Bản tin thời sự sáng 1/11

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là từ 2/11, Đà Nẵng tiêm vaccine phòng Covid-19 cho học sinh từ 15 đến dưới 18 tuổi; làm giả sao kê, cam kết cấp tín dụng hàng nghìn tỷ để xin dự án, lừa đảo; từ ngày 1/11, giảm thuế giá trị gia tăng đối với nhiều hàng hóa, dịch vụ; phát hiện nhiều mắc Covid-19 ở doanh nghiệp, Bắc Giang kích hoạt Bệnh viện Dã chiến số 2; cựu cảnh sát khu vực Công an Hà Nội làm giả hàng loạt sổ tạm trú…

Từ 2/11, Đà Nẵng tiêm vaccine phòng Covid-19 cho học sinh từ 15 đến dưới 18 tuổi

Với số lượng khoảng 50.000 học sinh đang theo học lớp 10, 11, 12 trong độ tuổi từ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi, dự kiến ngành y tế TP. Đà Nẵng sẽ tổ chức tiêm trong 4 ngày (từ ngày 2 - 5/11).

Ngành y tế thành phố Đà Nẵng sẽ tổ chức tiêm 50.000 học sinh đang theo học lớp 10, 11, 12 trong độ tuổi từ 15 tuổi đến dưới 18

Ngành y tế thành phố Đà Nẵng sẽ tổ chức tiêm 50.000 học sinh đang theo học lớp 10, 11, 12 trong độ tuổi từ 15 tuổi đến dưới 18

Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Đà Nẵng có văn bản gửi các trường phổ thông có cấp Trung học phổ thông, Trung tâm giáo dục thường xuyên Thành phố về công tác triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho học sinh, học viên đạt hiệu quả, an toàn. Thời gian tiêm chủng bắt đầu từ 2/11 tới theo kế hoạch triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 Pfizer đợt 2 tại TP. Đà Nẵng năm 2021.

Cụ thể, các trường, trung tâm hướng dẫn phụ huynh đưa học sinh, học viên đi tiêm chủng khi đến lịch; chủ động theo dõi và phát hiện các dấu hiệu bất thường sau khi tiêm chủng...

Phổ biến đầy đủ các nội dung cần thực hiện khi đến điểm tiêm chủng tới phụ huynh và học sinh, học viên được tiêm chủng theo hướng dẫn của ngành y tế.

Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Đà Nẵng yêu cầu tiếp tục rà soát danh sách học sinh, học viên đang học lớp 10, 11, 12 trong độ tuổi từ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi chưa được tiêm vaccine phòng Covid-19; các trường, trung tâm chủ động kết nối với đơn vị phụ trách tiêm chủng để thống nhất khung thời gian, số lượng và điều phối học sinh, học viên đến các điểm tiêm, đảm bảo giãn cách, an toàn phòng, chống dịch Covid-19.

Được biết, số vaccine Pfizer đợt 2 tại TP. Đà Nẵng là gần 46.000 liều. Với số lượng khoảng 50.000 học sinh, dự kiến ngành y tế TP. Đà Nẵng sẽ tổ chức tiêm vaccine đợt này trong 4 ngày (từ ngày 2 - 5/11), được tổ chức tiêm lưu động và cố định với 15 địa điểm tiêm.

Làm giả sao kê, cam kết cấp tín dụng hàng nghìn tỷ đồng để xin dự án, lừa đảo

Bộ Công an vừa phát cảnh báo về thủ đoạn các đối tượng làm giả sao kê ngân hàng, cam kết cấp tín dụng lên đến hàng nghìn tỷ đồng, xác nhận số dư tài khoản hàng trăm tỷ đồng để xin dự án, lừa đảo.

Lực lượng Công an phát hiện nhiều vụ việc các đối tượng có dấu hiệu làm giả Sao kê tài khoản. Ảnh minh họa
Lực lượng Công an phát hiện nhiều vụ việc các đối tượng có dấu hiệu làm giả Sao kê tài khoản. Ảnh minh họa

Theo Cục An ninh điều tra Bộ Công an, việc doanh nghiệp giả năng lực tài chính để được phê duyệt đầu tư, trúng thầu, triển khai thực hiện dự án là hành vi rất nguy hiểm... Ngoài ra, các đối tượng có thể sử dụng tài liệu giả để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Thủ đoạn của các đối tượng, thường sau khi thỏa thuận chi phí làm giả số giấy tờ, tài liệu, các đối tượng in các nội dung nêu trên lên giấy có biểu trưng của ngân hàng, ký giả chữ ký của lãnh đạo ngân hàng và dùng con dấu po-ly-me giả đóng lên tài liệu.

Điển hình trong vụ án “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” xảy ra tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố. Hậu quả đã có một số doanh nghiệp sử dụng các loại giấy tờ giả này để làm hồ sơ gửi tới các sở, ngành xin hồ sơ cấp phép đầu tư xây dựng các loại dự án như khu đô thị, điện gió, cảng biển, nhà máy, kêu gọi đối tác nước ngoài đầu tư...

Trong đó, có một số doanh nghiệp đã cung cấp giấy tờ giả nội dung được ngân hàng cam kết cấp tín dụng lên đến hàng nghìn tỷ đồng và xác nhận số dư tài khoản tại một thời điểm lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đề nghị các bộ, ngành, chính quyền các địa phương, các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp, người dân cần nâng cao cảnh giác đối với thủ đoạn nêu trên. Các cơ quan hữu quan có liên quan, khi nghiên cứu thẩm định hồ sơ xin cấp phép dự án, hợp tác, kêu gọi vốn nước ngoài đầu tư,... cần xem xét, thẩm định kỹ hồ sơ, tài liệu về năng lực tài chính của các doanh nghiệp, cá nhân.

Từ ngày 1/11, giảm thuế giá trị gia tăng đối với nhiều hàng hóa, dịch vụ

Dịch vụ vận tải, sản phẩm và dịch vụ xuất bản, dịch vụ điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình… sẽ được giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) trong 2 tháng cuối năm.

Dịch vụ vận tải hàng không là một trong những dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng

Dịch vụ vận tải hàng không là một trong những dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết số 406 về một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19.

Theo đó, kể từ ngày 1/11 đến hết ngày 31/12/2021, giảm thuế GTGT đối với đối với nhiều hàng hóa, dịch vụ.

Cụ thể, dịch vụ vận tải, gồm: vận tải đường sắt, vận tải đường thủy, vận tải hàng không, vận tải đường bộ khác; dịch vụ lưu trú; dịch vụ ăn uống; dịch vụ của các đại lý du lịch, kinh doanh tour du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tour du lịch.

Sản phẩm và dịch vụ xuất bản; dịch vụ điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc; tác phẩm nghệ thuật và dịch vụ sáng tác, nghệ thuật, giải trí; dịch vụ của thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác; dịch vụ thể thao, vui chơi và giải trí (không bao gồm phần mềm xuất bản và các hàng hóa, dịch vụ sản xuất, kinh doanh theo hình thức trực tuyến).

Tùy thuộc vào phương pháp tính thuế, mức giảm thuế GTGT được áp dụng như sau: doanh nghiệp, tổ chức tính thuế theo phương pháp khấu trừ được giảm 30% mức thuế suất thuế GTGT; doanh nghiệp, tổ chức tính thuế theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu được giảm 30% mức tỷ lệ % để tính thuế GTGT.

Sẽ miễn phí cho khách đi tàu Cát Linh - Hà Đông trong 15 ngày đầu

Sau khi tiếp nhận, TP. Hà Nội sẽ đưa tàu tuyến Cát Linh - Hà Đông vào vận hành ngay và miễn phí 15 ngày đầu cho tất cả hành khách, trước khi thực hiện vận hành thương mại.

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông sắp được đưa vào khai thác và vận hành thương mại.

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông sắp được đưa vào khai thác và vận hành thương mại.

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, Thành phố đã sẵn sàng và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để có thể tiếp nhận tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông trong giai đoạn đầu.

Theo ông Viện, giá vé tàu Cát Linh được tính theo quãng đường di chuyển của hành khách, trong đó tối đa 15.000 đồng/lượt nếu đi toàn tuyến và thấp nhất là 8.000 đồng/lượt với quãng ngắn nhất. Giá vé ngày 30.000 đồng/người (không giới hạn số lượt đi lại trên tuyến theo ngày). Giá vé tháng có các mức 200.000 đồng/người cho hành khách phổ thông…

Ông Viện cho biết thêm, sau khi tiếp nhận, TP. Hà Nội sẽ cho tàu tuyến Cát Linh - Hà Đông chạy ngay và miễn phí 15 ngày đầu cho tất cả hành khách, trước khi thực hiện vận hành thương mại.

Trước đó, Hội đồng Kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng đã thống nhất kết quả nghiệm thu Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, đây là bước đánh giá cuối cùng để đưa Dự án vào vận hành khai thác thương mại.

Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có chiều dài tuyến đi trên cao là 13,5 km (từ Cát Linh đi Hà Đông) 12 nhà ga trên cao. Đoàn tàu chạy với vận tốc thiết kế tối đa 80km/giờ, vận tốc bình quân khai thác 35km/giờ, khai thác với tần suất vận chuyển khoảng 2 phút/chuyến.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được khởi công vào tháng 10/2011 do Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 886 triệu USD (khoảng hơn 20.000 tỷ đồng).

Thêm 4,5 triệu liều vaccine Pfizer được phân bổ

Đơn vị chuyên môn của Bộ Y tế vừa phân bổ 4.520.880 liều vaccine phòng Covid-19 Pfizer cho trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố.

Đến hết ngày 29/10, nước ta đã tiếp nhận và phân bổ 75 đợt vaccine phòng Covid-19 với tổng số 104.956.016 liều.

Đến hết ngày 29/10, nước ta đã tiếp nhận và phân bổ 75 đợt vaccine phòng Covid-19 với tổng số 104.956.016 liều.

Theo đó, tại đợt phân bổ 73, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương phân bổ 2.633.670 liều vaccine phòng Covid-19 Pfizer do COVAX Facility tài trợ và đợt 74 với 1.887.210 liều vaccine phòng Covid-19 Pfizer mua từ nguồn Ngân sách Nhà nước cùng 753.450 ống dung môi cho trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố.

Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cũng yêu cầu các đơn vị tiếp nhận và tổ chức tiêm ngay số vaccine phòng Covid-19 được phân bổ. Đồng thời, các đơn vị phải bảo đảm sử dụng vaccine hiệu quả, đúng mục đích, đối tượng, hoàn thành trong thời gian sớm nhất.

Cùng đó, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cũng phân bổ 800.000 liều vaccine phòng Covid-19 Vero Cell và 1.266.800 liều vaccine Abdala.

Bộ Y tế cho biết đến hết ngày 29/10, nước ta đã tiếp nhận và phân bổ 75 đợt vaccine phòng Covid-19 với tổng số 104.956.016 liều.

Báo cáo công tác phòng chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế cho biết đến nay, cả nước đã tiêm được 80.659.184 liều (tăng 1.588.827 liều so với ngày trước đó). Hiện 32,8 triệu người được tiêm 1 liều vaccine và 23,9 triệu người tiêm đủ 2 liều. Tỷ lệ dân số từ 18 tuổi trở lên tiêm ít nhất 1 liều vaccine là 78,5% và đủ 2 liều là 33,1%.

Phát hiện nhiều mắc Covid-19 ở doanh nghiệp, Bắc Giang kích hoạt Bệnh viện Dã chiến số 2

Dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đang có nhiều diễn biến phức tạp khi liên tiếp phát hiện các ca F0 ở doanh nghiệp, nhà trọ, nơi cư trú của công nhân.

Từ ngày 26/10 đến nay, huyện Việt Yên (Bắc Giang) phát sinh nhiều ca F0 liên quan đến khu công nghiệp Quang Châu..tỉnh Bắc Giang kích hoạt Bệnh viện Dã chiến số 2

Từ ngày 26/10 đến nay, huyện Việt Yên (Bắc Giang) phát sinh nhiều ca F0 liên quan đến khu công nghiệp Quang Châu..tỉnh Bắc Giang kích hoạt Bệnh viện Dã chiến số 2

Chiều tối 31/10, theo UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, trong ngày, trên địa bàn phát sinh 19 ca F0, trong đó có 18 ca F0 trong doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Quang Châu (huyện Việt Yên).

Sở Y tế tỉnh Bắc Giang nhận định, dịch bệnh đang phức tạp do ca bệnh được ghi nhận ở nơi đông người, khu công nghiệp, nhà trọ, yếu tố dịch tễ liên quan đến đi chung xe với công ty khác, đi nhiều nơi, có nguy cơ lây lan sang doanh nghiệp khác và địa phương nơi cư trú. Địa điểm xuất hiện ca bệnh là xưởng sản xuất có đông lao động, môi trường làm việc kém thông khí, thời gian tiếp xúc dài.

Dự báo trong những ngày tới, trên địa bàn Tỉnh tiếp tục phát sinh thêm nhiều F0 mới ngoài cộng đồng, trong doanh nghiệp khác, tại khu cách ly, người về từ vùng dịch.

Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Quyết định kích hoạt Bệnh viện Dã chiến số 2 tại Nhà thi đấu thể thao Tỉnh để ứng phó với dịch Covid- 19 trên địa bàn.

Hiện ngành y tế đã chuẩn bị nhân lực, cơ sở vật chất, thuốc, sinh phẩm y tế, sẵn sàng đưa Bệnh viện Dã chiến số 2 vào hoạt động.

17 tỉnh thành mở lại xe khách với TP.HCM

17 địa phương khu vực miền Tây, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, miền Trung... đã mở lại ôtô khách qua các bến lớn ở TP.HCM, với khoảng 60 tuyến hoạt động.

Xe khách đậu tại Bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh)
Xe khách đậu tại Bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh)

Ngày 31/10, xe khách theo tuyến cố định liên tỉnh từ Tây Ninh và TP.HCM bắt đầu hoạt động trở lại.

Cùng với Tây Ninh, trước đó, 16 tỉnh thành khác cũng mở lại xe khách với TP.HCM thông qua Bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh) và Bến xe Miền Tây (quận Bình Tân).

Theo đó, Bến xe Miền Đông có hơn 50 tuyến xe khách đã hoạt động trở lại kết nối qua 10 tỉnh gồm: Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Bình Dương, Đắk Nông, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thừa Thiên - Huế và Cà Mau.

Ở Bến xe Miền Tây, Phó Giám đốc Bến xe Trần Văn Phương cho biết, hiện 8 tỉnh thành thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ đã mở lại xe khách qua thành phố như Vĩnh Long, Bến Tre, Bạc Liêu, Khánh Hoà, An Giang... Tuy nhiên, lượng khách qua bến rất ít.

Từ ngày 13 - 27/10, Sở Giao thông vận tải TP.HCM ghi nhận có gần 9.800 tổng lượt khách liên tỉnh thông qua các bến xe trên địa bàn với 2.000 lượt xe phục vụ.

Nhu cầu khách đi từ TP.HCM đi các tỉnh khác nhiều hơn với khoảng 6.500 người trên 889 xe. Ngược lại, các chuyến xe đến TP.HCM chỉ gần 3.300 khách, với hơn 1.000 xe chạy.

Lừa đảo chiếm đoạt 600 triệu đồng từ thiện tại Hải Phòng

Trần Văn Mạnh ở quận Dương Kinh (Hải Phòng), lừa đảo chiếm đoạt 600 triệu đồng bằng thủ đoạn kêu gọi quyên góp từ thiện trên mạng xã hội.

Trần Văn Mạnh tại cơ quan điều tra

Trần Văn Mạnh tại cơ quan điều tra

Ngày 31/10, Công an TP. Hải Phòng cho biết, Trần Văn Mạnh vừa bị Phòng Cảnh sát hình sự phối hợp với Phòng 7 - Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) khởi tố, bắt tạm giam để điều tra hành vi chiếm đoạt tài sản thông qua việc kêu gọi từ thiện.

Cơ quan điều tra cáo buộc, từ tháng 5/2020, Mạnh tạo trang Facebook với tên "Quỹ từ thiện cộng đồng", lấy thông tin, hình ảnh những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở các trang báo điện tử uy tín, sau đó chỉnh sửa, lồng ghép tài khoản cá nhân để kêu gọi nhà hảo tâm quyên góp.

Bằng thủ đoạn trên, Mạnh đã chiếm đoạt hơn 600 triệu đồng, nhưng không thực hiện bất kỳ hoạt động từ thiện nào như đã cam kết.

Cuối tháng 10/2021, Mạnh bị công an bắt giữ. Vụ án đang được Công an TP. Hải Phòng điều tra.

Cựu cảnh sát khu vực Công an Hà Nội làm giả hàng loạt sổ tạm trú

Cựu cảnh sát khu vực Công an Hà Nội Vũ Hải Long bị cáo buộc làm giả 7 tài liệu cư trú có xác nhận của công an phường rồi bán cho Đỗ Quang Vinh, hưởng lợi 5 triệu đồng.

Cựu cảnh sát khu vực Công an Hà Nội Vũ Hải Long bị cáo buộc làm giả 7 tài liệu cư trú. Ảnh minh họa

Cựu cảnh sát khu vực Công an Hà Nội Vũ Hải Long bị cáo buộc làm giả 7 tài liệu cư trú. Ảnh minh họa

Ngày 31/10, VKSND TP. Hà Nội đã ban hành cáo trạng truy tố Vũ Hải Long và Đỗ Quang Vinh về tội Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức.

7 tháng trước, Vũ Hải Long bị kỷ luật tước danh hiệu Công an nhân dân. Bị can là cảnh sát khu vực Công an phường La Khê, sau chuyển sang Công an phường Phú Lương, cùng ở quận Hà Đông (Hà Nội).

Theo cáo trạng, Vinh nhờ Long làm giả sổ tạm trú, giấy xác nhận tạm trú có xác nhận của Công an phường La Khê, Công an phường Phú Lương cho những người không sinh sống hai địa bàn này, bán cho Vinh với giá 800.000 đồng/sổ tạm trú, 200.000 đồng/giấy xác nhận tạm trú.

Từ tháng 10/2018 đến tháng 3/2019, Long làm giả 5 sổ có đóng dấu Công an phường La Khê; làm giả 5 giấy xác nhận tạm trú có đóng dấu xác nhận của Công an phường La Khê, Công an phường Phú Lương.

Vinh bán 5 sổ tạm trú với giá 1,1 triệu đồng/sổ, bán 4 giấy xác nhận 700.000 - 1.000.000 đồng/tờ. Vinh bị bắt quả tang khi đang bán giấy xác nhận tạm trú thứ 5 cho khách.

VKSND Hà Nội xác định, Vinh còn tự làm giả một giấy xác nhận tạm trú có xác nhận của Công an xã Cự Khê (huyện Thanh Oai, Hà Nội) bán với giá 700.000 đồng. Do không thu giữ được bản gốc 3 giấy xác nhận tạm trú giả Vinh đã bán, cơ quan điều tra xác định Long đã làm giả 7 tài liệu, thu 5 triệu đồng; Vinh làm giả 8 tài liệu, thu 3,6 triệu đồng.

Chuyên đề