tỷ đồng.

Theo thông báo của cơ quan thuế, đến hết ngày 13/12/2022 là hết thời hạn nộp tiền sử dụng đất đợt 2, Công ty CP Đầu tư địa ốc Hoàng Gia Group TH phải nộp 50 % vào ngân sách nhà nước cho dự án trúng đấu giá quyền sử dụng đất Khu dân cư Bắc cầu Sâng là gần 34 tỷ đồng. Căn cứ vào dữ liệu về tiền sử dụng đất trên ứng dụng quản lý thuế tập trung của cơ quan Thuế, đến hết ngày 13/12/2022, Công ty CP Đầu tư địa ốc Hoàng Gia Group TH nộp không đủ tiền sử dụng đất (đợt 2) theo thông báo của Chi cục Thuế khu vực TP. Thanh Hoá - Đông Sơn. Số tiền đã nộp của Công ty (bao gồm cả tiền đặt cọc) đến ngày 14/12/2022 là gần 39 tỷ đồng.

Theo đó, Chi cục Thuế khu vực TP. Thanh Hoá - Đông Sơn đã có báo cáo, đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hoá, UBND TP. Thanh Hoá thực hiện các bước tiếp theo theo quy định.

Trước đó, UBND tỉnh Thanh Hoá đã chỉ đạo cơ quan chức năng xem xét huỷ quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá Dự án Khu dân cư phường Đông Tân, TP. Thanh Hoá do người trúng đấu giá là Công ty TNHH MTV Xây dựng thương mại Thái Bảo không nộp đủ tiền sử dụng đất theo quy định.

SCIC thu hơn 8.200 tỷ đồng nhờ cổ tức

Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) ghi nhận doanh thu 10.698 tỷ đồng, vượt 51% kế hoạch. Trong đó, doanh thu cổ tức đạt 8.222 tỷ đồng, vượt 41% kế hoạch cả năm; doanh thu bán vốn đạt 1.358 tỷ đồng.

SCIC thu hơn 8.200 tỷ đồng nhờ cổ tức

SCIC thu hơn 8.200 tỷ đồng nhờ cổ tức

Lợi nhuận sau thuế của Tổng công ty đạt 6.785 tỷ đồng, vượt 89% kế hoạch, nhưng giảm 19% so với cùng kỳ năm 2021.

Về công tác tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp, SCIC đã tiếp nhận 10 doanh nghiệp với tổng vốn nhà nước là 8.524 tỷ đồng trên tổng vốn điều lệ 13.548 tỷ đồng. SCIC cũng đẩy mạnh thoái vốn nhà nước và thực hiện bán vốn thành công tại 26 doanh nghiệp.

Về triển khai hoạt động đầu tư, SCIC nghiên cứu một số cơ hội đầu tư như tái cơ cấu Bệnh viện Giao thông vận tải, xây dựng cơ chế sử dụng Quỹ khoa học và Công nghệ, Dự án Hệ thống cung cấp nhiên liệu tàu bay (bên trong Cảng Hàng không quốc tế Long Thành), Dự án Cảng đầu nguồn và hệ thống đường ống cung cấp nhiên liệu tàu bay cho Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, Dự án Cảng Cái Mép Hạ, phương án đầu tư mua cổ phần một số ngân hàng thương mại.

Chuyên đề