Bản tin thời sự sáng 1/10

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là sáng 1/10; khởi công xây dựng 3 đoạn cao tốc Bắc - Nam, tổng vốn hơn 35 nghìn tỷ đồng; đoàn tàu tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên lên đường về TP.HCM; Hà Nội dự kiến sẽ thí điểm cấm xe máy tại một số tuyến đường…

Khởi công xây dựng ba đoạn cao tốc Bắc - Nam, tổng vốn hơn 35 nghìn tỷ đồng

Sáng ngày 30/9, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phối hợp với các tỉnh Thanh Hóa, Bình Thuận, Đồng Nai, đã đồng loạt tổ chức khởi công 3 dự án cao tốc chuyển sang đầu tư công, thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.

Thủ tướng phát lệnh khởi công dự án cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45

Thủ tướng phát lệnh khởi công dự án cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45

Dự kiến các dự án hoàn thành vào cuối năm 2022. Tổng mức đầu tư hơn 35.670 tỷ đồng. Tại xã Hà Long (huyện Hà Trung, Thanh Hóa), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát lệnh khởi công đoạn cao tốc Mai Sơn - Quốc Lộ 45. Cùng thời điểm, tại xã Vĩnh Hảo (huyện Tuy Phong, Bình Thuận) diễn ra lễ khởi công đoạn cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết; và tại xã Hàng Gòn (TP Long Khánh, Đồng Nai) đã diễn ra lễ khởi công đoạn cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.

Đây là 3 đoạn cao tốc được chuyển hình thức đầu tư từ BOT sang đầu tư công.

Dự án cao tốc đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 dài hơn 63km, điểm đầu tại huyện Yên Mô (Ninh Bình) - điểm cuối tại huyện Nông Công (Thanh Hoá). Giai đoạn 1 được đầu tư 4 làn xe, tốc độ thiết kế 80km/h. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 hơn 12.111 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng và thiết bị 7.684 tỷ đồng.

Dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài hơn 100km, qua địa phận tỉnh Bình Thuận, giai đoạn 1 đầu tư 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80km/h. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 hơn 10.853 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng và thiết bị 7.210 tỷ đồng.

Dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây dài 99km, qua địa bàn Bình Thuận và Đồng Nai. Giai đoạn 1 đầu tư 4 làn xe. Tổng mức đầu tư hơn 12.577 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng 7.201 tỷ đồng.

Các dự án trên được thiết kế 6 làn xe, vận tốc thiết kế 120km/h, sẽ được đầu tư hoàn thiện ở giai đoạn sau.

Đoàn tàu tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên lên đường về TP.HCM

Trưa 30/9, đoàn tàu đầu tiên thuộc tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) của TP.HCM đã chính thức rời cảng Kasado - Nhật Bản về Việt Nam.

Đoàn tàu được vận chuyển ra cảng để rời Nhật Bản về TP.HCM

Đoàn tàu được vận chuyển ra cảng để rời Nhật Bản về TP.HCM

Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) cho biết, đúng 12h trưa 30/9, đoàn tàu đầu tiên thuộc tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đã rời cảng Kasado (Nhật Bản). Theo kế hoạch, đoàn tàu sẽ cập cảng tại TP.HCM vào ngày 8/10 và được vận chuyển về depot Long Bình (Quận 9) trong ngày 10/10.

Đoàn tàu này gồm 3 toa với tổng chiều dài 61,5m, tốc độ tối đa thiết kế 110km/h (đoạn trên cao), 80km/h (đoạn hầm). Đoàn tàu có thể chở tổng cộng 930 khách, trong đó có 147 khách ngồi ghế, 783 khách đứng.

Theo MAUR, nội thất của đoàn tàu được thiết kế với cấu trúc đơn giản, chức năng tốt phù hợp với việc sử dụng hàng ngày và dễ dàng vệ sinh, bảo dưỡng. Ngoài ra, màu sắc chủ đạo bên trong đoàn tàu là màu xanh dương tạo cảm giác tươi mới, mát mẻ, dễ chịu; nội thất mang màu xám bạc khiến cho đoàn tàu trở nên sáng và sạch hơn.

Đây cũng là đoàn tàu có bề rộng toa xe lớn nhất (2,95m) so với các tàu metro khác ở Việt Nam. Theo dự kiến, sau khi đoàn tàu về đến TP.HCM, MAUR sẽ đưa vào chạy thử đoạn trên cao từ ngã tư Bình Thái về Depot Long Bình.

Hà Nội dự kiến sẽ thí điểm cấm xe máy tại một số tuyến đường

Theo ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội, Thành phố đang nghiên cứu và dự kiến sẽ thí điểm cấm xe máy tại các tuyến đường Lê Văn Lương, Nguyễn Trãi - Hà Đông.

Tắc đường trên phố Tây Sơn

Tắc đường trên phố Tây Sơn

Là hai trục đường hướng tâm lưu lượng phương tiện giao thông rất lớn, mặc dù phương tiện vận tải công cộng xe buýt, buýt nhanh BRT dày đặc nhưng hai tuyến đường Lê Văn Lương, Nguyễn Trãi ở Hà Nội vẫn thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm.

Tại trục đường Trần Phú - Nguyễn Trãi sau khi công trình đường sắt Cát Linh - Hà Đông hoàn thành, rào chắn được dỡ bỏ, mặt đường được cải tạo thông thoáng hơn nhưng tình trạng ùn tắc giao thông không những không giảm mà có dấu hiệu nghiêm trọng hơn, nhất là vào các giờ cao điểm.

Trục đường Tố Hữu - Lê Văn Lương mật độ phương tiện tham gia giao thông cũng rất đông vào các giờ cao điểm, phương tiện lấn vào làn buýt nhanh BRT tạo ra cảnh hỗn độn, di chuyển gặp nhiều khó khăn.

Tại gầm cầu vượt Ngã Tư Sở có 2 điểm mở để phương tiện lưu thông trên đường Nguyễn Trãi và phố Tây Sơn quay đầu trước nút giao. Các phương tiện khi đi qua các điểm quay đầu xe này buộc phải đi theo 1 chiều.

Để giải quyết căn cơ tình trạng ùn tắc giao thông tại hai trục đường trọng yếu này, theo ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội, Thành phố đang nghiên cứu và dự kiến sẽ thí điểm cấm xe máy tại các tuyến đường Lê Văn Lương, Nguyễn Trãi - Hà Đông sau khi đưa tuyến đường sắt 2A (Cát Linh - Hà Đông) đi vào hoạt động.

Cựu trưởng ban quản lý dự án lọc hoá dầu Nghi Sơn bị phạt tù

Ông Trần Khắc Hiệp bị cáo buộc dùng 1.600 tỷ đồng thuộc sở hữu Tổng công ty Dầu khí Việt Nam gửi ngân hàng lấy lãi chi tiêu ngoài sổ sách kế toán.

Từ trái qua, bị cáo Hiệp, Hoàng và Tấn nghe tuyên án ngày 30/9

Từ trái qua, bị cáo Hiệp, Hoàng và Tấn nghe tuyên án ngày 30/9

Sau hai ngày xét xử, ngày 30/9, ông Trần Khắc Hiệp, cựu Trưởng Ban Quản lý dự án công trình liên hợp lọc hoá dầu Nghi Sơn, bị TAND Hà Nội tuyên phạt 4 năm tù về tội Lập quỹ trái phép.

Liên quan vụ án, cùng tội danh, ông Lê Xuân Hoàng, cựu kế toán trưởng kiêm trưởng phòng Tài chính kế toán dự án Nghi Sơn cùng thuộc cấp Nguyễn Mạnh Tấn, lần lượt lĩnh 4 năm và 2 năm tù.

Cáo trạng của VKSND Tối cao xác định, năm 2008 - 2017, ông Tôn Anh Thi và Trần Khắc Hiệp thay phiên chức Trưởng Ban Quản lý dự án lọc hoá dầu Nghi Sơn. Với nhiệm vụ này, các ông được PVN ủy quyền đàm phán, ký kết và thực hiện hợp đồng với Công ty TNHH Lọc hoá dầu Nghi Sơn.

Sau khi nhận được tiền thanh toán cho Hợp đồng san lấp mặt bằng hoàn thiện và Hợp đồng nạo vét công trình biển gói BoQ2, ông Thi, Hiệp bàn với Hoàng sử dụng 1.600 tỷ đồng nguồn tiền này và 50 tỷ đồng từ nguồn do PVN cấp để gửi tại hai ngân hàng trong thời gian ngắn từ một tuần đến một tháng.

Trong 4 năm (2011 - 2015), ông Hiệp ký 66 hợp đồng gửi 1.600 tỷ đồng thuộc sở hữu của Ban Quản lý dự án vào các ngân hàng, sinh lãi 20 tỷ đồng. Song chỉ 1,6 tỷ đồng tiền lãi được chuyển về tài khoản của Ban. Hơn 18 tỷ đồng còn lại, kế toán Hoàng và Tấn rút tiền mặt, sử dụng theo chỉ đạo của ông Hiệp. Hành vi này được xác định đã gây thiệt hại cho PVN.

Ông Thi cũng bị truy tố về tội Lập quỹ trái phép song được VKSND Tối cao đình chỉ, miễn trách nhiệm hình sự. Ông được xác định sử dụng tiền lãi vào chi trả bồi thường cho hai gia đình nạn nhân thiệt mạng khi giải phóng mặt bằng, theo yêu cầu của chính quyền tỉnh Thanh Hoá.

TP.HCM: Cấm xe qua cầu Nguyễn Hữu Cảnh gần 6 tháng

Cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh, cấm xe từ ngày 3/10 đến 29/3/2021 để phục vụ việc chống ngập, sửa chữa tuyến đường cùng tên dài 3,2 km.

Cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh (làn bên phải) cấm xe từ 3/10 đến hết 29/3/2021

Cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh (làn bên phải) cấm xe từ 3/10 đến hết 29/3/2021

Để tổ chức hướng đi mới, dải phân cách ngăn hai phần làn ôtô trên đường Điện Biên Phủ, đoạn qua giao lộ đường Nguyễn Văn Thương, sẽ được tháo dỡ để tạo điểm quay đầu.

Cầu chỉ cho xe chạy một chiều nên lộ trình mới cho ôtô khi đi qua đây: Cầu Sài Gòn - đường Điện Biên Phủ (quay đầu tại giao lộ Điện Biên Phủ - Nguyễn Văn Thương) - Điện Biên Phủ - đường bên hông cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh - Nguyễn Hữu Cảnh.

Lộ trình cho xe máy: Cầu Sài Gòn - đường Điện Biên Phủ - quay đầu tại ngã tư Hàng Xanh - Điện Biên Phủ - hẻm 602 Điện Biên Phủ (Nguyễn Văn Thương nối dài) - Nguyễn Hữu Cảnh.

Triển khai tháng 10 năm ngoái với tổng đầu tư gần 473 tỷ đồng, dự án sửa đường Nguyễn Hữu Cảnh qua địa bàn Quận 1 và Bình Thạnh giúp giải quyết ngập úng cho khu vực. Hiện 1,2 km trong tổng chiều dài 3,2 km cần sửa chữa đã xong. Nhà thầu thi công cuốn chiếu, xong đoạn nào tái lập đoạn đó. Dự kiến toàn bộ dự án sửa chữa hoàn thành trước 30/4/2021.

Hơn 250 công dân Việt Nam từ Hàn Quốc trở về nước an toàn

Ngay sau khi hạ cánh xuống Sân bay quốc tế Nội Bài, những người tham gia chuyến bay đã được giám sát y tế và cách ly tập trung theo đúng quy định.

Hơn 250 công dân Việt Nam từ Hàn Quốc trở về nước an toàn

Hơn 250 công dân Việt Nam từ Hàn Quốc trở về nước an toàn

Ngày 30/9, các cơ quan chức năng Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc và hãng Hàng không Vietjet đã phối hợp với các cơ quan chức năng Hàn Quốc đưa hơn 250 công dân Việt Nam về nước an toàn.

Hành khách trên chuyến bay bao gồm trẻ em dưới 18 tuổi, người cao tuổi, phụ nữ mang thai, lao động hết hạn hợp đồng, không có nơi cư trú, sinh viên không có nơi lưu trú do ký túc xá đóng cửa và các trường hợp đặc biệt khó khăn khác. Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc đã cử cán bộ trực tiếp hỗ trợ công dân tại sân bay.

Chuyên đề